Như trong lúc này, đầu óc tôi trống rỗng, chẳng thể viết nổi một dòng khởi đầu truyện ngắn. Và tôi lập tức viết về sự trống rỗng ấy như một con thằn lằn đang ăn vào phần cụt chiếc đuôi của mình. Nó ăn vào ngay cả hư không để cơn đói chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
Liệu có thể bắt đầu một truyện ngắn như thế? Và ít ra sự bất lợi thứ nhất là bạn đọc đang trông chờ tôi ở những điều gần gũi, có thể là một câu chuyện lấy nước mắt khá êm đềm theo kiểu “chicken literature” hay một thứ gì đó cao siêu tráng lệ. Nhưng tôi đã bắt đầu như thế này đây. Thảm hại như một kẻ sẵn sàng cởi áo quần từ rất sớm. Hắn ta đi vòng quanh trước mặt ao đầm mênh mông của mình và khởi động cho đến khi mệt rã rời. Cơ thể hắn mất quá nhiều năng lượng cho việc khởi động cho nên khi lao xuống hồ, hắn đã chìm hẳn. Vậy nguyên nhân không phải ở chỗ hắn bơi quá giỏi mà vì mất quá nhiều sức cho những chuyện không phải là bơi.
Nhưng trong lúc này tôi chưa thể chìm được vì mọi thứ mới bắt đầu. Sự khốn khổ của một kẻ ngồi trước bàn phím máy tính và hình dung cái thằng đối diện mình một khuôn mặt đầy chữ. Hắn sẽ nói với hư không rằng, tôi đang mắc bệnh ma chi! Tôi đang đau ở phía không có bộ phận cơ thể nào. Tôi thường thấy đau ở một vùng nào đó ngoài cơ thể. Điều đó thật khó tin. Làm sao người ta có thể bắt dây thần kinh đến một vùng ngoài cơ thể để thu tín hiệu đau từ đấy?
Và tôi gọi đó là một triệu chứng của cơn đau vươn ra.
Chuyện thật hoang đường. Nhưng ngay lúc này, tôi đang chứng kiến và chiêm ngưỡng cơn đau ấy của mình. Ở đất nước tôi, người ta không cho phép miêu tả về những cơn quằn quại kiểu nằm ngoài cơ thể như thế. Bởi vì nhà văn cần miêu tả những điều tốt lành hay những cơn đau đạo mạo, biết lấy nước mắt. Anh không được đi trái quan điểm bằng cách đau mơ hồ và thốt lên bằng những ngôn ngữ mơ hồ. Vì những điều mơ hồ ấy thường bị suy diễn là gần với thực tế cụ thể. Nhưng nếu viết về những cơn hân hoan bên ngoài cơ thể thì có nghĩa là tôi đang viết về cái cảm giác vô nghĩa, thiếu trải nghiệm.
Tôi đã mất một phần thừa thãi nào đó hay chăng? Không. Tôi hoàn toàn lành lặn so với mọi con người. Và rằng tôi chưa từng mất một bộ phận nào. Ở phía cơn đau ấy vươn ra.
Vậy là trong sự trống rỗng, tôi đi tìm cơn đau của mình. Điều này, anh bạn của tôi đã gọi là sự phấn đấu cô đơn. Rất không may cho anh bạn là lúc nói điều đó, anh đang ngồi giữa một đám đông chẳng có ai biết cô đơn là gì và nên nhìn nhận cô đơn ở góc độ nào. Giữa lúc mọi người hoang mang, để minh họa cho sự phấn đấu cô đơn thì ban nhạc cử lên một ca sĩ trẻ có giọng ca theo dòng nhạc Phục Hưng Sự Sến, đứng uốn éo bản tình ca hạng sến “đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn, đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành”. Thật bi kịch vì điều gì cũng được minh họa bằng vốn ca từ nghèo nàn và một tiết tấu lẽ ra chỉ dùng trong việc kéo dài một dời sống bình dân của một dân tộc bình dân hết cỡ và không bao giờ biết tự giải thoát mình ra khỏi kiếp bình dân.
Thà như thế, thà rằng như thế! (1)
Dù họ là nghệ sĩ. Bởi vì sau cuộc nói chuyện ấy, anh (bạn phấn đấu cô đơn) sẽ cùng họ ra quán nhậu và bàn tiếp về yếu tính cô đơn trong tâm lý sáng tạo và triết học. Những lý thuyết hổ lốn từ sự cô đơn tìm đường giác ngộ của Phật, sự bi thương tìm đến cửa thiên đường phục sinh của Chúa cho đến sự suy tưởng thế giới chống lại bạo lực bảo vệ hòa bình của Albert Einstein đến sự cô đơn vượt lên từ lạc đà sang sư tử của F. Niezche, đôi khi có kẻ vừa gắp thịt chó vừa quành về giảng giải sứ mệnh cô đơn để đạt đến tự do trong triết thuyết của John Stuart Mill...
Kết quả là chẳng ai cô đơn cả. Bằng chứng là món thịt cầy đang rất tuyệt và hợp khẩu vị với món rượu chuối hột và người này nói còn có người kia nghe. Ai cũng muốn chứng tỏ vươn ra cơn đau nội tại của mình. Vậy thì ngay lúc này đây. Cơn đau của tôi nằm ngoài tôi. Nó luôn dụ khị tôi tìm kiếm và vẽ mặt nó. Tôi hoài nghi và tự hỏi đây có phải là một trò lừa mị hay chứng hoang tưởng của một gã đần.
Tôi là một kẻ có bệnh lý. Tôi cố gắng thuyết phục với mọi người về điều ấy một cách khá hùng hồn. Ví dụ tôi sẵn sàng ngồi dùng lưỡi lam và tự cạo từng mảng tóc mình. Đầu tôi trắng hếu với những vệt sượt xước trên da. Những vạt tóc rớt xuống. Từng nhùi. Từng nhùi. Bết máu. Chúng không bắt được tín hiệu đau nào. Ngày thường, có thể chúng là những chiếc cần ăng-ten cũ kỹ và bất lực cứ vươn dài ra một cách vô nghĩa. Chúng luôn khiến cho tôi nghĩ rằng, nỗi đau thực sự trú ngụ và cảm nhận qua độ rung của chúng, lan truyền vào não bộ. Nhưng sai lầm. Tôi nghi ngờ về chiếc lưỡi dao lam sắc bén kia và tiếp tục dùng răng để tước từng sợi lạt tre rồi cứ thế cứa đứt từng ngón tay. Tôi nạm chặt một tay vào sợ tre bén và dùng tay kia giật một phát thật mạnh cho máu văng ra theo những bùi nhùi thịt bị tre cắt ngọt. Nhưng cơn đau nhức bên ngoài kia vẫn không đứt lìa. Chúng không giải quyết được câu hỏi: cơn đau ấy thực sự ở đâu, hình dong nó như thế nào.
Trọc. Đầu tôi là một nắm đấm. Trắng hếu. Cứ đưa ra nghênh nghênh giữa phố phường. Và tôi bước đi mà trên đầu mình đội một nắm đấm, cùng với một cơn đau nằm đâu đó trong không trung này. Bên ngoài cơ thể. Bàn tay tôi vấy máu và lở loét. Nhưng cơn đau trên bàn tay đang ăn tới xương tủy kia không là gì so với cơn đau bên ngoài đang nhói buốt tôi. Tôi bước tới và luôn vuốt ve hư không quanh mình như một gã đần luôn thấy ảo ảnh vây quanh. Tôi rên lên khi có những dao vô hình cứ khứa vào đấy. Tôi quằn quại ôm lấy vùng đau nhưng có khi nó nằm gọn trong lòng tôi và cũng có khi tôi oằn người vẫn không bắt được nó. Một cảm giác mưng mủ và sưng tấy. Chỉ cần chạm vào là bục vỡ và lầy loét. Những múi thần kinh của tôi không còn sức chịu đựng khi truyền liên tục về não bộ những cơn đau ngoài sức chịu đựng.
Tôi đứng như trời trồng và đón từng cơn đau bọc vây mình. Tôi vươn tay, vươn lưỡi, vươn chân và vươn cả dương vật ra vẫn không thể nào bắt được cơn đau đầy trêu ngươi đang phá phách mình.
Có thể tạm gọi là một triệu chứng tâm thần. Nhưng cũng có thể gọi đó là một sự rối loạn chức năng trong cơ thể.
...
Cái nắm đấm đi đến cuối phố. Lập tức, nó cảm nhận một nỗi đau rất gần. Nó tấp vào vỉa hè và vén chim đái tồ tồ vào chân cột điện. Nó đái vào khái niệm và hình ảnh biểu tượng đô thị hóa. Nước đái tóe ra nhiều tia. Sáng lên trong nắng. Nỗi đau bấy giờ ở đâu đó thật gần. Cơ thể nó đang cảm nhận và rà đúng sóng. Nhưng đây chưa phải lúc tốt nhất để nhận hết tín hiệu đau bên ngoài. Hắn biết thế.
Vợ là điều gì đó bất khả với hắn. Một ngày của hắn mất nửa tiếng làm tình. Ngang với tiêu chuẩn của người Mỹ. Nhưng ngay cả khi đè vợ xuống nệm và dúi chim vào âm hộ nàng thì trong đầu tôi vẫn ong ong một nỗi đau không thể tả. Nỗi đau ấy không xác định được hướng. Không thể biết lý lẽ và nguồn gốc. Hắn nằm vật ra giường và khóc. Vợ lúc này làm trầm trọng hơn một nỗi đau khó chia sẻ.
Anh làm em đau.
Ừ, anh có lỗi. Anh cũng đau.
Anh đau ở đâu?
Ở bên ngoài cơ thể.
Nàng lại xiết hắn vào lòng và bảo rằng câu nói ấy làm cho nàng vui. Nàng thích chia cho hắn cơn đau va chạm đơn thuần. Thứ mà hắn không sao cảm nhận hết được hay chưa có dịp làm đàn bà để cảm nhận hết. Hắn nghĩ, nếu có thì giờ sống tiếp, thì hắn sẽ nguyện làm đàn bà để hiểu hơn cơn đau của vợ hắn và thoát cơn đau của hắn.
Trong lúc nào đó sự trống rỗng bắt mất tôi và nhai tôi ra ráu như một món nộm sứa hợp khẩu vị. Còn tôi, trong lúc ấy, tôi lại đi tìm một cơn đau ngoài mình. Có thể nó nằm ở dưới những vân tay khi tôi gõ phím viết truyện ngắn này. Có thể nó nằm ở đầu của dương vật tôi sau một cuộc ân ái lạnh lùng với gái điếm hay làm tình với vợ. Công việc ấy nhàm chán đến nỗi có khi tôi không sao hứng khởi lên được. Đã có lúc phải dùng đến ngón nay mình và nhét cái túi bòng bong thảm hại có tên dương vật vào một vùng phì nhiêu như người nông dân nhét một mầm non héo úa vào vùng đất màu mỡ và chờ mùa sau sinh nở. Giữa lúc ấy cơn đau vươn lên từ bên trong, phía trước túi da nhão của tôi. Tôi đang đau từ phần tử cung và xuyên qua đám nhầy nhụa của một cơ thể khác. Tôi rướn lên để cố chạm lấy cơn đau ấy trong nỗi bất lực kéo dài.
Còn bây giờ, nó- cơn đau ấy- có thể nằm bên dưới chiếc ghế tôi đang ngồi ở đây với cặp mông chẳng lấy gì làm bệ vệ. Rồi cũng có thể là trên đỉnh đầu trắng hếu và lồi lõm của tôi, một nắm đấm yếu ớt luôn dứ vào khoảng không một cách vô nghĩa. Có khi tôi lại cảm nhận cơn đau treo trước mắt mình. Nhưng không phải là trong mắt. Mắt tôi vẫn sáng. Không là trên trán. Trán tôi vẫn nhô về phía trước và chẳng thấy bộ phận thừa thãi nào của mình.
Phật nói, đời là bể khổ. Những bậc hiền thánh thường nói rất ngắn. Rồi làm những chuyện khó hiểu để minh họa cho việc nói. Ai muốn hiểu sao thì hiểu. Đó là một kinh nghiệm lập ngôn mà hậu thế u mê nên bắt chước để trở nên minh triết hơn chút đỉnh. Biết đâu làm thánh thần khi chết đi. Điều đó nằm ngoài khả năng của tôi. Vì tôi không thể nói ngắn về một cơn đau nhức treo lửng lơ theo mình. Dường như đó là một khối tròn, ưa nhún nhảy. Nó mắc vào tôi bằng một sợi đây vô hình nào đó. Tôi biết nó luôn đi theo mình từng giây từng khắc và luôn đùa giỡn bằng sự nhức nhối diệu kỳ ấy. Đôi khi cũng thật rầy rà. Tôi nằm vật xuống mặt đất và nằm đợi cơn đau ấy đi qua. Nhức nhối và vật vã. Một bàn tay cứ cấu xé vào phần trống không ở đầu cơn đau ấy. Những lưỡi dao nhọn cứ rạch từng nhát sắc lạnh và tách những mảng thịt bên ngoài cơ thể tôi. Tôi không tài nào ngăn cản nổi. Mũi tôi căng hết những thần kinh khứu giác, tay tôi vươn về phía trước và tôi trôi bồng bềnh dưới bầu trời chang chang nắng như một tay điên loạn, môi tôi vểu ra tìm và cố liếm được vết thương của mình, ngay cả những sợi râu ở nốt ruồi dưới hàm tôi từ lâu đã cố quên nay lại vênh lên tìm một điểm chạm nào đó vô hình. Phía ấy, cơn đau đang giày xéo tôi và làm cho tôi điên đảo. Một cơn đau không treo lơ lửng nhưng đang mưng mủ và bục vỡ. Một cảm giác bỏ rơi và thừa thãi phía bên ngoài. Một trận đánh đập dã man, hành hạ và dày xéo từ hư không vào hư không. Nơi tôi có thể cảm nhận được như người ta thấy khoảng va chạm của hai dòng khí nóng, lạnh giữa chiều sì sũng mây qua một tiếng sét nứt vỡ gầm trời... Tôi gào lên những thanh âm hỗn loạn. Gào lên và ước mong tiếng gào thét của mình chạm đến và làm cầm lại cơn đau ở miền vô hình kia..
Ma chi? (2)
Không phải ma chi. Anh lành lặn. Chưa từng bị cắt bỏ bộ phận nào của cơ thể.
Đau đớn ấy chỉ là một ảo giác. Thần kinh anh có vấn đề.
Không. Tôi hoàn toàn tỉnh táo. Tôi luôn cô đơn và luôn rơi vào tình trạng đau thế này. Tôi phải làm gì để chấm dứt nó?
Anh là trường hợp bệnh nhân đặc biệt. Một bệnh nhân không ý thức vùng đau. Tôi sẽ ghi triệu chứng này và theo dõi. Biết đâu là một bệnh lý mới mà y học chưa phát hiện ra.
Và ông sẽ nghiên cứu về nó như một nhà phê bình đạo mạo và thiếu từng trải thường lướt mắt kính dày như đít chai qua từng trang văn oan uổng này?
Không. Tôi không biết làm gì khác. Và anh phải chấp nhận điều ấy. Bởi vì chính anh cũng không thể nào xác định được cơn đau kia từ đâu, ở đâu. Và như thế làm sao tôi có thể định vị được múi thần kinh gây đau nơi nào. Chúng tôi không có khái niệm hư không, thưa anh...
Vậy là tôi phải đợi cơn đau ấy mang tôi đi thì lúc ấy ông cũng đã lập ra một hệ thống cơn đau cũ kỹ trên từ chương có tọa độ X, Y, Z và được chấm bằng thứ mực đỏ quái dị lên những vùng thịt da?.
Vì tôi là một nhà khoa học. Ông chỉ là bệnh nhân trong phạm vi nghiên cứu cho phép của tôi. Thưa ông. Nếu cuộc nói chuyện này không kết thúc thì chúng ta đều là những kẻ bất hạnh vì không đi được đến tận cùng của một vấn đề cơ bản: anh hãy ôm cơn đau vô hình ấy và cút xéo khỏi nhà tôi.
ĐM. Đồ bất tài!
Như thế có khả năng toàn phần da thịt tôi, những múi thần kinh đều bị tình nghi là có vấn đề. Thực sự giải quyết nó là điều khó khăn. Tôi phải lột lớp da nhạy cảm này và tự thay bằng một lớp da khác có thể bịt kín những múi thần kinh không cho tương tác với môi trường bên ngoài và nhờ thế có thể bịt kín những từ trường đau bên ngoài tràn vào mình.
Nhưng điều ấy, không ai có thể làm được.
Từ bệnh viên trở về, cơn đau càng buốt. Tôi cảm nhận nó có thể nuốt chửng tôi cùng với nỗi lo sợ, chán ngán. Tôi ôm mình quay cuồng và nghẹt thở. Bấy giờ trên mỗi chu vi nhỏ nhất của phần da thịt tôi đều cảm nhận sự lây lan của cơn đau ấy. Những người thân của tôi đứng gần và chẳng giúp được gì. Cả cái nắm đấm- chiếc đầu trọc trắng hếu của tôi cũng toát mồ hôi trơn thật thảm hại. Chúng đang bắt vào mình một cơn đau nhức quay cuồng. Tôi thấy mình sủi bọt trên miệng và nhún chân từ khoảng rỗng ban công... Cú nhảy vào buổi chiều... Khi nắng xuống đỏ loét một góc trời thành phố. Và bên dưới, dòng người đang ách tắc. Tôi sẽ lao vào nó- cơn đau ấy như một sự giải thoát hay nhấn chìm chính mình trong nó để tìm cho ra vị trí và hình dong, sự liên quan của nó với da thịt mình. Tôi bay qua một khoảng không chứa nhiều tín hiệu của đau. Những tín hiệu đau lướt qua tôi hình sóng parabol, lạnh buốt và gợn lên rồi lại trườn xuống. Và tôi lao như một cột antena gãy rơi tự do. Gió từ mặt sông cất lên êm ả giữa màu trời loang loét. Thành phố hầm hập gió và vùng bụi khí từ đám động cơ, nhà máy và dòng người ầm ào bên dưới. Ở những đoạn rơi nghiêng, những đợt gió ấm từ mặt sông bên kia thổi những đám khí trong lành vuốt ve tôi, muốn nâng tôi bay theo chiều ngang. Nhưng rồi quả đấm, chiếc đầu trọc của tôi lại dành phần chúi xuống trước. Tôi bay xuyên qua nhiều thảm gió khác nhau trước khi chìm vào dòng sông người hốt hoảng bên dưới. Một thanh âm của sự va đập. Sóng dội lên trắng xóa. Trong mắt tôi, sóng dội trắng xóa. Sóng nước vỡ cuộn lên hình hài con quái vật cô đơn đang phun trào những bong bóng vỡ và một khoảng rối bời của mọi đường ranh giới. Dòng sông người kia nuốt tôi vào lòng trong cơn đau quằn quại ấy bằng những hốt hoảng của nó. Sông rửa lên thịt da tôi những cơn đau bềnh bồng bên ngoài mình. Tôi đã có những buổi chiều nằm từ trên nỗi bềnh bồng ấy để gào thét cơn đau của mình như danh ca James Blunt với tuyệt phẩm You’re beautiful trên bờ vực, thanh thản cởi từng phần quần áo trên cơ thể mình và nhảy xuống đại dương sâu thẳm. Màn đen sẽ khép lại. Và cái điệp khúc You’re beautiful cứ tràn đầy cùng với sự tắt ngúm của thước phim kích thích ảo giác.
Bấy giờ, tôi đang nằm trên giường. Tự do. Và đau. Toàn thân đã bọc kín lớp vải trắng. Và bên ngoài là một túi nilon được bọc kín, bấm bằng những đinh gim khá chặt- thứ đinh mà tôi vẫn dùng để bấm những bản thảo không bao giờ được phép công bố. Những bản thảo viết về một triệu chứng những cơn đau vươn ra. Tôi ngột ngạt và cảm nhận không khí quanh mình đang cô đặc. Chúng đang giết chết những cơn đau thừa thãi. Những vùng đau tan ra trong nỗi cô đơn vô hạn. Tuổi trẻ của tôi hình một con chim rách cánh tả tơi, đậu bên ngoài cửa sổ. Run rẩy vẫy chào lần cuối rồi bỏ ra đi vĩnh viễn mà không sao lý giải hết về những cơn đau bên ngoài mình.
Đôi khi, trong nỗi trống rỗng tột cùng của mình, sau 8 tiếng cơ quan và nửa tiếng làm tình diễn ra đều đặn, tôi thích được tìm lại những cơn đau bị bỏ rơi từ bên ngoài mình. Tôi thích được cô đơn và trống rỗng. Nhưng làm gì có cơn đau nào. Làm gì có nỗi trống rỗng nào. Chúng lạnh lùng bỏ đi sau cú nhảy vượt thoát và sau sự trùm bọc trắng toát của lớp vải và nilon được bấm bằng kim găm một cách kỹ lưỡng. Ai đó đã chạm vào và khóa chặt cơn đau vô hình của tôi.
Có thể tôi đã được không gian phẫu thuật làm một phiên bản người khác. Ngay cả lúc này. Khi kết truyện ngắn này. Nỗi trống rỗng của tôi đã khác lúc bắt đầu gõ phím đầu tiên và nhấn Ctrl + S cho một file mới được định dạng.
Truyện ngắn của tôi đến đây là kết thúc.

Saigon, 0306

Chú thích:
(1) Nhại theo một bài hát cực nhảm của Ưng Hoàng Phúc.
(2) Ma chi là trường hợp bệnh nhân đã bị cắt đi một bộ phận tay hoặc chân nhưng thỉnh thoảng vẫn còn có cảm giác đau ở phía đã bị cắt đi.

Xem Tiếp: ----