Thiên tải tì bà tác hồ ngữ Phân minh oán hận khúc trung luân (Đỗ Phủ) Sau khi Thái giám đến cung Vĩnh Xuân triệu cung phi Hằng Nga đi để Mao Diên Thọ vẽ tranh dâng lên Hán Nguyên Đế, Chiêu Quân ngồi tư lự mãi bên cửa sổ. Nàng ngắm nhìn hàng dương liễu rũ mượt mà rồi đưa bàn tay ngà ngọc khẽ vuốt lên làm tóc mây của mình và thở dài. Nàng vào cung đã hơn năm nay, đêm nào cũng lạnh lẽo, để rồi sớm mai lại bắt đầu trang điểm đón một ngày mới chờ được quan Thái giám gọi đi. Được ngồi để Mao Diên Thọ vẽ là may mắn lắm rồi. Như vậy, mới mong có ngày được Hoàng thượng lâm hạnh, còn được sủng ái ư, chẳng cung phi nào dám màng. Với riêng nàng, Chiêu Quân chưa bao giờ mong mỏi được nhà Vua lâm hạnh, song nàng lại nghĩ, chẳng lẽ mình cứ mòn mỏi đến chết già nơi thâm cung lạnh lẽo này ư? Tên cung là mùa xuân vĩnh viễn, nhưng với nàng, nó chỉ là nơi giam hãm tuổi xuân. Với nàng, mùa xuân là cỏ nội, hương đồng nơi thôn dã êm đềm nép bên dòng Trường Giang cuộn chảy ở quê nàng. Nơi ấy có cha mẹ và các em nàng, nơi có chàng nông phu vạm vỡ, thỉnh thoảng dừng tay cày nhìn trộm nàng một cách tình tứ mỗi khi nàng mang cơm ra đồng cho cha… Ước gì nàng được chạy chân trần trên thảm cỏ đẫm sương, được thơ thẩn ngắt hoa dại ven sông mỗi khi nàng đi giặt! Mùa xuân là như thế, chứ đâu phải cái cung như một cỗ quan tài khổng lồ được sơn son thiếp vàng này. Nàng trở lại ngồi trước gương. Nàng ngắm nhìn mình và tự bằng lòng với từng đường nét, từng chi tiết trên khuôn mặt, mái đầu và thân hình của mình. Nàng tự biết, trong năm trăm cung tần ở đây, nàng là người đẹp nhất. Thế mà, hằng đêm, các cung phi theo nhau được nhà Vua lâm hạnh, riêng nàng thì không. Nàng nghe các cung phi đồn nhau rằng, phải có tiền lót tay cho Thái giám, khi ấy họ mới cho gọi để được đưa đến Mao Diên Thọ vẽ hình, rồi sau đó lại phải lót tiền vào tay Mai Diên Thọ để hắn ta vẽ hình mình thật đẹp và quyến rũ, lúc ấyầmy ra nhà vua xem hình thấy ưng, mới cho triệu tời long sàng. Chao ơi, để được chút ơn mưa móc của nhà vua sao mà cay đắng thế. Cả đám phi tần biết thế nhưng chẳng ai dám kêu ca, chỉ âm thầm nén chịu, hi vọng một ngày nào đó sẽ sinh ra hoàng tử. Chiêu quân không như họ. Nàng không được sống cùng với cha mẹ, không được tự do yêu chàng nông phu nơi thôn dã quê nàng, thì bây giờ ở trong cung điện vàng son để chờ một ngày nào đó được nhà vua lâm hạnh, chẳng khác gì bị tù hãm. Đời nàng xem như là bỏ đi. Song nàng vẫn có cái tự kiêu ngầm của riêng nàng, bởi bị bỏ rơi, cũng đồng nghĩa với việc nàng bị coi là nhan sắc tầm thường. Bản năng đàn bà trong nàng trỗi dậy, chẳng lẽ một trang sắc nước hương trời như nàng lại bị xem là thứ tầm thường bỏ đi sao? Với bọn Thái giám thì nàng biết họ là đám người tham lam, độc ác, nàng sẽ lót tay cho chúng, còn với Mao Diên Thọ thì nàng không tin là người như vậy, bởi chàng ta là nghệ sĩ. Nàng không coi nghệ sĩ là người tốt, song nói chung họ tầm phào và chẳng tâm địa ghê gớm gì, bụng dạ họ có thể tin được, mặc dù họ yếu đuối và nửa với tới mức chẳng giúp được ai… Và thế rồi, nàng cũng làm được mọi chuyện. Một buổi sáng, nàng vừa trang điểm xong thì Thái giám đến, đọc to tên nàng. Trước mặt các cung tần, nàng ngạc nhiên lắm. Nàng liếc nhìn gã Thái giám thì bắt gặp cái nhìn đắc thắng của gã – “mi tưởng mi đẹp là đủ à, cuối cùng thì cũng phải nhờ đến tay ta”. Nàng muốn hét thật to vào bộ mặt đểu giả của gã, nhưng làm như thế sẽ hỏng việc. Nàng được gã Thái giám đưa đến một căn phòng rộng, ở đó chỉ kê một bàn sách và có một chiếc ghế để cung phi ngồi. Ngồi trước bàn sách là một chàng thư sinh. Nàng hiểu ngay người đó là họa sư Mai Diên Thọ. Chàng ta rũ người vẻ chán nản. Thái giám đánh tiếng làm chàng ta giật mình, nhưng rồi vẫn như không để ý gì đến, Mao Diên Thọ hỏi Thái giám: “Ngài đã đưa người đến rồi đấy hả?”. Rồi phảy tay về phía nàng: “Ngồi đi! Ngồi đi! Chịu khó chờ ta pha màu chốc lát”, và sau đó, cắm mặt xuống bàn mải việc pha màu. Chiêu quân khẽ ngồi xuống ghế, quan sát bộ dạng họa sư Mao Diên Thọ. Vì chủ động rồi nên nàng không ngần ngại. Nàng thấy Mao Diên Thọ không có vẻ của con người tham lam như đám cung phi đồn. Và dường như, chàng ta chẳng thiết gì cái công việc mỗi ngày phải chầu trực ở trong cung để họa hình một mĩ nữ dâng lên nhà Vua. Cứ nhìn thái độ, nhìn cử chỉ chàng mài mực, pha màu là thấy được điều đó. Nghĩ thế, nhưng Chiêu quân vẫn băn khoăn, không biết mình có cần phải lót tiền cho Diên Thọ để được bức hình đẹp làm mê mẩn Hán Nguyên Đế hay không? Diên Thọ ngẩng lên nhìn vào nàng và bảo: “Nào ta bắt đầu. Xin cô nương chỉnh lại xiêm y”. Và chính vào thời khắc ấy, mắt hai người dọi vào nhau. Nàng nhận thấy rất nhanh vẻ chán chường trên khuôn mặt và cái nhìn của Diên Thọ chuyển biến từ ngạc nhiên đến chân tình, âu yếm. Nàng xốn xang cả người. Nàng đẹp là thế nhưng ngoài cái nhìn của chàng nông phu quê mùa và Diên Thọ ra là chân tình, còn lại nàng chỉ bắt gặp những cái nhìn ganh tị và ghẻ lạnh, hoặc cao đạo của người khác. Diên Thọ lắp bắp: “Cô nương … xin cô nương hãy nương nhẹ tấm thân ngà ngọc, để Diên Thọ này được vinh hạnh chiêm ngưỡng mà họa bức hình tuyệt nhất trong cuộc đời làm họa sư của mình, và nàng cũng hiểu nếu mình chỉ khẽ lộ ra việc đút lót là Diên Thọ sẽ không còn nhìn nàng ngưỡng mộ như thế nữa. Nàng trở lại vẻ u buồn vốn có của mình, nhưng trong lòng, một cảm giác lâng lâng dễ chịu lan tỏa. Nàng có thiện cảm với Mao Diên Thọ. Nãng cũng hiểu là tại sao Diên Thọ lại khó tính với các cung phi khác, bởi có lẽ, chàng phải lọc ra từ cái sự uốn éo, yểu điệu thái quá đến kệch cỡm của họ để mà họa thành hình miễn sao cho Hán Nguyên Đế vừa mắt. Chàng không được phép sơ suất, vì sự sơ suất sẽ biền thành tội khi quân phạm thượng. Diên Thọ làm việc miệt mài, mồ hôi đọng thành giọt trên trán, trên má chàng. Một nỗi thương cảm dâng lên và nàng thấy Diên Thọ thật xứng là một trang tài hoa, anh tuấn. Ở quê, Chiêu quân chỉ được tiếp xúc với các chàng nông phu chất phác, cục mịch. Vào cung, ngoài bọn Thái giám tham lam nửa người nửa ngợm và tụi lính ngu độn, hợm hĩnh, hầu như nàng không được tiếp xúc với một người đàn ông nào khác. Còn Hán Nguyên Đề thì xa với như ở mãi trên chín tầng trời, nàng chỉ được nghe đám cung phi kể lại và chắc hẳn thêu dệt nhiều lắm. Nàng không ham, không mong đợi ơn mưa móc của đấng cao sang tối thượng, vì nàng nghĩ, chút trinh nguyên của nàng chẳng là gì khi đấng thiên tử kia cả đời đắm chìm trong bể tình ái, hoan lạc. Tự nhiên, nàng nghĩ, giá như mình được dâng hiến tấm thân ngọc ngà của mình cho chàng họa sư tài hoa phong nhã kia. Ý nghĩ ấy đến chớp nhoáng, làm nàng đỏ mặt. Mãi nghĩ ngợi, lúc này Chiêu quân mới để ý đến Diên Thọ và nàng thấy hình như họa sư đã hoàn thành bức họa hình. Chàng ngồi thừ, hết nhìn bức họa, lại nhìn nàng, thầm so sánh giữa người bằng xương bằng thịt và bức họa hình – ai đẹp hơn ai! Nàng định cất lời thì nhận thấy khuôn mặt Diên Thọ sầm lại. Rồi chẳng nói chẳng rằng, chàng vơ bức họa vò nhàu trong đôi tay, và lầm lì bắt đầu họa lại. Chiêu quân phỏng đoán rằng bức họa không được và nàng ngầm kiêu hãnh: “Vẻ đẹp của ta, dễ gì lột tả được!”. Nàng đã mấy lần thay đổi tư thế ngồi mà Diên Thọ vẫn chưa xong. Dường như chàng lưỡng lự điều gì, băn khoăn lắm mà mày chau, môi bậm? Có lẽ trời đã tròn bóng. Chiêu quân đoán vậy bởi nơi thâm cung âm u này làm gì thấy được mặt trời. Thái giám cũng đã vài lần ló đầu vào nhưng thấy Diên Thọ chưa họa xong nên lại thôi. Chiêu quân linh cảm thấy một điều gì đấy song nàng không tài nào định hình được. Lồng ngực nàng phập phồng khác thường dưới lớp xiêm y, bới trái tim nàng loạn xạ. Nàng cố dùng hơi thở nén sự khác lạ cứ trồi lên trong lòng mình!... Diên Thọ buông bút vẽ xuống bàn, ngả người ra phía sau, mắt hướng lên cao. Sau hồi lâu như vậy, Diên thọ nhìn nàng bằng cái nhìn không còn thần sắc: “Diên Thọ này vô duyên, bất tài nên không tài nào truyền nổi vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của cô nương ra mặt lụa, nên đành quấy quá cho xong. Lỡ sau này, cô nương không được Hoàng thượng sủng ái thì lỗi là ở kẻ bất tài này cả… nhan sắc của Chiêu cô nương thật chim sa cá lặn mà Diên Thọ này không lưới trong tay… Có mấy lời gọi là để tạ lỗi trước với cô nương!...”. Nói rồi, Diên Thọ rời bàn sách, vái Chiêu quân một vái và cúi đầu. Chiêu quân bất ngờ, lúng túng không biết xử trí thế nào. Nàng vội vàng đứng dậy, thì chẳng may xiêm y của nàng bị móc phải một họa tiết trên tay ngai của ghế, làm rách vải. Thái giám vào, lấy bức họa và đưa Chiêu quân về cung Vĩnh Xuân. Vì xiêm y bị rách, nên nàng đi đứng khép nép khác thường. Trước khi rời khỏi thư phòng, nàng khẽ liếc nhìn Diên Thọ và nàng bắt gặp cái nhìn thiểu não của chàng. Dọc đường về cung Vĩnh Xuân, nàng cứ bị ám ảnh bởi cái nhìn lúc chia tay của Diên Thọ. Trong sắc thái thiểu não của gương mặt, của ánh mắt chàng, nàng nhận thấy vẻ đắm đuối tình ái… Chiêu quân linh cảm rằng, nàng sẽ chẳng bao giờ được nhà Vua vời đến. Nàng cũng không nghi ngờ gì việc Diên Thọ không có tiền hối lộ mà vẽ nàng xấu đi. Nàng không thấy tiếc vì không được biết mặt Rồng, song nàng cũng thấy tự ái. Sau mấy tháng được họa hình dâng Vua mà không được gọi, đám cung phi ở cung Vĩnh Xuân bắt đầu bóng gió, cay độc nàng, xem như từ trước đến nay, nàng là người tự huyễn hoặc, tự mãn về một nhan sắc ảo tưởng của mình. Những lúc bị cạnh khóe như vậy, lòng nàng sôi lên và nàng thấy giận Diên Thọ lắm. Lúc bình tĩnh, hồi tâm lại, nàng thấy nhớ và mong được gặp lại con người tài hoa ấy. Diên Thọ đã chẳng tạ lỗi với nàng trước đấy sao. Có một điều làm nàng băn khoăn, thắc thỏm là bức họa đầu tiên mà Diên Thọ vò đi. Chàng ta vẽ gì, và nếu vẽ nàng thì đẹp hay xấu? Những đêm thao thức không ngủ được, nàng thường nghĩ về điều đó. Phải chăng, Diên Thọ si mê nàng? Chàng ta đã giữ bức họa ấy cho riêng mình? Dễ lắm chứ! Người đẹp như nàng thì đến Hán Nguyên Đế dù đã hàng ngàn mĩ nữ qua tay, có nhìn thấy cũng phải mê, nữa là chàng. Bằng chứng là vẻ không bình thường và cái nhìn đắm đuổi của Diên Thọ. Mà sao nàng lại không nghĩ về nhà Vua mà chỉ nghĩ về chàng họa sư tài danh? Nàng cũng yêu thầm con người ấy rồi sao? Và một ngày đầu hè, những cây lựu trong vườn cung Vĩnh Xuân đâm bông lập lòe, cung phi Lưu Yến được gọi đi họa hình, khi trở về, nhân lúc thanh vắng đã gọi Chiêu quân ra một nơi, dúi vào tay nàng một mảnh lụa bạch, bảo là Diên Thọ nhờ chuyển cho nàng. Nàng thất sắc, vội vàng mở xem thì ra đó là một bài thơ Diên Thọ viết tặng nàng. Nàng kinh hoàng, bở như vây, cả Diên Thọ và nàng đều đã phạm vào tội khi quân phạm thượng, đáng xử trảm cả ba họ nếu như việc bại lộ. Nàng hốt hoảng, vội đốt ngay mảnh lụa đó, để phi tang. Lưu Yến kể với nàng rằng, khi cô ta định đưa tiền hối lộ để Diên Thọ vẽ cô ta đẹp hơn thì chàng kiên quyết từ chối và chỉ nhờ cô ta đưa bào thơ này đến tận tay Chiêu quân và bắt phải thề với trời đất rằng không bao giờ tiết lộ chuyện đó. Sau sự việc ấy, cứ đêm đêm là nàng mất ngủ vì lo chuyện bại lộ. Nàng không sợ chết, nhưng nàng lo liên lụy đến gia đình và họ hàng gia tộc mình. Tuy nhiên, từng lời, từng chữ bài thơ của Diên Thọ âm vang và ngân nga trong đầu nàng, dịu ngọt, ru nàng vào giấc điệp sau những giờ khắc lo âu:Người đâu từ cung Quảng xuống trầnMặt ngọc, được một lần chiêm ngưỡngMỹ nhân đã thuộc về đấng quân vươngĐành ôm mộng tình xuống tuyền đài Chiêu quân vừa sung sướng, vừa lo sợ trước mối tình nồng nhiệt của Diên Thọ. Việc lén gửi thơ cho nàng qua người khác, điều đó chứng tỏ chàng biết trước và chấp nhận cái chết nếu sự việc bại lộ. Điều đó khiến nàng xúc động đến tận tâm can và trong lòng xúc động ấy nàng nghĩ, giá có phải chết thì mình cũng cam lòng vì được một con người tai hoa nổi danh yêu thương. Rồi một chuyện chấn động cả cung đình, lan vào cung Vĩnh Xuân, làm đám cung phi không ngớt bàn tán, đó là việc chúa Hung Nô ở phía Bắc sau nhiều năm quấy rối biên cương, đánh xuống Trung Nguyên, nay giảng hòa, cử sứ thần vào chầu Hán Nguyên Đế, xin được ban thưởng mĩ nữ Trung Nguyên về làm vợ. Vua Hán đã hứa ban cho chúa Hung Nô năm cung nữ trong hậu cung của ngài. Các cung phi trong cung Vĩnh Xuân đều lấy làm lo sợ việc ai sẽ là người bị ban gả cho chúa Hung Nô. Mọi người đồn nhau xứ đó con người sống còn mọi rợ lắm, luật lệ lại hà khắc, sơ suất là bị tội, nếu không thì cũng chết già, gửi xương nơi đất khách quê người. Các cung nữ đã từng được nhà vua lâm hạnh thầm yên tâm vì mình được vua yêu và biết đâu mình sẽ sinh ra cho nhà vua một hoàng tử. Nhiều con mắt đổ dồn về Chiêu quân, người đã được họa hình song không một lần được nhà vua đoái hoài tới. Những con mắt đố kỵ nhìn Chiêu quân như rủa rằng: “Ngươi cứ tự mãn về nhan sắc của ngươi đi, rốt cuộc thì người cũng chỉ đáng hầu hạ cho quân mọi rợ”. Chiêu quân cũng linh cảm thấy mình sẽ là một trong số năm người phải mang cống chúa Hung Nô. Trong nàng nảy sinh những tình cảm trái ngược nhau. Nàng đã thầm yêu người họa sư tài năng và không muốn phải xa rời quê cha đất tổ, sống kiếp tha hương nơi xứ sở hoang mạc xa lạ, phải làm thiếp hầu cho vị chúa tể vốn nổi tiếng là hung bạo và hiếu sắc. Mặt khác, nàng lại muốn dấn thân vào cõi ấy, nếu có khổ ải thì mình nàng gánh chịu, còn như ở lại cung của Hán Nguyên Đế, ngộ nhỡ ra một ngày nào đó, chuyện Mao Diên Thọ tư tình và tặng thơ nàng lộ ra, thì không những hai người mà cả ba họ của cả hai phải rụng đầu. Nàng nung nấu, đắn đo suốt từ khi tin dữ bay vào cung Vĩnh Xuân. Mặt ủ mày chau, thân hình rũ xuống và trong bộ dạng như vậy, nàng càng đẹp, càng quyến rũ hơn, tổ trêu ngươi thêm tụi thái giám và đám cung phi mà thôi. Ngẫm nghĩ kỹ rồi và nàng quyết chí ra đi, rời khỏi cùng Vĩnh Xuân nghĩa là thoát được cảnh tù hãm, còn sau đó ra sao, nàng sẵn sàng chấp nhận, kể cả cái chết. Nàng mang điều đó nói với gã Thái giám. Gã ta bảo nàng rằng, nàng như thế là biết điều và sẽ được nhà vua ghi công, thưởng cho họ hàng gia đình nhà nàng, song mắt gã thì lại như ngầm rủa: “ Đáng đời nhà ngươi, đồ tự mãn đang ghét. Dù ngươi không tự nguyện thì ta cũng sẽ tâu với hoàng thượng đẩy ngươi vào xứ mọi rợ đó”. Trước ngày rời Trung Nguyên về đất Hung Nô, Chiêu quân chỉ có một ước mong duy nhất là được về thăm cha mẹ, quê hương bản quán và thêm nữa, nàng được gặp mặt Diên Thọ, hoặc không thì bằng cách nào đó có đôi lời với chàng để đáp lại ân tình của chàng và cũng là nói lời vình biệt, hẹn kiếp sau tri ngộ cùng chàng. Nhưng về thăm quê thì chẳng bao giờ được, còn gặp chàng thì nguy hiểm lắm, vả lại, nhờ ai bây giờ? Chiêu quân và bốn cung phi khác được gọi đến gặp mặt nhà vua trước ngày về Hung Nô. Mỗi bước nàng đi, nỗi sầu càng tê tái. Nàng không còn cảm giác hồi hộp được gặp mặt Rồng mà chỉ còn nỗi đau sắp phải xa quê hương, xa người yêu dấu. Hán Nguyên Đế không khác tưởng tượng của nàng bao nhiêu về nhà vua, là người nhu nhược và thiếu quyết đoán, tốt bụng song dễ nghe lời xiểm nịnh. Sau khi được nhà vua cho bình thân, nghe ngài phán bảo, nàng đứng đấy mà hồn ở tận đẩu đâu. Hình như nhà vua căn dặn các cung phi rằng về đất Hung Nô, phải tận tâm phục vụ chúa Hung Nô, giữ gìn mối bang giao giữa hai nước, đó là công lớn và công ấy nhà vua sẽ ghi nhận cho gia đình được hưởng, chớ làm việc gì bất cẩn mà để xảy ra chuyện lớn thì nhà vua sẽ không tha… Với Chiêu quân, những lời ấy chì như gió thoảng đâu đâu. Chợt nàng giật mình bởi lời ám chỉ của vua Hán: “Có nghe rõ lời ta căn dặn không?’. Nàng nhìn thẳng vào mắt nhà vua và khẽ rùng mình bởi một sự cảm nhận đến tức thì, sự cảm nhận giới tính của một người đàn bà đẹp luôn được người khác chiêm ngưỡng, si mê. Và nàng mụ mị người đi bởi uy lực của nhà vua, đầu nàng như ù đi, tai nàng loáng thoáng nghe được lời nhà vua khen nàng là một trang tuyệt thế giai nhân, rồi tỏ vẻ luyến tiếc, tại sao có mĩ nữ đẹp mê hồn như vậy trong hậu cung mà ngài không được biết. Nhà vua hỏi quan Thái giám, thì quan Thái giám đổ rằng, họ biết Chiêu quân là người đẹp nên đã cho gọi đi họa hình, nhưng không hiểu sao họa sư Mao Diên Thọ họa như thế nào mà không thấy nhà vua cho triệu đến lâm hạnh. Vua Hán nổi giận quát mắng Thái giám và sau đó phán rằng hãy lưu giữ Chiêu quân lại, tìm cung phi khác thay thế. Sự tình thay đổi làm Chiêu quân rối bời không biết thưa thốt ra sao, đành cúi đầu chờ số phận an bài. Thế rồi, vua Hán cũng nguôi giận, khi Thái giám thẽ thọt tâu rằng, việc đổi cung phi khác thay cho Chiêu quân nếu như lọt ra ngoài để chúa Hung Nô biết được, sẽ cho rằng nhà vua nuốt lời hứa, tiếc rẻ một mĩ nữ, phá hỏng hòa khí giữa hai nước, khó tránh khỏi nạn binh đao xảy ra. Nhà vua nghe ra và chuẩn tấu, cho nàng cùng bốn cung phi khác lui, đưa về cung biệt lập với sự canh phòng cẩn mật của lũ thị vệ, đề phòng bất trắc, sớm hôm sau lên đường đi phương Bắc. Đêm ấy, đêm cuối cùng ngủ ở kinh đô. Những cung phi kia thở vắn than dài, rồi sụt sùi khóc lóc. Riêng Chiêu quân, nàng lặng thầm nuốt nước mắt vào trong. Đầu nàng hết nóng ran lại lạnh ngắt. Bao ý nghĩ đổ dồn đến, kể cả ý nghĩ tìm đến cái chết… Và ở vào đúng thời khắc ấy, đầu nàng âm âm như có một làn sóng âm thanh tuôn chảy, rồi những lời lẽ, ý tứ theo nhau hiện ra… Quê hương xanh xanh một dải Dòng Trường Giang quằn quại uống mình Những thửa ruộng tưới bằng mồ hôi Lưỡi cày với lên những xương người và cán giáo gãy Những giọt nước mắt chinh phụ vắng chồng ướt đẫm suốt tơ Còn ở đây, trăng kinh thành lạnh lẽo Chùm lên thành quách, lâu đài thứ ánh sáng ma chơi Làm lạnh buốt nỗi đau mỹ nữ Làm sắc bén lưỡi kiếm quân vương Làm u tối mưu mô, chước quỷ Làm mê muội những kẻ si tình Chỉ sớm mai thôi, mặt trời thức giấc Tất cả chỉ là ảo ảnh kiếp người Tan biến phía sau lưng người lê chân lên phương Bắc Chìm vào giữa hoang mạc mênh mông Đâu là cạm bẫy, đâu là trầm luân? Đâu là ruột rà, đâu là ân oán? Sầu nhân thế làm núi mòn, bể cạn Người ra đi héo hon, kẻ ở héo hon chăng Nàng thổn thức và thiếp đi trong mộng mị. Có biết đâu, cũng trong đêm ấy, chàng họa sư tài danh Mao Diên Thọ đứng ngồi không yên, bồn chồn lửa đốt ở một cung khác trong kinh thành, không biết phải làm gì, ngoài thở than và nốc rượu, chờ trời sáng…. Đám giai nhân phải lay mãi Diên Thọ mới mở đươc mắt, sau hồi lâu ngơ ngác, chàng mới chợt nhớ ra là mình cần phải dậy sớm đón đường với hi vọng được thấy Chiêu quân lần cuối. Chàng hốt hoảng vùng dậy, vò đầu bứt tai kêu khổ, vừa vận quần áo vừa lầm bầm mẳng mỏ đám giai nhân. Ngồi được lên ngựa thì mặt trời đã lên được một con sào. Đến cửa Bắc kinh thành thì được biết đoàn hộ tống năm mĩ nữ về đất Hung Nô qua đó từ lúc trời còn mờ sương. Than ôi cho kẻ mê muội và bạc nhược, Diên Thọ cứ thầm nguyền rủa mình như vậy. Giá như không nốc rượu triền miên cho vợi nỗi đau thì đâu đến nỗi ngủ quên, chậm trễ thế này. Diên Thọ đành phải quay về, bởi sức vóc thư sinh và con ngựa còm của chàng, làm sao đuổi kịp những cỗ xe tam mã truy phong của người Hung Nô trong nước mã hồi. Lòng chàng gào thét: “Chiêu quân ơi, nàng có hiểu cho lòng ta!”. Và Diên Thọ không thể ngờ được, khi chàng vừa đặt chân tới nhà thì chàng lập tức bị trói chặt, đưa giam vào ngục thất. Đám quân cấm vệ đã rình sẵn đợi chàng về. Tin họa sư của triều đình là Mao Diên Thọ đã lén tư thông với cung phi Chiêu quân, nhanh chóng lan ra khắp kinh thành. Kế đó, hàng loạt các cung phi khác, trong đó có Lưu Yến đồng tố giác là Diên Thọ đòi hối lộ vàng bạc, mỗi khi họa hình cho cung phi đều dọa là sẽ vẽ hình xấu ma chê quỷ hờn, buộc họ phải chấp nhận. Thế là tội chồng thêm tội. Diên Thọ có phải chết ngàn lần mới may ra rửa hết tội. Có ai biết cho chàng, chỉ tự thâm tâm chàng biết với chàng, rằng chưa bao giờ chàng lấy của ai một nén bạc, còn tình yêu với Chiêu quân thì chàng thừa nhận. Nếu không đạt được mối tình ấy, chàng có chết cũng chẳng sao. Sống trên cõi đời mà không có Chiêu quân bên mình thì chàng cũng coi là kiếp sống thừa và như thế chẳng qua là tự đày đọa mình mà thôi. Đêm trước ngày bị đưa ra hành hình, Diên Thọ vật nài mãi, xin được người cai ngục tốt bụng một chút sáp ong. Chàng đốt làm đèn, xé vạt áo tù làm toan, cắn tay lấy máy vẽ chân dung Vương Chiêu quân trong cảm xúc cuồng loạn. Buổi sớm hôm sau, quân cấm vệ vào ngục thất áp giải Diên Thọ đi hành hình thì họ thấy chàng nằm co ro trên sàn nhà lạnh cóng trong cơn mê sảng, miệng lảm nhảm những câu gì không rõ, còn đầu óc rối bời, quần áo rách bơm. Chàng ngửa mặt về phương Bắc mà gọi tên Chiêu quân rồi vươn cổ chờ chém!... Ở vào thời khắc ấy, Chiêu quân vẫn còn nằm trên long sàng với vòng tay ôm ghì của chúa Hung Nô, nàng giật mình thảng thốt nghe thấy tiếng gọi tên mình thoảng trong không trung, bèn gỡ tay chúa Hung Nô, ngồi dậy bàng hoàng và định thần xem mình đang ngủ mơ hay đã tỉnh? Và hôm ấy, nàng bồn chồn không yên. Rồi tin dữ từ Trung Nguyên cũng bay về. Nàng biết chuyện Mao Diên Thọ đã bị xử tội chém đầu vì khi quân phạm thượng, lén tư thông với cung phi của vua. Vì nàng mà chàng phải chết, hậu thế mất đi một danh họa tài ba. Đời nàng như thế còn gì nữa đâu. Mặc dù được chúa Hung Nô nhất mực yêu thương, chiều chuộng nhưng chẳng bao giờ mua được một nụ cười trên khóe môi. Nỗi buồn triền miên xâm chiếm hồn nàng. Nàng chỉ còn mỗi việc là nối dài thêm khúc sầu nhân thế mà nàng đã nghĩ ra từ trước buổi cất bước lên phương Bắc về làm dâu xứ Hung Nô xa xôi: … Dù cách trở nhưng một lòng hướng về phương Nam Mỗi năm một lần gửi hồn mình theo cánh én Lại âu sầu chờ xuân sang, én mang tin về Quê nhà xanh xanh, dòng nước mang mang Liệu song thân có còn khỏe mạnh, nhớ tới đứa con xấu số Và hỡi ôi, nơi chín suối chàng có thấu cho lòng thiếp Chôn mối tính chàng trao trong thân xác cô liêu Xin chàng hãy nán lại, chờ tiếp theo Lệ cạn kiệt bởi khúc sầu nhân thế Không có chỗ cho quân vương ích kỷ Không có nơi cho những kẻ lọc lừa Khúc Chiêu quân này dành nhân thế tình si Mai sau, mai sau, hỡi người đời có thấu?... Chiêu quân có sinh hạ cho chúa Hung Nô một hoàng tử, nhưng nàng không còn đủ sức sống trên cõi đời mà nuôi dưỡng con nàng. Nàng hóa thân vào vũ trụ, hóa thân vào khúc nhạc và lời ca ai oán, vượt hoang mạc mênh mông về đất Trung Nguyên, về bên dòng Trường Giang yêu dấu, nơi nuôi dưỡng tuổi thơ nàng. Trước khi khuất, nàng không hề biết đến một bí mật, rằng chàng họa sư Mao Diên Thọ, sau khi bị chém, được người quen đưa về tận quê chàng ở Đỗ Lăng chôn cất, khi thay quần áo tẩm liệm cho chàng, người ta tìm thấy trong người chàng hai bức họa hình Chiêu quân được chàng quấn vào thân mình. Một bức vẽ hình nàng trên lụa tốt, đẹp và yểu điệu đến mê hồn, đó là bức chàng họa nàng đầu tiên và đã vò đi vẽ bức khác xấu hơn để vua Hán chê nàng không cho vời, có như thế nàng mới trinh nguyên với mối tình của chàng, và bức họa ấy chàng giữ cho riêng mình, cứ đêm đêm chàng mở xem, thầm thì với bức họa những lời yêu đương say đắm. Còn bức nữa, chính là bức chàng cắn tay lấy máu mà họa trên mảnh vài thô áo tù vào cái đêm trước ngày bị chém. Bức họa bằng máu, dồn nén tâm trạng và sinh lực của chàng, nên khác lạ và linh thiêng làm sao!...Và ở đó, người ta có thể hình dung được hết thảy tâm tư, ý nghĩ của Chiêu quân những tháng ngày nàng sống nơi đất khách quê người…