- 1 -

Rượu đời uống: cơn say bất tận
chuyện thị phi: chép gửi người sau
chuyện mình lóng lánh như tim đỏ
sự thật còn nguyên nét nhiệm mầu
 
(Trần Nghi Hoàng,
tháng sáu chín tư)
Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose.
 
Mùa thu đã trở về. Mùa thu thứ 8 của tôi trên đất Mỹ. Cuốn sổ đời riêng lại được gạch thêm một nét; trong trái tim, những vết hằn in dấu rõ hơn. Giờ đây, cái thói quen viết nhật ký gần như không còn nữa. Tám năm quay cuồng với biết bao thay đổi không ngừng, từ tinh thần cho đến vật chất. Nhịp thời gian dập dồn vội vã. Tôi không còn thì giờ sống riêng cho chính mình một cách thênh thang.
Giờ đây, tôi vẫn còn nghe thẫn thờ mỗi khi bầu trời bỗng dưng chuyển xám, những hạt mưa nhỏ bám nhanh lên làn kính cửa. Cũng nghe trái tim chùng lại theo dáng trôi lờ lững của những đám mây biền biệt chân trời. Nhưng, những cảm giác này không còn sôi động như trong quãng đời phiêu bạt cũ, mà nó cứ lan man chợt đến chợt đi rất nhẹ trong tâm tư. Với hiện tại này, hạnh phúc không được hình dung bằng những không gian xa xôi trải đầy các đi tìm, bắt đầu và kết thúc; mà hạnh phúc chỉ là cái bóng thấp thoáng trong một mái nhà cũ kỹ, đúc kết từ một định mệnh hơn nửa đời người chìm nổi lênh đênh...
San Jose . Tháng 7/1986, một đêm...
Thuở mới lớn, tôi vẫn tin rằng, với một nghệ sĩ hay một nhà cách mạng, sự nghiệp của họ có thành công hay không, phần nào quan trọng đều do nơi người vợ. Vai trò cần thiết của một người vợ trong những hoàn cảnh như vậy đã làm cho tôi thật ước mơ và ngưỡng mộ.
Khi bước chân hẳn vào cuộc đời, bao nhiêu mối tình đến rồi đi trong định mệnh vẫn không gợi được trong tôi ý hướng dừng lại trên cương vị của một người vợ. Tôi không muốn phí uổng đời mình cho những người đàn ông bình thường với đơn giản những ước mơ về vật chất. Trong tôi còn nhiều ước vọng mà cái ước vọng sâu xa nhất có lẽ là sự việc hỗ trợ và làm phát triển tài năng  của người đàn ông yêu tôi và được tôi yêu.
Với Trần Nghi Hoàng, nếu chàng không có một hoài bão trong đầu càng lúc tôi càng thêm nhận rõ, hẵn chàng -một kẻ "nghèo" như tôi đã được Trần Quảng Nam "cảnh giác", và "không những nghèo, mà còn thật là nghèo!" như chính chàng đã tự xác định – sẽ không được tôi "chọn" trong số những người đàn ông bình thường có tiền bạc địa vị tôi từng gặp trong thời gian đầu đến Mỹ.
Một lần thật khuya, ngồi trong quán café Denny's góc đường Alma-Số Một, giữa những điếu thuốc lá được đốt lên và dập tắt liên tục, Trần Nghi Hoàng đã kể cho tôi nghe những mẩu nhỏ nối tiếp về cuộc đời chàng.
Năm 1963, thời Ngô Đình Diệm, trong phong trào sinh viên học sinh và Phật tử phản đối chính quyền đàn áp Phật giáo, Trần Nghi Hoàng từng bị bắt và bị khảo tra tàn nhẫn.
Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, một lần nữa, tuổi niên thiếu hào hùng và tinh thần tự do tiến bộ sớm nẩy nở trong người đã khiến chàng không thể chấp nhận được sự lãnh đạo của hàng ngũ tướng tá xem ra càng bất tài và nhiễu nhương hơn chính quyền cũ. Trần Nghi Hoàng bỏ nhà, trốn theo một nhóm “cách mạng” vừa chống Cộng Sản, vừa không muốn hợp tác với chính quyền hiện tại. Trụ sở của nhóm này đặt tại vùng cao nguyên. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn, một lần tình cờ nghe được cuộc họp của những người lãnh đạo nhóm, ý hướng bồng bột đẹp đẽ của Trần Nghi Hoàng bị tiêu tan bởi những phân chia quyền hành và chức vụ trong một chính quyền tương lai mà nhóm này đưa ra, dù rằng ngay hiện tại lúc ấy, cả "quyền" lẫn "chức" đều chỉ là những cái gì còn nằm trong ảo tưởng.
Trần Nghi Hoàng bỏ nhóm, trở  về Sàigòn đi học tiếp.
Từ đó, chàng thường tự xưng với bạn bè rằng mình là một kẻ vô chính phủ và không còn tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào bất cứ phe nhóm chính trị nào. Chàng chú tâm duy nhất trên văn chương thi ca, tin tưởng con người có thể nhờ nghệ thuật mà tiến bộ; để rồi đem nghệ thuật ứng dụng vào đời sống hầu có thể đến gần nhau hơn trong một quốc gia no ấm, văn minh.
 
Trong làn khói mờ ảo và cái ánh sáng ấm áp của chiếc quán mở cửa suốt đêm, tôi nghe Trần Nghi Hoàng bày tỏ:
"Một nghệ sĩ thực sự phải là người đối lập lại tất cả mọi chính quyền. Với một chính quyền xấu, người nghệ sĩ công kích, chỉ trích để mong sửa đổi cho tốt. Với một chính quyền tốt, người nghệ sĩ đóng vai trò giám sát để làm cho tốt hơn."
Chàng nói tiếp trong một cái nhếch môi khinh bạc:
"Nghệ sĩ mà chịu 'ơn mưa móc' của chính quyền thì sẽ tự biến thành một thứ con rối mua vui cho giai cấp lãnh đạo và lúc ấy, công việc sáng tác chỉ nằm trong phạm trù điếu đóm. Trước 75, Cộng Sản có bọn văn công. Phe Quốc Gia tuy khá hơn, văn nghệ sĩ không nhất thiết phải viết để 'ca tụng chính quyền hay giai cấp lãnh đạo', nhưng đa số chỉ là một bọn thời thượng làm ra dáng trí thức, giống như giáo sư Hoàng Ngọc Thành đã viết trong luận án tiến sĩ của ông ở đại học Hawaii. Luận án này được viết năm 1967, nhưng cái nhìn của giáo sư Hoàng Ngọc Thành không những chỉ đúng trong thời điểm ông hoàn tất luận án, mà xem ra, cho đến tháng 4/1975, tình trạng cũng không có gì khả quan hơn về giới 'văn nghệ sĩ phía Quốc Gia' rằng 'ngày tối chỉ lui tới những quán café, phòng trà, không khi nào đi ra khỏi Sàigòn. Sáng tác chỉ bằng tưởng tượng, hư cấu...' (°)
Kéo thêm hơi thuốc lá, Trần Nghi Hoàng nhấn mạnh:
"Kể từ khi bỏ nhóm 'cách mạng' ở vùng cao nguyên năm ấy, anh chẳng còn xem ai là lãnh tụ hay đàn anh trên đủ mọi khía cạnh của đời sống."
Và kết luận:
"Nếu hỏi rằng có lời dạy nào của tiền nhân làm anh ưa thích nhất thì phải nói đến câu 'Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh' của Mạnh Tử. Dân là quí nhất, thứ hai mới đến sơn hà xã tắc, còn vua chỉ là hạng nhẹ."
Chàng nói thêm:
"Vua đây là vị nguyên thủ quốc gia."
Sau cùng, Trần Nghi Hoàng nhếch môi cười:
"Ước mơ của anh là 'làm đẹp cuộc đời dơ' như anh đã viết trong một bài thơ làm ra năm 16 tuổi, dù rằng anh vẫn biết đó là một giấc mơ không tưởng."
°

*

Cuộc café lúc hai giờ sáng ở Denny's lần ấy đã để lại trong tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Một cách mơ hồ, tôi nghĩ rằng định mệnh mình đã đến hồi rẽ bước từ bỏ cuộc sống độc thân để gắn liền với đời sống người đàn ông khinh bạc ấy. Trong làn ánh sáng ấm áp của chiếc quán chỉ còn thưa thớt vài ba người khách, khuôn mặt xấu trai của Trần Nghi Hoàng như vẽ lên nét độc đáo lạ lùng khi đọc cho tôi nghe bài thơ Lưu Vong Hành, chàng sáng tác thời gian trước khi tôi đến Mỹ. Những vần thơ đã tự xác định cho tác giả hai chữ "tài hoa", như Trần Quảng Nam đã giới thiệu với tôi ngày đầu ở quán Văn.
vẫn còn ta đứng giữa trời
giọng ngâm xô núi, tiếng cười bạt non
cuộc phù sinh chẳng mỏi mòn
mà thân lãng tử lạc hồn lưu vong
 
ha ha ha! ta trải lòng ta
theo những dòng sông ra biển cả
đem nước biển đong hồn quốc sĩ
gươm mài thệ ký! ha ha ha
ta vuốt mặt làm kẻ tha hương
chứ còn mộng tang bồng hồ thỉ
thì thẹn mặt hoài lúc soi gương
hồn quốc hận gọi người quốc sĩ
 
gió thu buồn thổi lạnh Thu Bồn
bến Thu Bồn sóng nước nhăn nhăn
chiều vội vã, thu xưa mỏi gót
cùng bạn, hề! quyết vá trời Nam
bây giờ trên bước đường lang bạt
mỗi đêm một bữa rượu lên đàng
hẹn cùng gom hết bao tan tác
để mai về dựng lại quê hương
 
nhưng rồi mỗi sáng già thêm tuổi
hơi rượu ngật ngừ, cơn tỉnh mơ
chí lớn đêm qua nằm lủi thủi
theo mỗi thằng mỗi góc ngu ngơ
nhưng chí lớn vẫn còn xanh tóc
thời không qua, hề! chí chưa cam
trong thuyền, sóng rượu xô tiếng khóc
trong lòng, sóng lòng vỗ miên man
 
sóng lòng còn vỗ, chí chưa khuất
trường kiếm thu phong, hề! mang mang
ơn cha một đời chưa trả được
nợ ước trên vai, hề! ngửa ngang
 
nên đầu đội trời, chân đạp đất
tráng khí bừng bừng máu sắt son
đấng trượng phu xé gan bẻ cột
sá gì đâu một cuộc sinh tồn
 
sá gì đâu chút đời lưu xứ
xuân nhớ, quên đếm hết ngón tay
đếm qua ngón chân, sầu tuyệt tự
mười một mùa xuân, say tỉnh say
 
lạp cự thành khôi! lệ bất mãn
quốc sĩ vô lệ, hề! đoạn trường
đoạn trường thất thanh bay lãng đãng
tiếng hờn quốc sĩ, trăng cố hương
 
trăng cố hương soi hồn quốc sĩ
lữ khách mài gươm soi bóng trăng
nghĩa mẹ chưa đền, lữ khách khí
đôi lúc lộng ngôn vẫn nói càn
 
lữ khách vọng quốc buồn thao thức
chân vẫn bước lớn, hề! hiên ngang
thống hận mười năm còn đau nhức
thêm một năm, đau nhức càng tăng
 
thêm một năm, thêm mùa xuân nhạt
chỉ có rượu nồng cay cuống tim
cuống tim co thắt, đời luân lạc
gọi 'cố hương ơi'! một tiếng chìm 
Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose.
Đường phố đã thưa thớt xe cộ. Ánh đèn của tiệm giặt bên kia đường Số Hai vẫn còn rực sáng. Một người đàn bà Mễ Tây Cơ lôi từ trong máy sấy những cái quần, cái áo, rồi cẩn thận xếp riêng từng chiếc. Trước cửa tiệm rượu bên cạnh, hai người đàn ông Mỹ đen vừa cầm chai bia bọc trong túi giấy đưa lên miệng tu, vừa nhún nhẩy đôi mông.
Từ cửa sổ bàn viết lầu hai nhìn ra góc đường vắng vẻ, tôi thấy các cô gái giang hồ đứng tụm lại, chuyện trò với nhau bằng giọng Mỹ đen hay giọng Mễ. Đốm lửa nơi bàn tay hay đôi môi họ lập lòe cháy sáng. Thỉnh thoảng có tiếng cãi nhau, rồi lại tiếng chửi thề lồng lộng vang lên.
Cái bối cảnh này, từ lâu tôi quen thuộc; vậy mà mỗi đêm lại cứ như tìm thêm được một điều mới lạ. Mùa Xuân mùa Hạ, tiếng chuyện trò cãi vã cơ hồ thêm rộn rã. Mùa Thu mùa Đông, khí lạnh làm cho các điếu thuốc liên hồi rực sáng hơn.
Khuya, ngay sau buổi đám cưới, 16/2/1987.
Từ nhà hàng kéo về, Du Tử Lê, Lê Uyên, Trần Nghi Hoàng và tôi tiếp tục ngồi lại với nhau nơi phòng khách. Đêm đã rất khuya, dễ có đến hơn ba giờ sáng. Căn phòng bừa bộn những quà cưới còn nguyên trong hộp. Bốn người làm thành một hình tam giác ba góc: tôi và Trần Nghi Hoàng ngồi bên nhau, sát cửa sổ; Lê Uyên ngồi nơi mép bàn viết, khuôn mặt vẫn còn đầy son phấn, đôi mắt kẻ đậm sáng long lanh; Du Tử Lê chiếm vị trí chiếc ghế đàn dương cầm.
Vừa đưa tay búi cao mái tóc lên khỏi gáy, Lê Uyên vừa hất hàm bảo Du Tử Lê:
"Đó, bây giờ trước mặt Thu Vân, Trần Nghi Hoàng, Lê nói đi! Thái độ Lê hầm hầm suốt trong tiệc cưới người ta như vậy coi có được không?"
Nét mặt Du Tử Lê vẫn trầm tĩnh nhưng không che giấu được sự bực bội nào đó mà từ ban tối, tôi đã nhận biết. Anh nhỏ nhẹ hỏi Lê Uyên:
"Lê không hiểu U cố tình làm Lê đau khổ, hay là U cứ thích được đàn ông ve vãn mãi như thế?"
Lê Uyên xẵng giọng trả lời:
"Lê thì lúc nào cũng vậy! Tên Trần Khang ấy, U xem ra quái gì đâu mà Lê làm cho to chuyện?"
Giọng nói Du Tử Lê đã chớm phần gay gắt:
"Nếu không thế, việc gì mà U cười cợt với hắn, tạo cho hắn cơ hội để nghĩ rằng U dễ dãi? Chính U đã làm hạ giá U trước mặt đàn ông, nhất là những tên đàn ông chớt nhả như Trần Khang!"
Tôi bắt đầu hiểu câu chuyện. Thì ra nguyên nhân của sự lầm lì trên khuôn mặt Du Tử Lê suốt trong buổi dạ vũ và sự từ chối không vào nhà hàng -để ngồi lại ngoài xe sau buổi dạ vũ (làm tôi áy náy không ít)– chính đã phát sinh từ sự "cà rà" lúc ban tối của Trần Khang bên cạnh Lê Uyên.
Tôi nghe Lê Uyên đáp, vẻ tức giận lộ hẳn:
"Lê thì chỉ được cái tài ưa ghen bậy, ngoài ra chẳng làm gì tốt! U đâu có biểu tên Trần Khang mời U nhảy? Đâu có xúi hắn ve vãn U? Sao Lê lại hậm hực bực tức?"
Du Tử Lê gật đầu:
"Nhưng nếu U đàng hoàng, U phải có thái độ với hắn chứ? Đàng này, U lại để cho hắn ghé sát tai nói nhỏ, rồi cười ngoặt cười ngoẽo với hắn, làm như ở chỗ không ai khác nữa ngoài U với hắn?"
Trần Nghi Hoàng vội giải hòa:
"Tưởng ai, chứ anh chàng Trần Khang lúc nào cũng cứ ưa tự chứng tỏ mình là tay hào hoa số một nhưng thật tình không ra làm sao cả, ai mà chẳng biết, anh Lê cần gì để ý?"
Tôi nhìn cả hai người nghệ sĩ nổi tiếng với một chút tò mò vui thích.
[Tôi và Lê Uyên biết nhau dạo 1972 ở Dalat, lúc ấy chị đang cùng chồng -nhạc sĩ Lê Uyên Phương- là chủ nhân quán café Lục Huyền Cầm trên đường Võ Tánh, còn tôi là nhạc sĩ biểu diễn violon mỗi đêm tại vũ trường Duy Tân. Gặp lại nhau ở Mỹ, cả hai bỗng dưng trở nên gần gũi. Tôi ưa thích chị vì cái tánh "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha" dù có hơi ồn ào một chút. Và chị thích tôi vì "đôi mắt to, đen thui, sâu như cái giếng, trên khuôn mặt độc đáo, gặp một lần chẳng thể nào quên được!" mà chị thường nhận xét cùng bất cứ ai quen với cả tôi lẫn chị. Khi biết tôi và Trần Nghi Hoàng mình trần thân trụi, không có tiền làm đám cưới, chính Lê Uyên là người duy nhất bày ra một giải pháp. Chị nói: "Tại sao bọn mi không làm thế này: Ta đưa bọn mi mượn 500 đô la ứng trước cho nhà hàng nó lo mọi thứ. Bọn mi cứ nhẩn nha ngồi viết tay thiệp cưới rồi đem photocopy cho đỡ tốn; xong, thảy cho mỗi dứa bạn một tấm, mời tụi nó đến ăn cưới, nghe Thu Vân kéo violon,  nghe Trần Nghi Hoàng đọc thơ, nghe ta hát! Số tiền bạn bè mừng, ta bảo đảm là ngoài 500 trả lại ta, bọn mi dư sức trả luôn phần tiệc nhà hàng các thứ, có khi còn lời chút đỉnh mà ăn nhậu nữa!..." Tôi thích lối nói băng băng dễ dãi của chị, thấy cũng hay hay, nên dù là một kẻ chủ trương "hôn nhân thiết yếu phải được xây dựng bằng sự chia xẻ tinh thần giữa hai người trong cuộc chứ không bằng một lễ cưới rình rang hoặc tấm giá thú vô tri giác", tôi cũng nhận làm theo lời chị(°).
Qua phần áo cưới, cũng chính Lê Uyên nghĩ ra giải pháp mượn con gái Du Tử Lê chiếc áo dài gấm màu đỏ, rồi tự tay đem từ Santa Ana lên San Jose cho tôi mặc trong tiệc cưới tôi và Trần Nghi Hoàng. Với điều này, chị cười hề hề, nói với tôi: "Trên xứ Mỹ, cái gì cũng đều vay mượn, luôn cả danh vọng, tình cảm. Chị thấy như vậy lại hay, mình đỡ tốn công tốn sức! Có điều chị phải nói rõ là cô con gái Du Tử Lê mặc áo này trong buổi đám cưới; cưới nhau chẳng bao lâu, vợ chồng nó bỏ nhau. Chị cho biết vậy, kẻo thôi sau này có gì xui, em lại trách chị không kể cho nghe trước cái huông xấu ấy!"
Riêng Du Tử Lê, tôi chưa hề gặp lần nào trước đó. Tuy nhiên, ngày hôm qua cùng Trần Nghi Hoàng ra phi trường đón cả hai lên ăn cưới, cái vẻ rụt rè mỏng mảnh của anh đối nghịch hẳn với sự sôi nổi ồn ào của Lê Uyên và sự ngang tàng mạnh mẽ của Trần Nghi Hoàng- đã làm tôi cảm nghe ái ngại. Lúc ấy, nơi phi trường trời gió thật lạnh; khuôn mặt Du Tử Lê vốn xanh xao, lại càng tái đi hơn nữa. Trong khi Lê Uyên và Trần Nghi Hoàng cùng nhau đối đáp những câu chuyện rộn ràng vui thú thì anh cứ đứng im mỉm cười, nụ cười hiền của một thi sĩ, thỉnh thoảng mới chen vào những câu nói nhỏ bằng cái giọng Bắc nhẹ nhàng ấm áp. Thiện cảm trong tôi cũng nẩy sinh nhanh chóng cho anh.]
Tôi ngồi im, lắng nghe không sót những lời đối đáp chan chát của cả Du Tử Lê lẫn Lê Uyên, cố giữ thái độ bàng quan để tế nhị tránh cho họ cảm nghĩ rằng họ đang đi ra ngoài giới hạn thân tình của những người khách. Thỉnh thoảng, tôi và Trần Nghi Hoàng mỗi người đều nói lên những câu dàn hòa hầu làm dịu đi sự nóng giận của hai người nghệ sĩ (từng là đề tài "lớn" cho giới văn nghệ Santa Ana bằng mối tình "lớn" của họ), lúc ấy đang hiện hình thành hai địch thủ không còn muốn cùng "đưa nhau về chân trời tím" nữa! Nhưng tất cả mọi cố gắng của tôi và Trần Nghi Hoàng đều vô ích. Càng lúc, Lê Uyên càng tỏ ra nóng nảy đến mất cả bình tĩnh, ngôn ngữ dùng đã bắt đầu thấy có những chữ "mày, tao" trong ấy. Tuy nhiên, càng giận, chị lại càng đẹp, đôi mắt sáng long lanh, khuôn mặt bừng bừng sát khí, cái giọng thổ khàn khàn dội lên như tiếng écho vang khắp căn nhà lớn; cả con người chị hiện thân cho một kẻ điên, hoặc là một con beo đang giơ cao móng vuốt trước khi chụp xuống con thỏ nạn nhân!
Du Tử Lê cũng không phải tay vừa. Dẫu rằng anh vẫn "U U, Lê Lê" rất  ngọt ngào nhỏ nhẹ, nhưng lối đối đáp, dùng chữ của anh mang đầy tính cách thâm độc; trên khuôn mặt, vẻ khinh bỉ cho người đàn bà anh từng yêu thương ôm ấp, hiện ra rất rõ. Tôi được biết anh không bao giờ uống rượu, nhưng nghĩ rằng, sự để lộ cá chất riêng của một kẻ đang say ngất ngư cũng chỉ đến như anh lúc ấy là cùng!
"Kỳ phùng địch thủ!", tôi đang nhếch môi cười một cách giấu diếm với ý nghĩ mình thì đột nhiên nghe Lê Uyên cao giọng hỏi:
"Mày giỏi tài chỉ trích tao, còn mày thì sao? Có đàng hoàng không? Hay nếu có con đĩ nào tỏ ra hâm mộ mày một tí là mày làm thơ tặng ngay, hoặc viết những bức thư tình ướt át rồi lén tao mà trao cho nó? Lại còn con Khánh Ly như thế nào thì cả nước đều biết, tại sao lúc nào mày cũng ca tụng nó, làm như nó trang nghiêm đoan chính lắm? Những khi ấy, có bao giờ mày nghĩ đến giùm tao những nỗi nhục nhã hay không?"
Du Tử Lê cười khẩy:
"U thì làm sao mà so bì được với Khánh Ly?"
Tức khắc, một tiếng "bốp" vang lên, tiếp theo là tiếng "rầm" thật lớn. Du Tử Lê từ trên chiếc ghế dương cầm té xuống nền nhà, đôi kính vuột khỏi mắt, bay tuốt vào góc phòng. Lê Uyên trong thế đứng rất oai hùng của một võ sĩ đang trên đà thắng trận, hai chân giang rộng, hai cánh tay vung liên hồi lên đầu lên cổ đối thủ. Trần Nghi Hoàng phóng nhanh tới chụp cánh tay Lê Uyên giữ lại. Cú phóng của chàng mạnh đến nỗi kéo ngã theo cái ghế bành lớn. Tôi hoảng sợ lùi sát kệ sách, nhìn bối cảnh vừa bi vừa hài trước mắt, thấy Du Tử Lê đang lui cui trên nền thảm, bên trán phải ứa ra một đường máu. Tôi cúi nhặt giùm anh cặp kính. Còn Lê Uyên lúc ấy đang bị trói cả hai tay trong sự kềm giữ của Trần Nghi Hoàng, vừa vẫy vùng như con cọp quẫn chân trong chuồng sắt, mái tóc xổ bung ra, vừa la lớn:
"Mi, mi, Trần Nghi Hoàng, mi dám bênh nó à?"
Từ nơi góc ghế dương cầm, tiếng Du Tử Lê vọng lên, giọng điệu nhỏ nhẹ nhưng đầy khinh bỉ:
"Nếu U thấy những hành động U đang làm là hay thì cứ việc tiếp tục. Riêng Lê nhận rằng ngay cả một người đàn bà đứng ngoài đường cũng không hành sử như thế."
Tức thì Lê Uyên rú lên:
"Mày còn dám ví tao thua cả một con điếm đứng đường nữa sao?"
Rồi, vùng một cái thật mạnh, một bàn tay Lê Uyên tuột khỏi sự kềm giữ của Trần Nghi Hoàng, biến nhanh thành một thứ khí giới lợi hại bổ xuống tới tấp trên đầu trên cổ chàng thi sĩ ốm yếu lúc ấy vẫn còn đang lom khom trên sàn thảm. Trần Nghi Hoàng buông nắm tay còn lại, lui về chỗ ngồi cũ, lạnh lùng nói:
"Tụi này vừa mới đám cưới xong. Anh chị là khách phương xa đến tham dự, tụi này rất cảm kích. Nhưng nếu anh chị cứ tiếp tục đánh chửi nhau, xin đem ra đường đối xử có lẽ hơn! Ở đây còn có những người thuê chung nhà, không tiện!"
Cuộc chiến tranh bất ngờ chấm dứt. Cả Du Tử Lê và Lê Uyên, kẻ vuốt lại áo, người bút lại tóc, lẳng lặng lui vào chỗ cũ. Không hẹn hò nháy nhó gì nhau vậy mà tôi và Trần Nghi Hoàng mỗi người tự động ngồi kề bên một "đấu thủ" trong tư thế "sẵn sàng để ứng chiến!"
Cuộc trò chuyện được lập lại thân mật. Người làm linh động nhanh chóng được cục diện vẫn là Lê Uyên. Có lẽ đây là biệt tài của chị, nẩy sinh từ cá chất quá hời hợt; hoặc cũng có thể là do chị đã quen với những cuộc bạo hành như thế nên không nhìn được sự bỡ ngỡ tột độ của tôi trước những điều vừa mới xảy ra. Chị vẫn thản nhiên như không hề có gì ồn ào 10 phút trước đó. Chị sẵn sàng cười ngất theo những câu chuyện Trần Nghi Hoàng cố tình nói lên để làm tan biến "không khí chiến tranh" vẫn còn vương vất đêm khuya.
Riêng Du Tử Lê lại khác. Tôi nhìn thấy được sự xấu hổ trên khuôn mặt anh. Anh gần như không nói gì nữa trong các câu chuyện kế tiếp, cứ lầm lì ngồi yên, khuôn mặt lạnh tanh, hai bàn tay run rẩy. Lê Uyên quay hỏi anh:
"Lê ăn cơm với trứng chiên, U làm cho nhé?"
Anh ngoan ngoãn gật đầu.
Lê Uyên nói với tôi:
"Anh Lê chỉ thích ăn cơm với trứng chiên thôi, gầy nhom là phải Thu Vân ạ!" (trong giọng nói thấy đượm đầy lo lắng).
Khi dùng xong dĩa cơm với trứng, Du Tử Lê trông tươi tỉnh hơn.
Câu chuyện chuyển hướng sang đề tài tình cảm giữa tôi và Trần Nghi Hoàng. Lê Uyên đến ngồi cạnh bên Du Tử Lê, vỗ vỗ vào đùi Du Tử Lê mà nói:
"Trần Nghi Hoàng không có cái lối ghen sảng như Lê đâu. Hắn cưới được Thu Vân một phần nhờ vậy. Con bé rất đào hoa, năm xưa ở Dalat, khối người mê là thế!"
Trần Nghi Hoàng cười:
"Thực ra anh Lê và chị Uyên đâu có biết là hiện tại làm vợ tôi, Thu Vân vẫn còn giữ cả một 'kho tàng' nhật ký cũ, đem theo từ Việt Nam."
Lê Uyên kêu lên:
"Thật à? Vậy chứ nhật ký có viết về tình yêu không?"
Trần Nghi Hoàng đáp:
"Có lẽ phải có. Đã gọi là nhật ký, hơn nữa, như chị biết, Thu Vân đào hoa cỡ nào mà!"
Lê Uyên lại hỏi, vẻ tò mò thích thú:
"Rồi ‘mi’ có đọc không?"
Trần Nghi Hoàng lắc đầu thành thật:
"Tôi không đọc. Nhưng xuyên qua sự kiện này, tôi nhìn ra được nơi Thu Vân một điều thật đặc biệt. Thu Vân trân trọng những quyển nhật ký cũ y hệt một đứa trẻ trân trọng các món đồ chơi quí giá, cất vào ngăn tủ, lâu lâu bày ra trước mắt mà ngắm nghía, xong lại cất kỹ vào tủ. Đó là những gì nói lên được rõ rệt tâm hồn Thu Vân nhất: chung thủy và trẻ thơ!"
Lê Uyên nhìn nghiêng Du Tử Lê, vẻ âu yếm:
"Lê nghe rõ chưa? Trên phương diện này, Lê phải nhận là thua xa Trần Nghi Hoàng đấy nhé."
Quay sang tôi, Lê Uyên tiếp:
"Anh Lê ghen còn hơn đàn bà nữa! Chỉ một dòng chữ của anh Lộc mà nếu bắt gặp, anh Lê đủ lồng lộn lên, nói chi đến cả ‘kho tàng nhật ký’ như của em!"
Tôi cười nhẹ:
"Mỗi người một cá chất. Ai cũng đều có một quá khứ. Ở đây, không thể nhắm vào sự việc anh Lê vì ghen, hay Trần Nghi Hoàng vì không ghen mà xét đoán mức độ như thế nào trong tình yêu của họ. Vấn đề chỉ là hiện tại. Em nghĩ, điều quan trọng là làm sao mình tạo được cho đối tượng cảm tưởng an ổn về mình, cho dù trong quá khứ mình đào hoa cỡ nào, được nhiều người thương cỡ nào chăng nữa."
Trần Nghi Hoàng gật đầu:
"Thu Vân nói đúng. Những quyển nhật ký chỉ là biểu tượng cho một thời Thu Vân đã sống, không có nghĩa cái thời sống ấy vẫn còn được tiếp tục tồn tại qua đến bây giờ làm vợ tôi. Tôi trân trọng chúng và một cách nào đó, cảm ơn chúng, bởi vì cũng nhờ có một quá khứ sống dồi dào như thế mà ngày nay những gì tôi đang cố gắng đem lại và xây đắp, mới được Thu Vân đón nhận bằng một tâm hồn chia xẻ sâu xa."
Du Tử Lê nhìn Trần Nghi Hoàng, nhỏ nhẹ:
"Tôi không làm được như vậy đâu. Trần Nghi Hoàng rộng rãi đại lượng hơn tôi rất nhiều trên khía cạnh ấy."
Trong giọng nói anh có ẩn chứa sự thành thật.
[Tôi nhớ lại ban tối, giữa tiệc cưới, đến phần phát biểu cảm tưởng của từng người bạn đối với cô dâu chú rể, Du Tử Lê được mời lên, đã bày tỏ: "Chúng tôi đến đây từ chiều hôm qua. Tôi và Trần Nghi Hoàng chưa hẳn là thân. Nhưng tôi có một người bạn được xem là người chị tinh thần của Thu Vân. Người bạn gặp lại Thu Vân sau 17 năm xa cách, về Orange County kể cho tôi nghe mối tình của Thu Vân và Trần Nghi Hoàng. Mối tình của hai người trẻ qua lời người bạn đã là một chấn động lớn cho tôi. Vì thế, tôi bỏ Orange County lên đây để được nhìn tận mắt người đàn bà đã mang đến trong đời Trần Nghi Hoàng một mối tình lớn. Lúc nãy, khi Trần Nghi Hoàng và Thu Vân ghé qua bàn chúng tôi, tôi có nói thế này: 'Tất cả những mối tình lớn của anh em nghệ sĩ chúng tôi thường tan vỡ. Tôi mong Trần Nghi Hoàng là người nghệ sĩ đầu tiên phá vỡ cái định kiến cho rằng những mối tình nghệ sĩ dù lớn lao bao nhiêu cũng đều phải tan vỡ. Và tôi tin Trần Nghi Hoàng sẽ là người sửa chữa được cái định kiến ấy bằng tình yêu của Thu Vân.'"]
Những lời cầu chúc đã làm cho tôi cảm kích suốt từ ban tối... Nhưng bây giờ thì tôi tự hỏi, phải chăng khi nói lên những lời cầu chúc ấy, Du Tử Lê muốn tự biện hộ cho mối tình "lớn" giữa anh và Lê Uyên sắp đi vào tuyệt lộ? Biện hộ bằng một thứ "định kiến" do chính anh đặt ra chứ chẳng phải là của những người nghệ sĩ thật sự lớn –những con người trân trọng tình yêu, nâng niu tình yêu và đặt nền tảng vững chắc cho tình yêu bằng nghệ thuật và sự cảm thông chân chính- mà không là những kẻ hạ giá tình yêu, chà đạp tình yêu, mạt sát tình yêu bằng những gì nhơ nhuốc xấu xa. 
 
 
Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose.
Từ bàn làm việc của Trần Nghi Hoàng, tiếng gõ của 10 ngón tay trên phím computer vẫn vang lên đều đặn. Bộ sách Văn Hóùa sắc tộc dày khoảng 700 trang được bắt đầu từ mấy năm qua, vẫn là đề tài làm cho chàng say mê hứng thú. Khác với tôi, mỗi ngày đều đặn ngồi vào bàn viết từ 5 giờ sáng cho đến tối khuya, trừ những giờ dạy đàn, lo cho Âu Cơ hoặc công việc nội trợ, Trần Nghi Hoàng thường có thói quen viết vào ban đêm, từ 9 giờ tối cho đến 2 giờ sáng. Tôi gọi quãng thời gian này là thời gian của "tiếng máy đánh chữ thay thế cho tiếng đàn dương cầm."
Căn phòng 45 thước vuông cách biệt với những phòng khác bằng một hành lang dài, được Trần Nghi Hoàng xem như "nơi chốn của nghĩ suy và cảm hứng." Còn tôi lại khoác lên cho nó cái tên gọi "nơi chạy trốn cho những điên đảo của tâm tư!"
San Jose. Tháng 2/1987, một ngày...
 
Hà Cẩm Tâm đến thật sớm khi tôi vừa thu dọn xong các món quà mừng cưới bày ra bừa bãi trên sàn nhà từ tối hôm trước. Anh ngồi xuống cạnh bên và nói:
"Đêm rồi vui quá! Anh thấy hứng thú hết sức. Lâu lắm trên xứ Mỹ mới được dự một cái đám cưới đúng nghĩa nghệ sĩ như đám cưới tối qua của em và Trần Nghi Hoàng."
Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Những cành cây đong đưa trong gió sớm. Con đường mòn ngăn đôi giữa ngôi nhà tôi ở và căn biệt thự bỏ hoang bên cạnh, lá rụng đầy ngập. Bên kia khoảng đất rộng có cái chòi để dụng cụ làm vườn, mầu gỗ đã trở thành sậm đen theo bốn mùa mưa nắng. Trái tim tôi cơ hồ đập mạnh. Một nỗi rùng mình chạy suốt châu thân.
Hà Cẩm Tâm nhìn theo hướng mắt của tôi:
"Thu Vân ngó gì vậy?"
Tôi giơ tay chỉ ra ngoài cửa sổ:
"Anh có hình dung được điều gì với khoảng đất trống nhà bên cạnh không?"
"Không! Còn em?"
"Em thì nghĩ đến những cái sân nện đất sét bằng phẳng trong các ngôi nhà vườn ở miền quê Việt Nam. Tưởng tượng thêm chút nữa sẽ thấy mấy đứa con nít mình trần trùng trục, đen đủi dơ dáy, đang nô giỡn với nhau dưới các gốc xoài gốc mít..."
Anh vỗ vai tôi:
"Anh ‘chịu’ em, Thu Vân à! Sao em không viết văn đi?"
Tôi bật cười dòn:
"Viết văn? Anh có đùa không? Bộ anh muốn em biến thành một thứ trò hề chữ nghĩa trước mắt những độc giả khó tính hay sao?"
Anh nghiêm trang:
"Không! Anh nói thật đó! Tâm hồn em phong phú lắm! Giao thiệp với em là anh tưởng như tìm thấy được một cái gì chân thật mà đã từ lâu không còn thấy nữa trong cuộc sống."
Rồi anh tiếp:
"Hôm nay anh thấy hứng thú trong lòng lắm. Anh muốn vẽ tặng em một bức tranh bằng tất cả những hứng thú đó. Chút nữa anh sẽ bảo Trần Nghi Hoàng chở anh đi mua canvas, sơn, cọ, em muốn đề tài nào, anh cũng vẽ. Tặng riêng em!"
[Từ lâu, tôi vẫn nghĩ về Hà Cẩm Tâm như một người anh chứ không là người bạn. Anh dáng người cao ráo, nói giọng nhỏ nhẹ miền Nam, lớn hơn tôi gần hai chục tuổi, lại rất thân với Hoài Nam, một họa sĩ tài hoa kỳ hồ lang bạt và cũng là một trong số ít "người bạn vong niên" được tôi rất quí trọng trời gian còn ở Việt Nam. Một lần, nghe tôi kể những kỷ niệm đã có với Hoài Nam trong quãng đời cải lương giang hồ cũ, Hà Cẩm Tâm đã nói: "Anh và thằng Hoài Nam đối với nhau còn hơn anh em ruột. Nay biết nó thương quí Thu Vân như em gái nó, anh chẳng ngạc nhiên gì cả, bởi vì sự chân thật là bản chất của nó và cũng là của em."
Cũng nhiều lần trong các cuộc gặp gỡ bạn bè tại nhà tôi, anh thường tỏ bày với vẻ mặt rất thành thật: "Thu Vân và Trần Nghi Hoàng đúng là hai người nghệ sĩ thật sự nghệ sĩ. Nhất là Thu Vân, khiêm nhường kín đáo, âm thầm sống và làm việc mà không chút nào muốn tỏ ra huênh hoang hợm hĩnh vì kết quả nghệ thuật của mình." Và anh vẫn thêm: "Sống ngần này tuổi, anh thấy có nhiều người giả vật giả lắm, nhất là trong giới nghệ sĩ. Ít thấy ai chân thật như Thu Vân!" Theo điều nói thêm này của Hà Cẩm Tâm, Trần Nghi Hoàng thường bày tỏ riêng với tôi, giọng diễu cợt: "Mà Hà Cẩm Tâm là người nghệ sĩ có nhiều cái giả nhất!" Nhưng chàng không giải thích tại sao, và tôi cũng chẳng hỏi han gì về điều ấy.]
Tôi cảm động nhìn anh:
"Anh vẽ gì cũng được, miễn bức vẽ đó tặng riêng cho em là em thấy hân hạnh lắm rồi!"
Khi ấy, Tâm Nguyên điện thoại đến gặp Trần Nghi Hoàng, mời cả nhà đi ăn phở.
Trong quán Anh Đào, hiện diện "cả nhà" gồm có Du Tử Lê, Lê Uyên, Hà Cẩm Tâm, Đăng Lạt, Trần Nghi Hoàng và tôi. Vợ chồng Tâm Nguyên & Cẩm Tú cùng con gái đến chờ từ trước. Gặp nhau, Tâm Nguyên ngỏ lời khen ngợi:
"Đám cưới Thu Vân & Trần Nghi Hoàng đêm qua vui quá! Đúng là một cái đám cưới nghệ sĩ linh động ít thấy."
Trần Nghi Hoàng cười:
"Vui là bởi vì cô dâu chú rể đều ‘mồ côi họ hàng’ trên xứ Mỹ nên bạn bè tha hồ nổi đình nổi đám, chẳng phải e dè kiêng nể người lớn kẻ nhỏ gì cả!"
Lê Uyên gật đầu nói với tôi:
"Em và Trần Nghi Hoàng ‘may’ ở điểm đó. Chứ thường đám cưới phải có người lớn đứng chủ hôn, thành ra khách khứa vô tình chịu sự dòm ngó, chẳng dám vui thả cửa."
Tâm Nguyên đề nghị:
"Ăn phở xong, chúng mình kéo nhau ra vườn Nhật chụp cho Thu Vân và Trần Nghi Hoàng một cuộn phim kỷ niệm này đầu tiên sau đám cưới đi! Tôi xin tình nguyện làm phó nhòm."
Tất cả đồng ý, chỉ riêng Cẩm Tú, vợ Tâm Nguyên, cáo từ đưa con về trước.
Dẫu vậy, trong suốt buổi sáng ở vườn Nhật, Tâm Nguyên chỉ "bám" lấy Lê Uyên mà chụp ảnh, bỏ mặc những người bạn đi cùng, bỏ Du Tử Lê lủi thủi đàng sau, bỏ luôn lời hứa "chụp cho Thu Vân và Trần Nghi Hoàng những tấm ảnh kỷ niệm sau ngày cưới!"
Đi giữa Trần Nghi Hoàng, Hà Cẩm Tâm, Đăng Lạt và Du Tử Lê, tôi cứ nghiền ngẫm một câu nói của người xưa, rồi tự cười một mình. Hà Cẩm Tâm nhìn tôi, quay qua Trần Nghi Hoàng:
"Thu Vân có nhiều cái lạ quá! Cười một mình cũng là một cái lạ!"
Đăng Lạt thêm vào:
"Nhiều khi tôi thấy con nhỏ này giống như một người ở hành tinh nào lạ hoắc rơi xuống!"
Lúc này tôi mới bật cười dòn:
"Em cười vì khoái trá đã tìm ra được một ‘chân lý’!"
Trần Nghi Hoàng thoáng nét ngạc nhiên. Tôi lại cười, rồi đọc lên lời của Ngô Hoài Dã: "Không hứa bậy nên mình chẳng phụ ai. Không tin bậy nên chẳng ai phụ mình!"
°

*

Buổi chiều, Trần Nghi Hoàng đề nghị tôi làm bò nhúng dấm đãi bạn bè, gọi là bữa tiệc họp mặt sau ngày cưới. Còn chàng thì chở Hà Cẩm Tâm đi mua canvas và sơn, cọ. Ở nhà chỉ còn tôi với Du Tử Lê.
Du Tử Lê nét mặt âu sầu vì bị Lê Uyên "bỏ rơi" suốt buổi sáng, qua đến buổi chiều cũng lại bị "bỏ rơi" khi Lê Uyên tiếp tục cùng Tâm Nguyên đi chụp ảnh. Anh cứ hết ngồi đọc sách nơi bàn viết, dáng cách trầm ngâm buồn bã, lại đến đứng bên cửa sổ, thơ thẩn nhìn ra ngoài. Tôi muốn gợi chuyện cùng anh, nhưng e dè khi thấy đôi bàn tay anh run rẩy, biểu lộ một nỗi buồn phiền thật sự. Và tôi cảm nghe ái ngại vì căn phố thuê của tôi và Trần Nghi Hoàng quá nhỏ, không đủ chiều rộng cho nỗi đau của Du Tử Lê dàn trải tự do.
Chiếu rượu được bày ra trên sàn phòng khách. Những người bạn hiện diện gồm có Hà Cẩm Tâm, Du Tử Lê, Lê Uyên, Tâm Nguyên, Nguyễn Duy Minh Lương (cậu học trò violon 30 tuổi của tôi), Từ Nguyên Trầm, một cặp vợ chồng bạn khác. Du Tử Lê được sắp ngồi giữa tôi với Trần Nghi Hoàng, còn Lê Uyên ngồi phía đối diện, cạnh Tâm Nguyên. Không ai trong số những người có mặt là không nhìn ra sự ủ dột của Du Tử Lê và sự hớn hở của Lê Uyên khi biết mình đang được một tay sinh viên luật trẻ tuổi bảnh trai như Tâm Nguyên ra công tán tỉnh. Tuy vậy, không khí bữa rượu vẫn tràn đầy thú vị với những câu chuyện vui do Trần Nghi Hoàng chủ động kể và món bò nhúng dấm chấm mắm nêm của tôi cũng được các thực khách chiếu cố tận tình.
Đến giữa bữa rượu, Hà Cẩm Tâm nhìn Du Tử Lê, buột miệng:
"Anh Lê à! Anh có cái nét nghệ sĩ kỳ lạ lắm, tôi vẽ tặng anh một bức!"
Du Tử Lê mau mắn đáp ứng lời đề nghị của Hà Cẩm Tâm, đến ngồi nơi bàn viết kê gần cửa sổ, thẳng người nghiêm chỉnh. Bức vẽ hoàn thành nhanh chóng dưới những lằn cọ điêu luyện của họa sĩ; Du Tử Lê nét mặt trân trọng, cầm lên ngắm nghía. Từ Nguyên Trầm rời chiếu rượu, xà đến bên Hà Cẩm Tâm lúc ấy đang ngồi giữa những cọ, những màu, những canvas la liệt chung quanh.
Tôi nhìn bối cảnh trước mắt với rất nhiều xúc cảm. Thời gian trôi, mọi sự trên đời không ra ngoài qui luật đổi thay của Tạo Hóa. Vậy mà từ trong bản chất cho chí đến ngoài cảnh sống, tôi thấy mình vẫn chẳng có gì thay đổi. Các cuộc vui với những người bạn nghệ sĩ như thế này, tôi đã từng quen thuộc nhiều năm ở Việt Nam, qua đến Âu Châu, rồi bây giờ là nơi xứ Mỹ. Đời sống dù dư dả hay túng thiếu thì điều được tôn trọng hàng đầu vẫn là nghệ thuật. Những cuộc vui thường bao quanh đề tài nghệ thuật. (Những cuộc vui hầu như chỉ có tôi là người nữ duy nhất hiện diện trong cả đám đàn ông!)
Tôi cười một mình vì điều khám phá tầm thường ấy, rồi lại nhớ đến câu nói ban sáng của Hà Cẩm Tâm về nụ cười một mình. Trong óc không rời ý nghĩ "Có lẽ Hà Cẩm Tâm cho rằng tôi cũng là một người có máu điên điên!"
 
Từ chiếu rượu, Lê Uyên vừa nhai một cuốn bò nhúng dấm, vừa vọng lên lời đòi hỏi:
"Anh Tâm vẽ Lê Uyên nữa chứ? Du Tử Lê có tranh thì Lê Uyên cũng phải có tranh!"
Hà Cẩm Tâm nở nụ cười rất “tình” như thói quen anh thường có trước các người đàn bà đẹp (anh vốn nổi tiếng ga-lăng cùng phụ nữ):
"Tôi đang tính đề nghị với chị như vậy".
Lê Uyên nhanh nhẹn đứng lên đi vào phòng ngủ, mặc áo dài và điểm trang lại nhân dáng, rồi đến ngồi nơi chiếc ghế trước mặt họa sĩ. Một dung nhan kiều diễm lại nhanh chóng thành hình trên khung vải. Nét kiêu hãnh của người trong tranh cũng thể hiện rõ rệt như người mẫu bên ngoài bằng thịt bằng xương.
Hà Cẩm Tâm dường như hứng thú khi có dịp được phô bày tài năng trước những người bạn nghệ sĩ. Vì vậy, trừ tôi, Trần Nghi Hoàng và Tâm Nguyên, anh nhận lời vẽ cho lần lượt từ người này qua người khác trong tất cả số khách hiện hữu. Mọi tấm canvas đều được đem ra cho ngọn bút lông của anh vẫy vùng thi thố. Chẳng mấy chốc, đủ loại dung nhan được dựng lên ở bất cứ chỗ nào trong phòng khách: dung nhan mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông!!!
°

*

Khi bữa rượu gần tàn thì trời cũng đã khuya. Tôi lẳng lặng dọn dẹp chén dĩa dơ, đem ra nhà sau. Hà Cẩm Tâm bước theo tôi. Từ bồn rửa chén, tôi ngẩng đầu lên hỏi:
"Anh Tâm cần gì vậy?"
Anh ngần ngừ nửa như muốn nói điều gì, nửa như ngập ngừng, sau cùng là im lặng. Tôi lại hỏi:
"Anh cần gì, bảo em lấy?"
Giọng anh ngần ngại:
"Anh có cần gì đâu! Chỉ muốn xuống nói với Thu Vân là sáng nay anh có hứa vẽ tặng Thu Vân một bức tranh mừng đám cưới của em và Trần Nghi Hoàng. Nhưng bây giờ đã khuya, số canvas và sơn cọ Trần Nghi Hoàng mua cũng đã hết. Anh xin hẹn Thu Vân bữa khác được chứ?"
Tôi bật cười:
"Có vậy mà anh cũng phải hỏi? Thôi, quên chuyện vẽ tranh và lên nhà uống rượu đi anh! Từ ban tối, em đã không còn nghĩ đến điều ấy nữa."
Anh gặn:
"Thu Vân giận anh phải không?"
Tôi lắc đầu:
"Sao em lại giận anh?"
Hà Cẩm Tâm vẫn không rời chỗ đứng, rõ ràng trên nét mặt thấy có điều áy náy. Nhưng dẫu anh nài nỉ thế nào, tôi vẫn chỉ cười, thối thác câu đáp. Mãi sau anh bày tỏ:
"Anh biết tâm hồn Thu Vân rất chân thật. Vậy, nói cho anh biết ý nghĩ của em đi!"
Tới lúc này tôi mới từ bỏ nụ cười, quay nhìn thẳng anh:
"Anh muốn nghe em nói thật sao?"
Anh gật đầu. Tôi vẫn tiếp tục rửa chén, thái độ nghiêm trang lạnh lẽo:
"Vậy thì em nói đây. Trong đời, nếu có điều gì làm cho em tôn trọng hàng đầu thì chính là lời hứa. Em không chối rằng có những lời hứa thuộc về tình cảm hay tư tưởng với tính cách quyết định trọng đại, những lời thề non hẹn biển, con người đã hứa rồi cũng khó lòng thực hiện suông sẻ. Nhưng với những sự kiện nhỏ nhẹ hằng ngày, một khi em đã hứa với ai điều gì thì bằng mọi giá em phải làm cho được. Danh dự và nguyên tắc sống của em là như vậy."
Tôi lặng im một lúc. Hà Cẩm Tâm cũng lặng im và không rời chỗ đứng.
"Ngày hôm nay", tôi nói "có hai việc làm cho em suy nghĩ và tự đặt lại với chính mình về lòng tin tưởng theo một lời hứa. Việc thứ nhất là lời của Tâm Nguyên hứa chụp một cuộn phim kỷ niệm sau ngày cưới cho em và Trần Nghi Hoàng. Việc thứ hai là lời của anh hứa vẽ tặng một bức tranh cho em ngay đêm nay. Lời của Tâm Nguyên hứa rồi không giữ có làm cho em buồn chút ít, nhưng thất vọng thì em phải nói là em thất vọng anh, bởi vì em quí anh."
Tôi cúi đầu tiếp tục rửa chén, không nhìn anh nhưng biết rằng anh vẫn đang chăm chú nhìn tôi. Tôi nói tiếp:
"Dẫu vậy, em phải tự trách mình trước mới đúng. Chỉ vì em đặt lòng tin nơi anh nên em mới thất vọng."
Lúc này tôi nghe anh nói, giọng ngập ngừng ngần ngại:
"Anh xin lỗi em, Thu Vân à! Anh người lớn mà không phải với em. Hôm nào anh sẽ vẽ tặng em một bức hoàn toàn theo ý thích của em."
Tôi cười:
"Anh có muốn vẽ cho em một chục bức tuyệt mỹ thì riêng em cũng chẳng còn gì giá trị. Với tâm tư nghệ sĩ, anh đã hiểu rằng hai chữ giá trị của một sự vật hay một con người nhiều khi không nằm trên phần hình thức, mà là ở cái phần nội dung tinh thần của nó. Từ nay, anh nên quên chuyện vẽ tranh cho em đi! Em không nhận nữa đâu. Nếu em có tiền thì em sẽ mua tranh anh. Chứ còn cơ hội nhận từ anh một bức tranh bằng tất cả tấm lòng trân trọng của em thì đã vĩnh viễn qua đi rồi."
Và tôi kết thúc câu chuyện:
"Em không giận anh đâu, anh Tâm! Em chỉ giận mình đã đặt lòng tin chân thật không đúng người và đúng chỗ
thôi." 
Chú thích:
(°) Chương V: Kiều Without Marx. Tiểu mục: "General Status of Literature". Giáo sư Hoàng Ngọc Thành viết: “The principal reason which prevented writers in South Vietnam in general and novelists in particular from creating valuable works stems from the writers themselves... They live in cities; many of them gather in Saigon. They spend time at cabarets, and their world moves from shopping to tea-rooms to apartment buildings. They do not roam the South Seas or travel like Stevenson and Maugham or lead adventurous lives like Hemingway. They usually do not venture out of the limits of Saigon and cities. They do not visit rural areas where the war has been raging except when the government organizes quick observation trips for them. There is, of course, the problem of security. But most of them usually rely on the capital of their past experiences; some pursue inspiration with opium or wine and cigarettes..." (The Social and Political Development of VietNam as seen through the Modern Novel", trang 171-172, Honolulu, 1968. Peter Lang Publishing, Inc. New York xuất bản năm 1992)
(°) Về sau, một lần Du Tử Lê nói với Trần Nghi Hoàng, vẻ rất thành thật: "Lê Uyên nổi tiếng keo kiệt vậy mà dám cho Thu Vân mượn 500 đô la làm đám cưới thì phải kể rằng Thu Vân đặc biệt với bà ấy đến như thế nào!"