Chiều rơi thành từng giọt ướt đẫm mặt đường. Gió mênh mang về, lạnh sắt se qua từng kẽ lá. Có thằng bé thân gầy như cọng cỏ, đen nhẻm, bước từng bước lầm lũi dưới cơn mưa vội đầu đông. Đường Phượng bay lá vàng rơi mênh mang, cánh từng cánh tinh nghịch chao nghiêng như chơi trò cút bắt. Đám cỏ xanh ướt ngọt và rêu phong thành cổ - Xứ mộng mơ nên cảnh sắc cũng hoá thành thơ.Huế hoàng hôn nhẹ nhàng như tiếng thở, dịu dàng như ánh mắt cô gái độ xuân thì. Ừ, thằng bé chẳng biết được thế đâu! Nó chỉ đi lặng lẽ, về lặng lẽ. Và nó lại nhớ...Năm nó mấy tuổi, nó cũng không nhớ nữa, nó hay ngồi trong góc thuyền, góc đường, góc phố... thật buồn cười, nó thích cảm giác được tựa lưng vào một chỗ dựa vững chắc. Hôm đó Hoàng thành mưa bay, đường Phượng bay lá rơi đầy mênh mang trên phố, vàng cả ngõ tâm tư. Nó ngồi trong góc khuất của dãy lan can chạy dọc hồ trước mặt Lầu Ngũ Phụng, nhìn mông lung vào một khoảng không gian chừng như vô tận, bầu trời Huế một màu trắng đục, nặng lòng những giọt lặng tâm tư, dường như chẳng thể nói ra và cũng chẳng biết nói cùng ai... Có một người lạ cao lớn bước ngang qua nó, như bao người khách ngoại quốc khác đến thăm nơi này, dạo qua những cung điện rêu xanh ngậm ngùi hoài cổ rồi mang những nỗi niềm riêng mà ra đi. Cái khoảng lặng quanh nó mênh mông lắm, nó như nhìn thấy một tà áo tím thước tha đi dọc những bức tường rêu xanh kia, đưa bàn tay mềm vuốt ve những giấu lòng của năm tháng. Dưới bàn tay ấy, những lặng lẽ hoài nghi của tháng năm mỉm cười rồi yên nghỉ, màu tím mênh mang ngả bóng xuống đền đài, ru cả không gian chìm lặng vào hoàng hôn, một màu tím huyễn hoặc dịu dàng. Người khách nước ngoài ấy bỗng nhiên quay lại và dừng chân trước mặt nó, nó không ngạc nhiên, cũng không buồn nhìn lên, mắt nó đang đắm chìm trong cõi mông lung những dịu dàng và thanh thoát, tâm hồn cũng nhẹ tênh như những chiếc lá phượng nhỏ mong manh đang tinh nghịch bay đùa theo gió kia. Người đàn ông cúi xuống, đưa tay cầm lấy bàn tay đen nhẻm và bẩn thỉu của nó, và bằng một cử chỉ rất đỗi nhẹ nhàng và thân thiện, ông ấy đặt vào lòng bàn tay nó một tờ giấy bạc. Nó đưa mắt nhìn ông, thấy mắt ông ấy đang cười, một nụ cười mang theo mùa ấm áp. Bỗng những âm thanh ồn ào ùa tới, xô vỡ những ấm áp mong manh, những đứa trẻ trạc tuổi nó, bẩn thỉu như nó vây lấy người đàn ông, phát ra những thanh âm chậm đục, đều đều. Nó nhìn thấy một thằng nhỏ cao gầy nhón tay lấy một thứ gì đó từ trong balô của người đàn ông, rồi nhẹ nhàng thối lui mặc cho cả lũ đang nhao nhao chìa tay ra trước mặt con người ấm áp đó.Sự tĩnh lặng lại trở về, thằng bé ngẩn ngơ nhìn vạt cỏ lúc nãy có người đàn ông đó đứng, thấy màu xanh dịu dàng và vô tận kia chợt tươi mát lạ kì, và bỗng nhiên, nó như ghen tị với những ấm áp mà cọng cỏ mềm kia có được, dù lâu hơn nó chỉ vài phút giây. Nhưng chỉ một lát sau người đàn ông đó quay trở lại, mang theo những hồ nghi. Có một người đàn ông nữa đi theo ông ta, hình như là người phiên dịch, người đó hỏi nó có thấy ai lấy món đồ trong balô người khách ngoại quốc đó không? Nó lắc đầu. Người đàn ông đó nói gì đó với người ngoại quốc, sau đó hai người bỏ đi. Nó còn kịp nhìn thấy đôi mắt ấm áp đó buồn bã nhìn nó, đôi mắt chất chứa sự thất vọng, nghi ngờ và thương hại. Đôi mắt đó ám ảnh nó nhiều, đến mức nó không còn dám nhìn vào mắt ai nữa, điều đó tựa hồ như một sự sám hối, vì sao thì chính nó cũng không thể biết được.Buổi tối đầu tiên nó đến học ở lớp tình thương này, cô giáo ra đón nó ở cửa lớp. Cô dắt tay nó vào đứng trước những dãy bàn dài và cũ kĩ rồi bảo nó tự chọn chỗ ngồi, nó đến ngay bàn cuối, ngồi vào góc lớp. Cô giáo rất quan tâm đến nó, thường cầm bàn tay nó uốn nắn từng chữ cái, cô bảo “Nét chữ nết người”, nó loay hoay giữa những hoài nghi không biết con người nhận ra cái “nết” của nhau bằng cách nào qua những con chữ. Chẳng biết nhìn chữ nó còng queo như thế cô giáo có hiểu được nó thương cô lắm không. Buổi học cuối năm cô giáo ra bài văn tự do, bảo các em hãy trải lòng ra viết những điều mình muốn. Nó nghĩ ngợi lung lắm, cũng chẳng biết nên viết gì, nó nghĩ về người đàn ông và nụ cười ấm; nó nhớ những ngày đông mẹ chở nó đi lục từng thùng rác, mùi tanh hôi thấm vào từng sớ vải, từng nhịp thở run run của hai mẹ con tựa vào nhau; nó nhớ những bữa cơm ấm trong tay mẹ, nghe mẹ bảo mai mua cho con cái áo bông mặc kẻo rét, mùa đông đến rồi; nó nhớ mùa nước lũ tràn về, đò nhà nó dập dềnh theo sóng nước; nó nhớ con sóng huyễn hoặc ôm nó ngơ ngác mang đi, mẹ nó soãi tay đuổi sóng, đưa nó trở về; nó nhớ mảnh vải trắng chít trên đầu ngày tiễn đưa mẹ nó đi xa cùng cơn lũ; và nó nhớ, chao ôi mênh mông là nhớ... Sau ngày giỗ đầu của mẹ, nó bỏ nhà đi, nó không nỡ dang tay xua đuổi những mảng hồi ức, lại càng không cưỡng lại được những đêm mơ thấy mẹ nó trở về tìm, đôi bàn tay gầy vuốt đầu tóc cháy nắng của nó, bảo con gắng đi học nghe con, mai này khôn lớn nên người. Nó bảo ô hay, không lẽ bây giờ nó không phải là người? Mẹ cười, nụ cười vàng héo hắt như mùa con nước lũ mênh mông... Cô giáo đọc bài của nó và khóc nhiều lắm, sau buổi học cô gọi nó lại, hỏi em ăn ở đâu, em ngủ ở đâu, nó chỉ lặng một câu: “Ở đâu cũng được!”. Cô giáo bảo: “Em về ở với cô”. Nó mông lung.Có một bữa bạn nó bảo cô bị thằng Kéo lấy cắp đồ, nó tròn mắt hỏi: “Lúc nào?” – “Hôm kia”, nó hỏi: “Mất gì?” – “Cái đồng hồ mẹ cô để lại cho cô, hôm kia cô rửa tay xong cởi ra đặt trên bàn, thằng Kéo thấy nên lấy mất”, nó hỏi: “Sao không nghe cô hỏi ai lấy?” – “Cô chỉ khóc thôi, rồi không nói gì cả”. Cả buổi học, nó chỉ nhìn cô, nó thấy cô vẫn giảng bài như mọi ngày, cô vẫn đi dọc hai dãy bàn hỏi các em còn chỗ nào chưa hiểu bài không? Mắt cô vẫn ấm, bàn tay cô vẫn ấm, và nó thấy lạnh dọc sống lưng, nhớ đôi mắt nghi ngờ, thương hại...Nó chặn đầu thằng Kéo trên đường về, hai tay nắm chặt. Thằng Kéo bảo tau bán cái đồng hồ rồi, được có mấy chục, đồ gì mà cũ mèm. Chỉ nghe tới đó nó đã vật thằng Kéo ra và đánh hắn một trận nhừ tử. Tối hôm sau cô giáo thấy thằng Kéo mặt đầy những vết bầm xước đến lớp, mắt hắn gườm gườm, cô hỏi sao lại đánh nhau? Hắn bảo “Chỉ mới cho vay thôi!”.Nó lại ngồi trong một góc khuất của cuộc đời, lặng lẽ nhìn những áng mây bay qua nhàn nhạt, những cơn gió thổi qua lành lạnh, và mơ hồ nghe tiếng gọi cuộc đời. Ngày nó bỏ cô đi cũng đã lâu rồi, nó mơ hồ nghe những âm ỉ của nỗi nhớ, tự hỏi sao tình thương lại mang đến cho con người những giằng xé quắt quay, đau lòng đến vậy; và nó mơ hồ, mơ hồ không biết nên đi về đâu? Nó chỉ như một dấu lặng, một chiếc lá phượng bay trên những hoài niệm của thời gian, thả theo gió cuốn mơ hồ đi mãi... TT.Trần Thị ThuýSở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế Số 8 Lý Thưòng Kiệt, TP. HuếĐT: 0979.607.668