Long Hồ và Long Châu là hai hiếc tàu tư nhân. Long Hồ chuyên chở gạo và Long Châu là tàu dầu thường di chuyển trên vùng duyên hải Việt Nam, từ Nam ra Trung và ngược lại. Đôi khi hai chiếc tàu này cũng chuyên chở hàng hóa trên trục Sài Gòn - Nam Vang. Vào đầu tháng Tư Long Châu chứa đầy xăng dầu đang nằm ở Đà Nẵng, trong những ngày tình hình sôi nổi của cuộc chiến Long Châu quay đầu trở lại Vũng Tàu khoảng giữa tháng Tư. Trên đường vào Vũng Tàu Long Châu chở hơn một tiểu đội lính Lôi Hổ, một Đại Tá Cảnh Sát và người “tài lọt”. Đến Vũng Tàu hầu hết lính Lôi Hổ và cơ khí chạy máy xuống tàu Long Châu trở lại với gia đình. Trưa 29 tháng 4 Long Hồ từ cảng Sài Gòn, kho 5, ra đi và hội ngộ cùng Long Châu sáng 30 tháng 4 ngoài khơi Vũng Tàu. Lúc đó Long Châu có người lái tàu là quan tàu Kh, nhưng không có người chạy máy (vì người thợ máy từ Đà Nẵng vào đã xuống tàu trở lại với gia đình). Vì muốn đưa tài sản và số xăng dầu ra nước ngoài, chủ nhân của Long Hồ và Long Châu, sáng 30 tháng 4 đã liên lạc thỏa thuận, đồng ý trả một số vàng và đô la để mướn ba người thợ máy theo Long Hồ ra Vũng Tàu qua chạy máy cho Long Châu. Ba thợ máy đó có hai anh em anh Hoàng (Hoàng và N) và một người bạn (Si), họ đều tốt nghiệp trường Việt Nam Hàng Hải, từng đi tàu hoặc có kinh nghiệm điều hành máy tàu. Trên Long Châu có gia đình quan tàu Kh (cha, mẹ, vợ, một người con và cô em vợ), cùng với anh chị em và thân nhân của anh Hoàng (anh K, chị Th vợ anh K, bé Kt con của anh K, T, N, S, Th, H, C và tôi.) Những người này đã có mặt trên Long Châu hoặc từ Long Hồ chuyển qua từ sáng 30 tháng 4, ngoại trừ tôi. C sau khi đến Guam vì nhớ gia đình người thân nên đã cùng với 1545 người khác ngày 16 tháng 10, 1975 tự nguyện lên tàu Việt Nam Thương Tín trở về Sài Gòn. Nhưng khi Việt Nam Thương Tín đến Vũng Tàu thì những người này bị bắt và đưa thẳng vào nhà lao. Chiếc radio nhỏ trên Long Châu lúc nào cũng oang oang loan tin từ đài phát thanh Sài Gòn. Khoảng 10:30 trưa 30 tháng 4, 1975 sau lệnh buông súng vô điều kiện của Tổng Thống Dương Văn Minh được loan đi từ đài phát thanh Sài Gòn thì những con tàu và đoàn người ngoài khơi Vũng tàu không còn lý do gì để lảng vảng đây nữa. Tất cả quay đầu ra đi. Từ đây đoàn người sẽ ra đi tìm Tự Do mọi nơi. Hầu hết gia đình binh lính Lôi Hổ và những người trên tàu đánh cá được Đệ Thất Hạm Đội Th Bình Dương vớt và đưa về Subic Bay, đảo Guam hoặc Wake. Long Hồ và Long Châu cũng rời Vũng Tàu lên đường. Gió biển thổi tung bay ngọn cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ bay hiên ngang trong gió mặc cho lời tuyên bố đầu hàng của vị nguyên thủ quốc gia đã loan đi. Biển cả bao la và mênh mông, con thuyền cứ bềnh bồng rời xa bờ bến cũ. Tôi hỏi thì được anh Hoàng cho biết thuyền đang chạy về hướng Nam, và chưa biết sẽ đi về đâu. Tôi lảng vảng trên tàu rồi xuống hầm máy nghe tiếng máy nổ nhức tai lại chạy lên boong tàu. Thời gian trôi qua thật chậm. Không gì làm tôi thấy mình như dư thừa, tôi hỏi anh Hoàng: -“Sao tàu trống rỗng như vầy mà không cho người ta lên đi?” -“Không được. Không thể để nhiều người lên tàu được vì bà chủ tàu muốn mang tàu đi Panama. Người tỵ nạn đâu muốn đi Panama, có họ khó xử lắm.” -“Nói vậy tui cũng đâu muốn đi Panama, sao kỳ vậy?” -“Tụi mình thì khác. Đến đó rồi hãy tính.” Biết không thể thay đổi được gì tôi làm thinh và chỉ nhìn xa xa trên biển cả, nhớ về gia đình anh em. Có lẽ mỗi con người đều có định mệnh, tôi nghĩ người đáng ra đi có lẽ là anh Hát chứ không phải tôi! Và có lẽ định mệnh đã xếp đặt cho Phương không có mặt ở nhà buổi chiêu hôm ấy, để tôi phải xa Phương! Từ đây những tâm tư về gia đình và người thân rồi cũng trở thành một thứ ký ức, và những bước đi vẫn phải tiếp tục mang theo những ký ức đó. Con tàu cứ ra đi và bóng đêm thì cứ lại gần. Chúng tôi, những đứa bạn cùng trang lứa, cùng khóa học, cùng đứng trên ngưỡng cửa học đường và cùng mơ ước cho một tương lai - S, H, Th, N, và tôi. Đêm nay cùng ngồi trên boong tàu, nhìn lên bầu trời đầy sao mà suy ngẫm: không biết vì sao nào của mình, của tuổi trẻ Việt Nam! Tiếng máy tàu vẫn nổ xình xịch đều đặng, và Long Châu Long Hồ vẫn nối đuôi đi trong đêm trường. Sáng ngày hôm sau, mọi nguời thức giấc con tàu vẫn xình xịch chạy về phương Nam. Nhìn quanh ba bên bốn phía chỉ thấy toàn là biển mênh mông. Tàu chạy khoảng chừng 10 hải lý một giờ, chúng tôi, những người rảnh rỗi nhất trên thế gian lúc này, lấy lưởi câu móc mồi thả đại xuống biển mua vui may đâu bắt được cá. Không ngờ bất thình lình dây câu căng thẳng và từ xa phía sau con tàu một con cá nhảy tung lên mặt nước. Ngay lập tức chúng tôi báo phòng máy cho tàu chạy chậm lại, rồi từ từ kéo giây câu về. Một con cá rất lớn dính câu, đang vùng vẫy trong nước. Chúng tôi vui mừng reo hò cùng nhau kéo cá về, con cá vùng vẫy chạy loạn xạ trong dòng nước, cố phấn đấu để được tự do, nhưng rồi cuối cùng cũng bị mang lên boong tàu. Đó là con cá Dũa, miệng dài và nhọn nặng cở 25 ký! Ngày hôm đó mọi người trên tàu có một bửa cá ăn no say. Con tàu vẫn tiếp tục đi. Đến ngày thứ ba, bà chủ tàu bên Long Hồ liên lạc qua bảo Long Châu và Long Hồ đều phỉa ghé Singapore. Ông Si, người thợ máy và là bạn của anh Hoàng, phản đối lời nói của bà chủ tàu, nói: “Tại sao phải ghé Singapore mà không đi thẳng xuống Úc Đại Lợi luôn? Không phải bà chủ tàu đã thỏa thuận như vậy khi còn ngoài khơi Vũng Tàu sao.” Ông Kh, thuyền trưởng nói: “Phải ghé Singapore để lấy thêm nhiên liệu và thực phẩm.” “Gạo chứa đầy tàu rồi. Bộ xăg không đủ xuống đến Úc sao?” “Không. Xăng không đủ đi xa như vậy được.” Ông Kh trả lời ông Si. Vậy là cả Long Hồ và Long Châu phải ghé hải cảng Singapore. Khi Long Hồ và Long Châu cập bến, chính quyền Singapore ra lịnh mọi người phải rời khỏi tàu. Nhóm anh Hoàng và ông Si thấy có điều gì không ổn và chống đối không chịu rời khỏi tàu. Theo lời của ông Si thì bà chủ tàu đồng ý trả một số tiền và vàng cho ông Si và nhóm anh Hoàng để đưa tàu đến Úc hay Panama. Nhưng khi đến Singapore thì được biết chồng của bà chủ tàu đã có mặt tại Singapore, hai vợ chồng chủ tàu đồng tình với chính quyền Singapore buộc mọi người phải xuống tàu, điều này đã làm bất mãn ông Si và ông này cự tuyệt, không chịu rời tàu, chỉ đòi tiếp tế nhiên liệu xong sẽ lên đường. Sau một thời gian dàng xếp, điều đình, nhân viên hải cảng Singapore bảo nhóm anh Hoàng và ông Si sau khi xuống tàu, khám sức khỏe, chích thuốc và lấy thêm lương thực xong sẽ cho trở lại tàu tiếp tục đi. Trước lời đề nghị của hải cảng Singapore mọi người rời tàu lên bờ ngoại trừ ông Si và hai anh em anh Hoàng. Các anh ấy bảo với chúng tôi trước khi bước xuống tàu, rằng: “Tụi bây cứ xuống đi, ba đứa tao sẽ ở lại đây coi tàu. Tao nghĩ chắc họ lật lọng muốn nuốt tiền công của tụi tao nên bày đặc cái vụ khám bịnh chích thuốc này chứ mình có bịnh hoạn gì mà phải khám phải chích. Có biết bao chủ tàu khác ở cảng Sài Gòn mướn mình lái tàu họ đi mà mình đồng ý lái tàu bà này thì bả phải trả tiền công theo hợp đồng sáng 30 tháng 4 chứ.” Nói xong chúng tôi, những người trẻ và đàn bà con nít, không liên cang gì đến hợp đồng giữa chủ tàu và những người thợ máy, đều xuống tàu khám bịnh chích thuốc. Sau khi mọi người đều xuống chỉ còn lại ba người chống đối không chịu rời tàu và ôm súng cố thủ con tàu. Lập tức nhân viên hải cảng Singapore điều động một tiểu đội lính Singapore đến cô lập chiếc Long Châu. Trước sự áp bức của nhân viên hải cảng và sự lật lọng của chủ tàu ông Si chống đối đến cùng và đã tỏ thái độ bằng cách mang trái lựu đạn của lính Lôi Hổ để lại trên tàu, ném xuống biển nổ vang rền làm nước tung tóe. Tiếng nổ của quả lựu đạn trên cảng Singapore bên cạnh chiếc Long Châu chứa đầy xăng dầu đã làm đám lính và nhà chức trách trên hải cảng Singapore trở nên căng thẳng. Toán binh lính chạy loạn xa, la hét như chưa từng đánh giặc. Những người lính Singapore ôm súng lên đạn két két, người này quì sau lưng người kia trên sân tàu. Tôi thấy những người lính Singapore run sợ đến nổi thay vì chỉa súng lên Long Châu họ lại chỉa ngay vào đầu người chiến binh phía trước họ. Sau giây phút đó Long Châu chỉ còn ba người và một số lựu đạn, súng ống. Những tiếng loa kêu gọi ba người nên bỏ cuộc, nhưng vô hiệu nghiệm. Câu chuyện rất bình thường lại trở nên gay cấn và trở thành sự đối đầu giữa cảnh sát Singapore và Long Châu, cũng chỉ vì lòng người thay đổi! Nhưng toán lính án binh bất đông trên hải cảng, một hồi sau nhân viên hải cảng trao vị Đại Tá Cảnh Sát lúc trước xuống tàu khám bịnh chích thuốc trở lại tàu Long Châu. Phần chúng tôi, những người vừa bước xuống tàu để khám bịnh chíct thuốc thì bị giữ lại không cho trở lại tàu và cũng không khám bịnh chích thuốc gì cả. Một tiếng rồi hai tiếng đồng hồ trôi qua không một tiếng động phát ra từ Long Châu. Những người lính Singapore vẫn án binh trên sân tàu. Bất chợt sân tàu giấy động, viên Đại Tá Cảnh Sát bước ra và nói đã bắt trói ba người kia rồi! Sau này chúng tôi biết là viên Đại Tá này đã thông đồng và lấy tiền bà chủ tàu trở lại tàu ve vảng, chờ lúc ba người kia mệt mỏi ngủ, và không để ý thừa cơ bắt họ giao lại cho cảnh sát Singapore. Vậy là xong, nhóm ba người anh Hoàng bị bó tay. Và những người còn lại trong nhóm anh Hoàng chín người, trong đó có tôi, đều bị cô lập trong một khuông viên rộng lớn. Một tuần sau chính quyền Singapore gom góp những người vượt biên tỵ nạm và những chiếc tàu có khả năng vượt trùng dương mang ra cho đi. Chúng tôi biết tin về nhóm ba người anh Hoàng rất giới hạn, chỉ biết các anh vẫn còn cô lập trên Long Châu. Hôm đó khoảng ngày 10 tháng 5 năm 1975 chín người chúng tôi được mang ra chia năm xẻ bảy thành nhiều nhóm nhỏ và từng cá nhân riêng biệt, đưa lên những chiếc tàu được trang bị lương thực để tiếp tục cuộc hành trình tìm tự do. Khi ra sân tàu thì S, N, vợ chồng anh K và đứa con nhỏ được đưa lên Long Hồ. Còn lại bốn đứa chúng tôi: Th, H, C và tôi thì bị xé lẽ và đưa lên ba con tàu đánh cá nhỏ. Ba con tàu đánh cá đó là Việt Thủy 1, 2, 3. Có nghĩa là những người cùng rời Vũng Tàu trên chiếc Long Châu giờ này đều bị tan hàng, mỗi người một nẻo. Trưa ngày 10 tháng 5 sân tàu hải cảng Singapore nhộn nhịp với hàng ngàn người tỵ nạn nhôn nháo trên ba con tàu đậu san sát nhau. Long Hồ và Long Châu cũng được đưa lên đầy người và đậu cách biệt với ba chiếc tàu đánh cá Việt Thủy. Tôi không ngờ chuyến nhảy xuống biển để trở lại Sài Gòn của tôi cuối cùng lại đặt chân trên chiếc Việt Thủy mong manh này. Nhìn hàng trăm người chen lấn nhau trên chiếc tàu đánh cá nhỏ bé, tôi lại nhớ thân phận những người ướt tả tơi run sợ chấp tay lạy những làn đạn ngoài khơi Vũng Tàu cách đây hơn một tuần! Tôi nghĩ chắc tôi số con rệp, tàu lớn không đị lại đi nhảy xuống biển để rồi cuối cùng lại lên chiếc tàu nhỏ mong manh này. Trong một thoáng suy nghĩ đến bạn bè, và nhìn thấy cảnh náo loạn không trật tự nơi sân tàu, tôi liền nhảy xuống tàu Việt Thủy 3 đi tìm Th H và C trên hai chiếc Việt Thủy khác. Khi gặp Th H C tôi nói là ba con tàu đậu sát bên nhau, hãy lẩn quẩn đâu đây đợi khi nào sắp đến giờ lên đường thì tất cả đều chuyển qua chiếc Việt Thủy 3 để cùng đi cho đở buồn. Quang cảnh nơi đây như một buổi chợ, tuy mọi người được chỉ định đi trên con tàu nào nhưng rồi không ai kiểm soát ai, nên khi đoàn người đông như kiến thì sự di chuyển lại càng thêm dễ dàng. Và cuối cùng trước khi tàu rời bến bốn đứa chúng tôi cùng có mặt trên chiếc Việt Thủy 3. Mấy ngày đầu tháng 5 năm 1975 làn sóng người rời bỏ quê hương ra đi rất đông. Họ ra đi bằng mọi phương tiện, tàu lớn, tàu nhỏ, ngay cả những chiếc ghe chỉ dùng để di chuyển trên sông cũng được tận dụng để vượt biên. Điểm đến của làn sóng người Việt vượt biên là mọi nơi, mọi quốc gia ngoài Việt Nam và Trung Hoa. Và Singapore là một đảo quốc nằm phía nam Việt Nam đã đón nhận nhiều người đến. Nhưng Singapore không có chương trình định cư nên những người đến đây lần lượt phải tiếp tục lên đường. Vì vậy mà ba con tàu đánh cá Việt Thủy sau khi đến Singapore lại được trang bị lương thực, nước uống đầy đủ bởi Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc rồi đẩy ra khơi với một tấm bản đồ thế giới, và trên mỗi chiếc Việt Thủy là hàng ngàn người lớn - bé - già - trẻ - trai - gái chen chúc nhau trên chiếc tàu không dài quá 15 thước và rộng cở ba, bốn thước, làm bằng gỗ. Mặt trời vừa ngã bóng, cái nắng ban trưa vẫn còn gay gắt, nhưng có lẽ không ai để ý đến vì đoàn tàu sắp nhổ neo. Long Hồ, Long Châu và những chiếc tàu sắt đã ra đi. Còn lại trên hải cảng là ba chiếc Việt Thủy. Giây phút kiểm sóat cuối cùng đã hoàn tất, mọi người đã nhận diện gia đình thân nhân, ba vị “thuyền trưởng” của ba con tàu đã hứa hẹn nhau cùng nối đuôi. Sân tàu lặng lẻ, không người tiển đưa, không người bịn rịn, và đặt biệt không có hồi còi tàu thứ ba, vì đã không có hồi còi tàu thứ nhất! Ba con tàu lặng lẻ rời bến. Tôi nhìn lại sân tàu, một khoảng không gian trơ trụi. Và trước mặt, một trùng dương bao la. Thằng bạn ngồi bên cạnh rít lên một điếu thuốc đỏ rực, chuyền tay cho thằng khác, và nói: “Từ đây đến Subic Bay chắc cũng phải mất một tuần.” Buổi chiều, gió biển rít từng cơn lạnh buốt, và con tàu không một mái hiên để trú. Đồng Sa Băng. 2 tháng 6, 2009.