AT - Năm tôi hai mươi tuổi, cha tôi dẫn thằng con trai ra ngoài vườn chỉ vào cây me già cỗi mà bảo rằng: đây là ranh đất của nhà mình, từ đây ngắm theo đường thẳng lên trên bờ kinh đằng trước, bên tay trái là đất của bác Năm.
Hồi đó cha với mẹ ra riêng, ông nội chia cho hai chục công ruộng, năm công vườn tính luôn khu mộ của dòng họ. Hai chục công ruộng thì bây giờ còn lại đâu chừng mười bảy, mười tám công gì đó do Nhà nước đưa cơ giới vào đào một con kênh xổ phèn cắt đi một phần. Còn một nguyên nhân nữa góp phần làm hai chục công đất ruộng nhà tôi teo tóp lại như bây giờ mà tôi biết cha cố tình không nhắc đến. Đó là bác Năm - bác ruột của tôi, hằng năm đến mùa cày kêu máy cày lấn lưỡi cày qua bờ chút đỉnh. Lâu dần cái chút đỉnh chẳng đáng là gì so với tình anh em ruột thịt như lời cha tôi nói cũng đủ làm cho đất bên đó phình to ra nhiều so với diện tích thực tế trên giấy chủ quyền.
Nhớ năm chín mười tuổi gì đó, có lần tôi phụ cha cắm gò sạ lúa, cứ đinh ninh là đất của mình hai chục công thì cứ lấy tầm mà đo mỗi công mười hai tầm vuông là ngon lành, cứ thế rút sậy cặm xuống. Ai dè vừa cặm xong thì anh Út con bác Năm trạc tuổi tôi từ trên bờ ruộng bên kia phóng xuống ầm ầm lội sang chẳng nói chẳng rằng nhổ phăng mấy cây sậy tôi vừa cặm làm dấu. Nhổ xong còn chỉ vào mặt tôi: "Đui hả mậy, không thấy bờ ranh ở đây hay sao? Cặm lại, không tao đánh cho chết cha!". Tôi cũng đâu phải tay vừa, xắn tay áo lên hùng hổ: "Tao đ... biết bờ ranh bờ riếc gì hết, đất nhà tao hai chục công thì cứ đo tới, thằng nào cản đập phù mỏ. Nhứt là mấy thằng không biết đá banh mà giỏi chơi tiểu xảo ăn cắp đất!".
Thế là hai ông trời con lao vào nhau đấm đá túi bụi, đến khi cha tôi và bác Năm kéo ra thì thằng nào thằng nấy mặt mũi sưng vù, mình mẩy sình bùn giống hệt như hai con trâu vừa chui dưới hầm lên.
"Thằng Vũ nó nói cha ăn cắp đất của chú Sáu..." -  Anh Út vừa trông thấy bác Năm thì môi dưới đã trề ra rồi khóc ngon lành. Tôi thì cứ mải mê thọc đầu xuống mương rửa ráy, đến khi ngẩng lên gặp ngay cặp mắt giận dữ của cha tôi, chưa kịp hoàn hồn thì ông đã túm tôi tặng cho mấy bạt tai tóe lửa.
Chiều đó cha lôi thằng con bất trị qua bên nhà bác Năm bắt tôi khoanh tay xin lỗi bác Năm và anh Út vì cái tội hỗn xược, không biết tôn ti trật tự. Cha tôi cũng xin lỗi gia đình bên bển vì cái lỗi không biết dạy con. Suốt cả buổi vợ chồng bác Năm chẳng ừ hử một tiếng khách sáo mà chỉ thỉnh thoảng hừ nhẹ bằng giọng mũi và nhếch mép cười lạnh lẽo ra vẻ dửng dưng của bậc bề trên theo cuối mỗi câu xin lỗi của cha tôi.
Nhiều năm về sau, lòng tôi dần nguôi ngoai vì cái tát tai của cha ở ngoài ruộng. Mỗi khi sờ lên má, tôi lại bật cười vì cái chuyện tranh chấp đất đai thời trẻ con của mình. Chuyện cái tát tai của cha, chuyện đánh nhau với anh Út ngoài ruộng năm nào tôi có thể quên nhưng cái nhếch mép lạnh lẽo vô hồn của vợ chồng bác Năm thì tôi không tài nào quên được, nó cứ ám ảnh suốt thời gian mỗi khi tôi đi học về ngang. Tôi lại tưởng tượng ra cả cái cảnh những hôm tôi tan học về, trời sẩm tối vắng người, bác Năm sẽ từ một lùm cây nào đó bất thần nhào ra trói nghiến và nhét giẻ vào miệng tôi.
Vợ chồng bác sẽ mang tôi ra ngoài bờ ao chặt tôi ra từng khúc giống như làm cá rồi vùi xuống con mương sát bờ ranh vì cái tội dám giành đất và đánh nhau với con của bác. Những hình ảnh khủng khiếp mà tôi vẽ ra trong đầu là hậu quả của việc xem triền miên những bộ phim kinh dị từ cái đầu video ở cái quán cà phê đầu xóm, mỗi tối chiếu toàn những bộ phim đầy cảnh máu me rùng rợn. Trẻ con xem xong chẳng thà vạch quần tè trong góc nhà chứ chẳng dám đi ra ngoài đái vào ban đêm. Sợ thì sợ nhưng hôm sau vẫn xin tiền mẹ đến coi tiếp, mỗi lần xem như thế phải đóng cho chủ quán năm trăm đồng tiền mua dầu chạy máy phát điện. Sợ đến mức tôi học hành sa sút hẳn, chẳng dám đi ngang nhà bác nữa, cha mẹ tôi phải gửi về bên ngoại để học tiếp.
Mỗi khi về thăm nhà tôi chẳng thà đi tắt đường ruộng băng qua khu nghĩa địa chứ không đủ can đảm đi ngang nhà bác Năm. Nỗi sợ hãi này đeo bám đến khi tôi lên học cấp ba mới tiêu tan và đó cũng là năm bác Năm trai tôi mất sau một cơn tai biến mạch máu não. Khi bác Năm chết gia sản bác để lại cho anh Út chỉ còn vỏn vẹn năm công đất ruộng gọi là đất hương hỏa, số còn lại phần thì chia cho những người con khác lập gia đình ra riêng, phần thì đã bán lấy tiền chạy chữa thuốc thang cho bác trong những ngày nằm viện.
Năm tôi vào đại học cũng là năm anh Út lấy vợ, để có người đỡ đần việc nhà vì bác Năm gái đã tuổi cao sức yếu. Trước ngày cho đồ bên đàng gái, bác Năm gái lọ mọ chống gậy sang nhà tôi hỏi vay năm chỉ vàng để sắm sửa sính lễ cho anh Út. Mẹ tôi ý không muốn nhưng cha tôi thì nhất quyết đưa cho bác với lý do: bác Năm mất thì cha cũng phải có trách nhiệm với nhà bển, bởi sẩy cha thì còn chú. Chuyện tiền nong để tôi lên Sài Gòn học thì bán vài chục giạ lúa trong nhà cũng đỡ được vài tháng, sau đó tính tiếp cũng được, bởi nhà mình dầu gì thì cũng ít con và đỡ hơn bên đó. Cũng vì chuyện lo bao đồng này mà mẹ tôi giận cha suốt cả tháng trời mới nguôi ngoai.
Năm chỉ vàng mà bác Năm sang vay để mua đồ sính lễ cho anh Út cưới vợ đến ngày tôi tốt nghiệp ra trường nhà bển vẫn chưa đưa được một tháng lãi gọi là chứ đừng nói gì đến chuyện trả vốn. Cha tôi cũng chẳng một lần sang ngỏ ý đòi lại, thỉnh thoảng cãi nhau mẹ tôi lại đem chuyện năm chỉ vàng bỏ sông bỏ biển đó để làm dẫn chứng cho việc cha nhẹ dạ cả tin, rồi lại lấy chuyện mấy thước đất ruộng bị lấn sang hồi đời xửa đời xưa để làm cho câu chuyện trở nên gay gắt hơn. Khi thấy đến hồi gay cấn, nói thêm chỉ đổ thêm dầu vào lò lửa của mẹ thì cha tôi lẳng lặng đi ra ngoài ruộng đến tối mịt mới về.
Sau này nhà gắn được cái điện thoại bàn, cha thường điện lên cho tôi hỏi chuyện học hành, tiền bạc, nhất là sau mỗi lần cha mẹ cãi nhau thì cha lại điện. Lâu dần thành lệ, mỗi khi có điện thoại của cha thì tôi biết rằng ở nhà lại xảy ra chuyện. Có lần cha than phiền với tôi rằng dạo này mẹ tôi tính tình hay gắt gỏng và thường đem chuyện hồi xưa ra để làm đề tài tranh luận, cãi vã.
Tôi đùa: "Chuyện này thì khoa học người ta gọi là hội chứng tổ rỗng đó cha ơi!". "Nghĩa là sao?" - giọng cha tôi ngạc nhiên. Tôi nén cười giải thích: "Tức là trong gia đình khi còn lại hai vợ chồng già, không có con cái để rầy la, đánh đòn thì đem nhau ra làm mục tiêu công kích để khuây khỏa vậy mà". "Ừ, chắc là vậy!" - giọng cha tôi qua điện thoại trở nên xa xăm buồn bã. Bỗng dưng ông lại nói tiếp: "Sau này con ra trường rồi về đây cha cho hết mấy công đất ruộng, cưới vợ đẻ con cho bả có cháu ẳm bồng đỡ buồn tay buồn miệng, tổ rỗng thành tổ đầy, cha cũng sắp đến lúc nghỉ ngơi rồi"...
Tôi ậm ừ qua loa. Không muốn cho cha biết dự định sau này khi ra trường của mình là sẽ bám trụ lại ở cái thành phố chật chội bụi bặm nhưng nhiều cơ hội thăng tiến này, còn chuyện về quê để bám vào mấy công đất ruộng... vừa nghĩ đến thôi tôi đã thấy nổi da gà ngán ngẩm. Tôi sợ mình sẽ lại trở thành một phiên bản của cha, rồi lại phải hầm hừ gầm ghè nhau vì chuyện đất đai với anh Út bởi năm công đất còn lại của bác Năm cho anh Út vẫn nằm chung bờ ranh với đất gia đình tôi. Thôi thì đất đai đó cha muốn cho ai thì cho, hoặc là bán đi lấy tiền gửi vào ngân hàng hằng tháng lấy lãi dưỡng già cũng được. Tôi chẳng màng đến. Nhưng thôi chuyện đó thủng thẳng nói với cha cũng được, nói ngay bây giờ e ông già bị sốc vì thằng con trai duy nhất từ bỏ quyền thừa kế hợp pháp.
Sau khi ra trường, dùng dằng mãi tôi mới chịu nghe lời ông già xin về một công ty tư nhân trong tỉnh chuyên chế biến hàng thủy hải sản xuất khẩu, phụ trách kiểm tra chất lượng quy trình chế biến trước khi đóng gói sản phẩm xuất xưởng. Công việc không mấy nặng nhọc nhưng khá nhàm chán và chiếm gần hết thời gian của tôi, nhất là vào những mùa thu hoạch tôm đồng loạt hoặc gấp rút thực hiện hợp đồng đúng thời hạn đã ký với đối tác nước ngoài. Để khỏi mất thời gian, tôi thuê nhà trọ để ở và ăn cơm cho tiện.
Hôm nào có tiệc tùng hoặc bù khú bạn bè thì bỏ luôn bữa cơm hôm ấy mặc dù đường về nhà không xa lắm, chỉ độ mươi mười lăm phút chạy xe gắn máy trên con lộ bêtông. Thỉnh thoảng no ngấy mấy món dầu mỡ tôi mới chạy xe về nhà một buổi nằm lúc lắc trên võng sau chái nhà chờ mẹ làm món canh chua cá lóc hoặc giết một con gà trộn chuối ghém.
Ăn xong tôi lại đi ngay, ít khi ngủ lại ở nhà qua đêm. Tôi sợ có thời gian ở lại thì phải nghe cha tôi ca mãi bài ca đất đai ruộng vườn, chuyện nông dân cả năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, cuối mùa vụ thu hoạch tính đi tính lại thì chỉ lấy công làm lời để có lúa ăn trong nhà khỏi phải chạy gạo từng lon. Còn chuyện qua nhà bác Năm để thăm nom hỏi han thì tôi chỉ đến một lần thắp nhang lên bàn thờ bác Năm trai trong lần từ Sài Gòn về, mà đó cũng để chiều theo ý cha chớ thật sự tôi không hề muốn.
Thỉnh thoảng khi uống cà phê sáng trước cổng công ty tôi gặp vợ chồng anh Út. Bằng tuổi tôi nhưng anh đã có hai mặt con, dáng nông dân khắc khổ giống như bác Năm, giống như cha tôi và hàng nghìn người nông dân khác ở quê tôi...cam chịu số phận của mình mà không hề có sự phản kháng dầu là yếu ớt.
Những buổi sáng như vậy anh đi trước gánh trên vai hai cái lồng nặng nề nhốt hàng trăm con chuột đồng, còn chị tất tả theo sau đầu đội thúng rau tay dắt theo đứa con gái lớn, đứa nhỏ có lẽ để ở nhà cho bà nội giữ. Anh chị cứ đi như thế suốt buổi sáng qua các con hẻm nơi có các quán nhậu chuyên trị món chuột đồng, nếu may mắn thì sẽ được mua bao hết số chuột ấy, còn chị thỉnh thoảng cũng được người ta kêu ghé lại mua vài bó rau lang, rau ngót...
Đứa con gái lớn cứ lẽo đẽo theo sau, gặp thứ gì cũng trố mắt nhìn thèm muốn nhưng chưa hề thấy nó đòi mẹ mua cho món gì. Có lẽ nó biết rằng có đòi mua thì chắc chắn cha mẹ nó cũng chẳng chiều theo ý nó nên mỗi lần theo cha mẹ đi chợ thì chỉ là một cuộc rượt đuổi trên đôi chân bé xíu không hơn không kém. Có lần trông thấy tôi trong quán cà phê nó gọi với theo cha đang đi phía trước bằng cái giọng trẻ con đầy ngưỡng mộ: "Cha, chú Hai đang uống cà phê kìa!". Hai tiếng cà phê hình như nó cố tình nắn nót, phát âm kéo dài ra như thể cà phê là một thứ sang trọng xa xỉ mà chỉ những người như chú Hai của nó mới có tư cách thưởng thức, còn nó và cha nó chỉ dám nhìn vào mà mơ ước.
Những lúc ấy anh Út như cố tình bước nhanh hơn, mặt hơi cúi gằm xuống đường, chị cũng kéo chiếc nón lá xuống che khuất khuôn mặt. Còn đứa nhỏ vẫn hồn nhiên vừa ngoái lại nhìn tôi vừa chạy theo kéo áo cha miệng liên tục: "Cha, chú Hai kìa!". Nó có biết đâu chú Hai của nó vừa lơ đễnh trả lời với bạn rằng đấy chỉ là một người quen trong quê ra, họ bán sản phẩm tăng gia sản xuất sau những buổi nông nhàn ấy mà! Người nông dân bây giờ biết cách làm giàu trên mảnh đất của mình lắm!
Bạn tôi chăm chú lắng nghe rồi gật gù nhìn theo vợ chồng anh Út, giọng thán phục giống y như các quan chức phát biểu trên tivi: Công nhận người nông dân xứ mình chịu thương chịu khó thiệt, cứ đà này chẳng bao lâu khoảng cách nông thôn và thành thị sẽ nhích gần lại cho mà coi! Tôi khẽ nhếch mép và cười thầm trong bụng: Nhích lại gần nhau chỉ với bằng mấy gánh chuột đồng và đôi ba thúng rau đội trên đầu như anh chị Út của tôi hả? Còn lâu, đúng là thứ lạc quan tếu của những kẻ no cơm ấm cật nhìn ra ngoài bằng lăng kính màu hồng nên thấy thứ gì cũng trơn tru sạch sẽ đâu biết rằng những người nông dân như anh chị Út tôi thì chắc chắn rằng họ chỉ cảm thấy cái khoảng cách này ngày càng sâu hun hút. Cay nghiệt hơn, tôi còn cho rằng hoàn cảnh gia đình anh Út bây giờ chẳng qua là bằng chứng cho cái câu đời cha ăn mặn đời con khát nước đó thôi.
Tôi hả hê khi cái bạt tai mà tôi phải chịu năm xưa mà cha con anh Út là nguyên nhân chính, mấy thước đất ruộng nhà tôi bị gia đình anh lấn chiếm và còn năm chỉ vàng cha tôi cho anh mượn để cưới vợ nữa...
Tất cả những món nợ đó khi sống cha anh đã không trả được cho tôi thì đến đời anh là con phải chịu trách nhiệm trả, không trả bằng chính giá trị của những món nợ đó thì phải trả bằng chính cuộc đời của anh, vậy mới là lẽ sòng phẳng ở đời.
“Về nhà gấp, cha con ổng tính chuyện gì mẹ không hiểu nổi. Có con về may ra ổng đổi ý...”. Giọng mẹ tôi qua điện thoại hổn hển ra chiều đang tức giận lắm rồi cúp máy. Khi về đến nhà, qua lời cha kể lại tôi mới rõ nguyên nhân sự giận dữ của mẹ. Chuyện là hôm qua anh Út tôi đột nhiên sang nhà bàn với cha khoản nợ năm chỉ vàng mà anh vay để cưới vợ, đến giờ gia đình anh không tài nào trả nổi cả vốn lẫn lời nên anh muốn cha tôi mua lại năm công đất của anh, sau khi trừ hết vốn và lãi phải trả của các năm qua, còn dư bao nhiêu anh xin nhận bằng tiền.
Sau đó gia đình anh sẽ dắt díu nhau lên sống với người chị thứ ba có chồng ở trên Bình Dương, nghe đâu vợ chồng người chị thứ ba của anh đang làm công nhân cạo mủ cao su trên đó. "Rồi cha không đồng ý và còn xóa nợ luôn cho anh Út chứ gì?" - không đợi cha kể hết câu chuyện, tôi cắt ngang. "Sao con biết? Mẹ đã nói hết rồi à?" - cha tôi ngạc nhiên. "Không, mẹ chẳng nói gì cả, chỉ kêu con về gấp. Nhưng qua lời cha kể nãy giờ và thái độ giận dữ của mẹ cộng với tính của cha từ trước đến giờ thì con cũng biết trước đoạn kết như thế nào rồi".
"Vậy ý con ra sao?" - giọng tôi dửng dưng: "Thì tùy cha, đất của ông nội cho cha, cha muốn quyết định sao cũng được, mai mốt cha mẹ đừng kêu con về vì mấy chuyện đất đai ruộng vườn nữa, con ngán lắm rồi!". Dứt lời, tôi ngẩng mặt lên nhìn cha, sẵn sàng chờ đợi một cái tát tai như năm nào ngoài ruộng vì cái tội hỗn hào, còn lần này vì cái tội ngán đất. Nhưng cha tôi vẫn ngồi bất động trên bộ ván và nhìn tôi thở dài, đôi vai ông như oằn xuống vì gánh nặng vô hình nào đấy được ông gánh qua mấy mươi năm nay mới cảm giác nó nặng nề quá đỗi. Một gánh nặng không người chia sớt. Chua xót, bàng hoàng.
Một tháng sau cái ngày mẹ điện tôi về gấp vì cái chuyện đất đai ấy nhưng rốt cục tôi chẳng giải quyết được gì mà chỉ tổ làm mọi việc rối tung lên thì mẹ lại điện lên lần nữa. Lần này, giọng mẹ có vẻ hể hả lắm, tôi chưa kịp hỏi chuyện của anh Út lần trước ra sao thì mẹ đã nói một mạch: "Xong rồi, chuyện gì có mẹ nhúng tay vào là thế nào cũng êm xuôi. Bác Năm gái mày với vợ chồng con cái của thằng Út cuối cùng cũng trả cho tao món nợ năm chỉ vàng.
Còn dư bao nhiêu, tao bán hết số vàng hồi đó bà ngoại cho làm của hồi môn để trả tiền mặt lại cho nó. Năm công đất đó bây giờ là của mình!". "Vậy còn gia đình anh Út?". "Thì như nó nói lúc trước, gia đình họ đã đi Bình Dương rồi, chớ ở lại một cục đất chọi chim cũng không có thì làm sao mà sống. Với lại còn một số tiền bán đất đó lên trển biết đâu kiếm được chỗ an cư lạc nghiệp hơn dưới này, nó nói vậy!". "Sao con thấy hơi ác, giống như mình đuổi người ta đi biệt xứ quá!". "Cha con mày thì lúc nào cũng yếu đuối còn hơn đàn bà, chuyện này là nó tự nguyện chớ có ai ép buộc đâu.
Cha mày tính xóa nợ nhưng nó không chịu, bảo đã vay thì phải trả nên tao mới giúp để nó khỏi áy náy, chớ để cho cha mày thì biết chừng nào mới dứt khoát được. Mồ mả của bác Năm trai thì tao thay cha mày hứa với nó là sẽ thăm nom chăm sóc giùm. Vậy là trọn tình trọn nghĩa quá rồi, còn đòi hỏi gì nữa".
Kể từ khi gia đình anh Út dời đi Bình Dương, cha tôi bỗng trở nên trầm mặc hẳn. Ông chỉ về nhà vào những bữa cơm và buổi tối để nghỉ ngơi, còn lại phần lớn thời gian cha thường ở ngoài ruộng, nhiều khi chẳng làm chuyện gì, ông cũng ngồi trầm tư ở một góc bờ ruộng đến khi tối mịt muỗi mòng vây quanh mới chầm chậm trở về nhà. Những khi tôi trở về nhà gặp cha, ông không còn nhắc đến chuyện đất đai ruộng vườn với tôi nữa, chỉ thỉnh thoảng thở dài rồi nói bâng quơ: "Không biết chị Năm với vợ chồng con cái của thằng Út ở trên Bình Dương bây giờ ra sao, nông dân mà không còn đất thì đâu còn là nông dân nữa!".
Vài năm về sau này, thỉnh thoảng cha tôi vẫn còn nhắc lại câu nói đó dẫu mấy chục công đất ruộng của nhà tôi và cả năm công đất của anh Út để lại đã được nhà nước đền bù giải tỏa để đưa vào quy hoạch xây dựng khu công nghiệp của tỉnh. Gia đình tôi nhận được một số tiền đền bù kha khá đủ để mua một căn nhà nhỏ trong khu dân cư dành cho những hộ thuộc diện giải tỏa, còn lại bao nhiêu tiền gửi vào ngân hàng hằng tháng được một ít lãi đủ chi phí trong gia đình. Cứ mỗi chiều, cha tôi thường ra phía trước nhà trông về hướng có những chiếc ống khói cao ngất chĩa tua tủa lên trời. Ở đâu đó, bên dưới những khối bêtông cốt thép của khu công nghiệp kia có đất của cha, của anh Út và những nông dân khác ở quê tôi giờ đây đã hòa lẫn vào nhau không còn ranh giới.
LÊ MINH NHỰT (Cà Mau)

Xem Tiếp: ----