Thức đếm lại trong vô số tin nhắn mình gởi đi thường có những định nghĩa về Đời. Anh từng lấy điều đó làm hãnh diện. Bởi ít ra, những định nghĩa ấy được gởi đến mobile của các em xinh đẹp. Định nghĩa về “Đời” với các em xinh đẹp thì cũng là một chuyện nên làm để phần nào đánh thức khả năng suy nghĩ của các nàng quanh năm quen son phấn.
Các em xinh đẹp thì nông choèn. Đó không phải là một quy luật mà là một lẽ thường. Và ngược lại, các em không xinh đẹp lại tỏ ra thông minh. Đời là thế (lại đời, phức tạp thật đấy!) người ta lo trau chuốt cái mẽ ngoài thì quên phần bên trong và một khi đã chăm sóc cho cái bên trong thì thường chẳng thiết gì đến mẽ ngoài. Trong và ngoài ít đi liền nhau. Hiếm thấy phụ nữ nào sở hữu trọn vẹn một lúc cả hai thứ ấy. Kể cả hoa hậu, những cuộc thi vấn đáp người đẹp thường là những trận chọc cười lộ liễu nhất.
Hay là cũng có thể có lại “trong ngoài song toàn.” Nhưng nó còn phiêu dạt đâu đó, chưa tới tay anh. Hay có khi nàng đã dẫn xác tới rồi mà có thể anh chưa có duyên để nhận ra. Cũng không lấy làm buồn.
Buổi sáng ngồi đếm đốt ngón tay cũng là cách định Thiền đối với Thức. 28. Rõ ràng con số 28 ngạnh chẳng thay đổi. Nhưng mỗi lần lướt qua mỗi vị trí các ngón tay là một lần anh cảm nhận một chút lạ lẫm buồn cười. Ngón út của anh đặc biệt vì nó không khép vào khi những ngón khác thẳng chỉa ra. Và ngón cái nơi chỉ có hai ngấn ngạnh sù sì thì như một tay cục mịch và thô thiển.
Ít ra, khi đếm đốt ngón tay, anh sẽ học được cách tập trung vào một vấn đề, việc làm gì đó, không xao lãng. Triệu chứng khó tập trung đến với anh như một thứ bệnh, nó làm cho trí óc anh không sao thể hiện hay tiếp nhận tốt một điều gì rõ ràng. Ngay cả bản thân cũng khó tự chủ khi tham gia vào những công việc giản đơn nhất. Ví dụ khi nghe nhạc, anh lại hình dung đến chuyện mình đang đi xe máy qua một ngọn đèo đầy hoa và con đường khúc khuỷu, quanh co, luôn tiềm tàng chết chóc. Anh chợt giật mình vì một chiếc xe tải cán qua người mình, nát bét, đầu anh nổ ra văng từng vệt đỏ như bã trầu nhùng nhụa xuống đường. Anh hoảng hốt ngồi dậy. Và như thế, trong khi đó, cái iPod vẫn đang dặt dìu bài hát “Everlasting Love” do Gerald Joling trình bày, nói về một mối tình sáng trong và trường cửu.
Anh bĩu môi trước khái niệm trường cửu. Có lẽ đó là thói quen hoài nghi triết học đã quy định lên anh. Nhưng không sao. Anh tự nhủ mình sẽ nhanh chóng thoát ra khỏi cảm giác đau đớn vì cái đống nhầy nhụa bên con đường đầy hoa, và những bãi thịt, máu văng tung tóe dưới bánh xe tải để cố gắng tập trung nghĩ về gái gú. Gái gú sẽ hợp hơn với giai điệu của “Everlasting Love.” Nhưng không hứa hẹn gì về tính tập trung. Bởi như đã nói, anh sẽ không tìm thấy một hình tượng nào phù hợp cho mình, đầy đủ “bên trong và bên ngoài.”
°
Anh tìm đến với người bạn già và trình bày vấn nạn tâm sinh lý của mình. Tôi cũng có thời như cậu. Nhìn đâu cũng thấy bi quan. Sao lại bi quan? Vợ tôi đã nằm bệnh viện ba tháng trời trước khi qua đời. Đó thực sự là khoảng thời gian kinh hoàng nhất đối với cuộc đời của tôi. Tối thấy cái thân xác mình từng nâng niu, chiều chuộng, chăm sóc, làm tình, hành hạ, dằn vặt và phản bội đang mục rữa từng ngày. Tôi đã nằm dưới chiếc giường bệnh của bà ấy chín mươi ngày trời với một manh chiếu lác mà bệnh viện phát cho. Mỗi đêm khuya, tôi mò tay lên giường và chạm vào vú của bà ấy để thấy nó vẫn còn sức căng bên dưới, còn cái hơi thở phập phù giữa không gian tiếng kêu khóc rên la thảm thiết của những giường bệnh san sát nhau. Ngón tay cái tôi bao giờ cũng dính một chút chất nhầy như sữa. Nhưng không hẳn là sữa. Tôi liếm lấy nó và nghe mùi ung thối. Nhưng có vị ngọt lợ.
Thời gian chuẩn bị cho một cái chết trong đời con người ta cứ như thể nghi thức. Một thứ nghi thức buồn bã và tiều tụy nhất mà Thiên Chúa gởi đến. Không có thông điệp cao cả nào có thể bao biện cho sự đau đớn dã man ấy đặt lên kiếp con người. Bà ấy đã không chết trong ba tháng. Nhưng tôi nằm dưới chiếc giường sắt trong mùi ê-te bệnh viện và cảm nhận tử khí của thân thể vợ tôi đang phủ trùm lấy tôi. Nó đang hủy hoại tôi. Những bóng trắng y tá lướt qua lạnh lẽo. Họ bước qua giường bà ấy, kiểm tra bình khí và bàn chân họ sượt ngang mũi tôi. Mùi ê-te nồng quánh cả căn phòng. Tiếng một cụ già rú lên rồi ngất đi, tiếng chân người chạy lào xào về phía nhà xác, tiếng trẻ em khóc, tiếng thân nhân kêu la sau những cơn hôn mê dài của người bệnh...
Và trong một buổi sáng trời bão giật, vợ tôi đã bay đi. Tôi mở mắt và thấy nàng bay chuồi qua cửa sổ bệnh viện trong mùi ê te. Ngoài kia vần vũ bão giông. Anh có tin không? Tôi đã hốt hoảng lao ra ngoài trời trước sự ngạc nhiên của đám người bệnh chung phòng. Tất cả đuổi theo tôi. Tôi đã cầm bình thở ôxi với sợi dây truyền khí đứng trên lan can cao nhất của bệnh viện và chuẩn bị nhún chân ra khoảng không bay theo bà ấy. Nhưng không. Bà ấy đã thay hình đổi dạng, từ vẻ tiều tụy đã biến thành hồng hào. Đội môi bợt bạt của bà ấy bây giờ là môi hồng đào như thiếu nữ. Cả trang phục bệnh nhân trên người bà ấy cũng đổi thay rồi. Bà ấy bay nghiêng qua nóc nhà và mỉm cười chào tôi. Những đám mây rách tả tơi đang gieo từng vốc nước xuống hành lang bệnh viện và thổi tung tất cả những cửa sổ dọc dãy hành lang. Bà ấy không chết. Chỉ bay đi mất. Anh hiểu không?
Tôi thực sự rơi vào khủng hoảng. Những người đàn bà bệnh tật luôn ám ảnh tôi mãi về sau này. Tôi mắc một cảm giác buồn bã và đau đớn khi nhìn những cô gái đẹp lướt qua: nghi ngờ họ mang những mầm bệnh trong người. Nỗi hoài nghi ấy kéo dài mãi về sau, khi vợ tôi đã mất với bảy lần mổ vì mang trong cơ thể ba vùng ung thư: vú, tử cung và phổi cùng với chứng tiểu đường và sạn thận...
Câu chuyện của người bạn già làm anh thảng thốt nghĩ đến vấn nạn của mình. Nó cũng là một chứng ảo giác và đầy lo sợ khi anh nhìn vào cơ thể phụ nữ đẹp, thèm thuồng và luôn tìm cách cố trấn an ý nghĩ rằng đó chỉ là một con đàn bà ngu xuẩn. Trong mắt anh không có cô gái nào đẹp một cách đầy đủ. Cái thứ bệnh mà anh thường nghi ngại áp đặt cho họ có vẻ nguy hiểm hơn nhiều so với chứng bệnh tưởng mà ông bạn già của anh thiên kiến.
OK. Tôi sẽ dạy cho anh về cách định thiền. Anh sẽ sớm thoát khỏi bệnh xao nhãng...
Bằng cách nào?
Hãy quan sát hơi thở của mình...
Dạ thưa, hôm nào mà tôi chẳng thấy mình thở!
Chưa thấy đâu cậu bé ạ. Tôi đã tưởng mình thấy nhưng chẳng bao giờ có thể thấy. Chỉ có thể bằng mọi giá cứu lấy mình thoát ra khỏi những thiên kiến, hoài nghi hay sự lăng xăng tâm tính...
°
Lúc bấy giờ anh đang ngồi trên nóc nhà. Chẳng biết mình đã leo lên đây bằng cách nào. Ngày thường, bức tường hình ống là một thách thức. Nhưng đây là giữa đêm. Trăng sáng. Cả một con phố yên tĩnh. Những cửa sổ chung cư chỗ sáng chỗ tối hắt lên nền trăng một màu đô thị. Ngọn gió từ dòng kênh đen thổi vào hơi thum thủm nhưng đã quen thuộc. Và con hẻm dài cong nép mình dưới đám dây điện chằng chịt. Anh thở đều. Thức ơi, mày không thể leo lên đây, đúng không, nhưng mày đã lên được. Bằng cách nào chính mày cũng không hề hay biết. Ai đó đã mang mày lên trên chỏm nhà này? Không, hẳn là không có ai cả. Vậy thì bằng cách nào? Không, mày chưa từng nghĩ đến chuyện ngồi thiền ở cái nóc cao lồng lộng gió và ánh trăng thế này. Bởi vì khi đạt đến cảm giác an nhiên nhất, mày sẽ phải nghĩ đường xuống. Liệu mày có thể đáp xuống mặt đất an toàn hay không hay chịu mắc cạn ở đây với những sự thật cắc cớ này?
 
Mày ngồi xếp bằng theo kiểu bán già hay kiết già, hai tay buông thõng trên đầu gối và đều đặn hít thở, tập trung cho hơi thở đi xuyên dọc trên cơ thể mình như cách một ẩn sĩ luyện giáo pháp ảo ảnh (Màỳa) trên Tây Tạng. Nhưng trong trí nhớ hỗn độn của mày bỗng thơm phức mùi thịt chó ở ngã tư Tân Sơn Nhất được chế biến bởi bí quyết gia truyền của người Nam Định. Sao lại có thể xảy ra điều đó. Thực ra là thế nào. Có phải mày không có chút duyên nào với sự tĩnh lặng hay không? Giữa lúc cực độ hoang mang đưa khí ra ngoài cơ thể để chấp nhận một “cú rơi ngược” về thực tại xô bồ thì có một bàn tay chạm vào mày. Tôi là người anh chờ đợi. Mày định phản kháng nhưng rồi không. Buông xuôi và quan sát những gì sắp xảy đến. Một người đàn bà vú vê thỗn thện đến bên anh như đám lửa. Đôi mắt mày dán chặt vào vú nàng, hai bầu vú căng tròn sau lần áo thun khoét ngực. Khoảng trắng của da thịt sáng lên dưới ánh trăng. Tôi là người anh chờ đợi. Nhưng... (mày ấp úng)... Bằng cách nào cô lên được ở chóp cao này? Bằng cách mà anh đã lên! -người đàn bà nói. Chính tôi cũng không biết làm cách nào tôi lên được ở đây. Tôi đã chìm vào giấc ngủ từ lúc chín giờ tối. Cô có đồng hồ không? Không. Ở đây hoàn toàn là một chốn không có khái niệm thời gian. Nhưng tôi nghe nói anh là người biết chờ đợi sự sâu sắc trong vẻ đẹp phụ nữ, tôi tìm đến trước khi trở về thế giới bên kia. Sao? Cô có nhầm không? Tôi không đòi hỏi gì cả đâu. Hãy buông tha cho tôi. Tôi chỉ mắc chứng xao nhãng. Đó là một triệu chứng nguy hiểm thách thức sự trung thành của anh đối với ngay chính con người của anh. Tôi sẽ giúp anh. Bằng cách nào khi mà tôi đói bụng. (Nói xong điều này, anh cảm thấy mình trẻ con như một đứa bé đang dựa hơi và đòi hỏi nàng một điều quá ư tầm thường.) Nếu cô có gì ăn thì bày ra đây chúng ta cùng dùng bữa rồi nói chuyện tiếp. Ừ, có vài chiếc Hamburger... kẹp thịt cầy. Chúng hơi nguội, anh cứ dùng tự nhiên. Cô ta mở túi nilon xanh lấy một chiếc Hambuger gói trong miếng giấy sạch có tăm xỉa răng và cả khăn lau miệng sau khi ăn, loại bằng giấy tốt, có ướp nước hoa mùi bưởi. Nhưng tôi ăn no thì khó mà lê mình xuống được khỏi mái nhà này. Mày vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói, thịt cầy kẹp hamburger ngon phát nể. Cô đúng là người sâu sắc. Cô gái ngồi tựa lưng vào mày, nũng nịu bảo, anh có tin rằng tôi cũng mắc bệnh không? Hả? Không, không hề. Cô là người sâu sắc từ câu nói đầu tiên. Và cô xinh đẹp. Cứ như không tồn tại trong cõi thực. Cô có bệnh gì không? Tôi tin là cô không có bệnh gì. Không. Anh nhầm. Làm sao anh dám chắc một người sâu sắc và xinh đẹp lại không mắc bệnh gì. Thật ngu xuẩn. Đàn ông thật ngu xuẩn và đầy ảo tưởng. Họ dễ bị đánh lừa bởi những gì son phấn. Nhưng nếu cô là người mắc bệnh... Đích thị tôi là người mắc bệnh. Một chứng bệnh khó chữa mà thế gian này chưa ai mắc. Tôi bị bệnh trẻ. Nghĩa là sao? Đơn giản thôi, tôi không già đi dù đã sống nhiều năm. Sao? Tôi không già đi. Tôi đã vài trăm tuổi. Nhưng tôi vẫn mang hình hài thế này. Tôi đã sống qua thời của ba anh, mẹ anh và ông bà nội anh... Tôi chỉ biết bay trên những mái nhà và tâm tình với những kẻ cô đơn thường đánh giấc trên những sân thượng của thành phố. Giọng lạnh của “cô gái” làm mày hoảng hốt. Vậy nghĩa là... Vâng, tôi không có thật. Hãy ngủ với tôi nếu anh muốn. Rồi khi nắng lên, tôi sẽ mang anh về chiếc giường bên cửa sổ. Ít ra trong những đêm trăng nóng bức này, hãy ngủ ở đây với tôi. Sẽ có Hamburger kẹp thịt cầy cho anh ăn... Nói đoạn, “cô gái” đáp lên ngực mày một môi hôn. Mày hoảng sợ nhưng đã bị dồn vào mép tôn. Nếu không chấp nhận nụ hôn, có nghĩa là mày sẽ rơi từ độ cao của ngôi nhà ngang với chung cư bảy tầng và tiếp đất. Sẽ không nhẹ nhàng gì. Máu và não mày sẽ văng tung tóe như bã trầu dưới khoảng sân rộng và sạch có khung cỏ non xanh và nhiều rác bẩn...
°
- Tôi không thích Hamburger! Tôi không thích Hamburger! Tôi muốn xuống đất. Hãy cho tôi xuống đất!
Thời gian cho một giấc mơ thường kéo dài nửa tiếng. Nhưng thường thì lãng quên nhanh nếu nó không ấn tượng gì. Riêng đây là một giấc mơ ấn tượng. Lúc bấy giờ là ba giờ sáng. Anh nằm nhớ những tin nhắn mà mình đã chuyển cho hơn 100 cô gái trong danh bạ điện thoại. Những tin nhắc có nội dung đại loại như sau: đời là 7 món cầy ngon!
Anh làm một phép liên tưởng từ tin nhắn ấy đến giấc mơ và chỉ thấy nó hoàn toàn lảng xẹt. Không ăn nhập gì với nhau. Thịt cầy và Hamburger thì đâu có họ hàng gì. Chỉ có thể lần mối thông tin từ tín hiệu “thịt cầy” với tâm trạng bất ổn thì có thể. Cầy là loài trung thành, quy ước ấy có liên hệ thế nào đến sự xao nhãng hiện tại của anh nhỉ? Chắc là cũng có đầu dây mối dợ sao đó. Còn Hamburger và thời đại bơ sữa của mình ít nhiều có chút liên quan. Nhưng rõ ràng rằng giữa hai biểu tượng thịt cầy (điều đã nghĩ và thèm khi nhắn tin) và Hamburger (điều mơ thấy) là một khoảng cách quá xa. Không thể nào lý giải vì sao giấc mơ kia lại đến cắc cớ như thế. Nhưng biết làm sao được, nói như ông Freud thì giấc mơ là một triệu chứng nối dài của thực tế bị “đứt mạch.”
Kết hợp Hamburger và thịt cầy là một điều khó xảy ra. Nhưng không có nghĩa là không xảy ra.
Lúc bấy giờ là ba giờ 30 sáng. Khi đang nằm nghĩ mông lung và không tập trung thì điện thoại reo. Anh bốc máy. Bên kia dây, giọng ông bạn già hốt hoảng:
- Anh đã xuống khỏi cái mái nhà ấy chưa? Tôi thấy anh vẫn ngồi trên đó với vợ tôi. Hai người xuống mau.
- Mái nhà nào?
- Chẳng phải con vợ tôi mới mang Hamburger kẹp thịt cầy lên đó cho anh à? Luôn thế. Phụ nữ như món Hamburger kẹp thịt cầy, đầy phi lý...
- Không. Tôi...
- Xuống mau. Con vợ tôi mang ba mầm ung thư: vú, tử cung và phổi, nó còn bị sạn thận và tiểu đường...
- Thế ông đang nằm ở đâu?
- Tôi nằm dưới giường bệnh của nó. Nhưng khi quờ tay nửa đêm sờ ngực xem nó còn thở hay không thì nghe bảo nó đã bay đi sang anh rồi.
- Không. Tôi không biết bà ta.
- Anh phản bội tôi. Con vợ mắc bệnh trẻ đã phản bội tôi...
- Không. Tôi đã bay khỏi bà ấy lâu rồi. Tôi đang ngồi đọc tin nhắn về món thịt cầy.
- Chẳng phải anh đã ăn Hamburger và thịt cầy sao?
- Tôi thề với anh, tôi đã bay khỏi bà ấy lâu rồi...
- Mẹ kiếp, thằng khốn xao nhãng...
Anh tắt máy và co rúm người vào mền. Cố gắng tập trung một ý nghĩ duy nhất, làm sao để đắm vào giấc ngủ càng sớm càng tốt. Anh hít thở đều. Những dư ảnh lạ xoay quanh mịt mù theo quỹ đạo trục êlip. Rèm cửa sổ bay phần phật và bị xé toạc bởi một làn gió mát lạnh. Trăng đã trôi qua những đám mây tản mát, ngổn ngang, xao động để nương náu vào khối mây đen rậm rạp, lừ lừ chùng xuống nóc thành phố.

Xem Tiếp: ----