Ngôi từ đường họ Mai làng An Hạ vừa được tu sửa lại sau bao năm bị trưng dụng làm kho chứa phân hóa học của hợp tác xã. Trong buổi dâng hương khánh thành, mọi người vui mừng đón một người của dòng họ gần năm chục năm mới trở về. Người đó là Mai Hiếu. Ngày ông bỏ làng đi, mới mười ba tuổi, nay đã bước sang tuổi sáu ba, mái tóc đã bạc trắng…
Nghe tin ông Hiếu về, người họ Mai đến mừng. Nhiều người làng An Hạ cũng tò mò đến. Họ được biết ông Mai Hiếu là con của ông Mai Trung - người bị xử bắn oan ức năm chục năm trước, đã bỏ làng đi, mang theo kỷ vật của ông cha.
Lúc chuẩn bị tế vong linh tổ tiên, ông bà và cô bác… dòng họ Mai, ông Trưởng họ Mai nói với ông Mai Hiếu:
- Từ ngày chú đi, ở nhà bà con trong họ, giỗ Tết vẫn thờ cúng ông bà thân sinh chú. Hiềm nỗi không có tấm hình nào của ông, nên bài vị đành để trống. Nghe nói chú còn giữ được hình và kỷ vật của ông?
Ông Mai Hiếu gật đầu mở va li, lấy ra một chiếc hộp gỗ nhỏ. Trong chiếc hộp ấy, có tấm hình ông Mai Trung, và một lá cờ đỏ búa liềm lớn bằng một vuông khăn có bốn chữ viết bằng máu: “Đảng ơi, cứu con!”
Ông Mai Hiếu rưng rưng kể:
- Thưa bác cả với bà con trong họ, đây chính là kỷ vật mà bố tôi để lại. Năm mươi năm nay, tôi vẫn ôm hận trong lòng!...
Ông Hiếu không nói được hết lời, ôm mặt khóc.
Mọi người lặng lẽ nhìn tấm hình ông Mai Trung và những chữ ông viết bằng máu trên lá cờ, rồi òa khóc theo ông Mai Hiếu…
Năm mươi năm trước…
Một buổi trưa tháng sáu. Tiếng kẻng khua gắt gỏng, mọi người vội vã buông đũa bát xuống mâm cơm chưa kịp ăn, lập cập ra đình làng. Con đường đất gan gà nóng bỏng, người nọ nhìn người kia, dò xét, rồi cắm cúi bước đi trong bộ quần áo nâu bạc phếch, vá chằng vá đụp, đội chiếc mê nón không vành te tua trên đầu… Từ ngày cải cách ruộng đất, những cuộc tập trung đấu tố địa chủ cứ liên miên. Nghe kẻng là dân làng phải tập trung, bất kể sớm, trưa, mưa, nắng. Dân làng dần dần quen chịu nhẫn nhục vì luật lệ hà khắc của đội cải cách ruộng đất. Nhiều người phải dùng cả mánh lới ăn cơm độn, cháo loãng, mặc rách rưới để hòa vào tầng lớp cố nông.
Buổi trưa ấy, Đội cải cách ruộng đất mở phiên tòa đấu tố ông Mai Trung - con cụ Mai Phúc, giàu nổi tiếng làng An Hạ. Gia đình ông có tới bốn chục mẫu “thượng đẳng điền”, mấy chục gian nhà ngói, vài chục con trâu.
Cụ Mai Phúc là nhà nho, tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng của ông Nguyễn Thái Học, bị thực dân Pháp bắt đi đày tận Angieri. Ông Mai Trung, giác ngộ Cách mạng vào Đảng Cộng sản, làm Bí thư Đảng ủy kiêm xã đội trưởng hồi chín năm kháng chiến, em trai ông đi thoát ly làm tới chức Vụ trưởng ở Bộ Công an…
Nhưng khi cải cách ruộng đất, gia đình ông vẫn bị qui là địa chủ. Đợt một, ông Trung là “địa chủ kháng chiến”. Đợt hai, họ moi ra ba đời trước, rồi qui lên “Địa chủ cường hào gian ác”.
Cả nhà ông Trung đều bị quản thúc, mỗi người một nơi, không cho gặp nhau. Ông Trung bị giam lỏng để lấy cung.
Cách đấy mấy ngày, ông Trung trốn sang nhà tôi được một lúc. Bố tôi nói với ông:
- Năm nay chú bốn chín, cẩn thận kẻo nguy!
Ông Trung nhếch mép, cay đắng:
- Chín năm vào sinh ra tử không chết, chả nhẽ giờ chết dưới tay Đội Cam?
Bố tôi nói:
- Chó dữ cắn càn! Chú phải cảnh giác!
- Chả nhẽ lại đào bem như chín năm? - Ông Trung nói xong nhếch mép cười, rồi than hai đầu gối bị mưng mủ đau nhức quá!...
Bố tôi nhìn hai đầu gối ông Trung, hỏi:
- Sao thế chú?
Ông Trung đáp:
- Nó bắt quỳ lên đống mảnh chai!...
Ông Trung lắc đầu thở dài, đắn đo một lúc, rồi lấy ra lá cờ Đảng đang giấu trong người… Ông nói với bố tôi:
- Tôi đã báo với Đảng tình hình nguy cấp ở ta hiện nay. Đội cải cách lộng hành quá! Nhiều oan ức quá rồi!... Tôi đã viết mấy lá thư mà chưa có ai trả lời. Nay đành lấy máu viết lên cờ Đảng kêu oan vậy. Chú tìm cháu Hiếu, bảo nó lên Hà Nội gấp, gặp chú Dũng giúp tôi…
Bố tôi gật.
Ông Trung đưa lá cờ Đảng cho bố tôi, nói như trăn trối:
- Anh em mình cùng lăn lộn với nhau suốt chín năm, giờ mỗi người một ngả!...
Bố tôi tìm được Mai Hiếu đang bị cách ly ở xóm Trại, ông đưa lá cờ Đảng cho Mai Hiếu, Hiếu giấu lá cờ vào cặp sách rồi trốn lên Hà Nội ngay đêm ấy.
Sáng sớm hôm sau, đội quân cốt cán bắt trói ông Trung mang đi. Và trưa nay mang ra xử.
Dưới cái nắng như đổ lửa, mấy trăm người làng An Hạ ngồi bệt xuống cái sân gạch, dự phiên đấu tố ông Trung.
Tiếng trống ếch thập thình… Rồi tiếng hô khẩu hiệu: “Đả đảo bọn địa chủ cường hào gian ác” rõ dần…
Lúc sau, một đoàn thiếu nhi nhễ nhãi mồ hôi mang băng cờ, rước Đội cải cách ruộng đất đến sân đình.
Đi đầu là Đội trưởng Lê Cam.
Năm ấy, Lê Cam mới ba mươi tuổi, người bé loắt choắt, khuôn mặt lầm lầm, dữ tợn. Cam đi bộ đội được mấy tháng thì hòa bình lập lại, nhờ lý lịch ba đời nghèo khổ, phải làm mõ, nên được chọn làm cán bộ cải cách ruộng đất. Từ khi về làng, Lê Cam tổ chức đấu tố liên miên, bắt hết người này đến người khác.
Lê Cam vốn rất mặc cảm vì mình sinh ra trong một gia đình làm mõ. Ngay từ hồi bé, Lê Cam đã oán ghét người không cùng cảnh với mình. Sự oán ghét ấy lớn lên, đóng vảy trong trái tim bệnh hoạn của Lê Cam biến thành hận thù. Nên bây giờ có quyền trong tay, Lê Cam trả thù một cách hả hê…
Đi sau Cam là Làn, con gái lão Tơn, cũng từng làm mõ.
Làn vừa được kết nạp Đảng, là cốt cán của đội cải cách, ngày đêm họp hành, ăn ở với Cam. Nhìn cái bụng lùm lùm của ả, mấy bà nguýt:
- Chửa đã bốn năm tháng rồi đấy!
Kế đến là Tập “nghễnh ngãng”, là Dựa “chột mắt” và Rính “đẹn”… Tất cả họ đều là thành phần cố nông, vừa mới được chia quả thực hạng A, nhà cửa, giường chiếu, mâm đồng, bát nhang, chủi cùn rế rách… tịch thu của các địa chủ.
Đội Cam và ban chỉ huy bước lên khán đài làm bằng tre, quây cót chung quanh.
Cam ngồi chính giữa cái khẩu hiệu đỏ chói: “Thẳng tay trừng trị bọn địa chủ cường hào gian ác!”
Phía sau khán đài có cây đa cổ thụ. Trước kia bọn trẻ hay leo trèo lên lấy nhựa đa nhai như kẹo mạch nha, và hái những quả đa chín mọng. Từ ngày cải cách ruộng đất, gốc đa trở thành chỗ xử bắn địa chủ, cường hào. Thân cây đa lỗ chỗ những vết đạn…
Đội Cam đưa cặp mắt ti hí đảo xuống sân, thấy đã kín kín người, mới phẩy tay ra lệnh:
- Cho tên Mai Trung vào!
- Rõ!
Năm du kích: ba nam, hai nữ khoác súng, kéo lê ông Mai Trung từ gốc đa vào… Người ông quắt lại nhỏ thó, mái tóc bạc trắng. Ông bị trói quặt hai cánh tay lại sau lưng, quần áo rách bươm, chìa mảng sườn bầm tím và hai đầu gối sưng mọng…
- Quỳ xuống! - Một du kích ra lệnh.
Ông Trung nói:
- Đầu gối tôi đau quá! Không quỳ được nữa!...
Tay du kích lấy mũi súng chọc vào sườn ông:
- Ngoan cố hả? - Rồi y ấn ông Trung xuống.
Đội Cam cầm mảnh giấy ghi danh sách tố khổ, gọi:
- Phạm Thị Xắng?
- Dạ! Có tôi!
Sau tiếng nói như hét lanh lảnh ở giữa sân ấy, mụ Xắng đứng phắt dậy, giật chiếc khăn vuông đội đầu cho mái tóc sổ tung, rồi te te chạy lên…
Mụ Xăng kéo cao cạp quần, chìa hai bắp chân nần nẫn, xỉa xỉa tay vào tận mặt ông Trung, gầm gừ:
- Mày có nhớ đã hãm hiếp bà bao nhiêu lần không?
Dân làng An Hạ, chẳng lạ gì mụ Xắng? Mới hai bảy, hai tám tuổi mụ đã ba đời chồng, nổi tiếng dâm đãng, lăng loàn. Thế mà đấu tố ai, Đội Cam cũng gọi mụ Xắng lên, để mụ vu cho tội hãm hiếp.
Vì muốn được chia quả thực, mụ Xắng trơ trẽn không còn biết nhục nhã, đê tiện là gì…
Sau mụ Xăng là Phới - một thanh niên chưa đầy hai mươi tuổi. Phới kể tội ông Trung bắt mình ngủ với trâu suốt đời.
Phới vừa ngừng lời, Đội Cam gọi tiếp: “Dựa chuột”, “Rính đẹn” lên.
Những người dân này vốn hiền lành, chất phác, giỡ bỗng trở nên điêu ngoa, dữ dằn. Họ xỉa tay vào mặt ông Trung, tru tréo, bảo chính ông trộn cơm vào cát bắt họ ăn…
Lão tập tai bị nghễnh ngãng từ bé, nhảy lên đấm vào mặt ông Trung mấy cái liền, rồi hỏi:
- Mày có biết tại sao tao bị điếc không?
Ông Trung trả lời:
- Ông bị điếc từ bé!...
Lão Tập hét:
- Láo! Tao điếc vì mày! Chính mày đã lấy chiếc dùi nung đỏ xuyên qua hai lỗ tai tao…
Mặt trời xiêu xiêu về hướng Tây, đất và không khí càng rát bỏng hơn. Mấy người ngồi dưới sân say nắng ngã lăn quay.
Ông Trung quắt queo như tàu lá héo.
Mấy du kích dựng ông dậy, kẹp chặt hai bên cho khỏi đổ xuống sân.
Đội Cam gọi một hơi hết danh sách hai chục người lên vạch tội ông Mai Trung, mà không cho ông Trung nói lời nào. Sau đó Cam đứng lên đọc một bản luận tội, vỏn vẹn hai phút. Rồi nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên án xử tử hình ông Mai Trung.
Đội Cam nghênh ngang hỏi dân làng:
- Ai đồng ý giơ tay?
Không biết có bao nhiêu cánh tay đồng tình hoặc miễn cưỡng giơ lên giữa bầu không khí hừng hực, nhoáng nhoàng, quay quắt, loa lóa nắng hè.
 Ông Trung hét lên:
- Bà con ơi! Tôi không có tội! Tôi bị oan!...
Dường như chẳng ai nghe thấy tiếng ông Trung. Hàng trăm con người kẻ say nắng, kẻ oán thù, kẻ khinh sợ, hỗn độn sà quần như đàn kiến trong chiếc chảo nóng hừng hực.
Nhưng ông Trung vẫn cố lấy hết sức giãy dụa, quằn quại trong cơn tuyệt vọng để kêu cứu:
“Đảng ơi, cứu con! Đảng ơi!...”
Nghe ông Trung nhắc đến Đảng, Đội Cam càng sôi máu vì cảm thấy bị xúc phạm. Bởi từ khi về làng, Cam đã khai trừ ông Trung ra khỏi Đảng rồi.
Đội Cam nhảy phắt từ khán đài xuống, thét du kích:
- Bịt miệng nó lại!
Lão Tập sấn tới chộp lấy cổ ông Mai Trung bóp chặt. Ông lão nghẹn thở há miệng… Một tay du kích lấy thanh tre thọc qua hai hàm răng ông Trung như đóng hàm thiếc ngựa.
Xong, họ lấy chiếc đòn càn, khiêng ông ra, trói vào gốc đa.
Đội Cam lạnh lùng hô:
- Bắn!
“Đoàng! Đoàng! Đoàng!...”
Năm du kích bắn, chỉ có ba viên đạn nổ.
Đội Cam sấn tới, giằng khẩu súng không nổ trong tay cô nữ du kích, lên đạn rồi nghiến răng bóp cò lại. “Đoàng!” Viên đạn xuyên vào ngực ông Trung, máu phun cả vào mặt Cam…
Nhưng ông Trung vẫn chưa chết hẳn, ông giãy giụa, chiếc hàm thiếc bị bung ra… ông rướn người hô:
- Đảng ơi!... Cứu con!...
Đội Cam trở ngược cây súng, dọng liên tiếp những báng súng vào đầu nạn nhân!... Máu và óc ông bết vào báng súng…
Ông Trung gục xuống, chết hẳn.
Lúc đó, có một chiếc xe môtô ba bánh cũ kỹ, từ hướng Hà Nội chạy về tới ngã ba đầu làng… Nghe tiếng súng nổ, người đàn ông mặc bộ quân phục công an giật mình, nhảy xuống, hỏi bà cụ Phối bán nước chè:
- Họ vừa bắn ai đấy bà?
Bà Phối đáp:
- Họ bắn cái nhà bác Trung ở xóm đình đấy ông ạ! Gớm! Sao mà họ ác thế không biết!?
Người đàn ông mặc quân phục thất sắc, bảo người lái xe:
- Muộn rồi! Quay lại thôi, đồng chí ơi!...
Đó là ông Mai Dũng em ruột ông Mai Trung. Thì ra Mai Hiếu trốn lên Hà Nội tìm gặp ông Dũng để đưa lá cờ Đảng viết bốn chữ bằng máu kêu oan của ông Trung. Nhờ lá cờ thấm máu ấy, và những lá thư kêu oan trước, ông Dũng đã xin được một lệnh khẩn hoãn xét xử ông Trung. Ông Dũng hộc tốc về làng, nhưng đã muộn!...
Tấm ảnh ông Trung đã bị mờ, nhưng mọi người vẫn nhận ra khuôn mặt phúc hậu.
Những người cùng thời với ông còn sống, kể lại ông Trung đã phát canh, nhưng không thụ tô gần hết ruộng đất tổ tiên để lại, và đã góp vào “tuần lễ vàng” hàng trăm thùng thóc.
Thời kỳ kháng chiến chín năm, ông là một xã đội trưởng gan góc, có lần tên quan ba ở bốt Vũ Hạ đã treo giải đầu ông với giá 50 lượng vàng.
Khi còn sống, bố tôi cũng hay nhắc đến ông Mai Phúc, rồi nói: “Cụ Phúc là nhà nho nên đặt tên con kỹ lắm, Trung là người trung hậu!”
Các vị đầu ngành trong họ Mai họp bàn tìm cách giải quyết kỷ vật ông Trung để lại. Có người nêu ý kiến đóng khung kính lá cờ có bốn chữ ông Mai Trung viết bằng máu để bên hình ông. Nhưng rồi mọi người nhất trí nên hóa vàng cho hương hồn ông Trung thanh thản siêu thoát, và con cháu sau này khỏi phải thấy hình ảnh đau lòng!...
Bữa tiệc dâng hương đang vui, bỗng có tiếng xôn xao ngoài ngõ. Mấy cháu thanh niên nhìn ra, cười nói hô hô:
- Ồ! Lão Cam đến kìa!...
Lão Cam đến thật. Đầu tiên là cái đầu trọc lóc nhô lên, rồi đến cái thân hình loắt choắt lách qua cổng…
Mấy năm nay, hễ nghe chỗ nào có động đũa động bát là lão mò tới. Mưa bão chết cò lão cũng chống gậy đi. Lão vẫn diện chiếc quần kaki màu phân ngựa, chiếc áo bốn túi cài đủ khuy… Tám mươi tuổi, lão đã lẩm cẩm lắm rồi, nhưng vẫn cứ khinh người, nói năng bỗ bã:
- Ông Việt kiều Mỹ mới về đâu rồi!... Cỗ to quá nhỉ! Hì… hì…
Rồi lão chả thèm đợi ai mời, lách mình vào giữa chiếu ngồi chén tự nhiên.
Không ai thèm chấp lão. Lão già rồi. Vả lại con lão - cái đứa năm mươi năm trước mới lùm lùm trong bụng mụ Làn - giờ chỉ làm cái anh trưởng thôn thôi, mà cũng hách lắm! /.
10-10-2006
Minh Diện

Xem Tiếp: ----