- Đi ra, không tôi kêu lên bây giờ!
- Em Bảy, em Bảy... Tôi cảm thương em Bảy lắm.
- Tôi kêu, buông ra không?
Bầu Thanh Long như người đang khát một cái gì ghê lắm. Y có sá gì một tiếng kêu. Bỗng nhiên y rít lên một tiếng, hai hàm răng y xuýt xoa. Trong lúc nguy nan, đào Bảy Phi đã cắn nghiến vào tay y. Giờ thì bầu Thanh Long không gọi tiếng "em Bảy" ngọt ngào nữa. Y chửi:
- Mẹ, thứ đào hát bồ đỏ mà làm bộ hoài!
Đào Bảy Phi lặng người vì câu chửi ấy. Song chị đã thắng. Bầu Thanh Long không dám làm tới. Y đứng dậy:
- Được, mày coi chừng cái bản mặt của mày đa!
Bầu Thanh Long bước lịch phịch trở ra. Trong cái khung cửa đình nhợt nhạt ánh trăng, lại nổi lên hình bóng thấp lùn của y. Bảy Phi vén đầu tóc xổ tung. Lòng bàn tay chị ướt đẫm mồ hôi. Chị tựa lưng vào tường, lắng nghe tiếng chân nện rõ trên đòn dài.
Bầu Thanh Long đang đi xuống ghe chài của nó. Chiếc đòn dài bằng ván sao mỏng bật lên tiếng kêu dục dặc.
Con Huệ Linh của Bảy Phi ú ớ cựa mình trên võng. Chị sờ soạng tìm diêm thắp đèn. Chiếc đèn dầu hắt ánh sáng đỏ mờ. Hơi thở của Bảy Phi vẫn còn hổn hển, và lồng ngực chị rung rung. Chị cảm thấy có sự bất an vừa lướt qua, còn lất quất đâu đây.
Sự thể vừa rồi làm chị đến hốt hoảng.
Bất ngờ mà đào Bảy Phi gặp bầu Thanh Long từ sáu tháng nay. Y làm trung úy quốc gia, chỉ huy phó tiểu khu Đông Thới này. Đã thế, y còn muốn làm một ông bầu hát. Đĩ điếm trong thị trấn hầu như y hơi chán. ở các chị đào, y vừa khám phá ra một cái gì mới mẻ. Thế là y bỏ tiềng sang gánh hát Thanh Long, giao cho một con mụ sồn sồn tên gọi là Hai Nà đứng coi. Còn y, thỉnh thoảng y xuống ghe hát một lần thu tiền, và bàn soạn với mụ Hai Nà toàn chuyện buôn lậu, những là "chẽm", "bay", "pha", "chọn mồi dọn đất", "chèn địch" v.v...
Đào Bảy Phi thấy mấy đầu ngón tay chị hơi run. Con bé Linh của chị lại cựa mình thức giấc. Con bé vụt mở mắt. Chị nâng đầu nó dậy, sờ trán và âu yếm:
- Con tôi nóng quá! Con mơ cái gì đó, má cho con uống thuốc nghe!
- Không, con không... uống thuốc đâu. Má ơi, con nằm chiêm bao...
Bảy Phi gượng cười với lấy chén thuốc trên bệ cửa:
- Con đau, ráng uống thuốc cho mạnh, con!
Bé Linh nhấc tay khỏi làn võng ôm chầm lấy mẹ. Nó ngước mắt nhìn lên nóc đình, thỏ thẻ:
- Con nằm chiêm bao, con thấy lớn bằng chị Thơi vậy đó, rồi má cho con làm đào. Con làm thể nữ hay quá!
Con bé Linh vừa nói vừa thở. Bảy Phi nghe con kể về giấc chiêm bao của nó, lòng chị đau nhói. Chưa bao giờ chị nói với con là lớn lên chị sẽ dạy cho nó nghề hát. Chị định lúc nào kiếm được dư tiền, chị sẽ gởi nó về baà cô nuôi cho đi học. Chị không muốn cho con theo nghề của chị. Đời chị, từ dạo chồng chết, trong mười năm đi hát chị đã nếm biết bao khổ nhục. Người ta gọi chị là con Bảy Phi, con đào Bảy Phi ở gánh bầu Luông. Chưa có mấy ai gọi chị một tiếng nghe cho tử tế. Vậy mà con chị nó muốn theo nghề của chị. Đau ốm dường ấy, nó còn nằm mơ được sắm vai thể nữ. "Con ơi! Con có biết đâu lúc con đang chiêm bao, có đứa đã chửi má là một con đào hát đồ bỏ". Bảy Phi lẩm nhẩm trong bụng, và đôi mắt chị chớp lia.
Con bé Huệ Linh nói mấy câu, giờ lại ngủ thiếp đi. Bảy Phi kéo khăn phủ kín ngực con. Chị lo lắng nhìn gương mặt đỏ bừng của con, thở dài. Ngoài đường kép Văn Lâu đi đâu về, hỏi vọng vào:
- Chị Bảy ơi! Có còn thức không?
Bảy Phi lắng im một chút, mới đáp:
- Còn thức, chú Tư đấy hả?
Kép Văn Lâu đứng ghé ngoài cửa sổ, vịn chấn song ngó vào. Vóc người kép Văn Lâu cao lớn, tóc cắt thấp như kiểu tóc của bao kép hát khác. Cái áo xá xẩu Tiều anh mặc nó ngắn ngủn và không cài khuy, để lộ nguyên bộ ngực và sợi dây nịt da to bản thắt nơi bụng. Anh ta vừa vuốt giọt mồ hôi từ cổ rỏ dài xuống ngực vừa nói:
- Chị Bảy lo nghĩ gì coi mày mặt ủ ê quá vậy? Đi ăn cháo đi, bữa nay cháo ngon quá!
Dứt lời anh chép chép miệng. Thoáng bay mùi rượu. Bảy Phi thò tay đấm nhẹ vô vai Tư Lâu:
- Lại nhậu nữa rồi!
Tư Lâu cười:
- Cũng có, một chút đón gió thôi!
Và anh móc túi lấy ra hai đồng bạc:
- Chị Bảy ăn cháo, em có tiền lẻ đây!
Bảy Phi vội xua tay:
- Thôi, tôi không ăn đâu, khuya rồi!
- Con nhỏ bớt chưa?
- Nó cứ nóng liên miên.
Tư Lâu nói:
- Để mai em đi rước ông thầy thuốc bắc ngoài chợ vô bắt mạch cho nó. Thôi, em về ngủ, chị nghe!
Nói xong, kép Văn Lâu đi về nhà dài chợ. Bảy Phi tủi thân mình, chị tủi lây cả đến Tư Văn Lâu. Tư Lâu vốn là người đồng quê quán với chị, chịu phận em, nhận em làm chị nuôi. Năm nay đã hăm bảy rồi, Tư Văn Lâu vẫn chưa lấy được vợ, đêm đêm hát xong mò vào nhà lồng chợ mà ngủ.
*
Mụ Hai Nà nằm sấp trong mui lái ghe. Trời oi bức, mụ mặc độc chiếc áo lót ngắn. Một đứa nào nhỏ quỳ hai gối, đấm lưng mụ thùm thụp. Chị Bảy Phi ngồi lặng thinh đằng sau lái. Vừa rồi mụ Hai Nà gọi chị lên nói câu chuyện. Bảy Phi ngồi đợi từ nãy giờ mà chẳng nghe mụ nói gì. Đứa đào nhỏ đấm lưng cho mụ xong bò ra ngoài. Bấy giờ mụ Hai Nà vặn mình một cái, xương sống kêu rôm rốp. Vẫn nằm nguyên, mụ ngóc đầu nói trỏ ra lái:
- Bảy Phi đó hả? Vô đây, vô trong mui, tôi có chuyện muốn nói.
- Tôi ngồi đây cũng được, thím nói gì thì nói đi!
Mụ Hai ngồi dậy, với trong góc một gói thuốc "Lạc đà" lấy một điếu. Vừa dộng điếu thuốc xuống sạp ghe mụ vừa nói với vẻ mặt sầu sầu:
- Tôi ngỏ mấy lời này với chị, tôi cũng bứt rứt trong bụng lắm. Bởi tôi có bổn phận coi sóc gánh hát cho ông Hai, ông Hai dạy sao tôi mần vậy... Vừa rồi ông Hai xuống thâu tiền, ông Hai có điều không đặng vừa ý. Ông Hai nói trong gánh hát còn nhiều đào kép có đầu óc thoái bộ...
Bảy Phi ngồi im. Chị biết. Lời đe dọa của Hai Long trong cái đêm nọ nay đã bắt đầu đem thực hiện với chị. Song chị vẫn ngồi yên, nghe mụ Hai Nà tiếp lời:
- Ông Hai nói hạnh kiểm của chị không được tốt!
Bảy Phi ngước mặt:
- Nói tôi à? Tôi làm cái gì xấu xa nhơ nhuốc mà bảo là tôi không tốt!
- Khoan đã, nghe tôi nói cái đã, chưa chi mà chị đã nóng rồi...
Và mụ hạ thấp giọng:
- Nè, phải hồi tháng năm, chị có đi theo đám biểu tình ở chợ Cần Thơ không?
Bảy Phi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đáp:
- Có, có tôi đi. Hồi đó Chánh phủ không cấm, thiên hạ đi như tôi thiếu gì?
- Ông Hai nói cuộc biểu tình đó Ngô tổng thống cấm!
- Cái đó thì tôi đâu có biết được!
- Cô phải biết chớ. Đó... ông Hai trách cứ cái hạnh kiểm của cô xấu là ở chỗ đó đó!
Bảy Phi trề môi cười. Mụ Hai ngừng lại đốt thuốc, phà khói rồi tiếp tục:
- Gánh hát lấy danh ông Hai, ông Hai thường bảo phải là gánh hát quốc gia tiến bộ, đào kép nào có đầu óc cộng sản tức thị ông Hai không chứa. Mình là phận đào hát thì cứ lo hát, còn bày đặt theo đòi tụi du côn đi biểu tình làm chi. Biểu tình có té vàng té bạc gì cho mình đâu?
- Thím khôn còn tôi dại, thây kệ tôi!
Mụ Hai Nà kéo xổm đầu gối lên, mặt hầm hầm:
- Thì tôi đâu có cần, tôi nói cho con nào có phận thì con đó giữ mình.
Dứt lời mụ Hai Nà bỏ một miếng cau tươi vào miệng nhai rau ráu. Hai gò má đầy thịt của mụ giật giật. Bảy Phi vắt tay lên bánh lái ngó lảng ra sông. Mụ Hai Nà nằm xuống cả tiếng:
- Thơi ơi, bớ Thơi!
Đứa đào nhỏ tên Thơi nghe mụ gọi, rón rén bò vào. Nó lại quỳ gối đấm lưng cho mụ thùm thụp. Chị Bảy đứng dậy leo lên mui đi ra mũi. Trong ghe, mụ Hai Nà nói với theo:
- Bảy Phi, tôi nói vậy chị đủ hiểu rồi chớ? Về lo cụ bị quần áo rồi tới đây tính cái số tiền dư thiếu mấy đêm hát của chị nghe không?
Tuy hết sức giận, nhưng đào Bảy Phi cũng cảm thấy lo. Trước mắt chị hiện ra cuộc đời lênh đênh trôi nổi. Chị chụn bước, giọng nói hơi lạc đi:
- Thím Hai, tính đuổi tôi đi thiệt hả thím Hai?
Mụ Hai Nà lậu bậu:
- Không phải đuổi... Tôi không có quyền đuổi, ông Hai biểu sao tôi mần vậy!
Bảy Phi lựng khựng một chốc rồi bước xuống đòn dài. Lên tới bờ, chị gặp Tư Văn Lâu đứng ở đó với một số chị em đào kép. Tư Văn Lâu liền hỏi:
- Chị Bảy cãi lộn gì với con mẹ Hai Nà đó?
Bảy Phi bậm môi:
- Nó nói hồi tháng năm tôi đi biểu tình, là làm cộng sản, rồi đòi đuổi tôi ra khỏi gánh hát!
Đám đào kép nhao nhao:
- ở đây thiếu gì người cũng đi sao không đuổi. Mà con mẽ có quyền đuổi người ta à?
- Thằng chủ gánh ban quyền cho nó!
- Hai Long hả?
- Chớ ai!
Tư Văn Lầu hầm hầm:
- Cái con già đó hễ động tới là nó mở miệng "Ông Hai nói, ông Hai nói", chắc là nó bày ra chớ Hai Long nào.
Chị em đào đồng thanh:
- Tụi mình ráp xuống hỏi con mẽ coi?
Một chị can:
- Thôi mấy bà ơi, thôi đi. Nó muốn thải người nào thì người đó phải chịu, mấy bà làm như mấy bà là chủ gánh hát này vậy!
- Ơ, cái chị này có sợ thì đừng xuống. Còn có ai sợ nữa không?
Trừ chị kia bị mắng đứng im thin thít, còn tất cả nối nhau bước xuống đòn dài. Bảy Phi tựa lưng vào gốc dừa trên bờ nhìn theo. Chị cảm động, nước mắt muốn ứa ra. Đám đào kép kéo xuống rầm rầm trước mũi ghe. Mụ Hai Nà nghe tiếng, không kịp mặc áo, mụ lật đật chun ra. Đứng đằng sau lái, mụ ó ré:
- Làm cái gì om sòm vậy? Trưa mấy người không để ai ngủ nghê gì hết!
Tư Văn Lâu nói:
- Đâu có gì mà om sòm. Tụi tôi chỉ muốn hỏi tại sao có chuyện đuổi chị Bảy Phi?
- Tôi không biết, mấy người cứ lên bót quận mà hỏi ông Hai!
- Tụi tôi không lên. Hễ đuổi chị Bảy Phi thì tất cả đây thôi hát hết. Bà cứ lên tâu với ông Hai như vậy!
Mụ Hai Nà vành một tay chống nạnh quai chảo, một tay bơi bơi:
- Cha chả! Tư Lâu, mày tính cầm đầu làm phản phải không? Giỏi, mày giỏi... Mày liệu hồn, coi chừng ông Hai xuống, ông Hai chần đầu mày làm bốn miếng đa nghe!
Tư Văn Lâu hẩy ngực:
- Nhè thằng Lâu này mà bà hăm. Mà nè, nói thì nhớ lời nghe. Ông Hai Long không có lời ấy, bà nói để gieo thêm cái tiếng ác cho ông Hai phải không?
Mụ Hai bị Tư Văn Lâu bẻ, tức quá chửi răm lên. Tư Văn Lâu không chịu thua mấy tiếng. Sẵn cũi phơi trên mui ghe, mụ Hai Nà chụp một khúc nhằm Tư Văn Lâu phang vù tới. Tư Văn Lâu né khỏi, khúc củi trúng ngay chậu bông kiển trước mũi, rạn vỡ. Mụ Hai Nà vốn rất cưng cái chậu kiểng sứ đó. Thấy thế, mụ giậm cẳng kêu lớn:
- Bớ người ta ơi, bớ ông Hội đồng hương chánh ơi! Tụi nó phá ghe hát của ông Hai Long!
Đám đào kép cười rộ. Tư Văn Lâu kêu mọi người lên bờ, để mặc sức cho con mụ Hai Nà kêu trời kêu đất.
Tư Văn Lâu đi về với Bảy Phi. Dọc đường anh nói:
- Nè chị Bảy, khi không nó đuổi chị mà sao không đuổi những người khác!
Bảy Phi ngập ngừng:
- Biết đâu nó!
Tư Văn Lâu nghĩ cũng hơi lạ. Chính anh, anh cũng không rõ. Mấy hôm nay anh thấy Bảy Phi có gì hơi khác khác. Về tới gian đình, hai người vào ngồi bệt dưới gạch không nói với ai một câu nào. Chợt lúc sau Bảy Phi gọi:
- Chú Tư Lâu ơi!
Tư Văn Lâu ngửng đầu lên thấy mắt Bảy Phi chớp chớp liên hồi và thở rất dữ. Anh lúc lắc vai Bảy Phi:
- Chị Bảy, chị nói gì?
Rồi anh tỏ vẻ giận dỗi:
- Mấy bữa này có chuyện chi mà chị Bảy chớ cớ cho thằng Tư Lâu này biết!
Bảy Phi kéo vạt áo chùi mồ hôi trán. Tư Văn Lâu nóng lòng:
- Chị thiệt kỳ quá!
- Không... Tôi giấu chú làm chi. Tôi coi chú như em. Tôi... cực nhục lắm!
- Sao? Chị nói sao?
Bảy Phi bật tiếng lên nói:
- Thằng Hai Long... đêm qua nó mò vô định tính chuyện...
Không chờ nghe Bảy Phi dứt câu, Tư Văn Lâu đứng ngay dậy:
- Bà mẹ nó, tôi sơ ý quá, phải tôi biết tôi rình chém cho nó một dao!
- Chém nó đặng ở tù!
- Tù thì tù, nhứt định chém. Thứ đó chết có cớ, không ai bỏ tù được mình!
Bảy Phi thở dài, cắn cắn môi ngó mông ra sông. Tư Văn Lâu bước tới bước lui. Bụng anh không yên, chỉ sợ Bảy Phi rồi đây thế nào cũng bị đuổi khỏi gánh hát.
*
Chuyện lôi thôi xảy ra trong buổi trưa ở ghe hát lọt tới tai quan Hai Long. Mụ Hai Nà định chuyến này dựa hơi chủ, thế nào kép Văn Lâu cũng bị mụ cho một trận. Nhưng Hai Long thì lại có ý lo. Y sợ đào kép làm reo nghỉ hát, bèn hoãn việc đuổi Đào Phi. Biết tình cảnh Bảy Phi có con đau, y dặn mụ Hai Nà: "- Lương tháng đã bãi bỏ, nó hát đêm nào tính tiền đêm ấy, còn như nó có hỏi mượn tiền trước thì nó hết rồi, nghe chưa?".
Mụ Hai Nà hơi thắc mắc: "- Nhưng bấy lâu nay đào kép đứa nào cũng mượn được?".
Hai Long nói: - Thì có khó gì, tới hỏi mượn cứ nói là hết rồi.
Mụ Hai Nà dạ dạ, nghe theo.
Thực vậy, chị Bảy Phi mấy bữa nay nghỉ hát, vì bệnh con Huệ Linh ngày một nặng thêm. Mà đêm nào nghỉ hát thì không lãnh được tiền. Con bé sốt li bì. Ông thầy thuốc bắc chẩn mạch thảo đơn, nhưng Bảy Phi không có tiền mua thuốc. Mấy ngày đầu, anh chị em đào kép góp cho chị được một số tiền, nhưng không bao lâu cũng hết. Anh chị em ai cũng nghèo, đâu có mà giúp mãi. Túng thế quá, Bảy Phi phải đến hỏi mượn mụ Hai Nà. Gặp mụ ở đầu đòi dài, chị mới mở miệng hỏi mượn, mụ đã nói:
- Thôi, hết rồi, không còn đồng nào đâu! Trong sổ nợ chị còn thiếu ba chục...
- Thím Hai, con nhỏ tôi đau quá. Lâu nay tôi mượn tôi trả đều đủ...
- Không phải tôi sợ chị giựt, nhưng... tôi không còn, tôi không có quyền. Chị hỏi ông Hai Long ấy!
Bảy Phi bóp bụng năn nỉ: "Thím Hai... Thím Hai..." nhưng mụ Hai Nà trỏ tay chỉ lên bờ:
- Ông Hai đương ở trên quán cà phê kia, lên đó mà hỏi ổng!
Dứt lời mụ Hai ngoe ngoảy bỏ đi. Bảy Phi đứng lần chần, nửa muốn tới quán cà phê, nửa muốn bỏ về. Tới quán gặp Hai Long ư? Chị thấy cực nhục quá. Sau cái đêm hôm nọ, chị đã không muốn ngó mặt y rồi. Nhưng nghĩ đến lúc quay về gian đình, nhìn cảnh con đau nằm liệt trên võng, lòng chị xót đau. Trước mắt và bên tai chị, con Huệ Linh nằm im ỉm, hơi thở khò khè bởi khí nhiệt bốc lên mũi. Lòng thương con khiến chị thắng nỗi sợ nhục nhằn. Chị đi lên quán.
Quả là có bầu Thanh Long ở trong quán thật. Y đang ngồi một mình một bàn, ăn uống. Thấy chị vào, y giả tảng không biết, cứ điềm nhiêm cầm thìa khuấy sữa. Người chủ quán hỏi Bảy Phi:
- Ăn gì? Cà phê hay hủ tiếu?
Chị lắc đầu và bước đến trước bàn bầu Hai Long. Y vẫn uống sữa sì sụp, hình như cốt để Bảy Phi phải lên tiếng trước.
- Thưa ông Hai...
Bầu Thanh Long buông thìa, ngửng đầu lên:
- A... Cô Bảy Phi, chuyện gì đó?
Bảy Phi nói:
- Thưa ông Hai... con nhỏ tôi đau...
- Con của chị đau? ạ... té ra vậy...
Bảy Phi muốn điên người vì cái tiếng "ạ... ạ" của y. Cố nén, chị tiếp:
- Tôi muốn... hỏi mượn của gánh hát một số tiền chạy thuốc cho con. Hồi sáng... tôi có hỏi thím Hai, nhưng...
- Nhưng sao?
- Thím Hai nói hỏi ông!
Bầu Thanh Long lặng lẽ bưng ly sữa uống. Gần cạn ly, còn độ hai lóng tay, y tắc lưỡi một cái. Con chó tây nãy giờ nằm phục dưới chân y, nghếch mõn lên, Bầu Thanh Long nhễu từng giọt sữa xuống. Con chó mỗi lần hứng một giọt thì khoan khoái thè lưỡi liếm một vòng. Bầu Thanh Long làm xong cái việc ấy, vẫn để mặc Bảy Phi đứng đó, y nói với con chó:
- Mêđo, mày giỏi lắm, mày uống sữa cho quen, vài bữa nữa tao cho mày tập nếm rượu, nghe chưa... mậy, Mêđo!
Hồi sau, y làm tuồn như mới nhớ ra có Bảy Phi ở trước mặt:
- Té ra cô tới hỏi mượn tiền. Rủi quá, kỳ này tiền quỹ đâu có sẵn. Còn mấy ngàn đồng thuế du hí ráo nạo rồi!
- Ông Hai, cho tôi mượn đỡ một trăm, tôi không xài gì, tôi lo cho con nhỏ của tôi, cuối tháng tôi sẽ trả mà...
- Tôi nói thiệt. Tôi bảo có là có, bảo không là không. Thuở giờ tánh tôi vậy.
Bảy Phi toát mồ hôi khắp người. Chị biết tâm địa của y rồi. Chị biết thấu cả lời lẽ thoái thác của y. Như thuế du hí, quả là gánh nào cũng phải nộp, nhưng y thì chưa hề phải chịu món thuế đó lần nào cả. Dẫu rằng chị rất đỗi thương con, song giờ thì chị không còn lòng nào chịu nổi, đành chào y một tiếng rồi đi.
Bầu Thanh Long lấy thuốc thơm ra hút. Y thở phà một luồng khói rồi niểng đầu dưới vầng khói, nhìn bóng Bảy Phi lủi thủi bước ra khỏi quán.
... Sáng hôm sau, Bảy Phi dậy sớm, trong lúc đào kép còn ngủ. Mượn không được tiền, Bảy Phi cùng đường, đành nhờ Tư Văn Lâu giúp chị đưa con Huệ Linh về nhà bà cô chị ở Long Thạnh để chữa chạy. Đáng lẽ thì chị đi nhưng vì còn thiếu món nợ cũ phải ở lại hát.
Tư Văn Lâu đã thức dậy đi mua vé đò. Bảy Phi chốc chốc rờ trán con, chau mày. Con Huệ Linh không ăn uống gì được, chân tay gầy nhom. Lúc mới bắt đầu đau, nó vẫn thỏ thẻ nói chuyện với chị, mấy ngày rày nằm mê man không mở miệng kêu má một tiếng.
Tư Văn Lâu đi ngoài bến đò về. Anh nói với Bảy Phi:
- Đò máy hết chỗ, chỉ còn đò đạp thôi. Em mua vé rồi!
Bảy Phi lần túi áo:
- Chú Tư ăn cái gì chưa?
- Ăn rồi!
Giờ phút sắp xa con, Bảy Phi y chừng như lâu lắm mới gặp lại con. Chị rơm rớm nước mắt. Lòng chị là lòng của một người mẹ khốn khó. Có đứa con bên mình, nó an ủi Bảy Phi rất nhiều trong những ngày trôi dạt. Mười năm qua sống bên chị, nó ngoan lắm, biết vâng lời và yêu chị lắm. Trong những lúc mê sảng nó kêu "Má ơi, má ơi". Rõ là nó không muốn xa chị. Chị lại càng không khi nào muốn xa nó. Nhưng không muốn làm sao được? Trước kia vợ chồng Bảy Phi mong mỏi đời nó sau này được sung sướng, nên chọn cái tên Huệ Linh sáng sủa mà đặt cho nó. Vậy mà tới nay sao chưa thấy nó được sung sướng gì. Từ cái ăn cái mặc, đều thua sút con cái thiên hạ.
Trong lúc Bảy Phi đứng tần ngần, Tư Văn Lâu lo đem chiếu và quần áo của con Huệ Linh gom lại một chỗ. Xong, anh cởi áo ngồi hút thuốc.
Bảy Phi căn dặn Tư Văn Lâu:
- Chú Tư về gặp cô tôi nói là mai hoặc mốt tôi về, bây giờ bận hát chưa về được. Chú đi chắc khoảng xế thì về tới vàm Long Thạnh.
- Được rồi, chị cứ yên bụng!
Và anh đùa:
- Thôi, chị có Lưu Bị bây giờ thì Lưu Bị đi. Một chút nữa không còn ai ở đây mà nghe!
- Không, tôi khóc hồi nào đâu!
Ngoài bến đã nổi lên tiếng tù và tu tu giục khách. Tiếng tù và sáng nào Bảy Phi cũng nghe, đã quen tai lắm rồi. Nhưng sáng nay tiếng ấy rúc lên đột ngột, nhẫn tâm quá. Chị bước lại võng bồng con lên, áp đầu nó vào mặt chị. Hơi thở của con bé hà vô mặt chị nóng hổi. Mấy giọt nước mắt của Bảy Phi lăn xuống ngấn má héo gầy của con gái, chốc sau đã khô se lại.
Tù và dưới bến thổi lượt thứ hai.
Tư Văn Lâu đỡ lấy con bé Huệ Linh trên tay Bảy Phi, vội vàng nhảy xuống mũi đò. Chiếc đò đạp đã tháo đỏi. Mấy bác thợ đạp nhấn nhấn chân lên bộ trục hình bánh khế. Đò chạy lừ lừ. Bảy Phi vẫn còn đứng trên bờ ngó theo. Chiếc đò đạp khuất qua vịnh.
Xa xa ngoài sông cái vắng lặng, chỉ có mấy cánh buồm trắng chạy veo veo trong gió chướng.
*
Đêm nay gánh Thanh Long diễn vở San Hậu. ở cái thị trấn nhỏ này, người đi xem hát lặn lội ở miệt ruộng lên từ ban chiều. Mặt trời chưa lặn, trống đã đánh thòm thòm xen cùng tiếng chập chỏa khua rộn ràng. Chung quanh nhà lồng chợ và dọc hè đình, các hàng cháo gà, chè đậu, nước sâm thắp đèn lố nhố. Quang cảnh thị trấn đêm có hát dẫy đầy cái không khí náo nhiệt.
Đào kép coi họ cũng có phần tươi tỉnh. Qua một ngày nắng nóng, ngủ dật ngủ dựa, vợ con nheo nhóc kêu la, nhưng đêm đến nghe tiếng trống khua, đào kép như nghe thấy tiếng gọi thân yêu của nghề nghiệp.
Người thầy tuồng nói với Bảy Phi:
- Thoa thêm một chút son ở gò má nữa, còn lợt lắm. Bữa nay chị nhớ chú ý cái bộ tịch lúc ở chùa nghe chưa?
Bảy Phi thoa thêm son, soi gương. Lòng chị trĩu nặng âu lo, vì kép Văn Lâu đi vẫn chưa về. Không hiểu cớ gì, mà hai ngày rồi Tư Lâu vẫn biệt tăm. Không biết chừng con nhỏ lại đau nặng, hay có chuyện gì xảy ra dọc đường cũng nên. Trọn ngày nay, Bảy Phi đứng ngồi ngóng đợi. Nhưng đêm đến, việc hát vẫn phải hát. Tối nay chị lại sắm vai Thứ Hậu. Vai Linh Tá đáng lẽ do kép Văn Lâu đóng, nhưng Văn Lâu chưa có mặt. Mụ Hai Nà hồi chiều lại nổi lên một trận chửi. Bảy Phi khi hơi đâu để ý tới, là vì chị đang lo nỗi lo của chị. Mụ chửi thì mụ cứ chửi, chẳng hề hấn gì ai. Cuối cùng mụ Hai Nà phải chạy kép khác thay Tư Văn Lâu.
Đã tới giờ ra tuồng. Màn động cộp cộp.
Lớp Tạ Thiên Lân soán ngôi Tề Vương, trù định giết bà Phạn Thứ hậu đang có mang cho tuyệt tự nhà Tề, nhờ có Đổng Kim Lân và Linh Tá cứu được Thứ Hậu và hoàng tử. Màn vừa hạ, khán giả vỗ tay hoan nghênh. Bảy Phi đi vào, lòng chị nghĩ đâu đâu. Tiếng vỗ tay mang tới cho chị một ít niềm vui, nhưng xen với nỗi lo lắng, hóa ra một tâm trạng rối rắm, lộn xộn.
Vào tới buồng, bất đồ Bảy Phi thoáng thấy bóng Tư Văn Lâu. Chị mừng quá kêu lên:
- Chú Tư, chú Tư mới về hả?
Tư Văn Lâu nhác thấy Bảy Phi thì chạy vụt tới:
Chị Bảy ơi...
Giọng nói của anh kép hát này hôm nay thật đau đớn quá. Trông đôi mắt anh đỏ thật. Đào Bảy Phi cảm thấy chân mình như bị ai nhấc bổng khỏi đất. Chị bíu lấy tay Tư Văn Lâu, sảng sốt:
- Chú Tư, chú Tư! Chú nói gì?...
Giọng Tư Văn Lâu đứt quãng:
- Em về tới Long Thạnh. Đêm đó con Huệ Linh phát nóng kịch liệt, đến một giờ khuya thì không chịu nổi. Miếng bí đau của bà cô đắp trên ngực nó y như là bị luộc chín...
Bảy Phi giậm cẳng kêu trời. Chị bắt đầu khóc. Cái tiếng khóc nức lên trong cổ họng chưa thoát thành tiếng, nghe đáng sợ hơn tiếng khóc lớn. Vừa khóc, Bảy Phi vừa gọi tên con. Hết gọi tên con, chị lại kêu tên Tư Văn Lâu. Đào kép bu tới. Nhiều chị đào mủi lòng, ngồi ôm vai Bảy Phi mà khóc theo. Mụ Hai Nà chạy vào. Mụ lính quýnh, bởi lẽ màn kế đã động, và tiếng khóc thì lại lớn quá. Mụ tới bên Bảy Phi dịu giọng:
- Tới màn hai rồi. Sau đây mặc sức chị khóc. Bây giờ chị không ra, thiên hạ đòi tiền thì tôi biết ăn nói làm sao?
Bảy Phi đang trong cơn đau, chị đâu có nghe mụ nói gì. Tư Văn Lâu nạt lớn:
- Con người ta chết. Hát hát cái gì?
Tư Văn Lâu vừa nạt xong, bất ngờ anh bị một cái bạt tai từ phía sau giáng vô gáy như búa bổ. Tư Văn Lâu ngã chúi. Vừa gượng lại được, anh quay lại, thấy quan Hai Long đã đứng sững ở sau lưng từ hồi nào. Đánh Tư Văn Lâu rồi, Hai Long vò vò tay. Tư Văn Lâu đầu bừng nóng. Lập tức anh sắn tay áo. Ông thầy tuồng hoảng hồn nắm tay anh kéo lại.
Bầu Hai Long day lại chỗ Bảy Phi và mấy chị đào hát lớn tiếng:
- Đám hát hay là đám ma? Tụi bay tính trù cho rã gánh hát của tao phải không?
Và y nói với Bảy Phi:
- Còn Bảy Phi, sao? Ráng lên coi!
Mọi người đều lo lắng nhìn Bảy Phi. Trông chị thiểu não quá. Chị đăm đăm nhìn Hai Long không nháy mắt. Bỗng nhiên chị vén tóc đứng phắt dậy:
- Được, để tôi ra!
Mụ Hai Nà khỏe được mối lo, hít hít mũi. Bầu Hai Long rống lên với ấy chị đào:
- Còn ngồi đó hở mấy con đĩ khóc giùm? Đi, ai muốn khóc bồng bế ra ngoài đường mà khóc!
Bầu Hai Long nhìn theo Bảy Phi bước ra sân khấu, y nhếch miệng cười:
- Sao không giỏi mà làm tàng nữa đi...
Ngoài sân khấu đàn đờn vẫn dạo bài oán. Bản nam ai kéo tới lui mấy lượt. Thằng nhỏ động màn mỏi tay vừa quẳng cái chày vồ, bây giờ nó lại chụp lấy dộng rầm rầm.
Màn kéo lên. Khán giả sửa bộ ngồi, chăm chú...
Cảnh Đổng Kim Lân phò Hoàng tử với Thứ hậu chạy trốn, có cả bà Tam cung Nguyệt Kiểu. Ra khỏi hoàng thành, Thứ hậu và Nguyệt Kiểu chạy lạc tới một kiển chùa. Tên sư đầu đà chùa San Hậu nửa đêm mò vào thổi tắt đèn lưu ly trên bàn phật. Dưới ánh sáng khi mờ khi tỏ, đào Bảy Phi trong vai Thứ hậu với gương mặt tuyệt đẹp, lộ đầy vẻ đau thương phẫn nộ. Lòng trung trinh của Thứ hậu đã thắng hành động tà dâm của tên sư hổ mang.
Màn vừa hạ, tiếng vỗ tay nổi lên tưởng chừng như vỡ rạp. Có tiếng đàn bà con gái khóc rấm rứt bên dưới. Mấy người ngồi ở hàng đầu là giới mộ điệu ở thị trấn khen:
- Tụi tôi coi mấy lần, chưa có đêm nào Bảy Phi sắm Thứ hậu đặc biệt như đêm nay!
- Hay lắm, thưởng cho Bảy Phi hai chục đây!
- ủng hộ mười đồng!
Nhiều người ném tiền lên. Mụ Hai Nà ở trong buồng phục phịch chạy ra, hai tay bưng cái tráp trổ hình mấy cành huê. Mỗi lần lượm tiền bỏ vô tráp, mụ cúi mình chào khán quan một cái.
*
Đêm hát tan rồi. Về dường ai cũng khen cái chị đào sắm vai Thứ hậu, và định bụng sẽ coi lại một lần nữa cho thỏa. Nhưng đêm sau và những đêm sau nữa, người ta không gặp lại đào Bảy Phi trong buổi biểu diễn của gánh Thanh Long lần nào cả. Nghe đâu là sau đêm hát đó chị đã hóa điên. Người ở chợ học lại rằng đào Bảy Phi bỏ tóc xõa đi suốt ngày ngoài đường nắng. Thoáng thấy bóng sĩ quan quốc gia thì chị áp đến chửi thậm tệ. Bọn sĩ quan rút súng thì chị bỏ đi.
Hễ gặp những em gái dọc đường, nét mặt Bảy Phi lộ đầy vẻ mừng rỡ kêu lên:
- ủa? Con Linh cưng của má, tối nay con có sắm vai thể nữ không hở con?
Đứa bé gái nào lần đầu gặp chị đều hoảng chạy. Nhưng về sau chúng thấy chị không đánh đập gì lại tỏ vẻ âu yếm, thì dần dần cũng đâm dạn.
Người lớn ít ai dám đến gần chị ngoài kép Văn Lâu. Mỗi lần Bảy Phi gặp kép Văn Lâu, người ta thấy chị trở nên hiền hậu. Chị đứng tằn mằn cài lại hàng cúc áo xá xẩu cho kép Văn Lâu và lừ đừ đưa mắt nhìn anh. Đôi hàng lông mi chị đẫm ướt, đọng lại nơi khóe bao nhiêu là nước mắt.