- 12 -

Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose.
Cái số tôi rõ ràng cô đơn.
Trong những cuộc chuyện trò với nhau, Trần Nghi Hoàng thường nói: "Nếu không phải là bố, chẳng bất cứ người đàn ông nào có thể chịu đựng nổi những ‘cơn điên’ của em!" Trong các cuộc rượu, Đằng Sơn nhiều lần nhận định: "Đời sống cặp vợ chồng Trần Nghi Hoàng & Bông Giấy được xây dựng trên nền tảng ‘phụ xướng phu tùy!’"... Một lần Nguyễn Hữu Liêm nói thẳng với Trần Nghi Hoàng trong cuộc rượu đông người: "Trần Nghi Hoàng rất sợ vợ!" Lại còn nhiều người bạn khác, ai cũng ít nhiều phô bày ý nghĩ rằng, tất cả mọi hành động của Trần Nghi Hoàng đều do tôi điều động, chỉ huy.
Thoạt đầu, trước những lời như vừa nêu trên, tôi nghĩ, chỉ là một cách đùa cho vui câu chuyện. Nhưng điều ấy cứ được lập đi lập lại mãi làm cho tôi phải tự suy nghĩ đến hai chữ “dư luận” mà tôi vốn rất khinh thường, gớm ghét.
Đào Thị Lương, khi biết ra sự tan vỡ giữa Vân San và Trần Nghi Hoàng trong một đêm rất ghê gớm, cái đầu tôi như muốn nổ tung vì buồn phiền đau khổ, đã bảo với tôi qua điện thoại: "Chị phải tìm cách nào giải quyết với thằng San đi chứ, cứ để anh Hoàng khổ mãi như thế? Anh ấy còn quá nhiều việc phải lo trong đời sống..." (Lần ấy, tôi đâm chưng hửng vì một thứ "tình cảm quen biết 20 năm ròng rã mà tôi thật lòng trân trọng." Trần Nghi Hoàng khổ, ai cũng nhìn ra. Chỉ có tôi là không đáng được nghĩ tới với mọi nỗi đớn đau ắp đầy trí não).
Luôn Trần Quảng Nam, kẻ "biết" tôi lâu hơn bất kỳ ai trên đất Mỹ, tuy rằng vẫn được tôi dành cho một tình thân sâu đậm, nhưng lại là người đi "bêu riếu" cá nhân tôi nhiều nhất, đặc biệt về những xung đột tình cảm tế nhị giữa tôi và Trần Nghi Hoàng (!?) Cũng một lần, khi nghe Trần Quảng Nam bảo thẳng tôi rằng, "hắn tin" bài viết ký tên Trần Nghi Hoàng (đăng trên tờ Thời Báo đả kích lại bài "xỉ vả Trần Thị Bông Giấy" của Trần Chí Phúc) là do tôi "bắt" Trần Nghi Hoàng phải viết trả đũa, quả tình tôi ngạc nhiên thật sự. Khi ấy, tôi nói với Trần Quảng Nam: "Trần Chí Phúc đâu đáng gì cho tôi phải bận tâm? Chẳng qua vì là chồng tôi nên Trần Nghi Hoàng thấy có bổn phận lên tiếng, muốn cản cũng không được. Còn nếu bảo rằng tôi ‘trả đũa’ Trần Chí Phúc thì lời lẽ tôi đâu thể nào ‘ôn hòa’ như thế?"
Tuy vậy, tôi không ngờ dư luận về tôi lại được thổi phồng theo chiều hướng độc địa đến vậy. Thứ dư luận được tạo ra từ nhiều phía, của Trần Nghi Hoàng lẫn tôi, của chung và của riêng từng mỗi người.
Có đôi lần trong cuộc chuyện trò thân mật, tôi đưa ra với chàng về sự nguy hiểm của dư luận, và nói: "Em không phải là kẻ vô đạo đức, nhưng trong đời, mọi chuyện em làm đều theo chủ trương ‘chí ta ta biết, lòng ta ta hay’; vì vậy không bao giờ em quan tâm đến dư luận. Sự kiện em rất giới hạn kết giao cũng nảy sinh từ đó. Nhưng còn bố, vì công việc mà phải giao tế, xin bố nên cẩn trọng trong vấn đề bè bạn. Bạn tốt thời buổi này không cách chi tìm được. Còn bạn tiếp xúc mỗi ngày, bố hãy nên tự ý thức mà xa lánh nhưng người ưa thích đâm thọc bằng những câu nói ‘tưởng là đùa cợt mà thật ra đầy ác ý chia rẽ’’. Nếu không, sẽ có ngày bố trở tay không kịp vì những người bạn của bố sẽ làm cho đời sống bố vỡ nát tan hoang!"
Tôi nói thêm: "Câu chuyện Tăng Sâm giết người lúc nào cũng vẫn còn là bài học tốt. Bố và em, mình làm sao dám tự cho rằng sáng suốt hơn bà mẹ Tăng Sâm trước một thứ dư luận tàn ác, gớm ghê!"
San Jose. Tháng 6/1994. Một đêm...
10 giờ rưỡi đêm, tiếng chuông điện thoại reo vang. Trần Nghi Hoàng nhấc máy trò chuyện. Cuộc điện đàm kéo dài khoảng 10 phút. Gác máy xong, Trần Nghi Hoàng nói với tôi:
"Bùi Bảo Trúc từ Washington DC gọi sang, cảm ơn em vì bài viết về Nguyễn Hữu Hiệu. Ông ấy bảo, câu chuyện này ông ấy bị hàm oan đã mười mấy năm, ít người biết. Vậy mà không ngờ hôm nay lại vô tình có người giải oan cho ông."
Và chàng kể:
"Sáng nay đi kiếm Nguyễn Bá Trạc để hỏi cách nuôi cây Bonsai, bố gặp luôn cả Bùi Bảo Trúc và Phạm Quốc Bảo khi ấy đang đi cùng Nguyễn Bá Trạc. Cả đám kéo vào quán Dalat uống café. Đó là lần đầu tiên bố đối diện Bùi Bảo Trúc, còn Phạm Quốc Bảo đã gặp vài lần rồi. Bùi Bảo Trúc khoảng ngoài 50, dáng cao lớn khỏe mạnh, nước da trắng trẻo, đeo kính trắng, cặp mắt tinh anh, nói giọng Bắc ấm áp, nét mặt trông rất trí thức. Ngồi trò chuyện một hồi, bố tặng mỗi người một quyển Văn Uyển mới phát hành, xong từ giã về trước. Bố quên bẵng là trong số báo ấy có bài của em viết về Nguyễn Hữu Hiệu, nhắc đến tên Bùi Bảo Trúc."
Trần Nghi Hoàng kể tiếp:
"Lúc nãy điện thoại cho bố, ông ta bảo vừa về đến nhà, đọc bài Tâm Bút trên chuyến bay từ San Francisco tới Washington DC, nên điện thoại qua cảm ơn em."
Chàng thêm:
"Tuy nhiên, ông ta có nói rằng, nhưng nét chính trong bài viết thì đúng hết, chỉ có vài chi tiết nhỏ về địa điểm là sai thôi."
Tôi vụt nói:
"Sao bố không hỏi xin ông ấy sửa lại giùm những chi tiết nào sai lạc?"
Trần Nghi Hoàng gật đầu:
"Bố quên mất điều ấy."
Xong, chàng điện thoại trở lại ngay cho Bùi Bảo Trúc. Tôi nghe chàng nói:
"Nhà tôi sắp in cuốn Một Truyện Dài Không Có Tên tập I, trong có bài viết về Nguyễn Hữu Hiệu. Đây là loạt bài về ‘sự thật’ nên cô ấy rất mong tìm tòi dữ kiện cho chính xác. Vậy xin anh vui lòng điều chỉnh giùm những điểm sai trong câu chuyện mà anh là một trong những nhân vật chính, nên biết rất rõ."
Thế là câu chuyện "tập thơ vô đề" được Bùi Bảo Trúc kể lại cho Trần Nghi Hoàng tường tận qua điện thoại như sau:
Năm 1979, Bùi Bảo Trúc khi ấy đang hợp tác với tờ bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong của Nguyễn Thanh Hoàng ở DC, phụ trách mục "Nghĩ Quẩn". Có một tập thơ vô đề của một người nào đó thảy vào tòa đại sứ Anh ở Hà Nội, được Bộ Ngoại Giao Anh mang ra, gửi một bản cho một người tên Quý, nhân viên của đài BBC. Ông Quý có giao tình với Nguyễn Thanh Hoàng nên mới nhờ một người tên Châu Kim Nhân mang từ Luân Đôn sang Mỹ, trao cho Nguyễn Thanh Hoàng để nhờ phổ biến.
Nguyễn Thanh Hoàng được tập thơ, lại giao cho Bùi Bảo Trúc đọc và viết bài giới thiệu, chuẩn bị việc xuất bản. Đọc xong, Bùi Bảo Trúc rất thích thú, từ DC điện thoại qua California khoe với Phạm Duy (trong một đêm Phạm Duy đang chuyện trò với Đỗ Ngọc Yến). Sau lại điện thoại khoe với Nguyễn Hữu Hiệu -cũng đang ở DC. (Cả hai Bùi Bảo Trúc và Nguyễn Hữu Hiệu là bạn với nhau thời Trung học). Hiệu nghe Bùi Bảo Trúc đọc vài bài trong điện thoại, mê quá, bèn mời Bùi Bảo Trúc mang đến nhà Hiệu để cùng thưởng thức. Thời gian đó, Hiệu mới từ Việt Nam vượt biên qua Mỹ sau khi đi học tập cải tạo Cộng Sản hai năm.
Bởi vì Nguyễn Hữu Hiệu luôn luôn khoe với Bùi Bảo Trúc rằng có quen biết nhiều văn nghệ sĩ miền Bắc, nên buổi tối hôm ấy, Bùi Bảo Trúc bằng lòng đem tập thơ đến nhà Hiệu với dụng ý hỏi Hiệu xem tác giả là ai.
Lúc tìm đến căn phố của Nguyễn Hữu Hiệu trên đường Lee Highway, Bùi Bảo Trúc đã thấy có mặt Đào Mộng Nam và Nguyễn Thượng Sơn ở đó rồi. Cả nhóm cùng đọc vài bài trong tập thơ. Được một lát, Nguyễn Hữu Hiệu xin vào phòng trong gọi điện thoại cho người quen bên Anh và Thụy Sĩ. Anh ta cố tình nói lớn để những người phòng ngoài nghe rõ là đang thảo luận với người đầu dây bên kia về tập thơ. Xong trở ra, Hiệu tuyên bố rằng chắc chắn sẽ tìm được tên tác giả trong vài ngày nữa. Bùi Bảo Trúc trong lòng rất mừng.
Khi Bùi Bảo Trúc giã từ để đi làm, Hiệu đề nghị Bùi Bảo Trúc để tập thơ lại cho anh ta mượn đọc một đêm, sáng mai trả. Bùi Bảo Trúc nhận.
Bảy giờ sáng hôm sau, Hiệu vẫn đàng hoàng trao trả tập thơ cho Bùi Bảo Trúc. Dè đâu, đêm hôm trước, Hiệu đã mang đi photo- copy hết cả tập rồi. Sau đó, Hiệu cùng anh mình là nhà thơ Viên Linh, đang làm việc cho một nhà in, âm thầm xúc tiến việc xuất bản tập thơ mà Bùi Bảo Trúc vẫn chưa nghi ngờ gì cả. Thời gian đó, Bùi Bảo Trúc vừa đi học vừa đi làm nên rất bận. Nguyễn Thanh Hoàng phong phanh biết chuyện anh em nhà Hiệu sắp in tập thơ, điện thoại qua tìm Bùi Bảo Trúc, nhưng mãi vẫn không liên lạc được. Tình ngay mà lý lại gian, vì vậy sau khi quyển Tiếng Vọng Từ Đáy Vực do nhóm Viên Linh, Nguyễn Hữu Hiệu và Đào Mộng Nam in xong, Văn Nghệ Tiền Phong nghĩ rằng có bàn tay Bùi Bảo Trúc chủ động nhúng vô, nên đoạn giao với Bùi Bảo Trúc từ khi ấy.
Chuyện chơi bẩn của Hiệu sờ sờ như thế, vậy mà –theo lời Bùi Bảo Trúc- Hiệu vẫn "mặt dày mày dạn, lân la đến tôi mượn sách, coi như không hề có gì xảy ra trước đó, lại còn đi đến đâu cũng tự hào tuyên bố như chính anh ta là người có công hiểu được giá trị và đưa tập thơ của Nguyễn Chí Thiện ra ánh sáng!’”
Kể xong câu chuyện, Trần Nghi Hoàng nhấn mạnh thêm:
"Sự sai lạc chỉ là ở chi tiết địa điểm. Trong bài viết của em (được thuật lại từ lời kể của Đào Mộng Nam), địa điểm ‘chơi bẩn’ của Hiệu xảy ra tại quán café; còn qua lời kể Bùi Bảo Trúc, điều này xảy ra tại chính ngay nhà Hiệu. Nhưng nhờ vậy mà bố tìm thêm được một điều gian trá khác: chính Đào Mộng Nam cũng có nhúng tay vô âm mưu chơi bẩn này của anh em Nguyễn Hữu Hiệu & Viên Linh. Theo lời Bùi Bảo Trúc thì đêm ở nhà Hiệu, có cả Đào Mộng Nam. Sau đó cũng Đào Mộng Nam rủ rê bố cùng về lo phát động phong trào Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, mà bố từ chối. Nội bộ cuối cùng tan rã sao đó, Đào Mộng Nam bực tức Hiệu, mò về thăm bố, kể cho bố và Trần Minh Quang nghe tất cả mọi ngõ ngách, chỉ trừ chi tiết duy nhất là địa điểm, hắn cố tình làm cho sai lạc để tránh né cái tiếng ‘chơi bẩn’ cho mình."
Và Trần Nghi Hoàng nhận xét:
"Mục đích phơi bày sự thật xuyên qua các bài viết trong tác phẩm Một Truyện Dài Không Có Tên của em tuy có tạo ra rất nhiều kẻ thù, nhưng vô hình chung mà nó cũng làm được điều tốt cho kẻ khác. Ví dụ như sự ‘tình cờ giải oan’ cho Bùi Bảo Trúc. Trong điện thoại, ông ta cứ nói mãi lời cảm ơn em."
Tôi bày tỏ:
"Thời buổi này, thật khó kiếm tình bạn chân thật. Con người thường hay có khuynh hướng đè bẹp lẫn nhau vì danh vọng, quyền lợi. Cuộc sống em bây giờ rút vào trong bốn bức tường, vậy mà lại hay. Em rất sợ lòng người bố ạ."
Tôi cười, tiếp:
"Luôn luôn, bố vẫn nói rằng em là người đàn bà ‘mạnh nhất’ mà trong đời bố gặp, nhưng đâu phải như vậy. Lúc nào em cũng cảm nghe yếu đuối và cô đơn cùng cực trong cuộc sống. Ngay cả bố cũng không lấp đầy được sự cô đơn cho em."
Trần Nghi Hoàng gật:
"Từ em, bố nhận biết điều cô đơn vừa nói nổi bật hơn tất cả mọi điều khác. Tâm hồn em y hệt của một đứa trẻ, mà lại là đứa trẻ bị tổn thương nhiều bận, nên cái khuynh hướng e dè dĩ nhiên phải có. Em như con chim bị đạn, thấy cành cây cong là sợ! Em không có bạn. Không ai có thể là bạn chí tình với em được hết."
Tôi lặng im, nghe chàng giải thích:
"Bản chất em chân thành quá, giao thiệp với ai thì hết lòng với người ấy. Nhưng mà ở đời, con người hầu hết đều ưa điều giả dối. Do lẽ đó, sự giả dối làm sao có thể khiến họ tồn tại tình cảm được trước nhưng chân tình của em. Chính tự họ phải tự  đào thải khỏi em cách này cách khác."
Và Trần Nghi Hoàng nhận định:
"Nhiều ngày tháng thấy em ngồi một mình trong căn phòng này với cái computer và đống sách, bố thật ái ngại."
Tôi lắc đầu:
"Trái lại, chỉ những khi như vậy, em mới nghe lòng an ổn thật sự bố ạ. Thế giới của những người trăm năm cũ tạo được cho em sự gần gũi hơn kẻ đang còn sống. Em yêu quí cái tài hoa, hiểu thấu những đau khổ của họ và cũng được họ chia xẻ cho biết bao cô đơn trong hiện tại."
Tôi nói thêm:
"Đó là lý do tại sao em say mê mài miệt với bộ Tài Hoa Mệnh Bạc ngày này qua tháng nọ mà không biết chán. Nhiều người nhìn vào, thấy sợ hãi sự tự giam mình của em, tuy nhiên, em chỉ tìm ra hạnh phúc đúng nghĩa trong sự giam mình ấy."
Tôi tâm sự:
"Có đôi khi mình cãi nhau, em muốn ‘thắng’ bố nên cứ bảo rằng bố đang ‘cầm giữ' em như một tên tội phạm!’ Nhưng thật, bấy lâu, nếu không được ‘ở tù’ thế này, chắc em đã tự tử mất rồi vì quá sợ hãi sự chao đảo của một xã hội đầy những con người tráo trở bon chen. Càng về sau, em càng ‘hiểu’ được nỗi điên loạn của Nguyễn Tất Nhiên, bởi vì chính em, trên một mặt nào đó, cũng có cái tâm trạng ‘không thích ứng được với xã hội hiện tại’ như Nguyễn Tất Nhiên đã có. Tuy nhiên, khác với Nhiên, chắc là kiếp trước ‘khéo tu’ nên kiếp này em mới may mắn hưởng được trái quả ‘tu hành’ ấy? Bởi vì, nếu không phải là một cô giáo dạy nhạc, lúc nào cũng chỉ giao tiếp với các tâm hồn thơ trẻ, và nhất là nếu không tìm ra lối thoát bằng sự tự giam cầm trong một thế giới riêng, có lẽ em đã không tồn tại cho đến ngày nay."
Trần Nghi Hoàng mỉm cười:
"Nhưng trong chỗ đứng khiêm nhường, em cũng đã làm nên nhiều điều lợi ích, đâu cứ gì phải bon chen ngoài xã hội?"
Tôi gật đầu:
"Em vẫn mong vậy. Mỗi người đều ích lợi cho kẻ khác nếu như họ ý thức và làm đúng vai trò trong chỗ đứng riêng họ. Tuy nhiên, nếu không gặp những hoàn cảnh thuận tiện, họ cũng sẽ khó thể phát huy hoàn toàn mọi khả năng. Nhất là khả năng về nghệ thuật. Điểm sung sướng lớn nhất của em là em vẫn theo đuổi được nghệ thuật mà không phải đánh đổi gì trong cuộc sống."
Tôi nhìn Trần Nghi Hoàng, nghe lòng dậy lên một tình cảm khác lạ:
"Một phần quan trọng nào đó, chính bố là người đã đóng góp phần duy trì điều sung sướng ấy cho em bằng sự việc chưa bao giờ tỏ ra muốn phá đổ ‘cái thế giới của riêng em.’"
Tôi bày tỏ tiếp:
"Luôn luôn em vẫn nghĩ, Thượng Đế cho mình điều gì thì mình phải biết trân trọng và chia xẻ điều đã được với kẻ khác. Hiện tại, em may mắn hơn 70 triệu đồng bào Việt Nam là đang sống trong một đất nước đầy đủ sách vở tài liệu về văn chương nghệ thuật. Tha hồ đọc, tha hồ tham khảo. Vì vậy, vùi đầu trong bộ Tài Hoa Mệnh Bạc dự định 10 tập không những chỉ là một hình thức chạy trốn cuộc đời điên đảo, mà với em, nó còn là một chia xẻ nhỏ bé, một hình thức đọc giùm cho những đồng bào kém may mắn hơn, tuyệt không có nghĩa gì to tát trọng đại."
Trần Nghi Hoàng nói:
"Như vậy thì sự việc em đắm mình ngày này qua tháng khác trong thế giới riêng không phải là hình thức trốn chạy thực tế, mà là đang sống với thực tế đó chứ?"
Tôi cười:
"Trên một vài phương diện, em cũng nhận như bố. Hiện tại, em chỉ mong sống khỏe mạnh thêm chừng 10 năm để thực hiện cho xong bộ Tài Hoa Mệnh Bạc; hơn nữa, đào tạo và phát huy năng khiếu nghệ thuật tiềm tàng trong Âu Cơ."
Và tôi kết thúc câu chuyện:
"Ước vọng khiêm nhường quá, vậy mà không biết Thượng Đế có ban cho mình đủ thời gian sống để hoàn tất nổi hay không? Đâu ai đo lường được ngày mai của mình ra sao; nhất là em, con người đã quá quen với những điều lao đao, bất trắc? Chỉ biết cố gắng hết sức, còn chuyện định mệnh chuyển vần đến đâu thì hay đến đó thôi!"
Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose.
Bài thơ của Trần Nghi Hoàng, tặng sinh nhật 31/12 (1991)
KHUNG CỬA SỔ CỦA MẮT NHÌN TĨNH VẬT
những mưa nắng ở trong tôi
gửi ra ngoài thế giới
gửi cho em
bức thông điệp nồng nàn phủ dụ
còn nguyên mùi trí tuệ trầm hương
khung cửa sổ của mắt nhìn tĩnh vật
trên lầu căn nhà ở góc đường
chín giờ. Đèn đã lên
và màn đã mở
em
người khán giả độc nhất ngồi nhìn vào sân khấu.
của đêm
nhân vật chính sẽ không bao giờ xuất hiện
như sự đợi chờ của chiêm bao
những nhân vật phụ sẽ lần lượt
gật đầu và lắc đầu
(có thể những nhân vật phụ này không thay đổi,
hay thay đổi từng đêm)
những cô gái điếm với phấn son
bước tới lui dưới ánh đèn đường
và ánh đèn của tiệm giặt mở cửa muộn cho những cùng tử
đóm thuốc lóe lên
những đóm thuốc. Tiếng chửi thề
và những tên "pimp"
mùa thu
những chai rượu nhỏ dẹp dẹp rẻ tiền nằm trong bao giấy
được tu từng ngụm giữa những cổ áo jacket
Jack Daniel
và những thiên thần sa đọa
một chiếc xe dừng lại bên lề đường
một nàng gái điếm bước ra
nàng khom người tựa vào thành cửa
nàng chổng mông ngã giá cùng gã đàn ông trên xe
những cô gái điếm khác luôn qua lại trên tiền trường
(và những tên “pimp” thập thò sau cánh gà)
chiếc xe lao đi
mang theo cô gái điếm
(đôi khi chiếc xe lao đi
để cô gái điếm ở lại với nét mặt khó chịu đang lầu bầu nguyền rủa)
đêm vẫn mờ ảo
màn vẫn mở trơ tráo
không có tiếng vỗ tay
bây giờ
chúng ta bước qua màn hai
em
người khán giả độc nhất
trên căn lầu có cửa sổ của mắt nhìn tĩnh vật
vỡ tiếng ho thao thức
nghe buồn tênh như mưa rơi trên phím dương cầm
chiều hôm qua
của em
hay mưa đang rải trên phím máy computer
bây giờ
của tôi
làm thành phần nhạc phối cảnh
trong một vở trường kịch không tên
và mọi chuyện bắt đầu từ đó
vâng
chúng ta cần thiết phải chào nhau
chào nhau
như những mưa nắng ở trong em
gửi vào đêm thâu
và đêm mở ra để nhận thông điệp u sầu
của em
gửi vào thế giới. Gửi về đâu?
Ngày thứ nhì trở về Dalat. 29/1/1993, thứ Sáu.
Chiêm bao lỡ, mây về trăng tĩnh vật
Sương là hơi nước mắt cố nhân. Và...
Dù đập nát phiến thời gian khuất mặt
Tìm được gì trong giọt rượu yêu ma?
(thơ Trần Nghi Hoàng)
  Thật là vui khi biết được những người bạn năm xưa vẫn còn lưu lại Dalat. Đầu tiên là Triệu Trung Tiên. Anh không có gì khác lạ so với gần hai mươi năm trước. Vẫn cái dáng gù lưng bé nhỏ. Vẫn phong cách nghệ sĩ với mái tóc rủ xòa trước trán. Vẫn chiếc chemise ngắn tay, mùa đông hay mùa hè cũng không kể số gì với thời tiết. Vẫn nụ cười cởi mở và cả một tấm lòng đôn hậu đã đối cùng tôi quãng thời gian tháng 3/1975 khi tôi chấp nhận kẹt lại tại Dalat để dự cuộc bài định mệnh tả tơi.
Lúc trở về, nhìn thấy tôi, Trần Nghi Hoàng, Âu Cơ và Trần Ngọc Anh, cậu em họ tôi, đang ngồi đợi trong phòng khách nhà anh, anh đưa cả hai tay xiết chặt tay tôi, vẻ mừng rỡ hiện rõ trên khuôn mặt. Đây là điều rất đáng ngạc nhiên, bởi vì giao thiệp với anh đã gần hai mươi năm, tôi biết anh -một người Trung Hoa chính gốc, hơn nữa, một giáo sư dương cầm rất có uy tín đạo đức tại Dalat- rất trọng câu "nam nữ thụ thụ bất tương thân" như Thánh hiền đã dạy.
Thứ hai là Mỹ Vân. Cô học trò xinh xắn từng được tôi thân thiết nhiều nhất, cứ mãi lập lại nhiều lần với tôi câu nói:
"Em không ngờ còn được gặp cô. Em xúc động quá cô ạ!"
Trên vóc dáng rất gầy, rất ẻo lả của cô học trò cũ, tôi ái ngại nhìn ra cái vẻ đài các thời gian hai mươi năm xưa đã được thay thế bằng một sự chịu đựng lam lũ. Tuy vậy, hai mươi năm xưa và hai mươi năm sau, nơi Mỹ Vân vẫn có điều chưa thay đổi. Đó là tính cách yếu đuối, bao gồm luôn cả tình thương mến và lòng nể trọng Mỹ Vân vẫn đối cho tôi.
Tôi hỏi đời sống Mỹ Vân thế nào? Mỹ Vân nhỏ nhẹ đáp:
"Em có hạnh phúc cô ạ. Chồng em thương quý em. Vật chất vài năm trước rất bi thảm, nhưng bây giờ đã tạm đủ. Như vậy là mừng rồi, em chẳng ước mong gì hơn nữa."
Tôi nghĩ nhanh đến Trần Quảng Nam. Nghĩ nhanh đến mối liên hệ tình cảm giữa Mỹ Vân và Trần Quảng Nam dạo ấy. Trong thoáng chốc của một nỗi lan man xúc động, tôi thốt nghe thương thật nhiều hai con người đã cùng trải với tôi những kỷ niệm tuổi học trò quãng đời hai mươi năm xưa.
Tôi kể cho Mỹ Vân nghe:
"Đêm cuối cùng ở Mỹ trước khi trở về Việt Nam, ngồi cạnh Trần Quảng Nam trong một tiệc cưới, cô nghe hắn nói: ‘Chị về, lên Dalat, ráng kiếm cho được Mỹ Vân, nói giùm rằng tôi so sorry về tất cả mọi sự’."
Và tôi thêm:
"Chuyện trò với cô, Trần Quảng Nam vẫn nhắc đến em. Cô thương hắn ở điểm tình cảm như thế. Nhưng hiện tại mới là quan trọng. Người thực sự yêu và cần em bây giờ chính là chồng và các đứa con em. Cô tin em hiểu rất rõ điều ấy."
Tôi nhìn thẳng Mỹ Vân. Trong làn ánh sáng mờ nhạt của buổi chiều gần tàn, nơi hiên căn nhà người họ hàng cuối đường Hoàng Diệu, ngồi đối diện nhau, tôi mơ hồ nhận ra nơi khóe mắt Mỹ Vân có đôi ngấn lệ.
Thứ ba là Cao Quang Ngộ.
Khi nhìn thấy tôi đột ngột xuất hiện nơi cửa chiếc quán lá sơ sài bán café, nước ngọt của anh bên hông chợ Dalat, sau lưng là Âu Cơ, Trần Nghi Hoàng, Triệu Trung Tiên và cậu em họ tôi, Cao Quang Ngộ sững người. Anh bật la lên:
"Trời ơi! Thu Vân thật đây sao?"
Vậy là cả một tràng cười phát ra giữa phố chợ Dalat. Tiếng cười của tôi, của Cao Quang Ngộ, của Triệu Trung Tiên, của Trần Ngọc Anh và luôn cả của Trần Nghi Hoàng.
Cuộc rượu được bày ra nhanh chóng. Những câu chuyện cũ kể hoài không hết. Tôi nhìn người bạn mà thốt nghe lòng đau nhói. Anh rất gầy, rất phong sương dầu dãi. Trên chiếc chemise đã bạc màu, tôi thấy có một đường rách nơi vai.
°

*

Khi kéo nhau về nhà Cao Quang Ngộ uống tiếp, thốt nhiên tôi nghe Trần Nghi Hoàng hỏi:
"Anh Ngọc ở cách xa bao nhiêu, anh Ngộ có biết?"
Cao Quang Ngộ đáp:
"Chừng mười phút đón xe thồ từ đây đến đó."
Tôi và Triệu Trung Tiên cùng trao cho nhau cái nhìn đầy ý nghĩa. Tiếng Trần Nghi Hoàng lại cất lên (dường như chàng say say?):
"Anh Ngộ có thể nào mời anh Ngọc đến cùng uống với chúng mình ly rượu không?"
Cao Quang Ngộ gật đầu:
"Nhưng, phải hỏi ý kiến Thu Vân trước đã."
Cả tôi và Triệu Trung Tiên cùng tỏ bày một lượt:
"Không nên!"
"Nên lắm chứ!", Trần Nghi Hoàng cao giọng.
Tôi hỏi chàng:
"Bố có ý gì khi muốn mời anh Ngọc đến?"
Trần Nghi Hoàng giải thích:
"Bố chẳng có ý gì xấu. Chuyến đi này, bố dành trọn niềm vui cho em. Bố biết em rất yêu Dalat. Và trong Dalat hai ngày qua, em gặp lại hầu hết những người bạn thân ngày cũ. Em đã gặp anh Tiên, anh Ngộ, gặp Mỹ Vân, những người em vẫn hay nhắc nhở với bố. Vậy tại sao cả anh Ngọc, bố không thể tìm cách cho em gặp lại luôn? Bố thành thật muốn em vui mà!"
"Em cảm ơn ý tốt của bố," tôi lắc đầu. "Nhưng sự việc hội ngộ anh Ngọc, em nghĩ là thôi đi. Cái gì qua, hãy để nó qua luôn, đừng nên khơi lại, không ích lợi mà chỉ càng làm buồn thêm cho những người trong cuộc."
"Tôi cũng nghĩ như Thu Vân", Triệu Trung Tiên góp ý.
Trần Nghi Hoàng phủ nhận:
"Đây không phải khơi lại điều gì cả. Tại sao chúng ta không nghĩ đơn giản, mình là người ở xa về, có tìm gặp một người bạn cũ cũng không đáng gọi là điều xấu?"
Cao Quang Ngộ quay sang tôi, nói giữa mọi người:
"Riêng anh được anh Ngọc nhiều lần bày tỏ rằng rất tha thiết muốn gặp lại Thu Vân, cho dù gặp một lần rồi có chết cũng cam! Em cũng không nên phụ tấm lòng mong mỏi của anh ấy."
Vậy là cuộc gặp gỡ được dàn xếp. Cao Quang Ngộ lãnh nhiệm vụ đi tìm và mang Phùng Kim Ngọc đến. Lúc ấy là 10 giờ rưỡi đêm.
°

*

Khi Cao Quang Ngộ đi vào nhà bằng ngã sau, Trần Nghi Hoàng bật hỏi ngay:
"Anh có gặp anh Ngọc không?"
Trên thái độ và lời nói chàng, tôi nhìn thấy được nét vội vàng háo hức nào đó. Cao Quang Ngộ cười:
"Ngộ mà đã nhận công tác thì phải làm cho trọn."
Cao Quang Ngộ vừa dứt lời, Phùng Kim Ngọc đã đẩy cửa trước bước vào, đem theo một luồng gió khuya lạnh buốt. Trong căn phòng khách nhỏ, tôi ngồi nơi cái góc khuất lấp, đối xéo với cửa chính, nơi rất tốt để có thể quan sát thuận tiện tất cả mọi diễn biến chung quanh.
Phùng Kim Ngọc mỉm cười, gật đầu chào mọi người. Tôi hơi nhổm dậy khỏi ghế, giới thiệu anh và Trần Nghi Hoàng. Cả hai cùng đưa tay ra bắt. Mọi người hiện diện, luôn cả tôi, hầu như bị rơi vào một sự bất ngờ hụt hẫng, phát sinh từ cuộc gặp gỡ thảng thốt, nên đều ngồi lặng im trong một lúc ngắn.
Phá tan bầu không khí ngượng ngùng đang bao trùm cả căn phòng khi ấy, Phùng Kim Ngọc nói:
"Trước hết, xin phép Thu Vân cho anh được hỏi thăm về mẹ và các em. Tất cả có gì khác lạ?"
Tôi đáp hững hờ:
"Trên cá chất tâm tư, họ vẫn như cũ, nhưng trong đời sống thực tế, mười một năm trôi qua rồi, làm sao tránh được qui luật thay đổi của thời gian?"
"Mẹ và các em vẫn khỏe chứ? Họ đang ở đâu? Thu Vân có thể nói rõ cho anh biết không?"
Tôi tưởng như đang nhận ra chút nào sự bối rối của anh mà những câu hỏi như vậy là phương thế cho anh trốn tránh chính mình một nội tâm xao động nào đó. Tôi đáp:
"Mẹ em đang ở Mỹ với gia đình em. Anh Thế ở Marseille với vợ con. Trọng vẫn độc thân sau một lần ly dị và đang ở tại Berlin, nước Đức. Thủy có vợ đầm, đang ở vùng Verviers, Belgique. Mỵ Châu cũng ở Belgique, nhưng tại thủ đô Bruxelles, có chồng hai con. Kiều Mỵ cùng chồng và hai con ở Paris. Còn Ngọc Huyền, cô em gái út của em, anh còn nhớ chứ?"
Phùng Kim Ngọc nhắc:
"Cô bé rất đẹp, rất cao, có đôi mắt đen lay láy và cái cười vô cùng duyên dáng. Cô bé đàn Fantaisie Impromptu Do # mineur Chopin thật hay và từng đã một lần anh và Thu Vân định lancer vào giới ca nhạc ban đêm? Cô bé mất tích trong cuộc vượt biển anh đã được nghe em kể lần em lên Dalat năm 81?"
Tôi thoáng chút lạ lùng:
"Cám ơn anh đã nhớ rõ mọi việc. Chỉ Ngọc Huyền là mất tích luôn trong chuyến vượt biển từ 12 năm qua."
Một khoảnh khắc im lặng rơi xuống giữa bàn rượu. Phùng Kim Ngọc cười:
"Chuyện em, anh hỏi đã xong, giờ xin báo cáo chuyện anh. Anh thì vẫn tàng tàng, vẫn uống rượu với anh Ngộ, uống café với anh Tiên, cuộc sống không có gì đáng nói."
Trong cách bày tỏ của anh, tôi nghe ra một nỗi ngậm ngùi man mác. Tôi vụt hỏi:
"Anh còn chơi piano không?"
Phùng Kim Ngọc lắc đầu, dứt khoát:
"Anh tưởng điều này, Thu Vân đã biết từ buổi gặp nhau cuối cùng 11 năm trước. Anh bỏ đàn từ năm 1975 kia mà."
Và anh kể:
"Năm ngoái, khi Lê Uyên từ Mỹ về hát tại Dalat, có gặp anh, cho hay rằng cuộc sống Thu Vân đã ổn định. Anh rất mừng vì điều biết ấy."
Đột nhiên, tiếng Trần Nghi Hoàng vang lên:
"Tôi xin nói lời này với anh Ngọc. Từ ngày đầu đi vào đời Thu Vân, tôi đã được nghe kể về anh. Suốt gần bảy năm ở với nhau, tôi cũng biết trong số tất cả những người bạn cũ của Thu Vân, có hai người được Thu Vân tỏ ra rất quý mến. Anh và Nguyễn. Tuy nhiên, trong sự suy nghĩ của tôi, chính anh mới là người duy nhất được Thu Vân nể vì trân trọng."
Phùng Kim Ngọc mỉm nụ cười rất buồn, vẻ lúng túng:
"Xin cảm ơn Thu Vân."
Tôi ngồi im, nghe Trần Nghi Hoàng tiếp:
"Đặc biệt, Thu Vân vẫn nói với tôi về ngón đàn tài hoa của anh. Đó là một cái gì Thu Vân đặc biệt yêu mến và cũng rất tiếc nuối khi không còn có nữa. Đêm nay, có thể nào anh cho tôi nghe một chút âm nhạc của anh không?"
Trần Nghi Hoàng vừa dứt lời, Phùng Kim Ngọc đã rời khỏi ghế ngay, đến ngồi trước cái piano. Cao Quang Ngộ đứng lên vặn nhỏ ngọn đèn căn phòng khách. Tôi nghe trong tim mình một nỗi sắt se theo sự đáp ứng nhanh lời Trần Nghi Hoàng yêu cầu của người đàn ông năm cũ. Trong cách hành sử của anh có cái gì thật khiêm nhường nhỏ nhẹ làm cho tôi cảm kích. Càng nhiều hơn khi trong quãng đời đau đớn đã qua, tôi từng biết anh kiêu hãnh làm sao!
Tôi cúi đầu lắng nghe mà không dám ngước nhìn con người đã từng một thời làm cho tôi ngưỡng phục vì nét tài hoa tạo ra từ mười ngón tay thon nhã. Những âm thanh quyến rũ vang lên. Những âm thanh dặt dìu diễm lệ rất được tôi say mê thích thú. Những âm thanh của một quãng định mệnh đã cùng hòa hợp và quyện lấy tiếng violon của tôi trên đỉnh cao nghệ thuật, danh vọng. Và những âm thanh giống như những đày đọa tâm hồn tôi trong nỗi nhớ hằng đêm thời gian tôi và Phùng Kim Ngọc đã vĩnh viễn cách chia nhau.
Tôi cúi đầu uống vào hồn từng chút nhỏ tiếng đàn năm cũ, lòng rưng rưng xúc cảm. Trong 11 năm đằng đẵng xa quê hương, bỏ Dalat, tôi tưởng không bao giờ nghe lại được những âm thanh của một thời đam mê tuổi trẻ. Nào dè đêm nay chúng đã hiện về như một phép lạ không ngờ đến. Và cái phép lạ này, chính Trần Nghi Hoàng đã cố tình tìm kiếm cho tôi.
Khi Phùng Kim Ngọc đã trở lại chỗ ngồi cũ, Trần Nghi Hoàng cất tiếng khen, vẻ thành thật:
"Anh Ngọc đàn hay lắm. Tôi vẫn tin vào sự thẩm thấu âm nhạc của Thu Vân khi kể cho nghe về sức quyến rũ của tiếng đàn anh, và đêm nay tôi được chứng thật điều ấy. Tiếng đàn Thu Vân, tôi đã biết. Bây giờ thêm tiếng đàn anh. Tuy chưa nghe cả hai hòa nhạc, nhưng tôi có thể hình dung được trong óc sự tuyệt diệu của hai giọng đàn khi kết hợp với nhau như thế nào rồi."
Phùng Kim Ngọc cúi đầu:
"Xin cảm ơn anh Hoàng đã nói lên những lời như thế. Thật sự, phải nhận rằng trong tiếng violon và dáng kéo violon của Thu Vân đã như toát ra cả một trời mỏng manh, cô độc. Ngày ấy, hoài vọng duy nhất của tôi là chỉ muốn dùng tiếng piano của mình bao bọc lại cái mỏng manh của con người và tiếng đàn Thu Vân mà thôi."
Trần Nghi Hoàng gật gù, vẻ say say:
"Thành thật ca ngợi! Tuy nhiên, dường như anh chưa phô hết nét tài hoa của anh?"
Phùng Kim Ngọc lắc đầu:
"Không, thưa anh, tôi đã đàn hết sức của tôi rồi."
"Ý tôi muốn nói rằng có lẽ anh vì lý do này nọ, đêm nay đã không cho chúng tôi nghe trọn âm nhạc bằng chính tài năng anh có?", Trần Nghi Hoàng giải thích.
Cao Quang Ngộ đỡ lời:
"Anh Ngọc bỏ đàn đã từ lâu lắm nên tay anh ấy cứng đi, chứ không phải không hết lòng đàn cho chúng mình nghe đâu."
Phùng Kim Ngọc cúi đầu, trầm giọng:
"Mong anh Hoàng hiểu cho rằng, ngày nay giữa tôi và Thu Vân không còn một chút tình yêu nào nữa, dù chỉ bằng hạt cát, nhưng tôi vẫn xin phép được nói điều này."
Tôi ngạc nhiên vì sự rào đón của Phùng Kim Ngọc, nghe trong lòng dậy lên nỗi xót xa khi nhận ra cái thế bẽ bàng của cả anh lẫn tôi đêm nay trong sự bất ngờ gặp gỡ. Lại nghe anh tiếp:
"Trong cuộc đời âm nhạc, phải kể rằng thời gian tôi tự hài lòng với tiếng đàn mình nhất chính là tám tháng được làm việc chung với Thu Vân. Cao điểm nghệ thuật tôi có thể đạt được chỉ quy tụ trong quãng đời ngắn ngủi ấy. Bây giờ, đâu còn gì nữa! Đánh đàn là đánh vậy thôi chứ thật sự tôi không bao giờ dám nghĩ đó là nghệ thuật."
Tôi ngậm ngùi nhớ lại những ngày năm cũ, từ đêm gặp gỡ đầu tiên có tính cách định mệnh 25/7/1974 ở sân khấu Nautique, Nha Trang, kéo dài cho tới đêm 19/3/1975, lần cuối cùng còn được đàn với nhau trên sân khấu Duy Tân, Dalat. Ôi! Chỉ 8 tháng trời mà cầm bằng như cả một thiên thu cay đắng!
Tôi nói bâng quơ:
"Khi ấy, em chỉ là một thứ học trò của anh Ngọc."
Anh lắc đầu, vẻ nghiêm trang:
"Thu Vân đừng nói vậy. Ngược lại thì có. Từ Thu Vân, anh học được rất nhiều thứ. Phải bảo rằng anh là học trò của Thu Vân trong thời gian ấy mới gọi là chính danh."
Đêm Dalat lạnh giá. Chầu rượu uống trước đó của Cao Quang Ngộ ngoài phố chợ, cùng với chai rượu thuốc do chính tay Ngộ ngâm đem ra đãi chúng tôi tại nhà vẫn không làm dịu đi chút nào những nỗi bồi hồi đang có khuynh hướng lan tràn trong sâu xa tình cảm tôi khi ấy. Tôi nghĩ đến chuyến xe đò trở về Nha Trang ngày mai sớm. Hai cái vé của tôi và Âu Cơ đã nằm sẵn trong túi. Tự hỏi lòng, có thể nào tôi không chờ đợi để biết tin tức hay được gặp Phùng Kim Ngọc, như tôi đã khẳng định cùng Trần Nghi Hoàng ban tối? Tôi không thể trả lời. Thời gian thật đã lưu lại một cái hốc trống đáng ngại trong tâm hồn mỗi phía. Và cái hốc này, một lúc nào của hiện tại đêm thứ nhì trở về Dalat, phải nhận rằng, tôi nhìn rõ hơn lúc nào hết từ 11 năm nay.
Đã quá nửa đêm, Trần Nghi Hoàng đề nghị:
"Bây giờ, nếu không gì trở ngại, có thể nào chúng ta cùng kéo nhau ra các quán rượu bên vệ đường khu chợ Dalat uống tiếp? Ngày mai Thu Vân và Âu Cơ sẽ về Nha Trang bằng chuyến xe đò lúc 6 giờ 15 phút sớm, còn tôi về Sàigòn lo ít việc cần thiết. Đêm nay, chúng mình hãy nên uống với nhau một lần cho trọn đi!"
Phùng Kim Ngọc gợi ý:
"Các quán rượu rồi sẽ đóng cửa, tại sao chúng mình không kéo về nhà tôi uống cho đến giờ tiễn Thu Vân và Âu Cơ lên xe? Ở nhà, tôi còn được ổ bánh chưng, một ít dưa món, một ít giò lụa. Mình xách thêm bình 4 lít rượu thuốc của anh Ngộ về là sẽ xong ngay một buổi rượu tiễn biệt?"
Ý kiến đưa ra được mọi người chấp thuận.
Cao Quang Ngộ cười:
"Chưa kịp hàn huyên sao lại gọi là tiễn biệt?"
Phùng Kim Ngọc nhìn tôi, cái nhìn có phần kỳ lạ:
"Đêm nay, tất cả chúng mình sẽ cùng làm hành động ‘recherche du temps perdu’ ngay tại nhà tôi!"
Tôi cúi đầu nghĩ thật nhanh đến câu viết trong tác phẩm Climats của Maurois: "Định mệnh và ý chí chúng ta thường hay lỗi điệu!” (Nos destinées et nos volontés jouent presque toujours à contretemps!”)
°

*

Trong căn bếp lạnh của ngôi biệt thự số 12 Nguyễn Tri Phương, bảy người, tôi, Âu Cơ, Trần Nghi Hoàng, Triệu Trung Tiên, Trần Ngọc Anh, Cao Quang Ngộ và Phùng Kim Ngọc ngồi bao chung quanh chiếc bàn rượu dài hình chữ nhật. Tôi ngồi cạnh Trần Nghi Hoàng, đối diện thẳng với Phùng Kim Ngọc nơi góc trái. Ngọn đèn vàng treo lơ lửng trên trần nhà, tỏa ra thứ ánh sáng âm u ma quái. Phùng Kim Ngọc giang rộng hai cánh tay, nói riêng với tôi trong một nụ cười:
"Anh hiện đang làm gác dan giùm một người bạn, chủ nhân căn nhà này. Vì vậy mới được cấp cho hai phòng để ở."
Tôi ái ngại nhìn người đàn ông cao lớn đang hiện diện trước mặt. Mười một năm trôi qua rồi kể từ lần gặp cuối mà anh vẫn chẳng đổi thay gì mấy, dáng dấp vẫn khinh khoát nghệ sĩ và xuyên qua giọng nói Hà Nội, cách nói của anh nghe vẫn nồng nàn ấm áp. Tuy nhiên, từ một điều gì đó rất sâu trong anh, tôi mường tượng ra nỗi khổ đau dằng dặc của anh. (Ban chiều, ngồi với nhau trong Thủy Tạ, nhân một lúc vắng Trần Nghi Hoàng, tôi nghe Triệu Trung Tiên nói nhanh: "Anh Ngọc hiện đang rất khổ. Đứa con trai lớn bị ung thư máu, vừa chết năm ngoái. Anh ấy như người thất chí, từ lâu tách rời gia đình. Căn biệt thự ở đường Nguyễn Hoàng chỉ còn mỗi bà Lan sống cùng vợ chồng đứa con trai thứ hai.") Dẫu vậy, để hình dung rõ góc cạnh nỗi đau khổ của anh thì tôi chịu, không thể kết luận được.
Cuộc rượu tiếp tục. Triệu Trung Tiên là người không bao giờ uống rượu, vậy mà khi Cao Quang Ngộ cầm cái chai đưa về phía anh, nói:
"Để mừng sự hội ngộ rất trễ đêm nay và sự chia tay rất sớm ngày mai với Thu Vân, anh Tiên cũng nên uống chút gì đi chứ?"
thì Triệu Trung Tiên gật đầu, cười hề hề:
"Phải uống chứ, nhưng xin một ly thôi, để mừng Thu Vân!"
Cuộc rượu nửa khuya mang đầy tính cách liêu trai quỷ mị. Không gian u ám buồn thảm. Cơn gió lạnh từ cánh cửa sổ bể kính hư hao mục nát len vào tàn nhẫn. Trong cái giá băng của Dalat, tôi cảm nhận rõ một nỗi ngậm ngùi tràn lấn trên tôi, trên Trần Nghi Hoàng, trên Trần Ngọc Anh và trên tất cả những con người của một thời dĩ vãng xa xưa.
Trần Nghi Hoàng hướng về Phùng Kim Ngọc, lập lại câu nói ban nãy tại nhà Cao Quang Ngộ:
"Từ ngày đầu đi vào đời nhau, tôi đã được nghe Thu Vân kể rất nhiều về anh. Bây giờ, tôi phải nhận rằng anh xứng đáng để được Thu Vân nói đến bằng tất cả những ưu ái trong tâm hồn tình cảm dồi dào của cô ấy."
Tôi không ngạc nhiên trước những lời Trần Nghi Hoàng. Trong đời sống với nhau đã gần sáu năm, tôi hiểu chàng khá rõ. Ở Trần Nghi Hoàng, luôn luôn tôi thấy có điểm tự tin một cách quá đáng. Chàng rất kiêu hãnh, đồng thời, cá tính “lân tài” nơi chàng cũng nổi bật. Chàng vẫn tỏ bày với tôi sự ngưỡng mộ đối với cái Đẹp trong nghệ thuật của những người nghệ sĩ khác và điều này lấn át được hết mọi tình cảm đố kỵ (như thông thường con người vẫn có).
Phùng Kim Ngọc cúi đầu, giọng buồn bã:
"Khi mình được điều quý trong tay, mình không nghĩ nhiều đến giá trị đích đáng của nó. Chỉ lúc mất đi rồi, cảm biết là quý thì mới đau đớn; càng đau đớn hơn khi thấy vật quý ấy đang được một kẻ khác trìu mến nâng niu."
Tất cả mọi người trong bàn rượu đều hiểu rõ cái ngụ ý xót xa trong câu nói trên. Anh quay sang Trần Nghi Hoàng, tiếp:
"Không ai giữ được Thu Vân cả. Cô ấy giống như một thứ ảo ảnh quá đẹp. Khi người ta mang ý nghĩ nắm bắt được cô ấy thì lại chính là lúc cô ấy biến mất đi! Nhưng còn anh, anh may mắn hơn kẻ khác rất nhiều, bởi vì anh đã giữ được Thu Vân cho tới ngày nay."
Phùng Kim Ngọc bỏ lửng câu nói.
Trần Nghi Hoàng gật đầu:
"Tôi may mắn chứ. Tôi biết điều ấy, càng nhiều hơn khi đêm nay gặp và nghe được tiếng đàn truyền cảm của anh."
Và chàng xòe tay cho Phùng Kim Ngọc bắt.
Tôi nhìn cả hai người đàn ông đã từng và đang chiếm một chỗ đứng rất quan trọng trong cuộc đời tôi. Phùng Kim Ngọc lớn hơn Trần Nghi Hoàng 15 tuổi. Tuy nhiên, phải nhận thực rằng, cả hai cùng có được chữ “lớn” trong ý nghĩ tôi. Cái lớn trong quá khứ của Phùng Kim Ngọc bao gồm tình yêu và nét tài hoa âm nhạc. Còn cái lớn trong hiện tại của Trần Nghi Hoàng nổi bật ở sự thấm cảm hiểu biết của một nghệ sĩ đối với những oan trái mà một nghệ sĩ khác phải cưu mang trong định mệnh.
"Phong vận kỳ oan ngã tự cư" như Nguyễn Du tự ví trong bài Độc Tiểu Thanh Ký, quả thật rất đáng gán cho cá chất Trần Nghi Hoàng.
°

*

Đêm sâu dày đặc. Ngoài trời, tiếng côn trùng vọng lên từ những bụi cây, khóm cỏ trong khu vườn bao quanh ngôi biệt thự, nghe buồn áo não. Trên các cành thông quanh nhà, tiếng gió rì rào đưa đẩy mang mang. Tôi bỗng nhớ lại quãng đời tháng 4 năm cũ, khi lưu lại trong căn phòng nhỏ khuất lấp, nằm biệt lập một góc phía sau vườn ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Hoàng của gia đình vợ con Phùng Kim Ngọc. (Căn phòng mà Nguyễn nhiều lần từ trên đường cái đứng nhìn ngắm và mô tả rằng nó mang đầy vẻ tịch liêu hoang lạnh). Thời gian ấy, Dalat thật tuyệt vời trong âm thanh của gió và của vầng sáng ánh trăng chênh chếch chiếu qua cửa sổ. Dalat đúng nghĩa mơ màng đầy tính chất thơ, tôi từng tưởng tượng ra trong thời tuổi nhỏ xa xưa. Những đêm cực kỳ đau đớn vì mối tình đã vỡ, vì đối diện chiến tranh, đối diện với những nỗi nát tan ghê gớm trong lòng khi ảo ảnh trần truồng hiện nguyên hình của nó, tôi đứng bên trong làn kính, nhìn xa xa về dãy trường trung học Trần Hưng Đạo, để mặc đầu óc đắm chìm trong tâm trạng não nề tuyệt vọng. Những ngày âm u, nơi ngưỡng cửa căn phòng ám khói nhiều năm không tô quét, tôi ngồi nhìn lên bầu trời đầy mây mà ngấm cảm thật nhiều sự cô đơn từng giờ từng phút tràn ngập trong tim.
Thốt nhiên tôi rùng mình vì những trang đời cũ hiện nhanh trong óc. Trần Nghi Hoàng nhìn thấy cử chỉ này, cởi chiếc áo khoác ngoài choàng lên vai tôi. Tôi xin chàng điếu thuốc lá. Mùi khói thơm lan tỏa không gian, làm ấm lại chút nào cái tâm hồn đang có khuynh hướng co ro vì kỷ niệm. Bên trong căn bếp lạnh, mọi người ngồi sát vào nhau nơi bàn rượu. Những chiếc ly sóng sánh chất nước màu hổ phách có khả năng đưa con người chạy trốn thời gian để tìm về dĩ vãng xa xăm.
Và rồi, theo lời yêu cầu của Phùng Kim Ngọc, tôi kể giữa mọi người đoạn đời 11 năm rời bỏ quê hương. Đến cái lúc nói về Daniel với cuộc thi tuyển đầu tiên trước khi được nhận vào ban nhạc Daniel, Phùng Kim Ngọc chận lại hỏi:
"Daniel test em như thế nào?"
Tôi đáp:
"Daniel đưa cho em một đoạn nhạc viết tay và cái máy nghe đeo vòng quanh tai. Trong phòng thâu, em chỉ được hai phút đọc lướt qua bằng mắt đoạn nhạc vừa nhận, rồi bằng máy đeo tai, em theo dõi âm thanh các nhạc khí khác và đàn lên phần violon của mình. Bản nhạc nhịp 5/4, lại có thêm một mesure nghỉ bằng nhịp 1/1, phải kể là gay go không ít..."
Tôi chưa dứt lời, Phùng Kim Ngọc đã la lên:
"Nhịp 5/4?"
Tôi gật:
"Anh cũng biết, nhịp 5/4 không phải dễ đàn, nhất là đàn ngay mà không có sự tập dượt trước. Cũng may, em được pass. Daniel đứng ngoài nghe tiếng violon hòa cùng ban nhạc, đã nói với người bạn đi theo em bữa đó: ‘Thu Vân đàn có hạng lắm!’"
Với vẻ hân hoan kỳ lạ, Phùng Kim Ngọc bày tỏ:
"Thời gian làm việc với nhau, tôi không ngạc nhiên khi thấy Thu Vân đạt được sự tiến bộ rất cao trong nghệ thuật. Tôi biết Thu Vân là người có căn bản âm nhạc vững vàng. Tuy nhiên, tôi không ngờ rằng Thu Vân lại pass qua được cuộc tuyển của Daniel bởi một bài nhạc nhịp 5/4. Chính tôi cũng rất sợ thứ nhịp ấy, dù vẫn tự nhận mình không phải là một tay pianiste dở!"
Tôi cười, hướng về Phùng Kim Ngọc:
"Sở dĩ qua được cuộc tuyển của Daniel là nhờ vào thời gian làm việc với anh, em học được rất nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp từ anh."
Anh đáp lời tôi, vẻ bất ngờ buồn bã:
"Năm xưa anh chẳng dạy gì cho Thu Vân cả. Chính tự em đã có riêng những nét tài hoa. Nhưng nếu bảo như Thu Vân rằng em là một kiểu học trò nào đó của anh thì anh cũng xin nói lại điều này, ‘Em là người học trò duy nhất làm cho anh sung sướng và hãnh diện’. Trước em, chẳng có ai, và sau em, cũng chẳng còn ai tạo được nỗi hứng thú để anh muốn truyền đạt bất cứ khả năng nào anh có."
Tôi lắc đầu:
"Em đâu bao giờ dám nghĩ rằng mình quên đi những cái gì đã từng nhận được."
Anh đột nhiên cao giọng:
"Đến giờ phút này, sau 18 năm, mọi sự đã lắng im vào dĩ vãng, anh phải nói rằng, Thu Vân và anh ngang hàng nhau trên đủ mọi mặt, từ kiến thức đến tài năng, từ sự hiểu biết cuộc đời đến nghề nghiệp âm nhạc. Anh không dám tự cho mình hơn Thu Vân bất cứ phương diện nào cả. Nhưng có một điều anh phải nhận rằng mình chẳng những không bằng, mà phải gọi là thua Thu Vân nữa. Đó là sự dám dấn thân và biết rõ những gì mình cần dấn thân. Anh thua Thu Vân nhiều nhất là ở điểm ấy."
°

*

Đến lúc này, Trần Ngọc Anh đã gục người trên tay ghế nên được đưa vào phòng. Trần Nghi Hoàng cũng rời bàn khi ấy, lấy cớ say mà xin đi ngủ. Vì vậy, chỉ còn tôi, Phùng Kim Ngọc, Triệu Trung Tiên và Cao Quang Ngộ ngồi lại với nhau trong cuộc rượu nửa đêm. Âu Cơ nằm trên hai chiếc ghế đâu lại, đầu kê vào đùi tôi, nhắm nghiền đôi mắt.
Tôi nghe Phùng Kim Ngọc kể:
"Cách đây một tháng, tình cờ đến nhà anh Khâm (Thu Vân có nhớ anh Khâm ở ấp Ánh Sáng không nhỉ?), anh được mở cho nghe cuốn băng thâu buổi hòa tấu của anh và Thu Vân."
"Cuốn băng nào?", tôi ngạc nhiên hỏi.
Anh đáp:
"Lần cuối cùng em theo gia đình lên Dalat, cách đây đã 11 năm. Em có nhớ cái đêm anh đàn cho em nghe tại nhà anh Thực, xong kéo qua nhà anh Khâm, chúng mình lại tiếp tục hòa nhạc? Đêm ấy, anh cũng có dịp đệm dương cầm cho Trọng kéo violon bản Czardas của Monti. Mười một năm rồi, anh không ngờ nghe lại được tiếng đàn em một cách ngẫu nhiên như vậy!"
Cao Quang Ngộ giải thích:
"Khi ấy, anh Ngọc đã uống say, nghe xong cuốn băng, anh Ngọc uống càng nhiều hơn nữa và rồi té hai lần, một, khi ra khỏi nhà anh Khâm, và một, khi về đến nhà anh. Cuốn băng ấy, anh Khâm âm thầm mở máy thâu mà chẳng cho ai hay cả."
Phùng Kim Ngọc lại tiếp:
"Vì Trọng là con trai nên tay archet và kỹ thuật ngón tay của Trọng chững hơn Thu Vân. Nhưng anh phải nói thật rằng chính giọng đàn em mới là điều làm cho anh rung cảm. Ngay cái đêm thứ nhất gặp em tại vũ trường Nautique, khi những âm thanh đầu tiên từ cây violon trên tay em vang lên những tiếng dạt dào như thác lũ, anh đã chợt nghe dâng cao trong tim mình nỗi bàng hoàng xúc động, kèm theo cảm giác lo sợ mà anh không thể nào phân tích ra được. Khi ấy, anh nhận rõ hai điều: Thứ nhất, những note harmonique nơi ngón tay út yếu ớt của em nghe sao thật nghẹn ngào cay đắng. Thứ hai, những âm thanh ở giây vide tạo nên nỗi rung cảm đến độ ngơ ngẩn cho người nghe. Hai điều này không thể tập được, mà nó chỉ xuất phát từ trái tim người nghệ sĩ, chạy dài theo các động mạch, qua khắp nơi trong cơ thể rồi chuyền ra mười đầu ngón tay để rung lên thành những âm thanh truyền cảm. Những âm thanh này xô đẩy lớp không khí chung quanh, tạo nên những viba, xâm nhập qua tai người nghe, rồi chạy lên đến óc, làm rung động những sợi dây thần kinh, khiến cho trái tim như ngừng đập, tất cả máu huyết như bị đè nén, sau cùng trở nên nỗi ngơ ngẩn bàng hoàng vang dội trong thâm sâu trí não. Ngay từ đêm ấy, tiếng đàn em đã khiến anh linh cảm đến một nỗi bất hạnh vô cùng sẽ đổ xuống trên cuộc đời em. Giọng đàn của Thúy Kiều với một định mệnh không ngừng giông gió!"
Đêm càng sâu hơn. Ngọn gió lạnh vẫn tạt vào qua lỗ trống của tấm cửa sổ bể kính. Tôi xin Cao Quang Ngộ châm cho điếu thuốc lá, rồi hướng về Phùng Kim Ngọc, tôi bày tỏ:
"Nếu kẻ nào mất đi một người yêu mà được thay thế ngay một người yêu khác, khoảng trống vắng đau khổ sẽ không có cơ hội tàn phá kẻ ấy. Em cũng vậy. Âm nhạc đã từng là người tình đam mê của em và em đã mất nó. Nhưng thế vào, em lại tìm ra người tình khác: văn chương. Em mất cây violon, Thượng Đế đem ngay cho em cây bút. Dù rằng trong âm nhạc của 18 năm trước, em biết mình có một chỗ đứng vững vàng, trong khi với văn chương hiện tại, chỗ đứng em còn rất nhỏ nhoi khiêm nhượng, nhưng không phải vì vậy mà em phủ nhận cái điều may mắn đã được Thượng Đế bù đắp. Một điểm khác nữa chính là tri kỷ trong nghệ thuật, em cũng được Thượng Đế ban cho. Năm xưa đi vào đời anh, mọi tài hoa âm nhạc trong em được anh làm phát tiết ra hết. Năm nay đi vào đời Trần Nghi Hoàng, cũng chính Trần Nghi Hoàng làm lộ ra tất cả những năng khiếu văn chương trong tâm hồn em."
Triệu Trung Tiên nhìn tôi, vẻ rất thành thật:
"Anh Hoàng hay lắm! Không chỉ tình yêu cho Thu Vân thôi mà còn chính bản chất rộng lượng đã hiện rõ trên anh ấy."
Tôi gật:
"Phải! Trần Nghi Hoàng là người đàn ông rất đặc biệt. Đó không chỉ người chồng, mà còn là người bạn tốt của em. Anh ấy rất nể trọng em. Bạn bè ở Mỹ ai cũng diễu là Trần Nghi Hoàng ‘sợ vợ!’ Nhưng em nghĩ, Trần Nghi Hoàng hiểu em, người đàn bà có cái định mệnh điên đảo đến thành như một ám ảnh khó lòng xóa tẩy. Anh ấy hiểu và cố lòng làm quên lãng cho em tất cả những nỗi đớn đau nào em đã trải. Không những vậy, đó còn là một người cha tận tụy. Trần Nghi Hoàng đối xử với em y hệt như với Âu Cơ, lại có phần kiên nhẫn dịu dàng hơn. Luôn luôn anh ấy vẫn nói lên rằng em chỉ là một mẫu đàn-bà-con-nít mang chứng u uất và có khuynh hướng tự tàn phá cả tinh thần lẫn thân xác để chỉ tình thương thật sự mới làm khuây giải nổi. Anh ấy bao em lại trong cái vỏ dầy của sự lo toan che chở. Em không phải nghĩ suy cực nhọc vì bất cứ thứ gì trong đời sống. Ký một cái chèque còn không biết ký, nói gì chuyện khác! Các anh biết, với đời sống quay cuồng ở Mỹ, đàn bà có khi phải tất bật nhiều hơn cả đàn ông nữa. Thì cái việc một người đàn bà như em, không gọi rằng quê mùa, lại chẳng già nua gì mấy mà không bao giờ tự lái xe hơi, ra đường luôn luôn có chồng đưa đón, phải kể là một điều không được bình thường cho lắm! Có thể nói rằng, sống với Trần Nghi Hoàng, em tìm được đúng tâm trạng thoải mái thong dong như khi đang sống với mẹ em, chỉ khác là giai đoạn này em không còn giang hồ phiêu bạt như giai đoạn trước. (Cũng vì lẽ đó mà em thương mẹ em hơn vì những nỗi lo âu bà từng đã  trải). Em muốn dạy học trò thì dạy, muốn cho học trò nghỉ để rủ Trần Nghi Hoàng ra cái quán café Denny's những hôm mây xám về giăng trên thành phố là làm ngay không do dự. Em đánh đàn, đọc sách, viết văn, họp mặt bạn bè uống rượu, hay là buồn rầu một cách rất bất ngờ ‘nắng mưa không định!’ cũng chẳng bao giờ phải e ngại Trần Nghi Hoàng nhíu mày khó chịu. Có lẽ do bởi bản chất tự tin, và cũng bởi hiểu rõ em là đứa có lòng nên Trần Nghi Hoàng để em tự do làm bất cứ điều gì em muốn, dù rằng những cái muốn ấy dưới mắt thiên hạ có được gọi là điên chăng nữa. Anh ấy giữ chân em được cho đến ngày nay cũng nhờ vào tình thương dịu dàng và sự hiểu biết sâu xa đã đối cùng em."
Nhấp thêm ngụm rượu, tôi tâm sự tiếp:
"Năm xưa, em từng nhìn thấy nỗi vui của anh khi nghe em kéo lên những bản nhạc khó một cách dễ dàng xong suốt. Năm nay, mỗi khi em kết thúc bản văn nào, Trần Nghi Hoàng đều đọc không sót một chữ, thái độ rất trân trọng thiết tha."
Và tôi cười:
"Có lẽ trong định mệnh, em từng phải uống chén đắng của Thượng Đế nhiều lần quá, nên để bù lại, Ngài đã ban cho em hai ân sủng như ở trên đã nói: Nghệ thuật và tri kỷ trong nghệ thuật. Thêm một điều em biết chắc, nếu làm vợ ai đó không có những cá chất như của Trần Nghi Hoàng, hẳn là em đã chết rồi khi cứ mãi mỏi mòn theo sự đánh mất âm nhạc mà không tìm ra được một môn nghệ thuật khác thế vào."
Đột nhiên, tiếng nấc của Phùng Kim Ngọc vang nhẹ khiến tôi chợt nao lòng thảng thốt. Trên khuôn mặt hai người bạn cũng cơ hồ thấy cùng cảm xúc. Anh cúi đầu, úp mặt trong hai tay, đôi vai rung lên từng chặp. Và anh bày tỏ trong nghẹn ngào nước mắt:
"Anh đã làm mất em, con người anh vô cùng yêu quý. Đó là lỗi tự anh. Đó là lỗi tự anh."
Phùng Kim Ngọc bỏ ngang lời trong tiếng khóc. Tôi cúi đầu lặng yên, nghe trong lòng mình nỗi xúc động mênh mang. Mười tám năm trước, tôi từng nhiều lần chứng kiến anh đối đầu với bao nhiêu chua cay đau đớn, vậy mà chưa bao giờ thấy anh tỏ nét yếu đuối cực kỳ như đêm nay đang có. Người đàn ông tài hoa khinh bạc, một thời từng là nguyên nhân cho biết bao thống khổ trong trái tim tôi, bây giờ đang hiện nguyên hình là đứa trẻ thơ để chỉ tiếng khóc nức nở mới làm giảm đi bao nỗi đắng cay đã cưu mang trong định mệnh.
Tôi cúi đầu yên lặng. Triệu Trung Tiên và Cao Quang Ngộ cũng cúi đầu yên lặng. Trong bối cảnh nửa khuya âm u lạnh giá, tất cả đều yên lặng. Vì vậy tiếng khóc của Phùng Kim Ngọc nghe càng buồn bã, giống như âm thanh sợi dây Sol chùng thấp nhất trên cây violon vẫn nghẹn ngào dội lên liên tiếp trong óc tôi dẫu khi đã chấm dứt cung đàn.
Khi đã dằn được cơn đau đớn, anh rót rượu tiếp vào ly cho tôi, và cả cho anh. Triệu Trung Tiên từ sau ly đầu tiên và duy nhất, vẫn cùng ngồi lại bên cạnh Cao Quang Ngộ khi ấy đã ngừng uống. Trong ý nghĩ tôi, hai người bạn cũ đúng là hai chứng nhận đặc biệt của một cuộc tình tơi tả, từ khởi thủy tan vỡ tháng 3/1975 cho đến lần gặp lại đêm nay, tháng 1/1993.
Cuộc rượu sáu người rốt lại chỉ còn tôi và Phùng Kim Ngọc vẫn nhấp đều những hớp rượu mạnh. Một cuộc rượu hội ngộ mang đầy tính chất buồn rầu của một buổi biệt ly!
Tôi nghe Phùng Kim Ngọc nói:
"Ngày đó, em 25 tuổi. Anh lớn hơn em 15 tuổi. Vậy mà tại sao anh lại có thể hành sử y hệt một tên ngu ngơ nông nổi? Anh ghen với tất cả mọi cái gì chung quanh em mà anh nhìn thấy. Tuổi trẻ và sự tài hoa của em khiến anh luôn luôn lo sợ. Anh không được rộng rãi như anh Hoàng ngày nay. Vì lẽ đó mà anh đã phải mất em."
Rồi anh lại vùi đầu trong hai bàn tay.
Tôi cảm tưởng như trong cổ họng mình có điều nghèn nghẹn, vì rượu và cũng vì xúc động. Cả một chuỗi đời quá khứ hiện ra trong mông lung ý nghĩ. Và tôi buồn bã:
"Khi 25 tuổi, em chỉ là một đứa con nít bơ vơ, mùa di tản năm xưa kẹt lại trong gia đình vợ con anh mà tâm trạng thật cô đơn trơ trọi."
Anh ngẩng về phía tôi, chờ đợi. Khi thấy tôi vẫn lặng im hút thuốc, anh dịu dàng nài nỉ:
"Thu Vân hãy nói nữa đi! Mười tám năm nay, anh luôn tự dày vò mình vì những gì đã làm ra thuở ấy. Ngày nào chưa được nghe em nói cho hết, ngày ấy lòng anh vẫn còn hối hận."
Tôi cười:
"Thời gian như nước chảy qua cầu, có gì tồn tại đâu anh?"
Anh lắc đầu:
"Thời gian không có nghĩa gì với những nỗi tiếc nuối trong lòng anh."
Tôi thấy thật bồi hồi trong dạ:
"Em không chối rằng, quả là năm xưa em rất khổ theo cuộc tình tan vỡ. Cho mãi đến gần một chục năm tiếp theo, em vẫn hoài đau đớn. Nhưng bây giờ em không còn độc thân nữa. Anh cũng đã có những mối ràng buộc khác. Chúng mình nên quên đi mọi chuyện cũ, tự khắc tâm hồn sẽ thấy dễ chịu thôi."
Cao Quang Ngộ quay sang nói với tôi:
"Mười một năm nay trở thành bạn thân của anh Ngọc, anh hiểu rất rõ, Thu Vân là nỗi dày vò ám ảnh lớn nhất trong tâm hồn anh ấy. Bây giờ chúng ta chỉ còn hai tiếng đồng hồ ngồi lại với nhau, mọi cái gì còn núp sâu trong ký ức, Thu Vân cũng nên nói ra cho lòng anh ấy nhẹ bớt."
Rồi Cao Quang Ngộ tiếp:
"Lúc nãy anh biết anh Hoàng không say, nhưng anh ấy đã thật tế nhị mà tránh mặt. Có lẽ anh ấy muốn dành một khoảng thời gian cho những người bạn cũ như chúng mình, đặc biệt là Thu Vân và anh Ngọc, nói hết với nhau những điều muốn nói."
Phùng Kim Ngọc tỏ bày, giọng tha thiết:
"Anh vẫn tâm niệm rằng, ngày nào chưa được nhìn thấy Thu Vân hạnh phúc, ngày ấy anh vẫn còn đau khổ."
Tôi cười:
"Anh đâu cần phải tự hành hạ mình như vậy? Trong quá khứ, cả anh lẫn em đều đã tận lực làm hết mọi điều có thể làm mà định mệnh vẫn không buông tha cho nỗi cay nghiệt, còn biết sao hơn được? Bây giờ, gặp lại nhau, gặp luôn cả Trần Nghi Hoàng, em nghĩ, anh có thể tin là em hạnh phúc."
Phùng Kim Ngọc chợt bỏ ghế đứng lên, đi lui đi tới nhiều bước trong phòng, dáng vẻ như tuồng rất đau đớn đến độ loay hoay lúng túng. Thật lâu, anh kêu lên nho nhỏ:
"Giá gì ngày đó anh đừng hành sử nông nổi, ngày nay đâu phải thế này!"
Rồi anh miên man nói tiếp:
"Anh nhớ, Thu Vân luôn luôn tỏ lộ nỗi yêu thích cho các bến xe đò, từ Nha Trang lên tới Dalat. Em thường xin anh dẫn ra bến xe đò Ngọc Lan vào lúc 5 giờ sáng để uống ly café nóng và để ngắm nhìn cái không khí bừng sống trong chốc lát, sau đó về nhà ngủ tiếp. Thời gian ấy, tại sao anh lại có thể ích kỷ đến độ điên cuồng mà ghen luôn với ý thích đó của em? Sao anh không nhớ rằng mình đang nắm giữ trong tay một cánh chim đã từng nhiều năm phiêu bạt? Hành động ra bến xe đò ngắm nhìn kẻ khác ra đi -trong khi chính em là người ở lại- há chẳng đủ nói lên tình yêu mãnh liệt em dành cho anh? Tại sao anh lại có thể ngu xuẩn mà không nhận ra ngay từ ngày ấy?"
Tôi ngậm ngùi nhớ lại chuyện cũ:
"Trong đời, có những con người phải cưu mang một thứ định mệnh muộn màng tơi tả. Định mệnh của em và của anh cũng là như vậy. Nhưng có lẽ em khác anh ở sự quyết tâm như anh đã nói. Năm xưa quay cuồng bởi biết bao nhiêu chua cay đày đọa từ lòng ghen ghê gớm của chị Lan, vậy mà em vẫn quyết lòng vượt qua để có anh, để giữ trọn âm nhạc của chúng ta. Lúc chiến cuộc 75 xảy ra, chị Lan không muốn theo đoàn người di tản khỏi Dalat bởi vì chị ấy đã nhìn được rõ rằng đó là cơ hội duy nhất có thể làm cho anh xa em vĩnh viễn. Phần em khi ấy đang cầm trong tay cái vé máy bay về Sàigòn.
"Một ngày giữa tháng 3/1975, khi quân đội Giải Phóng vẫn chưa vào Dalat, anh biết rằng rồi em sẽ phải ra đi, nên tại căn nhà số 17 Phan Đình Phùng chúng mình đã thuê, anh xin cắt một mèche tóc dài của em, gói chung cùng tấm ảnh em đang ôm cây violon vào trong một bao thư nhỏ, rồi cũng chính tay anh ghi tên em, với đầy đủ ngày sinh và số căn cước, địa chỉ, ở mặt ngoài bao thư ấy. Khi đó, anh ứa nước mắt mà nói: 'Thân xác có thể biến ra thành đất, chứ còn những sợi tóc thì không bao giờ tan được. Trong cuộc đời hiện tại, anh đã yêu em xiết bao, giờ đây chia cách, làm sao anh chịu nổi? Ngày nào em nhận được bao thư này cùng tấm căn cước của anh là ngày đó anh đã chết. Nhưng mà, còn sống, anh vẫn còn đi tìm em'."
Phùng Kim Ngọc ngắt ngang lời tôi:
"Cái bao thư, anh đã đốt ngay từ buổi đầu em bỏ anh mà đi khỏi Dalat, ngày 4/5/1975 xa cũ."
Tôi mỉm cười:
"Em những tưởng chúng mình chia tay luôn dịp ấy. Nào ngờ, cũng vì tình yêu cho anh, cho âm nhạc chúng ta mà em bằng lòng ở lại Dalat. Em xin nhắc với anh kỷ niệm này: Một buổi sáng đầu tháng 3/1975, đứng trên đồi Ngọc Lan nhìn xuống cả một rừng người lũ lượt chen lấn nhau trên các chuyến xe đò xe hàng để mong rời thoát Dalat, anh đã nói với em: 'Ngày trước ở Nha Trang, khi cô ca sĩ Tường Uyên hỏi em: mối tình Zhivago và Lara đi đến đâu rồi? thì em trả lời: Lara trong tiểu thuyết có thể bỏ Zhivago mà đi, nhưng Lara ngoài cuộc đời không bao giờ muốn bỏ Zhivago trong cơn tai biến để một mình tìm đường thoát! Nghe xong câu ấy, em vụt xé đôi tấm vé máy bay, lại xé thành từng miếng nhỏ, xong, thả rơi lả tả trên triền dốc'."
Phùng Kim Ngọc chợt nấc lên một tiếng, giọng nghẹn ngào đau đớn:
"Suốt đời, anh không tìm thấy hình ảnh nào đẹp hơn những mảnh vụn của chiếc vé phi cơ em xé nát rồi để bay lả tả trên triền dốc Ngọc Lan trong mùa di tản năm xưa."
"Thu Vân có nhớ cái vé phi cơ ấy là của ai đưa tặng em không?", Cao Quang Ngộ hỏi.
"Của Hải, em trai anh Ngộ", tôi gật.
"Chính anh bảo Hải đem lại", Cao Quang Ngộ cười.
"Đến bây giờ em mới biết việc ấy", tôi cảm động nói. "Nhưng không phải chỉ cái vé máy bay Hải mang lại thôi, em nhớ còn lần khác, một buổi sáng gần cuối tháng 3/1975, gặp các người bạn anh Ngộ ngay ngoài cửa quán café Hạnh Tâm đối diện Bờ Hồ, họ dừng chiếc La Dalat lại, mời em lên xe để cùng di tản về Nha Trang ngay khi ấy mà em từ chối. Lại thêm ông cậu của em đang là Trung tá Quân trấn Dalat, chiều ngày 1/4/75 cũng đến nhà, bảo em phải vào ngủ trong trại để khuya hôm ấy theo đoàn quân đổ xuống ngã Đơn Dương, rút khỏi Dalat. Vậy mà em cũng từ chối."
Nhìn thẳng Phùng Kim Ngọc, tôi kể tiếp:
"Từ đó, em ở lại với anh, với nỗi đau khổ vô biên. Ngày nay mọi việc đã kết thúc, lẽ ra em không nên nhắc lại. Nhưng, bởi vì như anh Ngộ nói, mình hãy cởi ra hết cho lòng nhẹ đi chút nào dằn vặt, em kể các anh nghe tâm trạng dạo ấy của mình. Cả ba anh, những người đàn ông từng trải, có thể nào các anh tưởng tượng được hình ảnh một cánh chim đã quen vẫy vùng phiêu bạt như em mà lại có lúc tự ý nép vào trong chiếc lồng sắt đầy những chông gai ghê gớm? Thời gian tháng 4/1975 dài như một thế kỷ của cái mùa tản cư tan nát ấy, em bằng lòng một cách bướng bỉnh đối diện với định mệnh đắng cay để chỉ được nhận lấy một tình yêu và một đam mê. Và rồi có toại ý đâu! Đôi cánh giang hồ của em bất ngờ gãy nát. Chúng rướm máu không ngớt.
"Khi Dalat đã hoàn toàn rơi vào tay Cộng Sản, căn nhà 17 Phan Đình Phùng bị chủ đòi lại, em chẳng biết phải đi đâu nữa. Đường về Nha Trang và Sàigòn đã bị cắt. Phi trường Liên Khương và Cam Ly bị phong tỏa.
"Một buổi chiều đầu tháng 4/1975, trước hành lang căn nhà mình đã sống với nhau những ngày hạnh phúc cũ, em khóc, rồi điên cuồng đập phá tất cả những gì có thể đập. Anh quỳ xuống trước mặt em và nói: 'Em đã bằng lòng ở lại thì xin cho anh được làm cái bổn phận bảo bọc trên em. Dalat rồi sẽ bị bỏ bom, chúng mình nên dời về Nguyễn Hoàng an toàn hơn. Anh hứa với em, bất cứ lúc nào thấy có khuynh hướng yên ổn, anh sẽ đưa em trở lại sống ngoài phố ngay.'
"Buổi chiều hôm ấy, mây giăng thấp hơn bao giờ hết. Trọn tấm lòng em cơ hồ cũng nhuốm đầy màu xám. Em đồng ý làm theo lời anh. Nhưng phải nói, đêm đầu tiên buộc phải về trú ngụ trong căn biệt thự ở đường Nguyễn Hoàng với gia đình vợ con anh cũng chính là lần thứ nhất em nhận rõ điều rằng, tình yêu mà mình đánh đổi bằng sự tự do trân quý và tất cả những nỗi niềm thân yêu nhất thật ra không còn gì ngoài một thứ chua cay ảo ảnh! Trong nhật ký viết thời gian ấy, em nhớ đã ghi nơi đầu trang nhất câu này: 'J'ai perdu plus que je ne possédais!' Em đã mất nhiều hơn đã được. Em đã gãy cánh nửa chừng trong việc bay tìm hạnh phúc. Trái tim em bị thương trầm trọng theo nỗi tan nát đam mê mà với hoàn cảnh hiện tại khi ấy, chẳng một ai có thể làm lành được, ngay cả người mẹ đang ngóng chờ ngày đêm bước chân trở lại của em."
Và tôi ứa nước mắt. Góc đối diện bên kia, Phùng Kim Ngọc cũng gục sâu đầu trong hai bàn tay, mười ngón dài thanh nhã bấu chặt lấy những lọn tóc.
Tôi trầm giọng, tiếp:
"Từ ngày xa anh, có một hình ảnh làm em rất sợ hãi. Đó là cái phòng ngủ vợ chồng với chỉ một chiếc giường ngủ. Ngày ấy, nếu muốn đi vào phòng em thì phải băng qua hành lang phòng ngủ vợ chồng anh. Em không muốn nhìn nhưng lúc nào như cũng vẫn thấy trong căn phòng ấy tất cả mọi thứ của anh, từ cái kính, đôi giày cho đến cái quần, cái áo. Và trong phòng em, hoàn toàn không điều gì có thể nhắc nhở đến một tình yêu từ anh mà em đang tuyệt vọng sự chiếm hữu. Em khổ sở một đời vì những nhận định tế vi như vậy.
"Anh cũng không bao giờ biết được, một buổi sáng, khi anh và chị Lan đi họp trong ấp, ở nhà với mấy đứa nhỏ, em đã hành động như một tên trộm, giả đò đem cái ghế lên trả trên lầu mà thực tình chỉ cốt lẻn vào phòng ngủ vợ chồng anh. Em biết rằng xấu nhưng không cách gì cưỡng em được trong ý muốn tìm hiểu xem anh và vợ anh ngủ như thế nào? Chừng khám phá ra trên giường chỉ có một tấm chăn, em đã nghe đau đớn đến ngất xỉu trong phòng mình sau đó.
"Từ ấy, em đâm sợ ghê gớm mỗi lần nghe tiếng nói tiếng cười của anh. Từ ấy, em luôn luôn tự nhủ, bằng mọi giá phải thoát ra ngoài nỗi bi thương quấn quít để tự cứu trước khi quá muộn. Em đã xin anh và chị Lan cho phép em dọn xuống căn phòng tịch liêu phía sau ngôi biệt thự là cũng vì lẽ đó. Để rồi, ngày ngày em hành hạ đôi chân mình, đi bộ hằng chục cây số từ nhà ra phố cho quên dằn vặt; đêm đêm em quỳ gối khẩn thiết van nài Thượng Đế buông tha giùm bao nỗi đớn đau. Ngày đó, anh trách cứ em là con người tàn nhẫn, nhưng thật, anh chưa hiểu em cặn kẽ. Anh vì lòng ghen mà bảo rằng em kiêu căng quá độ, nhưng anh đâu ngờ em chẳng khác nào một đứa nhỏ cô đơn. Anh không hiểu, nên không bao giờ biết được, cái đêm anh tuyên bố từ bỏ em mãi mãi vì ngỡ rằng em đã phản bội, em lẳng lặng giữa khuya, mở cửa ra vườn, ngồi thật lâu đến thiếp ngủ hồi nào không hay trên chiếc ghế đá. Chừng tỉnh giấc vì lạnh quá, sương rơi rưng rức, cái áo khoác ngoài ướt đẫm, em cứ vậy, ngồi yên mà suy nghĩ. Em nhớ lại, ở Nha Trang, ngay từ thuở đầu đi vào đời anh, em đã tự nhận mình là kẻ thua cuộc. Dù vậy, thật mà nói, cái đêm hôm ấy, ngồi nơi ghế đá lạnh trong căn vườn ngôi biệt thự của vợ chồng anh trên Dalat, em mới thấm cảm thế nào là nỗi chua xót lớn lao chỉ riêng em nhận lãnh trong cuộc tình mình."
Tôi ngừng lời, kéo dài hơi thuốc lá. Hai người bạn cũ cúi đầu. Phùng Kim Ngọc ngước nhìn tôi, ánh mắt vô cùng buồn bã.
"Tuy nhiên, em không có gì để trách anh", tôi nói tiếp. "Ngay từ ngày ấy, em đã hiểu rất rõ cái thế đứng đau khổ của anh. Em hiểu anh vừa yêu em ghê gớm lại cũng vừa oán hận em ghê gớm khi anh tưởng rằng em chà đạp lên tấm tình sâu đậm của anh ngay trước mặt vợ con anh. Anh đã hiểu lầm em và em cũng không thể nào có cơ hội giãi bày với anh chút nhỏ. Nếu khi ấy, giữa chúng mình không hiện diện bất cứ hình bóng nào khác, chắc là anh và em, mỗi người đều có thể sẵn sàng quỳ xuống trước nhau để phô cho nhau thấy tâm tình riêng với không chút nào ngần ngại. Em hiểu điều ấy rất rõ. Càng hiểu hơn một điều khác nữa rằng không phải em thua chị Lan hay là thua anh trong canh bài tay ba tả tơi năm cũ, mà em thua định mệnh của chính mình. Em đã sống đầy đủ trọn vẹn cho những gì mình lựa chọn, sống trên những khổ đau dằn vặt của tâm hồn và trong những đày đọa độc ác nhất của nhân thế. Tuy nhiên cũng trước định mệnh, em bị bó tay như một đối thủ không cân tài xứng sức, cho dù em có quyết tâm bao nhiêu, cho dù cái đầu em có cứng cỏi đến đâu cũng mặc! Vì vậy mà em đành bỏ ra đi."
Rồi tôi cởi cái đồng hồ Citizen đang đeo nơi tay, để trên cạnh bàn bên phía Phùng Kim Ngọc:
"Đây là chiếc đồng hồ Trần Nghi Hoàng tặng em trong ngày sinh nhật 31/12 năm ngoái. Đối với em, nó rất quý. Đêm nay là đêm cuối cùng, có lẽ em sẽ không bao giờ còn gặp anh trong đời lần nào nữa, em đưa tặng lại nó cho anh."
Tôi nói thêm:
"Nếu xét trên phương diện một người vợ thì sự việc em đem cái đồng hồ kỷ niệm của Trần Nghi Hoàng tặng cho anh là điều không nên không phải. Nhưng xét theo phương diện của một người nghệ sĩ, em thấy không có gì là lỗi với Trần Nghi Hoàng trong điều này."
(Tôi nhìn thấy cái gật đầu của Triệu Trung Tiên). Và bày tỏ tiếp:
"Trong định mệnh, những điều lớn lao, mình muốn làm cho nhau mà không trọn, thì ít ra, việc tặng nhau một kỷ vật nhỏ, em có thể làm. Anh nên nhận lấy."
Tôi ngừng lời.
Phùng Kim Ngọc rót rượu vào chiếc ly đã cạn của tôi. Cao Quang Ngộ và Triệu Trung Tiên mỗi người lặng im trên một chiếc ghế, lắng nghe câu chuyện, vẻ bùi ngùi xúc động.
Nhấp thêm ngụm rượu nóng, lòng tôi dậy lên buồn bã:
"Khi chọn sự ra đi khỏi đời anh, em nghĩ là sẽ đem được cho anh chút nào cân bằng đời sống và tâm trí. Nhưng, có một điều. Một điều mà biết bao năm sau vẫn còn khiến đầu óc em đảo điên nghĩ ngợi. Đó là những lời của Vân Bích, cô con gái lớn 17 tuổi của anh. Trong cái tháng Tư định mệnh quay cuồng ấy, em bị chị Lan thù hằn rình rập, bị anh lặng im từ bỏ vì sự hiểu lầm và lòng ghen quá độ, nhưng lại được các đứa con anh thương yêu gần gũi. Những đứa trẻ ngây thơ giống như những thiên thần đem cho em niềm an ủi trong hoàn cảnh khốn cùng đau khổ. Những đứa bé chưa biết hận thù, đã chia xẻ với em rất nhiều kỷ niệm dấu yêu. Rồi một buổi, Vân Bích nói với em, vẻ thành thật: 'Con nghĩ cô nên ở lại Dalat nếu cô thương bố. Mẹ con không biết làm gì khác hơn là ghen tuông chửi rủa. Trong suốt nhiều năm qua, thật lâu trước khi bố gặp cô, kể từ lúc chính tay bà đổ 40 lít xăng chung quanh ngôi biệt thự của gia đình trên bãi biển Nha Trang rồi nổi lửa đốt cả một sản nghiệp bố đã tạo ra trong 18 năm ròng rã, luôn với ý định giết chết chồng con, đời sống tình cảm giữa hai người không còn gì nữa. Nếu cô thương bố và thương chúng con, cô nên ở lại. Không có cô, bố sẽ không làm việc gì được'. Mười tám năm trời trôi qua, khi em nhận rõ lời Vân Bích là đúng thì mọi sự cũng đã muộn màng không còn gì để níu kéo."
Và tôi lắc đầu:
"Em không oán hận anh đâu. Em rất hiểu anh. Vướng vào một người đàn bà mang cái định mệnh khắc nghiệt như em cũng không phải là điều sung sướng. Từ lâu rồi, em không còn cay đắng mỗi lần nghĩ lại canh bài năm cũ, mình đã thua định mệnh một trận thất điên bát đảo. Từ lâu rồi, em đã quên hết cho anh mọi nỗi đớn đau anh từng vô tình hay cố ý góp phần tạo ra trong cuộc đời em."
Phùng Kim Ngọc vụt đứng dậy, cầm chiếc đồng hồ trước mặt giơ lên và lập đi lập lại nhiều lần câu nói:
"Anh xin phép được làm điều này nhé? Anh xin phép nhé?"
Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra khi thấy thái độ anh bất ngờ khác biệt, nên khoa tay bày tỏ:
"Bây giờ cái đồng hồ là của anh, anh muốn làm gì thì làm."
Tức thì nghe một tiếng vỡ to, mọi người cùng sửng đi trong nháy mắt. Lại thấy anh đem cái đồng hồ đến trước bàn rượu, giơ ra nói:
"Anh đập bể mặt kính để làm thời gian đứng hẳn. Bây giờ đang là 4 giờ 15 phút sáng ngày 30 tháng 1 năm 1993 ở Dalat. Chỉ còn hơn một tiếng đồng hồ nữa, em sẽ lại bỏ ra đi. Anh muốn ghi nhớ mãi giây phút em thốt lên rằng đã hiểu lòng anh từ câu nói của Vân Bích 18 năm xưa cũ."
Hành động quả thật bất ngờ làm cho mọi người trong bàn rượu đều như khựng lại. Anh tiếp, giọng miên man đau đớn:
"Anh Hoàng là người đàn ông rất rộng lượng. Năm xưa, chính anh cũng biết mình đang được một điều quý trong tay, nhưng lại không biết làm cách nào để giữ gìn điều quý ấy."
Anh bỏ rơi câu nói khi nhìn thấy Trần Nghi Hoàng khệnh khạng từ phòng ngủ xuất hiện, đến ngồi vào chỗ cũ nơi bàn rượu.
Phùng Kim Ngọc quay sang Trần Nghi Hoàng:
"Tôi vô vàn cảm ơn anh Hoàng đã tạo ra cuộc gặp gỡ đêm nay. Tôi không bao giờ nghĩ rằng còn có dịp ngồi lại với tất cả những con người tôi đã và còn đang đang yêu quý thế này. Nhờ vào tấm lòng rộng lượng của anh, tôi mới được điều ấy. Xin vô vàn cảm ơn anh."
Trần Nghi Hoàng lắc đầu:
"Anh Ngọc đừng nói vậy. Tôi tin rằng anh cũng từng như tôi đang làm với Thu Vân. Nghĩa là tôi vui theo nụ cười Thu Vân và lo âu theo từng nỗi buồn trong ánh mắt cô ấy."
Phùng Kim Ngọc ngắt ngang câu nói:
"Anh nói đúng! Mười tám năm trước, đối với tôi, Thu Vân là tất cả. Một thứ big gift of the God mà tôi bất ngờ có được trong giai đoạn tàn tạ nhất của đời mình. Thế nhưng, chỉ vì cái cách hành sử thiếu suy nghĩ, tôi đành để mất những gì đáng lẽ được mãi trong tay."
Rót rượu vào ly cho Trần Nghi Hoàng xong, Phùng Kim Ngọc tâm sự:
"Bây giờ tôi và anh Ngộ là đôi bạn nghèo rất thân với nhau, vậy mà anh Hoàng có biết, năm xưa tôi rất căm thù anh Ngộ."
Và anh cười:
"Trong Duy Tân, một bữa, đột nhiên có người khách lạ xuất hiện, được biết là Đại úy An ninh Quân đội. Từ đó, đêm nào anh chàng cũng đến vũ trường chỉ cốt để nhảy valse với bà tài-pán và để gửi một bó hoa hồng lên tặng Thu Vân. Thế rồi, một bữa, anh chàng đến bên mình khi ấy đang ngồi đánh đàn trên sân khấu, bảo rằng: 'Tôi cũng rất ưa thích tiếng piano của anh, nhưng thật phải nhận là tiếng violon của Thu Vân truyền cảm nổi bật, làm lấn cả mọi thứ nhạc khí khác trong dàn nhạc.' Khi ấy mình tự hào cũng là một tay pianiste có hạng trong các vũ trường ban đêm, điên người lên được, không biết anh chàng này muốn gì nữa. Nhất lại Thu Vân vốn dĩ là người con gái có những hành động rất vô tình, không bao giờ làm yên tâm được cho kẻ nào đã yêu cô ấy. Vậy anh Hoàng nghĩ có đáng căm thù không cơ chứ?"
"Tôi thì tôi bắn ngay!", Trần Nghi Hoàng bật cười.
Phùng Kim Ngọc lắc đầu:
"Cũng may tôi không hành sử như anh Hoàng nên ngày nay mới còn được một người bạn thiết."
Rồi anh kể tiếp:
"Lại còn anh chàng Đại úy Chương trong Lực Lượng 204 Trinh sát Dalat nữa chứ! Một đêm tan dancing, anh chàng chận tôi ngoài sân vũ trường, dí súng vào màng tang tôi mà nói: 'Tôi xem Thu Vân như đứa em gái. Anh yêu cô ấy, làm sao thì làm, nhưng tôi không muốn thấy cô ấy bị vợ anh hành hạ nữa. Nếu không, họng súng này sẽ không từ anh đâu!'"
Nói xong, anh cất tiếng cười ha hả.
°

*

Mọi người lại tề tựu đông đủ nơi bàn rượu.
Từ một lúc nào không biết, bỗng dưng có lời đề nghị của ai đó, xin tôi bỏ vé xe đò, đừng về Nha Trang ngày mai sớm. Trần Nghi Hoàng quay sang tôi:
"Bố nghĩ, hay là em và Âu Cơ ở lại Dalat chơi thêm vài ngày nữa cho đến khi gần về Mỹ hãy vào Sàigòn. Mình cũng chẳng nên đi Nha Trang làm gì?"
Tôi liếc nhìn đồng hồ treo tường. Năm giờ kém năm phút sáng. Chỉ còn đúng 35 phút nữa là tôi phải rời khỏi nơi đây cho kịp chuyến xe đò về Nha Trang lúc 6 giờ 15 phút. Trong lòng nghe quặn lên một nỗi phân vân không định. Cao Quang Ngộ và Triệu Trung Tiên cùng góp ý:
"Nếu không muốn ở lâu, Thu Vân cũng nên ở lại thêm một ngày đi. Biết bao giờ các anh mới có dịp gặp lại Thu Vân?"
Tôi nghĩ nhanh đến hình ảnh ê chề buồn nản của một con người đơn độc đứng trước buổi tiệc đã tàn sau một đêm vui dữ dội. Ôi! Tại sao tôi lại tưởng ra điều ấy? Cuộc tiệc này đã chấm dứt 18 năm trước chứ nào đợi đến bây giờ?
Tôi không định được gì, trong khi bên tai, tiếng nói Trần Nghi Hoàng vang lên như một nỗi giục giã của định mệnh:
"Em phải nghĩ mau! Bố để tùy em lựa chọn. Nếu ở lại thì bỏ hai vé xe đò của em và Âu Cơ, mình đi ăn đi chơi với các anh ấy vài ngày cho thỏa thích. Còn nếu ra đi, bây giờ em phải sửa soạn ngay kẻo trễ."
Tôi lại nhìn đồng hồ. Còn 30 phút. Rồi 25 phút. Lời của những người bạn, của Trần Nghi Hoàng và của cả chính Phùng Kim Ngọc thúc hối không ngơi, nài xin tôi ở lại.
Đột nhiên, giống như tất cả mọi người, tôi nhìn thấy Phùng Kim Ngọc cầm con dao bén đang để trên bàn, vén cao tay áo, đặt vào mạch máu nơi cổ tay trái. Giọng anh trầm xuống:
"Anh van Thu Vân hiện diện thêm một ngày nữa, hoặc là những dòng máu này của anh sẽ chảy ngay tại đây."
Thái độ anh rõ ràng điên cuồng quyết liệt. Trần Nghi Hoàng và Cao Quang Ngộ đồng đứng lên giơ tay giật con dao nhưng anh nghiêng người tránh khỏi. Xong, anh cất cao tiếng nói, vẻ mặt cực kỳ đau đớn, lưỡi dao vẫn nằm nơi mạch máu:
"Mười tám năm qua anh sống trong dày vò hối hận, và mười một năm nay anh không bao giờ dám nghĩ rằng còn gặp lại Thu Vân. Em trở về như một bóng ma, tại sao cũng vội vàng tan biến?" (Rồi anh khóc).
Trần Nghi Hoàng bỏ chỗ ngồi, vòng qua phía Phùng Kim Ngọc, nắm chặt cánh tay phải anh; trong đồng lúc, Cao Quang Ngộ chồm người qua bàn hất văng con dao.
Tôi cúi đầu lặng thinh, thoáng nghĩ nhanh đến một câu viết của Maurois trong tác phẩm Climats mà cả tôi lẫn Phùng Kim Ngọc đều rất ưa thích dạo nào cũ kỹ: "Nàng như ghé qua cuộc đời; đó là một bóng ma hơn là một người phụ nữ" (Elle effleurait la vie, esprit plustôt que femme!) rồi lại liếc nhìn đồng hồ. Còn 15 phút chẵn. Sự quyết định đã thành hình trong óc. Cuộc vui đã tàn. Cuộc tình đã hết; từ lâu lắm rồi, hay cũng chỉ mới từ giây phút đó, tôi không định rõ. Có điều, tôi biết là mình phải ra đi bằng mọi giá, lúc 5 giờ rưỡi sáng. Một ngày trong tháng Tư của mười tám năm trước, tôi đã quyết định sự ra đi cho chính mình một cách tàn nhẫn cho dù trái tim từng cơn rướm máu. Ngay lúc này đây, 5 giờ 15 phút một buổi sớm Dalat, vạn vật còn chìm trong giấc ngủ, tôi cũng tự buộc mình phải làm cái quyết định bỏ đi.
Tôi nói với Phùng Kim Ngọc:
"Sá gì cái vé xe đò nhỏ mọn! Năm xưa em từng xé nát cả cuộc đời mình để chỉ mong được có anh và âm nhạc của chúng ta. Nhưng đó là chuyện ngày xưa. Còn bây giờ thì khác, em không nên ở lại. Đã đến lúc em thật sự bỏ ra đi. Em cũng không bao giờ cho phép mình gặp anh trong đời lần nào nữa. Anh và Trần Nghi Hoàng có thể hỏi tại sao có cái quyết định ấy? Em xin trả lời: 'Chính vì em biết rằng anh vẫn còn yêu em mà em không bao giờ tự cho phép mình gặp lại anh.'"
Thế rồi cùng với Âu Cơ, tôi lạng choạng rời bàn rượu đứng lên. Trần Nghi Hoàng ra đường đón ba chiếc xe thồ. Trời vẫn lạnh căm căm. Bóng tối đang còn giăng mắc. Những người bạn lặng lẽ đứng nhìn theo ba chiếc xe thồ đưa tôi, Trần Nghi Hoàng, Âu Cơ và Trần Ngọc Anh về bến.
Ôm mặt khóc rưng rức
Ra đi là hết rồi!
như ai đó đã viết.
Khi ấy đúng năm giờ ba mươi phút sáng.
(Cali, tháng 2/1993) 

Xem Tiếp: ----