Nghe Jim thông báo là project của mình đã bị hủy bỏ, và tất cả mọi người trong nhóm bị laid off, Tùng dửng dưng vì cũng đã tiên đoán là chuyện này sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra. Kinh tế đang đà đi xuống, công ty không còn làm ra tiền, chi tiêu bị cắt giảm, sản phẫm mới còn đang trong vòng nghiên cứu thường sẽ là thành phần bị loại bỏ đầu tiên.
Hơn thế nữa đã gần mười năm cặm cụi ở công ty này, Tùng đã bắt đầu thấy nhàm chán, cần một sự thay đổi cho đời sống thêm phong phú.
Mình cũng nên ra khỏi nơi đây – Tùng nhủ thầm trong lúc thu dọn những vật dụng cá nhân trong văn phòng – lãnh tiền thất nghiệp, exercise vài cái stock options, và nếu cần “mượn tạm” tiền của quỹ tiết kiệm 401K, chắc mình cũng đủ sống vài năm.
Trên đường lái xe về nhà Tùng nghĩ tới một chuyến viễn du, tới ngôi trường cũ, và tới bạn bè xa gần. Hay là mình đổi nghề, về trường học tiếp để đi dạy học như giấc mơ lúc ban đầu? Tùng nhẹ thở dài, “mười năm không gặp tưởng tình đã cũ”, không biết lúc này Thư ra sao, có còn nhớ tới mình. Bọn Cần và Trang nữa, lâu ngày không gặp, nhân dịp này tìm nhau gặp chắc là rất vui.
Trang ngỡ ngàng khi nghe thiếng Tùng trong điện thoại:
Trời! Tưởng là “ông” lên núi tu tiên rồi chứ? Đang ở đâu đó?
Tiếng Tùng cười nhẹ:
Còn nặng nợ trần gian. Đang trên đường tới gần chỗ “bà”. Số này là số ở sở hay ở nhà?
Ở sở. Ghé lại đây cho nhìn mặt cái coi.
Ớ ờ! Vào thăm mấy cái công ty quốc phòng khó lắm! “Bà” ra ngoài này ăn trưa với tôi, được không?
Được chứ. Chỗ nào?
Xứ của “bà” mà. “Bà” chọn đi, rồi ra đó ngay nhé.
Trang mỉm cười, nói tên cái restaurant thường lui tới trước khi gác điện thoại. Có những người nhiều năm không gặp, nhưng cũng không thể quên. Cái “lão” Tùng ngày đó miệng lúc nào cũng tươi cười, gặp cô nào cũng tán tỉnh thế mà chẳng bao giờ nói được với mình một lời âu yếm, dù đã học chung với nhau sưốt bốn năm, mà mình có xấu xí gì đâu cho cam. Thế nhưng mới gặp con bé Thư em gái mình, “lão” đã mê tít thò lò!
Ngày gặp hai người ngồi ngoài ghế đá trong công viên UCI chia nhau khúc bánh mì Ba Lẹ Trang không khỏi bật cười:
Mời đào ăn trưa có vậy thôi sao?
Tùng nhe răng cười không nói. Thư nghiêng đầu dựa trên vai Tùng, phân trần với chị:
Em kêu đói, anh Tùng đi mua bánh mì nhưng chỉ còn đủ tiền mua một ổ cho cả hai đứa. 
Mắt Tùng thoáng buồn:
Mất chỗ kèm trẻ rồi. Thằng bé cứng đầu không chịu học nên bố nó cho mình nghỉ luôn.
Trang ái ngại:
Chiều về nhà tôi ăn cơm. Cho cái Thư nó hầu hạ.
Tùng nhìn về một góc công viên xa xăm:
Cám ơn “bà”, nhưng …
Thư luồn nhửng ngón tay dài vào mái tóc Tùng:
Không “nhưng …” gì cả. Em không muốn anh về phòng trọ ăn mì gói. Tới nhà em nấu cơm cho anh ăn.
Trang ngồi xuống cạnh em:
Tùng này, hai hãng đã phóng vấn “ông”. Được hãng nào nhận chưa?
Tùng lắc đầu:
Họ đều hứa hẹn, nhưng chính thức thì chưa.
Cũng chỉ còn hơn tháng là ra trường. Mà nếu được nhận cả hai nơi thì ông chọn nơi nào? Raython ở Los hay hay Intel tuốt trên Bay Valley?
Thư ngập ngừng chen vào:
Bay Valley xa quá. Anh …
Tùng bóp nhẹ bàn tay Thư chấn an:
Chưa có nơi nào nhận anh mà – và Tùng bỗng trở nên bông đùa – anh cũng đâu muốn bỏ em cho người khác.
Thư chau mày nhéo nhẹ cánh tay Tùng trong lúc Trang tủm tỉm cười. Thế nhưng “đời chia như nhánh sông”, Tùng nhận việc trên Bay Valley vì đam mê high technology, và rồi vì bận rộn và đường xa nên thăm viếng nhau thưa dần. Những emails và những instant messages ngắn ngủi không hâm nóng được tình yêu, nhất là có nhiều người đàn ông đã thành đạt luôn luôn quấn quít nên Thư.
Có lẽ người con gái nào khi yêu cũng mong sống bên người mà mình thương mến nên Thư nhắc Tùng về mơ ước của hai người khi còn ở bên nhau trong trường. Tùng thở dài nghĩ tới những món nợ ngày còn đi học, nghĩ tới cái studio nhỏ bé vừa đủ chỗ cho một người, và chưa biết đến bao giờ mới có một mái nhà riêng, nên đề nghị tạm hoãn ngày chung sống. Thế là giận hờn, thế là chia tay, Tùng vùi đầu vào công việc, còn Thư nhận lời cầu hôn của một người đàn ông đã theo đưổi Thư từ lâu. Ngày Thư lấy chồng Tùng không về dự mặc dù có được mời. Buổi chiều hôm đó, Tùng ngồi ngoài bờ biển Santa Cruz buồn hiu hắt, đêm về say mềm để tìm quên.

*

Vừa ngồi yên trên ghế là Trang hỏi ngay:
Mấy năm mất mặt, Christmas cũng chỉ nhận được vài dòng email. “Ông” dạo này ra sao?
Tùng mỉm cười:
Thất nghiệp rồi nên đang đi rong chơi.
Trang trợn mắt:
Thật hả? Super star mà cũng bị laid-off sao?
Nguyên cả đám chứ không phải chỉ một người. Project bị cancelled!
Trang thở dài:
Dạo này nơi nào cũng gặp khó khăn, nhưng cứ đưa resume đây, tôi thẩy vào nơi tôi đang làm. Biết đâu …
Tùng lắc đầu:
Chán làm việc rồi. Tạm nghỉ ít lâu sau đó sẽ trở về trường xin học Ph. D. để đi dạy học. Hồi ở trên đó hãng cho đi học thêm nên cũng đã xong Master!
Trang thán phục:
“Ông” hay thật. Tôi vẫn dậm chân tại chỗ. Mệt vì mấy đứa nhỏ.
Tùng cười:
Độc thân và côi cút trên đời này nên tôi có nhiều thì giờ cho riêng mình. Còn “anh của em” dạo này ra sao?
Trang cười hì hì:
Thì vẫn thế. Người ta còn kiện tụng, còn đụng xe, còn bảo lãnh người nhà từ V.N. sang thì "ngài luật sư của em" còn làm ăn được.
Hai vợ chồng thế là nhất rồi. Còn …
Sao? muốn hỏi cái Thư hả?
Tùng chỉ mỉm cười không nói. Trang nhìn Tùng ái ngại:
Tôi biết là “ông” vẫn chưa quên. Thư vẫn thường. Có hai đứa nhỏ rồi. Thỉnh thoảng có gặp tại nhà ông bà cụ. Có lần tôi vô tình nhắc tới tên ông, Thư mở to mắt nhưng rồi quay nhìn nơi khác, hình như cố dấu một tiếng thở dài. Nó vẫn ở Irvine, chỗ ban đầu từ ngày lấy chồng. Nếu cả hai đừng tự ái thì biết đâu …
Chỉ còn là dĩ vãng! Thư đã có một gia đinh hạnh phúc. Thế là đủ, chứ còn theo chân tôi thì đã chắc gì!
Tùy “ông” định nghĩa thế nào là hạnh phúc. Mà thôi, chỉ còn là dĩ vãng, như “ông” nói. Còn “ông”, đã có thêm bao nhiêu cuộc tình?
Tùng cười buồn:
Cũng có! Nhưng chỉ là dating vớ vẩn.
Bỗng dưng Tùng đùa:
Giá hồi đó tôi tán “bà” thay vì Thư thì không biết ra sao nhỉ?
Trang đỏ mặt nhưng cũng bật cười:
Tôi vẫn còn ấm ức về cái chuyện đó. Nhưng nếu “ông” mà có tán thì cũng không đi tới đâu. Ai mà tin được. Chỉ có cái Thư lúc đó nó mới lớn nên dễ tin những người sweet talk như “ông”.
Thế đấy. Nhưng gặp Thư lần đầu thì tôi đã thực sự biết thế nào là tình yêu. Thôi, order đi. Ăn xong tôi còn phải đi tiếp.
Đi đâu? Không ở lại đây được vài ngày sao?
Tùng lắc đầu:
Hẹn với Cần tối nay – Tùng cúi đầu thở dài – không biết nó còn sống được bao lâu!
Trang cũng chợt buồn:
Hôm nghe Cần bán công ty software, rút về ẩn cư trên một đỉnh núi gần San Diego vì ung thư phổi, tôi ngơ ngẩn mất mấy ngày. Bọn mình ngày xưa gần gũi là thế mà bây giờ mỗi người một nơi, ít còn gặp nhau. Ước gì cứ được như xưa.
Tùng nhìn Trang cười:
Dù có phải ăn mì gói thay cơm?
Trang cũng cười:
Hay bẻ khúc bánh mì chia đôi. “Ông” lại làm tôi thấy xót xa.
Xa lộ 405 trên đường đi San Diego chưa đến giờ tan sở nên còn ít xe cộ. Dù không cố ý Tùng vẫn rẽ vào exit Culver để tới khu nhà nơi Thư đang cư ngụ.  Tùng cũng không biết là mình tới đó để làm gì. Đời đã chia như nhánh sông, có gặp lại cũng là đại đương mênh mông, đâu còn có nhau trong đời, và nếu có thấy được nhau thì cũng tránh sao được ngỡ ngàng.
Căn nhà bề thế đó im lìm trong buổi chiều nắng nhạt. Con phố vắng lặng, Tùng nhẹ thở dài, đậu xe bên đường lơ đãng nhìn hàng cây lao xao trong gió.  Nếu em bước ra lúc này không biết là em có còn nhận được anh không? Em sẽ nói gì, và anh sẽ nói gì để không làm buồn nhau như lúc xưa …
Anh không còn yêu Thư nữa!
Thư, nghe anh. Anh vẫn yêu thương em nhiều, nhưng anh cũng nghĩ tới tương lai của chúng mình. Em chờ anh một hai năm nữa cho đời sống vững vàng hơn.
Thư lau giọt nước mắt vừa ứa ra:
Thư đã chờ anh hai năm. Anh biết là Thư nhớ anh nhiều lắm không?
Tùng thở dài:
Anh biết. Nhưng … em có nghe chuyện của Lâm và Mai chưa? Hai đứa ra trường, được jobs tốt, làm đám cưới lớn, vay tiền mua nhà, mua xe, enjoy hết mình. Nhưng nợ nần đã giết dần tình yêu. Đi làm để chỉ lo trả bills, đời sống không còn những niềm vui đơn giản như khi chưa lấy nhau. Hơn một năm sau ngày cưới là ly dị. Mai đã lấy chống khác, một anh Mỹ có tiền, sếp của mình, còn Lâm bây giờ thì đúng là một cánh chim bạt gió!
Chúng mình đâu phải là họ. Anh chỉ lấy cớ để em không được sống gần anh. Không mang em lên đó, và anh cũng không chịu về dưới này xin việc như chị Trang. Anh bỏ em bơ vơ trong lúc có bao nhiêu người theo em. Bác sĩ Trường tuần nào cũng tới nhà làm thân với bố mẹ, và đòi hỏi cưới em. Anh nghĩ em phải làm sao bây giờ?
Nghe đến tên người đàn ông vẫn theo đưổi Thư, Tùng bỗng nhiên bực mình sẵng giọng:
Thì em lấy ông ta đi cho bố mẹ em vừa lòng!
Thư ngạc nhiên bật khóc:
You mean it? Em không ngờ …
Tùng cảm thấy hối hận nhưng trong lòng vẫn không vui:
Anh chỉ là một thằng engineer nghèo, lúc này chẳng có gì để bảo bọc được em như người ấy …
Thư cúi đầu không nói, và Tùng cũng im lặng trầm ngâm trước khi gượng gạo chia tay, nghĩ thầm có lẽ mình sẽ là người tình thua.
Tùng khởi động máy xe nhưng vẫn thẫn thờ ngồi yên. Tưởng rằng đã quên thế nhưng lâu lâu kỷ niệm chợt về vẫn không khỏi ngậm ngùi. Chẳng hiểu là không có duyên nợ hay là tại chúng mình không biết yêu thương nhau. Uớc gì chúng mình có một đời sống đơn giản như người xưa để mà:
   Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam. (Ca Dao)
Tùng đưa tay mở nhạc trước khi rồ máy cho xe hướng về xa lộ. Tiếng Duy Quang thiết tha với “Chuyện Tình Buồn” làm Tùng như muốn khóc. Bây giờ “Anh một đời rong ruổi, em tay bế tay bồng.” Thôi đành,  đời chia như nhánh sông.
Trần Quang Thiệu
August 2009

Xem Tiếp: ----