Chương 22

Chiều thứ bảy. Ông An ở nhà một mình. Bà An và Yên Sương đã đi thăm Miên Trường từ sáng sớm. Đang ngồi đọc báo nơi trường kỹ ông ngước lên nhìn khi nghe có tiếng xe hơi ngừng nơi cổng. Một quân nhân từ trên xe jeep bước xuống. Tò mò và ngạc nhiên, ông An bỏ mắt kiến xuống để nhìn cho rõ hơn xong bước ra cửa để đón người khách lạ. Ông thấy người lính trọng tuổi này mặc bộ trây di, mang giày bốt, dáng đi từ tốn và bệ vệ. Khi hai người còn cách nhau ba bước ông khách ngừng lại giây lát đoạn bước tới gần.
'' Xin lỗi ông… Đây có phải là nhà ông giám học An? ''
'' Thưa ông đúng như vậy. Tôi chính là ông giám học An…''
Người lính mỉm cười cất giọng trầm, nghiêm và kiểu cách.
'' Hân hạnh được biết ông. Tôi là đại tá Hà, ba của Miên Trường…''
Ông An khẽ mỉm cười.
'' Tôi hân hạnh được gặp ông. Mời ông vào nhà uống tạm chén trà…''
Giọng nói của ông An cũng từ tốn, lễ độ và kiểu cách. Hai người đại diện của hai gia đình, có hai đứa con yêu thương nhau, lại xung khắc với nhau chỉ vì một khác biệt là tôn giáo. Vừa đi ông Hà vừa nhìn ngắm khoảnh vườn cây ăn trái và ngôi nhà ngói cũ kỹ. Tất cả nói lên nếp sống thanh bần và đạm bạc của một ông thầy giáo già.
'' Mời ông ngồi…''
Mời khách ngồi xuống trường kỹ xong ông An tự tay rót trà vào chén cho khách và cho mình. Nhấp ngụm trà nóng ông Hà mở đầu cuộc gặp gỡ bằng một câu hỏi.
'' Chắc Miên Trường đã làm đám cưới với Yên Sương? ''
'' Thưa ông chưa. Hai đứa nhỏ hối tôi hoài mà tôi còn dụ dự…''
Ông Hà nhếch môi cười lạt. Hiểu được ý nghĩa của nụ cười khinh miệt của ông Hà song ông An lờ đi như không thấy.
'' Trước khi được thuyên chuyển tới đơn vị mới, Miên Trường có bàn luận với tôi để xin làm đám hỏi. Tuy nhiên tôi bảo Miên Trường ráng chờ tin của ông…''
Ông Hà im lặng. Uống thêm ngụm nước trà ông ta hắng giọng.
'' Tôi biết thằng con bất hiếu của tôi nó sẽ không nghe lời tôi. Tôi cũng muốn nói cho ông biết là tôi sẽ không bao giờ chấp nhận Yên Sương là dâu của tôi nếu Yên Sương không theo đạo. Ngoài ra…''
Ngừng lại giây lát như để suy nghĩ trước khi nói xong ông Hà chậm chạp tiếp.
'' Tôi có đủ sức để làm cho Miên Trường rời xa con gái của ông. Tôi có thể thuyên chuyển thằng con của tôi đi ra Huế, Đà Nẳng, Pleiku, Kontum hay bất cứ nơi nào xa xôi và nguy hiểm nhất. Tôi thừa khả năng để biến cô con gái thân yêu của ông thành một quả phụ. Bởi vậy tôi khuyên ông nên ngăn không cho hai đứa nó lấy nhau và ở gần nhau…''
 
Ông An nhìn chằm chằm người đang ngồi đối diện với mình. Ông không tưởng là ông Hà có thể nói ra những lời đó. Ông không tưởng là ông Hà, chỉ vì lòng đố kỵ mà có thể đày ải hoặc giết chết con của mình một cách gián tiếp. Tự nhiên ông cảm thấy sợ hãi và khinh khi người đang ngồi trước mặt. Giọng nói của ông Hà đều đều vang lên.
'' Chắc ông cũng thương Miên Trường như thương con gái của ông? ''
Ông An chầm chậm gật đầu thay cho câu trả lời vì đang bận tâm suy nghĩ chuyện gì. Giọng nói của ông Hà vang đều đều bên tai của ông.
'' Tôi cũng thương thằng Trường. Mỗi người thương con theo mỗi cách khác nhau. Nếu ông thương thằng Trường và Yên Sương thời tôi khuyên ông không nên để cho hai đứa nó gặp nhau, yêu nhau và lấy nhau. Bằng không bắt buộc tôi phải có biện pháp mạnh. Tôi sẽ thuyên chuyển thằng Trường ra miền hỏa tuyến và nó sẽ không bao giờ gặp lại con của ông…''
 
Ông An vừa giận vừa sợ khi nghe lời hăm dọa của ông Hà. Tuy nhiên ông biết chắc một điều là ông Hà không hăm dọa xuông. Với cấp bậc đại tá, lại làm việc ở bộ tổng tham mưu, ông ta có đủ thế lực để thuyên chuyển Miên Trường đi xa thật xa, tới bất cứ nơi nào ông ta muốn. Hiểu được điều đó nên ông không muốn làm khổ hoặc điều gì gây nguy hại cho Miên Trường.
'' Tôi chỉ sợ Miên Trường sẽ không nghe theo lời của ông và của tôi…''
Ông Hà ngắt ngang lời của ông An.
'' Chuyện đó ông để tôi lo…''
Ngừng lại uống cạn chén trà ông Hà nhìn người đối diện giây lát đoạn nói như ra lệnh.
'' Xin chào ông. Ông nên suy nghĩ những lời tôi đã nói…''
Ông Hà đứng lên. Ông An ngồi thừ ra trên trường kỹ quên cả chuyện phải tiễn khách ra cổng. Nhìn theo dáng đi bệ vệ của khách ông chợt buông tiếng thở dài. Dù không muốn chia rẻ mối lương duyên giữa con gái mình với Miên Trường song ông không có cách nào hơn. Nếu ông không làm theo lời của ông Hà thời Miên Trường sẽ bị đổi đi vùng 1, có cơ hội tử trận và Yên Sương sẽ trở thành quả phụ. Tuy nhiên chia rẻ đôi trẻ đang yêu nhau tha thiết cũng không phải là giải pháp toàn vẹn. Hai đứa nó sẽ vì thương nhớ mà chết dần mòn. Ông không đành lòng thấy con gái mình đau khổ. Dù sao thời đưa Yên Sương lên Sài Gòn học cũng là cách mà ông thấy tiện lợi nhất. Miên Trường vẫn ở gần đây và hai đứa có thể gặp nhau dễ dàng hơn mặc dù không thường xuyên lắm.
 
Một điều mà ông giấu kín trong lòng không thố lộ cho bất cứ ai kể cả vợ con là bản tâm ông cũng không muốn con gái mình lấy Miên Trường, một người khác đạo. Thiếu gì người có đạo Phật, có địa vị, cũng trẻ tuổi như Miên Trường. Nếu con gái ông lấy được một người chồng như vậy ông cảm thấy dễ dàng và không có nhiều rắc rối hơn là lấy Miên Trường, một kẻ ngoại đạo. Ông cảm thấy nhẹ nhỏm trong lòng khi tìm ra cách giải quyết tạm thời.
 
Sài Gòn. Tháng 10 năm 1974. Chiều thứ sáu. Ngồi bên cạnh cửa sổ Yên Sương im lặng nhìn những giọt nước mưa từ trên mái nhà rơi xuống. Không gian đìu hiu. Không khí ẩm ướt mùi cỏ mục. Thấm thoát mà nàng đã rời Long Xuyên được ba tháng. Sau khi đi núi Sập thăm Miên Trường xong trở về nhà, ba nàng đã nói cho nàng biết đề nghị của ông Hà. Thoạt đầu nàng khóc lóc không chịu song suy nghĩ cặn kẽ nàng đành phải chấp nhận. Yêu là phải hy sinh. Yêu Miên Trường tha thiết nàng không muốn mất anh. Không muốn Miên Trường chết hoặc bị đổi đi xa vì vậy nàng đành phải xa người yêu. Người ta nói '' Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại ''. Điều đó cũng chưa đúng với Yên Sương. Một giây xa Miên Trường là ngàn năm dài dằng dặc, dài đăng đẳng, dài đến độ tâm hồn héo khô. Chờ tới mỏi mòn. Đợi tới gầy hư thân xác. Nàng biếng ăn lười ngủ. Nàng thẩn thờ ra vào trong ngôi nhà rộng của ông bà nội. Buổi trưa đi học về nàng ngóng trông hình ảnh quen thuộc của ông phát thư, trao cho nàng lá thư của người tình ở xa. Lá thư nhầu nát, cũ kỹ song là vật vô giá đối với nàng. Lá thư không nhiều chữ lắm song chứa đựng đầy ắp ân tình. Xuyên qua những dòng chữ nguệch ngoạc, vội vàng nàng thấy được hình ảnh của Miên Trường. Qua những lời nói nàng hình dung tới nét mặt buồn của ông lính họa sĩ. " Biết vẽ hôn mà vẽ… Vẽ đẹp hôn mà vẽ…'' Yên Sương bật lên tiếng cười khi nghĩ tới hai câu phê bình của mình. Nhưng than ôi… Thư không thường lại mà người cũng không thấy lại. Nàng đã viết cho người yêu nhiều lá thư mà chỉ nhận được một lần hồi âm cách đây hơn tháng.
 
Từ trong phòng vẳng lên tiếng nhạc khiến cho Yên Sương ứa nước mắt.
 
- Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em.
Thư của lính không thơm nồng hương
Không nét hoa đa tình.
Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngaỵ
Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy…
 
Yên Sương nhớ lại chuyến đi thăm Miên Trường ở núi Sập. Ngôi đồn nhỏ nằm trơ vơ bên dòng kinh nước lờ đờ chảy. Khung cảnh yên tịnh song buồn bã và quạnh hiu. Có đi thăm người yêu nàng mới biết và thương anh nhiều hơn. Thức ăn đạm bạc. Chỗ ở tối tăm và chật chội. Một ngày không dài lắm nhưng cũng đủ cho nàng biết chút ít về đời sống của lính nơi đồn vắng heo hút. Điều khiến cho nàng ngạc nhiên là Miên Trường vẫn vui vẻ, vẫn yêu đời và vẽ nhiều hơn. Anh đã hòa mình vào dòng sinh hoạt của dân quê xuyên qua cọ màu. Anh vẽ cảnh đồng quê. Anh vẽ khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên của những đứa trẻ. Anh ghi lên giấy hình ảnh trung thực nhất của các thôn nữ, người lính, ông già, bà lão.
 
- Chiều hôm kia thăm làng,
Tiểu dội anh ra đứng gác ven ranh.
Một cô đi trên đường
Đẹp tựa như em khóc lúc giận anh.
Để cho anh nghe thèm
Đường chiều xưa ngời sáng áo em xanh.
Thèm một nét môi
Một lần về phép thôi
Và mình thì lại có đôi…
 
Thư của lính không được dài như mong ước đâu em.
Thư của lính chấm dứt ở đây
Sau khi đề thêm hai chữ hôn em…
 
Yên Sương liếm môi khi nghe tới hai chữ hôn em. Nàng như ngửi được hơi hám của người yêu còn đọng trong tâm tưởng mình. Đó là mùi thuốc súng, mùi mồ hôi, mùi thuốc lá, mùi ẩm mốc của quần áo lâu ngày chưa giặt quyện lại với nhau thành một mùi hương đặc biệt. Mùi hương Miên Trường. Nàng còn nhớ tới nụ hôn vội vàng chất ngất đắm mê. Ánh mắt mừng rỡ của Miên Trường khi nàng đột ngột xuất hiện trước cổng đồn.
 
- Từ khi anh thôi học
Và từ khi anh khoác áo trây di
Từ khi anh xa nhà
Một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây
Ngại chăng đêm di hành và thường khi dừng bước giữa hoang vu
Một thằng ước ao
Để một thằng khát khao
Còn mình thì nằm đếm sao.
 
Đồn anh bên sông cạn
và hoàng hôn ướt dẫm đáy sông thưa,
Nhiều tên trong đơn vị gọi đùa anh chiến sĩ của mộng mơ.
Thường khi hai ba thằng
Chiều chiều ra bờ vắng ngắm mông lung.
Một thằng nhớ em
Để một thằng nhớ thêm
Một thằng thì lấy hình xem…
 
Yên Sương không cầm được nước mắt khi bước xuống đò trở về nhà. Nàng có cảm tưởng không bao giờ gặp lại Miên Trường nữa. Nàng sợ hãi. Nàng oán trách ba của anh đã không thương con. Nàng cầu trời khấn phật phù hộ cho anh. Nhiều khi nàng có ý tìm tới nhà gặp ba của Miên Trường để năn nỉ ông nhận nàng làm dâu con trong nhà. Nàng bằng lòng theo đạo của ông để ông thương hại mà giúp đỡ cho Miên Trường. Tuy nhiên nàng do dự vì biết làm như vậy Miên Trường sẽ giận nàng. Anh sẽ thẳng thắn từ chối sự giúp đỡ của ba anh. Anh yêu tự do. Anh bằng lòng với quyết định của mình. Anh sung sướng và hãnh diện vì đã chọn nàng làm người bạn trăm năm. Anh đang sống chết vì sự chọn lựa đó cho nên nàng không thể làm gì để khiến người yêu phải hổ thẹn và mất đi sự tin tưởng. Nàng cũng biết người yêu đang đớn đau, sầu khổ không kém gì mình.
Yên Sương mỉm cười một mình khi nghe tiếng nhạc phát ra từ cái cassette của Miên Trường mua tặng cho nàng cách đây nửa năm trong dịp anh về Sài Gòn gặp ba anh.
 
- Xin hiểu tình yêu,
Trong thời chiến chinh này mấy người mơ ước cho tròn.
Càng khổ càng đau,
Thì tình yêu càng sâu khi dắt đưa nhau về bến.
Ngăn cách bây giờ,
Cho mai mốt sum vầy không thấy thẹn cùng sông núi
Vì đời khổ đau anh góp một phần xương máu
Đôi cánh tay này anh hiến trọn cho tình quê
Em đâu hay rằng,
Mẹ quê hôm sớm còn hắt hiu cùng nương sắn khoai
Em đâu hay rằng
Đàn trẻ thơ vắng cha cày bừa thay cho người đi
Đành lòng sao em nỡ nào nhìn bạn bè.
Nhọc nhằn gian lao, mắt quay đi cho đành.
Đành lòng sao em,
Em đành lòng sau em,
Ấm êm gì chỉ mình ta
Xin hiểu lòng nhau,
Cho dù cách ngăn này có dài lâu dến bao giờ.
Tình vẫn vàng son,
Tình này vẫn đẹp tươi như đóa hoa không tàn úa.
Ta đón nhau về,
Khi non nước yên bề sông núi vào hồi yêu thương.
Mình cũng dìu nhau đi khắp vùng trời quê hương.
Con bướm đa tình kia sẽ dừng lại ở đây…
 
Mưa đã tạnh. Yên Sương nhìn đồng hồ. Mới hơn 1 giờ chiều. Ông phát thơ thường tới khoảng 2 giờ. Hôm nay thứ sáu có thể ông ta sẽ tới sớm hơn. Nàng hy vọng sẽ có thư của Miên Trường. Hai ngày cuối tuần mà không có thư người yêu để đọc thời ngày sẽ ủ dột và dài lê thê.
Đang ngồi trên gác Yên Sương chạy xuống cầu thang vì thoáng thấy bóng của ông phát thư nơi đầu đường vào nhà của ông bà nội.
'' Cô Yên Sương khỏe hôn? ''
Ông phát thư già lên tiếng hỏi khi thấy nàng. Ông ta đã quen mặt cô gái hiền hậu và có đôi mắt đẹp này.
'' Dạ cháu khỏe nhiều lắm nếu bác có thư cho cháu. Bác mà không có thư là cháu bịnh liền…''
Ông phát thư cười lớn một cách vui vẻ khi nghe nàng nói đùa.
'' Không những có thư cho cô mà tôi còn có tới hai lận…''
'' Dạ cám ơn bác. Cháu mong thư chồng chưa cưới của cháu lắm. Ảnh đi lính xa…''
'' Vậy à… Tôi cũng có thằng con trai đi lính ở ngoài Huế…''
Ông phát thư đưa cho nàng hai phong thư, một của Miên Trường và một của Ánh. Đợi cho ông phát thư khuất dạng nàng mới từ từ xé thư của Ánh ra. Trên trang giấy học trò trắng tinh hiện lên những dòng chữ. Yên Sương cười một mình khi hình dung ra cô bạn nhỏ đang ngồi nắn nót từng chữ. Tuy sống ở thế giới văn minh song Ánh vẫn cố gắng duy trì những cái đẹp của thời xa xưa. Một trong những cái xa xưa là viết thư. Ánh không viết bằng viết nguyên tử mà viết bằng viết mực với ngòi viết lá rong và mực phải là mực tím. Có lẽ tại Ánh viết chữ đẹp và nhất là đặt hết tâm hồn vào những dòng chữ mình đã viết. Cũng vì vậy mà thư của Ánh đầy trang trọng và tình cảm.
- Sương mến,
Bồ đi hơn ba tháng mà mình mới viết thư cho bồ. Mình tệ quá hà. Không phải mình quên bồ đâu mà vì chuyện giữa mình với anh Nam. Chỉ còn hơn tuần nữa là tới đám hỏi rồi bốn tháng sau là đám cưới. Ba má anh đã già mà ảnh lại là con trai độc nhất trong gia đình có ba người chị gái. Vì thế mà ba má ảnh mong muốn có cháu nội trai để nối dõi tông đường. Nghe chuyện đó mình vừa lo vừa buồn cười. Đẻ con trai hay gái đâu phải do một mình mình làm được. Nhưng thôi mình thương ảnh thời cũng ráng tới đâu hay tới đó. Mấy ngày trước đây mình đi Chương Thiện thăm ảnh. Sau khi cưới xong thời hai vợ chồng cũng không ở gần với nhau được.
Bồ còn đi học hôn. Mình chắc phải nghỉ học sau khi đám cưới xong. Có chồng mà đi học bạn bè cười chết. Vả lại cũng hổng có thời giờ nhiều vì phải phụ với chị của anh Nam coi tiệm may và bán vải vóc để cho ba má ảnh về hưu. Nhớ lại thời hai đứa mình còn đi học mình buồn và nhiều khi mình không muốn lấy chồng. Làm con gái sướng vì không phải lo gì hết trong khi lấy chồng phải lo nhiều thứ quá nhất là có chồng đi lính xa nhà. Chỉ nghĩ tới ngày nào đó người ta báo tin anh Nam tử trận mình đã sợ muốn xỉu rồi. Hôm trước ảnh nói tình hình càng lúc càng thêm khó khăn cho phe quốc gia của chúng mình. Anh Nam vừa được thăng cấp trung úy làm đại đội trưởng. Ảnh có nói cho mình biết tên tiểu đoàn của ảnh nhưng mình cũng chẳng để ý thành ra quên mất. Chỉ biết ảnh thuộc sư đoàn 21 đóng ở Chương Thiện.
Bồ còn nhớ anh Định hôn. Nhà ảnh ở cách nhà mình bốn căn đó. Ảnh học trên hai đứa mình hai lớp và thường hay '' hộ tống '' hai đứa mình mỗi ngày. Ảnh chết rồi. Mình có đi đám ma ảnh ngày hôm kia. Nghe em gái ảnh nói ảnh đi lính Biệt Động ở ngoài Huế. Cũng hên là ảnh mới vừa quen một cô gái nào đó chứ chưa có cưới  hỏi gì hết.
 
Mình nói chuyện đâu đâu mà quên hỏi bồ về chuyện giữa bồ với anh Trường. Lá thư cuối bồ nói cho mình biết là ảnh bị đổi vào Núi Sập. Tội nghiệp cho ảnh. Hiền lành và thư sinh như ảnh mà phải đi đánh giặc. Bộ ba ảnh hổng có thương ảnh à…''
 
Yên Sương rơm rớm nước mắt. Những dòng chữ trên trang thư của Ánh như động tới mối thương tâm của nàng.
'' … Hôm qua mình đi chợ và có gặp má của bồ. Tội nghiệp… Bả trông già đi nhiều lắm. Mình với má của bồ ôm nhau khóc mùi. Bả kể cho mình nghe chuyện ba của anh Trường xuống nhà bồ hăm dọa sẽ đổi ảnh đi vùng 1, vùng 2 nếu như bồ và anh Trường lấy nhau mà không theo ý của ổng.
Bồ mạnh hông. Còn ba tháng nữa là tới Tết. Chắc bồ được nghỉ học về nhà ăn tết. Lúc đó mình sẽ nói chuyện nhiều hơn. Về Long Xuyên ăn tết bồ nhớ tới thăm mình nghe. Bồ không lại nhà thăm là mình giận nghỉ bồ ra luôn. Bồ đi đám cưới mình được hôn?
Thôi mình ngưng ở đây. Nhớ anh Trường thời khóc in ít thôi. Khóc nhiều hư đôi mắt đẹp đó…''
Gấp lá thư lại Yên Sương chậm bước trên nền xi măng rêu mốc và ẩm ướt sau cơn mưa vừa tạnh. Ông bà nội đã đi chùa nên căn nhà nhỏ thành vắng im. Vào phòng riêng của mình, kéo mền lên tận cổ, nàng nằm trên giường để đọc lá thư rất dài của Miên Trường. Bao thư nhầu nát. Yên Sương xé phong thư khá dày. Năm tờ giấy học trò. Chữ viết của Miên Trường thật đẹp như tranh vẽ của anh vậy.
'' Em yêu thương,
Hôm nay thứ bảy, ông thiếu úy Định rủ anh đi uống cà phê nhưng anh từ chối vì muốn ở nhà viết thư cho em. Anh nhớ em vô cùng em ơi. Mỗi lần nhớ em, nghĩ tới em anh lại buồn. Không biết bao giờ mình mới được gặp nhau. Không biết bao giờ hai đứa mình mới được sống bên nhau, chung một mái nhà và có gia đình êm ấm như bao nhiêu người khác. Anh nhớ em và em biết anh làm gì không. Anh vẽ. Anh vẽ hình em. Vẽ đủ kiểu, đi đứng nằm ngồi. Anh vẽ hình em theo tưởng tượng. Hôm nào về Sài Gòn anh sẽ mang tập vẽ về cho em thưởng thức '' giai nhân trong trí tưởng của anh ''. Đi lính đóng đồn ở đây thời buồn và đôi khi cũng có người chết. Tình hình lúc này sôi động hơn. Ông Định có người quen ở tiểu khu nên ổng biết rõ tình hình. Ổng bật mí chút chút cho anh biết là tình hình có vẻ không thuận lợi cho mình về mặt quân sự lẫn chính trị. Anh chỉ biết vậy thôi. Ông Định khen anh vẽ đẹp lắm. Ổng khen em đẹp. Ổng nói cô Yên Sương có đôi mắt đẹp thấy mà mê. Ổng khuyên anh nên về nhà năn nỉ ba của anh. Ổng nói mình là con thời năn nỉ cha mẹ đâu có mắc cỡ và thiệt gì đâu. Tuy nhiên anh nghĩ anh đâu có làm điều gì quấy đâu mà phải năn nỉ ba của anh. Nếu nói cãi lời cha mẹ là bất hiếu thời anh nghĩ là anh không có cãi lời mà anh không làm theo những gì mà ba anh bắt anh phải làm theo cái ý muốn của ổng. Anh muốn được tự do, tự quyền quyết định chuyện hôn nhân của mình. Vui anh hưởng và buồn anh chịu. Anh là người trực tiếp chịu ảnh hưởng cho nên anh phải là người quyết định…''
Yên Sương ngưng đọc vì nước mắt ứa ra. Đưa tay áo lên lau nước mắt nàng thở dài hắt hiu. Tuy đồng ý với người yêu nhưng nàng biết là sự đồng ý này sẽ làm mình buồn, làm mình khổ nhiều hơn.
'' … Cách đây mấy tuần anh có gặp một ông trung úy ở tiểu khu Long Xuyên tên Bá. Ông này ở cùng xóm với anh sau đó bị động viên đi Thủ Đức. Ổng là niên trưởng của anh. Nghe anh kể chuyện ổng mới nói là để ổng xin cho anh về lại tiểu khu và làm việc dưới quyền của ổng. Không muốn nói thật cho ổng biết hoàn cảnh đặc biệt của hai đứa mình nên anh cũng nói cho qua chuyện. Mấy người lính ở đây khoái anh lắm. Họ nhờ anh vẽ hình họ hoài thành ra có đám giỗ, đám cưới, thôi nôi gì họ cũng mời anh ăn nhậu. Em đừng lo anh ăn thôi chứ không có uống rượu, nhất là rượu đế uống cay thấy bà không có ngon lành gì hết. Chỉ còn ba tháng nữa là tới tết rồi. Ước gì mình gặp nhau ở nhà ba má của em để ăn tết. Chắc là vui lắm. Anh nhớ em…''
 
Yên Sương sụt sùi gấp lá thư của người tình lại. Nàng muốn để dành, muốn nhín lại cho những ngày buồn sắp tới vì còn lâu lắm nàng mới có thư của Miên Trường.