Lân người Bắc Kỳ chính hiệu, giọng Hà Nội chuẩn là đằng khác. Thế mà Lân lại mê mẩn cái chất giọng phương nam ngọt lịm của chị Mai. Mê đến nỗi, cả trong mơ Lân cũng nghe thấy chị: "Trời ơi! Cưng hôm nay dễ thương quá ha!". Mê quá, Lân bắt chước luôn. Tiếc là Lân nói giọng Bắc, đệm từ ngữ phương Nam nghe nó cứ chối tai làm sao. Bố mẹ Lân bực mình dọa dẫm: "Học xong vào Nam mà lấy chồng nhá." Lân cười hi hi, chị Mai thì khoái trá ra mặt.Lân không biết thực sự vì sao chị Mai lại ra miền Bắc sinh sống. Còn lý do chị vẫn kể cho mọi người nghe thì buồn lắm: Thất tình. Trời ơi! Lý do nghe chính đáng và tội nghiệp làm sao. Hỏi: "Chị hận thằng cha đó lắm phải không?". Tưởng chị sẽ gật đầu như bổ củi, ai ngờ chị lại lắc lắc: "Hông, ảnh tội nghiệp lắm cưng à". "Tội nghiệp? Tội nghiệp sao còn làm chị khổ?". Nghe Lân cạu cọ có lý, chị Mai lại cười: "Trời ơi! Người ta phụ mình là có lý do, thế mới tội nghiệp chớ cưng…". Thôi rồi, hết thuốc chữa rồi.Từ nhỏ tới lớn Lân chỉ nghe người ta hận người tình cũ, chưa thấy ai bênh người cũ chằm chặp như chị bao giờ. Nên bà con "xóm cửa hàng" của Lân mỗi lần nghe chị Mai kể chuyện lại than "Đàn bà mình khổ vậy""Xóm cửa hàng" - Lân gọi thế, thực ra cả một dãy dọc quốc lộ ven thị trấn này có tới mấy trăm hộ kinh doanh. Lân gọi xóm cửa hàng là ý nói dăm nhà thân nhau nhất. Trung tâm của xóm là quán "Cờ Tây" của chú Khởi, nơi chị Mai làm việc. Kế bên trái là hiệu photocopy của chị Hằng. Kế bên chị Hằng là cửa hàng hoa tươi của vợ chồng anh Thọ. Hiệu hoa tươi của anh Thọ không phong phú về chủng loại, nhưng đáp ứng phần lớn nhu cầu về hoa tươi cho dân thị trấn trong các dịp hiếu hỉ, ngày rằm, mùng một. Anh Thọ hơi đĩ tính một chút, nhưng là một tay kết…vòng hoa rất có nghề. Còn Lân, nhà Lân ở kế bên phải quán "Cờ Tây" nhà chị Mai, bán tạp hóa.Chị Mai bảo chị khoái nhất hiệu hoa tươi của vợ chồng anh Thọ. Bước vào thế giới đó, cảm giác hạnh phúc không tả được. Anh Thọ cứ gặp chị sang chơi là trêu: "Cô Mai có biết hoa là cái gì của cây không mà thiên hạ cứ hăm hở vác đi tặng nhau ầm ầm?". Chị Mai lại cười ngặt nghẽo. Kế đến là hiệu tạp hóa nhà Lân. Chị xuýt xoa: "Phong phú quá trời! Cần gì có đó". Chị trề môi liếc xéo hiệu photocopy của chị Hằng: "Hằng cứ trông chờ vào những khách hàng như tui thì chết đói quá hà. Cả đời tui hổng khoái mấy bọn giấy tờ. Thấy mệt". Cứ cách một tuần, một trong mấy nhà lại làm lẩu mời mọi người chung vui. Trong cuộc rượu, thể nào chị Mai cũng ca vài câu vọng cổ. Những câu vọng cổ không biết có thần gì mà nghe chị Mai ca, sao mà buồn da buồn diết…Chị Mai không còn trẻ và cũng chẳng đẹp. Chị hơi mập, trên mặt lại có nhiều tàn nhang. Thế mà đàn ông đến quán "Cờ Tây" của chú Khởi, chỉ nheo nhéo tên chị. Chú Khởi có tới mấy đứa cháu gái dưới quê lên phụ bán hàng. Rõ ràng, trông "sạch mắt" hơn chị mà mấy lão dở hơi ấy cứ không có chị đến bên nói vài câu ngọt ngào là không được. Chị Mai uống rượu không tồi, nhưng cũng chẳng ít lần chị phải lao vào nhà vệ sinh, thò ngón trỏ vào họng móc móc cho nôn ra mật xanh mật vàng. Có hôm, móc họng cũng chẳng ăn thua, anh Tứ lại phải dìu chị sang, nháy mắt với Lân, bảo Lân thông cảm cho chị ấy nghỉ nhờ.Nhìn chị say xỉn, nằm cuộn tròn như một chú mèo con, Lân thương chị quá. Bảo chị đừng uống rượu với khách nữa, chị cười khơ khơ: "Cưng hỏng biết à? Tụi nó có say mình mới moi được tiền chớ bộ". Lân ngẩn tò te nhìn chị như nhìn thấy sự lạ trước đó chưa từng thấy bao giờ.Chị Mai ở trong tình trạng xỉn như vậy và được anh Tứ đưa sang nghỉ nhờ chỗ Lân độ bốn, năm bận gì đó thì mẹ Lân không chịu nổi. Bà chạy sang ngoắc chú Khởi đang mặt đỏ phừng phừng như vừa được nung trong lò lửa ra, nhỏ nhẹ: "Chú Khởi à, chú tính còn làm ăn lâu dài thì xây thêm phòng cho người nhà chú nghỉ lúc say khướt thế kia đi nhá. Nhà tôi không phải chỗ chứa. Mà con Lân cũng còn phải học hành chứ". Chú Khởi nghe xong, mặt chú chín từ đỏ sang tái: "Kìa bà chị. Mấy khi thằng em mới có dịp nhờ vả?". Mẹ Lân lừ mắt: "Chú nói lạ nhỉ? Từ mai còn thế, tôi không đồng ý đâu".Bà bỏ về, xộc vào chỗ chị Mai đang vừa ngủ vừa ư ư trong miệng. "Thật chẳng ra làm sao. Đang yên đang lành đến đây làm gì. Lân, mày không lo học hành đi thì rồi mày cũng như nó đấy". Lân ngồi xuống mép giường, với tay vặn volume chiếc radio lên. Bản tin thời sự về cuộc chiến ở Iraq đang sôi lên trên sóng phát thanh, át đi những tiếng ồn ào la hét từ bên quán "Cờ Tây" của chú Khởi vọng sang. Lân đã mấy lần muốn nói với chị Mai rằng, mấy tháng nay, kể từ khi chị đến, quán đó đông khách hẳn. Nhưng Lân không nói, vì sợ chị hiểu lầm mà tự ái. Chị hẳn phải là người nhạy cảm, Lân nghĩ thế.Càng về sau, chị Mai càng ít tham dự các cuộc tán gẫu của "xóm cửa hàng". Có lẽ vì công việc bên quán chú Khởi mỗi ngày thêm bận rộn. Những lúc rảnh, chị Hằng lại ngoắc tay rủ Lân sang hiệu hoa của vợ chồng anh Thọ ngồi, lại trêu anh Thọ: "Bọn em sang ngồi làm hoa nhà anh xấu đi phân nửa". Anh Thọ cũng không vừa: "Đâu có, hoa nhà tôi làm các cô đẹp hơn lên đấy chứ". Mấy anh chị em lại cười rổn rảng. Quẩn quanh thế nào mà câu chuyện lại chuyển hướng chĩa sang chị Mai khi vợ anh Thọ khơi mào: "Tài nhỉ, bà Mai nhà kia vừa già vừa xấu mà lại lắm trai hỏi thăm thế không biết". Chị Hằng vỗ đùi, cười hic hic: "Thôi đi bà, đừng có giả ngây con ngan già. Bà Mai làm gái. Cave mạt vận, thằng nào mà chả là khách hàng tiềm năng. Thể hiện trên giường sao mới quan trọng chứ đâu phải nhan sắc, anh Thọ nhỉ?". Như thể bị tóm trúng đuôi, anh Thọ hậm hừ. Trong khi Lân nghệt mặt nhìn những bông hồng hàm tiếu, thì chị Hằng vẫn bô bô: "Giai nhân làm khuynh đảo thiên hạ là chuyện thường. Xấu xí mà làm người ta khốn đốn mới đáng ngưỡng mộ. Nói thật, thi thoảng tôi cũng ước được như bà ấy". "Nhưng cô Mai đâu có xấu xí" - Anh Thọ vừa nói vừa cười lục khục trong cổ họng. Chị Hằng phóng tia nhìn đầy ẩn ý: "Nhưng so với người đẹp thì thế là xấu rồi…"Câu chuyện bỗng nhiên bị cắt ngang khi anh Tứ phóng xe máy vù qua. Chị Hằng lại gằn giọng: "Cả cái thằng này nữa, ở đâu rơi xuống thế không biết. Trông thấy ghê ghê". Mấy người bỗng im lặng như thể một phút mặc niệm. Như thể anh Tứ nhà hàng xóm là một ngôi sao chổi vừa quẹt qua vậy. Lân về nhà mà vẫn cứ mông lung nghĩ: Không biết tại sao mọi người lại ác cảm với anh Tứ, trong khi ở quán "Cờ Tây", chỉ có anh Tứ là quan tâm chị Mai nhất. Hồi chị Mai mới đến, chú Khởi đã đuổi việc cả hai vì anh Tứ đánh một kẻ nhậu khi thấy hắn véo mông và bóp tí chị Mai trước đám đông thực khách. Hai hôm sau, lại thấy chú Khởi tìm họ về, cười hê hê như tạ lỗi. "Xóm cửa hàng" lại một phen buôn chuyện…Lân đã cảm thấy mọi đồn thổi về chị Mai là sự thật. Nhưng Lân không có cảm giác khinh ghét chị. Lân không ghét chị cả khi từ cửa chớp nhà mình, Lân trông thấy chị vuốt má một tên béo ị, hay chạy vào nhà vệ sinh móc họng để rượu cùng thức ăn nôn ra. Chị Hằng thì lảng chị Mai ra mặt: "Những ả gái điếm lúc nào cũng có cảm giác như người ở bẩn". "Sao em không thấy thế?" - Lân cãi. Chị Hằng trừng mắt rồi ré lên cười: "Biết rồi. Mày là trinh nữ sao đã hiểu"."Xóm cửa hàng" tan vỡ trong lặng câm như thế. Không còn nữa những buổi cùng nhau ăn lẩu. Không còn nữa những câu vọng cổ buồn thấu ruột chị Mai ca. Rất nhiều khi Lân đã nhớ.Ngày Lân chuẩn bị đi thi đại học, một người đàn ông cũng có giọng nói phương Nam ngọt ngào như chị Mai ghé tìm. Lân hồi hộp quên thở khi gọi chị Mai sang nhà. Những tưởng Lân sẽ được chứng kiến một cuộc gặp gỡ cảm động. Nào ngờ, vừa nhìn thấy khách, chị Mai quay gót đi thẳng, không mảy may lưỡng lự. Người đàn ông như thể vừa bị kéo tuột từ trên trời xuống, hẫng hụt, ngác ngơ…Người đàn ông ngồi lại dưới gốc cây vú sữa già nhà Lân, gọi một bao thuốc lá rồi cứ thế đốt. Chị Hằng, anh Thọ vì tò mò mà thay chị Mai tiếp khách. Gọi là tiếp chuyện, nhưng chẳng mấy câu trao đổi. Rồi thì không hỏi nữa, không đáp nữa. Vì chủ thì chẳng biết hỏi gì, mà khách thì chỉ nghĩ đâu đâu. Còn Lân, không ai tự xưng, Lân cũng biết người đàn ông đang ngồi rất đỗi cô đơn kia chính là người tình phụ mà chị Mai cứ chằm chặp bênh người ta có lý do mới phụ mình. Trong những thực hư chị Mai kể, Lân tin người đó là có thực.Lân đỗ đại học. Trước ngày nhập trường, Lân ôm sang tặng chị Mai một con cún nhỏ. Nghe Lân lí nhí: "Tặng chị để chị chơi với nó cho khỏi buồn, và để thi thoảng chị nghĩ đến em". Chị Mai cười: "Chị đặt tên nó là Pì Lũ nghen cưng". Hai chị em ngồi trên gác ba, nơi chú Khởi xây một căn phòng nhỏ như mắt muỗi để chị Mai ở tạm. Đêm ấy mùa thu mát lịm. Chị Mai không ca vọng cổ tiễn chân Lân, mà hát giống Phi Nhung: "Má ơi đừng gả con xa/ Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu…"°Đám tang anh Thọ rơi vào một ngày giông gió. Những cái biển hiệu dọc phố bị gió quạt lần lượt đổ rầm rầm xuống nền bê tông vỉa hè. Những chiếc ghế nhựa người ta xếp cho khách đến viếng cũng xô nhau lăn lộc cộc. Mười phút sau, cơn giông tan đi, cảnh vật lả ra, vẻ tiêu điều xơ xác. Trong nhà tang chủ, tiếng vợ con anh thét gọi người quá cố nghe xé ruột. Anh Thọ đêm trước uống rượu say, mang xe máy đi loằng ngoằng quanh thị trấn. Rồi nhằm ôtô tông vào… Từ cửa vào trong nhà xếp đầy vòng hoa. Những bông hoa được làm bằng xốp, giấy, vẻ lạnh băng im lìm. Tiếng chị Hằng như than bên tai Lân "Trời ạ! Người ta khi sống chịu đựng sự giả dối chưa đủ hay sao mà khi chết đi, đến cả vòng hoa viếng mình cũng là hoa giả?".Đám tang anh Thọ xong hôm trước, hôm sau quán "Cờ Tây" của chú Khởi lại vào ra thực khách như thường. Chị Hằng ngồi ghim những tệp giấy đã photo xong vào với nhau, thi thoảng lại liếc nhìn những kẻ ra vào quán ấy, cười nhạt. Lân ngồi im nhìn chị làm, chẳng biết nói gì. Bên nhà anh Thọ, mùi nhang khói theo gió vẩn sang, làm nôn nao thương cảm, thi thoảng vợ anh lại nấc lên những tiếng hờ chồng. Chị Mai và anh Tứ không còn ở quán "Cờ Tây" nữa. Chị đã đi và mang theo con Pì Lũ của Lân. "Hai đứa khốn nạn ấy thể nào cũng đâm đầu vào ôtô chết cho xong" - Chị Hằng gầm gừ vẻ căm hận … Anh Thọ chết có thể là một hành vi tự sát.Câu chuyện của anh, chị Mai và anh Tứ vẫn còn là đề tài nóng, xôn xao thị trấn nhỏ của Lân. Họ kể cho nhau nghe rằng, một đêm nọ, cả nhà nghỉ Kim Ngân trong thị trấn náo loạn cả lên khi Tứ hùng hổ kéo người phá cửa một căn phòng rồi la hét, chụp ảnh, quay phim. Anh Thọ, chị Mai bị bắt quả tang khi đang vụng trộm. Sau đó, anh Thọ phải ký cam kết bồi thường 150 triệu đồng cho Tứ vì tội … ngủ với vợ hắn ta. Tứ chìa ra ảnh cưới cùng tờ giấy đăng ký kết hôn to tổ chảng, chứng nhận Tứ và chị Mai là vợ chồng hợp pháp. Mất tiền, mất danh dự, anh Thọ sinh ra uống rượu tiêu sầu, và đã lao đầu vào ô tô như vậy đấy.Chị Hằng chứng kiến tận mắt cảnh Tứ thuê người lôi chị Mai anh Thọ về nhà anh, ném thẳng tờ cam kết anh Thọ ký trước mặt vợ anh làm chị ấy vừa sợ hãi, vừa uất ức, lăn ra ngất xỉu. "Thế chị Mai lúc ấy làm gì?" - Chị Hằng thinh lặng với câu hỏi của Lân. Lâu sau, những tưởng Lân đã quên câu hỏi đó rồi, chị mới thủng thẳng: "Khóc".Mấy năm sau, một hôm, đang thả bộ trên đường phố của một thị xã nọ, Lân phát hiện có một con chó lạ cứ lẵng nhẵng đi theo mình. Lân dừng lại nhìn chằm chằm vào con chó. Con chó có cái mặt thật buồn, đôi mắt ướt như khóc. "Pì Lũ phải không?" - Lân buột gọi một cái tên trong ký ức. Chỉ chờ có thế, con chó chồm lên, ôm chặt chân Lân mà liếm, mà mừng. Lân cũng ngồi thụp xuống ôm cổ con chó, nước mắt trào ra, khóc như gặp lại tri kỷ trong đời.Con chó dẫn Lân vào ngôi nhà ở xóm trọ nghèo ngoài rìa một cánh đồng rau. Ngôi nhà mở cửa nhưng không thấy chủ đâu. Lân ngồi cùng con chó ở sân, chờ mãi mà chẳng thấy ai về.Hai hôm sau Lân trở lại, chủ nhà đó đã chuyển đi, không nhắn nhủ điều gì