(Trích tập truyện “GÃ CÙI VÀ MIẾNG DỪA NON”)

Cô gái nghiêng người nhìn ra ngoài thành xe, đảo một vòng mắt bao quát cả khu chợ Bà Chiểu. Cô cố tìm trong cái quang cảnh ồn ào trước mặt một chút tươi mát để quên đi hình ảnh lở loét trên thân thể một gã cùi đang đứng sau đuôi xe, gần cô, ngay nơi bục lên xuống. Khí trời buổi trưa oi nồng nóng bức làm cho cô càng thêm khó chịu vì cái mùi tanh tưởi bốc lên từ gã. Cô những muốn bước xuống bỏ đi, nhưng lại tiếc công chờ đợi đã gần một giờ qua. Lại nữa, lộ trình Bà Chiểu-Thủ Đức không có nhiều xe; tìm được một chỗ, lại là chỗ ngoài bìa, cũng không phải dễ. Thông thường, một chiếc xe lam chỉ chở được tối đa tám vị khách trên hai băng ghế dài kê bên trong lòng xe. Vậy mà luôn luôn người ta cố nhét cho đầy mười người, chưa kể hai vị ngồi hai bên bác tài ở phía đàng trước. Cô gái bực bội nghĩ thầm:  “Tham lam cho lắm thì cũng chỉ là một anh tài xế!”
Chiếc áo bà ba màu hoa cà của cô đã bắt đầu thấm mồ hôi ngay trên khoảng lưng có hằn rõ hai sợi giây của cái nịt ngực. Cô đếm thầm số người trên xe. Ba, luôn cả cô là bốn. Phải đợi có thêm tám người khách nữa thì mới mong thoát được cái nợ với gã cùi này.
Tự nãy giờ trong bụng cô đã thấy vô cùng khó chịu. Cô tự nhủ: “Hôm nay đi nhằm ngày kiêng hay sao mà xui quá!” Cô đã cố tình quay đầu sang hướng khác, nhưng cái mùi tanh tưởi của gã như vẫn cứ bao trùm lên cô. Mà quái lạ, sao gã chỉ có ý kèo nài cô mà không phải là với người khác, cô thầm nghĩ. Cô những muốn móc túi thí cho gã vài xu lẻ để rảnh nợ cho rồi; nhưng đã lỡ chối từ từ ban nãy, cô đành chịu im luôn.
Da mặt cô trắng nuốt, mái tóc dài được cột lên ngang gáy. Cô sốt ruột nghĩ đến cái hẹn chiều nay với người yêu. Ban sáng cô đã muốn không đi đòi giùm cho mẹ cô món nợ tận trên Thủ Đức, nhưng thấy vẻ van nài của mẹ, cô lại nhận lời. Bây giờ cô lo ngay ngáy sẽ không về kịp với buổi hẹn. Cô đâm giận cái nhà bà Trung tá đã giật của mẹ cô chiếc nhẫn hột xoàn năm ly để khổ công mẹ con cô cứ đi tới đi lui đòi mãi. Cô định tâm lần này sẽ mắng thẳng vào mặt bà ta mà không cẩn nể nang người lớn kẻ nhỏ gì nữa…
Thế rồi cô nghĩ tới chàng. Đôi mắt cô sáng lên. Chàng là anh của đứa bạn cô, lớn hơn cô 12 tuổi. Ngày xưa khi còn đi học, thỉnh thoảng cô vẫn gặp chàng đến đón em gái mỗi lần về phép. Lúc ấy chàng nhìn cô như với một cô bé xấu xí, nhưng còn cô thì lại mê ngay dáng dấp cao lớn trong bộ đồ phi công màu cam có cái đai súng giắt đầy đạn mà chàng đeo kè kè ngang hông một cách ngang tàng…
Bây giờ chàng đã đổi thay nhiều lắm. Năm năm trong trại cải tạo đã làm cho chàng mất đi hết cái vẻ oai hùng ngày cũ. Nhưng còn giọng nói chàng thì lại ấm áp hơn trước rất nhiều. Tình cảm câm nín thuở thiếu thời trong cô lúc này mới có cơ bộc lộ.
Cô biết mình không ưa Cách mạng bởi vì từ Cách mạng mà đã năm năm qua cha cô bị bắt đi học tập cải tạo. Nhưng cô phải cảm ơn Cách mạng. Cách mạng đã khiến cho chàng thất thế sa cơ để rồi từ đó cái nhìn chàng dịu đi mà nhận ra cô không còn là cô bé tầm thường như thuở ngày xưa.
Bây giờ cô đã lớn, và đẹp. Cô tự biết mình đẹp. Có biết bao nhiêu người đeo đuổi cô. Từ những anh công nhân làm chung hãng dệt cho đến người cán bộ trưởng phòng, rồi luôn cả tên công an khu vực vẫn thường tán tỉnh cợt đùa mỗi lần cô có dịp đến phường xin những giấy tờ, chứng nhận. Ánh mắt cô long lanh vui thú khi nghĩ tới nét mặt nhăn nhó của tên công an một hôm nào cô và chàng đến xin lập hôn thú ở chính ngay văn phòng của hắn ta.
Đột nhiên nghe như có ai khều nhẹ sau đuôi áo, cô rùng mình vặn người khi nhớ ra gã cùi vẫn đứng sau lưng. Cô quay lại nhìn thẳng vào bộ mặt lở loét của gã. Lòng kinh tởm dấy lên, cô bật giọng la:
“Ông này làm gì vậy? Xin xỏ nãy giờ không được, bộ tính truyền vi trùng cùi sang người tôi hay sao?”
Gã cùi há cái miệng méo mó để lộ ra nụ cười ma quái bên dưới chiếc mũi chỉ còn trơ lớp thịt phẳng lì với hai lỗ đen ngòm ghê rợn. Đôi mắt gã trũng sâu, một bên mí trên xếch ngược lên làm phô bày trọn vẹn lòng trắng đục ngầu. Gã nói:
“Thôi mà cô! Tôi tàng tật cùi hủi mới phải đi ăn xin.”
Cô gái không giấu vẻ tức giận:
“Ông xin gì mặc ông, còn cho hay không là quyền của tôi, sao cứ đứng ám tôi cả buổi vậy?”
Trời giấc trưa nắng chang chang. Khu chợ dịu dần đi sinh hoat buôn bán. Các người đàn bà ngồi trước các thúng hàng, thẫn thờ uể oải. Trên bến, những chiếc xe lam nổ máy dòn tan trước khi đâm thẳng hướng Chi Lăng đổ dài theo lộ trình Bà Chiểu – Nguyễn Tri Phương. Từ phía rạp hát Cao Đồng Hưng vang lên một điệu vọng cổ như nhắc nhở khách mộ điệu Cải Lương rằng xuất hát trưa chủ nhật sắp tới giờ trình diễn. Cái nắng cháy da của trời tháng Tư vẫn gay gắt chang chang.
Gã cùi lê chiếc nạng gỗ định quay lưng bỏ đi, nhưng chỉ mới một bước gã đã dừng lại. Trông gã vẫn còn trẻ, độ ba mươi lăm dù rằng sự tàng tật đã biến dạng gã thành một người trọng tuổi hơn trong ánh nhìn thứ nhất. Gã quay về phía cô gái, há miệng định nói câu gì đó, nhưng rồi lại thôi. Gã nghĩ tới thân phận cùi hủi của mình, trí óc đảo nhanh đến những ê chề đã trải qua từ khi khám phá ra mình bị vướng vào chứng nan y ghê rợn ấy. Trong cả họ, không nghe nói có ai mắc bệnh cùi, vậy mà sao đến đời gã, cái nạn này chỉ phủ riêng lên gã? Gã cũng nhớ, khi ấy, 27 tuổi, gã đang là một người lính Nhảy Dù vào sinh ra tử. Một bữa sau trận đánh dữ dội ở Gio Linh, gã thấy mình tỉnh dậy trên giường bệnh viện với một cái chân bi cưa lên tới tận đùi trên. Dẫu vậy, nỗi thất vọng của gã theo điều ấy đã không mạnh cho bằng khi nghe giọng nói chắc nịch của viên y sĩ điều trị tuyên bố rằng đã thấy xuất hiện vi trùng cùi trong máu gã. Sau đó, gã được giải ngũ dễ dàng.
Âm thầm xin vào cư trú trong trại cùi Cái Sắn tức là gã đã quyết tâm trốn tránh tất cả các người thân và một cuộc đời ngang tàng xưa cũ. Ngày qua tháng lại, gã quen dần với nỗi đau khổ tật nguyền để không còn muốn nghĩ ngợi gì hơn.
Thế rồi trại cùi Cái Sắn cũng được “giải phóng” theo gót chân đoàn người chiến thắng. Những bệnh nhân như gã khởi sự lang thang đầu đường xó chợ từ đây. Gã nhập bọn với vài ba gia đình cùi sống lê lết ở khu Ngô Tùng Châu, Võ Tánh. Mỗi sáng, gã được một anh phu xích lô cho quá giang qua chợ Bà Chiểu ăn xin. Gã cũng tự biết thân phận đáng ghê tởm của mình lên luôn luôn chỉ dám ghé ngồi lên cái bục gác chân, dùng hai bàn tay đã rụng đi tám ngón bám lấy càng xe cho khỏi chòng chành dao động. Ngày ngày chung đụng với đủ các giới hành khất ở khu chợ Bà Chiểu, gã cũng nghe chán ngán lắm rồi. Khí chất ngang tàng của một người lính Nhảy Dù thỉnh thoảng vẫn nổi lên làm cho gã khó chịu khi nhìn ra từ giới ăn xin biết bao ngón nghề lừa đảo. Gã muốn thoát ra ngoài cái xã hội ấy, nhưng phải làm sao? Bộ mặt và cái thân thể lở loét đã là một sự kiện rõ ràng đồng hóa gã với đám người mà gã âm thầm chê ghét. Họa chăng chỉ có phép lạ của Thượng Đế mới cứu rỗi được đời gã, gã tự nhủ mình như thế nhiều khi.
Một người đàn bà mập mạp bước lên xe, ghé ngồi xuống cạnh cô gái. Tấm thân đồ sộ của bà đẩy cô nhích sát vào thanh sắt chắn ngang băng ghế ngoài cùng. Khoảng cách giữa cô và gã cùi tưởng như gần hơn chút nữa. Cô sợ hãi nhìn những con ruồi xanh bám chặt vào vết lở trên hai bàn tay gã; màu vàng của mủ pha trộn với màu đỏ của máu làm nên một cái màu nhờn nhợt hường hường.
Cô gái nghe nôn nao trong bụng. Cô chợt nhớ rằng từ sáng đến giờ chưa ăn gì cả. Không kềm được sự kinh tởm, cô nghiêng người chồm đầu ra ngoài thành xe, nhổ xuống đất một bãi nước bọt.
Trên chiếc xe lam, khách đã bắt đầu đầy kín. Không khí oi bức hơn khi trời đứng nắng giữa trưa.
Gã cùi nhìn bãi nước bọt cô gái vừa nhổ, rồi nhìn lên làn da trắng nõn của cái cườm tay đang gác ơ thờ trên thanh sắt. Gã hình dung đến một miếng dừa non nạo ra từ một quả dừa xiêm ngọt lịm được trồng đầy trong làng gã ở vùng Chợ Lách, Bến Tre.
Đã lâu gã không về thăm lại quê xưa. Đã lâu gã gần như quên mất khuôn mặt mẹ gã. Mười lăm năm rồi còn gì! Tám năm bỏ nhà đi lính và bảy năm vướng mắc bệnh cùi. Hẳn mẹ gã nay đã già và chắc bà tin rằng nơi xa xôi, xác gã đã vữa ra thành đất?
Lòng gã thắt lại. Cổ họng khô ráo. Đột nhiên gã thấy như bị vây khốn trong một nỗi thèm thuồng cao độ. Gã nhớ lại ngày nhỏ mỗi lần thấy mẹ hái một quả dừa trên cây xuống, gã đã đứng chực cạnh bên mà nhìn không sót từng cử động của bà. Lớp vỏ xanh bên ngoài được hớt đi gần hết, rồi lướt lưỡi dao phay bén lên chỏm dừa một cách ngọt xớt, bà nghiêng cái tô để hứng cho kỳ hết chất nước ngọt bên trong. Xong –đây mới là phần thích thú nhất của gã — quả dừa được bổ làm hai và bao giờ cũng vậy, gã được mẹ dành cho một nửa.
Đôi mắt gã cùi như bị quáng lên vì ánh nắng; những con ruồi xanh bay vo ve chung quanh các vết lở trên người. Gã nhìn chằm chằm vào lớp da trắng mịn trên cườm tay cô gái. Hình ảnh miếng cơm dừa ngày nhỏ nhởn nhơ trong trí nhớ mông lung.
Gã bước đến gần cô gái, gần sát hơn và bất thần chụp lấy cánh tay cô mà cắn chặt lên làn da trắng nuốt. Một luồng khoái cảm chạy từ trên môi xuống đến tận gót làm cho gã rợn người ngây dại. Gã không còn biết gì khác nữa, không nghe tiếng la thất thanh của cô gái, không nghe tiếng gào to của đám đông chung quanh, cũng không luôn cả tiếng lên cò súng lách cách của tên công an đang trờ tới…
Chẳng một ai dám nhảy vào kéo gã cùi xa lìa cô gái. Những vết lở đầy máu trên người gã làm cho đám đông sợ hãi. Người nầy thúc giục người kia rồi sau cùng ai cũng chỉ đứng yên.
Đôi hàm răng gã cùi vẫn nghiến chặt cái cườm tay trắng nõn. Một giòng máu đỏ rỉ ra, rớt xuống chiếc túi vải màu lam cô gái đang để trên đùi. Mùi máu làm cho gã cùi hăng tiết. Mùi thơm của miếng dừa ngày thơ tan dần trong trí nhớ để thế vào cái mùi tanh tưởi của những lá gan mà gã và đồng đội vẫn thường mổ bụng kẻ địch lôi ra nhai ngấu nghiến sau những trận ác đấu kinh hồn. Chiến trường Gio Linh khét mùi khói súng hiển hiện chập chờn trong óc gã. Gã tự nghĩ, phen này quân ta thắng lớn, thế nào mình cũng được đeo chiếc cánh gà chiên bơ!
Đột nhiên một tiếng nổ lớn như xé không gian vang lên chát chúa. Gã thấy mình lảo đảo; cái miệng há ra làm rơi tuột miếng gan. Một nỗi kinh hồn đau buốt giống như mũi khoan xuyên từ mắt trái ra tới màng tang gã. Gã nẩy người, nho nhỏ kêu lên:
“Tao bị rồi tụi bây ơi!”
Và gã từ từ quỵ xuống.
San Jose, Cali, Dec. 6/1989.
(Trích “GÃ CÙI VÀ MIẾNG DỪA NON”)

Xem Tiếp: ----