Bà Sương nằm trên chiếc giường sắt hai tay dang ra thân thể bất động. Đời bà ngày qua ngày như dòng nước lặng lẽ trôi miên man về phía trước cũng có đôi khi uốn khúc gập ghềnh nhưng không nhiều, bà ít khi nhớ lại những gì đã qua có lẽ vì nó quá đơn điệu?. Nhưng hôm nay khi nằm chờ đợi để vào phòng gây mê không khí ở đây gợi cho bà cảm giác như đang ở trong bệnh viện phụ sản nơi bà đã từng làm việc hơn mười năm về trước…Bệnh tật đến với bà quá đột ngột. Cách đây một tháng trong khi đi thăm một người bạn lúc lên cầu thang tự nhiên bà cảm thấy đau ngực, kiệt sức thở hổn hển rồi khuỵu xuống. Cơn đau kéo dài vài phút rồi biến mất nên bà vẫn về được tới nhà. Tối hôm ấy bà đổ mồ hôi hột choáng nhẹ, ăn vào ợ hơi, buồn nôn nghi bị đau dạ dầy ngày hôm sau bà đi viện khám bệnh ngay. Bác sĩ báo cho biết bà bị bệnh tim cần phải phẫu thuật để máu được lưu thông dễ dàng vì động mạch vành bị hẹp lại, lượng cholesterol dư thừa làm xơ cứng có thể bị nghẽn mạch tim gây đột tử. Quá bàng hoàng bà không muốn tin đó là sự thật! Cũng là lẽ tự nhiên vì dù sao bà cũng chỉ là người chuyên khoa sản đâu thể biết hết mọi bệnh tật. Bây giờ nằm đây trong khu điều trị bà lặng lẽ quan sát trái tim đang hoạt động trong cơ thể người, được chiếu đi chiếu lại trên màn hình trước mặt. Khối thịt đang co thắt ở bên trái lồng ngực kia là trái tim ư? Trái tim với những đường gân mạch chằng chịt đang nhận và truyền máu đi khắp cơ thể. Nó đơn giản chỉ là một cục thịt, một cơ, hoạt động như cái máy với hai ống dẫn làm hai chức năng trái ngược, một bên bơm vào một bên thải ra.Có lẽ nó nằm bên trái nên bà mới hay đau các bộ phận phía trái và vì nó có nhiều gân máu nên lúc đầu khi thấy bà ngần ngại bác sĩ phải thuyết phục bằng cách giải thích thật cặn kẽ với bà rằng, thường phần cơ tim không được máu nuôi dưỡng đã báo động lên vùng não, bộ thần kinh trung ương ghi nhận rồi phản ứng ngược lại đánh dấu sự tổn thương tim nằm ở vùng ngực. Thế nhưng ngực cũng có những dây thần kinh liên quan đến dạ dầy cổ và tay nên bà mới có cảm giác đau thêm ở những vùng này. Sự giải thích quá rõ ràng buộc bà đành phải chấp nhận nhập viện chờ mổ ngay không được chậm trễ với tiền viện phí khổng lồ đến mức bà phải vay mượn thêm của nhiều người thân quen trong lúc chờ rao bán nhà. Nhìn khối thịt cứ liên tục co bóp bà bỗng nhiên thấy nực cười thầm nghĩ về những điều trước đây người ta hay dùng để nói về trái tim. Mọi biểu đạt về tình yêu đều có bóng dáng trái tim. Người ta chỉ cần vẽ trái tim giữa hai từ “anh và em” dễ dàng hơn nhiều khi phải viết hay nói “anh yêu em”, khi đau khổ vẽ trái tim rỉ máu, khi bị ai chinh phục làm cho mê mẩn đau đớn thì vẽ mũi tên xuyên trái tim chỉ vậy thôi còn dễ hiểu hơn vạn lời nói. Ở phương đông trái tim vẫn được hiểu là “tâm”, nào là tâm tình, tâm ý, tâm niệm và cụ Nguyễn Du chẳng đã nói”Chữ “tâm” kia mới bằng ba chữa tài” đó sao! Đối với nhiều người trái tim như một bộ máy thiêng có thể vận động biến hoá, chưa chất những điều bí ẩn. Họ cứ nghĩ rằng mọi cảm xúc thường đến từ trái tim khi xúc động hay phấn khích trái tim đập gấp. Thật ra cảm xúc phaỉ đến từ não rồi não truyền tín hiệu xuống tim làm tim đập nhanh. Đối với bà não mới là quan trọng… Cánh cửa xịch mở và hai người y sĩ một nam một nữ bước vào. Cả hai đều đeo khẩu trang đầu bịt kín chỉ để lộ hai con mắt. Ánh mắt người y sĩ nam nhìn xoáy bà rồi lại nhìn đi chỗ khác. Anh ta hất hàm ra hiệu cho đồng nghiệp kéo sát cái giường đẩy, cả hai cùng nhấc bà lên chuyển qua đó. Động tác không có vẻ gì ân cần thận trọng của một y sĩ chăm sóc bệnh nhân đang đau nặng. Nó lạnh lùng dứt khoát như thể bà là khúc gỗ mục cần ném vào góc cho rảnh mắt. Vì bị đặt xuống quá mạnh cả thân hình bà chao nghiêng một tay buông thõng lòng thòng. Anh ta hất tay bà lên tiện thể hất cái chân đang nằm ở tư thế chạng háng sát lại với cái chân bên kia. Họ không nói gì với nhau lặng lẽ kéo cái giường đẩy ra khỏi phòng. Nếu là lúc khoẻ mạnh bà cũng chẳng màng nhưng từ khi đau ốm đến nay tâm hồn bà nhạy cảm sao ấy, mấy đứa con bận việc chưa vô thăm được bà cũng cảm thấy buồn bã tủi thân bây giờ họ lại đối xử với bà như thế giống như bà đang ở nhà thương thí không bằng. Thái độ phũ phàng của họ đâu giống chăm sóc bệnh nhân đó là hành hạ thì đúng hơn.Họ đẩy giường, đưa bà qua những lối nhỏ, thỉnh thoảng tiếng rên la đau đớn phát ra sau những cánh cửa đóng kín làm bà cảm thấy xốn xang rờn rợn. Bà ngạc nhiên vì sự thay đổi của chính mình. Trước đây mình đâu vậy! Là người nhiều năm phục vụ ở khoa sản, có thời bà chai lì với những tiếng kêu la rên rỉ … Cái giường đẩy bỗng dừng lại bất ngờ ở một căn phòng rộng hình như là nơi cấp phát thuốc vì bà thấy có mấy mấy nhân viên đứng sau quầy trao thuốc nhận tiền…Rồi cô y tá đẩy bà bỗng chạy theo một ca câp cứu khác còn “hắn ta” tên y sĩ đáng ghét ấy bất chợt tháo khẩu trang đút túi rồi giơ tay vừa vẫy vừa chạy lại gần một phụ nữ yểu điệu trong cái váy hoa sặc sỡ và đôi giầy cao gót nhọn hoắt nổi bật giữa những người toàn khoắc áo blu trắng. Cô ta trao cho hắn một cái hộp gì gói rất cẩn thận…Bà nằm đó chờ đợi. Bỗng ánh mắt bà lướt qua mảng tường trước mặt rồi dừng lại ở tấm lịch in hình cô bé chừng năm tuổi mặc váy trắng đẹp như một thiên thần nổi bật giữa khung nền là bầu trời xanh biêng biếc, đôi mắt đen láy ngây thơ mở to hăm hở, hai bàn tay giơ lên cao như muốn hứng lấy, nắm trọn ánh mai đang toả xuống vuốt ve đôi má hồng mủm mỉm, mái tóc mềm nhẹ bay cũng lấp lánh ánh tơ, xung quanh những cánh hoa bừng nở chói sáng. Cô bé cười thật tươi để lộ hàm răng sữa trắng ngần. Một rung động lạ lùng thoáng qua tâm trí bà như một tia chớp khiến bà nhớ lại cái ngày định mệnh.Hôm nay là ngày thứ bảy tháng ba năm bính tuất, trời ơi mới đó mà đã 12 năm tròn! Bà kêu thầm. Hôm đó, một ngày không bao giờ quên, thứ bảy tháng ba năm giáp tuất, cái ngày cùng một lúc đánh dấu sự thành công cũng như thất bại trong đời bà. Chấm dứt một thời oanh liệt với đủ các bằng khen trong vai trò người làm tốt công cuộc bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Lúc đó bà nổi tiếng là người mát tay, đã giúp không biết bao nhiêu em gái khỏi bị quy trách nhiệm về những tội lỗi do sự dại dột lầm lỡ của mình để có được một cuộc sống bình thường trở lại, hoặc giúp cho các phụ nữ có thai ngoài ý muốn được trút bỏ không vướng víu hầu có thể nhẹ gánh thăng tiến sự nghiệp, tìm kiếm một cuộc sống vật chất vững vàng trước khi quyết định có con. Tất cả những gì bà làm vì hạnh phúc của cộng đồng. Nếu ai đó muốn có con bà cũng sẵn sàng tư vấn đủ mọi cách để họ có con. Nếu cái thai biến thành sự ngăn trở, phá vỡ những dự định của cha mẹ chúng, được yêu cầu, bà sẽ giúp loại bỏ cho dù chướng ngại ấy đã nhiều tuần tuổi. Bà chỉ làm nhiệm vụ xây đắp hạnh phúc cho mọi người. Nếu người muốn, tha thiết muốn thì dù sanh khó, sanh ngang, sanh dọc, sanh ngửa, sanh tràng hoa quàng, sanh bọc bà đều tìm mọi cách sao cho mát tay nhất,, hầu trao món quà vô giá ấy đến tận tay cha mẹ chúng. Nếu họ không muốn chưa sẵn sàng, cự tuyệt đến cùng thì bà cũng không thể nào khuyên răn được. Đối với bà mọi điều đúng sai đều tuỳ thuộc vào chính cảm xúc cũng như sự lựa chọn của các thân chủ muốn được giúp đỡ. Thật ra hơn ai hết bà hiểu rõ việc nạo thai không bao giờ là sự lựa chọn dễ dàng đối với phụ nữ Thế rồi trước cái ngày định mệnh tháng ba năm giáp tuất ấy một phụ nữ đến tìm bà. Chị ta khóc lóc nói không ra lời.. Chị cứ đưa khăn lên thấm nước mắt liên tục. Giọng chị vừa uất ức xen lẫn tiếc nuối rồi lại tha thiết van lơn. Chị tâm sự sắp được cử đi nước ngoài tu nghiệp. Nếu không phá cái thai gần năm tháng tuổi thì con đường tu nghiệp của chị sẽ chấm dứt cũng như không biết đến bao giờ mới đoàn tụ được với chồng đã ra nước ngoài trước đó vài tháng. Cuối cùng rạng ngày thứ bảy tháng ba năm ấy bà đã giúp chị ta, dù thật khó khăn,loại bỏ được thai nhi đã quá lớn. Cho đến bây giờ bà vẫn không quên cái cảm giác khi bàn tay chạm vào sinh linh bé nhỏ đã buộc phải xử lý cho nhuyễn hơn trước khi có thể loại ra khỏi cơ thể người mẹ. Bà đã thành công. Người phụ nữ không mất nhiều máu phục hồi sức khoẻ ngay. Chị ta trả cho bà một số tiền rất hậu hĩnh. Ra nước ngoài luôn nhớ tới bà vẫn gởi tiền về trả ơn…Thế nhưng vì lo ca đặc biệt đó bà quên không kiểm tra các ca khác, chuyển quyền cho một cô y tá chăm sóc một sản phụ sắp sanh, cô ta tiêm lầm thuốc khiến tử vong cả mẹ lẫn con. Thân bại danh liệt từ đó. Bà không còn uy tín trong bệnh viện, bị cho về hưu sớm không được mở phòng khám tư để hành nghề. Thế nhưng bà vẫn không bao giờ cảm thấy ân hận vì những gì đã qua. Sai lầm đối với sản phụ không may mắn đó nói cho cùng không phải sai lầm của bà mà là của người dưới quyền bà. Còn ca nạo thai kia thì coi như bà đã thành công. Nếu bà qua được ca mổ tim này bà sẽ gặp lại chị ta. Chị ta nhắn với bà sẽ về nước cùng chồng nhờ bà tư vấn giúp đỡ để có con vì bây giờ họ giàu lắm mong có một đứa nhưng chưa được. Giúp một phụ nữ ngoài bốn mươi có con bây giờ đâu khó, không còn là phép lạ, bà sẽ giúp chị ta. Tiếng cười hơ hớ vang lên trong không gian tĩnh lặng của bệnh viện làm bà giật mình ngoái lại nhìn. Thì ra là “hắn ta”. Hắn đang đi về cái giường đẩy của bà. Bà cảm thấy bực mình quá! Nếu ngày xưa, bà có nhân viên làm việc tắc trách như thế này bà sẽ đuổi cổ ngay lập tức! Thấy thái độ của hắn bà lại càng giận hơn với hai đứa con. Mong mỏi trông chờ chúng, cho đến bây giờ vẫn chưa thấy mặt đứa nào. Goá chồng khi con còn nhỏ, hy sinh cả một đời cả tuổi xuân không tiến thêm bước nữa nuôi chúng để chúng có sự nghiệp như ngày hôm nay thế mà lúc cần chúng nhất thì chả thấy mặt đứa nào, bận gì thì bận mẹ sắp mổ cũng phải ghé qua thăm hỏi chăm sóc chứ! Con cái thờ ơ, y sĩ lạnh lùng, vô phúc đến thế thì thôi chứ! tự nhiên bà cảm thấy uất ức sao ấy bà khẽ thở dài nước mắt ứa ra lăn nhẹ trên khuôn mặt mệt mỏi đờ đẫn vì căn bịnh tim đang hồi trầm trọng. Tên y sĩ đã tới nơi. Hắn để gói quà có ghi một chữ to tướng “Happy birthday” ở cuối giường, còn tay kia cầm đoá hồng nhung đỏ thắm chắc của người yêu tặng vì bà vừa thoáng thấy hắn ta chu môi hôn lẹ cánh hoa miệng cười vu vơ. Hắn đẩy cái giường của bà đi tiếp, động tác như một cái máy không thèm để ý nhìn bà lấy một chút! Mắt hắn ta hết nhìn gói quà lại ngắm hoa hồng với vẻ hí hửng. Khuôn mặt hắn ta nhìn kỹ có cái gì đó hơi mâu thuẫn. Ánh mắt lạnh thỉnh thoảng loé lên chút ranh mãnh, khác với cái miệng ngây ngô hình như luôn hé mở, làn da hơi “sữa” như con nít. Tự nhiên bà cảm thấy lo lo vì sự thiếu trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ chăm sóc mình trước khi mổ. Cuối cùng hắn cũng đưa được bà vào căn phòng để chờ mổ. Đẩy giường vào một góc hắn bật đèn. Tờ lịch treo tường với cô bé bụ bẫm lại đập vào mắt. Không hiểu sao cả cái khu này không có được tờ lịch kiểu khác sao mà cứ treo một loạt lịch hình này vậy nhỉ? Tiếng giấy bị xé rách sột soạt, bà quay lại. Hắn ta đã mở toang hộp quà và đang lôi ra một cái tượng hình đầu con chó. Hắn ngắm món quà gục gặc ra chiều thích thú rồi rú lên cười sằng sặc. Bà khó chịu quá nếu không kịp kiềm chế bà đã nhân dịp này sỉ vã cho hắn một tăng. Nhưng ơ kìa sao người ta lại khéo nắn tượng thế nhỉ? Giống con chó bẹc- giê LuLu của bà ngày xưa quá!. Cũng cái mồm với hàm răng nhọn hoắt và cái lưỡi dài hồng hồng lè ra sẵn sàng đớp bất cứ thứ gì. Nó là loại chó không phải ai cũng nuôi nổi. Nó ăn thịt ghê lắm!. Lúc đó bà làm việc ở khoa sản, những nhau thai, kể cả những phôi thai bị nạo, bị sẩy, người thân từ chối không mang về chôn cất đều biến thành thức ăn hàng ngày của Lulu. Bà nuôi chó không tốn một đồng xu thức ăn nào! Đột nhiên bà cảm thấy hoang mang. Sao ngày hôm nay tất cả những gì đập vào mắt đều gợi lại cái thời xa xưa oanh liệt ấy? Đời có nhiều điều trùng hợp nhưng…Ý nghĩ của bà lại bị gián đoạn khi hắn ta lên tiếng: _Bác nằm đây nhé! Cháu vào chuẩn bị dụng cụ cho ca giải phẩu để khi bác sĩ có mặt là tiến hành đúng như dự tính. Rồi hắn ta hấp tấp ôm tượng đầu chó biến mất sau cánh cửa. Căn phòng lại chìm trong im lặng. Khung cửa sổ duy nhất gắn kính mờ đục nên ánh sáng bên ngoài không lọt vào được. Nằm lì cứng cả người thèm ngồi dậy một chút nhưng không ai đỡ, tính thay đổi tư thế nằm cũng khó khăn quá! Cuối cùng cố gắng lắm bà mới có thể nằm nghiêng lại tránh ngọn đèn huỳnh quang nhỏ bằng nắm tay chiếu thẳng vào mặt. Bà bỗng giật mình không muốn tin vào mắt mình. Khuôn mặt bà qua tấm gương phản chiếu của cái tủ kê đối diện với giường trắng bệch gầy hốc lại hai mắt lõm sâu,thân hình nhìn xa xa trong ánh sáng yếu ớt sao giống như cái xác ứơp nằm chờ trong phòng lạnh. Bà nhắm mắt lại không đủ can đảm nhìn chính mình trong hiện tại, cố gắng xua đi những ý nghĩ quái gở đang hình thành trong đầu. Mong sao sẽ qua được ca giải phẫu này để trở về với cuộc sống muôn màu ngoài kia. Nằm trơ trọi trong căn phòng lạnh lẽo không ai đoái hoài tự nhiên bà lại nhớ về những giây phút huy hoàng ngày xưa khi bà đứng trước cử toạ đông hàng trăm người. Bà nói say sưa hùng hồn rõ ràng minh bạch. Bà chỉ ra, công nhận rằng “đối với một số người phá thai là tội ác nhất là đối với những thai nhi đã nhiều tuần tuổi thế nhưng… từ “nhưng” của bà làm cử toạ nín thở chờ đợi, bà nhìn đăm đăm xuống phía dưới khẽ mỉm cười bí hiểm hớp hồn đám đông trước khi nói tiếp rằng trong những nước nghèo kém phát triển dân số gia tăng nạo thai là một trong những biện pháp cần thiết, (Bà khéo léo chuyển từ “phá thai” thành “nạo thai” nghe cho nó đỡ căng thẳng, thuyết phục hơn.) do đó nạo thai ở những phòng mạch an toàn nơi có những bác sĩ sản khoa có uy tín có kinh nghiệm được phép hành nghề còn hơn nạo thai lậu nơi sức khoẻ thể chất của phụ nữ được phó mặc vào tay “bà mụ” rất dễ gặp nguy hiểm. Bà cứ thế vung tay lên trời tiếp tục thao thao bất tuyệt rồi hô to những khẩu hiệu gây sự chú ý thuyết phục:”Tất cả vì một tương lai tốt đẹp!, vì mái ấm gia đình!, vì sự an toàn sức khỏe của chúng ta!”…. Bà kết thúc bài phát biểu tại đây giữa những ánh đèn lia qua lia lại chớp chớp liên tục, những bó hoa chúc mừng cứ chen chúc lớn lên trong vòng tay ôm, dần dần choáng ngợp che mất tầm nhìn của bà với những gì xung quanh, bà sống trong tâm trạng ngất ngây giữa những tràng vỗ tay không ngớt… Cánh cửa phòng bỗng mở toang và một vị bác sĩ bước vào như một cơn lốc. Ông tiến lại ân cần nắm tay bà hỏi han sức khoẻ rồi nói: _Bà cứ yên tâm! Bà sẽ vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này. Khoa học ngày nay đã tiến xa lắm rồi! Nếu phát hiện bệnh kịp thời như trường hợp của bà đây thì sự việc không khó khăn phức tạp nữa! Bà cứ tưởng tượng là thân thể bà giống như một bộ máy được phát hiện sớm chỗ hỏng hóc, người ta tháo ra lắp hay sửa lại bộ phận bị hư và máy lại khởi động thế thôi bà nhé mọi việc sẽ tốt đẹp. Lời nói của vị bác sĩ như một liều thuốc thần khiến mọi bực tức mệt mỏi tiêu tan bà đột nhiên nhổm dậy một cách dễ dàng, nhoài người ra bắt tay ông ta như một cử chỉ biểu lộ sự tri ân. Chính lúc bà phấn khích nhất “hắn ta”, tên y sĩ xấc láo ấy lại thò đầu vào kêu to: _Thưa bác sĩ tất cả đã sẵn sàng rồi ạ! Một lúc sau cái giường đẩy của bà di chuyển. Bà mở choàng mắt, thì ra người ta đang đưa bà vào phòng mổ. Chưa kịp nhìn xem con bà có đứa nào tới kịp không thì cửa phòng mổ đã mau chóng khép lại. Những người áo trắng mỗi người tuần tự làm công việc của mình. Tiếng va chạm của các dụng cụ sắc bén khiến bà tự nhiên thấy ớn lạnh. Khuôn mặt của những bác sĩ giải phẩu bị khuất sau khẩu trang trắng, áo blu trắng, mũ trắng, làm việc trong câm lặng lâu lâu dùng những cử chỉ nhỏ để ra hiệu với nhau khiến bà có cảm giác mình đang lạc vào một hành tinh xa lạ và phải đối diện với các người máy rô-bốt. Bất chợt đèn trong phòng sáng loà, bà nhận ra mình đang bị gây mê, không thể cử động được, hình như các cơ bắp trong người đều đã bị ngấm thuốc tê đang từ từ cứng lại nhưng bà vẫn không mê hẳn. Mi mắt trĩu nặng nhưng vẫn nhìn lơ mơ mọi thứ, vẫn còn nghe những âm thanh trong phòng mổ và trời ơi bà nhìn thấy bác sĩ trưởng ca mổ đưa tay ra hiệu cuộc giải phẩu bắt đầu. Đúng lúc đó “hắn ta” xuất hiện cầm cái khay với những dụng cụ mổ được sắp đặt chỉnh tề. Hơn ai hết bà hiểu rằng liều thuốc gây mê quá ít có thể làm cho cơ thể cứng lại nhưng không đủ làm cho bà mê đi đầu óc còn tỉnh và như vậy bà sẽ rất đau đớn. Khi thấy hắn ta cầm con dao bén sáng loáng đưa cho bác sĩ trưởng bà hoảng quá thét lên: “Khoan mổ bác sĩ ơi! Tôi còn tỉnh chưa mê! trời ơi! …tại sao ai cũng tỉnh bơ phớt lờ vậy có nghe tôi nói không?, dừng lại ngay! dừng lại ngay!” Bà cố gắng hét lên nhưng vô vọng, tiếng thét đọng lại nơi cổ họng không thể thốt ra thành âm thanh vì các cơ miệng đã bị ngấm thuốc tê, cơ thể cũng thế nhưng đến lúc này đầu óc vẫn chưa hoàn toàn mê đi. Con dao chạm trên ngực bà, cắm mạnh xuống, nỗi đau lướt đi xé toạc da thịt lan rộng, rồi như muôn ngàn mũi kim truyền đi khắp cơ thể, thấu buốt tận xương dội ngược lên óc, bà rú lên trong câm lặng. Trước mắt bà giờ đây là những đốm sáng cứ loé lên, trong nỗi đau vật vã ấy bà nhìn thấy gương mặt cô bé trên tấm lịch treo tường biến thành vô vàn những khuôn mặt quay cuồng nhảy múa theo từng cơn đau quằn quại, nụ cười ngây thơ trở nên quái đản hàm răng sữa biến dạng to dần ra nhọn hoắt, lưỡi dao đang cắt, xé toạc, ngọ nguậy trong cơ thể bà, kìm cặp hàng loạt bấu vào da thịt để cầm máu nhưng máu vẫn chảy…ôi đau quá! Đau quá cứu tôi với…Cơn đau bỗng nhiên dịu đi những hình ảnh quái gở cũng biến mất. Thế nhưng trời ạ ở góc phòng trên kệ cao là cái đầu con chó của “hắn ta” đang gầm gừ lăm le nhìn xuống thân thể bà. Và rồi một cơn đau lại thốc tới như xé ruột gan, một lần nữa bà lại rú lên trong vô vọng…"lạy ơn trên cho con được bất tỉnh, ôi thôi! cho con chết… chết... ng…ay đi!…”Căn phòng lại quay cuồng, đầu con chó to dần theo sự đớn đau, máu bắn tung toé lốm đốm đỏ đầy những áo blu trắng, hai hàm răng sắc nhọn nhe ra cái lưỡi thè dài, đỏ lòm quét ngang quét dọc như chờ đợi được liếm máu. Chịu đựng nỗi đau trong bất lực, đau như đang bị hành hình phanh thây, cuối cùng bà cũng kiệt sức thấy mình ngụp lặn trong bể máu chìm dần…chìm dần đến khi không còn biết gì nữa. Ba tháng sau… Bà Sương ngồi thu lu trong góc tối của căn nhà đơn sơ bà vừa mới dọn tới ở vùng ngoại ô. Căn biệt thự lộng lẫy đã bán xong. Tiền nợ, viện phí cũng đã thanh toán Tiền cho hai con bà cũng đã đưa. Phần bà cốt yếu là để dưỡng bệnh còn lại bao nhiêu bà tính sẽ giúp làm từ thiện. Bây giờ chả có gì để tiếc nuối. Suốt một tháng sau khi mổ bà không thốt lên nổi một lời nào. Mọi người tới thăm hỏi chúc mừng nhưng bà không trả lời, hoàn toàn giống như bị câm Cho đến bây giờ cũng không thể tâm sự với ai những gì bà đã gặp phải trong khi được giải phẩu vì ca mổ thành công. Làm sao có thể mô tả cái thế giới đớn đau lạnh lùng đầy máu ấy?. Bây giờ bà đã cảm nhận được có cái gì đó thật câm lặng nhưng mạnh hơn cả lời nói, hoàn toàn lấn át những âm thanh đêm ngaỳ của cuộc sống. Thế giới bon chen xô bồ ngoài kia dường như đã lùi xa rất xa không còn ý nghĩa gì với bà nữa! Vượt qua lưng chừng cơn mê rồi trở về với thực tại, con người của bà trước kia đã chết... Bà không thiết gì cũng quá mệt mỏi để kiện “hắn ta”, người có thể bị quy trách nhiệm vì liều thuốc gây mê quá ít cho một ca giải phẩu như trường hợp của bà. Hơn ai hết bà ngộ ra rằng để trở về được với thế gian bà phải trả giá, phải trải qua những nỗi đau kinh hoàng cho trái tim bệnh hoạn được chữa lành. Bất giác bà đưa bàn tay xoa nhẹ vùng ngực,rồi dừng lại để cảm nhận từng nhịp đập thật khẽ của trái tim mình. Lần đầu tiên từ khi mổ tâm hồn chợt nhẹ nhàng dễ chịu, bà khẽ nhếch môi cười dù nụ cười còn méo xệch chưa tròn trịa. Ngoài kia sao lại có tiếng chim mải mê hót dù lẻ loi lạc lỏng giữa những cành cây trơ trụi vật vờ trong gió lộng?. Sau cơn mưa cái sân rêu xanh vương đầy lá vàng. Giữa những vùng cỏ hoang đang lan ra che dần lối đi những bông cúc nở muộn thấp thoáng lấp lánh trong những khoảng nắng nhạt của buổi thu tàn. Bà Sương đăm đăm nhìn ra ngoài. Ánh nhìn cuả bà đã vượt qua bầu trời thấp buồn nặng trĩu, đang vút lên, hình như đang lạc vào cõi vô cùng nào đó? HẾT