Chương X
Lên ngôi Đại Hãn

Dân tộc Mông Cổ là một khối
thủy tinh quí giá, là dân tộc
vĩ đại nhất trong các dân tộc
trên hoàn vũ nầy.
(THÀNH CÁT TƯ HÃN)
Khoảng cuối mùa xuân năm 1206, viên đại tướng chỉ huy quân trú phòng Vạn lý trường thành dâng sớ về triều tâu rằng "Các xứ ở miền mạn Bắc đều thái bình vô sự." Bấy giờ hoàng đế Đại Kim mới nhớ tới Thiết Mộc Chân, viên Bắc cường chiêu thảo sứ của Kim quốc chưa triều cống lần nào. Ngài liền sai hoàng thân Vĩnh Tế dẫn một đoàn tùy tùng lên mạn Bắc nhắc cho viên chiêu thảo sứ nhớ đến bổn phận tuế cống của mình.
Dọc đường hoàng thân gặp nhiều đoàn đại biểu của các bộ lạc cũng cùng đi một hướng với mình đến thượng lưu sông Onon, nơi Thiết Mộc Chân đóng đoàn trại. Tới nơi mọi người đều ngạc nhiên thấy mình đang bước vào một đô thị vĩ đại gồm toàn lều da, chứa chất vô số của cải quí báu và cuộc sinh hoạt ở đây thật cực kỳ rộn rịp chẳng khác gì một ổ kiến. Suốt nhiều hôm liền, Vĩnh Tế kềm ngựa đi giữa những bầy gia súc, những bầy thần mã nhiều không biết cơ man nào mà kể với hàng ngàn người chăn giữ, hàng ngàn phụ nữ đang vắt sữa.
Dù đang hết sức bận rộn, Thiết Mộc Chân cũng mau mắn tiếp đón vị sứ giả nhưng không bày ra một nghi lễ danh dự nào. Ông trao cho sứ giả những cống vật, nhưng với lối vội vàng cẩu thả: dẫn ngựa, lạc đà tới một cách hấp tấp rồi chất da thú lên bừa bãi rõ ra cái ý muốn tống khứ đám sứ giả đi cho khuất mắt.
Trong thời gian lưu trú ở đây Vĩnh Tế được biết người Mông Cổ đang chuẩn bị Hội đồng Kouriltai, gồm đại diện của tất cả các giống dân ở lều da, bầu Thiết Mộc Chân lên ngôi đại hãn (hoàng đế).
Vĩnh Tế vội trở về Kim quốc tâu lên cho hoàng đế rõ cái nguy cơ trước sự thống nhất của các dân tộc du mục, vì lịch sử đã cho họ cái kinh nghiệm, hễ dân du mục đoàn kết lại thì công việc trước nhất của họ là tràn xuống xâm lăng nước Kim. Cho nên Vĩnh Tế khẩn cầu nhà vua hãy gấp hội binh lại để phòng bị và tấn công Mông Cổ. Nhưng hoàng đế Kim lúc đó đã 70 tuổi không còn dám lao mình vào những cuộc phiêu lưu nữa. Ngài cho rằng Thiết Mộc Chân đã mang chức tước của triều đình, chịu nạp cống dù thái độ có vẻ khinh mạn thì lấy danh nghĩa gì mà chinh phạt. Hơn nữa, giữa Đại Kim với Mông Cổ còn có sa mạc Gobi, có Vạn lý trường thành, chưa có chi đáng ngại, giở chỉ cần lưu ý đến sự động tĩnh của họ là đủ. Rồi ngài cho chép vắn tắt vào sử nước Kim sự kiện đã xảy ra: "Tên Mông Cổ Thiết Mộc Chân thuộc giống Ki-dát tự xưng là đại hãn bên bờ sông Onon."
Trong lúc đó hội đồng Kouriltai nhóm họp trong một bầu không khí long trọng, vĩ đại. Giữa đoàn trại, tòa viên môn nóc trắng của Thiết Mộc Chân dựng lên sừng sững, rộng thênh thang bên trong căng toàn là vải thêu hoa. Tất cả cột đều giát vàng. Trước cửa viên môn trịch về phía trái phất phới lá đại kỳ nền trắng, giữa nổi lên hình một con chim ưng và một con quạ, biểu tượng của tộc Bọt-di-dinh. Ngoài biên lá cờ lại có viền chín mảnh vài hình răng cưa và ở mỗi đầu răng cưa đều có treo một cái đuôi trâu yak trắng thật dài, (dân Trung hoa thường gọi là Cửu mao đại đạo). Bên phía mặt là hiệu kỳ của khả hãn, mỗi góc đều có treo một cái sừng trâu yak và một cái đuôi ngựa ô.
Phía chính điện là một khoảng đất trống trải rộng đến mút tầm mắt: bề ngoài ranh giới đó là đoàn trại của các thân vương. Lều của họ bao giờ cũng quay về hướng Nam, cũng có một khoảng sân trống, hai bên tả hữu là trại quân giăng dài hằng mấy dặm. Sau lều của thân vương là lều của các tướng lãnh, rồi đến hàng vợ con, nô tì của họ theo thứ tự giai cấp nhất định.
Bấy giờ những người tôn thất, tất cả thân vương cùng các tướng đều tề tựu đông đủ trên sân rộng; họ gọi ầm lên: Thiết Mộc Chân! Thiết Mộc Chân!
Lúc Thiết Mộc Chân vừa bước ra cửa viên môn, pháp sư Cốc Chu (còn gọi là Teb Tengri - người tâm phúc của nhà trời) 17 tuổi, tuyên bố rằng Thiết Mộc Chân phải được bầu làm đại hãn vì y vừa được lịnh của Trời Xanh phải báo cho toàn dân Mông Cổ hay Thiết Mộc Chân được Trời chọn lên cai trị tất cả các dân tộc, và từ nay phải gọi Thành Cát Tư Đại Hãn.
Mấy năm nay dân Mông Cổ hết sức tin tưởng ở quyền phép của pháp sư Cốc Chu. Ai cũng nghe nói hắn có thể cỡi con bạch mã lên nhà Trời tiếp xúc với các đấng thiêng liêng, có thể không ăn uống bao lâu cũng được và có thể khỏa thân ngồi trên tuyết chờ tới lúc sức nóng trong người làm tuyết bốc thành hơi.
Biết rõ ý của Trời như thế, toàn thể những kẻ có mặt cùng với pháp sư nhất tề hô to lên: "Chúng tôi mong mỏi, chúng tôi yêu cầu Thiết Mộc Chân lên ngôi chúa tể các dân tộc."
Họ liền trải xuống đất một tấm nỉ đen cho Thiết Mộc Chân bước vào ngồi ở giữa rồi nâng cao lên, và hoan hô vang dậy, xong mới đặt đại hãn lên một chiếc ngai.
Lúc bấy giờ Thiết Mộc Chân đã được 44 tuổi. Không như hồi trước, lần nầy ông triệu tập Hội đồng quý tộc cốt là để cho họ chính thức xác nhận uy quyền đại hãn mà thực sự ông đã nắm từ lâu. Vì lúc chống với Vương Hãn ông bị bọn phiên thần bỏ rơi nên giờ đây cần phải làm cho lực lượng và hiệu lịnh của mình hoàn toàn hợp pháp. Trước Hội đồng ông đòi hỏi:
"Các ngươi đã tôn ta là làm chúa tể thì các ngươi cũng phải sẵn sàng và cương quyết tuân hành mạng lịnh của ta; khi ta gọi phải đến; khi ta sai đi đâu phải tới đó và bảo giết ai phải giết kẻ ấy. Từ nay trở khi lưỡi gươm sẽ thay cho lời nói của ta!"
Nghe xong tất cả mọi người đều quì xuống kính cẩn nghiêng mình bốn lần. Rồi họ đỡ chiếc ngai lên vai khiêng đi một vòng trước toàn thể dân chúng (tháng 5-1206).
Sau nghi lễ, một đại hội liên hoan mở ra tưng bừng, sôi nổi chưa từng thấy ở miền đồng cỏ. Đại hãn mời hàng ngàn thân vương quí tộc, tướng lãnh cùng với vợ con của họ dự tiệc ở trong viên môn còn dân chúng thì quây quần ở bên ngoài. Từng đoàn xe chở những chiếc nồi to tướng đựng đầy thịt ngựa với những cái ché đựng nước chấm cay xé lưỡi. Ai cũng phải ăn thật no, uống thật say; thức ăn lúc nào cũng đầy ăm ắp; rượu koumiss lúc nào cũng sủi bọt tràn ra miệng vò. Nhiều kẻ quá no phải đi ói bớt ra rồi trở vào uống nữa; say rồi thì cứ lăn ra ngủ tại chỗ, lúc tỉnh dậy lại tiếp tục ăn và uống nữa. Ở góc nào cũng có một ban nhạc đánh ầm ĩ; hết ăn uống rồi tới vũ, vũ chán rồi thì ba hoa đủ thứ chuyện, kẻ thì kể chiến công, người thì khoe chiến lợi phẩm...
Trong viên môn, chiếc ngai đặt trên một chiếc bệ cao, quay về phương bắc là nơi đại hãn và chính hậu - Bật Tê - ngự toạ. Cận bên bề phía mặt là hàng ghế của các vương tử, người trong tôn thất, cùng các thân vương và tướng lãnh; phía trái là thái hậu U Luân, các vương phi, công chúa, cùng các mệnh phụ phu nhân. Trước mặt đại hãn ngùn ngụt những đống đồ trang sức bằng vàng bạc, những chồng da thú quí giá, những núi hàng lụa hoa màu sặc sỡ... dành để ban thưởng cho mọi người. Những ngày hôm đó không có người nào vào viên môn rồi trở ra mà không có quà tặng quí giá. Chưa bao giờ đại hãn cùng tất cả thần dân ai cũng tràn trề niềm hoan lạc và tin tưởng như vậy. Từ đây ông là sứ giả của nhà Trời (Soutou Bogdo) chẳng những phục hưng tộc họ của mình mà cho cả 400.000 dân Mông Cổ, đưa họ lên hàng thống trị tất cả các dân tộc khác. Ông nói:
"Dân Mông Cổ là một khối thủy tinh quí giá không biết sờn lòng trước những nỗi gian nan thống khổ, đã can đảm theo ta để chia sớt niềm vui nỗi buồn, quả là một dân tộc vĩ đại nhất trong các dân tộc trên hoàn vũ nầy. Trong suốt thời kỳ gian lao và cho tới khi ta đạt được chí lớn, các ngươi đã chứng minh lòng trung kiên đối với ta cho nên từ nay ta muốn ai cũng phải gọi dân ta là dân Mông Cổ Xanh (có nghĩa: con của Trời Xanh).
Quốc hiệu nầy gợi lên một ý niệm vĩ đại, tuyệt đẹp, gây một thứ cảm tình mới trong lòng dân du mục: lòng kiêu hãnh dân tộc. Người Mông Cổ không còn là kẻ nô lệ nữa, ai cũng là chiến binh. Tất cả những giống dân "sống trong lều da" dù là dân bộ lạc nào cũng cảm thấy cái vinh dự được làm thần dân của Thành Cát Tư Hãn, được gọi là Mông Cổ Xanh. Ba tiếng ấy có sức lôi cuốn như một trận cuồng phong thổi qua 100 kinh tuyến, mở rộng biên thùy thật xa "đến chỗ nào mà vó ngựa Mông Cổ có thể tới".
Bốn mươi năm sau, Jean De Plano Carpini, một tu sĩ dòng Đa minh (Franciscain) được đức giáo hoàng Innocent IV phái tới triều đình Mông Cổ (bấy giờ là cháu nội T.C.T.H.) thuật lại cảnh tượng như sau: "Họ (Mông Cổ) khinh miệt tất cả những dân tộc khác dù trình độ như thế (nào?). Chúng tôi đã thấy tận mắt trường hợp của những ông hoàng Nga, những vương tử Géorgie, những vị chúa xứ Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhiều bậc đại nhân khác tại triều của đại hãn. Những bậc vương giả kể trên chẳng có chút giá trị gì dưới con mắt người Mông Cổ. Đến lúc ngồi, họ phải ngồi phía sau lưng những người Mông Cổ địa vị thấp kém hơn nhiều.."
Cơ đồ của Thành Cát Tư Hãn bây giờ trải rộng trên 1500 c.s. từ Đông qua Tây - từ núi Altai đến núi Khingan - và trên 1000 c.s. từ Bắc xuống Nam - từ hồ Baikal xuống sa mạc Gobi - 31 giống dân gồm 2 triệu người răm rắp tuân mạng lịnh của ông.
Nhưng triều đình Mông Cổ lúc bấy giờ chưa biết những kiểu cách, những nghi thức vương giả như ở Trung Quốc. Đại hãn cắt một miếng thịt ngon sai người đem lại cho một viên cận tướng, ăn không hết ông ta bỏ vào túi để dành ngày mai. Đó là một cách tôn kính, một thứ thân ái giống như trước đây Gia Luật Mễ đã nút vết thương của Thiết Mộc Chân, vết thương do một mũi tên có tẩm thuốc độc.
Đại hãn rảo mắt qua khắp đám người thân cận, bỗng dừng lại ở một người. Với giọng sang sảng như chuông ông giới thiệu thành tích oanh liệt của người đó, rồi liền ban chức tước, quyền chỉ huy. Đám bạn của ông liền vây chung quanh nâng chén rượu lên vừa vũ, vừa hát. Họ giả như trao cho ông ta cái chén nhưng vừa với lấy họ liền nhảy thối ra sau, rồi siết vòng vây trở lại, tới khi nào ông ta đoạt cái chén mới thôi. Bây giờ họ vừa hát, vừa vỗ tay giậm chân theo nhịp, trong khi ấy ông ta phải nốc cho hết chén rượu.
Lối phong chức tước và khen thưởng bất ngờ như vậy có vẻ như bốc đồng, nhưng thật ra Thành Cát Tư Hãn rất thấu triệt thuật dụng người, bao giờ cũng đặt đúng chỗ, đúng khả năng. Không bao giờ ông phải hối hận về việc bổ nhiệm người và những lý lẽ mà ông dùng làm tiêu chuẩn chọn người làm cho thời bấy giờ ai cũng ngạc nhiên. Có một dũng sĩ sức khoẻ vô địch lại can đảm phi thường lập được nhiều chiến công oanh liệt, đáng lẽ được thăng lên địa vị cao, trái lại anh ta bị tước quyền chỉ huy khiến các tướng ai cũng kinh ngạc. Đại hãn giải thích như sau: "Anh hùng như Dê Su Ka ít có ai sánh được và cũng ít có ai giỏi về chiến sự như y; y không biết mệt là gì nhưng cứ tưởng rằng tất cả chiến sĩ đều khoẻ như vậy, cho nên không thể chỉ huy một đoàn quân được. Người chỉ huy phải là người từng biết đói biết khát và phải đo lường được sức chịu đựng của kẻ khác, không thể để cho bộ đội quá mệt nhọc và ngựa gầy mòn..."
Về khuya Thành Cát Tư Hãn còn một mình, Bật Tê mới ngỏ lời trách móc:
- Ngài đã ban thưởng cho tất cả mọi người, tại sao lại quên Bác Nhĩ Truật là người xứng đáng hơn hết? Từ ngày còn niên thiếu hắn đã sát cánh với ngài chiến đấu với nghèo khổ, tuyệt vọng, tới nay vẫn là người trung tín nhất; chính hắn đã thay cho ngài thực hiện những công lao hãn mã và không bao giờ tiếc rẻ tính mạng để giúp ngài làm nên vương nghiệp...
Thành Cát Tư Hãn bật cười:
- Ta muốn chờ coi có vì thế mà hắn bất bình ta không và nhất là hắn còn nói tốt cho ta nữa không; rồi đây ta sẽ dành cho hắn phần thưởng cao quí nhất.
Sau đó đại hãn liền phái một tên cận vệ tới lều Bác Nhĩ Truật nghe ngóng coi viên cận tướng nầy nói những gì.
Hôm sau khi mọi người tề tựu đông đủ ở viên môn rồi, đại hãn tuyên bố: "Hôm qua ta đã ban thưởng cho tất cả mọi người mà hình như quên mất Bác Nhĩ Truật; thật ra là để dò xét coi thái độ ông ta như thế nào. Ta được biết dù bị bỏ quên Bác Nhĩ Truật cũng bào chữa cho ta trước sự thắc mắc của vợ con, thổ lộ rằng được đãi ngộ như thế nào cũng giữ trọn lòng chung thủy và quyết hy sinh xương máu vì ta. Ông ta nói: "Có thể nào đại hãn quên tôi được và tôi cũng không thể quên đại hãn, vị chúa đã ngự trị trong tư tưởng và trong lòng thầm kín của tôi."
Giọng của Thành Cát Tư Hãn vang rền, đôi mắt sáng quắc như điện:
- Hỡi chư tướng! Ta tin rằng cho đến lúc không cầm nổi cây cung nữa, bạn ta cũng không quên nghĩa bằng hữu. Trong buổi gian truân hoạn nạn không lúc nào Bác Nhĩ Truật không ở bên cạnh ta; lòng can đảm và lòng trung kiên đã giúp bạn ta không hề biết sờn lòng trước mối hiểm nguy, hơn thế nữa mối nguy nan càng lớn bao nhiêu, bạn càng can trường và trung hậu với ta bấy nhiêu. Nếu ta quên Bác Nhĩ Truật là người xứng đáng nhất trong các ngươi, nếu không đặt ông ta lên chỗ ngồi danh dự hơn hết thì ta đâu còn xứng đáng để đòi hỏi các ngươi phải tận trung với ta nữa.
Bác Nhĩ Truật! Bạn phải ở địa vị lãnh đạo tất cả các tướng; bạn là phát ngôn viên của ta, làm sao cho tiếng nói của ta vang dội ra tận cõi xa xăm, cho tất cả các dân tộc về qui tụ dưới bóng cờ Mông Cổ. Từ nay bạn là tổng tư lệnh tối cao của quân đội, quyền kiểm soát toàn diện lãnh thổ."
Nói xong Thành Cát Tư Hãn liền bước xuống bệ ôm người bạn trung thành, tận tụy nhất trong các chiến hữu.