- 5 -

Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose.
Bài thơ Trần Nghi Hoàng, tặng sinh nhật 31/12 (1993).
HỐT HOẢNG NHỮNG CƠN MƯA
hốt hoảng những cơn mưa
và sấm sét
từ cửa sổ đường Số Hai
em mở lời
khai chiến
với cuộc đời vô đạo
mất tăm
những phím computer nổ tung
dưới những ngón tay em
phán xét
 
mưa đã ngưng
buổi chiều mặt trời mọc
vệt khói từ chiếc phi cơ phản lực
để lại một vệt mây xám mốc
trên nền trời tím
em ôm trái tim của em
vắt từng giọt máu cho từng chiếc lá vàng
cuối cùng
của đầu mùa đông thế kỷ
rồi cất lời ngợi ca
những con người thiên tài đã chết
tôi không phải thiên tài
và tôi chưa đã chết.
 
Santa Ana , tháng 9/1992. Một buổi sáng...
Sau buổi điểm tâm tại quán mì Lacay của anh Bành Nho (một người Tàu Chợ Lớn, bạn quen của anh Phạm Châu Tài), tôi, Trần Nghi Hoàng, Hà Thúc Sinh cùng hai anh Phạm Châu Tài và Nguyễn Đức theo Trần Ngọc về tòa soạn báo Xây Dựng ở khu Little Saigon. Trời California đã bắt đầu vào thu mà vẫn còn nóng bức. Cái máy lạnh trong tòa soạn được mở ra, chạy rầm rầm; tiếng kêu của nó làm nhức đầu còn hơn ánh nắng gay gắt chiếu từ cửa sổ vào. Trần Ngọc vẻ mặt vui thú, quay nói với tôi:
"Để anh rủ Trần Văn Ân qua đây chơi. Ông ta có cái lớp dạy ở dãy phố bên kia. Thu Vân và Trần Nghi Hoàng khoan phát biểu gì đã nghe!"
Nói rồi, anh bỏ đi ngay ra cửa.
Tôi và Trần Nghi Hoàng nhìn nhau cười, cùng ngầm hiểu cái lý do cho sự việc Trần Ngọc bỏ đi gọi Trần Văn Ân.
[Đêm qua chúng tôi từ San Jose xuống, ghé nhà Trần Ngọc ngủ, ngồi nói chuyện với nhau cho đến hơn hai giờ sáng. Trong câu chuyện, nghe Trần Ngọc kể về những lời biếm nhẽ một cách rất là thiếu văn hóa của Trần Văn Ân theo bài viết với đề tài Tiếng Vọng Từ Đáy Vực của tôi và Trần Nghi Hoàng, đăng trên Văn Uyển bộ mới, số mùa hè 1992 vừa qua, tôi đã yêu cầu anh làm cách nào "cho gặp Trần Văn Ân một lần để tìm hiểu xem ông ta là con người ra sao?"]
Quả thật, không đầy năm phút, Trần Ngọc trở lại tòa soạn báo Xây Dựng, theo sau là Trần Văn Ân. Ai nấy ngồi yên khi Trần Văn Ân bước vào. Đó là một người đàn ông đã gần 60 tuổi, dáng dấp khá cao lớn, veston, cravatte bảnh bao, khuôn mặt sáng sủa, nhưng đôi mắt trông thật gian, thêm cái mụn ruồi trên má có chỉa ra mấy cọng râu vểnh cao (mà cứ giống như đang có khuynh hướng quặp xuống). Ông nhìn thấy Trần Nghi Hoàng, giơ tay lên chào. Trần Ngọc giới thiệu:
"Anh em ở đây, ai thì ông Ân cũng biết rồi. Còn Trần Nghi Hoàng..."
Trần Văn Ân ngắt ngang:
"Vâng, tôi với Trần Nghi Hoàng là bạn nhau đã mười năm."
Trần Nghi Hoàng nét mặt lạnh tanh, nhếch môi cười khẩy:
"Tôi chưa từng bao giờ coi ông là bạn. Tôi chỉ biết ông qua Nguyễn Xuân Phác, Hà Túc Đạo. Nguyễn Hữu Liêm, Vũ Thế Ngọc, Phan Công Chánh... vậy thôi!"
Nét mặt Trần Văn Ân thoáng biến đổi, vẻ ngượng ngập hiện rõ. Ông cố vớt vát:
"Vậy mà bấy lâu tôi vẫn tưởng Trần Nghi Hoàng là bạn tôi chứ!"
Trần Nghi Hoàng nhún vai:
"Đó là ‘vấn đề’ của ông!"
Những người hiện hiện trong phòng bắt đầu quan tâm đến câu chuyện. Trần Ngọc quay sang tôi, giới thiệu tiếp:
"Còn đây là Trần Thị Bông Giấy, vợ Trần Nghi Hoàng, tác giả bài viết về Nguyễn Chí Thiện & Lý Đông A đăng trong Văn Uyển, và mới đây báo Vạn Thắng mỗi tuần phát hành 10,000 số ở Santa Ana có trích đăng lại."
Trần Văn Ân khẽ gật đầu chào tôi:
"Hân hạnh được biết chị!"
Tôi cười nửa nụ:
"Thưa, có phải ông là ông Trần Văn Ân?"
Trần Văn Ân thoáng nét ngạc nhiên:
"Vâng, chính tôi!"
Tôi "tấn công" ngay:
"Tôi chưa hề gặp ông, chồng tôi lại vừa mới xác nhận rằng anh ấy không xem ông là bạn. Vậy xin hỏi, ông đọc bài viết của chúng tôi, hay dở thế nào cứ việc khen chê tùy thích, sao lại mở miệng nói ra những câu vô ý thức thế này với anh Trần Ngọc, bạn tôi: ‘Hai cái đứa Trần Nghi Hoàng & Trần Thị Bông Giấy thì biết cái mẹ gì về Lý Đông A hay Nguyễn Chí Thiện mà viết?' Bây giờ, sẵn có ông ở đây, ông có thể cho tôi biết chút gì về Nguyễn Chí Thiện hay Lý Đông A để tôi học hỏi chăng?"
Khuôn mặt Trần Văn Ân tái đi, giọng lắp bắp:
"Tôi nào biết gì mà nói. Hơn nữa, tôi có nói như vậy bao giờ về anh chị đâu?"
Tôi nhìn thẳng Trần Văn Ân:
"Anh Trần Ngọc là bạn chúng tôi, một người lớn, ăn nói đúng đắn, trong vòng giao thiệp, ai cũng biết. Vì vậy, khi anh ấy kể chúng tôi nghe những lời mạt sát của ông, tôi tin."
Trần Ngọc tiếp ngay theo tôi:
"Ông Ân có nhớ cái hôm ông ngồi ngay tại tòa soạn báo Xây Dựng này với tôi, Hoàng An và Hai Kiên, ông đã vung vít về đề tài Nguyễn Chí Thiện & Lý Đông A, chê bai thậm tệ bài viết của Trần Nghi Hoàng và Trần Thị Bông Giấy, rồi lại lớn giọng tuyên bố câu vừa rồi không?"
Trần Văn Ân lúng túng không trả lời Trần Ngọc, mấy cọng râu quặp nơi cái mụn ruồi nhơn nhơn chỉa ra làm ông ta trông càng thêm tức cười kỳ lạ.
Tôi không để ông một giây nào kịp phản ứng, tiếp lời Trần Ngọc:
"Người xưa nói, biết thì thưa thì thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Riêng ông, nếu tự cho rằng ông biết nhiều về vấn đề Lý Đông A & Nguyễn Chí Thiện, có nói, tôi xin cúi đầu học hỏi. Bằng không biết, xin ông đừng nên phát ngôn bừa bãi, chê người này không biết cái mẹ gì, người kia không biết cái mẹ chi, nghe tục tằn vô học lắm."
Trần Văn Ân cúi đầu, phân trần:
"Thực tình tôi chẳng biết gì về vụ Nguyễn Chí Thiện hay Lý Đông A, đó không phải lãnh vực của tôi. Chẳng qua là tôi nghe ông bạn tôi, Bùi Duy Tâm..."
Trần Nghi Hoàng bắt ngay câu nói ấy:
"Xưa nay tôi vẫn nghe thiên hạ bảo rằng ông Ân chỉ là một thứ tà-lọt của ông Bùi Duy Tâm. Bây giờ điều ấy quả thật chẳng sai. Đối với tôi, ông Bùi Duy Tâm chỉ là một người ưa xen vào ngay đến cả những chuyện mà ông ấy chẳng biết và chẳng đủ  thẩm quyền để nói."
Và chàng nhếch môi cười.
[Tôi nhìn cái cười khinh bạc của Trần Nghi Hoàng mà nhớ lại một lần đã lâu, chàng kể cho tôi nghe câu chuyện đối đáp giữa chàng với Bùi Duy Tâm: Bữa ấy, Hà Cẩm Tâm lái xe từ San Jose lên San Francisco cốt để đón Bùi Duy Tâm xuống dự buổi Tưởng Nhớ Cố Họa Sĩ Văn Đen do hai họa sĩ Hà Cẩm Tâm và Trương Thị Thịnh tổ chức. Ngoài số quan khách hiện diện, có luôn cả họa sĩ Đăng Lạt và Trần Nghi Hoàng. Buổi họp mặt kỷ niệm Văn Đen không hiểu vì sao lại biến thành buổi Nói Chuyện Về Hội Họa mà chính ông bác sĩ Bùi Duy Tâm lại là diễn giả! Trong lúc Bùi Duy Tâm đang "thuyết trình" về hội họa thì Trần Nghi Hoàng và Đăng Lạt cứ ngồi tán gẫu với nhau, ra tuồng chẳng chú ý gì đến lời Bùi Duy Tâm. Bùi Duy Tâm khó chịu, ngưng "thuyết trình", lên tiếng hỏi: "Hình như anh Trần Nghi Hoàng rất thông thái về hội họa, chẳng thế mà anh và ông bạn anh đang tỏ ra rất lơ là với sinh hoạt của buổi họp mặt hôm nay?"
Trần Nghi Hoàng cười tỉnh: "Ông Bùi Duy Tâm nói đúng. Với ai thì tôi không dám, nhưng với ông Bùi Duy Tâm, ngoại trừ cái môn sờ mông, chích đít, còn tất cả những gì dính líu đến văn chương thi ca hay hội họa, nghệ thuật, tôi tin là tôi phải khá hơn ông. Vả lại, mục đích cuộc họp mặt hôm nay là để tưởng nhớ cố họa sĩ Văn Đen chứ không phải để cho ông Bùi Duy Tâm 'phô trương nhan sắc', vậy hà cớ gì mà tôi lại phải lắng tai nghe ông Bùi Duy Tâm nói chứ?"]
Khi ấy, Hà Thúc Sinh có lẽ vì sợ "cháy thành vạ lây" hay điều gì không rõ, bỏ ghế đứng lên đi ra khỏi tòa soạn, sau đó yêu cầu Trần Ngọc chở về. Trần Ngọc đáp ứng lời yêu cầu này, nhưng khuôn mặt tiếc rẻ thấy rõ vì phải bỏ đi trong lúc cục diện giữa Trần Văn Ân cùng tôi với Trần Nghi Hoàng đang tiến vào giai đoạn "thân mật" nhất. Anh lại gần, kề tai tôi, nói nhỏ:
"Anh tin Thu Vân đủ miệng lưỡi làm ông ta cứng họng, nhưng anh chàng này ‘chai’ lắm, uổng lời mình mà thôi!"
Cơn nhức đầu ghê gớm nẩy sinh từ tiếng ầm ầm của cái máy lạnh tan biến tự lúc nào không biết, tôi đáp lời Trần Ngọc:
"Anh yên chí, dù sao ông ta cũng quen anh, nể mặt anh, em không quá lời đâu!"
Anh Nguyễn Đức cũng cáo từ đi đón con tan học. Riêng anh Phạm Châu Tài vẫn yên vị chỗ cũ, vẻ mặt vô cùng thích thú. Trần Nghi Hoàng ngồi rung đùi hút thuốc. Các anh Hoàng An và Hai Kiên, nhân viên tòa soạn Xây Dựng, đi ra đi vào, chú ý lắng nghe câu chuyện đối đáp giữa ba người. Chốc chốc, anh Hai Kiên ra hiệu với Trần Nghi Hoàng bằng cách hất hất bàn tay phải lên, như có ý muốn bảo: "Làm tới đi!"
Tôi nói tiếp với Trần Văn Ân, giọng lạnh lẽo:
"Ông đã lớn tuổi rồi, có nói gì thì cũng phải nên cẩn thận, ý tứ lời mình nói. Tôi biết ngày trước ông từng là Dân biểu Quốc hội, và cũng là phát ngôn viên phủ Tổng Thống thời Nguyễn Văn Thiệu. Có lẽ ông đã quen tật ăn nói bậy bạ khi đang có quyền hành trong tay. Nhưng tôi xin nhắc cho ông nhớ, bây giờ không còn là thời Nguyễn Văn Thiệu nữa, nếu cứ giữ cái lối phát ngôn bừa bãi như thế, không chừng điều ấy có lúc quay lại làm hại chính bản thân ông."
Điểm hay nơi Trần Văn Ân là dẫu bị tôi tấn công tới tấp mà mặt mày ông vẫn trơ tráo, ra tuồng như không có gì đáng kể. Tôi nhớ lại lời Trần Ngọc đêm qua: "Trần Văn Ân nổi tiếng mặt dầy và luồn lách rất giỏi; chửi gì chửi, hắn ta vẫn cứ lì mặt!" Nhưng bởi tôi là đàn bà nên có lẽ nội tâm ông ta cũng xao động chút ít. Vì vậy, ông thối thác:
"Tôi nào dám nghĩ gì. Chuyện anh em khi vui nói dăm ba câu quá lời cũng đâu có chi đáng kể. Chị Bông Giấy vừa bảo tôi phát ngôn bừa bãi, thật cũng không đúng. Cả đời tôi chưa bao giờ phát ngôn bừa bãi."
Trần Nghi Hoàng cười mỉa, ngắt lời Trần Văn Ân:
"Ông có phát ngôn bừa bãi hay không thì hơn ai hết, ông phải tự biết. Ông nhớ cái lần ông và tôi gặp nhau tại nhà Nguyễn Hữu Liêm, có cả Phạm Duy, Vũ Thế Ngọc, Lý Khôi Việt và nhiều người nữa không? Đó là dịp cuối năm 1990, ông cùng Bùi Duy Tâm và Đào Mộng Nam vừa mới từ Việt Nam trở về. Trong câu chuyện đêm ấy, ông đã ba hoa kể rằng ông và hai ông kia được cán bộ Cộng Sản hướng dẫn cho đi thăm chỗ này chỗ nọ, rồi lại nói: 'Dân Việt Nam bây giờ không còn đói nữa!' Khi ấy, tôi mới hỏi ông: 'Ông đã đi đến những đâu mà lại dám bảo rằng dân Việt Nam bây giờ không còn đói nữa?'  Ông hỏi ‘khó’ lại tôi: ‘Ủa, ông Hoàng cũng có về Việt Nam sao mà tỏ ra rành rẽ vậy?’ Nguyễn Hữu Liêm và Lý Khôi Việt thay tôi trả lời: ‘Trần Nghi Hoàng về Việt Nam cùng một thời gian với mấy ông.’ Nét mặt ông có vẻ sửng sốt. Lúc ấy, tôi nói tiếp giữa mọi người: ‘Đúng như Nguyễn Hữu Liêm vừa kể, khi tôi đang ở Việt Nam thì các ông cũng đang ở Việt Nam. Tôi trở về với tư cách một người dân thường thăm lại gia đình xứ sở nên muốn đi đâu thì đi, đầu đường xó chợ nào trong dân chúng tôi cũng đều có thể biết. Còn các ông về trong tư cách những chính khách hay gì đó nên được nhà nước Cộng Sản cho phép đi tham quan chỗ nào mà họ muốn. Vì vậy, làm sao các ông thấy được cái nghèo đói của dân Việt Nam một khi Cộng Sản đã cố tình không cho các ông thấy? Tôi nói cho ông Ân biết điều này, khi về Việt Nam, tôi có gặp Tạ Chí Đại Trường. Ông ta kể tôi nghe việc Đào Mộng Nam có dẫn ông và Bùi Duy Tâm đi kiếm thăm ông ta. Cũng theo lời kể của Tạ Chí Đại Trường thì ông ta chán các ông quá nên trốn luôn, không thèm tiếp.'"
Nét mặt Trần Văn Ân vẫn chai lì như không xao động trước các lời kể của Trần Nghi Hoàng. Hai tròng mắt gian ngoan của ông đảo lộn dọc ngang, rồi ngó xuống đất.
Trần Nghi Hoàng nhìn thẳng Trần Văn Ân, nói tiếp:
"Bữa tại nhà Nguyễn Hữu Liêm, khi nghe tôi kể rành rẽ như vậy, chính ông đã sượng sùng thấy rõ, nên quay sang đánh trống lảng với Phạm Duy: ‘Đây là lần đầu Trần Văn Ân về Việt Nam nên hãy còn rét, chứ lần sau về, anh em có muốn thì tháp tùng theo Trần Văn Ân, tôi sẽ dắt cho đi phá trinh con gái chỉ mới 15, 16 tuổi!’  Khi ấy, tôi tức giận thực sự, nói với ông: ‘Ông Ân à, ông vừa nói với anh em ở đây những chuyện tương lai Việt Nam và chuyện chúng ta phải làm gì cho thế hệ trẻ mai sau, ra cái điều thương dân thương nước lắm, sao đột nhiên lại xía qua ba cái chuyện gái ghiếc như vậy? Theo tôi, chuyện này mới biểu lộ được tư cách thật của ông. Bộ ông không nghĩ ra những đứa con gái nhỏ nghèo khổ đi bán trinh ấy là ai sao? Họ là con em, cháu chắt ông, là thế hệ mai sau đấy! Một người già như ông, sao lại có thể thản nhiên nói lên cái điều đáng tởm như vậy chứ?
Đến lúc này, Trần Văn Ân mới thực sự lộ vẻ lúng túng:
"Chuyện giữa đàn ông với nhau, có gì đáng đề cập mà anh Trần Nghi Hoàng lưu ý?"
Trần Nghi Hoàng nhún vai:
"Sao lại không? Nếu nói đàn ông thì chính tôi cũng là đàn ông, tôi lại còn giang hồ hơn ông rất nhiều nữa. Vậy mà chưa bao giờ tôi dám nghĩ trong đầu cái chuyện phá trinh những đứa con gái nghèo khổ đáng tuổi em cháu mình, chứ đừng kể là nói ra ngang nhiên bằng lời giữa một cuộc chuyện trò toàn đề tài ‘quốc gia đại sự, xây dựng đất nước’, như bữa hôm ấy tại nhà Nguyễn Hữu Liêm."
Rồi chàng thêm:
"Tư cách hay, dở, tốt, xấu thế nào đều biểu thị qua lời nói, câu chuyện và cách nói riêng của mỗi người. Lối nói vô luân kiểu đó của một kẻ đã già như ông, không phải là phát ngôn bừa bãi, ăn nói bậy bạ thì là cái gì chứ?"
Tôi nín cười quay sang chỗ khác, vừa lúc bắt gặp cái nhếch môi thích thú nơi cái miệng móm móm của anh Phạm Châu Tài ngồi phía đối diện.
Trần Văn Ân cúi đầu, lúng túng nói:
"Thôi nếu tôi có lỡ lời gì thì mong chị Bông Giấy và anh Trần Nghi Hoàng bỏ qua cho. Tôi thành thật xin lỗi!"
(Quả thật tôi "nể" Trần Văn Ân vì lời xin lỗi đã chứng tỏ được rằng ông "cao tay ấn" trên phương diện "luồn lách".)
Tôi thản nhiên đáp lời ông:
"Ông lớn hơn tôi khá nhiều tuổi, không quen biết mà lại mạt sát vợ chồng tôi, lẽ ra tôi rất giận. Nhưng ông đã biết xin lỗi tôi thì tôi cũng sẵn sàng bỏ lỗi cho ông. Có điều, tôi nghe nhiều người bạn chúng tôi, cũng là bạn ông, bảo rằng ông đang muốn mon men vào con đường chính trị. Tôi khuyên ông nên thôi đi. Tuy rằng –cũng theo lời họ- ông có giỏi tài luồn lách cỡ nào chăng nữa thì với cái lối phát ngôn bừa bãi như thế, nếu lao vào chính trị, coi chừng ông sẽ thiệt mạng sớm, bởi vì không phải ai cũng ‘dễ dàng bỏ lỗi’ cho ông, như tôi đang làm đâu."
Trần Văn Ân cúi đầu:
"Vâng, xin cảm ơn chị Bông Giấy!"
Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose.
 
Một lần, Trần Nghi Hoàng hỏi tôi, đêm khuya sao lại cứ ưa ngồi nhìn ra cửa sổ? Tôi đáp mơ hồ, tôi yêu góc đường này, William và Số Hai, có ngôi nhà tôi ở mang lối kiến trúc thời Victorian, cũ kỹ như một tòa lâu đài nhỏ với cái mái nhọn vươn cao và những đầu hồi trổ ra chung quanh nóc. Càng yêu góc đường này hơn quãng thời gian sau 10 giờ tối, phố xá bắt đầu yên ngủ. Các ngọn đèn vàng treo lửng lơ trên những cành cây rậm rạp. Vài cơn gió nhẹ thoảng qua làm các chiếc lá lung lunh in đậm bóng xuống trên mặt nhựa đường.
Tôi nhìn căn phòng của mình, lại nhìn ra ngoài ngã tư im lìm vắng lặng, nói bâng quơ mà không nhìn Trần Nghi Hoàng (đang cúi mình nơi bàn viết): "Giá có anh Mỹ già nào đó đẩy chiếc xe bán xúc xích dạo bốc thơm mùi khói đến đậu ngay góc đường này, chắc là tuyệt lắm!" Trần Nghi Hoàng bật đáp: "Một xe mía hấp, hay xe hủ tíu có tiếng gõ 'mì tắc, mì tắc' thì mới đúng!"
Tôi chợt nghe rúng động cả người vì một thứ xúc cảm lâu ngày nằm im trong ký ức. Xúc cảm về cái điều "tưởng như bắt gặp lại" giữa đêm nơi xứ Mỹ xa xôi một hình ảnh nào thật gần gũi của quê hương.
San Jose. Tháng 8/1992. Một đêm...
Cuộc họp mặt cuối tuần tại nhà tôi thường qui tụ những khuôn mặt quen: Hoàng Anh Tuấn, Phương Trâm, Trần Quảng Nam, Đằng Sơn, Nguyễn Dũng, Kim Thủy, Nguyễn Quang Vinh, Hồng Lan, Trần Nghi Hoàng và tôi. Các đề mục đưa ra nói với nhau cũng chỉ xoay quanh những câu chuyện thời sự thuộc về văn học và đời sống hiện tại. Những câu chuyện rất quen, vậy mà mỗi lần họp mặt là tôi lại thấy như mỗi khác và mỗi mới.
Một bữa rất lâu, Trần Ngọc bày tỏ với tôi (như một lời khen tặng): "Căn nhà của Thu Vân giống như một kiểu 'salon littéraire' (°) bên Tây!" Còn tôi lại không dám nghĩ như lời Trần Ngọc, chỉ cảm nhận rõ một điều rằng, vật chất trong đời sống Mỹ không thiếu, nhưng tình cảm vốn là điều hiếm hoi quí báu. Nếu có ai đó tìm đến với nhau, hẳn nhiên nhiều phần trăm phải từ nguyên nhân tình cảm. Vậy, tại sao tôi lại không hân hoan đón nhận cái điều hiếm hoi ấy nếu như Thượng Đế cho rơi vào tay tôi?
[Ngày xưa ở Việt Nam, tôi có một anh bạn, thân với nhau từ thuở còn học chung trong trường Nhạc Sàigòn. Sau 75, mỗi đêm, cứ đúng 7 giờ tối là anh cỡi xe đạp đến nhà tôi rồi cả hai tìm đến cái quán lá đầu ngõ, ngồi uống với nhau hai cốc "xây chừng". Đến 11 giờ khuya, anh đạp xe trở về. Trong gần 2 năm liên tục, đêm nào cũng như đêm nấy, dù trời mưa hay trời tạnh, cuộc café đều tái diễn và tái diễn. Nhiều khi ngồi chênh chếch đối diện nhau nơi cái bàn thấp lè tè kê dưới gốc cây sung, tôi và anh bạn chẳng ai nói gì, mỗi người cứ nhấp từng ngụm café nhỏ, hút từng hơi thuốc lá đen mà nhìn dòng đời ngược xuôi trôi chảy. Tuy nhiên, cũng nhiều lúc khác, lời nói tuôn ra không hết. Những câu chuyện tràng giang đại hải không đầu không kết. Chuyện việc làm. Chuyện gia đình mỗi người. Chuyện sách vở báo chí. Chuyện mẹ anh buôn bán thua lỗ. Chuyện mẹ tôi buồn bã theo sức khỏe suy mòn của tôi. Chuyện chế độ bóp nghẹt đời sống dân chúng. Chuyện giới nghệ sĩ miền Nam không còn đất dụng võ. Chuyện công an bắt trọn ổ cướp trong khu xóm nhà anh. Chuyện những người bạn chung lần lượt bỏ quê hương ra đi... Đủ thứ chuyện và bao giờ cũng toàn chuyện mới.
Một lần mẹ tôi hỏi: "Mẹ biết con và thằng Định chẳng phải bồ bịch, vậy mà tại sao đêm nào các con gặp nhau cũng đều không thấy chán?"  Khi nghe vậy, tôi mới chợt ý thức ra "tầm mức quan trọng" của một sự việc mà với tôi, quen thuộc đến độ tôi không nghĩ là nó như thế nào cả. Tôi cười đáp lời mẹ tôi: "Chính vì con và Định không phải bồ bịch nên các câu chuyện nói mới không thấy chán, chứ nếu là bồ bịch thì đã chán nhau từ lâu!"]
Hơn năm năm trong cuộc sống với Trần Nghi Hoàng, những câu chuyện và những người bạn như vậy cũng lại xuất hiện. Chỉ có khác là bây giờ tôi với chàng cùng nghe chung và góp chung các mẩu chuyện với nhiều người bạn, chứ không chỉ riêng tôi trò chuyện với một người bạn như trong những tháng ngày xưa khi còn độc thân.
Một điều nữa, trong hơn năm năm, tại phòng khách này, tôi từng thấy có nhiều người bạn hiện diện, mỗi thời kỳ là một nhóm khác nhau, xuất hiện đó rồi biến mất đó, thảng hoặc có gặp lại thì cũng tỏ cho nhau thấy một sự lạnh lẽo như chưa hề quen biết! Thoạt đầu, tôi có ngạc nhiên và thất vọng vì tình bạn kiểu như vậy, nhưng sau quen dần, không chờ đợi gì, mà chỉ biết trân trọng chấp nhận trong hiện tại một lúc nào sự hiện hữu của nó mà thôi.
Câu chuyện đêm nay xoay quanh vấn đề dâm thư. Tôi chẳng nhớ thoạt tiên ai là người khởi xướng ra đề tài ấy, nhưng nghe Hoàng Anh Tuấn bình luận:
"Nói về dâm thư thì phải kể đến Kim Bình MaiHồng Lâu Mộng."
Và anh quay sang tôi đang ngồi cạnh:
"Thuở trước sang Pháp, anh có đọc hai bản ấy bằng tiếng Pháp, Tây nó dịch hay đáo để, Thu Vân ạ!"
Tôi cười:
"Còn em thì cả đời chẳng hề đọc dâm thư, ngay cả Hồng Lâu Mộng hay Kim Bình Mai."
Trần Nghi Hoàng vỗ đùi nói lớn:
"Như vậy phải kể là một thiếu sót lớn trong cái đời đọc sách của em đó!"
Tôi gật đầu:
"Chịu thôi! Nhưng đọc mà không ‘khoái’ thì không muốn phí thì giờ vì nó."
Hoàng Anh Tuấn hỏi:
"Ở đây đã ai đọc Qua Khe Hở của Khánh Trường chưa?"
Trần Quảng Nam vừa nhai ngồm ngoàm miếng tàu hủ chiên, vừa đáp:
"Tôi đọc hai lần từ đầu đến cuối mà đếch nhớ gì hết!"
Đằng Sơn thêm vào:
"Còn theo tôi thì cuốn đó không có nghĩa gì, trừ ra cái điều câu chuyện kể nó ‘đánh’ ngay vào bộ phận sinh dục của mình thì mình nhớ chứ chẳng có giá trị gì cả."
Tôi bật cười vì câu nói của Đằng Sơn. Anh là người bề ngoài nghiêm trang, thêm phần quạu quọ, thành ra lời nói gần như không bao giờ thấy có tính cách cợt đùa trong đó. Vậy mà qua lối bày tỏ tỉnh tỉnh của anh, nhiều khi tôi lại thấy đáng cười một cách rất hồn nhiên.
Trần Quảng Nam tiếp tục nhận định:
"Khánh Trường nó viết cuốn ấy dở đến độ đọc xong tôi không hề nhớ được chi tiết. Còn lúc xem đến những đoạn dâm dục, tôi phải lật qua trang vì quá nhàm!"
Hoàng Anh Tuấn hỏi:
"Thế còn các hình vẽ của nó, các cậu nhận xét ra sao?"
Trần Quảng Nam lắc đầu:
"Vẽ cũng dở."
Đằng Sơn tiếp ngay:
"Các hình vẽ không linh động. Nhìn chúng, tôi cứ có cảm tưởng như hai cái xác chết trần truồng nằm cạnh nhau mà không gợi lên được cảm giác nào cả. Bây giờ mình chỉ cần dở cuốn Batman ra thôi cũng thấy, khi mà thằng họa sĩ nó vẽ cái cảnh thằng nọ sắp đâm thằng kia, tức thì trong lòng người xem, cảm giác là thằng kia sắp phải chết sẽ hiện lên ngay."
Trần Quảng Nam gật đầu:
"Tôi đồng ý với ông Đằng Sơn điều ấy. Khánh Trường không tạo được cho người đọc cảm giác sôi nổi khi xem các hình vẽ phụ bản của nó trong cuốn Qua Khe Hở."
Đằng Sơn tiếp:
"Thành ra các tấm hình chỉ đáng vất đi!"
Trần Nghi Hoàng xen vào:
"Nó viết cuốn đó, ký tên Tống Ngọc, làm ra vẻ như giấu diếm, mà nếu ai không biết rằng cuốn đó do chính nó viết, nó khổ lắm!"
Rồi chàng cười, vẻ diễu cợt:
"Một lần tại nhà Tưởng Năng Tiến, trước mặt nhiều thằng, tôi chỉ mặt Khánh Trường, nói: 'Một điều tao thấy chắc chắn là trong đầu mày luôn luôn có một con cu, thành ra văn chương của mày toàn phô bày chuyện tục tĩu!'"
Đằng Sơn vừa cười hề hề, vừa hỏi:
"Rồi nó bảo ông làm sao? Có phải nó trả lời ‘chẳng phải chỉ có con cu thôi mà còn có nhiều thứ khác nữa’ không?"
Trần Quảng Nam thản nhiên buông thõng:
"Cái mặt thằng Khánh Trường là mặt chữ L!"
Tôi cúi đầu ngượng ngập vì những câu nói sống sượng của các người đàn ông. Ai bảo chỉ có đàn bà mới là hay ngồi lê đôi mách?
Lại nghe Đằng Sơn tiếp:
"Khánh Trường là phải cho gặp Nguyễn Gia Tâm thì mới thấy rằng ai giả ai thiệt."
Trần Quảng Nam gật gù:
"Ừ nhỉ! Phải cho gặp Nguyễn Gia Tâm, nó mới biết Nguyễn Gia Tâm đúng là sư phụ nó."
Thấy tôi ra vẻ không hiểu, Đằng Sơn giải thích:
"Nguyễn Gia Tâm khi nói chuyện tình dục thì nói rất say mê. Một lần ngồi với tôi trong quán Đắc Phúc, anh ta phân tích về tình dục, dùng toàn những danh từ trong tự điển không thấy đề cập tới, càng nói càng lớn giọng. Và rồi một cách xuýt xoa, anh ta bảo tôi: Ông mà thấy ‘cái đó’ xong rồi, đời ông sẽ đổi mới. Chung quanh các bàn khác, đàn bà con gái ngồi nghe, vẻ mặt hoảng hốt thấy rõ."
Nói xong, Đằng Sơn cười hề hề, vẻ khoái trá. Tất cả mọi người đều bật cười theo anh. (Đằng Sơn tuy đã 39 tuổi rồi nhưng trong vòng bạn bè, ai cũng biết anh là người còn "đồng trinh"!)
Lại nghe Trần Nghi Hoàng hỏi:
"Nghĩa là khi nói về chuyện đó, Nguyễn Gia Tâm ra vẻ thành kính?"
Đằng Sơn gật đầu:
"Đúng, rất thành kính, bởi vì Nguyễn Gia Tâm là tay nghiên cứu tường tận từng khía cạnh nhỏ trên cơ thể đàn ông cũng như đàn bà. Hắn nhìn chuyện đó với con mắt của một chuyên gia về tình dục hay tính dục. Còn Khánh Trường tuy cũng tỏ ra thích nhưng nhiều phần giả tạo, thấy có sự cố tình đào sâu khía cạnh dục vọng để ‘câu’ độc giả, chứ không phải say mê thực sự như Nguyễn Gia Tâm."
Trần Quảng Nam bỗng dưng phê bình:
"Khánh Trường viết truyện dâm như vậy mà thật ra thì nó ‘yếu’ thấy mồ! Một lần tôi nói trúng tim đen nó nên nó ngồi im không cãi. Tôi bảo ‘Tuy ông viết truyện khiêu dâm như vậy nhưng qua lời văn, tôi thấy ông yếu trên vấn đề tình dục’. Lúc đầu thì nó chối, nhưng rồi một buổi tối, nó nói với tôi: ‘Mạch máu của tao bây giờ có khi lên đến 120, nguy hiểm quá.’ Tôi bảo nó: ‘Đó là bằng cớ cho thấy cái điều tôi đã nói với ông là đúng. Mạch máu ông mỗi lần hồi hộp lên đến 120 thì chỉ có nhồi lên nhồi xuống vài cái là đã đủ đứt, còn làm ăn gì nữa!’ Tôi bèn khuyên nó: ‘Ông bị yếu chuyện đó lại thường viết về đề tài sex, sẽ không lôi cuốn đâu. Bây giờ ông chỉ nên chú trọng vào tiểu thuyết có lẽ hơn’."
Hoàng Anh Tuấn phê bình:
"Cái dở của Khánh Trường là như thế. Nó cố tình đưa chuyện tình dục đi trước, nhưng mà văn chương đâu phải mỗi lúc mỗi cần đề cập đến chuyện ấy?"
Đằng Sơn tiếp ngay lời Hoàng Anh Tuấn:
"Đúng, mỗi trang trong quyển Qua Khe Hở đều thấy đưa ra những đoạn làm tình một cách rất vô lý, không cần thiết."
Trần Nghi Hoàng mai mỉa:
"Các ông nói vậy tội nghiệp thằng Khánh Trường. Nó chỉ có mỗi đề tài sex làm mồi câu để đi vào ‘giới văn chương miệt Bolsa’, được người ta kêu là ‘nhà văn’! Bây giờ các ông bảo dẹp, nó còn gì mà kiêu hãnh chứ?"
Và chàng cười lớn:
"Nó rất ‘dị ứng’ với ngoại ngữ và văn chương thứ thiệt. Để tôi kể mấy ông nghe chuyện này: Nó xuất bản cuốn Qua Khe Hở, gặt hái thành công mặt tài chính. Sau đó nó ra tờ Hợp Lưu, hai tháng một số, mà theo lời Từ Hiếu Côn kể lại với tôi thì trong tờ báo này, nó được Đoàn Văn Toại chi cho 10 ngàn đô, dĩ nhiên bằng tiền ‘phân’ của Mỹ. Chủ đích của Đoàn Văn Toại là sẽ ‘dùng’ tờ Hợp Lưu để làm hậu thuẫn chính trị cho Đoàn Văn Toại, bởi vì Đoàn Văn Toại không phải là tên ‘dễ chơi’, đưa tiền tay này, hắn phải lấy lại tiền tay kia mới đáng. Vừa phát hành được một số, Khánh Trường và Phan Tấn Hải từ  Santa Ana điện thoại tới tấp lên tôi mà gào bài. Tôi nói, bây giờ tao không có sẵn bài cho mày, chỉ mỗi bài của bà xã tao, viết về Salman Rushdie, phân tích rất hay tác phẩm Kinh Cầu Của Quỷ Vương, cái án tử hình mà xứ Hồi Giáo đang treo cho ông ta. Bài ấy tụi tao định để dành đăng trong Văn Uyển bộ mới sắp ra(°); nhưng bây giờ mày cần quá, nếu mày muốn, tụi tao nhường lại cho mày. Nghe vậy, cả thằng Khánh Trường lẫn thằng Phan Tấn Hải đều xin gửi gấp xuống Santa Ana cho kịp số báo thứ hai, làm tôi phải mất toi 13 đồng gửi express một ngày. Nhận xong, tụi nó chẳng đăng. Sau, gặp tôi, Khánh Trường nói: Trần Nghi Hoàng mày đừng phiền tao, thông cảm cho tao là báo tao ‘không hợp’ với các bài trí thức như bài viết về Salman Rushdie của bà xã mày! Gặp Trần Ngọc, lại nghe anh ấy kể: Khi nhận bài Salman Rushdie, Khánh Trường cũng cố gắng đánh máy, nhưng vừa đánh vừa chửi thề loạn xạ. Trần Ngọc đứng sau lưng nó hỏi: Mày làm sao mà chửi thề vậy? Nó đáp: Salman Rushdie là thằng nào tao chẳng biết, bài viết có rất nhiều tiếng Tây tiếng U khó hiểu quá! Trần Ngọc cầm lên đọc, xong la to với nó: Bài của Bông Giấy viết hay như vậy mà chỉ tại mày dốt quá, không có kiến thức về văn học, không thấu được tới cái hay của bài ấy, nên mới chửi thề lung tung, chê là người ta viết dở!"
Tôi xen vào câu chuyện, nói riêng với Hoàng Anh Tuấn ngồi bên cạnh:
"Em vừa đọc một bài báo Pháp phê bình tác phẩm dâm thư mang tựa đề Lust của nhà văn nữ người Áo, Elfriede Jelinek. Thấy chửi cũng nhiều mà khen cũng lắm."
Hoàng Anh Tuấn gật đầu:
"Có nhiều áng dâm thư hay lắm chứ! Như Kim Bình Mai hay Hồng Lâu Mộng chẳng hạn. Nhưng phải thành thật mà nói, quyển Qua Khe Hở của Khánh Trường tệ quá, đọc xong, chỉ thấy lợm giọng nặng nề mà chẳng chút nào sảng khoái."
Tôi hỏi:
"Tại sao có nhiều nhà văn nam cũng như nữ trong giới văn chương Việt Nam ở hải ngoại chỉ ưa viết chuyện dâm đãng? Trong đời sống, đề tài viết thiếu gì? Chẳng lẽ chỉ có cái đó?"
Trần Nghi Hoàng cười to:
"Vợ tôi ngây thơ quá!"
Hoàng Anh Tuấn tiếp lời:
"Thằng đàn ông nào cũng ưa tỏ ra mình ngon, dù mình chả có cái mẹ gì để ngon hết. Như cái thằng Nguyễn Thiếu Nhẫn ở đây cũng vậy."
Trần Quảng Nam gật gù:
"Vậy mà Nguyễn Thiếu Nhẫn ra ba quyển rồi đó! Lại còn tái bản lại hai, ba lần nữa."
Trần Nghi Hoàng bật cười:
"Nguyễn Thiếu Nhẫn đi đâu cũng khoe mình là best seller ra cái điều hợm hĩnh. Nhưng mà hắn chỉ dọa được độc giả không biết gì, chứ dân trong nghề làm sách như tôi, cái chuyện tái bản đi tái bản lại của nó, tôi lạ gì? Bây giờ nếu tôi nói sách tôi tái bản lần thứ mười, có chứng cớ hẳn hoi thì khối người tin! Mà thật ra là thế nào? Chỉ là tôi in ít đi, xong lớp tặng, lớp đem cho, ép thằng nào mua được mừng thằng đó, rồi tái bản lần hai, lần ba, chỉ tốn có cái bìa chứ tốn gì đâu?"
Hoàng Anh Tuấn nói, vẻ khinh bỉ rõ rệt:
"Đọc cái truyện Người Đàn Bà Mang Thai Trên Biển Đông của nó, thấy nhân vật chính luôn luôn được tất cả mọi đàn bà mê hết. Buồn cười là ở chỗ đó."
Tôi hỏi:
"Cuốn ấy viết về điều gì vậy?"
"Về chuyện vượt biên", Phương Trâm trả lời.
Hoàng Anh Tuấn giải thích rõ hơn:
"Đó là một tập gồm nhiều truyện ngắn, nhưng truyện nào cũng chỉ toàn một luận điệu rằng đàn bà mà trông thấy nhân vật chính –là nó- thì cứ muốn cởi quần ra hết cho nó."
Trần Nghi Hoàng tiếp thêm:
"Nghĩa là nếu em chưa gặp Nguyễn Thiếu Nhẫn mà đọc văn của ổng, em sẽ có cảm tưởng rằng tác giả là một người vừa đẹp trai cường tráng, vừa có tài, lại cũng vừa hào hoa lịch sự."
Hoàng Anh Tuấn ngắt lời:
"Nhưng mà nếu em gặp thì thấy đúng là con chuột chết!"
Trong lối nói của Hoàng Anh Tuấn khi phát biểu câu trên, tôi "cảm" được đầy sự khinh bỉ pha lẫn tức giận, đến khiến tôi –dù chưa hề biết mặt Nguyễn Thiếu Nhẫn- vẫn phải xót xa giùm cho anh.
Từ chỗ ngồi đối diện tôi, Đằng Sơn la lớn:
"Hạ nhục Nguyễn Thiếu Nhẫn quá vậy? Tôi kể cho nghe chuyện này. Chuyện thật đấy nhé! Ông Văn đầu bạc mà đã chơi thằng nào thì ông ấy chơi tận mạng, thằng kia chỉ có nước chết. Một lần ông ấy bảo tôi: ‘Tờ Sóng Việt của Nguyễn Thiếu Nhẫn chết vì một con Mỹ đen!’ Mình mới bảo ‘Vô lý! Một con Mỹ đen thì làm sao có thể giết nổi tờ Sóng Việt?’ Thì ông ấy nói: ‘Bây giờ tôi hỏi ông, tờ Sóng Việt, quảng cáo nó đếch đi thâu,...(°) Tờ báo chết là cái chắc!
Dứt câu nói, Đằng Sơn cười hề hề, rồi lại tiếp:
"Cuối cùng hỏi ra, quả tình Nguyễn Thiếu Nhẫn có chuyện đó thật!"
Trần Quảng Nam gật gù tóm gọn:
"Chung qui lại thì ‘nhà cách mạng Sóng Việt Nguyễn Thiếu Nhẫn’ đã chết vì gái!"
Hoàng Anh Tuấn thêm:
"Lại là gái Mỹ đen!" 
Chú thích:
(°)  Salon Littéraire: Một kiểu phòng khách tập họp định kỳ hằng tuần của những người trong giới văn chương, nghệ thuật và cả chính trị; nơi đó, người ta vừa uống rượu vừa luận đàm thoải mái về đủ mọi vấn đề thuộc các lãnh vực này. Ở Paris, thế kỷ 17 & 18, loại "salon" như vậy rất thịnh hành, đặt dưới sự điều động của một phụ nữ danh tiếng nào đó thuộc hàng quí tộc. (Trích Grand Larousse).
(°) Bài "Salman Rhusdie và tác phẩm Kinh Cầu Của Quỷ Vương”, đã đăng trong Văn Uyển bộ mới số Mùa Xuân 1992.
(°) TTBG tự ý kiểm duyệt.