Ngựa Hoang

  Nước Mỹ áp dụng chế độ cưỡng bách giáo dục ở bậc trung và tiểu học. Ngoài những trường nổi tiếng và trường tư, hệ thống đại học công ở tiểu bang California gồm có hai hệ thống: UC (University of California system) như UC Berkeley, UC Davis, UCLA,… và CS (California State University system) như  CS Northridge, CS Fulleton, CS Los Angeles,… Hệ thống UC có vẽ khá và nổi tiếng hơn. Chương trình giáo dục của Mỹ khá hoàn thiện, riêng tiểu bang California lại càng ưu đãi cho ngành giáo dục hơn mọi tiểu bang khác. Ít nhất ở thời điểm của thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, hệ thống đại học công ở tiểu bang California đều miễn phí, sinh viên chỉ đóng một ít lệ phí nhập học mà không phải đóng tiền học phí cho mỗi lớp học.
Tôi đã vào trường học hơn một khóa, nhưng thành phố Thousand Oaks dường như không bao giờ rời xa tôi. Nơi đây có một sự ràng buộc hay những mảnh vụn có thể xóa lấp những giây phút buồn và nhớ gia đình. Nhưng cũng có những lúc tôi không muốn trở lại Thousand Oaks trong ngày cuối tuần nếu ngày thứ Hai kế là ngày thi, nhưng ít khi nào tôi làm được chuyện đó!
Thỉnh thoảng hội bảo trợ Tin Lành tổ chức những ngày họp mặt cho những gia đình tị nạn Việt Nam và những người di dân khác đến Thousand Oaks trước đây. Những cuộc họp mặt có tính cách hướng dẫn và dìu dắt người tị nạn làm quen để hòa đồng với cuộc sống mới. Những người tham gia thường là những gia đình thành công về học vấn hay trên con đường thương mại. Nhưng cuộc sống và xã hội nơi này rất khác với thành phố Sài Gòn, muốn hội nhập cũng đòi hỏi thời gian. Chỉ chưa đầy một năm trước, những buổi tối khi học xong năm ba chữ thấy đói bụng là, xẹt ra đầu hẻm ngồi ngâm nga bên tô phở bốc hơi, hay ngồi nhà gọi đứa bé đang gõ lóc cóc mang vào tô hủ tíu. Hay những buổi chiều cuối tuần xách xe chạy lang bang trên phố Sài Gòn tìm thăm vài người bạn, ghé thăm người tình hay cặp kè nhau đi trên phố. Không khí sôi động và nhộn nhịp của thành phố Sài Gòn nóng bỏng đã ăn sâu vào cuộc sống hằng ngày, mà khi còn ở đó người ta xem rất tầm thường, nhưng xa rồi mới thấy nhớ. Nhớ từ những việc rất đơn sơ như bóng người, sân trường với những tà áo bay phất phới, tiếng nói, và cả những cái nóng gay gắt trong những đêm Hè. Còn bao nhiêu thứ khác mà xã hội này không thể nào đáp ứng - tình cảm người thân và bạn bè.
Có hôm Tẩu rủ tôi xuống thăm vài người bạn dưới San Diego. Tôi không có xe nên đi đâu cũng nhờ bạn bè hay đi xe buýt. Ở xứ này không có xe cũng giống như cái chân bị cụt vậy, cho nên nhà nào cũng có xe hơi và sở hữu chiếc xe hơi cũng như người Sài Gòn có chiếc xe đạp vậy thôi. Tẩu sắm chiếc xe gắn máy Honda 400 phân khối để đi học và đi làm hằng ngày. Và hôm đó Tẩu đèo tôi trên lưng chiếc xe Honda xuống San Diego. Ngoài xa lộ hầu hết là xe hơi chạy như tên bay, lâu lắm người ta mới phát hiện chiếc xe gắn máy. Và để có thể chạy ngoài xa lộ được thì xe gắn máy tối thiểu cũng phải 250cc trở lên. Ngồi sau lưng Tẩu tôi chờm người nhìn về phía trước, xe phải chạy theo vận tốc xa lộ không thì bị người ở phía sau bấm còi, bực bội!  Nên Tẩu phải chạy lẹ, những làn gió thổi ngược lại đập vào mặt tôi làm cho da mặt cuộn lên từng gợn như gợn sóng trên mặt hồ! Và mỗi lần há miệng ra nói thì gió thổi lồng vào tạo thành tiếng kêu lạch bạch!
Rồi chúng tôi cũng đến thành phố San Diego. Hôm đó trời mưa lâm râm. San Diego có khí hậu tương tự như ở Sài Gòn, nắng ấm và mưa cũng nhiều. Chúng tôi vào thăm gia đình người bạn của Tẩu.  Là ngày cuối tuần nên nhiều người tụ tập lại ăn chơi. Chiều tối về họ ăn nhậu, bia, rượu và thức ăn đầy bàn. Sau cuộc ăn nhậu họ gầy sòng đánh bài. Những cuộc sát phạt không hề nương tay và khi máu ăn thua nóng lên thì người ta hay quạu, và bản chất thật sự của con người lúc đó hiện ra như trần truồng! Giữa cuộc chơi, người ta nghe tiếng khóc của đứa bé độ vài tuổi. Tiếng khóc trẻ con làm gián đoạn cuộc vui người lớn, và người mẹ vội vàng cho vào miệng đứa bé vài ngụm rượu đế. Từ đó tiếng khóc im dần và đứa bé đi vào giấc ngủ trong lòng người mẹ, bên sòng bài! Trong giấc ngủ chắc em nằm mơ cũng cám ơn cho đời, ít ra người mẹ cũng cho em cái hình hài này.
Sáng ngày hôm sau chúng tôi giả từ những người bạn ở San Diego trở về Thousand Oaks. Con đường cũng dài bấy nhiêu đó nhưng sao thấy lẹ hơn lúc đi.
Tôi trở lại trường Pepperdine.
Khóa học thứ hai sắp chấm dứt. Bây giờ tôi có khái niệm về cuộc sống nơi đây, ít nhất là làm thế nào để tương lai bản thân không gặp vất vã trong công việc mưu sinh hằng ngày. Ngày xưa ở quê nhà có đôi lần tôi theo Cha đi săn chồn với đàn chó săn, và những ngày còn nhỏ trong mình tôi dường như lúc nào cũng có cái ná bắn chim. Cái thú săn bắn bỗng trở lại trong tôi khi tôi thấy đàn chim cút mập, no tròn, hằng ngày cứ lảng vảng trên bãi cỏ bên cạnh đại học xá tôi ở. Tôi thấy đàn chim cút “lì” hết biết, nó chẳng biết sợ con người, trong khi nó mang trên mình một “khối” thịt béo mở và nhởn nhơ như trêu chọc tôi. Từ đó, những ngày làm việc trong chuồng ngựa tôi để dành một ít tiền, và lần về thăm bạn bè ở Thousand Oaks tôi mua một cây súng trường bắn đạn bi. Tôi hứa với mấy người bạn ở Thousand Oaks, rằng:
“Tuần sau tao sẽ cho tụi bây một chầu cút cụt đuôi.”
Một buổi chiều, sân trường vắng bóng sinh viên, chỉ còn lưa thưa những kẻ không chỗ đi chơi hay nhà ở xa. Nhìn cảnh vắng vẽ trên đại học xá, tôi biết đàn chim cút đang nhởn nhơ ngoài đó, nên, tôi lòn cây súng trong người, và lức láo bước ra bụi rậm. Những con chim cút rút rít đi từ bụi cây này qua bụi cây khác, vừa đi vừa giật đầu lên xuống như con gà nuốt giây thun. Tui nằm sải sòng bên bụi cây, rình và đưa súng lên nhắm. Hình hài con chim cút lọt vào vòng tròn nút rùi của đầu súng, ngón tay tôi để sẳn trên con cò, nín thở. Tui đang hồi hộp. Ðến giây phút quyết định, tui đưa tay sát cò. Ðịnh bấm cò thì có tiếng lẹt xẹt bật lên kêu liên tục, rồi những hạt nước từ sân cỏ phun lên tứ tung vào chỗ tôi nằm! Chết rồi, tôi sợ tái mặt, chắc có nhân viên bảo vệ thấy tôi bắn “trộm” chim cút nên chơi tui. Tui liền dấu súng trong người, nằm yên xem xét tình hình. Một hồi lâu không thấy ai hết, và nước cũng ngưng phun lên những ngọn cỏ. Tôi bò đến khu khác nơi đàn chim cút đang ăn. Lần này tôi sợ. Sợ nhân viên bảo vệ nhà trường bắt gặp. Nhưng tôi không chịu thua mấy con cút cụt đuôi, nó cứ nhởn nhơ trước mặt tôi! Tôi ngồi trong bụi cây, nhìn ra bốn phía xem không thấy bóng người, tôi an tâm lôi súng ra. Phải nói những con cút xứ này sao “ngu” thiệt. Ngày xưa mỗi lần tui bắn hụt là mấy con chim cu đất bay đi thật xa chứ đâu có lì như mấy con cút này. Tôi lại kê súng bên bụi rậm và nhắm bắn. Tôi quyết tâm xách một con về Thousand Oaks để khỏi bị đám bạn chê là mình dở như hạch. Tôi đang nhắm mũi súng vào đàn chim, nín thở và đặt mọi chú ý vào bộ lông màu xám biết đi trước mắt tôi. Ðến giây phút gay cấn và tôi quyết định bấm cò, thì, xẹt xẹt, những hạt nước từ dưới đất lại phun lên những ngọn cỏ, và bụi cây nơi tôi nằm. Tôi liền thâu súng dấu vào trong người, và không còn nghĩ gì đến những cục thịt béo mở đang nằm trước mặt kia nữa. Tôi nghĩ chắc bị phát giác! Thế nào cũng bị bắt. Tôi lén rời những bụi cây và đàn chim cút, rút lui về khu đại học xá. Vừa đi vừa lức láo để ý nhân viên bảo vệ. Tôi vẫn không thấy ai. Và tôi về thẳng phòng trọ.
Vậy là xong, chuyện của tôi và những con cút cụt đuôi coi như không có duyên!
Tôi bỏ súng ở nhà đi dạo bên ngoài xem sao. Đi một hồi thì thấy sân cỏ sau lưng học xá tự nhiên nước từ dưới đất phun lên, và hết khu này tắt đi thì đến khu khác nổi lên, mà không thấy một ai mở nước hay cầm ống để tưới cỏ. Tôi mới ngộ ra.
Và nhớ lại ngày xưa, nơi tôi lớn lên. Một đêm tối trời. Có hai ba người cán binh vì đói khát họ vào ngôi làng trong đêm tối. Trong màn đêm tịch mịch bỗng nhiên có tiếng kêu “quặp,… quặp quặp,…quặp.” la vang xóm nhà ông đại diện xã rồi im bặt, kế tiếp là tiếng chó sủa ầm lên. Thế là những người bảo vệ làng mang súng ra lùng xét. Những tiếng súng nổi lên xé tan giấc ngủ dân làng. Một người đang nằm dưới mương, chỉa súng lên bắn. Những tia chớp từ đầu súng lóe lên trong bóng tối làm một người khác thấy và chạy đến. Trong bóng đêm, viên đạn bay chổng lên trời và người ngồi dưới mương hỏi: “Ai đó?” Người kia không nói, tiến lại gần và ra khẩu hiệu: “Trót trót trót.” Người dưới mương liền chỉa súng bóp cò liên hồi. Người ra tiếng trót chó biết mình lầm và tiến sát vào mương chụp họng súng dơ lên cao cho khỏi bị trúng đạn. Cây súng tiếp tục nhả đạn và nòng súng nóng lên, người kia chịu nóng không nổi, buông tay ra, và viên đạn đã xuyên qua! Người dưới mương lật xác ra thấy trong người còn mang con vịt mới vừa bị vặn cổ. Sáng ngày người ta biết con vịt bị vặn cổ là của ông đại diện xã. Và thân xác người kia được trả về rừng.
Cuối tuần đó tôi trở về Thousand Oaks, nhưng không mang theo được con cút cụt đuôi nào! Tôi hẹn đi chơi cùng Annet, nhưng tôi và nàng đều không có xe nên chỉ lòng vòng ngoài mall đến hết giờ. Lần này tôi hỏi lại nàng:
“Tại sao em thích anh?”
Annet nhìn tôi:
“Vì anh nói em đẹp.”
“Chỉ vậy thôi sao?”
“Vậy thôi.”
“Không lý không còn ai nói em đẹp sao?”
“Không. Em chưa bao giờ nghe ai khen em đẹp ngoài anh, ngay cả bố mẹ em cũng chưa bao giờ nói rằng em đẹp. Cho nên hôm nghe anh khen em đẹp, em thích lắm.”
“Nhưng mà em đẹp thật mà.”
“Nhưng sao bao lâu nay người ta không nói với em điều đó!?”
“Có lẽ họ ghen tương với sắc đẹp của em.”
“Em không biết, nhưng biết có anh khen em đẹp là em vui rồi. Thôi mình đi ăn kem nhe.”
Tôi lên xe buýt đưa Annet về nhà nàng rồi trở lại căn hộ của người bạn ở Thousand Oaks. Cuối tuần đó, sau những cuộc nhậu tôi lại trở về trường.
Sau hai khóa học tôi thấy Pepperdine cho tôi đủ thứ, từ học phí đến nơi ăn chốn ở, nhưng có một điều vẫn làm tôi trăng trở, là, với mảnh bằng lấy được từ Pepperdine tôi có thể làm được những gì? Pepperdine chỉ có các ngành khoa học tự nhiên, luật và kinh tế. Những ngành này có thể giúp tôi tìm được việc làm nhưng chắc không dễ. Sau nhiều lần suy nghĩ tôi quyết định theo ngành kỷ thuật, vì tôi nghĩ, với tôi các ngành kỷ thuật sẽ dễ học và ra trường dễ tìm việc làm hơn. Nhưng Pepperdine không có phân khoa kỷ sư. Ngoài việc chọn cho mình một ngành dễ tìm việc làm, tôi còn một nỗi niềm nữa là nhớ nhà và nhớ gia đình. Gần hai năm sống một mình nơi xứ người có nhiều đêm tôi vẫn nhớ về quê hương ray rức. Ngày ra đi tôi chỉ muốn xa gia đình đi học, khi học xong tôi sẽ trở về. Nên bây giờ tôi muốn học ngành nào giúp ích tôi khi tôi trở về. Và cũng ở thời giang này những tin tức về ngành dầu hỏa, tin mỏ dầu Bạch Hổ sẽ được khai thác ngoài khơi Việt Nam đã cho tôi một quyết định. Tôi sẽ tìm trường để học kỷ sư dầu hỏa.
Thực ra tiểu bang California cũng có trường có ngành dầu hỏa nhưng chỉ là dầu hỏa biến chế. Và tôi muốn theo học ngành tìm và khoan mỏ dầu, tôi muốn trong túi tôi chứa đầy đất cát của mỏ dầu thay vì học cách biến chế. Và chỉ có Oklahoma University mới có ngành này.
Mùa Thu năm 1976 tôi tiếp tục ghi danh ở Pepperdine University và cùng lúc đó tôi đưa đơn xin học ở đại học Oklahoma. Và cũng mùa Thu năm 1976 Annet vào đại học.
Hè 1976 Annet tốt nghiệp trung học và muốn xuống Pepperdine thăm chơi mấy ngày cuối tuần. Tôi nhờ người bạn gái tên Mamuda, sinh viên du học và là con gái của đề đốc Hải Quân Nam Dương, chở Annet xuống Malibu và ở trong phòng của Mamuda. Pepperdine University có khá nhiều sinh viên du học từ Á Châu, phần đông là từ Nhật Bản, Nam Dương, Hồng Kông và Singapore. Những sinh viên du học này đến từ những gia đình khá giả và có tiếng. Tôi biết một điều là con gái Nhật hầu hết có tên tận cùng với vần “Ko”. Trong lớp Anh Văn tôi học có một người con gái tên Kaiko (cây-ai-cô). Kaiko lúc nào cũng mang nụ cười trên môi, và Kaiko cũng làm cả đám bạn cười bể nụng mỗi lần nàng phát âm câu “As a matter of fact”. Những chữ kia không có gì lạ khi Kaiko phát âm, chỉ trừ chữ  “motter fat” nàng bỏ chữ of và đã làm chúng tôi vui cười đến bể bụng. Ấy thế mà Kaiko lại thích dùng chữ  “matter fact” trong nhiều trường hợp nàng phát biểu! Và đó là điều tôi nhớ nhiều nhất về Kaiko.
Hầu hết những du học sinh đều ở trong đại học xá và hầu hết chúng tôi biết mặt nhau. Chúng tôi thường ngồi chung bàn hay chung nhóm trong những buổi ăn trưa và tối ở câu lạc bộ sinh viên. Brian cũng đến từ Nhật Bản, Brian là con trai của một đại tư bản, nhỏ con, da ngâm, miệng cười rất có duyên, và Brian thích ăn chơi hơn học. Ngoài căn phòng trong đại học xá Brian còn mướn một căn nhà riêng trên bãi biển Malibu để vui chơi. Bố mẹ Brian giàu có và chi tiền cho Brian không tiếc rẻ.Thỉnh thoảng Brian mang chúng tôi về căn nhà ngoài biển chơi. Trong nhà Brian có đủ thứ rượu bia và một dàng nhạc không khác gì một hộp đêm. Khóa đầu tiên Brian hòa đồng và thường đi chung trong nhóm sinh viên ngọai quốc, nhưng càng về sau Brian càng ít đi chung. Ðến khóa thứ nhì thì thân hình Brian tiều tụy đi nhiều. Rồi một buổi chiều người ta thấy tay chân Brian đổ máu đầm đìa, mặt xanh như tàu lá. Và đó là kết quả của những lần rượu chè, bạch phiến mà Brian vướng phải. Con ma thuốc đã hoành hành thân xác Brian trở nên điên cuồng, đập phá.
Nhưng với Andy mập và Takeo thì khác. Tôi thường về nhà Andy mập trên bờ biển chơi và dạy cho Andy mập bài ca Việt Nam. Có lần Andy mập và Takeo cùng chúng tôi lái xe lên cầu Cựu Kim Sơn chơi, trên đường về chúng tôi đồng ca bài Những Ðồi Hoa Sim. Andy mập trong giọng ngọng nghịu: “Xưa, xưa nói gì bên em... Một người đi chưa về mà đành lỡ ước tơ duyên.”
Annet đến thăm tôi vào mùa Hè, khuông viên trường vắng vẽ. Tôi không có xe nên chỉ đưa Annet đi chơi xung quanh trường và tôi cùng nàng lội bô qua cánh đồi cỏ xanh non để xuống thành phố Malibu, từ đó chúng tôi băng ra bờ biển. Annet trông hồn nhiên chạy nhảy trên những bãi cát. Biển Malibu hẹp, ít sóng và không có chỗ tắm nước ngọt nên chúng tôi chỉ nô đùa trên cát. Một hôm Annet nhìn lên ngọn núi sau trường và nàng muốn leo núi. Tôi chiều nàng và cùng nhau băng qua rặng đồi sau đại học xá. Một lát sau chúng tôi đứng giữa núi, bên một hố nước không sâu lắm, chỉ có đá, những bụi cây thấp, và rất nhiều hoa dại màu vàng rực rỡ như hoa dã quỳ mọc bên suối. Annet nắm tay tôi đến một tản đá. Mùi thơm hoa rừng lan tỏa trong không giang tịch mịch của núi rừng quyến rũ như mùi thơm da thịt cửa nàng thiếu nữ. Annet yểu điệu mơ màng bên những cành cây như “Trăng nằm sóng soải trên cành liễu”. Với đôi môi đỏ mộng mơ màng chỉ “Ðợi gió đông về để lả lơi”. Núi đồi hoang vu, tiếng chim ca hót, tiếng chuông giáo đường trong Chapel, tiếng côn trùng rỉ rả và ngay cả “Tiếng lòng ai nói sao im đi?”
Annet ôm cứng tay tôi trong cánh tay nàng, nhìn xuống chân đồi đầy hoa vàng, và trách:
“Sao con trai Việt các anh có cái tội cố chiếm quá vậy.”
“Em nghĩ như vậy sao?” 
“Ừ. Hình như các anh bị dồn nén trong chiến tranh lâu quá, nên không có cái nhìn thống thoáng về tình yêu. Nên khi yêu chỉ muốn chiếm đoạt thôi.”
“Có lẽ em đúng. Nhưng em thử nghĩ xem, trước một tác phẩm tuyệt vời mà tạo hóa đã tạo nên, thử hỏi bọn con trai nào lại không muốn chiếm đoạt.”
“Anh chỉ có giỏi nịnh đầm thôi.”
Annet ngả đầu vào vai tôi, đôi mắt lim dim dần theo tiếng gió trên đồi.
Chiều Chủ Nhật hôm đó tôi đưa Annet về trở về nhà. Và tuần sau nàng rời Thousand Oaks lên đường đi học.
Năm tháng sau tôi không nghe tin gì về Annet, nàng cũng ít khi trở lại Thousand Oaks.
Ðầu năm 1977 nhận được thư chấp nhận của Oklahoma University, tôi trở về Thousand Oaks thăm gia đình Mom Valeri và papa Smith. Tôi đã trình bày cùng Mom và papa rằng tôi quyết định rời Pepperdine để đi học trường khác. Mom có vẽ tiếc và nói:
“Con có biết mấy ai may mắn có được cái học bổng như Pepperdine cho con không?”
“Con hiểu. Nhưng nếu con ham và ôm cái học bổng này thì chỉ sợ sau này tìm việc làm khó mà thôi.”
Và tôi nói với Mom và papa Smith rằng tôi cũng xin được học bổng bốn năm, gồm học phí nơi ăn chốn ở, từ Oklahoma University như Pepperdine đã cho tôi. Mom và papa Smith vui mừng không còn khuyên tôi nên ở lại Pepperdine nữa.
Những ngày tháng còn lại ở Pepperdine tôi vẫn vừa đi học và làm cho chuồng ngựa. Ngoài tôi và một sinh viên khác làm trong chuồng ngựa còn có Richard là nhân viên chính. Richard không theo học ở đây, anh ta chỉ đến đây làm việc. Mỗi ngày tôi lên chuồng gựa dọn dẹp phân trong chuồng ra và mang cỏ bỏ vào máng cho ngựa ăn. Có nhiều lúc tôi cũng thấy Richard làm những công việc như tôi, nhưng Richard làm thấy dễ dãi và sướng hơn tôi nhiều. Mỗi lần xúc phân ngựa mang ra khỏi chuồng tôi phải dùng cái xẻng và mang ra bằng tay. Nhưng Richard thì khác, anh ta mang xe xúc (tractor) đặt trong lối đi nhỏ bên trong chuồng ngựa, dùng xẻng xúc phân ngựa bỏ vào xe xúc, xong Richard lái xe xúc mang phân ra ngoài đổ. Tôi thấy Richard làm khỏe quá, còn tôi thì hì hục mang từng xẻng phân nặng nhọc. Nhưng một hôm không có ai trên chuồng ngựa ngoài tôi ra. Tôi thấy chiếc xe xúc nằm ngoài sân, tôi liền leo lên lục tìm chìa khóa và đề xe nổ máy. Xong tôi lái chiếc xe một vòng trên sân, thấy không sao, tôi bắt đầu làm như Richard, mang xe vào lối đi trong chuồng ngựa. Sau khi xúc phân bỏ đầy cảng xe xúc, tôi leo lên xe và mang phân ra ngoài. Lối đi bên ngoài giữa chuồng ngựa và gò đất chật hẹp, tôi chạy một hồi thì cảng xe đụng bên này xong đụng bên kia. Tôi cố lách để mang đống phân ra, càng lách đầu này thì cảng xe đụng vào bức tường bên kia. Tôi vẫn không chiệu thua, và cố lách để mang xe ra. Cuối cùng cảng xe dính cứng vào vách chuồng ngựa, tôi lại cố lôi ra, và đùng, bức tường chuồng ngựa bị bể một lỗ to bằng cái nong làm ngựa hoảng hồn phóng ra ngoài chạy tứ tung lên núi. Tôi tắt máy xe ra ngoài đi gom ngựa về nhưng quá trể, một bầy ngựa như ngựa hoang tản lạc khắp nơi trên núi. Thôi rồi, biết làm sao đây. Tôi rầu rỉ lủi thủi trở về phòng đại học xá, chờ sáng mai ra nhân tội. Tôi biết có bán hết thân tôi cũng đền không nổi kỳ này. Và đây là lần đầu tiên tôi lái xe ở Mỹ!
Sáng ngày tôi thức dậy sớm và mò lên chuồng ngựa. Gặp ông George, người chủ trì chuồng ngựa, là người dạy tôi trong lớp kỵ mã khóa trước, và cũng là người chấp nhận cho tôi làm việc ở chuồng ngựa này. Tôi không đợi ông George lên tiếng trước, tôi đến và nói với ông rằng cái lỗ đó là do tôi gây ra và những con ngựa biến đâu mất cũng do tôi gây ra, bây giờ ông muốn phạt tôi ra sao thì cứ phạt. Ông nhìn tôi và nói không sao, mấy con “ngựa hoang” kia ông sẽ kêu nó về, nhưng ông nói từ hôm nay tôi không còn là nhân viên của chuồng ngựa nữa. Ông bảo tôi khỏi phải đền bù cho bức tường tôi làm bể, vì có đền tôi cũng không đủ tiền để đền. Tôi không nói lời nào, chỉ nói tiếng cảm ơn thật nhỏ rồi lặng lẽ bước ra khỏi khu chuồng ngựa.
Xong khóa học cuối ở Pepperdine University tôi trở về Newbury Park thăm “gia đình”. Một tuần sau, những người bạn ở Thousand Oaks đếm đâu được bảy thằng: Lang, Tẩu, Dương, Tư, Lợi, Diễn, và Quang. Chất một đống trên chiếc station wagon của Quang tiễn tôi ra phi trường Los Angeles. Chiếc máy bay rời phi trường bay về thành phố Philadelphia thăm năm ba người thân, trước khi tôi vào trường dầu hỏa Oklahoma University. Những cuộc nhậu, và tiếng cười trong căn nhà nhỏ ở Thousand Oaks từ đó vắng bóng tôi. Hay là, Thousand Oaks, “ở đây sương khói mờ nhân ảnh; Ai biết tình ai có đậm đà!” 
 
Ðồng Sa Băng
17/12/2010