Năm Tự làm nghề mua bán nồi ở chợ Sóc Xoài, nổi danh giàu có nhứt nhì trong vùng, vào khoảng năm 1940. Ông ta giao thiệp rộng, hễ ai cần dùng tiền bạc thì cứ đến gặp mà mượn, mượn có ăn lời.
Ngoài ra, ông ta sẵn sàng đi xa. Nếu người nào đó muốn cầm cố nhà cửa ruộng đất, tánh ông rất kỹ lưỡng, khi làm ăn thì xem tận nơi, điều tra khéo léo cho biết đất cát, nhà cửa ấy do ai làm chủ? Phải trưng ra đủ thứ giấy tờ, làm giấy đem cho hương chức làng thị nhận.
Một buổi tối, đâu vào khoảng hai giờ khuya, ông đang ngủ thì chợt nghe có tiếng cãi vã dưới bến. Hai người nọ cãi qua cãi lại, ban đầu to giọng, về sau thì rất nhỏ. Đó là điều kỳ lạ khiến ông lồm cồm ngồi dậy để theo dõi:
Một người nói:
- Tôi chắc mà. Mấy ông thầy địa lý kéo nhau tới núi Ba Thê. Họ đi suốt ngày chung quanh núi. Ngu dại gì mà họ đi như vậy!
Người kia đáp:
- Mình đi săn vàng chẳng khác nào mò kim đáy biển. Dân núi Ba Thê ngu dại gì để cho người khác tới chia của. Không đủ cho họ chia...
- Tôi biết chắc rồi. Ở dưới chân núi chớ không phải ở trên sườn núi. Một cha nội ở xóm tôi từ núi Ba Thê về, làm giàu, mang theo một cái mão bằng vàng ròng, nặng hơn một kí-lô.
- Thấy không? Hay là nghe đồn đãi?
- Tôi không thấy cái mão bằng vàng nhưng tôi thấy hắn ta cất ngôi nhà ngói. Ngôi nhà cất chưa xong thì hắn lại trở vô núi Ba Thê, từ hai ngày rày. Tôi theo dõi, thấy xuồng hắn ta quẹo qua ngã ba nầy.
Ông Năm Tự chú ý nghe tiếp, nhưng hai người này bàn bạc với nhau nhiều chuyện quá xa xôi: nào là hùn vốn để mướn người đào đất, nào là cách thức canh phòng đừng cho người lạ mặt theo dõi. Đại khái, họ tính mướn nhân công đến chân núi để cuốc đất, theo kiểu cuốc đất trồng khoai. Khi nào gặp vàng thì họ sẽ giết mấy người làm công ấy, giống như hồi đời xưa, mấy ông bạo chúa xây xong lăng tẩm là giết tất cả thầy thợ.
Hai người ấy bơi xuồng ra đi, khi bìm bịp kêu nước lớn. Trên nhà, ông Năm Tự cứ thao thức, chờ trời sáng. Đây không phải lần đầu tiên mà ông nghe nói về kho vàng vô chủ ở núi Ba Thê. Ngọn núi nầy không cao cho lắm, nằm trên cánh đồng không mông quạnh khoảng giữa chợ Rạch Giá và chợ Long Xuyên, gần núi Sập. Trên núi, còn vài ngôi chùa Miên. Năm ngoái, ông Năm Tự đến núi một lần để xem giá cả đất vườn. Một người bạn muốn bán lại cho ông vài mẫu vườn, sát chân núi. Ông Năm đi ngang qua công sở, thấy một pho tượng Phật xưa, bốn tay, tạc bằng đá... Ngoài ra, rải rác trên sườn núi còn vài cái am nhỏ, thờ nhiều pho tượng khó hiểu, như kỳ lân mọc cánh, con bò quì bốn chân, mặt bò giống như mặt người. Thiên hạ đồn đãi rằng mấy chục năm về trước một ông bác vật người Pháp đến núi Ba Thê đào vàng, gặp cái hang sâu thăm thẳm, ăn thông ra ngoài biển khơi. Ông bác vật xuống thử, được người tu hành nào đó căn dặn vài lời... Khi trở lên, ông bác vật nọ hoảng sợ, về Sài Gòn không dám tiết lộ bất cứ điều gì, vì dường như đã bị hăm he: nếu thất hứa, ông ta sẽ hộc máu chết tốt.
Ông Năm Tự đến núi Ba Thê ngay trong ngày hôm sau. Dưới chân núi, lúc bấy giờ là mùa nước lụt, chỉ có mấy gò đất nổi lên, lúa sạ gặp nước cứ dâng lên cao. Hàng trăm con trâu đang gom lại trên năm bảy cái gò sát chân núi, khung cảnh trông khá lạ lùng, hùng vĩ. Mấy người chủ trâu ở mấy làng lân cận không tài nào tìm đủ cỏ cho trâu ăn; nước ngập, cỏ không sống được. Họ giao cho một người chủ thầu lãnh trách nhiệm giữ trâu trong mấy tháng nước lụt, đưa bầy trâu đến nơi cao ráo, ở núi Ba Thê hoặc vùng Bảy Núi. Tới khi nước giựt xuống thì đem trâu trở về làng, trả cho chủ cũ.
Linh tính như báo trước với ông Năm Tự rằng mấy gò đất cao ráo nầy có thể là nền nhà, nền chùa từ cả ngàn năm về trước, nếu đào lên thì gặp vàng. Ông lại gần mấy đứa bé chăn trâu để làm quen. Chiếc xuồng của ông vừa cặp vào là bọn trẻ reo hò:
- Ai vậy? Cho tụi tôi tiền bạc phải không? Tụi tôi là vua xứ nầy. Muốn ăn cơm thì đưa vài cắc, tụi tôi làm tiệc cá lóc nướng đất sét. Ngon lắm.
Ông Năm Tự đáp:
- Cám ơn mấy em. Bác đi kiếm mấy người quen. Hồi sáng tới giờ, mấy em gặp chiếc xuồng nào tới đây không?
Dụng ý của ông Năm Tự là dò xét bọn người mà ông gặp hồi tối, tại chợ Sóc Xoài. Nhưng mục đích chánh của ông vẫn là tìm hiểu bọn trẻ quá ranh mãnh nầy. Bọn chúng sống với nghề chăn trâu từ nhiều năm, di chuyển hàng trăm cây số ngàn, không thua người lớn về kinh nghiệm trường đời. Đứa bé chăn trâu lớn tuổi nhứt lên tiếng:
- Cho tiền thì tụi tôi chỉ cho! Họ muốn làm quen, họ vô phép quá. Họ gọi tụi tôi bằng tụi bây, hăm he rằng trâu ăn cỏ trên đất của họ, họ có thể đuổi bất cứ lúc nào. Nhè tụi tôi mà họ rung cây nhát khỉ chớ!
Ông Năm Tự nhìn kỹ thằng bé nọ. Đúng là đứa lanh lợi, trán cao, tóc dựng đứng như rễ tre, cánh tay có xăm vài chữ nho. Lúc nầy, tốn tiền bao nhiêu ông cũng không tiếc, may ra ông được ít nhiều vàng bạc, bằng không thì cũng được ăn vài bữa cơm ngon lành.
- Một đồng bạc, xài tạm đủ không? Ngày mai tôi trở lại ăn cơm.
Thằng bé nói:
- Bữa nay ông ghé lại đây ăn cho vui, chớ tôi không dám nhận tiền trước.
Ông Năm Tự đáp:
- Vậy thì chiều nay bác trở lại, bây giờ bác còn lên núi để lo công chuyện làm ăn khác.
Thằng bé chăn trâu đã hiểu người khách lạ muốn điều gì rồi. Ba năm qua, mỗi lần đem bầy trâu tới chốn này, luôn luôn nó gặp nhiều người đến tìm vàng. Bọn này không bao giờ nói thẳng ý định, cứ làm quen với nó rồi viện lý do vu vơ rằng đến tìm vài con trâu thất lạc, hoặc tìm vài đọt sậy, đem về làm thuốc trị bịnh trâu mắc toi. Thằng bé theo dõi, thấy họ đến gốc cây thị, trên giữa gò đất để tìm vài cục gạch. Đó là loại gạch lớn gấp ba, gấp bốn gạch dùng để xây nhà ngày nay. Vài người đào thử, nhưng thất vọng, vì đất trên gò quá cứng, toàn là gạch với đất sét, xen vào đó là đá xanh, từng cục đá nhỏ, đập sẵn tự thuở nào.
Ông Năm Tự đưa ra một đồng bạc. Thằng bé tỏ dấu cảm động, nhận tiền rồi tự giới thiệu:
- Tôi là thằng Đống, mỗi năm mỗi tới đây. Chủ tôi là tằn khạo Bảy, đang uống rượu trên núi với mấy người bạn nào đó. Làm chủ thì khỏe hơn làm công, đời là vậy!
Ông Năm Tự buột miệng:
- Ừ, mầy là thằng Đống, tao tin mầy lắm. Mầy biết tao tới đây để làm gì không?
Thằng Đống cười hề hề:
- Sao không biết, nói ra kỳ quá. Nói vậy là ông hiểu rồi. Ông cũng như mấy người hồi sáng...
- Nghĩa là sao? Họ tới đây làm gì?
Đột nhiên thằng Đống nhìn về phía bên trái nói khẽ:
- Ông ơi, họ tới đó. Tôi chỉ tay cho ông thấy. Ông ăn xài rộng rãi với tôi thì tôi đối xử lại đàng hoàng. Ông đừng nói gì hết. Quả thiệt thế gian nầy thiên hạ ham tiền bạc, tới mức điên khùng.
- Họ ở đâu?
Thằng Đống nói:
- Xin lỗi ông, hồi nãy tôi nói một lần rồi, tôi là vua xứ này. Cãi lời tôi thì ông thua họ đó. Bây giờ, ông ngồi xuống, đừng cho họ thấy.
Ông Năm Tự thầm phục sự lanh lẹn của thằng Đống. Đằng kia, sát bên gò, một chiếc xuồng nhỏ đậu lại. Gò khá rộng và cao, lau sậy mọc khỏi đầu người, bầy trâu di chuyển tới lui, thỉnh thoảng vài cặp sừng nhô lên. Dưới xuồng có hai người. Dường như họ nhìn về phía thằng Đống và ông Năm Tự rồi cho xuồng quẹo về bên trái, khuất dạng. Thằng Đống nói khẽ:
- Tôi thấy rồi. Bọn này cầm dao, cầm búa. Xứ này của tôi, chẳng lẽ họ dám ăn thua với tôi. Võ nghệ thì thua họ, nhưng tôi lựa con trâu cồ mạnh khỏe nhứt để đuổi họ. Con trâu này thường nổi cơn điên, chỉ một mình tôi khiển nó nổi thôi. Ai phá, tôi cho trâu chém đổ ruột. Dao búa không ăn nhằm gì ráo...
Tin vào tài trí của thằng Đống, ông Năm Tự chạy nhanh theo, đến phía giữa gò, nơi có một cây to, cành lá thưa thớt mọc nhô lên. Thằng Đống vạch lau sậy thật gọn, ít gây tiếng động, nhờ vậy mà ông Năm Tự bước dễ dàng. Nó dừng lại, ngồi xuống rồi nói:
- Tụi nó không hơn tôi đâu. Tôi biết là tụi nó tới chân núi, hỏi thăm mấy ông thầy địa lý, mấy ông thầy bùa, thầy ngải rồi lò mò tới. Tụi nó vác búa, vác dao là để...
Phía trước, lau sậy ngã xuống nghe rôm rốp. Thằng Đống nằm mọp sát đất để che khuất thân hình, ông Năm Tự cũng bắt chước thằng Đống, cố ý xem bọn người nọ bày trò gì? Theo sự suy luận của ông thì chuyện kho vàng chưa đến nỗi hoang đường, gò đất cao ráo này rất có thể là nền của một ngôi chùa xưa, bằng cớ là còn một cây thị cao lớn mọc giữa gò đất, quả là cây thị do người xưa trồng để lại, cây thị ít khi mọc hoang, trơ trọi giữa nơi đồng không mông quạnh. Cây mọc không sung sức cho lắm vì đất quá xấu, có khi là mọc trên đá cũng không biết chừng.
Hai người nọ đến gần gốc cây thị. Chưa chi ông Năm Tự đã lo sợ, rủi gặp họ, làm sao ông trả lời! Đành rằng “người đời muôn sự của chung” nhưng rình rập là hành động tiểu nhân, hèn hạ. Ông nắm tay thằng Đống, nhưng nó day lại với nụ cười, tay làm dấu hiệu như khuyên ông Năm Tự nên nằm mọp sát mặt đất.
Người thứ nhứt nói:
- Gặp rồi. Đây là đền xưa, còn mấy cây cột rành rành.
Người thứ nhì chửi đổng vài tiếng:
- Hay là tụi nó đào đất lấy vàng hết rồi? Cái thằng cha ở xóm Sóc Xoài coi vậy mà nguy hiểm lắm. Mình mướn người đào thử, khi tụi con nít chăn trâu dời qua xứ khác.
- Mặc kệ. Tôi nghe chắc chắn rằng cái mão bằng vàng xuất hiện ngay tại gốc thị.
Người kia trả lời:
- Nói láo vừa vừa nó! Tại sao người ở trên núi không xuống đây mà đào? Họ ngu dại gì để cho người xứ xa tới chia của!
- Tới đây để cãi sao chớ? Người núi Ba Thê quá mê tín dị đoan, họ không dám lục lạo vì sợ kiếp sau đầu thai không được. Đào vàng là ăn cắp của Trời Phật. Mình thử chặt một khúc cây nầy xem sao? Lạ quá, cây gì thịt đen thui mà lại cứng như sắt. Nếu thần thánh không quở phạt, ngày mai mình trở lại.
Hai người nọ bèn hươi búa, hươi dao mà chém vô gốc cây nghe bôm bốp. Nằm trong lùm sậy, ông Năm Tự thích chí vô cùng vì chuyến đi nầy thật hữu ích. Hai người này đúng là bọn người đậu ghe ở dưới bến, đêm rồi. Họ nói chuyện thật tình? Hay là họ cố công đóng kịch để gài bẫy? Biết đâu họ muốn thử thách oai lực của thần thánh trước khi họ mướn nhân công, đào đất lúc ban đêm. Có thể là họ biết ông Năm đang rình. Nhưng họ đã mang theo nào dao, nào búa, trước khi đến đây. Khi ông tới, gặp thằng Đống thì họ ở trên núi chẳng lẽ thằng Đống ăn tiền của họ rồi ra lịnh cho thằng bé nào đó lên núi, báo tin cho họ tới đây để giả vờ cho ông lạc hướng?
Độ nửa giờ sau, hai người nọ trở về. Thằng Đống đứng dậy trước, nắm tay ông Năm mà kéo mạnh. Ông Năm thấy họ đang vác trên vai hai khúc cây đen đúa, đúng là hai khúc cột nhà xưa trên gò. Thằng Đống nói:
- Mấy thằng đó làm chuyện khùng điên. Già rồi mà còn ngu dại.
Ông Năm hỏi:
- Sao vậy?
- Thì hồi xưa ở đây có chùa, có miễu, điều đó thiên hạ đều biết. Chặt hai khúc cột đó làm gì cho thiên hạ ghét! Tôi nói xứ này là xứ của tôi, ai làm gì thì cho tôi biết. Con nít chăn trâu là con cháu vua Thần Nông mà. Phải không có ông thì tôi đã cho trâu rượt tụi nó một phen, trâu chém cho lòi ruột.
Bỗng nhiên mà ông Năm Tự nảy ra một quyết định táo bạo: thay vì trở về Sóc Xoài, ông muốn ở lại đây một đêm để theo dõi hành động của hai tên nầy. Đúng là bọn chúng bố trí sẵn sàng để khiêu khích, làm hại ông. Dầu sao đi nữa, bọn chúng cũng biết ông đang có mặt tại gò đất này rồi. Chạy trốn là hèn nhát. Ông thở dài, bóp trán để nhớ kỹ mặt hai tên nọ. Bốn năm trôi qua, từ khi ông tới chợ Sóc Xoài để làm nghề buôn bán. Ông chưa lường gạt ai số tiền nào quá lớn, chưa phá hại gia cang của ai cả.
Tư Hí và Lục Che là hai người đã ôm ấp giấc mộng trở thành bá hộ, nếu may ra tìm được kho vàng. Quê quán ở Châu Đốc, trước đây hai năm, họ đã đi tận Tà Keo bên Cao Miên để mua bò, chuyến đi chuyến về họ đều ghé núi Ba Thê, nghe nhiều ông lão bàn chuyện tìm vàng. Họ đã làm quen với bọn trẻ chăn trâu, ngắm nghía mấy cái gò đất khá cao chung quanh núi. Họ bàn cãi với nhau đi đến kết luận rằng đó là những gò nhân tạo. Gò đất thiên nhiên luôn luôn có cát, có đá trái lại, nơi đây chỉ là đất bùn, là gạch. Lũ trẻ chăn trâu thì bình thản vui đùa, bảo rằng không thấy có món gì quý giá khác thường, trừ mấy cây cột đen đúa, cứng như sắt, gần bên cây thị còi cọc.
Chuyến nầy, họ muốn làm ăn, với số vốn rất ít. Nghe đồn rằng ở chợ Sóc Xoài có ông Năm Tự là người siêng năng, tham lam và nhiều vốn, họ cố ý ghé xuồng tại bến, nói chuyện với dụng ý để cho ông Năm nghe, để rồi khi kho tàng bị phát giác là họ sẽ dùng vũ lực để loại ông, hưởng một mình. Trong năm ba đêm chắc chắn là đào xong.
Lục Che nói huyên thiên:
- Năm Tự mắc mưu bọn mình rồi, thấy chưa? Hồi tụi mình đốn cột ở gần cây thị, ông ta theo rình với thằng bé chăn trâu.
Tư Hí là người trầm lặng nên cằn nhằn:
- Mình nên làm cách nào cho ông ta tới rình ở trong chòi, mình nói chuyện cho ổng nghe lén. Sau đó, ổng sẽ hăng chí, mướn tụi con nít đào xới xung quanh cây thị, hoặc là tất cả cái gò đất đó không chừng. Phải chi dư tiền thì mình đâu cần tới ông ta.
Lục Che nói:
- Cái gò đó lớn chớ đâu phải nhỏ. Liệu ông Năm Tự dám xuất vốn ra để làm ăn theo lối cờ bạc không?
Tư Hí nói:
- Tới đây rồi, đừng bàn tới bàn lui. Hễ thắng thì mình ăn trọn, còn như trên gò không có gì ráo thì mình đâu mất mát đồng xu nào.
Lục Che hỏi:
- Không bàn bạc thì tôi làm gì bây giờ? Buồn ngủ quá.
Bên ngoài, trời đã tối. Tư Hí ngồi trong căn chòi, nôn nóng vô cùng. Hồi lâu anh ta mới trả lời Luc Che:
- Mình phải làm cách nào cho Năm Tự tới rình, như hồi trưa ổng rình tụi mình ở gốc cây thị.
Lục Che nói:
- Trời tối như vầy mà anh rủ tôi tới gò cây thị cho muỗi ăn thịt tôi sao chớ? Làm sao ra đó gặp lão ta được? Tôi đoán chừng lão ta đã về hoặc đã tìm nhà quen nào trên núi để ngủ đêm nay.
Tư Hí nói:
- Nãy giờ mới nghe chú mầy nói một câu nghe được. Cứ ra quán, dưới chân núi, ngồi uống rượu, nói dóc một hồi về chuyện đốn khúc cột hồi trưa thì thế nào thiên hạ cũng đồn đãi, rồi thì lão ta tới. Nhớ nói cho khéo để cho lão ta tới đây rình nghe... Rồi thì mình tiếp tục nói láo.
Lục Che hiểu ý, cười giòn:
- Cái gì chớ nói láo thì tôi ăn đứt thiên hạ. Anh nói có lý.
- Nhưng mà về cho mau, đừng để quá khuya.
Mười phút sau, Lục Che có mặt tại quán hủ tiếu ở chân núi. Đây là cái quán duy nhứt, bày trí đơn sơ, trong quán, đăng cháy sáng, hai ba người ngồi uống rượu. Chưa chi Lục Che đã nhận ra bóng ông Năm Tự. Ông ta ngồi một mình một bàn, mặt mày đã đỏ khé, chắc là nghe ngóng tin tức từ hồi chiều tới giờ nầy, uống rượu nhiều.
Lục Che vào quán. Chưa chi anh ta thấy đôi mắt anh chủ quán sáng ngời lên. Đúng là họ đang làm dấu hiệu với nhau. Hồi trưa nầy, khi ôm khúc cột về, Lục Che cố ý khoe khoang với chủ quán về thái độ liều lĩnh của mình.
Lục Che lên tiếng trước:
- Anh chủ quán ơi! Biết chỗ bán thuốc ói mửa không?
Chủ quán trả lời, sau khi liếc qua ông Năm Tự:
- Gần đây, cách hai ba căn. Ai đau vậy?
Lục Che tỉnh táo vô cùng, nói cố ý cho ông Năm Tự nghe:
- Bạn tôi. Ngày thường, ảnh mạnh khỏe như con trâu cui, hồi chiều, ăn cơm với cá kho chớ có ăn thứ gì khó tiêu đâu?
Chủ quán nói:
- Mấy người không nghe lời tôi, xúc phạm tới thần thánh thì có ngày mang họa. Bộ hết chuyện chơi rồi sao mà dám phá nhà của người khuất mặt? Mai chiều, nếu cả xóm nầy đều ói mửa thì chắc là anh bạn nát thây.
- Sao vậy? Tội ai làm nấy chịu chớ! Mai chiều, khi tôi làm giàu, bà con mới thấy tôi là thằng khôn ngoan. Làm ơn chỉ giùm tiệm nào bán thuốc Bắc. Ban đêm, họ đóng cửa sớm quá.
Vậy thì nên rước thầy pháp, hoặc là tới miễu bà Chúa Xứ để xin tạ tội. Uống thuốc không ích lợi gì hết.
Lục Che thấy rằng nếu cãi vã quá lâu thì lộ bí mật. Bao nhiêu đó cũng đủ làm cho ông Năm Tự tò mò rồi. Đôi mắt ông Năm sáng rực lên, ly rượu cầm sẵn trong tay mà ông quên uống.
Trước khi ra đi, Lục Che nói vu vơ:
- Cây gì tốt quá, cứng như sắt. Tôi muốn đốn một khúc đem về xứ, đẽo cái bắp cày, làm kỷ niệm cho bà con coi chơi. Thứ cây đó chịu đựng cả ngàn năm rồi mà chưa mục. Chắc là hồi xưa, ông vua nào đó dựng nhà cho cung phi, mỹ nữ ở. Cung phi, mỹ nữ thì đeo vàng đỏ tay. Nếu chết thì cung phi, mỹ nữ chôn đâu đó.
Lục Che ra khỏi quán. Ông Năm Tự mừng quýnh, trả tiền rượu rồi đứng dậy thật nhanh. Từ hồi chiều tới giờ, ông chờ đợi, đã làm quen với chủ quán và đã gặp hai tên săn vàng nọ. Đúng là bọn nó. Ông Năm nhìn quanh quẩn. Chủ quán hỏi:
- Ông muốn rình tụi nó phải không? Nên cẩn thận một chút. Đó là quân trật rìu, trật búa. Tụi nó mà biết được thì khó cho ông đó.
Để làm lạc hướng chủ quán, ông Năm Tự nói:
- Tôi về nhà anh em bạn mà ngủ. Nếu xứ nầy mà có vàng thì bà con trên núi làm giàu lâu rồi, đâu có dư cho người lạ tới hưởng. Đúng là thằng nầy vì tham lam mà hóa điên.
Theo chân tên nọ đâu phải là chuyện khó. Ông Năm đã từng leo núi, huống gì núi nầy không có dốc cao, đa số dân chúng chỉ cất nhà chung quanh chân núi. Thỉnh thoảng, ông Năm Tự thấy tên nọ day lại. Ông dọ kỹ từng nước bước, hễ thấy hắn dừng lại là ông đứng yên, nép mình sát gốc cây. Căn chòi hiện ra. Tên nọ vào trong. Ông Năm Tự tìm dễ dàng một con đường, vòng quanh sau nhà. Đến sát vách, ông rình nghe thử.
Trong nhà, ông không thấy ai đau ốm gì cả. Chỉ có hai người nằm gần nhau, bên bếp un. Tên mà ông gặp lúc nãy ở ngoài quán cho rằng quán buồn hiu, dân trong xóm thì tin dị đoan mê tín. Ông Năm Tự ngồi dựa lưng vào một cục đá to. Đại khái, hai kẻ trong chòi cho rằng dân trên núi nầy bày chuyện thần thánh trừng phạt để dân xứ khác không dám tới săn vàng. Tên kia cho rằng theo lời thuật lại của một ông kỳ lão trong xóm thì cây thị còi cọc nọ sống hơn ngàn năm rồi, gốc to nhưng không bao giờ sanh trái. Đó là vì lý do dưới gốc cây có vàng: theo thuyết ngũ hành thì vàng thuộc loại kim, cây thị là mộc. Xưa nay, Kim luôn luôn xung khắc với Mộc. Cây thị đó trồng trước sân, trong chùa, nhứt định có tượng Phật bằng vàng bên dưới.
Đến khuya, không nghe gì lạ hơn, ông Năm Tự rút lui về xóm, ngủ tại nhà người bà con, và sáng hôm sau, ông ta về Sóc Xoài với nụ cười chua chát. Ông nghĩ thầm:
- Mình lớn rồi mà còn ngu dại, nghe theo lời đồn đãi hoang đường của bọn người ăn không ngồi rồi.
Ba ngày sau, lúc hừng sáng, tại chợ Sóc Xoài ông Năm Tự thấy hàng chục chiếc xuồng bơi về phía núi Ba Thê. Hỏi thì bọn người ấy trả lời đi núi Ba Thê để săn vàng. Tại gò cây thị, lũ trẻ chăn trâu gặp nhiều hột chuỗi bằng vàng, đem lên núi bán lén. Dân trên núi xúm nhau đi đào, gặp nào là cà rá, bông tai, tượng Phật bằng vàng ròng, chôn sâu cỡ năm sáu tấc tây. Lại gặp nhiều vách tường xây khéo léo, ngang dọc, không riêng gì ở gò Cây Thị mà ngay trên mấy gò lân cận. Tại núi Ba Thê, có hai người cầm dao chạy tới tranh chấp, cho rằng đó là công trình của họ tìm kiếm, nhưng họ bị dân làng đánh nhừ tử.
Ông Năm Tự thở dài, nhớ tới thằng Đống chăn trâu. Ông hỏi thì không một ai biết nó. Ông bơi xuồng lên sát núi Ba Thê. Đúng là một cái chợ nhỏ, hàng ngàn người chen chúc. Vài người cho rằng bòn từ sáng đến chiều chẳng gặp món gì ráo, trong khi có người vừa nhảy xuống ruộng là gặp tượng Phật bằng vàng, nặng năm bảy lượng. Có lẽ bầy trâu đã tản mác lên núi vì gò Cây Thị không còn một cọng cỏ.
Nơi săn vàng nầy, về sau các nhà khảo cứu gọi là Óc Eo, theo tên có sẵn ở địa phương, được phỏng đoán là một thương cảng tấp nập, cách đây hơn ngàn năm, có thuyền ngoại quốc tới mua bán, từ Ấn Độ, Ba Tư. Các nhà khảo cổ hai ba năm sau mới hay biết. Thật ra, đó là công trình phát giác của lũ trẻ chăn trâu. Trâu đạp xuống bùn, sâu năm sáu tấc. Mưa tuôn xuống làm trôi bùn, đưa ánh vàng ra dưới mặt trời, phát hiện báu vật ngủ yên trong lòng đất từ bao đời.
SƠN NAM

Xem Tiếp: ----