Vào năm một ngàn chín trăm bốn mươi ba, tôi có lần tới Bãi Mũi. Từ thị xã Hà Tiên đi Bãi Mũi cũng không lâu lắm. Chiếc xe ngựa đưa tôi xuống tận bãi mới dừng lại. Đằng sau lối xe vừa qua, hai hàng dấu chân ngựa in dài trên lớp cát trắng mịn. Lần đầu tiên tôi mới tới có cái bãi này. Đến Hà Tiên đã đi Thạch Động, lên núi Tô Châu nhưng không đến đây thì cũng hoài. Ông giàa đánh xe dừng lại, hàm thiếc của con ngựa nghiến ken két chưa dứt thì lão Tư Hưng đã chạy ra, tay lão cầm cái vi cá bơi bơi như đón khách. Lão hỏi ông già xe ngựa:
- Có khách lên không ông Bảy Hân?
Ông Bảy Hân, trỏ tôi nói:
- Có cậu này lên chơi đó!
Trên xe tôi đi có bốn người, hai người là dân biển ở đây. Khi ông Bảy Hân cầm roi vút nhẹ vào mông ngựa, đánh chiếc xe lộc xộc trở về nhà ngủ Đông Hồ rồi thì chỉ còn lại tôi với một thím bán hàng rong. Thím ấy ốm yếu, nước da vàng bủng, cắp cái rổ trong đó còn lại ba bốn cái bánh ếch chưa bán hết.
Sau khi hỏi tôi có ở lại chơi không, và tôi gật đầu thì lão Tư Hưng quay vào phía nhà gọi lớn:
- Vọi ơi! Ra khiêng đồ!
Nghe tiếng gọi, từ trên dãy nhà, một thằng bé vấn khố xăm xăm chạy xuống. Nói là thằng bé bởi vì mặt mũi nó coi còn ngây ngô quá, chớ cũng độ mười sáu, lại có phần cao lớn khỏe mạnh hơn tôi nhiều. Đến nơi, chợt nó chạy lại thím bán bánh kêu "má" rồi nước mắt rớt lả chả. Bấy giờ tôi mới biết người đàn bà ấy chính là má nó. Hai mẹ con dường như lâu lắm mới gặp nhau. Song chưa nói câu nào, lão Tư Hưng đã la lên:
- Thôi chớ! Đem đồ cho khách mau lên!
Người mẹ lấy hai cái bánh ếch đưa cho con và nói nhỏ: "- Thôi, đi đem đồ cho người ta lên đi!". Thằng Vọi chùi nước mắt. Đến trước tôi nó chắp tay xá một cái làm tôi nhột nhạt hết sức. Coi da thịt của nó thì biết, nắng và nước biển đã nhuộm da nó đen sạm, mốc mốc, mắt nó hơi đục và đỏ, còn tóc thì vàng cháy như hun nắng. Người lớn, con nít ở biển đại để đều như vậy cả. Cái vali nhẹ như không, có gì đâu mà phải xách giùm, nên tôi cứ tự xách. Thằng Vọi ngó tôi coi bộ lạ lắm. Từ chỗ xe ngựa đậu lên chỗ cái nhà ngói nóc đỏ của lão Tư Hưng thấy thì gần, nhưng vì đi lên dốc, chân tôi mỏi cứ líu ríu trên cát. Một đoạn đường ngắn vậy thôi, nhưng tôi bắt đầu làm quen với thằng Vọi. Tôi hỏi ở đây có gì vui không.
Vọi suy nghĩ hồi lâu rồi nói: - Tôi không biết!
Tôi thấy thằng quê quá. Rải rác trên bãi có trên mươi cái nhà bát giác màu xanh, màu vàng. Ghế phô tơi của mấy người nghỉ mát nhiều đếm không xiết. Ta cũng có, Tây đầm cũng có, ăn uống hát xướng ngậu lên. Vậy mà thằng Vọi nó nói không biết, không vui.
Lên đến nhà trọ, tôi ở gian buồng liền với lão Tư Hưng. Tôi đem đóng tiền trọ, gặp mụ Tư tôi tưởng như gặp phật Di Lặc. Sao mụ ta mập ghê gớm quá, quần áo bó lấy mình mụ chật cứng. Gió biển thổi suốt ngày mà người mụ ta lúc nào cũng đầm đìa mồ hôi. Khi mụ Tư chìa tay lấy tiền, tôi thấy cổ tay mụ núc thịt, to béo lạ thường.
Bữa cơm trưa ấy, có thức ăn ở biển. Cá đao hấp mỗi khoanh lớn bằng cổ tay của mụ Tư Hưng. Cá khoai luộc nước dừa, mực tươi chưng cách thủy. Trong lúc tôi ăn cơm thì thằng Vọi biến đâu mất. Bên kia nhà, hai vợ chồng lão Tư Hưng đang bận rộn với khách. Khách là bốn năm người dân lưới đến nạp từng bao lớn vi cá cho lão ta. Hai vợ chồng lão Tư săm sói mấy bao vi cá, híp cả mắt. Ăm cơm xong, tôi đến coi vi cá chơi cho biết. Bấy giờ lão Tư ngồi trên bục cao, gõ bàn toán lốp cốp... Tôi tưởng lão ta tính tiền để trả, nhưng không phải, lão ta có tật như vậy. Hễ người nào mướn lưới và ghe của lão mỗi tháng đến nạp vi cá hoặc bong bóng, thì lão Tư gõ con toán quy ngay ra tiền thử coi được bao nhiêu. Tôi có ngờ đâu mỗi cái vi cá bán tới một cắc bạc. Hèn gì lão ta có cái nhà ngói, tậu mười cái nhà bát giác, lại có phần hùn trên nhà ngủ Đông Hồ nữa.
Tôi đi ra ngoài. Vừa lúc ấy thằng Vọi ở đâu về, vác trên lưng một giỏ lớn đựng đầy sò huyết. Nó đặt giỏ sò lên thềm bếp rồi đi ra. Tôi liền theo nó xuống bãi. Thằng Vọi nói với tôi:
- Chiều tôi phải ra lưới, lén đi chơi một chút... sợ ông chủ biết được thì chết!
- Không sao, có tôi đây... Chơi một chút, chừng nào đi thì về đi, sợ gì!
Vọi chỉ con dã tràng bò lểnh nghểnh trên cát, nói:
- Anh ngó thấy chưa, nó đương vò cát đó! Vò đã đời rồi để sóng đánh tuốt luốt hết. Nè, vậy mà khó bắt được nó lắm nghe.
Tôi hỏi:
- Bắt con đó làm chi!
- Chơi thôi... Trên bãi này không ai bắt được đâu. Khó lắm, hễ tới gần nó trốn xuống hang liền!
Tôi nghe nó nói thì rón rén rình bắt thử. Nhưng tới gần, quả nhiên dã tràng trốn xuống hang không còn một con. Mấy lần đều bắt không được, tôi hỏi Vọi:
- Mày bắt được không?
Thằng Vọi nói được, vừa nói nó vừa bảo tôi ngồi im một chỗ, đoạn nó chạy đến một nơi khác nằm rạp xuống. Nó nằm như vậy rất lâu, không động đậy. Tôi ngồi đợi, thấy chốc sau dã tràng nhú lên hang bốn năm con. Tưởng yên, dã tràng bò từ từ, quơ càng đằng trước. Dã tràng đã mắc lừa, tưởng Vọi là một vật gì chứ không phải người rình bắt nó. Tôi cười ré lên, vì lúc ấy Vọi đã quơ tay chộp luôn được ba bốn con. Nó nhổm dậy, chạy lịch phịch lại đưa cho tôi, nói:
- Thấy tôi bắt chưa?
Tôi nói:
- Bắt lần nữa mới giỏi!
Vọi nói:
- ừ nghe!
Và dứt lời, nó chạy một quãng dài, nằm chuồi trên bãi cát như một khúc cây.
Tôi mê nhìn thằng Vọi, lão Tư Hưng đi đến hồi nào tôi không biết. Lão cầm cây đao cá màu vàng vàng, có răng giông giống như răng cưa. Lão ta chắp cây đao cá sau lưng đi tới chỗ thằng Vọi. Chết chửa. Thằng Vọi vẫn nằm im đợi dã tràng lên hang. Tới nơi, lão Tư vụt thét:
- Vọi! Mày biết có bao nhiêu người đợi mày đem lưới ra ghe không?
Tiếng lão ta gầm rất to. Dứt tiếng, lão ta giơ cây đao cá, thẳng cánh tay giáng xuống. Tôi nhắm mắt, nghe một cái "chát", chừng mở ra thấy người thằng Vọi như bẹp dưới cát, trên đít hằn lên một lằn đỏ lớn, in nguyên hình cây đao cá. Tôi sợ nếu lão Tư trở bề cạnh răng cưa cây đao mà đánh, thì lút vô thịt thằng Vọi liền.
Trong lúc lão ta giang tay muốn đập nhát nữa, thì thằng Vọi lồm cồm dậy được, co cẳng chạy lông lốc. Lão Tư Hưng rượt theo như bay. Song hình như lão ta chỉ rượt nó chạy mau về đặng đem lưới ra ghe thôi.
Tôi ngồi một mình trên bãi. Trong hai bàn tay tôi, bốn con dã tràng vẫn còn rọ rạy.
Mười sáu chiếc ghe lưới mà tôi thấy lúc trưa gần bờ, bây giờ nước thủy triều lên, dường như có dai dời ra ngoài hai trăm thước. Sóng đánh ào ào, mấy chiếc ghe cắm ngoài kia bồng bềnh muốn giạt đi, nhưng không hề giạt được. Xa hơn đó nữa, đảo Phú Quốc như một tảng đá màu thạch lục, nổi cố định trên mặt biển.
Thằng Vọi khệ nệ ôm từng tay lưới lớn chất lên một cái xe bò. Lâu lắm nó mới chất lên hết. Xong đâu đó nó ra trước tay càng, ghé vai vô sợi dây da trâu. Nó rị một cái, chiếc xe không nhúc nhích. Lần sau nó đổi vai bước dấn tới, bánh xe bò mới chuyển. Thằng Vọi kéo một hơi. Tôi không ngờ nó khỏe đến thế. Kéo tới sát mí nước nó dừng lại, bỏ dây ra, thở phào. Hai ba mươi người đi lưới mướn hàng năm cho lão Tư Hưng, từ trên cái nhà ngói nóc đỏ lô nhô kéo xuống bãi. Đến nơi họ bu chung quanh xe bò, xốc lưới trên xe xuống. Cả bọn lội xuống nước đi ra chỗ ghe cắm.
Đất cát cạn xợt, lội đã xa mà vẫn chưa lút đầu gối họ. Thằng Vọi kéo cái xe chạy trở lên. Một hồi nó đi xuống, trên lưng mang cái giỏ sò huyết, hai tay bê tấm ván, trên tấm ván là một cái hỏa lò than đỏ có lót vỉ sắt. Trên cổ nó còn có một xâu chuỗi, không phải chuỗi hạt trai, mà là chanh trái xỏ qua một sợi kẽm.
Thằng Vọi đem từng thứ ấy để tại chỗ xe bò rồi lội ra nơi ghe đậu. Nó không đi luôn mà ra lôi một chiếc ghe vô, đem tay lưới còn lại cùng các thứ để lên ghe.
Trên nhà bấy giờ đi xuống hai người, lão Tư Hưng với một bác già, chừng như cũng là người ở mướn. Tất cả gồm bốn người, trong đó có tôi, sửa soạn lên ghe. Ra bãi Mũi, tôi cốt ý đi theo ra khơi cho biết. Lúc đầu lão Tư Hưng không khứng chịu, tôi nói mãi, sau cùng chìa ra một đồng bạc nói là chung tiền sò, lão ta mới thuận cho tôi đi.
Thấy chiếc ghe còn ở ngoài độ ba bốn sải tay, lão Tư mắng thằng Vọi om sòm:
- Còn một chút nữa cũng làm biếng không chịu kéo rấn ghe vô, mày khiến chết, tội mày bữa nay tao chưa trị đa!
Thật là lạ, ở biển mà lão ta ngại đặt chân xuống nước. Tôi thì có quần áo nào mặc quần áo nấy, còn lão ta đi lưới mà ăn mặc như đi chơi. Quần xá xị đen, áo cẩm tự màu trứng gà. Cái túi trên áo của lão, cộm ló lên gói thuốc Mêlia trắng.
Thằng Vọi vẫn vấn khố, mặc một cái áo vải ta nhuộm chàm, sợi to như bố tời.
Sau rồi thằng Vọi cũng phải lội ra kéo ghe vô sát bờ thêm đoạn nữa cho lão ta xuống. Bác lưới già dùng sào chõi ghe ra quãng sâu rồi cùng thằng Vọi cất buồm lên. Buồm giương cao bọc gió chạy như tàu. Sóng nhỏ thôi mà cũng hung hăng xốc tới muốn nhảy vô ghe, nhưng đời nào được, vì ghe do bác già lái luôn cỡi trên lưng sóng. Lão Tư Hưng móc gói Mêlia, búng cái tách lòi ra một điếu, lão ta ngoạm lấy, ấm ứ nói:
- Vọi, lấy lửa!
Thằng Vọi bò tới hỏa lò than, cầm đũa sắp gắp lửa đưa lão ta mồi thuốc. Lão Tư Hưng phà phà khói nói với bác lái già:
- Mẹ! Con nước này chém chết cũng mười tạ cá khoai. Mấy người làm cho hết mình, về tôi cho nhậu say chết cha hết thảy!
Tôi càng lấy làm lạ nữa, về cái câu như vừa nói vừa chửi của lão ta.
Chiều xuống dần, nắng rút về phương Tây. Cái nhà ngói trên bãi chỉ còn là một chấm đỏ bằng ngón tay út. Ghe càng ra xa, lão Tư Hưng càng hút thuốc nhiều. Dứt điếu này lão ta mồi điếu khác. Không thấy lão cho bác già đằng lái một điếu nào. Đi đâu quá mà vẫn chưa tới chỗ đánh cá, tôi hỏi:
- Đi xa quá vậy?
Lão ta cười, trỏ tận ngoài khơi mù mịt bảo:
-Anh khờ quá, mới có nửa đường thôi. Hôm nay ra tám cây số, có bữa phải tới mười một cây. Kiếm tiền cực thấu trời chớ anh tưởng sung sướng lắm sao/
Tôi làm thinh, gẫm lại câu nói của lão thiệt vô lý. Cực thì mấy người đi lưới mướn cực chớ lão ta cực khổ nỗi gì. Nãy giờ lão ta ngồi trên sạp hút thuốc thơm, cái áo cẩm tự trứng gà chưa dính một giọt nước biển. Nhưng tôi cứ làm thinh ngó ra khơi nữa. Thấy mấy chiếc ghe đằng trước nhỏ xíu mờ trong hơi nước biển bốc lên như sương.
Trời đã bắt đầu sụp tối. Nhưng lúc bóng tối chưa úp trọn màu đen của nó xuống khắp biển thì trên trời sao đã mọc lấp lánh. Đêm càng đến thì sao càng bật sáng hơn lên, muôn ức vì sao đếm không biết. Trước mũi ghe, nước biển rẽ ra rực sáng. Những ghe trước đã thôi chạy, hiện lờ mờ một dãy dài. Lão Tư Hưng móc ra cái đồng hồ quả quít có kim sáng, coi và nói to:
- Đúng một giờ tám cây số! Thôi, hạ buồm đi!
Thằng Vọi nãy giờ bị gió lạnh, cứ giả cách gầy than, ngồi thủ bên cái hỏa lò cho ấm. Nghe tiếng lão Tư, nó ngồi bật dậy như lò so, bò ra cột buồm mở dây. Cái rõ rẽ kêu rốc rốc. Bác lái già nương dây cho buồm từ từ hạ xuống. Cả cột lẫn buồm nằm xếp gọn bên phải sạp ghe. Ghe đi lừ đừ, đến cặp song song với một ghe khác. Mười sáu chiếc bắt cặp với nhau. Trên sạp, tiếng phao và lốp cốp, lưới được dàn ra. Hai ghe đánh chung một lưới, hai tay lưới giáp lại thành một, mỗi bên giữ một cáng lưới rồi từ từ buông rời ra. Đường lưới dài, ghe tếch ra rất lâu mới cuối hết vạt lưới.
Thằng Vọi bây giờ có muốn thủ bên cái hỏa lò cũng không được. Gió, nước thốc vào người, nó ngồi trên be ghe ghì chặt cáng lưới. Bác lái già thấy lưới buông ra rồi, thả chèo, chèo bọc lên. Tôi đợi mãi mà hai ghe vẫn chưa giáp nhau. Bác lái già kêu lên, khi ngó thấy trong vòng lưới, ánh sáng xanh chéo ngược loạn xạ. Những người đi nghề quen như bác biết ngay là đã gặp cá bầy. Lão Tư Hưng mừng được của, nói toáng lên:
- Hồi đi tôi đã biết rồi! Con nước này là con nước kim ngân mà! Cứ làm khá lên, nhứt định lần này về tôi sẽ cho mỗi người một ly rượu. Không phải rượu nếp đâu nghe, rượu ánít... anít...!
Hai đầu lưới giáp nhau, thằng Vọi nhấc cáng lưới đưa sang ghe bên kia. Lưới từ từ kéo lên, cá trắng như bạc thật, lấp lánh đều trong các kẽ lưới. Chuyến đầu đã trúng mẻ cá to.
Người bên kia trút cá hết vô khoang, trao lại cáng lưới. Thằng Vọi với lấy, ngồi thụp xuống ghì chặt như trước. Ghe lại rời ra, đi bọc. Trên sạp, lão Tư Hưng cười khà khà. Lão kéo cái giỏ sò hyuết lại bên hỏa lò. Cái xâu chanh hồi chiều tôi thấy thằng Vọi đeo trên cổ như xâu chuỗi hạt ấy, bây giờ lão sẽ nới ra từng trái, dùng dao con xắc hằng chục miếng dày chung với muối tiêu trên đĩa sứ. Lão ta nói với tôi!
- Phải ăn mừng mới được, lại đây anh!
Hễ ai có tiền thì lão Tư Hưng mới mời mọc như vậy. Lão ta phùng mang thổi mấy hơi vô hỏa lò. Lửa than đỏ rần rật. Bốc một vốc sò huyết, lão đặt từng con lên cái vỉ sắt hực nóng. Sò huyết kêu eo éo như sôi bụng, một chút sau nắp sò hé bật ra. Lão vắt chanh vào con sò, dùng đũa gắp ra chấm với tiêu ăn. Tôi cùng ăn với lão. Tôi nói:
- Dành cho họ một ít!
Lão vừa nhai ngấu nghiến thịt sò một cách ngon lành vừa đáp:
- Dành gì, tụi nó còn lo lưới chớ!
Tôi ăn có ngon nhưng dường như nhột miệng. Còn lão thì vẫn cứ tiếp tục. Đến lúc cái giỏ đựng sò vơi đi, thì cũng là lưới sắp bọc tới. Những đường sáng xanh lại rạch loạn dưới nước. Lão Tư Hùng vừa ăn và với vẻ hả hê đắc thắng, lão khoe với tôi:
- Một chuyến đi lưới gặp con nước như đêm nay, có thể tạo thêm một cái nhà bát giác nữa... Cho thuê một cái mỗi tháng hai mươi đồng, mười cái mỗi tháng hai trăm...
Hai ghe từ từ xáp lại. Lúc cách nhau độ mươi sải bỗng có một cơn gió luồng thổi vùn vụt. Thằng Vọi nâng cánh lưới đứng dậy sửa soạn trao sang... Khi nó với tay tới, bỗng một chân trái nó trượt khỏi ghe. Nó chưa kịp rút chân lên, thì luồng gió đẩy giạt ghe bên kia xô rập vào. Tôi hốt hoảng kêu rú lên. Hai be ghe va nhau vào một cái dữ dội, kẹp lấy chân thằng Vọi vào giữa. Gió thổi vù vù, tay nó vẫn ghì cáng lưới không dám buông. Rời cái cáng lưới, để rớt xuống biển, tức nhiên cá trong lưới sẽ tuột ra hết. Lão Tư Hưng chồm đứng lên. Tiếng thằng Vọi kêu như van lão:
- Tôi buông... Cho tôi buông cáng!
Dưới ánh sao, đôi mắt nó thất lạc. Lão Tư Hưng hầu như không nghe tiếng kêu thảm thiết ấy. Lão đang nghe tiếng cá dậy rộn trong lưới... Trước mắt lão hiện ra vô số cá khoai, cá gộc. Cá ấy sẽ cho lão vô vàn giấy bạc. Lão Tư Hưng giậm chân một cái rầm trên sạp ghe. Miệng lão còn đang nhai sò, huyết sò chưa chính ứ ra mép lão như máu người, lão ta gằn từng tiếng:
- Không được buông cáng! Vọi, ráng lên. Đưa cái cáng qua ghe mau. Một chút nữa... ráng, ráng!
Thằng Vọi lóa cả mắt rồi. Nhưng tiếng thúc của lão Tư Hưng dồn dập quá, khiến nó hết sức kinh sợ, cố với tay qua chừng hai gang nữa. Người bên kia vớ lấy được cáng lưới. Lão Tư Hưng mừng húm, lè lưỡi liếm máu sò bên mép, trố mắt nhìn từng vạt lưới kéo lên. Tiếng cá choi trút vô khoang nghe lạch đạch. Lão nghe đến khi cái tiếng lạch đạch dứt rồi mới quay lại. Tôi đã kéo thằng Vọi lên để nằm dài trước mũi ghe, lấy khăn quàng nhắm mắt mà buộc cái chân gẫy rập của nó. Máu ở chân nó chảy tuông như xối. Cái khăn trắng biến thành màu đỏ.
Tôi với bác lái già giục về gấp. Lão Tư Hưng cúi nhìn và gọi tên thằng Vọi. Nhưng nó đã ngất rồi đâu đáp lại được. Lão Tư Hưng nói:
- Về đâu bây giờ, lâu lâu mới gặp cá bầy như vầy. Nó chưa hề gì, dẫu có về, chân nó đã gẫy rồi nào có nối liều lại được đâu? Làm ăn không ý tứ thì khiến vậy nó mới tởn. Được rồi, mai cho xe ngựa chở nó lên nhà thương thí!
Lão Tư Hưng gọi lớn:
- Bên kia qua đây bớt một người nghe!
Một anh từ bên ghe kia nhảy sang, thay thằng Vọi.
Đi hai mẻ lưới nữa... Lão Tư Hưng mới chịu rúc tù và báo hiệu về. Mười mấy chiếc ghe sửa soạn trở mũi. Từ đó về đến bãi tôi ngồi bên thằng Vọi. Nó có tỉnh mấy lần, sau đó lại ngất đi.
Đến nơi, hai bác dân lưới khiêng nó lên. Tôi xách cây đèn chai đi sau, thấy máu nơi chân Vọi rỏ dài trên cát. Giọt máu nào rơi xuống liền bị cát hút ngay giọt ấy.
Hôm sau, lão Tư Hưng sai người chở nó lên nhà thương thí. Trưa đó, tôi cũng ra đón xe ngựa ông Bảy Hân về một cách vội vàng. Xe chạy ngang bãi lưới, tôi dòm xuyên qua cửa, thấy những vết máu đêm hôm rỏ thành một đường dài. Màu máu thấm cát bị nắng hun trọn buổi biến thành màu xám sẫm như màu sét sắt.

*

Mãi đến năm sau, cũng trong mùa nắng ráo, tôi trở lên Hà Tiên, có về bãi Mũi một lần. Ông Bảy Hân vẫn còn đánh xe ngựa như cũ. Sực nhớ đến chuyện xưa, trên xe tôi hỏi thăm về thằng Vọi. ông Bảy Hân cho tôi biết sau khi lão Tư Hưng đem bỏ nó trên nhà thương thí cưa chân, tới chừng lành rồi lão bắt nó trở về đi lưới cho lão như cũ. Má nó bán bánh ếch dành dụm mà không đủ tiền chuộc nó ra. Kể xong, ông Bảy Hân chép miệng, quất con ngựa một roi chạy lồng lên. Ông còn cho biết lão Tư Hưng đã được Tây bổ làm chủ bãi. Đến nơi, tôi xuống xe, thấy cái nhà ngói lão Tư Hưng xây lại hai từng cao nghệu, nóc ngói đỏ au.
Đột nhiên ông Bảy từ trên xe nhảy xuống kéo tôi chỉ về đám người lô nhô cuối bãi, hấp tấp nói:
- Ghe lưới của chủ Hưng sắp ra khơi. Kìa thằng Vọi nó đi sau chót kìa.
Tôi nhìn theo tay ông Bảy Hân. Tuy một năm qua, nhưng tôi nhận ra đúng là thằng Vọi. Cái lưng mốc thích của nó phơi dưới nắng trưa, và tay nó cắp một cây nạng.
Hình như nó đi nạng quen rồi chăng, nên một chốc sau tôi chỉ còn thấy cái dáng đi của nó tập tễnh, mờ dần dưới cuối bãi.

Xem Tiếp: ----