Lúc tôi vào phòng khám, chiếc kim giờ của cái đồng hồ tròn treo trên tường chỉ hơi quá số một một chút. Vậy cũng là mới quá nửa đêm. Một ngọn đèn nê ông lập lòa chớp tắt làm nhập nhòe những mặt người khô lạnh. Tôi chập choạng bước đi trong vũng sáng xanh nhợt nhạt, chân vô tình đạp lên bàn chân người đàn bà ngồi dựa lưng vào bức tường xi măng quét vôi xám. Người đàn bà rống lên như phải bỏng. Trời đất ơi, bộ mù sao chớ. Người ta ngồi chình ình thế này mà hổng thấy sao. Tôi hoảng hốt nhìn xuống khuôn mặt hốc hác xanh lè ánh đèn. Xin lỗi. Tôi đau quá, không thấy đường. Từ sáng đến giờ hổng có một hạt cơm vào bụng lại còn bị đạp một cái đau thấu trời xanh. Người đàn bà rên rỉ cái giọng nhừa nhựa. Cái mặt đói ăn, nhìn là nhận ra ngay. Nó gồ ghế, lồi lõm những đường nét gẫy khúc. Tôi nhìn quanh. Những con người ở đây có toàn một thứ chân dung đói ăn, thiếu ngủ. Mùi hôi mốc lan man trong không khí.
Cô y tá hỏi giấy tờ, tên họ, ngày tháng năm sinh, địa chỉ. Toàn những thứ nhảm nhí. Tôi cắn răng chịu đau, cố nặn câu trả lời. Tôi ngồi khom người ra phía trước để ém cơn đau đang quặn thắt cả ruột gan xuống. Biết bao lâu sau người y tá mới chìa tờ giấy ra cho tôi ký. Những ngón tay không còn nghe theo mệnh lệnh của đầu óc nhưng vẫn biết run rẩy cầm lấy cây viết mà nguệch ngoạc vạch ra cái tên cụt ngủn.
Chờ đây tí nhá, bác sĩ sẽ khám cho chị. Tôi cắn môi gật đầu.
Tôi buông cái thân xác nặng nề xuống nền gạch hoa loang lổ vết đọng của thứ chất lỏng nào đó đã đặc queo. Thứ chất lỏng sẫm mầu như máu, chất ói, nước mắm, cà phê, nước mầu kho cá... bao nhiêu năm trời kết dính trên những miếng gạch mẻ. Ánh sáng nhập nhòe ma quái của ngọn đèn ống dài làm đầu óc tôi quay cuồng. Bàn tay nào đó níu chặt lấy ruột gan tôi. Ôi trời, chưa gì mà con tôi đã làm khổ tôi. Nó gồng mình, quẫy đạp. Nó tìm đường ra. Cõi đời này có gì đâu mà mơ ước. Tôi vẫn thường nói thầm với cái thai như thế mỗi lần nó máy đạp. Tôi cắn răng nghiến cơn đau. Những ngón tay không nơi nào bấu víu. Những con mắt ngả nghiêng, soi mói nhìn tôi. Ngọn đèn ống tuýp dài uốn cong và bò ngoằn ngoèo như con sâu đo bị kiến lửa bu cắn. Tôi vặn vẹo với cơn đau.
Nước. Bỗng dưng nước ở đâu trào ra, ướt cả đũng quần. Nước vuốt ve ấm áp hai bắp đùi non. Nước bò thành dòng. Con rắn uốn éo thân mình không xương trên nền gạch. Ra nước rồi. Chị này vỡ nước rồi. Tiếng la ném cái kinh hoàng lên vách tường, dội ngược xuống mớ đầu tóc rối bù của những người đàn bà khốn khổ. Trăm con mắt đổ ngược vào tôi.
Đẻ rơi bây giờ kìa!
Ai đó chạy đến bên tôi. Tiếng dép nhựa lẹp xẹp trên nền gạch. Tôi nắm vội lấy cái cổ tay sần sùi như thanh củi mục vừa chìa ra trước mặt mình.
Chị ngồi lên ghế này cho người ta lau, ngập hết cả phòng bây giờ. Tôi đu cả thân mình nặng trĩu với cơn đau lên cánh tay người đàn bà.
Bác sĩ ơi, đau quá.
Tui là y tá, chị ơi.
Cơn đau bẻ gập thân thể sài mòn của tôi. Tôi cố thẳng cái lưng để mong ngả người lên băng ghế gỗ, nhưng tôi không còn hơi sức nào mà ngẩng cổ lên để xem người đàn bà ngồi đó ban nãy còn ngồi đó không.
Đau lắm rồi cô ơi. Tôi van nài bằng tất cả lòng thành gom góp được.
Thôi vào đây tôi khám xem sao. Chị ơi tiếp tôi đem chị này vô phòng khám giùm.
Người y công bỏ cái sô nhựa và chiếc cán chổi xuống sàn nhà, lừng khừng. Hôm nay là ngày gì mà tùm lum quá trời quá đất. Tiếng than phiền khàn khàn như hơi gió luồn qua chiếc ống máng hẹp.
Người ta kéo tôi đi như viên chức trại giam giải giao một tên tù cứng đầu cứng cổ. Tôi ngồi, chân dài chân ngắn, lết lê kềnh càng như con cua bò trên cái vũng lênh láng từ thân thể tôi ứa ra.
Họ bảo tôi leo lên chiếc bàn khám cao ngang tầm thắt lưng họ. Tôi đau đớn bò như con cua rụng càng. Mắt mờ, chân tay rụng rời, còn hơi sức đâu mà leo trèo như cái thời son trẻ. Trời đất sụp tối. Ánh điện nhập nhòe. Hai tai tôi điếc ù. Tôi ngã lăn quay xuống nền xi măng lạnh giá.
Khiêng chị ta lên bàn mau đi.
Tiếng đàn ông. Tôi nghe được câu ấy. Và thân thể tôi nhẹ tênh. Tôi cất cánh ì ạch như con vịt tập bay. Tôi đáp xuống mặt chiếc bàn khám gây gây mùi máu. Chụp đèn tròn như chiếc lọng đổ xuống thân thể tôi dòng lụa trắng chói lòa.
Những bàn tay mầy mò thân thể tôi. Người ta lột tôi ra. Người ta gác hai bàn chân tôi lên miếng kim loại lạnh buốt. Người ta banh hai đùi tôi. Trong đời chưa bao giờ tôi bị đối xử bằng tất cả những nhục nhằn thống khổ thế ấy. Tiếng đàn bà, tiếng đàn ông. Giọng khàn đục, giọng trong veo, giọng nam, giọng bắc trộn lẫn vào nhau.
Mới mười phân thôi à!
Nhưng cũng phải đem đứa bé ra. Nó ngộp rồi!
Tiếng người đàn ông mà tôi chưa kịp thấy mặt xen vào mớ bòng bong những câu đối thoại.
Cơn đau biến đi lúc nào tôi không còn nhớ. Tôi nhìn những vòng tròn đan nhau trên trần nhà xám. Những vòng tròn quấn mãi vào nhau thành hình xoắn ốc.
Chừng nào bác sĩ kêu rặn thì chị nhớ rặn thật mạnh nghe.
Tôi cố gật đầu với cơn đau vừa lấp ló trong xó tối thân thể hao mòn. Tôi cắn, tôi ghìm tiếng gào ở giữa hai hàm răng. Tiếng kèn kẹt của những chiếc răng xéo vào óc tôi.
Được rồi. Chị hít thật mạnh. Hít vào nào. Hít vào. Bảo hít vào. Một hai. Tôi cuống cuồng. Chẳng phải lỗi tại tôi. Bàn tay ma quỷ nào đó bẻ quặt xương sống tôi. Người ta ùa vào kềm chắc lấy tôi. Người ta sợ tôi ngã xuống nền xi măng. Người tôi ướt mèm.
Chưa cạo bác sĩ ơi.
Khỏi.
Những chiếc bóng chập chờn ẩn hiện. Lời trấn an dịu dàng. Tiếng xì xào to nhỏ. Tất cả chụp lấy tôi bằng những mắt lưới đan dầy. Tôi lắng xuống. Thật trầm, như lúc rướn mình trên chiếc đu có hai sợi dây thừng chằng vào thanh gỗ mỏng buộc vào cành bàng gân guốc. Đê mê. Phù ảo. Những bóng người chập chờn mờ ảo. Không gian loãng dần vào chốn lầy nhầy, nhập nhòe mầu sắc rồi bỗng dưng mọi sự lắng xuống. Tôi nằm trên chiếc bè, bồng bềnh trôi, theo những khóm lục bình.
Thằng bé nào thế này. Chưa gặp nó bao giờ nhưng sao tôi thấy thân với nó quá. Nó chạy lại phía tôi. Tíu tít, tung tăng. Tôi muốn hỏi nó tên gì, nhưng sao cằm tôi cứng lại như cằm con bé nhà hàng xóm lúc bị phong đòn gánh độ nào.
Bàn tay nhỏ xíu và mát lạnh của thằng bé nắm lấy ngón tay trỏ của tôi, kéo tôi đi. Vậy là tôi đi theo nó. Tôi với nó lướt đi như mây khói, như sương sa. Chúng tôi lọt vào một thứ hang động thâm u, kỳ bí. Tôi chưa bao giờ đến nơi này. Tôi lão đảo, rờ thử ngón tay vào vách tường mềm nhũn, nhơm nhớp ấy. Hơi ấm thấm lên những đầu ngón tay. Dịu dàng. Thấp thoáng đâu đó trong gan ruột, tôi cứ ngỡ như mình đã đi qua chốn này. Chắc là lâu lắm rồi. Ở nơi này tôi thấy bình yên. Tiếng róc rách như tiếng suối chảy đâu đây. Tôi nhìn quanh. Vách tường cong vòng uốn thành đường hầm sâu hun hút. Có tiếng động nhịp đôi nghe vô cùng quen thuộc. Có lúc tôi ngỡ như tiếng tim của chính mình. Thằng bé không nói nhưng không biết vì sao tôi lại hiểu hết những ngôn từ lấp lánh trong mắt nó. Nó gọi tôi là mẹ. Nó bảo nó tên là Quốc. Sao nó biết tôi với người đàn ông ấy đã thỏa thuận với nhau rằng mai này có con thì đặt tên là Quốc. Tôi toan hỏi nhà nó ở đâu thì tôi đã cảm thấy như nó bảo để nó chỉ cho tôi coi chỗ nó ở.
Đường này khó đi lắm. Mấp máy cánh môi hồng, tôi nghe ra những lời thơ dại. Tôi chực nhớ ca dao tục ngữ. Câu ca dao tôi nghe được từ thời còn đi học. Tôi muốn đọc cho nó nghe. Nhưng âm thanh không thoát ra được khỏi cửa miệng. Trong một giây, tôi hoảng hốt như người bắt gặp mình chìm sâu vào cơn bại liệt chân tay và miệng mồm khóa cứng. Tôi á khẩu. Nhưng sao ý nghĩ cứ tuồn tuột lướt đi trong trí.
Khó đi mẹ dẫn con đi, con đi trường học mẹ đi trường đời.
Nó hỏi bằng mắt mẹ đọc gì hay vậy. Tôi lại ngẫm nghĩ hai cái câu có vần có điệu ấy. Khó đi mẹ dẫn con đi, con đi trường học mẹ đi trường đời.
Dường như nó hỏi tôi trong ánh mắt trường học là gì hở mẹ.
Tôi nhớ đến ngôi trường mái lá có chiếc bàn gỗ vênh vẹo. Tôi nhớ luôn cả những lỗ khoét trên mặt bàn để vừa lọ mực tím. Tôi nhớ cả vóc dáng lom khom của người tùy phái có nhiệm vụ ôm bình mực thật lớn đổ vào từng lọ trên bàn lũ học trò lơ láo. Tôi muốn kể hết mọi thứ cho thằng bé nghe. Hồi xưa tôi đi học như vậy đó. Cô giáo đầu tiên trong đời có đứa con trai học cùng lớp tôi. Cái thằng vẫn hay vẩy mực vào áo tôi những khi tôi không cho nó mượn cục tẩy. Nhưng tôi bất lực. Tôi đánh mất tiếng nói từ lúc nào. Tôi chỉ còn biết lặng câm đi với thằng bé suốt đoạn đường.
Bỗng dưng nó kéo tôi lại. Bây giờ tôi mới khám phá ra nó đeo sợi dây mềm ở bụng. Tôi vừa muốn hỏi con đeo cái gì vậy, nó đã cười. Có dây này mình không sợ đi lạc. Con chơi xích đu. Con khỏi cần ăn uống gì hết. Tôi toan hỏi nó ở đây từ hồi nào thì bỗng dưng hình ảnh nó mờ đi. Bàn tay nhỏ xíu của nó tuột khỏi tay tôi. Tôi chới với quơ quào, chụp bắt. Nhưng hình ảnh thằng bé đã nhòa, như lớp sương mỏng tan trong cơn gió.
Tôi mở choàng hai mắt.
Ánh sáng trắng nhòe nhoẹt. Tôi bồng bềnh nổi trôi như cụm bèo trên sóng nước. Những con sóng dưới thân thể làm tôi buồn nôn.
Bà ấy tỉnh lại rồi.
Tiếng người y tá reo mừng.
Giữ tay bà ấy lại, coi chừng bà ấy giẫy tuột kim truyền nước biển.
Ai đó ghì chặt hai cánh tay tôi. Ai khác nữa nhúng cái khăn ướt, chạm vào môi tôi. Tôi liếm những giọt nước mát. Bây giờ tôi mới biết môi miệng mình khô đắng. Tiếng người nói chuyện lao xao. Bác sĩ nhắc bà thở thật đều, chừng nào bác sĩ kêu rặn thì rặn thật mạnh nghe. Cố đừng để bà ấy mê đi. Đánh thức bà ấy dậy. Em mới lay bà ấy dậy xong, bà ấy lại mê đi liền. Nói chuyện với bà ta, đừng để bà ta mê đi. Cái giọng đầy quyền lực của người đàn ông. Tôi cố mở rộng hai con mắt. Không gian nhòe nhoẹt chung quanh.
Những mặt người nhập vào nhau, mờ mờ, ảo ảo. Rồi cả bệt mầu trắng ấy loãng đi, tan dần, như sương mù quẫy động trong gió. Tôi rơi, tôi chìm, tôi tuột vào khoảng không. Sao không có ai kéo dùm tôi lại với. Loáng thoáng tiếng ai đó thì thào. Tiếng nói loãng ra, bập bềnh. Âm thanh méo mó, xô lệch. Baààà ấy mêêê êê nữữữaa rồồồồiii.
Tôi mới rời nó một tí thôi mà thằng bé đã nên nông nỗi này.
Mắt nó mở trừng trừng. Da thịt nó tím ngắt. Tôi thấy nó vùng vằng, giẫy giụa như bị ai siết cái cổ họng bé xíu. Hình như nó đâu đã cần thở mà sao thân thể be bé, xinh xinh của nó vật vã và cái miệng bé tí ấy hớp lấy hớp để như con cá mắc cạn. Rồi mặt nó sạm đi. Cái miệng chu lại như đang nhõng nhẽo, thấy vừa buồn cười vừa tội nghiệp. Tôi quặn thắt ruột gan. Tôi choàng ôm lấy nó. Sao vậy. Sao vậy con. Những câu hỏi xô xát trong trí tôi.
Dường như nó nghe được điều tôi muốn nói, bởi vì trong một giây ngắn ngủi, hai con mắt trẻ thơ mở hé, nhìn tôi. Trời ơi, hai con mắt lạc thần.
Rồi bỗng nhiên hình ảnh con tôi lại mờ đi. Như sương sớm cao nguyên.
Baà âấy tiiỉnnh rôôôồi baác siiiĩ ơiiiiii. Giọng nói ma quái văng vẳng trong tiếng gió hú rợn người. Tôi đang ở đâu thế này. Tôi mở banh hai mí mắt nặng nề như cối đá. Phảiii choọn meẹ hoăăăặc cooooon. Khôông thêể cứuuuuu caaaaả haaiii. Hỏi baà ââấy xeeeem. Cââần chưưưữ kyyyý củaaaa baaaà âââấy. Maaaaau điiii. Bàn tay lạnh ngắt nào vạch mí mắt tôi ra. Ánh sáng chói chan chớp tắt đổ vào óc tôi. Ánh sáng va vào con mắt xốn, vang vọng chát chúa những âm thanh méo mó, lệch lạc. Phaaản xaạ quaaá yêêêếu. Những từ ngữ lạ lùng. Đưaaaa buuuuút vàooooo taaaaaay baaaaà taaaaaa. Chiiiiiị ơiiiii, chiiị kyyyyyyyý vàooooo đaaaaaaây điiiiii. Ký vào đâu. Tôi còn biết tôi đang ở đâu để mà ký, mà viết. Tôi chẳng còn tay, còn chân; chẳng còn mắt mũi. Tôi mù lòa, mê muội.
Baaaaàaaaấy lạiiiiii mêêêêêêê rôôôoồiii.
Tiếng la hoảng hốt kéo thành chuỗi âm thanh xoắn lấy nhau.
Thằng bé tím tái vì ngộp. Chân tay nó quơ quào. Tôi hoảng kinh nhưng không biết làm gì để giúp nó. Nó là con tôi cho dù tôi mới gặp nó mấy phút trước đây thôi. Nó giẫy giụa. Nó buông tay tôi ra. Nó nhắm nghiền hai mắt. Sao vậy con. Con sao vậy. Tôi cuống cuồng giẫy giụa như nó. Tôi choàng tay ôm lấy nó nhưng hình ảnh nó mờ đi.
Saaaaao bôôỗng dưưưưng baaaà âââấy giââaẫy giuuụaaa quuuuá. Chăăắc phaaảii buuuộc taaaay baaà âââấy vààào giưưường. Kìaaa baaà âââấy tỉiiinh dââậy rôôồi. Phaaaải nhơơờ bàààà âââấy kýyyyý giââấy môôổ ngaaayyy. Phaaải cưưứu hoaăặc cooon, hoooặc meeeẹ. Nêêếu khôôông thììì mââất caaả haaai. Tôi nghe người ta nói với nhau trong cái hỗn loạn xào xáo của âm thanh.
Ông…... tôi lú, tôi lẫn; tôi không nhớ mình phải gọi cái người chữa bệnh cho tôi bằng gì. Baaaác siiiĩ ơơơơi, baaaaà âââấy tỉiiiinh laaaại rôôồiii. Ờ, tôi nhớ ra rồi. Gọi là bác sĩ. Bác sĩ cứu con tôi. Hơi thở tôi đổ ra thành câu nói. Giấy đâu. Cho tôi... ký. Cầm tay, ký giùm tôi. Tôi gom hết sức lực còn sót trong người, chạm những ngón tay tê bại vào cái vật dài người ta dúi vào tay tôi. Baaaà ââấyy khôôông kýýýy đươơợc baaác siiiĩ ơơơiiiii. Tôi muốn năn nỉ người ta giúp tôi. Nhưng trong lồng ngực tôi không còn chút hơi nào để có thể thoát ra thành lời. Câầầầm đaaaạiii taaayy baaààa ââấyyy, kyyýýý chooo xooong điiii. Giọng trầm trầm ma quái vọng lên từ chốn thâm u nào.
Tôi thều thào vô vọng. Tên nó... là... Quốc. Đặt... giùm...
Thằng bé tỉnh lại, nhưng người ta vạch cái kén trú ẩn của nó, kéo nó ra. Nó nhoài người lại, níu lấy tôi, nhưng vô phương. Tay quơ quào ôm ghì lấy sợi dây nó buộc vào người. Nó không chịu để người ta bắt nó đi. Nhìn mắt nó, tôi hiểu được mọi điều nó nói. Nó đòi ở lại với tôi. Tôi nắm chặt lấy nó, nhưng lòng tôi thì xua nó đi. Đời sống ở ngoài đó, con ơi. Con phải ra ngoài ấy, như bước vào trường học. Con sẽ học được nhiều điều mới lạ. Nhưng mẹ bảo mẹ dẫn con đi. Nó gào lên trong trí tôi. Cái miệng nó chu lại thấy thương. Rồi bức tường hẹp mở ra, sức mạnh nào đó lôi tuột nó ra ngoài. Khe hở trên tường khép lại. Tôi không còn nghe nó nói gì nữa. Tôi còn lại một mình. Bơ vơ, cô độc. Người đàn ông ấy đã bỏ tôi đi, sau khi đã vẽ vời một thế giới lòe loẹt sắc hương; sau khi đã thoả thuận sẽ đặt tên con trai là Quốc, con gái là Hương. Bây giờ đến con tôi cũng bỏ tôi mà đi. Ai đó đẩy tôi lui về những ngày son trẻ. Cả ấu thời tung tăng bắt bướm ở vườn sau. Vớt từng con tép dưới ao. Reo vui vì bắt được con cá giếc vẩy bạc lấp lánh. Buổi chợ phiên thời thơ ấu có người con trai lầm lũi theo về tận đầu ngõ. Chúng tôi thương nhau. Đám tang cha một chiều mưa tầm tã. Mẹ vật vã trong bùn lầy. Chúng tôi không kịp cưới chạy tang. Tôi đưa nó vào trường học. Tôi đi chung với con tôi một đoạn đường. Tôi nghe tiếng nó gào khan ngặt nghèo, nghe như tiếng trẻ sơ sinh mới lọt lòng. Tôi bồng bềnh như vạt khói thường lập lờ trên mái căn nhà bếp xiêu đổ sau cơn bão nhiệt đới độ nào. Lòng tôi trống trải như bến sông mùa nước cạn. Tôi chập chờn trên những đầu người lố nhố dưới cái đèn chụp tỏa ánh sáng chói lòa. Người đàn bà nào đó nằm chơ vơ giữa những tảng mầu chói chan. Trắng xóa, đỏ lòe, xanh xám. Mầu sắc chồng lấp lên nhau. Nhễ nhại, lênh láng.
Tiếng xì xào ái ngại. Tiếng khóc ngằn ngặt trẻ sơ sinh nghe như đinh nhọn đóng vào tai.
Đứa bé này sao giống con tôi quá đi thôi. Tôi tò mò nhìn chăm chú vào khuôn mặt sơn đặm một mầu với vách tường. Hàm răng cắn chặt. Con mắt nhắm hờ vặch ra một khe hở trắng lạnh lùng. Ai đâu mà xấu xí thế này. Tôi lướt xuống thật gần. Tôi nhìn săm soi từng khuôn mặt của những con người đang sống, đang loay hoay kim chỉ trên hố bụng đỏ lòe của người đàn bà. Cô y tá lặng lẽ gỡ bàn tay xương xẩu đang nắm chặt lấy áo của cô ra. Rồi khẽ vuốt mắt cho người đàn bà. Hai con mắt nhắm nghiền như say ngủ. Tôi đã thấy bao nhiêu người ngủ rồi. Giấc ngủ nào cũng hiền.
Tiếng trẻ sơ sinh khóc rộn ràng. Mọi người loay hoay gỡ hai bàn tay đang nắm chặt lấy cuống rốn của nó ra. “Gỡ tay nó ra mau đi!” Ông bác sĩ chau mày. “Hèn gì nó ngộp là phải. Tôi chưa bao giờ thấy đứa bé nào nắm chặt lấy cuống rốn như thế này. Đem nó sang trại hồi sinh ngay đi!”
Người ta ôm đứa bé chạy biến ra ngoài khung cửa, nhập vào dãy hành lang hun hút. Tôi nửa muốn lướt theo tiếng khóc ngặt nghèo, nửa muốn vướng lại xem đám người sống này làm gì với thân hình trơ trọi khẳng khiu kia.
Sau cùng tôi nán lại.
Bây giờ tôi mới thấy rõ mặt người đàn ông mà người ta gọi là bác sĩ. Hắn đứng tuổi nhưng cũng còn đẹp trai.
Giọng hắn trầm, “Mẹ nó đặt tên gì vậy?”
“Quốc.” Cô y tá trả lời.
“Tên con trai. Làm sao bà ấy biết đứa bé là con trai?”
Không nghe cô y tá trả lời. Tôi quay lại, bắt gặp giọt nước mắt lấp lánh như giọt ngọc, từ mắt cô rụng xuống thân mình mầu sáp của người đàn bà.
“Khâu kỹ làm gì nữa bác sĩ ơi.”
“Cũng phải khâu chứ.”
Ông bác sĩ vừa tẩn mẩn kéo mũi kim có sợi chỉ đen nhánh ở đầu vừa trả lời, “Nhưng trước khi đóng thành bụng bệnh nhân lại, tôi muốn chỉ cho quý vị coi cái này.”
“Gì vậy, ông thầy?”
Những cái đầu đội mũ vải xanh chụm vào nhau trên khoảng bụng trống hốc của người đàn bà.
“Quý vị có thấy những vết trầy này không? Đầy trong lòng tử cung.”
Một loạt tiếng lao xao.
“Và quý vị có nhớ tay thằng bé đầy máu, nhớt và chất nhầy niêm mạc tử cung người mẹ không?”
Lại những tiếng trầm trồ.
“Hai mươi sáu năm làm sản khoa, tôi chưa bao giờ thấy hài nhi nào nắm chặt cuống rốn như thằng bé này!”
Mọi người lặng im. Chỉ còn tiếng rì rào của ngọn đèn ống trắng xanh trên trần.
Cô y tá cúi đầu, rồi lầm lũi bước ra khỏi phòng, bỏ lại tiếng sụt sùi.
Nỗi buồn mênh mông nào đó bất chợt phủ xuống quanh tôi, trong những con mắt u uẩn của đám người vây quanh thân thể người đàn bà.
Một lát, cô y tá trở lại. Vẫn tiếng dép nhựa loẹt xoẹt trên nền gạch bông cũ. Cô đưa xấp giấy cho ông bác sĩ lúc ông vừa quăng hai chiếc găng tay đẫm máu xuống đống bầy nhầy đỏ sẫm. Giọng cô nghẹn ngào. “Bác sĩ ký giấy khai tử giùm.”
Ông bác sĩ lẳng lặng ký tên vào tờ giấy.
Cô y tá đưa tay lau nước mắt, “Bà ấy bị bệnh gì vậy, bác sĩ?”
Người đàn ông đeo kính trắng lật những trang giấy, hí hoáy ghi ghi, chép chép, “Suy tim cấp tính do thiếu sinh tố B1.”
“Tội nghiệp thằng bé.” Cô y tá thở dài. “Trường đời rồi côi cút một mình!”
Bỗng dưng có cái gì đó đau nhói trong tôi. Tôi nhận ra người đàn bà máu me nằm trên chiếc bàn có bánh xe kia. Tôi nhớ những câu tôi đã nói với con tôi. Mới đó mà ngỡ như đã từ thuở nào. Bây giờ tôi nhớ hết mọi chuyện. Tôi nhớ hai mẹ con tôi đã đi chung với nhau một đoạn đường. Khó đi mẹ dẫn con đi. Tôi nhớ tôi đã hứa với con tôi như thế. Phải không, con của mẹ.
http://hoangchinh.net
Tập truyện "Viết Cho Mẹ Ở Quê Nhà", Văn Mới xuất bản 2005
Hoàng Chính

Xem Tiếp: ----