Đoàng!
Tiếng nổ đanh, gọn xé màn đêm, phát ra từ khẩu súng săn của lão Đàn, va vào vách núi, dội lại thứ âm thanh tử thần, nghe thật đáng sợ. Chắc mẩm đã hạ được một con mồi lớn, lão Đàn vội lao nhanh về phía bờ suối. Đến nơi, lão vô cùng hoảng hốt, đổ sụp xuống bên người bạn săn đang rẫy rụa trong vũng máu. Trấn tĩnh lại, lão vội cởi phăng cái áo đang mặc xé toang, tìm mọi cách cầm máu cho bạn. Nhưng tất cả những cố gắng của lão đều vô vọng...
Mặc dù được vợ con của người bạn săn bãi nại, lão Đàn vẫn phải nhận án tù vì tội bất cẩn, giết người không cố ý. Cái chết oan nghiệt, tức tưởi của người bạn săn đã biến lão Đàn thành người khác hẳn. Từ một lão Đàn sởi lởi, cười nói oang oang, xông xáo, xốc vác, hay nói chuyện tiếu lâm, nay lầm lỳ như người câm. Mãn hạn tù, lão mang theo cả căn bệnh mất ngủ về nhà. Vậy mà mỗi khi chợp được mắt, lão lại thình lình choàng tỉnh, hét toáng lên, khiến vợ lão hết hồn, vừa lay gọi vừa hỏi lão, " mình mê thấy cái gì sợ lắm à?". Nhưng lần nào vợ lão cũng chỉ nhận được câu trả lời cụt lủn: Máu!
Đã gần ở tuổi "tri thiên mệnh", nhưng lão Đàn chưa bao giờ tin vào tướng số. Vốn là anh trai cày làng Cát vùng thượng du, nhưng Đàn lại mê nghề săn bắn. Cha mẹ mất sớm, Đàn được người chú họ xa nuôi từ nhỏ. Nhà ông chú họ này giàu lắm, có đến cả chục mẫu ruộng, nên Đàn trở thành lao động chính. Đàn cao to, khỏe mạnh, lại chăm chỉ, tháo vát, nên rất được lòng ông chú họ. Sau những buổi cày mệt đến bã người, Đàn vẫn say xưa ngồi xem ông chú họ lau chùi mấy khẩu súng săn. Khẩu thì to dài, có đến hai nòng đen sì. Khẩu thì chỉ có một nòng nhỏ và cái nốt ruồi bé xíu. Khẩu thì có cái báng gỗ màu cánh dán bóng lộn, nổi rõ những đường vân... Chú họ của Đàn là tay săn thiện sạ số một của làng Cát. Ông ta đã xách súng vào rừng, thì chẳng mấy khi chịu về không. Khi ruộng đất phải đưa hết vào hợp tác xã, công việc chẳng còn là bao, Đàn được ông chú cho đi săn cùng và nhanh chóng trở thành một thợ săn có hạng...
Đàn nhập ngũ lúc tuổi tròn hai mươi, khi cuộc nội chiến bắt đầu bước vào những năm tháng quyết liệt nhất. Trở thành lính Trường Sơn, với vốn chữ nghĩa chưa hết lớp sáu, nhưng nhờ tài thiện sạ, Đàn được biên chế về tổ săn bắn, chuyên việc cải thiện đời sống, thuộc tiểu đội nuôi quân của một đơn vị cầu đường, rồi lại chuyển về đơn vị hậu cần. Cứ thế, hơn mười năm đằng đẵng, hết ở Trường Sơn lại sang chiến trường K, Đàn vẫn chỉ có một nhiệm vụ là săn bắn.
Đàn xuất ngũ về làng, mang theo cả khẩu súng săn do đơn vị tặng làm kỷ niệm. Ông chú họ đã già không còn đi săn được nữa. Mấy khẩu súng ngày xưa tuy đã cũ, nhưng vẫn được ông chú họ thường xuyên tra dầu mỡ, lau chùi bóng loáng. Đàn trở thành chủ nhân của cả những cây súng này. Đàn lấy vợ. Đó là Mai, cô giáo cấp một, người dưới xuôi lên dạy học ở đây. Mai vừa qua tuổi ba mươi, cái tuổi được xem là đã toan về già rồi, nhưng bù lại, Mai khỏe mạnh, lại đẹp người, đẹp nết. Sau chiến tranh, trai làng Cát lần lượt trở về. Ngoài tuổi xuân, nhiều người còn bỏ lại nơi trận mạc một phần cơ thể. Rất nhiều người muốn đến với Mai, nhưng Mai chỉ chọn Đàn. Có lẽ đó cũng là duyên phận. Đàn và Mai sống với nhau rất hòa thuận trong căn nhà nhỏ đầu làng Cát, do ông chú họ làm cho. Thời gian cứ trôi đi, mà chờ mãi, chờ mãi, ông trời vẫn chưa cho họ có được mụn con. Vợ, chồng đã cứng tuổi, trong nhà không có tiếng trẻ nhỏ cứ thấy trống hoang, lạnh ngắt. Năm năm, rồi mười năm, tốn biết bao nhiêu là tiền thầy, tiền thuốc, Đông Y, Tây Y đủ cả, nhưng chẳng ăn thua gì. Hai người đều buồn nản buông xuôi, nhưng họ lại càng yêu thương nhau hơn. Nếu niềm vui của Mai là những học trò nhỏ, cùng hai buổi lên lớp, thì Đàn lại mê mẩn với những khẩu súng săn. Nhưng những chuyến săn của Đàn cũng thưa dần, vì nhiều khu rừng đã bị người ta phá trụi. Muông thú cũng chỉ còn có ở những khu rừng sâu, muốn săn phải đi xa cả nửa ngày đường. Chúng ngày càng khôn, phát hiện được dấu chân chúng, cũng phải vất vả rình rập nhiều đêm liền, mà nhiều khi vẫn thất bại. Người bạn săn xấu số kia kém Đàn cả chục tuổi, cũng rất mê đi săn. Chưa phải thiện sạ lắm, nhưng tài phát hiện và phán đoán hướng con mồi của anh ta, thì Đàn cũng phải nể. Thấy rồi là anh ta quên hết mọi chuyện, cứ bám theo con mồi như bị thôi miên... Cái đêm bất hạnh ấy, không ngờ anh ta lại xuất hiện ngay tại nơi con mồi sẽ đến uống nước, do chính anh ta chỉ chỗ để Đàn mai phục...
Chứng mất ngủ hành hạ lão Đàn đến khốn khổ. Bao nhiêu là thuốc, nặng nhẹ đủ cả vẫn không trị nổi. Đêm nay cũng vậy, mãi gần ba giờ sáng lão mới thiếp đi. Nhưng chưa dập cái bã dầu, lão đã ú ớ bật dậy, mồ hôi vã ra. Vợ lão vội lấy khăn lau mặt cho lão, rồi hỏi "lại thấy máu à?". Lão ngước cặp mắt còn thất sắc nhìn vợ gật đầu: Ừ, máu!
Sau chiến tranh, những người lính còn sống sót trở về đều mang theo chiến công. Vào những ngày lễ, ngày tết, trên ngực họ đỏ rực những tấm huân chương. Đã chiến tranh thì phải chém, giết. Mỗi chiến công của người lính đều nhuộm đỏ máu. Hồi mới lấy nhau, trong khi sửa soạn gắn những tấm huân chương vào bộ quân phục lưu niệm, để chồng đi dự mít tinh, Mai hỏi Đàn " Mình cũng được nhiều huân chương, chẳng thua gì mấy bác trong làng". Đàn trả lời vợ với giọng đầy tự hào:
- Đúng vậy! Nhưng tớ không giết ai cả.
Thấy vợ ngớ ra, Đàn giải thích thêm:
- Mình biết không, tổ săn của bọn tớ phải lo thực phẩm tươi sống cho cả trăm con người. Công việc nguy hiểm cũng chẳng kém gì bọn đi đánh nhau. Cũng có đứa hy sinh, hay mất chân, mất cẳng vì đụng phải mìn. Có đứa bị thú dữ tấn công, rồi mất tích luôn. Có đứa nằm mai phục chờ thú, bị rắn độc cắn chết cứng, mấy ngày sau mới tìm thấy xác... Lính đánh nhau theo mùa chiến dịch còn có thời gian nghỉ, chứ bọn tớ phải vào rừng sâu cả bốn mùa. Mùa khô còn đỡ, chứ mùa mưa thì khốn nạn lắm, khổ như chó, vắt nhiều như vãi trấu, bò rào rào...
Rồi Đàn kể cho Mai nghe, Đàn được lần lượt lên chức tổ phó, tổ trưởng, tiểu đội phó, rồi tiểu đội trưởng như thế nào. Tất cả, đều gắn với những thành tích ghê người của một tay thiện sạ. Họng súng bách phát, bách trúng của Đàn đã trở thành nỗi kinh hoàng của những đàn khỉ, đàn vọoc, những đàn nai, hươu. Những loài thú dữ tợn như hổ, như gấu, kể cả voi nữa cũng chịu chung số phận như thế. Đơn vị của Đàn đóng ở đâu, là các loài thú ở đó đều phải bạt xa. Đàn còn kể, có những con vọoc, con khỉ bị bắn khi đang còn cho con bú, hoặc về mổ ra mới biết đang mang thai. Đàn được suy tôn là chiến sỹ thi đua nhiều năm liền, cũng bởi số lượng thú rừng bị tiểu đội của anh ta bắn hạ. Thì ra là như vậy. Mai nghe mà rùng mình, hỏi lại:
- Sao các anh ác thế?
- Thì hồi đó nó vậy. Nó đểu thế, biết làm sao được.
Từ rất lâu nay, thấy vợ chồng Mai đều khỏe mạnh mà không có con, người làng Cát đều bảo là do quả báo, vì Đàn là kẻ sát sinh. Đàn chỉ trầm ngâm, không nói gì. Còn Mai, càng ngày càng tin là có sự trừng phạt của ông giời. Mai rất thương chồng, vì tuy ít học, nhưng bản thân Đàn vốn là người hiền lành, chất phác, tốt bụng. Khi Đàn vô ý gây án mạng, tuy không nói ra, nhưng Mai cũng cho là do quả báo. Nhất là sau khi nghe Đàn kể lại cái giấc mơ tái đi, tái lại, khiến Đàn khiếp đảm, la hét, thì Mai càng tin hơn. Đàn kể, đại ý rằng, giữa rừng Trường Sơn trời nắng gắt, Đàn vác súng đi săn. Đàn đi hết rừng này đến rừng khác, mà không gặp được một con thú nào. Cổ họng Đàn cháy khô vì khát. Đi mãi, đi mãi mới thấy một con suối xanh trong chảy trước mặt, Đàn mừng quá chạy đến, lấy tay bụm nước uống, nhưng thấy tanh ngòm, mặn chát, nhìn xuống thì thật vô cùng kinh hãi, đó là cả một dòng suối máu...
*
Bệnh mất ngủ của lão Đàn ngày càng trầm trọng. Người lão gầy đét, hai mắt trũng sâu. Thầy thuốc bảo, phải chuyển đi ở nơi khác, may ra mới chữa khỏi. Thế là, chẳng phải bàn cãi gì nhiều, vợ chồng lão Đàn liền bán nhà chuyển về bên ngoại dưới xuôi.
Làng Thắm quê Mai chuyên nghề dệt lụa, chỉ cách Hà Nội có mấy chục cây số. Được bà con phía ngoại giúp đỡ, cuộc sống của vợ chồng lão Đàn đã nhanh chóng ổn định. Vợ lão xin nghỉ hưu non, sắm thêm mấy khung dệt nữa, tùng tiệm cũng đủ sống. Sức khỏe lão Đàn đã có dấu hiệu hồi phục. Chứng mất ngủ đã bớt. Những cơn mê sảng, kinh hãi cũng thưa dần. Từ ngày ở tù, lão Đàn đã cố quên đi những khẩu súng săn, niềm đam mê đã theo lão suốt thời trai trẻ, từng mang lại cho đời binh nghiệp của lão những vinh quang. Vả lại, mấy thứ đồ chơi hủy hoại sự sống rất đáng sợ ấy, đã bị tịch thu hết rồi, có nhớ, có tiếc, cũng chả để làm gì. Nhưng, có một thứ mà vợ chồng lão Đàn có muốn quên đi, dùng sự yêu thương nhau, hay lấy công việc để khỏa lấp đi, cũng không được. Đó là sự khao khát được nghe tiếng gọi bố, gọi mẹ. Từ khi về làng Thắm, vào những ngày mồng một, ngày rằm, vợ chồng lão Đàn vẫn cùng nhau đi lễ chùa. Thấy vậy, người làng Thắm xì xào " Vợ chồng nhà Đàn già khú đế, còn đẻ đái thế đ... nào được nữa mà cũng bày đặt...". Họ đã lầm. Vợ chồng Đàn khấu đầu cửa phật chỉ cốt xin cho lòng dạ được thanh thản. Nhất là với lão Đàn, giờ đã ngót lục tuần rồi, mới thấy thấm thía lời răn của các cụ xưa, " ăn được của rừng, rưng rưng nước mắt". Nhớ hồi mới giải ngũ về, Đàn cứ vô tư, bô bô khoe khoang chiến tích bắn hạ thú rừng với ông chú họ. Nghe xong, tưởng ông chú sẽ tròn mắt thán phục, nhưng mặt ông chú họ của Đàn lại tái nhợt đi và bảo rằng, " Bọn tao đi săn, chỉ là thú chơi. Cả năm mới bắn hạ vài ba con, gọi là có chút hương vị rừng. Chúng mày bắn như vậy khác gì là tận diệt chúng...". Lúc ấy, Đàn chẳng để ý gì. Còn bây giờ thì lão đã hiểu ra rồi...
Bà Mai giẫy nảy, khi nghe chồng bàn việc lên trại giam xin một đứa con nuôi sắp mãn hạn tù, trai gái gì cũng được. Bình tĩnh ngồi nghe vợ dùng lý lẽ phản đối quyết liệt xong, lão Đàn mới ôn tồn phân giải:
- Tôi với bà tuổi này rồi, làm sao chăm nổi đứa ẵm ngửa, thời buổi trò chơi điện tử tùm lum như thế, làm sao để mắt được đến đứa choai choai. Còn mấy năm cuối đời, tôi muốn tạ lỗi với giời đất, xin tu tâm, cố gieo lấy được một quả phúc, chả lẽ bà lại không bằng lòng? Đâu phải cứ ở tù là xấu cả. Tôi ở rồi tôi biết, có nhiều cảnh đời, oan khiên, ngang trái lắm.
Thế rồi vào một buổi trưa, trời nắng chang, sau mấy ngày đến tận trại giam X tìm hiểu về, lão Đàn đã oang oang réo vợ từ ngoài cổng. Lão mừng như người bắt được của, dúi vào tay vợ tập hồ sơ:
- Đây! Bà đọc đi, đúng là trời cho mình rồi. Thằng này khá lắm. Đọc kỹ hồ sơ xong, nhìn thấy hắn là tôi ưng ngay.
- Thế ông chưa nói chuyện được với nó à?
- Chưa, tay giám thị bảo phải xem ý nó thế nào đã chứ.
Vốn tính cẩn trọng, bà Mai lật giở từng trang hồ sơ, do lão Đàn xin sao của trại giam mang về. Vừa đọc, bà vừa lấy bút đánh dấu những chỗ cần phải hỏi lại chồng. Sau khi nghe lão Đàn nói rõ từng điểm một, bà Mai cũng mừng ra mặt. Bà nghĩ, chẳng lẽ ông giời cứ bắt tội vợ chồng mình mãi. Rồi bà cũng phấp phỏng chờ...
*
Trưởng giám thị trại giam X đã ở tuổi nghỉ hưu. Suốt gần hai mươi năm đảm trách công việc ở đây, ông biết rất rõ lai lịch của Lương Mậu Thân, người bị kết án tử hình lúc chưa đầy hai mươi tuổi, vì can tội vận chuyển chất ma túy...
Trong một ngày hỗn loạn hồi tết Mậu Thân 1968, Cô nhi viện Sài Gòn nhận được một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trên hè phố. Nên người ta mới đặt luôn tên đứa bé như vậy. Còn "Lương", là lương thiện, lương tâm, chứ không phải họ của cậu ta. Biến cố 1975 xảy ra, người Mỹ bỏ chạy. Những đứa trẻ trong Cô nhi viện tan tác hết. Đứa bị mang theo đi di tản. Đứa bỏ trốn. Lương Mậu Thân bị cuốn vào lũ trẻ bụi đời. Nó là đứa trẻ thông minh, khỏe mạnh, gan dạ, dễ bảo, lại đọc thông viết thạo, nhưng cục tính, nên thường được đám đàn anh giao cho việc đưa một thùng hàng, gồm quần áo, đồ trang sức, mỹ phẩm... từ Sài Gòn ra một thành phố ở miền Trung, rồi lại nhận một gói hàng khác đã được niêm phong kín, từ đó mang về. Khi bị bắt, nó mới biết lâu nay nó bị lừa. Nó không ngờ mình đã vô tình gián tiếp, góp phần hủy hoại đồng loại, bằng thứ chất độc vô cùng tác hại đó. Nhưng pháp luật vẫn là pháp luật, những kẻ như nó phải bị nghiêm trị. Lúc mới bị bắt, nó đã được xem những cuốn phim về hậu quả đáng sợ của chất ma túy. Người và cảnh trong phim đã làm nó nhiều lần bật khóc. Nó bị đưa về trại giam X để chờ thi hành án. Trại X nằm bên bờ một con suối rộng, có cây cầu khỉ bắc qua chỗ thác nước, phía dưới là vực sâu, nước cuồn cuộn chảy, tung bọt trắng xóa. Trong một lần được ra suối tắm, nó đang mê mải nhìn hai tù nhân đang oằn lưng gánh củi qua cầu, thì thật bất ngờ cây cầu gẫy rời ra, cả hai đều rơi xuống vực. Không kịp cởi quần áo, nó lao thẳng xuống từ độ cao hơn mười mét. Cả hai tù nhân đều được nó cứu sống. Còn nó thì bị gãy chân phải. Do có hành động dũng cảm cứu người trong cơn hiểm nghèo này, Lương Mậu Thân được hạ mức án xuống còn chung thân. Thoát chết, Lương Mậu Thân như được sinh ra lần nữa. Nhờ tuổi trẻ và sức khỏe, nó thường xuyên vượt định mức lao động của trại và chăm chỉ theo học các lớp bổ túc văn hóa dành cho tù nhân. Nó rất có năng khiếu về các môn tự nhiên. Hôm được nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học bổ túc văn hóa, nó mừng như một đứa trẻ. Có người bạn tù bảo nó "mày chung thân, thì bằng cấp làm đ... gì ". Nó không nói lại, nhưng trong bụng thì vui, vui đến mấy ngày liền...
Tin Lương Mậu Thân bị bắn trọng thương nhanh chóng lan ra khắp trại X. Chuyện xảy ra thật bất ngờ. Chiều ngày một tết dương lịch, cả trại được nghỉ. Sân bóng chuyền huyên náo tiếng hò reo. Một tù nhân phạm tội giết người tìm cách trốn trại. Bị cán bộ trực ban phát hiện truy đuổi, hắn chạy thục mạng về phía hàng cây to, định vượt rào tẩu thoát. Người cán bộ trực ban đuổi kịp, dùng võ thuật quật hắn ngã xuống. Nhưng tên này cũng là tay cao thủ, nên vật lộn chống trả quyết liệt. Nghe tiếng hô, Lương Mậu Thân ngồi đọc sách gần đó chạy đến, thì thấy người cán bộ trực ban và tên trốn tù đã buông nhau ra. Tên trốn tù đã cướp được khẩu súng ngắn của người trực ban. Hắn lên đạn và chĩa thẳng súng vào anh ta bóp cò. Nhanh như cắt, Lương Mậu Thân lao đến chắn giữa hai người. Súng nổ. Thân lăn ra bất động. Rất may, người cán bộ trực ban cũng đã kịp thời đá văng khẩu súng khỏi tay tên trốn tù...
Thân nhanh chóng được chở đi cấp cứu trong cơn nguy kịch. Viên đạn trúng ngực trái, chỉ cách quả tim chưa đầy một phân. Sau phẫu thuật, đến ngày thứ ba Thân mới tỉnh lại. Khi thấy mấy người bạn tù, và mấy cán bộ trại nước mắt đầm đìa vây quanh, Thân khẽ mỉm cười và nước mắt cũng ứa ra. Cũng lại nhờ sức khỏe và tuổi trẻ, Thân hồi phục khá nhanh. Ai cũng bảo, vậy là thằng Thân có quý nhân phù trợ, lại cao số lắm, có cho vào cối giã nó cũng không chết được. Sau vụ này, Thân được hạ mức án tù xuống còn 10 năm và được xét đặc sá ngay, vì Thân cũng đã thụ án được 6 năm, quá nửa thời gian rồi.
*
Thấy Thân thập thò ngoài cửa phòng, ông trưởng giám thị liền gọi:
- Thân đấy hả, vào đây.
- Thưa, bác cho gọi cháu?
- Ừ, đơn xin ở lại làm công nhân của cậu cấp trên đang xét, chắc là được thôi, mà cậu đã nghĩ chín chưa?
- Thưa, cháu nghĩ kỹ lắm rồi. Cháu không bố mẹ, không quê hương, không thân thích, không nhà cửa, thì cháu còn biết về đâu được.
Ông trưởng giám thị liền thân mật nói với Thân, như nói với con trai:
- Đấy, đấy! chính cái chỗ tứ cố vô thân ấy mới là chuyện đau đầu đấy. Nhưng mày còn trẻ, lại giỏi giang, có trí, ở lại trại làm mấy việc linh tinh, rồi vợ con vào nữa là thúi chí, uổng lắm con ạ. Cậu trực ban được mày chắn đạn cho, bảo mời mày về, gả em gái cho mày, rồi cho ở rể luôn. Nhưng, bác thấy vẫn không ổn lắm. Hay là mày về dưới xuôi, gần Hà Nội?
- Thôi, thôi bác ơi! Cháu có ai quen biết ở dưới đó đâu, lại nghề ngỗng chả có thì sống làm sao, chẳng lẽ lại lang thang, lại...
Không để Thân nói hết, ông trưởng giám thị mắng át luôn:
- Nghề ở đâu? Nghề ở hai bàn tay này này. Làm thằng đàn ông là cứ phải thi thố cho hết cái tài, cái chí với thiên hạ, mới không là thằng hèn, con ạ!
Thân không dám nói gì, ngồi im. Ông trưởng giám thị cũng ngồi im. Lát sau, ông nhìn Thân, gật gật đầu rồi hạ giọng:
- Mày đã hai lăm tuổi rồi, sắp "tam thập nhi lập" mà vẫn lêu têu, nhưng có chí và biết tu tỉnh thì không bao giờ là muộn cả. Nghe bác nói đây, có hai vợ chồng già người làng Thắm, cái làng này dệt lụa nổi tiếng lắm. Họ không có con, muốn được nhận mày về làm con nuôi. Họ lên đây từ mấy tuần trước. Trại cũng đã cho người về tận nơi tìm hiểu kỹ và làm việc với địa phương. Nói chung là rất thuận. Bác chỉ muốn điều tốt cho mày, chứ mày đi, cả trại này ai cũng tiếc. Bác cho đây cũng là duyên ông trời định thế. Nếu mày chịu, bác sẽ báo cho vợ chồng người ta.
- Vậy, cháu xin nghe theo bác.
*
Từ ngày có Thân, vợ chồng lão Đàn như trẻ ra. Chứng mất ngủ của lão Đàn mất hẳn. Cả hai ông, bà đều chăm Thân như đứa con do chính mình đẻ ra. Ngày mới về, Thân thường phải nghe những lời trêu chọc của người làng, nhất là của các cô gái "con nuôi gì mà nhớn tồng ngồng như cây sào, không biết đã bỏ bú chưa nữa...". Thân mặc kệ, lao vào ôn thi đại học và đậu vào Bách khoa cái phóc, khiến không chỉ bố mẹ nuôi mà cả làng Thắm đều phục lăn. Lão Đàn sướng quá, bàn với vợ xong, liền bảo Thân:
- Anh đã quá tuổi lấy vợ rồi. Có con nhỏ ở xóm bên kháu lắm. Hay là để bọn ta cưới vợ cho anh, kiếm tý cháu bế. Rồi anh muốn đi học đến bao giờ cũng được.
Hiểu ý bố mẹ nuôi, Thân liền thưa:
- Con thích làng Thắm này lắm đấy bố mẹ ạ. Bố chả từng bảo, làm trai phải có bốn việc, lần lượt là, công danh, lấy vợ, làm nhà, song thân khuất núi, là gì. Xin cứ để con từ từ.
Vài tháng đầu mới nhập học, Thân đảo về nhà luôn, nhưng mấy tháng sau về thưa dần rồi mất hút. Bà Mai lo lắng bảo chồng "ông lên xem thằng bé thế nào, có ốm đau gì không mà biệt tăm thế". Lão Đàn lật đật ra thăm con, ở với Thân được nửa ngày. Thấy lão Đàn lộn về ngay, bà Mai mặt tái mét, vội hỏi rối rít:
- Sao, thằng bé ốm, hay xảy ra chuyện gì rồi à?
- Không! nó khỏe, chỉ hơi gầy đi thôi. Nó tham lam, vừa học ở Bách Khoa, lại vừa học thêm tiếng Anh và hai cái chuyên ngành gì khác nữa. Nên đến ăn cơm cũng và cả vào mũi...
- Khổ thân nó quá, ta phải chịu khó nhín, mà gửi thêm tiền cho nó ông ạ.
- Tôi cũng bảo thế, nhưng nó bảo, thay vì thể dục, sáng sớm nào nó cũng đi vác đá lạnh cho các nhà hàng. Tối thứ bảy, tối chủ nhật lại đi làm gia sư cho mấy đứa con nhà giàu. Nó còn bảo, bố về nói với mẹ, nếu gửi thêm tiền lên là con bỏ học luôn đấy.
- Cha bố cái thằng, học một cái là được rồi, còn học thêm mấy cái nữa để làm gì cho khổ thế không biết?
- Nó bảo, cái nghề dệt có từ ngàn năm nay của làng Thắm quý lắm, hái ra vàng ra bạc đấy. Nó phải lo học được nhiều thứ để về làng mở cái xưởng dệt lụa...
- Gớm! Ai bày đặt cho nó lo xa thế. Khó lắm, chứ ông tưởng dễ à?
- Thì ai bảo dễ. Nhưng thằng này nó lạ lắm. Có khi nó làm được thật đấy bà ạ.
Năm tháng qua đi. Hàng ngày, hai vợ chồng lão Đàn vẫn nhận hàng về dệt gia công cho mấy xưởng dệt trong làng, để có tiền gửi thêm cho Thân. Mấy năm cuối Thân được học bổng. Tiền nhà gửi, Thân vẫn nhận vì sợ bố mẹ nuôi buồn, nhưng anh đã gửi cả vào ngân hàng...
Thân đã hoàn thành việc học hành ở Hà Nội, với thành tích xuất sắc ở tất cả các chuyên ngành: kỹ thuật cơ khí, công nghệ thông tin, đồ họa, thiết kế thời trang, kể cả ngoại ngữ tiếng Anh. Trong vòng có gần sáu năm mà làm được những bấy nhiêu việc, quả là đáng nể. Không kịp sả hơi, Thân lo ngay việc mở doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất, kinh doanh hàng tơ lụa. Thủ tục thì đơn giản, nhưng khó nhất lại ở chuyện vốn liếng. Hai già, một trẻ bàn đi, tính lại mãi, cuối cùng lão Đàn bảo:
- Thôi thì ta lại dùng cách cũ mèm là bán nhà, vay tiền bà con dòng họ, rồi vay ngân hàng.
Hai từ "cũ mèm" của bố nuôi đã lóe lên trong Thân ý tưởng khác. Anh đóng cửa, ngồi lỳ trong phòng mấy ngày liền, tập trung viết dự án " Bảo tồn và quảng bá sản phẩm lụa cổ truyền làng Thắm". Dự án của anh còn đề cập đến việc chống ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đang là vấn đề thời sự rất bức xúc của làng Thắm hiện nay. Không ngờ, dự án của Thân đã thu hút được ngay sự chú ý của các nhà khoa học, rồi các nhà đầu tư. Người trong giới kinh doanh bảo " ĐaMa-Silk ra đời bằng tư duy kiểu Lương Mậu Thân", khiến lão Đàn khoái chí cười tít mắt. Thân lấy tên bố mẹ nuôi ghép lại thành tên của doanh nghiệp, rồi giải thích với lão Đàn:
- Bố ơi! Nghĩa là, tiền của sẽ nhiều, sinh sôi, nảy nở đông đàn dài lũ, nhưng tất cả đều hướng đến ngày mai, hướng đến tương lai.
Nhờ trời, việc làm ăn của ĐaMa-Silk ngày càng phát đạt. Thời gian đầu, lụa do ĐaMa �Silk sản xuất đẹp thì có đẹp thật, nhưng rất kén khách, bán không chạy. Hàng ngày lướt qua cửa hàng, thấy lèo tèo vài người khách nghiêng ngó một chút rồi lắc đầu kêu đắt, còn Thân thì đi suốt, hết Hà Nội, Hải Phòng lại Sài Gòn, bà Mai lo lắm.
Nhưng lão Đàn vẫn xua tay tỉnh bơ:
- Bà đừng vội lo. Thằng Thân nó tính trước cả rồi. Nó bảo, lụa của mình làm là loại sịn, đúng theo cách cổ truyền, người ít tiền không mó vào được đâu. Kinh doanh mà nhắm vào móc túi thằng nghèo là tàn mạt, sập tiệm liền. Bán chậm, nhưng ngay từ đầu phải khẳng định chất lượng cao cấp của lụa ĐaMa-Silk. Đây sẽ là sản phẩm chính. Sắp tới, thằng Thân sẽ tung ra loại lụa phục vụ giới trung lưu, giới bình dân, giới trẻ và cả những sản phẩm may sẵn từ lụa nữa...
*
Cả làng Thắm xôn xao, khi biết Doanh nghiệp tư nhân ĐaMa- Silk đã có một cửa hàng lụa ở làng, lúc nào cũng tấp nập khách vào ra, nay lại đang chuẩn bị khai trương thêm một cửa hàng lụa nữa ngay tại Hà Nội.
Khi biết đó không phải là tin đồn nhảm, giám đốc Hoàng Sấn liền cho gọi người phụ trách kỹ thuật của công ty SanHung- Silk lên, hỏi:
- Các anh đã tìm ra bí quyết của thằng ĐaMa-Silk chưa? Nó sinh sau, đẻ muộn hơn mình mấy năm trời, mà qua mặt mình cái vèo.
- Dạ! Bí quyết thì cũng vẫn là công nghệ mới và...
- Công nghệ thì mình cũng mới kém gì nó. Còn thua nó cái gì nữa, anh cứ nói toạc mẹ nó ra xem nào, ấp úng mãi...
- Thằng Lương Mậu Thân con lão Đàn, được đào tạo chuyên nghiệp, vừa giỏi kỹ thuật, rất rành đồ họa, lại giỏi cả thiết kế thời trang. Xem ra, ở làng này không thằng nào địch nổi được với thằng ĐaMa-Silk.
- Thế thì đúng là mình thua nó thật rồi còn gì...
Nói vậy, nhưng giám đốc Sấn vẫn hậm hực lắm. Ngay sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, sản phẩm vải thô, thảm len ế ẩm, khung dệt kiểu cũ phải vứt sọt rác, Hoàng Sấn là người đầu tiên mở công ty tư nhân ở cái làng này. Công ty SanHung-Silk của hắn từng có thời hoàng kim. Lúc ấy, thằng ĐaMa-Silk còn ở nước nam nứ nào. Vậy mà bây giờ... Sấn lại điện thoại cho người phụ trách kỹ thuật
- Này! anh cũng tìm ngay cho tôi mấy thằng kỹ sư tay nghề cao như bên ĐaMa-Silk nhé. Nó có cái gì mình có cái ấy. Thế nhé!
*
Trưởng phòng marketing của ĐaMa-Silk mừng rơn, khi thấy Thân lái chiếc BMW vào sân. Thân xách cặp vào thẳng phòng thị trường:
- Ở nhà có tình hình gì vui không?
- Dạ, không! Nhưng có tin này phải báo để anh biết ngay. Mấy tháng nữa Tổng thống Mỹ sẽ dẫn theo một đoàn doanh nhân thăm chính thức Việt Nam.
- Thế à? Tin quan trọng đấy. Chính xác chứ?
- Thưa, chính xác!
- Vậy thể nào mấy hôm nữa báo chí cũng sẽ loan tin, người ta cũng sẽ biết hết.
- Hình như bên SanHung- Silk họ cũng biết rồi anh ạ.
- SanHung-Silk hả? Không phải tự cao, chủ quan, nhưng cách làm ăn của cậu Sấn mình không phục và mình cũng chưa bao giờ coi SanHung-Silk là đối thủ cả.
- Chuyện hắn xỏ lá mình năm ngoái, lẽ ra phải làm rõ, sao anh lại cho qua?
- Mình chỉ trách mấy cậu KCS của ta thiếu cảnh giác thôi. Quan trọng là ở chỗ, khách hàng người ta đã hiểu rõ, thằng SanHung-Silk sẽ khó mở đường làm ăn. Vậy cần gì mình phải làm lớn chuyện.
Thân lắc đầu, nhớ lại vụ lô hàng lụa cao cấp của mình xuất sang Hồng Công, một số kiện lại bị lẫn vào thứ lụa pha sợi tổng hợp của SanHung-Silk. Nhưng vì nhãn hiệu ĐaMa-Silk được in chìm trên lụa, một kỹ thuật mà SaHung-Silk không làm nổi, trắng đen rõ ràng, nên được khách hàng thông cảm ngay.
- Vậy còn thông tin kia mình chuẩn bị thế nào anh?
- Mình sẽ trao đổi sau, gọi cậu phụ trách kỹ thuật lên ngay phòng mình nhé. Mà thôi, có lẽ cái này mình phải trực tiếp làm. À này! cậu tạm thời cho dừng lại ngay việc khai trương cửa hàng tại Hà Nội nhé.
- Sao vậy anh? Đã chuẩn bị đâu vào đấy cả rồi.
- Cứ nghe mình cho dừng lại đi.
Thân ngồi trầm ngâm, rồi nhìn đồng hồ, đã hơn 11 giờ. Anh gọi điện về nhà:
- Bố ơi!...
- Bố đây! anh về đến Hà Nội chưa? Dưới Hải Phòng có mưa không? Đang ở văn phòng rồi à, thế thì về nhà ăn cơm, bố mẹ đợi.
- Bố nói với mẹ, con có chút việc, chiều con về. Con cúp máy đây.
Vừa ăn xong suất cơm do người bảo vệ mang lên, Thân lao ngay vào bàn vi tính và ngồi lỳ luôn đến sẩm tối. Nếu không có chuông điện thoại réo liên hồi của mẹ nuôi, chắc là Thân quên luôn cả về nhà...
Suốt đêm gần như thức trắng với cái laptop, lại mất thêm cả buổi sáng nữa, bây giờ Thân mới thở phào, gọi người phụ trách kỹ thuật lên, đưa cho anh ta cái đĩa CD:
- Đây là hoa văn mới nhất cho lô hàng cao cấp, đặc biệt quan trọng, khoảng 300 mét khổ 90. Công thức sợi và phối màu phải đúng như trong này.
- Số lượng quá ít như vậy, giá thành sẽ rất cao đấy ạ.
- Phải chấp nhận thôi. Không thể làm khác được. Cậu cho triển khai ngay, tớ sẽ trực tiếp kiểm tra lại từng mét một đấy nhé.
Nói vậy cho vui, chứ Thân rất tin anh em. Những vị trí then chốt của ĐaMa-Silk đều do đích thân anh phỏng vấn, tuyển chọn.
Khi báo chí loan tin ngày giờ chính thức chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ cùng phu nhân và đoàn tùy tùng, thì mọi việc Thân chuẩn bị cũng hoàn tất.
Có người ví, thời bao cấp làng Thắm tiều tụy như mụ gái già chờ ngày xuống lỗ, thì bây giờ là một thiếu nữ kiều diễm, đầy sức xuân. Làng Thắm thay da, đổi thịt từng ngày, người đi làm ăn xa, lâu ngày về quê cũng thấy lạ. Làng Thắm có hẳn một khu bán sản phẩm lụa, gồm hai dãy nhà cao tầng khang trang, chẳng thua kém gì Hàng Ngang, Hàng Đào của Hà Nội.
Trưởng phòng mareketing báo cho Thân biết không khí nhộn nhịp, thi nhau chuẩn bị hàng hóa các kiểu, cùng việc sửa sang đèn hoa trang hoàng cửa hàng, của các chủ tiệm lụa làng Thắm. Nghe xong, Thân bảo:
- Ta cũng chỉnh trang lại cho dễ coi. Hình thức cũng rất cần. Còn sản xuất vẫn giữ công suất bình thường như lâu nay thôi. Với đoàn thượng khách Hoa Kỳ, ta phải chọn cách làm thiết thực, hiệu quả, tất nhiên là khó, nếu không muốn nói là hơi phiêu và phải chấp nhận tốn kém. Cụ thề là thế này...
Anh chàng phụ trách mareketing trạc tuổi Thân, về làm với anh từ những buổi đầu, cũng thông minh, tháo vát, mẫn cán, và cũng không kém phần táo bạo. Vậy mà nghe Thân nói xong, mặt anh ta tái mét, vì lo. Thấy thế, Thân liền nói thêm:
- Có gì đâu mà cậu có vẻ hoang mang thế. Đó là chuyện rất bình thường ở nước người ta. Và, cũng chỉ những sản phẩm cao cấp thứ thiệt, của những doanh nghiệp đầy tự tin, mới đủ lực, đủ gan, dám làm. Mình cũng sẽ tham gia cùng cậu, được chưa.
*
19 giờ ngày thứ hai của chuyến viếng thăm Việt Nam. Sau tiệc chiêu đãi, phu nhân và con gái Tổng thống Hoa Kỳ còn chưa hết xúc động, bởi sự thân thiện và lòng hiếu khách hiếm có của đất nước và con người Việt Nam, thì nhận được món quà đặt trong hộp gỗ thông, trang trí rất sang trọng, kèm theo một phong thư, do lễ tân của khách sạn chuyển lên, tất nhiên là đã được bộ phận an ninh của Tổng thống soi xét rất kỹ. Thư viết bằng tiếng Anh, rất ngắn gọn:
Xin chúc mừng Quý bà và tiểu thư đã viếng thăm đất nước chúng tôi. Việt Nam luôn là điểm đến tuyệt vời của những người bạn từ xứ sở của nữ thần Tự Do. Xin trân trọng gửi tặng Quý Bà và tiểu thư món quà nhỏ, là sản phẩm cổ truyền, được làm ra từ một làng nghề đã có hơn ngàn năm tuổi của Việt Nam.Trân trọng!Giám đốc ĐaMa-silkLương Mậu ThânMở hộp ra, Đệ nhất phu nhân của nước Mỹ và con gái vô cùng cảm động, khi nâng trên tay những tấm lụa mịn màng, mát lạnh, màu sắc trang nhã, mà có lẽ họ chưa từng được thấy ở đâu. Đặc biệt là hai bộ áo, váy, ghi tên từng người, mặc vào rất vừa vặn, như được may đo ngay tại nước Mỹ vậy. Bà Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ liền cho gọi B. Jane, một chuyên gia sành sỏi về hàng tơ lụa, con gái của nhà tỷ phú dệt may B. Demille, cùng đi trong đoàn đến, để khoe. B.Jane còn rất trẻ và xinh đẹp, có lẽ chỉ độ 25 � 27 tuổi la cùng. Cô ta cầm tấm lụa vò trong tay, xoa xoa lên mặt, soi qua bóng điện, rồi gật đầu trầm trồ " tuyệt vời, rất tuyệt vời"...
*
Dư luận quốc tế rất quan tâm đến quan điểm trước và sau chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ. Kết thúc buổi họp báo tại sảnh đường Nhà Trắng ở Oa-sinh-tơn, với rất nhiều câu hỏi hóc búa, nhưng thú vị, Tổng thống Mỹ rất vui. Ông về phòng riêng, chìm vào những âm thanh êm dịu của một bản nhạc không lời, dân ca Việt Nam và lơ đãng liếc qua bản kê những món quà tặng lưu niệm để trên bàn. Đến dòng chữ ghi "hộp gỗ thông bộ comle gửi từ doanh nghiệp ĐaMa-Silk", ông dừng lại, gật gật đầu mấy giây, rồi bấm chuông bảo người thư ký mang đến. Ông ngắm nghía cái bì thư được trang trí rất đẹp, rồi mới đọc những dòng chữ:
Chào mừng Ngài Tổng thống thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Chuyến viếng thăm của Ngài đã mở ra một chương mới trong lịch sử bang giao Việt � Mỹ. Xin trân trọng kính tặng Ngài món quà lưu niệm, bộ comle được làm từ loại vải cao cấp sản xuất bằng công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ, kết hợp với lụa tơ tằm truyền thống có tự ngàn đời của Việt Nam. Xin kính gửi tới Ngài lời chúc sức khỏe.Giám đốc ĐaMa-SilkQuả là bộ comle may rất đẹp, rất khéo, ông mặc rất vừa, lại đúng màu ông thích, kể cả màu vải lụa lót bên trong. Ông xoay người ngắm mình trong gương hồi lâu, rồi vừa gật gù vừa đi đi lại trong phòng, thầm thán phục ý nghĩa thâm thúy, sâu xa, ẩn chứa trong món quà lưu niệm của một doanh nhân Việt Nam.
*
Đoàn của Tổng thống Mỹ kết thúc chuyến thăm Việt Nam đã được gần một tháng. Thân mở video, xem lại những hình ảnh hoạt động thăm viếng của Tổng thống và Đoàn doanh nhân Hoa Kỳ. Trưởng phòng mareketing bước vào, xin lịch khai trương chính thức của cửa hàng ngoài Hà Nội. Nhưng Thân vẫn nói là chưa vội. Nhìn vẻ sốt ruột của anh ta, Thân bảo:
- Cậu biết sự tích An Tiêm trồng dưa hấu trên đảo hoang rồi chứ. Thật bái phục sự chờ đợi của cụ An Tiêm.
- Nhưng mình có chờ đợi gì đâu anh?
- Đúng! không chờ đợi gì, chỉ chờ cậu bớt cái bệnh sốt ruột đi thôi.
Cả hai cùng cười vui. Nhưng chỉ mới ba ngày sau, vừa đặt chân đến Nha Trang, trưởng phòng mareketing đã bị Thân gọi quay về, với nhiệm vụ tìm thầy coi ngày tốt, để trong vòng một tuần phải khai trương gấp cửa hàng ở Hà Nội. Khi mọi việc đã hoàn tất, chỉ còn việc bấm nút khởi động, Thân mới gọi trưởng phòng mareketing lên, đưa cho anh ta một hộp nhỏ, được bọc rất cẩn thận bằng xốp, bảo:
- Cậu mở ra xem đi! lâu nay chờ, là chờ cái này này.
Thì ra, đó là thư của Tổng thống Mỹ viết trên loại giấy đặc biệt khổ A 4, được lồng trong khung kính mạ vàng, có cả con dấu và chữ ký. Phía dưới là bản dịch tiếng Việt đã qua công chứng.
Kính gửi ngài Giám đốc ĐaMa-Silk Lương Mậu Thân. Tôi rất hân hạnh nhận được món quà lưu niệm do ngài gửi tặng. Bộ comle rất đẹp, với phần kết hợp không thể tách rời của lụa cổ truyền chất lượng tuyệt hảo, do chính ĐaMa-Silk của ngài sản xuất. Tôi rất khâm phục và ngưỡng mộ nền văn hóa tinh tế của Việt Nam. Với bộ comle giàu ý nghĩa sâu sắc này, tôi sẽ rất vui khi có mặt tại các dạ hội và khi tham dự các sự kiện trọng đại.
Xin được trân trọng gửi đến ngài lời cảm ơn chân thành.
Đọc xong, anh chàng mareketing trố mắt nhìn Thân:
- Xin bái phục đại ca, bái phục đại sư phụ.
Những hình ảnh khách hàng chen nhau để được nhìn tận mắt, được đọc thư của Tổng thống Mỹ, trong ngày khai trương cửa hàng của ĐaMa-Silk tại Thủ đô, nhanh chóng phát tán trên mạng, đã làm chấn động cả giới kinh doanh lụa làng Thắm. Và, cũng lan đi rất nhanh tin đồn, ngay trong ngày khai trương này, ĐaMa- Silk đã bán hết veo hơn ngàn mét lụa cao cấp...
Nghe thiên hạ ồn ào như vậy, bề ngoài giám đốc SanHung-Silk, Hoàng Sấn vẫn cố làm ra vẻ bình thản, tỉnh bơ, nhưng ruột gan thì như có ai sát muối ớt. Cả ngày, hắn đóng cửa ngồi lỳ trong phòng, thỉnh thoảng lại lẩm bẩm, nhăn mặt, văng tục:
- Mẹ kiếp, cứ như là ảo thuật. Thằng tử tù này nó làm thế đ... nào mà tài thế.
*
Khai trương xong, khi cửa hàng ở Hà Nội đã hoạt động được vài tháng rồi, Thân mới thấy thấm mệt. Giữa thu, trời xanh thăm thẳm. Gió hây hây từ sông Nhân Giang thổi vào khu nhà văn phòng của ĐaMa-Silk mát rượi. Thân mở tung cửa sổ, đưa mắt vời vợi nhìn về phía trời xa. Thấm thoát, đã gần mười năm kể từ ngày anh được ra khỏi tù. Anh miên man nhớ về những người bạn tù, nhớ về ông trưởng giám thị trại giam nghiêm khắc mà tốt bụng. Nhớ đến bố mẹ nuôi, luôn ở bên an ủi, động viên anh. Từ ẵm ngửa, Thân đã không được ấp u bằng hơi ấm của người mẹ, sự lo toan che chở của người cha. Nhưng khi được về sống với bố mẹ nuôi, anh đã ngày càng cảm nhận đước sự ấm cúng của một gia đình. Nếu không có gia đình, có lẽ người ta sẽ vô cùng bất hạnh. Thân thầm cảm ơn ông trời, cảm ơn số phận, đã cho anh gặp được những người thật tốt...
Chuông điện thoại reo. Cậu bảo vệ báo rằng, bố mẹ nuôi anh đến. Thân vội chạy xuống đón lão Đàn và bà Mai lên phòng khách. Vừa rót nước, chưa kịp hỏi có việc gì gấp mà cả hai cụ cùng kéo nhau lên thế này, thì chuông điện thoại lại reo. Cậu bảo vệ lại báo, có một cô gái người Mỹ xin được gặp giám đốc. Thân mời bố mẹ tạm sang phòng bên. Cô gái đi cùng lái xe, cũng là người phiên dịch. Sau mấy câu xã giao, người phiên dịch giới thiệu, cô gái tên là B.Jane, tiến sỹ, sang Việt Nam tìm hiểu về sản phẩm tơ lụa cổ truyền. Nghe vậy, Thân đề nghị nói chuyện thẳng bằng tiếng Anh cho tiện.
Vợ chồng lão Đàn ở phòng bên, nghe Thân và cô gái người Mỹ xinh đẹp kia nói chuyện với nhau rất hào hứng, sôi nổi, thỉnh thoảng lại cùng cười vui vẻ, thoải mái, thì đoán chắc là khách đến đặt hàng. Lão Đàn bảo vợ:
- Bà thấy không, thằng Thân nhà ta, cũng nói giỏi tiếng nước họ, tướng tá cũng cao to, ngồi làm việc, đi đứng với người nước ngoài phải cỡ như nó mới không thấy bị yếu.
- Ông thì chỉ được.... Thế ông đã cao to bằng ai chưa. Mà này, tý nữa ông cứ nói thẳng chuyện con nhỏ xóm bên với nó, rồi tôi sẽ chêm thêm vào. Lần này đừng để nó khất lần nữa. Làm ăn gì thì làm ăn, cũng phải lo chuyện vợ con nữa chứ.
Thấy Thân tiễn cô gái người Mỹ kia ra tận xe, mà cứ dùng dằng mãi, lão Đàn buột miệng:
- Kìa, bà thấy rồi chứ, không chừng thằng này nó quen con bé đó từ bao giờ rồi cũng nên.
- Ông thì chỉ khéo đoán mò. Người ta tận bên Mỹ.
- Mỹ thì Mỹ chứ, thời bây giờ xa xôi gì.
Vừa thấy Thân mặt mày tươi rói bước vào, bà Mai đã hỏi ngay:
- Gớm, anh chuyện trò với họ bằng tiếng Tây những gì mà say xưa thế?
- Vui, vui lắm bố mẹ ạ. Đây là cô gái từng tham gia trong đoàn doanh nhân cùng Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam. Cô ta còn trẻ, chưa chồng và là chuyên gia có hạng về sản phẩm tơ lụa...
- Làm sao anh biết cô ta hiểu biết nhiều về tơ lụa của nước mình? � Bà Mai hỏi.
- Dạ, cô ta biết rõ loại lụa nào làm từ tơ tằm ăn lá sắn, loại nào làm bằng tơ tằm ăn lá dâu. Cách sản xuất lụa theo phương pháp cổ truyền và theo phương pháp hiện đại. Con đưa ra mấy mẫu sản phảm, cô ta chỉ xem qua là biết ngay. Thậm chí, cô ta còn đưa ra nhận xét rất đúng về các loại hoa văn, về số sợi tơ ngang, dọc, về độ mịn của mặt lụa...
- Thế mình định sẽ làm ăn với người ta thế nào? � Lão Đàn nêu câu hỏi.
- Bố cô ta là chủ một doanh nghiệp lớn chuyên về hàng dệt may, vải, sợi, có trụ sở chính ở New York. Tuy nhiên, con còn phải tìm hiểu kỹ qua Bộ Thương mại và Đại sứ quán của ta ở bên ấy, rồi mới quyết định.
- Vậy còn chuyện vợ con, anh tính sao. Chúng tôi lên đây là chỉ để bàn với anh chuyện ấy thôi.
- Bố mẹ ơi cho con xin, con chưa thể nghĩ đến chuyện đó bây giờ đâu, mà con nào đã quen biết được ai. Theo con là hãy cứ từ từ...
Thấy thằng con nuôi nói vậy, bà Mai liền làm mặt giận:
- Thôi thì anh cứ việc mà khất lần đi. Nhưng chỉ trong vòng từ nay đến cuối năm là phải quyết đi đấy. Người ta ưng mình, nhưng mình cũng phải có nhời mới phải lẽ chứ.
- Vâng! vâng con xin nghe, xin nghe...
°
°
Sau khi có được kết quả xác minh về đối tác, Thân liền ký ngay một hợp đồng bán hàng với B.Jane, giao trước lô hàng đầu tiên là 2000 mét lụa cao cấp, theo đường hàng không. Mặc dù công việc sản xuất đã có nề nếp ổn định từ lâu, nhưng hàng ngày Thân vẫn xuống xưởng nhắc nhở, đôn đốc các bộ phận. Dù số lượng ít, nhưng Thân không muốn lô hàng đầu tiên xuất sang Hoa Kỳ gặp bất cứ trở ngại nào. Sáng nay, khi hàng đã được đóng thành kiện, Thân mới yên chí về văn phòng. Thấy trên bàn có bản Fax thư viết bằng tiếng Anh của B.Jane, anh cầm lên đọc ngay:
Thưa ông Giám đốc Lương Mậu Thân. Để thắt chặt quan hệ song phương, ổn định và lâu dài giữa chúng ta, trong chuyến hàng đầu tiên này, tôi sẽ rất vui khi được bắt tay ông, trước khi máy bay cất cánh. Thank you.Thư B.Jane viết chỉ vẻn vẹn có mấy dòng như vậy. Thân lặng đi trong giây lát. Tự nhiên anh thấy lúng túng, bấm số điện thoại của B.Jane định trả lời, nhưng lại tắt. Rồi lại bấm, rồi lại tắt. Tất nhiên là sẽ đi tiễn B.Jane rồi, nhưng trả lời thế nào nhỉ. Lẩm nhẩm, đứng ngồi một hồi, cuối cùng anh cũng bấm máy:
- Rất hân hạnh, đúng giờ tôi sẽ đến đón Jane, được không?
Đầu dây bên kia lặng đi, một dây, năm giây, rồi mười giây. Thân hồi hộp chờ. Nghĩa là Thân thấy lâu lắm, mới nghe tiếng B.Jane trả lời qua hơi thở rất nhỏ: Yes, Thank you!
°
°
Từ sân bay Nội Bài trở về, Thân cứ thấy lâng lâng một cảm giác rất khó tả, mà từ trước đến nay anh chưa hề có. Anh vừa lái xe, vừa huýt sáo lung tung, chả bài nào ra bài nào. Thật ra thì từ nhỏ đến giờ Thân có biết, có thuộc hết được bài hát nào đâu. Thân chỉ thấy trong bụng bây giờ thật vui, muốn giãi bày, muốn nói liên thiên về cái gì cũng được. Anh liền gọi điện về nhà:
- Bố ơi! à vâng con chào mẹ, con đang trên đường từ sân bay về. Con ghé qua văn phòng cất xe, rồi phóng xe máy về nhà ngay. Trưa nay, mẹ nấu nhiều cơm nhé. À mẹ ơi! trưa nay con với bố phải uống rượu đấy...
- Ừ được rồi. Cha bố anh, có gì mà vui thế, lái xe cẩn thận đấy. Mẹ cúp máy đây.
Thân vừa bước xuống xe, đã thấy tay trưởng phòng mareketing chạy ra, mặt cắt không còn hột máu:
- Anh ơi! Xảy ra chuyện rồi. Cửa hàng ngoài Hà Nội vừa báo về, cái khung ảnh thư của Tổng thống Mỹ bị lấy cắp rồi.
- Lấy lúc nào? Bảo vệ đâu?
- Lúc 9 giờ sáng vẫn còn, sau đó khách mua đông quá, nên...
- Thôi! cậu cuống lên thế cũng chẳng ích gì, dắt giúp xe máy của mình ra đây, rồi tính tiếp.
Thấy trưởng phòng marketing dắt xe ra, mặt vẫn buồn tênh, Thân bật cười, làm anh chàng ngớ ra, nhìn Thân chằm chằm, Thân liền ghé tai anh ta nói nhỏ:
- Đó chỉ là bản photo màu thôi, nên giống như thật. Còn bản chính mình đã gửi ở Thư viện Quốc gia rồi.
- Thôi! thế thì em lại phải bái phục đại ca, bái phục đại sư phụ.
Về đến nhà, rửa mặt qua loa, là Thân sà ngay vào mâm cơm, cười nói bô bô, chả giống thằng Thân mọi khi chút nào. Nhìn bộ dạng hớn hở của thằng con, vợ chồng lão Đàn đưa mắt nhìn nhau, đoán ngay là nó đang bị dại gái. Sau vài tuần rượu, đợi Thân lắng lại, bà Mai mới làm ra vẻ không chú ý lắm, hỏi:
- Anh đưa tiễn bạn... à, ừ! Bạn hàng của anh ra tận sân bay, trước khi đi, cái cô người Mỹ ấy nói với anh những gì?
- Dạ, cô ấy bảo là... bảo là gì nhỉ. À cô ấy bảo là, máy bay sắp cất cánh rồi!
- Thế thôi à? Vậy anh nói sao? - Sau khi uống một ngụm rượu, lão Đàn chất vấn.
- Con nói là, nói là sao nhỉ. À con nói là, ừ lụa cổ truyền ĐaMa-Silk của anh cất cánh rồi. Lụa của làng Thắm bọn anh cất cánh rồi...
- Trời đất ơi! con ơi là con, anh đúng là thằng gà tồ...
Nha Trang 01/01/2009