Ngoảnh đi ngoảnh lại, đồng hồ đã điểm bảy giờ tối từ lúc nào. Khi bà Cầm bước vào biệt dinh cụ Án Bùi, hai mẹ con nữ chủ nhân, cô giáo Bạch Xuyến đang ngồi chờ sẵn tại phòng khách. Giáp mặt bà Cầm, ba người không ai bảo ai, mà cùng rú lên thảng thốt. Quả thực, bà già khốn khổ trông lạ hẳn đi. Da mặt xanh nhợt như tàu lá chuối, đôi mắt sưng húp híp vì đã khóc nhiều. Bà Án nói không ra hơi:_ Thế nào nói mau! Chị Cầm, gì thế? Hả?_ Trời cao đất dày ơi! Bà ơi! Tôi không còn hy vọng gì được thấy được mặt cháu tôi nữa đâu, trời ơi!Tường Vân đứng phắt dậy. Mặc dầu cô giáo Bạch Xuyến hồi hộp đã nắm chắc tay học trò, bóp thật mạnh, cô gái vẫn cất được tiếng hỏi rõ ràng:_ Mà cái gì chứ, bà Cầm?Bà Cầm run giọng hỏi khẽ:_ Tôi vừa ở nhà mụ Phé về thẳng ngay đây.Có tiếng thở mạnh và dài như tiếng thở của người trút được gánh nặng. Bà Ấn Bùi mỉm cười tươi tắn nhìn người lão bộc:_ Thì hãy ngồi xuống ghế đá nào, chị Cầm! Ngỡ gì! Thế mà làm mọi người hết hồn. Tưởng có tin tức gì ghê gớm lắm chứ!Bà Cầm nhíu đôi lông mày nhìn thẳng mặt chủ nhân như có ý nhẹ nhàng trách móc:_ Trời ơi! Ghê gớm lắm, bà ơi!Ghê gớm lắm bà ơi! Nhưng bà Án Bùi cảm thấy chẳng có gì đáng lo sợ nữa một khi chỉ là chuyện…Mụ Phé.Mụ Phé, theo lời truyền tụng, là một mụ phù thủy, sống lủi thủi một mình trong túp lều tranh xiêu vẹo ở ngay cửa rừng già. Không rõ mụ bao nhiêu tuổi rồi mà chỉ thấy da mặt đã nhăn nheo như quả thị héo. Mái tóc chưa trắng nhưng đã xám ngoét, chẳng bao giờ gỡ chải, cứ xù lên như tổ quạ. Mụ không vấn khăn mà chỉ quấn quanh đầu một mảnh vải dài, có lẽ trước kia là màu đỏ. Tới nay, lâu ngày dầy tháng, mảnh khăn quý, ý chừng chẳng được biết mùi xà phòng một lần nào, cáu đầy ghét bẩn nên ngả thành một màu sắc không tên. Đôi chân mày mụ Phé mới thật là kỳ quái. Không đồng màu với mớ tóc bù xù mà lại đen kịt, rậm rì, có những sợi dài buông che kín mắt. Bởi thế, mỗi khi muốn nhìn cho rõ vật gì, mụ cứ đưa tay lên vén vén đôi chân mày chổi xể cho khỏi che kín hai con mắt, một to một bé, tròng mắt sáng long lanh. Gò mũi mụ Phé lúc thường thì nhỏ, đầu mũi nhọn hoắt như mỏ chim. Nhưng khi mụ cần ngửi một cái gì đó thật kỹ càng, lập tức hai cánh mũi nở lớn, bè ra như mũi…sư tử. Không lạ gì khi nghe các trẻ em tinh nghịch trong vùng, hễ gặp mụ là y như thế nào cũng gào to lên trêu chọc:“ Ê hê! Mụ Phé!Mắt bé mắt to!Mũi có lò xo!Mắt to mắt bé!Ê hê! Mụ Phé!Ê hê! Mụ Phé! Mắt bé…”Đại khái, hình dung ghê rợn của mụ Phé là thế đó. Ấy là chưa kể cái miệng không răng hiếm khi không nhai trầu phóm phém, nước cốt trầu nhểu dài hai bên mép đỏ bẻm. Quần áo và trăm mảnh đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Đôi chân cáu bẩn của mụ không mấy khi rời khỏi đôi guốc tự tay mụ đẽo lấy, mũi guốc cong lớn như mui thuyền.Nguồn sống hằng ngày của mụ Phé là sữa dê. Mụ nuôi con dê mập lắm, mầm sữa rất căng. Nhưng thật ra, thức ăn chính cốt của mụ vẫn là cơm gạo. Canh dư cơm thừa mụ vẫn trông nhờ vào đồng bào trong vùng, một phần lớn từ “ trên dinh cụ Án ”. Và đáng kể hơn nữa là gia đình thầy đội kiểm lâm tên Phạm văn Danh, vợ tên tục vẫn gọi là cô Gấm. Dân trong xã Phú Hộ đối với mụ Phé, đều tỏ vẻ thương hại, sẵn sàng cưu mang, vì lẻ mụ chỉ có một thân trơ trọi, không bà con thân thích họ hàng. Mặc dầu mụ bẩn thỉu, mặc cho mụ đôi khi đánh mắng những đứa trẻ nghịch ngợm gọi trêu mụ là “mũi có lò xo, mắt to mắt bé”, ngoài ra mụ Phé không hề làm gì hại ai bao giờ.Trái hẳn thế, mụ lại có tài biết dược tính của vài loại lá rừng, chữa được bệnh phỏng nặng, cạo gió, biết điều chế một vài thứ thuốc cao dán mụt nhọt. Mụ lại biết cả bói bài. Mụ Phé, nói cho đúng, không hề hại ai. Nhưng hãy coi chừng, kẻ nào cố ý trêu chọc mụ. Mụ ghét nhất là bị chế riễu. Khi bị người chọc giận, mụ Phé có một cách làm cho hành động không tốt ấy phải chấm dứt ngay lập tức. Mụ đứng lại, lưng cúi lom khom, dựa thân hình còm cõi lên bàn tay chống trên khúc gậy tre đen bóng. Rồi đôi mắt, một to một bé, nhắm lại, chỉ mở hấp him, cái đầu nghiêng nghiêng ngả ngả, nhìn ngay mặt “kẻ địch” cho tới khi y quay mặt đi mới thôi. Nhưng, nếu tay rắn mắt kia, sau khi buông lời chế riễu không chịu dừng chân mà bỏ đi ngay, thì mụ Phé vẫn đứng nguyên tại chỗ, dáng hình quái dị dựa trên khúc gậy, nghiêng đầu ngó theo, miệng lẩm bẩm một câu nguyền rủa hay đọc mộy lời thần chú gì đó.Người ta kể lại nhiều câu chuyện khá rùng rợn về mụ.Một buổi chiều kia, anh chàng Man, con ông cai Sĩ trông coi cà phê trong đồn điền Phú Hộ, khi gặp mụ hét toán lên: “Ê hê, mụ Phé, mắt bé mắt to…” rồi hộc lên cười ha hả. Mụ Phé dừng bước, nhìn ngay mặt tên Man, miệng lẩm bẩm:_ Này thằng kia! Đừng vội cười hộc lên như chó ngộ chó dại thế! Mụ cho lại sẽ chẳng khóc chán ra đấy! Hừ!Hai tiếng đồng hồ sau, gia đình ông Cai Sĩ nhận được điện tín gởi tin về người con trai lớn của ông, ốm nặng từ lâu đã từ trần.Một lần khác, cô Huyền con ông Ngọc, giám thị sở trà, đã đanh đá gọi mụ là “con mẹ phù thủy”. Mụ mắng lại ngay:_ Coi chừng nhé! Coi chừng cái bộ mặt nõn nường đó! Có ngày lại không thua xa “con mẹ phù thủy” này ấy chứ!Chiều hôm ấy, khi bắc nồi cám từ trên bếp xuống, cô Huyền lỡ tay để cám nóng sôi bắn vào mặt bị bỏng một miếng lớn trên má.Có thể đấy chỉ là những sự ngẫu nhiên đầy tính chất rùng rợn mà chưa ai giải thích nổi. Ngẫu nhiên mụ Phé nguyền rủa những kẻ trêu chọc mụ, rồi cũng ngẫu nhiên những kẻ ấy gặp rủi ro. Nhưng có nhiều điều mụ Phé, khi bói bài rồi “đọc” ra thành bài thơ hoặc những câu vè nói về sự việc đã qua, chuyện gì sắp xảy đến thì là chuyện khác. “Vấn đề khác” ấy, không những khiến những người hồn nhiên chất phác vội vã tin liền mà ngay cả đến toàn dân vùng Phú Hộ cũng phải băn khoăn suy nghĩ, bán tín bán nghi.Vậy, việc bà Cầm, trong lúc tinh thần hoang mang rối loạn, chạy đến tìm mụ Phé kể cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Và các điều mụ “phù thủy” đọc theo những lá bài mụ Phé lật ngửa đã khiến cho bà già chất phác lo buồn đến cực điểm.Bà Án Bùi ân cần khuyến khích:_ Ờ, ờ! Có gì cứ nói đi, chị Cầm! Nói ra được là đỡ buồn lắm đấy. Nói đi!_ Vâng, vâng! Trong lúc cuống quít chẳng biết tính sao, tôi chỉ còn một cách là tìm đến mụ Phé.Có tiếng cô giáo:_ Thế rồi chắc hẳn mụ Phé đã hỏi bà tại sao mà đến kiếm mụ chứ gì?Bà Cầm liếc mắt ngó Bạch Xuyến. Tia nhìn của bà không một chút thiện cảm:_ Thưa, không phải thế! Chính tôi đã hỏi thẳng mụ: “Này mụ Phé! Tôi có một chuyện buồn lo quá. Mụ giúp đỡ một phen nghe! –“Ờ, ờ, ngồi xuống đi đã”. Mụ Phé bảo tôi như vậy. Tôi liền ngồi xuống ghế kê sát bàn của mụ. Mụ Phé lôi cổ bài ra, xóc xóc, rồi lật ngửa hơn một chục cây bài lên, chăm chú nhìn một lúc lâu. Đoạn cứ chép luôn miệng, lẩm bẩm nói cái gì mà tôi chỉ nghe được tiếng ô…ô… rất nhỏ, Chợt, mụ nói to: “Ô, trời ơi! Ô trời…trời! Tội nghiệp! Tội nghiệp! Tội nghiệp quá chừng! Trời ôi!”Kể đến đây, không kềm chế nổi xúc động trong lòng, bà Cầm nước mắt ràn rụa. Tường Vân vội vàng nắm hai tay người lão bộc, dịu dàng an ủi:_ Có gì đâu hở bà Cầm! Tất cả cái trò đó chắc mụ Phé chỉ bày đặt ra cốt ý để làm cho hoảng sợ đó thôi! Mụ Phé làm sao mà biết được lý do gì người nhà chúng ta lại biệt tăm một cách kỳ quái như thế chứ. Có khi lý do ấy lại rất thường, mà chỉ vì lo âu hoảng hốt quá nên chưa ai nghĩ ra đó thôi.Nước mắt bà Cầm lại ứa nhiều hơn, lăn dài xuống má. Bà nói trong tiếng khóc nức nở:_ Khi đã xem kỹ lại mấy lần nữa, mụ Phé liền bảo tôi: “ Thôi, thôi! Tôi có thể nói cho chị biết thế mà thôi! À, à, nhưng viết ra giấy thì được. Đây, giấy bút đây rồi! Để tôi viết ra cho chị nghe!”. Đoạn, mụ Phé vừa lẩm bẩm đọc trong miệng vừa viết những cái gì vào tờ giấy này đây.Vừa nói, bà Cầm vừa lôi từ trong túi ra một mảnh giấy nhàu nát, mảnh giấy vàng khè rung tít lên trong mấy ngón tay lẩy bẩy của bà già khốn khổ.Vừa khóc sướt mướt bà Cầm vừa đưa cho bà Án tờ giấy có chữ viết của mụ Phé. Nữ chủ nhân tiếp lấy, bình tỉnh đưa mắt đọc. Chưa đầy phút sau, bà Án đã la lớn, giọng đầy phẫn nộ, nhưng nghe kỹ có vẻ kém sút hẳn tinh thần đanh thép thường lệ._ Mụ Phé này viết lảm nhảm những gì thế này? Đúng là đồ điên khùng.Bà Cầm nói như van:_ Trời ơi! Xin bà đừng nói thế! Lỡ một cái…Bà già run sợ là phải. Nữ chủ nhân của bà dám cả gan nguyền rủa bà thầy phù thủy. Nguy lắm! Nguy thật! Nhưng đồng thời bà Cầm lại cảm thấy hơi hy vọng khi nữ chủ nhân của bà không một chút nào tin tưởng vào tờ giấy của mụ Phé. Tờ giấy ghê gớm đó đã khiến bà kinh sợ hãi hùng.Bà Án không tin tưởng những gì ghi trong tờ giấy của mụ Phé, nhưng sự hiện diện của tờ giấy nhàu nát không lớn hơn bàn tay ấy đã khiến bà đi đến quyết định mau lẹ: báo cho ông xã trưởng biết được sự thất lạc của cậu Sinh, con trai duy nhất cưng yêu của bà và thằng Đông, Lê văn Đông, tức thằng Ngây cháu nội của bà Cầm.Trong lúc bà Án hối hả bước ra ngoài ban lệnh cho gia nhân, Tường Vân lượm tờ giấy. Cô giáo và học trò cùng liếc mắt nhìn chăm chú. Tường Vân cất tiếng run run đọc. Càng đọc, càng nghe, hai thầy trò lại càng run sợ trong bài thơ kinh dị như sau:Thằng ngớ ngẩn chui vào củi chóLúc chui ra máu đỏ bết bêChăn chiên hóa sói đổi nghềCậu chàng quý tử đam mê chốn nàoKhông chừng cậu ngự trên caoChẳng hiểu bài thơ có ý gì. Nhưng tính chất ghê rợn của từ ngữ, những chữ kỳ quái được sử dụng như “máu đỏ bết bê”, rồi “hóa sói”, nhất là bốn chữ “cậu chàng quý tử”, đối với Tường Vân quả thực đã rõ lắm rồi. Không kiềm chế được nổi niềm xúc cảm tràn ngập trong lòng, cô gái gục đầu vào vai cô giáo khóc nấc lên. Bạch Xuyến hai mắt mở trừng trừng nhìn chăm chú một điểm nào đó trong không trung, miệng lẩm bẩm từng câu từng chữ trong bài thơ quái đản.