Quê tôi cách Hà Nội không xa. Đó là một làng quê nằm ven một nhánh sông lớn đổ về sông Hồng. Cho đến bây giờ, đã ba chục tuổi nhưng tôi luôn có cảm giác là cuộc đời tôi, cả những năm trước đây và sau này, luôn bị ám ảnh bởi một cảnh tượng mà lần đầu tiên tôi nằm mơ khi tôi mới chừng năm hay sáu tuổi gì đấy. Tôi thấy cảnh ở dưới đáy một cái hồ, hoặc đầm rộng, có một con vật to lớn thân dài, đầu to, răng nhọn hoắt, mắt sáng, móng sắc và cả thân hình được phủ bởi một lớp vảy cứng. Cho đến năm mười tuổi, tôi con mơ thấy con vật ấy mấy lần nữa. Và lần nào cũng vậy, con vật kỳ lạ này bị một hòn đá đè lên gáy làm nó giãy giụa nhưng không làm sao hất nổi hòn đá ra, và vì thế, nó chẳng bao giờ cất nổi đầu lên được. Có thể, hồi mơ thấy cảnh tượng đó tôi còn quá bé nên tôi không hiểu con vật đó là con gì, vả lại, tôi giữ kín trong lòng mà chẳng dám hé răng nói với ai, ngay cả mẹ tôi. Rõ ràng là con vật đó không giống bất cứ con vật nào như trâu bò, lợn. chó… đại loại các loài vật mà tôi nhìn thấy hàng ngày.
Rồi một lần, mẹ tôi cho tôi về chơi quê ngoại. Khi mẹ dắt tôi đi trên đường làng, ngang qua cửa đình thì tôi giật mình nhìn thấy trên mái đình có hình con vật giống hệt với hình dạng con vật từng nhiều lần xuất hiện trong giấc mơ của tôi. Tôi hỏi mẹ đó là con gì thì mẹ bảo nó là con rồng. Tôi tò mò muốn biết thêm rồng là con vật như thế nào và sống ở đâu? Mẹ chỉ ừ à cho qua chuyện, rồi còn mắng át đi rằng tôi là trẻ con chỉ hay hỏi lung tung. Lát sau mẹ bảo: “Con phải học cho giỏi. Lớn lên con tự tìm hiểu lấy xem con vật ấy nó như thế nào. Mẹ là đàn bà chỉ biết đến đấy thôi”.
Nghe lời mẹ, tôi cố lắng nghe. Thế nhưng, dù cho tôi có thông thuộc bốn phép tính, thuộc lòng bảng cửu chương, thì tôi vẫn chẳng biết thêm về con rồng. Ở làng tôi có ông Tố Vị, lúc đó ông đã gần sáu mươi, được người làng xem là người hiểu biết nhất. Người ta bảo rằng ông biết cả chữ Hán, chữ Nôm, hiểu tử vi tướng số. Cả làng, hễ nhà nào có việc đại sự như làm nhà, cưới hỏi gì đó, người ta đều đến hỏi ông. Tôi tìm đến nhà ông Tố Vị, kể chuyện tôi mơ thấy con rồng bị đá đè ở gáy. Chắm chú nghe tôi kể, rồi ông hỏi tuổi của tôi và bảo: “Mày sinh năm Thìn, cầm tinh con rồng, mày mơ thấy rồng là phải. Có điều, rồng bị chẹn đá ở gáy còn làm nên trò trống gì. Hoặc sau này mày là thằng tâm thần, hoặc có điều bí ẩn chi đây.” Khi tôi gặng hỏi xem con rồng nó thường sống ở đâu để tôi tìm cách bắt thì ông cười ầm lên và bảo: “Con rồng không có thật. Con rồng là sản phẩm của sự tưởng tượng, nhưng lại là con vật hổ lốn, tam khoanh tứ đốm. Nó có mình rắn, đầu sư tử, móng vuốt của loài hổ báo, vẩy của loài thủy sinh… Các vua chúa ngày xưa lấy rồng làm biểu tượng cho uy quyền và sự cao quý của mình… Uy quyền cũng không có thật, chỉ là sự huyễn hoặc, bởi lúc thì uy quyền là có thật, khi khác chỉ là hư vô”…
Nghe ông nói, tôi không hiểu, vả lại tôi không tin ông, tôi tin vào giấc mơ của tôi hơn. Đêm ấy tôi trằn trọc, suy nghĩ lung tung. Đến gần sáng, tôi mới chợp mắt đi được và tôi lại mơ thấy cảnh tượng cũ. Có điều khác trước là cảnh tưởng tượng không hư ảo mà rõ ràng hơn, con rồng nằm dưới đáy cái đầm rộng, cạnh quán Táo, có cống thông ra sông. Tôi giật mình choàng tỉnh, bởi con rồng tung mình giãy giụa, cố hất hòn đá ra nhưng không nổi. Trời còn mờ tối. Tôi lén ra khỏi nhà, chạy hộc tốc ra phía đầm quán Táo. Tôi đứng trên nóc cống, cố mường tượng lại giấc mơ để định vị. Tôi nhảy xuống đầm, lặn ngụp. Tôi quyết tìm cho ra nơi con rồng bị giam hãm bởi hòn đá. Nhưng lặn mãi, quờ quạng mãi, tôi chỉ thấy toàn là bùn, vài ba vỏ ốc, xác cua chết. Mệt quá, tôi lên bò ngồi thừ ra. Đôi ba người đi chợ sớm ngang qua thấy tôi bèn hỏi, tôi nói dối là đi nhấc dọ. Nhưng khi ông Tố Vị đi qua thì tôi đành phải nói thật, và ông bảo tôi về đi. Tôi còn nghe rõ tiếng ông lầm rầm trong miệng: “Đúng là thằng này tâm thần rồi! Còn nếu không thì nó cũng là một thằng gian hùng, đa nghi như Tào Tháo”.
Không tìm thấy rồng thì tôi tìm Tào Tháo, để xem đó là người thế nào. Tôi hỏi người này, người nọ mãi mới biết được Tào Tháo là một nhân vật trong chuyện Tam Quốc, sống ở bên Tàu cách đây gần hai ngàn năm. Vật nài, rồi tôi cũng mượn được bộ truyện Tam Quốc của một người quen ở xã bên. Tôi đọc say mê và tìm thấy ở đó bao nhiêu điều hay. Tôi thấy Tào Tháo không đến nỗi đa nghi, giả dối như người đời sau vẫn ví, bởi ông ta biết làm thơ, vả lại còn có những lúc say sưa mà bộc bạch thật lòng hơn mấy ông vua, ông tướng khác. Ở đây, tôi cũng thấy Điêu Thuyền đâu có điêu toa gì. Nàng thật đẹp và đáng thương, bởi nàng là đàn bà hạ đẳng, là con tốt thí trong nước cờ “Mỹ nhân kế” của những kẻ thống trị thiếu nhân cách và độc ác. Dẫu sao, tôi cũng thầm biết ơn ông Tố Vị, vì lời nói khích bác của ông đã vô tình dẫn tôi đến một thế giới khác, nơi sâu thẳm của lịch sử. Bản thân tôi luôn khâm phục những người dám làm việc nghĩa, ghét thói hư tật xấu, mặc dù, tự thâm tâm, tôi thấy mình cũng đầy những thói hư tật xấu. Trong tình yêu cũng vậy, tôi yêu say đắm nhưng không bộc lộ.
Nhà tôi chỉ có hai mẹ con. Bố tôi mất sớm khi mẹ tôi còn chưa đến năm mươi tuổi. Ngày trẻ, mẹ là người mỏng mày hay hạt, nụ cười tươi tắn. Mẹ dồn tất cả tình thương yêu cuộc đời vào tôi, nhưng tôi lại là một thằng dở hơi, người ta bảo thế. Nhiều lúc tôi bắt gặp mẹ ngồi lặng yên suy nghĩ và lén lau nước mắt. Tôi thương mẹ lắm, mẹ chẳng đáng phải đánh đổi cả cuộc đời lấy tôi. Nghĩ vậy, nhưng tôi không biết nói thế nào và cũng không thể thốt ra được. Những lúc bắt gặp mẹ như vậy tôi bỏ đi nơi khác, tôi không nỡ quấy động tâm tư mẹ.
Có một dạo, cứ tháng một đôi lần, ông Tố Vị đến nhà tôi chơi. Lấy cớ là hỏi han tôi học hành thế nào, xem được những sách gì, và thường là ông ngồi uống trà cho đến sẩm tối. Mấy lần đầu tôi còn ngồi hầu chuyện ông, nhưng sau vì bận công việc, tôi kệ ông ngồi nói chuyện với mẹ tôi, tôi còn phải đi làm. Rồi sau, bẵng đi vài tháng, không thấy ông lai vãng, tôi cảm thấy cứ thiếu thiếu thế nào ấy, bèn hỏi: “Lâu nay không thấy ông Tố Vị đến chơi, mẹ nhỉ?". Mẹ tôi trả lời: “Ờ… lâu rồi… Mà mẹ không muốn con giao du với nhà ông ta”. Tôi hỏi: “Sao hả mẹ”? Mẹ bảo: “Cái lão ấy không phải là người đứng đắn. Có nhiều chữ thật đấy, nhưng mà không đứng đắn thì cũng bằng thừa”. Mẹ quay mặt đi và tôi lờ mờ hiểu ra. Một lúc sau, mẹ lại bảo: “Chẳng nhẽ … tao lại đuổi thẳng vào mặt lão ta!”.
Mẹ bảo tôi không được giao du, đi lại nhà ông Tố Vị, tôi không cãi lại nhưng làm sao tôi có thể nghe lời mẹ được. Ông ta là người hiểu biết, là người duy nhất ở cái làng này có thể giảng giải cho tôi biết nhiều điều. Vả lại, tôi thích cái Hảo, con gái ông và nó học cùng lớp với tôi.
Tôi và cái Hảo cùng học một lớp với nhau từ ngày nhỏ, rồi dần lên lớp trên. Nó học dốt toán nhưng lại giỏi văn, còn tôi thì ngược lại. Làm toán tôi chỉ thoáng cái đã xong, nhưng hễ phải làm văn thì tôi không biết phải viết thế nào, mặc dù,trong đầu tôi nghĩ có vẻ đâu ra đấy. Tôi học khác bọn trong lớp. Chúng nó đều có mục đích cả. Có đứa mong sau này thành kỹ sư, bác sĩ… Hay như cái Hảo thì muốn được trở thành “kỹ sư tâm hồn”. Còn tôi, tôi chẳng có mục đích gì cụ thể. Mẹ tôi bảo học để hiểu biết thì tôi cũng học để hiểu biết. Hiểu biết rồi làm gì thì tôi lờ mờ lắm. Giờ kiểm tra bài, không thuộc thì bọn chúng tìm mọi cách quay cóp. Tôi mà không thuộc thì đành bỏ trống chịu điểm kém. Bọn chúng gian dối nhưng lại cười tôi, tức quá, tôi cũng quay cóp. Vả lại tôi sợ bị đúp. Song tôi biết, làm thế trí óc tôi chẳng khá lên được.
Cái Hảo hay nhờ tôi làm toán hộ. Nó ngồi ngay sát bên tôi, còn tôi vừa suy nghĩ vừa lén nhìn vào khoảng trống nơi ngực nó. Mũi hít căng mùi lá bưởi ngai ngái nơi tóc nó. Tôi thầm nghĩ “Nó là vợ mình thì mình sẽ làm gì nhỉ?”.Những lúc như thế, tôi đần mặt ra, và cái Hảo hiểu ngay, nó liền cảnh tỉnh tôi: " Này... đằng ấy nhìn gì thế? Làm đi chứ ". Tôi giật thót mình,  lại nghĩ nó là con gái ông Tố Vị. Dễ gì mẹ tôi lại chịu làm dâu gia với nhà ông Tố Vị? Cái Hảo thì hình như nhờ vậy thôi, song nó cũng chẳng để ý đến lời tôi giảng giải. Nó cứ ngó ngoáy ngọ ngoạy không yên như ngồi trên ổ kiến lửa. Một bận nó bảo tôi: “Học nốt năm nay, xong cấp hai, tớ nghỉ ở nhà. Bố tớ bảo… - Nó cười… Con gái cần gì nhiều chữ… Con gái chỉ cần lấy được thằng chồng tốt…. Với lại, con gái nhiều chữ thì dễ hư lắm…. Để lý sự, để cãi lại chồng à? Đạo lý nào xưa nay đi dạy con gái cãi chồng?”. Tôi nói: “Mẹ tớ cũng bảo, con gái phải tiết hạnh”. Cái Hảo cãi: “Tiết hạnh để làm gì? Thế con trai không cần tiết hạnh à? Mà thôi… đằng ấy hiền lắm… hình như đằng ấy bị… làm sao ấy”. Tôi nóng mặt. Tôi chỉ muốn cấu xé cái Hảo ra hàng trăm mảnh.
Đêm ấy về, tôi mơ. Tôi mơ thấy tôi và cái Hảo trần truồng nắm tay nhau bơi xuống đáy hồ nước, nơi có con rồng bị hòn đá chẹt cổ. Hai đứa tôi hùn sức đẩy tung được hòn đá. Con rồng cất đầu lên, vùng vẫy làm sóng nước sôi lên ùng ục. Tay tôi nắm hòn đá, tôi bóp chặt lấy…nhưng hòn đá trong tay tôi lại hóa thành bầu vú cái Hảo mây mẩy…. Tôi căng người rồi lịm đi, chìm sâu dưới đáy nước…. Tôi nghĩ lờ mờ, hòn đá thế này, thảo nào rồng không giãy ra được là phải thôi. Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy, nhưng thu mình nằm im, lắng nghe không gian. Mẹ tôi gọi dậy đi học, tôi trả lời ú ớ. Mẹ tưởng là tôi ốm, sờ trán, nắm chân tay, rồi mẹ lật đật chạy sang hàng xóm nhờ bạn bè đi học xin phép nghỉ hộ tôi. Đến gần trưa tôi mới dậy. Đi ra ngoài vườn, tôi thấy đất trời đổi khác.
Cuối năm ấy, chiều ba mươi tết, tôi lảng vảng ra cống Quán Táo. Mình tôi lẻ loi giữa cánh đồng rét buốt. Chiều tất niên tai tái dài dại. Làng xóm cúm rúm, xo xắt lại. Tôi ngồi bệt xuống vạt cỏ nâu xỉn cằn cỗi. Chợt tôi giật mình, thì ra ông Tố Vị đứng sau lưng tôi từ lúc nào không hay. Tôi chào và ông hỏi: “Mày ra đây làm gì, hả thằng dở người kia? Tao đi tảo mộ thắp hương tất niên ở đằng kia, nhìn thấy mày, tao đành chịu rét thêm, là để bảo cho mày biết, mày không tìm được gì ở đây đâu. Thôi về đi, con ạ. Không tao lại bảo mẹ mày ra lôi mày về”. Như mọi khi, hễ thấy ông gọi là thằng dở người, tôi bực mình lắm.Tôi bảo ông cứ mặc tôi, và cũng không mướn ông nói với mẹ tôi. Nghe vậy, ông có vẻ tức, rủa tôi đủ thứ rồi bỏ đi. Đi một đoạn, ông dừng lại nói to “Làm gì có rồng. Mà có rồng thật, sống ở cái vũng trâu đầm này thì rồng cũng thành giun thôi, con ạ! Bố mày đây, bảo cho mà biết, lại không chịu nghe lời. Cá không ăn mắm cá thối, con ạ!”. Khi ông Tố Vị về rồi, còn lại một mình, tôi cảm thấy lạnh ghê gớm. Nhang cháy dở phía nghĩa địa, gió thổi bùng lên thành ngọn lửa. Tôi nhìn thấy từng đoàn người đi như lướt trên mặt đồng chạng vạng… Tôi sợ run người, định bỏ chạy. Bỗng tôi nghe lục sục phía dưới cống. Tôi căng mắt nhìn thì phát hiện ra từng đàn cá chép nhô hẳn sống lưng đang ngược nước từ sông vào đầm. Tôi ngẩn người, quên cả sợ, tôi để cả áo quần lội xuống. Tôi bắt mải miết. Dễ chừng được mấy chục con cá chép lớn nhỏ đủ cỡ. Tôi cởi áo ngoài để bọc cá, khệ nệ ôm về. Mẹ tôi cúng tất niên xong, đang ngồi chờ tôi về để cùng ăn. Thấy tôi về, mẹ mừng lắm. Lại càng mừng khi thấy tôi bắt được bao nhiêu là cá. Tôi đổ cá ra sân, bảo mẹ đi mổ cá. Còn tôi lén giấu một con to nhất, thay quần áo tinh tươm và mang con cá đến biếu ông Tố Vị. Tôi gọi cổng, cái Hảo mở cổng, thấy tôi thì ngạc nhiên lắm. Tôi đùa: “Có món quà sêu lễ bố vợ tương lai đây”. Cái Hảo liếc xéo, véo tôi một cái thật đau, nhưng tôi thích lắm. Sau khi nghe tôi nói, ông Tố Vị cầm con chép lên, bảo: “ Lý Ngư vượt vũ môn đây! Chú máy đưa Táo Quân lên chầu trời, sao không hóa rồng còn về đây làm gì mà để cho cái thằng nửa vĩ nhân nửa dở hơi này túm được. Nay mắc cạn thế này, âu cũng tại số kiếp cả!... Còn cậu Thăng, cậu vớ bở đấy. Cảm ơn cậu! Thôi về đi, kẻo sắp giao thừa rồi… Về trễ, quá đi… kẻo sang năm mới lại dông cho nhà tôi và cả nhà cậu nữa đấy!...”.
Ra đến cổng, tôi mừng thầm, ông không xưng hô tao mày với tôi nữa mà gọi tôi là cậu, có lẽ sau này, không chừng, ông sẽ đồng ý gả cái Hảo cho tôi. Về nhà, mẹ tôi mổ cá vẫn chưa xong, mà pháo giao thừa đã lác đác nổ…
Tưởng cái Hảo nói chơi, thành ra thật. Hết cấp hai nó ở nhà làm ruộng. Tôi cũng định thôi nhưng mẹ tôi muốn tôi phải học. Tôi vào cấp ba. Cả xã có mấy đứa, chúng chơi với nhau, bỏ mặc tôi. Tôi cũng chẳng cần. Tính tôi ưa lặng lẽ, suy tư một mình nên tôi chẳng vì thế mà buồn. Nhà tôi không có xe đạp. Mẹ tôi bán mấy tạ khoai tây giống sắm cho tôi một chiếc. Đám con gái ở lớp thì tôi thấy chán ngấy. Chúng cứ tí tởn như đám búp bê má hồng nơi phố xá, song thật ra thì vẫn quê mùa một cục, chẳng đứa nào bằng cái Hảo. Tôi nhất quyết sẽ cưới cái Hảo bằng được.
Đùng một cái, làng có chuyện động trời. Người ta đồn ầm chuyện ông Tố Vị dan díu với bà Cả Khoái, bị con gái bà bắt quả tang. Bà Cả Khoái cũng chạc tuổi ông Tố Vị. Bà góa chồng trẻ, ở vậy nuôi cô con gái độc nhất là chị Bái. Chị Bái lấy chồng, lại cũng góa chồng trẻ, có một con trai. Ba mẹ con bà cháu ở với nhau. Mọi người bảo nhau rằng, tưởng bà Cả Khoái khi còn trẻ có tí táu tí mẻ, chứ ai lại già đời rồi mới đổ đốn. Người làng kể cho nhau nghe chuyện chị Bái mắng mẹ thì bà Cả Khoái thú tội rằng bà đang giã gạo, thì ông Tố Vị đến chơi. Bà định ngừng giã pha trà, tiếp ông, ông lại bảo “thân già làm một mình cực lắm, để tôi cùng giã đỡ cho vui chân”, thế rồi từ vui chân ông chuyển sang vui vầy. Biết chuyện, tôi chẳng dám nói gì với mẹ tôi. Mẹ bảo: “Con thấy chưa! May mà dạo nào... mẹ đuổi lão ta thẳng cổ … chứ không... có ngày rầy rà to. Lão ta là đồ mất mảnh”. Nghe nói, cái Hảo khóc lăn lộn và còn đe tự tử. Cái Hảo vừa khóc vừa bảo bố nó: “Thầy làm như thế thì con còn mặt mũi nào… Rồi đây, ai còn thèm dòm ngó đến con… Người ta kén vợ kén tông”. Còn ông Tố Vị thì u uất: “Chuyện lỡ rồi! Mà cũng có gì đâu…. Mày việc gì phải chết, hả con! Đời người ta còn nhiều thứ điếm nhục hơn… Giá chết được thì tao đã chết từ lâu, và chết nhiều lần rồi, con ạ!”…
Sau chuyện ấy, tôi không vui mà cũng chẳng buồn. Đầu óc tôi lúc trống rỗng, lúc mông lung. Một hôm, sau buổi học, tôi quẳng xe đạp lại và tôi bỏ đi. Tôi đi và chẳng biết đi đâu. Đêm đầu bơ vơ ngoài đường, tôi cứ nhìn vầng sáng hắt lên trời mà hướng tới. Có lẽ nơi ấy là thành phố!....
Rồi tôi trở về nhà bằng cách nào thì tôi cũng không nhớ rõ. Trong cơn tâm thần bột phát ấy, tôi chỉ nhớ duy nhất một hình tượng. Đó là lúc tôi đi dọc bờ sông, khi trời đã về chiều, thì trời đất bỗng nhiên tối sầm lại, mù mịt bụi bay, gió thốc mạnh làm cây cối ngả nghiêng, tôi đứng không vững, ngã sấp ngã ngửa, tai nghe tiếng nước rôi réo ầm ào, rồi phía dưới bờ đê, ngay trên vạt ngô bãi bồi, một cây cột sừng sững mọc lên và nó lung lay nghiêng ngả. Tôi cố mở mắt ngước nhìn lên thì chỉ thấy cây cột vút mãi tận trời. Tự nhiên, tôi có cảm giác người như bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất. Tôi nhanh tay nắm chặt lấy bụi trinh nữ bên bờ đê, cố ghìm mình để tránh khỏi bị nhấc bay lên. Mặt tôi vục xuống, răng cắn vào đất. Đúng lúc ấy đầu tôi chợt lóe sáng. Thôi đúng là con rồng tung mình bay lên khỏi đầm nước rồi. Nhưng sao chỉ thấy phần thân và phần đuôi của nó tung quẫy? Còn phần đầu của nó đâu? Hay là đầu của nó vẫn còn bị hòn đá chẹn chặt dưới đáy đầm? Và tự nhiên, trong người tôi sôi lên một ý chí mạnh mẽ, rằng tôi sẽ quyết tầm sư học đạo để có đủ trí tuệ và sức mạnh giải phòng con rồng ra khỏi nơi giam giữ, rằng tôi cam tâm tình nguyện sẽ suốt đời đấu tranh và hiến dâng thân mình cho sự nghiệp giải phóng này!
Sau khi về nhà, tâm thần ổn định, được mẹ cho biết là ngay khi biết tin tôi bỏ đi, mẹ tôi đã huy động họ hàng và đám bạn học của tôi bổ về thành phố tìm kiếm. Gần hai ngày lục lọi khắp ngõ ngách, hè phố, xó chợ… người ta bắt gặp tôi ngồi rũ ra dưới một gốc cây to trong công viên nhỏ thành phố giữa trời mưa tầm tã. Tôi bị lạnh đến cứng hàm mà tôi vẫn cố lảm nhảm “ Giải phóng….  Giải phóng…” Mẹ tôi bảo: “Lúc ấy mọi người tưởng con chết vì cảm lạnh…Nhưng rồi con sống và hồi tỉnh dần. Có lẽ cơn mưa đã gột rửa những mê muội trong đầu óc con! Xin cảm tạ trời đất!”
Từ ngày đó, tôi ít đến nhà ông Tố Vị. Tôi không hiểu ông ta là người như thế nào. Có lẽ, trong ông ta có cả thần thánh và ma quỷ! Riêng với cái Hảo, tôi vẫn thích. Nó càng lớn càng đẹp thêm. Nhưng sau chuyện ông Tố Vị dan díu với bà Cả Khoái thì trông nó ỉu xỉu, ủ dột như bánh đa nướng gặp tiết nồm. Vẻ ủ dột phủ lên cơ thể đầy sức sống càng làm cho nó thêm phần thánh thiện. Một đêm, làng có hát chèo, cái Hảo đi xem cùng mấy đứa con gái cùng xóm. Tôi để ý tìm kiếm và ngồi cách đó một quãng. Trên sân khấu đến đoạn Thị Kính hát điệu Sử rầu mang con Thị Màu đi ăn xin thì cái Hảo bỏ về trước một mình. Vừa dể mắt chú ý một chút lên sân khấu, ngoảnh sang đã không trông thấy cái Hảo đâu. Tôi đảo mắt chợt thấy thoáng bóng nó ở phía cửa ra vào. Tôi chạy theo, giẫm bừa lên chân người ngồi xem. Đến cửa ra vào thấy mất hút bóng nó. Tôi đoán nó bỏ về nhà nên rảo bước về hướng nhà ông Tố Vị. Gần tới cổng, tự nhiên máu tự ái bốc lên làm tôi đứng sững lại. Tôi quay về nhà mình chứ không xem nốt chèo nữa. Đêm ấy, tôi khó ngủ. Sáng sớm hôm sau, khi tôi oằn oại chưa muốn dậy thì mẹ tôi đến bên giường bảo: “Thôi dậy đi con! Mọi người kháo nhau là đêm qua, ông Tố Vị tự vẫn chết rồi. Khi cái Hảo xem chèo bỏ dở về đến nhà thấy ông Tố Vị treo cổ ngay giữa nhà”. Tôi vùng ngay dậy. Đêm qua, giá tôi không tự ái thì có phải tôi đã có mặt ở bên cạnh người tôi yêu lúc hoạn nạn không. Song biết đâu, nhỡ có mặt ở đấy, tôi phải làm nhân chứng cho một vụ án, và không chừng, người ta còn nghi tôi dính níu gì tới cái chết của ông ta cũng chưa biết chừng. Thế là người hiểu biết cao nhất của làng không còn nữa!
Ông quyên sinh vì lẽ gì? Sau khi ông chết người ta còn đồn đại, thêu dệt nhiều chuyện bỉ ổi. Chẳng biết nên tin vào đâu!
Từ ngày ông Tố Vị chết đi, tôi lại vơ vẩn nghĩ đến chuyện con rồng. Một trưa hè tháng sáu, tôi ra đầm. Tự nhiên ở giữa đầm sủi lên một đám bong bóng to. Thôi đúng là con rồng bị đá chẹn cổ lâu ngày ngạt thở rồi. Có lẽ nó đang hấp hối. Không kịp suy nghĩ, tôi  lao mình xuống, bơi ra giữa đầm, lặn một hơi dài, quờ quạng lung tung song chẳng thấy gì. Lên bờ tôi tần ngần mãi. Tôi nghĩ, có lẽ con rồng đã chết rữa ra lâu rồi, hoặc giả nó đã giãy ra được rồi bay lên trời mà bữa nào tôi đã nhìn thấy. Còn mấy cái tăm to sủi lên, có lẽ do trời quá nắng, nước nóng làm khí thoát từ bùn bốc lên thành bọt trên mặt nước?
Sau đó, tình cờ tôi đọc được ở một tờ báo có bài viết nói về con rồng. Vị giáo sư, tác giả của bài viết nói về một huyền thoại rằng con rồng vốn là một loài rắn biển hung dữ. Đọc rồi, tự nhiên tôi thấy chán ngấy. Tôi cũng ít nghĩ đến cái Hảo. Mỗi lần nhớ đến nó, tôi không thấy sôi lên trong lòng mình khát vọng nhục dục nữa. Song khi nghĩ đến bầu ngực, vóc dáng thon thả của Hảo tôi không khỏi bần thần. Tôi không sợ lấy cái Hảo sẽ mang tiếng, bởi đơn giản từ bé đến giờ, tôi luôn hành động theo ý nghĩ của mình, bất chấp người nói vào ra thế nào. Để ý quanh làng xóm, tôi thấy gia đình mới tù túng làm sao. Tự thân tôi cũng thấy vậy. Nhưng tôi biết, cái Hảo, cùng với mẹ tôi luôn là chỗ dự tinh thần cho tôi.
Tôi không học thêm cao nữa mà ở nhà làm ruộng nuôi mẹ. Mẹ tôi yếu lắm rồi. Tôi biết thâm tâm mẹ muốn tôi lấy vợ, sinh năm đẻ bảy, bởi có như vậy mẹ mới coi như mình trả xong nợ với đời mà nhắm mắt xuôi tay. Tôi ba chục tuổi. Nhớ có lần, ông Tố Vị bảo “Tam thập nhi lập… Ở cái tuổi này mà không định hướng được ý chí mình thì coi đời là bỏ đi”. Vậy mà tôi vẫn bị người ta cho là một thằng dở người. Khi ông Tố Vị còn sống, ông hay khích bác tôi, nhưng tôi còn có được sự khích bác để mà nổi xung lên, mà tự ái… Còn bây giờ, người ta lăn lội, lam lũ, sao vẫn chán ngắt. Chán đến tái tê!
Hàng ngày, tôi vẫn phải ra đồng. Không làm thì lấy gì mà đút vào miệng mình, chứ chưa nói đến chuyện nuôi mẹ. Tôi cầm cày đi sau con trâu, rồi gieo mạ, cấy hái… như mấy nghìn năm trước tổ tiên tôi từng làm. Mọi người xung quanh tôi cũng vậy. Nhưng chẳng một ai, ngoài ông Tố Vị, biết tôi đang nung nấu ý chí sắt đá, biết tôi đang tích tụ sinh lực để giải phòng con rồng thoát khỏi nơi tù hãm.
Tháng Giêng 1994

Xem Tiếp: ----