Ngôi trường trung tiểu học nằm cuối con đường Thiệu Trị, cạnh đó là bến đò Lê Quang Liêm, ngã sông rẽ vào Rạch Ông Buông, chảy thông ra Phú Lâm. Nhờ gần sông rạch, sau lưng trường có một cái ao cạn bỏ hoang.
Năm 76, hưởng ứng phong trào " trồng cây nhớ bác", bà Hiệu Trưởng vận động toàn thể giáo viên học sinh xuống ao vét bùn đắp thành bờ đê xung quanh. Sau ba ngày thi công, cái ao cạn thành ao cá Bác Hồ. Vườn cây là bốn bờ đê trồng bốn mươi cây Mãng Cầu Xiêm, loại cây ghép giống Bình Bát mới phổ biến, chỉ ba năm đã có trái.
Thành tích này đã biến ngôi trường trung tiểu học nhỏ hẻo lánh trở thành một ngôi trường tiên tiến nhất thành phố. Ngoài việc bận rộn tiếp đón các phóng viên báo chí đến chụp hình, phỏng vấn, ban Giám Hiệu còn đôn đốc tất cả mọi người lúc nào cũng phải đặt mình trong vị trí khuôn mẫu, vì bất chợt có thể có các đơn vị trường bạn đến học tập gương tiến tiến điển hình mà trường đạt được.
Thời gian sau, những đợt thăm viếng ngớt dần. Các trường bạn vẫn không sao học tập được tấm gương trồng cây nuôi cá. Đối với những trường trong quận huyên nội thành, kiếm một miếng đất đen trồng cây lấy bóng mát cho trẻ chơi đã khó, còn nói chi đến chuyện đào ao lập vườn.
Không có ai phá thành tích lao động kể trên, nên trường nghiễm nhiên đoạt danh hiệu tiên tiến nhất thành phố trong năm năm liền. Tập thể giáo viên mừng thầm, chỉ một lần bỏ công, mà năm nào trường cũng về nhất.
Qua năm thứ sáu, ban Giám Hiệu bắt đầu cảm thấy lúng túng khi làm bản báo cáo thành tích hàng năm. Thầy Mang, trước là Hiệu Phó, nay mới được đề cử thay bà Hiệu Trưởng vừa lên Ban Giáo Dục nhậm chức Phó Ban, không lý do gì lấy thành tích cũ làm của mình. Hơn nữa, không thể báo cáo mãi cái thành tích đến lần thứ sáu. Thầy tính nẫu người. Mấy hôm thăm ao, bùn đóng đáy rất dày làm cá rô phi sinh sản kém, giờ cũng nên tính chuyện vét ao. Nhưng mới nói dèm, phía nữ đã phản đối kịch liệt. Phải có một thành tích mới. Dự án thì không thiếu. Cái khó chính là chỗ vận động con người khi họ cố lách mình ra khỏi các cuộc thi đua. Sức mạnh của phong trào thi đua giống như một cơn lốc. Trong đó, mọi vật toát ra một hấp lực tác động lẫn nhau, cái nọ đẩy cái kia để sau đó tất cả cùng bốc lên trời.
Cuối cùng ban Giám Hiệu nghiệm ra rằng, họ không thể nào ngưng đạt danh hiệu tiên tiến. Vì mất, có nghĩa là cả tập thể giáo viên tụt hậu. Dù có viện lý do gì, cũng sẽ không được Ban chấp nhận. Vì chính Ban cũng không thể giải thích trên cấp Thành, họ không giữ được số trường tiên tiến do Ban quản lý. Cũng cùng một mối ưu tư như thế, cấp Thành nhắc nhở Quận trước mùa báo cáo tổng kết cuối năm. Và Ban Giáo Dục Quận lại chạy xuống trường đôn đốc, động viên.

*

Thầy Mang thả người trên chiếc ghế bành, thở phào. Cuối cùng, mọi việc hoàn tất như dự định. Bản tổng kết thành tích toàn trường dầy mười lăm trang đánh máy. Mỗi trang là một thành tích của mỗi khối, nói lên sự nổ lực của tập thể thầy trò trong cả năm.
Quan trọng nhất là cách viết. Đôi khi cùng một sự kiện, mỗi người viết một cách. Người viết ví như người đầu bếp, tuy cùng dùng những vật liệu mà mỗi bát phở có những hương vị khác nhau.
Với ngòi bút linh động, giọng văn hùng hồn, và lối diễn giải sinh động, thầy đã trở thành thỏi nam châm thu hút sự thán phục của gần ngàn cử tọa. Những buổi xét duyệt, bình bầu đơn vị xuất sắc của Đại Hội toàn ngành cấp quận, cấp thành đều thông qua nhanh chóng. Một lần nữa, trường trung tiểu học P.Đ. đạt được danh hiệu xuất sắc toàn thành lần thứ sáu. Thêm một phần thưở ng khác, thầy được bình tuyển là Chiến Sĩ Thi Đua xuất sắc của thành phố. Sự bất ngờ này đã làm thầy lúng túng khi lên nhận cờ và bằng khen. Lẽ ra, phải nói một lời gì đó để cảm ơn và hứa hẹn, thầy lại lập cập không ra lời. Khi bước xuống khán đài, tiếng vỗ tay còn chưa ngớt. Aâm thanh cứ bay bổng lên cao. Thầy lướt qua những hàng ghế, tay vẫy cao cờ hiệu. Những ánh mắt, những nụ cười rạng rỡ ngó theo.
Giữa rừng người hớn hở, thầy dễ dàng nhận ra đơn vị mình. Sắc mặc họ nghiêm và hơi tái. Thầy cũng tắt nụ cười, ngồi cạnh họ. Tất cả chuyền tay nhau ngắm nghía lá cờ hiệu. Không ai nói với ai câu nào. Họ chỉ nhìn nhau, ái ngại.

*

Hơn mười giờ sáng. Anh Hai, nhân viên hành chánh lửng thửng tới trường. Giờ học, sân trường vắng vẻ. Mấy con chim se sẻ vừa sà xuống sân, nghe động vụt bay lên. Anh dựng xe đạp sát bờ tường. Lục trong túi vải một bức thư khẩn trên Ban Giáo Dục Quận gửi, anh có lý do tới trễ.
Ban Giám Hiệu vắng mặt. Người tiếp thư là ông Miên, thư ký hành chánh thâm niên. Ông nhấc cặp kiếng, đọc đi đọc lại lá thư nhiều lần. Khi ông nhìn lên, đôi mắt thảng thốt, lo âu.
" Chết cha rồi. Vậy là tiêu." Ông rên rĩ, " Ông Mang đâu?"
Một nhóm giáo viên trẻ đang rì rầm trò chuyện ở cuối phòng, ngạc nhiên đưa mắt nhìn.
Ông Miên giải thích, " Ban Giáo Dục thông báo, ngày mốt trên Sở xuống tham quan trường mình. Trời ơi, vậy là... chết."
" Không sao đâu," Thầy Huy trấn an, " Họ xuống mấy lần rồi mà"
" Thì cứ cho họ coi ao cá, rồi tặng mãng cầu như năm rồi." Một anh giáo viên thể dục tiếp lời.
Ông Miên xua tay:
" Lần này khác. Năm nay trường mình đạt danh hiệu tiên tiến toàn thành lần thứ sáu. Ngoài điểm vượt chỉ tiêu dạy và học ra, nổi bật nhất là thành tích lao động. Vụ ao cá xưa rồi. Kỳ này, nhờ ông Mang báo cáo trường mình thành công trong việc nuôi bò nên mới đạt tiên tiếnụ. Từ một con bò mẹ, bây giờ mới đẻ ra một con bò con." Đoạn, ông hạ thấp giọng, " Chủ yếu là họ đến cốt để xem bò."
Mươi cặp mắt tròn xoe, đổ dồn nhìn ông:
" Ủa, bò ở đâu?"
" Trường mình có bò à?" Cả nhóm ngơ ngác hỏi.
Ông Miên nhăn mặt, gãi đầu, che vẻ thẹn như chính ông nói dối:
" Làm gì có," rồi ngập ngừng, " Ông Mang kẹt... nên báo cáo vậy thôi. Đâu ai ngờ, họ đòi xuống coi gấp như vậy."
Chỉ mươi phút sau cả tập thể gần sáu mươi giáo viên đều biết tin. Sư lo âu lan truyền như cơn sốt. Họ kéo nhau đến trước văn phòng bàn tán, hỏi thăm. Một vài người phàn nàn:
" Ông Mang thật vẽ chuyện, không đạt tiên tiến thì thôi. Vẽ bò, vẽ ngựa làm chi... Rõ khổ."
Thầy Giang, gíáo viên già nhất trường chép miệng, thở dài:
" Phóng lao thì phải theo lao. Ngưng thi đua, mà được à. Không khéo họ sẽ đến săm soi coi mình tụt hậu ở chỗ nào còn phiền hơn nữa." Ông nheo mắt nhìn mọi người dặn dò, " Ông Mang cũng vì tập thể thôi. Chốc nữa, các anh chị đừng ai trách gì ông ấy nhé."
Mọi người làm thinh. Sự im lặng mặc nhiên đồng tình với thầy Giang.
Sau cùng, một giọng trầm ấm cất lên phá tan sự yên lặng:
" Vấn đề là làm thế nào nội ngày mai bò vẽ phải trở thành... bò thật."
Mọi người nhìn nhau, lo âu. Mấy chục bộ óc cùng suy nghĩ một đầu đề hóc búa như đề thi đại học. Không khí trong phòng chĩu nặng.
Thầy Dũng, chua chát pha trò:
" Cũng còn may, ổng chỉ vẽ con bò... nếu vẽ voi còn khổ nữa.
Cuối cùng, tập thể giáo viên đều nhận ra sự đề cử thầy Mang vào chức vụ Hiệu trưởng thật xứng đáng. Ngoài những tiêu chuẩn cần thiết, ông còn có khả năng ứng phó nhạy bén với mọi tình huống khó khăn bất ngờ.
Khác với mọi người, khi nhận được tin trên, ông thừ người suy nghĩ. Chỉ lát sau, ông bật dậy, nhanh nhẹn phân công: anh Khẩu, anh Nhơn, hai nhân viên bảo vệ chịu trách nhiệm đóng chuồng; cô Bình, cô Dung, thầy Vĩnh, và những người sống gần vùng Bình Chánh, Rạch Kiên lãnh phần dọ hỏi mượn hoặc thuê bò tạm thời trong mấy ngày; một vài người kiếm rơm, số khác cắt cỏ; đại đa số còn lại chuẩn bị kêu gọi học trò tổng vệ sinh trường lôùp và chuẩn bị những phần chuyên môn học tập.
Ngay sau đó, một khoảnh sân được quét dọn sạch sẽ. Hôm sau, hai anh bảo vệ đã lo cưa cây, đóng chuồng. Đến xế, anh Khẩu trãi rơm và để một thúng cỏ tươi. Việc lùng kiếm bò vẫn chưa tới đâu.
Giờ chơi, học trò túa ra ngắm cái chuồng bò trống không.
Tối đó, anh Khẩu tới phiên trực. Anh ngồi vắt vẻo trên thành chuồng, ca ư ử mấy câu vọng cổ. Bên trong, thúng cỏ vẫn còn nguyên.

*

Tờ mờ sáng hôm sau, cô Bình chở một con bê non tới trường. Một giờ sau, thầy Vĩnh khó nhọc lắm mới lôi được con bò mẹ qua cổng.
Mọi người nhìn vào chuồng, lắc đầu. Hai mẹ con không giống nhau.
Chín giờ, phái đoàn thanh tra của Sở đến. Ngoài họ, còn có hai phóng viên của tờ báo thành phố đi kèm. Ban tiếp tân ra đón ngoài cổng là những giáo viên trẻ trong những chiếc áo dài đẹp mắt.
Sau khi nghe Ban Giám Hiệu báo cáo những thành tích dạy và học, những dự án phát triển trường lớp... phái đoàn được đưa đến tham dự giờ dạy điển hình của cô Khánh, giáo viên giỏi của trường.
Mười giờ mười lăm, tiết thể dục giữa giờ. Thầy Dũng đánh trống giữ nhịp. Học trò xếp hàng ra sân, hàng trăm đứa như một, răm rắp làm động tác theo nhịp trống.
Đám học trò rất ngoan, những khi có khách lạ chúng cũng giữ ý, không nô đùa thái quá và tránh xa khu văn phòng.
Phái đoàn Sở tấm tắc khen. Ban Giám Hiệu mỉm cười hãnh diện.
Sau giờ chơi, phái đoàn được hướng dẫn đi thăm trường sở. Cuối cùng họ dừng lại trước chuồng bò.
Quả, bên trong có hai con bò thật. Con mẹ màu cát vàng, mang cục bướu gồ ghề trên lưng đang đủng đỉnh nhai cỏ. Bò con là một chú bê lang trắng đen, nhỏ như một con dê đứng run rẩy trong một góc chuồng.
Mọi người đứng quanh vòng rào ngắm hai mẹ con con bò. Nhiều người buột miệng hỏi:
" Lạ, mẹ vàng sao lại đẻ con lang trắng đen, hay nhỉ?"
" Ơ,... nó giống cha. Bố nó là loại bò tây lang trắng đen." Cô Bình mau mắn đáp.
" Ồ! Giống cha là may đấy, giống này là loại cho sữa nhiều nhất, không giống nào bằng." Anh phóng viên ra vẻ sành sõi " Sau này, trường tha hồ uống sữa tươi, ngày vắt được hai lần đấy."
Vài người trong đoàn bước hẳn vào trong, đưa tay rờ con bê.
" Này, hình như nó hơi nhỏ con, phải không?" Một người ngắm nghía, chặc lưỡi tiếc rẽ.
" Ừ, trông nó yếu quá nhỉ?" Một người khác đồng tình.
Có anh túm một nhúm cỏ tươi dí trước mặt nó. Con bê chớp mắt quay đầu đi chỗ khác, chốc chốc nó lại đưa lưỡi liếm mép liên hồi.
" Hình như nó thèm sữa."
Một anh trong đoàn cố đẩy con bê tới gần con mẹ. Nhưng nó trì chân lại, không muốn đi. Một người khác nhẩy vào chuồng giúp. Một anh bế con bê tới sát bụng con mẹ. Anh kia thò tay nâng vú cho bê con dễ bú. Bỗng, bò mẹ quẫy đuôi, rùng đít, kêu " bòo..." rồi ngoe nguẩy bỏ đi.
Ông trưởng đoàn quay qua hỏi ông Mang:
" Hôm Đại Hội, anh bảo nó được bốn hay năm tháng rồi, tôi quên mất."
Ông Mang lúng búng giải thích:
" Bốn,... bốn tháng thôi. Con bê hơi nhỏ vì đẻ muộn đấy." Ông nhìn mọi người phân bua " Nhưng không sao, có chế độ nuôi dưỡng tốt thì nó cũng chóng lớn thôi."
Mọi người gật gù đồng ý.
Đứng lâu, ông trưởng đoàn mỏi chân, người bắt đầu tựa vào thành chuồng. Ông Mang cũng tỳ tay vào cây đà đóng ngang phía dưới. Màu gỗ tươi lấm tấm rịn những lớp bụi bào mới cưa bắt đầu dính vào tay áo. Một hàng đầu đinh sáng mầu chì cắm sâu vào thân gỗ. Ông giật mình, bụng rủa thầm anh Khẩu, anh Nhơn vô ý dùng toàn đồ mới.
Để tập trung sự chú ý của mọi người, ông bước ra sân cười giả lả. Ông đại diện tập thể, ngỏ ý cảm ơn sự quan tâm sâu xa của Sở Giáo Dục Thành và Ban qua cuộc thăm viếng. Sau hết, ông mời phái đoàn tham dự một bữa tiệc đặc biệt do trường chiêu đãi: cháo cá, cá được vớt từ ao của trường và mãng cầu xiêm vừa mới hái.
Khi tiếng vỗ tay đã ngớt, mọi người vui vẻ khoác tay nhau lần lượt tiến về phía hội trường
Tiếng cười nói râm ran xa dần, cái chuồng bò đột nhiên trơ trọi. Sau rào cửa, chỉ còn lại hai mẹ con bò nhìn nhau lạ lẫm.
Nguyễn Thị Thảo An