Mảnh vườn sau nhà Dung càng lúc càng buồn bã và hoang vắng trước mắt Ngọc. Cũng nơi này, vào những ngày cuối tuần trước đây, thường có sự hiện diện của dì Út với giọng nói rộn rã của dì khoe những trái bí mới ra, những bụi cần dày đặc, những ngọn  rau lang mọc dài hay những trái ớt chín phổng; cho nên Ngọc hầu như chẳng bao giờ để ý đến những vạt nắng mong manh trên hàng giậu và vẻ yên ả của trời chiều. Bây giờ, sự vắng bóng của dì trong cái thinh lặng của không gian đã làm nàng thẫn thờ chẳng khác gì tâm trạng của những người đang ngồi quanh chiếc bàn tròn trên sàn gỗ. Vợ chồng Thi Dung, vợ chồng Danh Như và Hòa, chồng nàng, không ai nói với ai lời nào. Họ cùng nàng im lặng dồn mắt về phía dì Chín và lắng nghe giọng kể buồn đều của bà:
- Bả đang ngồi xếp áo quần với dì ở chỗ ghế sô pha tự dưng té quỵ xuống thảm. Dì tưởng bả bị trượt trên tấm vải trơn nên tụt xuống thảm; ai dè đợi lâu lắc mà không thấy bả ngồi dậy nên lật đật chạy lại đỡ bả. Dì hì hục một hồi mà không kéo bả lên ghế sô pha được nên phải gọi hai con Annie và Lilly đến phụ thêm. Con Annie nói là để nó gọi xe ambulance nhưng bả khoát tay ra hiệu không cho, cứ nói bị trúng gió thôi, đừng gọi. Nghe lời bả, dì tìm đồng bạc cắc và chai dầu xanh để cạo gió cho bả. Cạo gió đâu đó xong xuôi mà thấy bả vẫn cứ nằm xụi lơ chứ không thuyên giảm chút nào nên dì bèn gọi con Như và thằng Danh. May sao thằng Danh vừa đi làm về nên qua liền.
Danh tiếp lời:
- Em nghe dì Chín báo, tưởng đâu bà ngoại Út chỉ bị trúng gió thông thường. Ai dè đến nơi, thấy bà nằm ngay đơ nên em gọi chín một một ngay. Tụi cấp cứu đến khám chút xíu là lật đật chở bà đi liền làm em hoảng quá lái xe chạy theo tụi nó. Cũng may là em bám kịp xe của tụi nó chứ tụi nó lái nhanh lắm, đèn vàng, đèn đỏ gì tụi nó cũng bang. Mà tụi nó bang thế nào em cũng bang thế ấy chứ nhất định không bỏ. Ông tài xế xe Ambulance thấy vậy ngừng lại, cảnh cáo em là không được chạy theo xe ổng vì nguy hiểm và em không được phép. Em nói đại là nếu không cho em chạy theo thì em không biết bà Út ở đâu để tìm nên cuối cùng ổng đành phải để cho em chạy theo.
- Giờ dỉ ở đâu? Hòa hỏi
- Ở bệnh viện S. tại Bethesda đó anh! Thi đáp.
- Em thấy dỉ ra sao? Ngọc hỏi.
- Dì không nói năng gì được chị ơi. Nằm im lìm không nhúc nhích gì được. Thi trả lời với giọng buồn bã. Người ta nói dỉ bị Strock.
Dì Chín thở dài:
- Phải chi nghe lời con Annie gọi Ambulance lúc đó thì đâu đến nỗi. Cũng tại bả cản mà bây giờ mới bị trở nặng như vậy! Lúc đó dì cũng lấy làm lạ là sao bả bị trúng gió mà người bả nặng như đá. Ba bà cháu hè nhau khiêng bả từ thảm lên ghế sô pha có ba bốn gang tay thôi mà khiêng muốn chết.
 Dung chép miệng:
- Chẳng biết cớ gì mà dỉ bị Strock? Em chỉ quan tâm đến bệnh tim của dỉ nên dặn tụi nhỏ để ý nếu thấy bà Út mệt là gọi chín một một ngay. ai dè dỉ còn bị chứng này nữa.
- Chắc tại mấy con cá khô mặn. Từ lúc dỉ đi Việt Nam về lần nào em sang đây cũng thấy dỉ ăn cơm với cá khô. Như nhẹ nhàng góp lời.
- Đúng rồi! Cá gì mà mặn quá chừng mà ngày nào cũng ăn. Nói dỉ ăn món khác,dỉ không nghe. Ăn mặn kiểu đó không cao máu cũng bị strock, chứ sao mà tránh khỏi! Thi cằn nhằn.
 Dì Chín phụ thêm:
- Thì tao cũng đã nói bả rồi mà bả đâu có nghe tao! Không biết thèm cách gì mà ác nghiệt nên mới bị như vậy. Nhưng mà giờ có bàn tán đến đâu chăng nữa thì mình cũng chẳng làm được gì hơn cho bả đâu. Thằng Hòa,con Ngọc chưa thăm bả thì ngày mai tới đây đi với thằng Thi con Dung. Chiều nào đi làm về tụi nó cũng vào thăm bả hết, không phải lo lắng quá như vậy. Còn giờ để tao vô lấy gỏi vịt với cháo cho tụi bây ăn.
Dứt lời, dì Chín đi vào bếp. Dung và Như vội vã đứng lên, đi theo sau. Một lát sau, họ trở lại với bốn chiếc đĩa đầy thức ăn và tuần tự đặt chúng trên chiếc bàn tròn. Những đĩa cải bắp trộn làm tăng nỗi cảm xúc bồi hồi đang dâng lên trong lòng Ngọc. Món gỏi trộn gồm cải bắp cải trắng, rau răm xanh,đậu phọng vàng đâm nhỏ và ớt đỏ xắt lát, cùng vớ các loại thịt gà, thịt vịt hay đồ biển là món ăn đặc thù mà dì Út thường tiếp đãi cho những ngườ mà dì gọ là con cháu trong những buổi chiều thứ bảy hay chủ nhật. Bởi quen với hương vị chua chua và ngòn ngọt, cay cay và beo béo của món ăn này, Ngọc thường ứa nước bọt khi nàng thấy sự tương phản mà hài hòa của các màu sắc trong món ăn; thế mà, vị giác ấy hôm nay hoàn toàn biến mất trong vòm miệng khô đắng của nàng.Càng nhìn chúng, nàng cảm thấy bùi ngùi thương nhớ dì Út hơn.
 
 

°

 

 Ngọc quen dì Út từ khi ở chung cư Park Road tại vùngg Tây Bắc của Hoa Thịnh Đốn. Giống như dì Chín và đa số người Việt trong chung cư này, dì Út được Mỹ bảo lãnh theo diện gia đình có con lai; tuy nhiên, hai người con và cháu đi cùng dì đến Mỹ đều dọn ra ở riêng nơi khác nên dì phải ở ké với dì Tư, một gia đình cũng có con lai trước phòng Ngọc. Dì Út thuê chỗ này cốt để đặt một chiếc giường và đồ đạc do hội bảo trợ cho chứ ít khi ở. Khi Hùng, người con trai lai của dì lấy vợ ở bang khác và Như, đứa cháu gái của dì, lấy chồng và chung sống với gia đình chồng, dì nhận việc làm ngay. Công việc của dì là giữ trẻ và dì phải ở lại nhà chủ để vừa làm công việc nhà vừa giữ con cho họ. Chủ của dì chỉ cho dì nghỉ hai lần trong tháng. Họ thường chở dì về chung cư vào tối thứ sáu rồi đón đi chiều chủ nhật của những tuần đầu và cuối của mỗi tháng. Cách hai tuần, dì Út được về lại chung cư một lần nhưng chẳng bao giờ dì nghỉ ngơi, coi vô tuyến hay phim bộ như những người đồng trang lứa. Dì thường đi chợ Việt Nam hay chợ Đại Hàn gần đó mua sắm rồi về nấu nướng luôn tay. Sau khi xong việc, dì đem thức ăn đến phòng của những người Việt quen biết để biếu đồng thời thăm viếng họ. Gia đình Ngọc không được Mỹ bảo lãnh theo diện gia đình có con lai nhưng vẫn được có phần thức ăn dì nấu cho như chè đậu ván, xôi đậu xanh, bánh ít dừa đậu phọng mỗi khi dì đến viếng. Có lẽ do Ngọc thường chăm chú lắng nghe lời tâm sự của dì và thường dịch giấy tờ giùm dì nên dì không bỏ sót  lần ghé thăm nào khi về chung cư. Có lần dì nói với Ngọc là dì xem những người có con lai là bà con giòng họ với dì bởi cha của những người này cũng là người Mỹ như cha của người con lai của dì. Dì nói là dì thường lui tới gia đình dì Chín nhất trong khu chung cư bởi vì tính tình dì Chín đàng hoàng ngay thẳng và vì dì Chín có Thi, đứa con rể lai đen. Dì nói là mỗi lần dì nhìn Thi, dì đỡ nhớ Hùng, đứa con lai của dì. Nhờ tiếp xúc với dì Út, Ngọc quen biết thêm nhiều người trong khu chung cư nàng ở và gửi được đứa con Út của nàng cho dì Chín giữ giùm. Qua giao tiếp với nhiều người đồng hương trong chung cư, Ngọc cảm thấy tình cảm mình gắn bó với họ ngày càng sâu đậm và không hế muốn dọn ra khỏi nơi đây khi chồng nàng gợi ý mua nhà.

 
Không khác gì quan niệm của dì Út, nàng thực sự xem nơi mình đang sinh sống như một cái làng kiểu mới của người Việt và những người sống ở đó như bà con cật ruột của nàng. Sự tụ quần của các gia đình người Việt ở đây cho nàng cảm giác như đang ở  trên đất nước của mình và nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương. Có lẽ có cùng tâm trạng không muốn xa rời nhau mà khi có điều kiện tài chính, vợ chồng Thi dung, và vợ chồng Danh Như đồng tâm với vợ chồng nàng mua nhà tại một nơi mà ba gia đình có thể giao tiếp với nhau thường xuyên. Họ đã chọn Silver Spring của Maryland là nơi định cư và nhà nọ cách nhà kia chừng năm hay mười phút lái xe. Sau khi tậu được căn nhà có bốn phòng rộng rãi, vợ chồng Dung Thi mời dì Út về ở chung để bầu bạn cùng dì Chín. Họ cho dì ở một căn phòng dưới tầng hầm cạnh phòng khách nơi đặt bar rượu và có cửa ra vào thông ra vườn sau.
 
  Dì Út lúc bấy giờ không còn đi giữ trẻ vì được hưởng trợ cấp tàn tật. Dì được trợ cấp này vì đôi mắt của dì bị hỏng nặng theo xác nhận của bác sĩ. Thực tế, dì vẫn thấy lờ mờ nhờ cặp kính thuốc đặc biệt cho nên dì chẳng từ bỏ những việc làm theo sở thích của mình. Thú vui của dì là chăm tỉa vườn rau hoa quanh nhà của Dung Thi và làm những món ăn Việt Nam như bánh ít, bánh dừa, chè trôi nước, chuối chưng, xôi đậu, và các món ăn mặn khác cùng với dì Chín. Cả hai thường quấn quít bên nhau khi nấu nướng, thăm vườn hay uống cà phê tâm sự chuyện đời. Họ thường mở những băng hình mà họ thâu khi về thăm Việt Nam rồi kể cho nhau nghe những người bà con giòng họ và con cái của họ. Đến nhà Thi Dung, Ngọc thường được xem băng thâu hình của dì Chín và của dì Út cho nên nàng biết mặt hết cả những người thân của họ dù chưa từng gặp ai và cả quanh cảnh nhà cũ và mới của họ ở Việt Nam. Khi dì Út gới thiệu căn nhà mà dì mới xây cho chồng dì, Ngọc vừa cảm kích cái nghĩa vợ chồng mà dì dành cho ông bằng số tiền dành dụm từ công việc giữ trẻ cực khổ của dì, vừa cảm thấy vui khi biết dì đã tạo cho ông một chỗ ở tương đối đầy đủ và tiện nghi nơi quê nhà. Ngọc nhớ là khi còn ở chung cư Park Road, dì thường kể cho nàng nghe về tình cảnh của người đàn ông này luôn. Khi chìa cho nàng coi tấm hình căn nhà tranh xiêu vẹo, dì rưng rưng nói là dì phải để ông ở lại một mình trong cảnh hiu quạnh và khổ sở vì ông không chịu rời bỏ xóm làng. Dì còn cho biết là dì phải ra đi với đứa con riêng của dì vì tương lai của nó và để dì có cơ hội làm việc ở Mỹ để giúp ông. Dì nói là dì có cả thảy ba đời chồng. Người chồng đầu tiên chết trận đã để lại cho dì bốn đứa con với tình cảnh góa bụa và nghèo nàn. Để tìm nơi nương tựa, dì đã lập gia đình với người đàn ông Mỹ và có thêm một đứa con trai là Hùng. Người chồng thứ hai của dì có chức vị rất cao trong quân đội Mỹ và hết lòng thương yêu dì cũng như con riêng lẫn con ruột của ông nhưng dì không muốn rời bà con chòm xóm nên nhất quyết từ chối chuyện theo ông về nước trước biến cố năm 1975. Dì nói là số dì rất đào hoa, cho nên cảnh đói nghèo sau ngày đất nước thống nhất và luật mỗi gia đình chỉ có hai con không thể ảnh hưởng đến số phần này. Vào năm 1980, dì đã quyết định bước thêm một bước nữa và có thêm một người con gái với người chồng thứ ba. Khi dì kể chuyện, Ngọc thường chăm chú như đang nghe chuyện tiểu thuyết hấp dẫn. Những tình tiết của câu chuyện có khi làm nàng ngắt lời bằng những câu hỏi nhưng thường thì nàng yên lặng để nghe dì nói. Cái yên lặng lâu nhất của nàng là khi nàng nghe dì thổ lộ về số vốn mà dì nhờ đứa cháu trai bà con của dì gửi ngân hàng Việt Nam. Nàng phân vân không hiểu sao dì lo lắng chuyện lâu dài và xa xôi đến độ phải gửi vốn liếng về tận Việt Nam nhưng không dám hỏi. Nàng chỉ đoán rằng dì muốn về lại Việt Nam để trọn nghĩa vợ chồng với người chồng thứ ba của dì và dùng số tiền lời ngân hàng từ vốn liếng của mình cho sự chi tiêu của cả hai sau này. Đáng tiếc thay, dì khó có thể thực hiện ý nguyện của mình trong tình trạng bại xụi hiện thời. Nghĩ đến đó, Ngọc trở nên chán chường vì cho rằng những gì thuộc về nhân định ít khi được thành hình dưới bàn tay của thượng đế. Dù sao, nàng cảm thấy yên tâm khi nghĩ đến chương trình chăm sóc sức khỏe và trợ cấp tàn tật mà dì Út hiện đang nhận được từ chính phủ Mỹ. Cho dù dì ở phòng cấp cứu, nội khoa hay khu chữa bệnh nào của bệnh viện thì các chi phí này đều sẽ được chính phủ Mỹ thanh toán chi trả. Ngoài ra, dì còn có tiền trợ cấp tàn tật hàng tháng để chi dùng trong những chuyện cần thiết.
 
 

° °

 

Chiều tối ngày thứ hai hôm ấy Ngọc  đã cùng chồng nàng, vợ chồng Thi Dung và vợ chồng Danh Như đến bệnh viện S. thăm dì Út. Cùng họ, nàng đã ghé phòng cấp cứu, tới phòng chỉ dẫn, lên lầu bốn rồi đi dọc theo hành lang dài để đi sang một khu cao ốc khác của bệnh viện. Sau khi lân la hỏi thăm các nhân viên làm việc và các cô y tá quanh đó, nàng cùng họ được đưa đến phòng điều trị khẩn cấp nơi dì Út đang nằm trên chiếc giường nệm cao trắng trong chiếc chăn mỏng cùng màu. Khác với thế nằm bất động và ngay ngắn của người mắc chứng tai biến mach máu não trong sự tưởng tượng của Ngọc, dì Út trước mắt nàng, nằm lệch một bên giường với nhiều sợi dây từ bình dịch truyền và máy đo tim.
Chiếc khăn phủ màu trắng chỉ che hai phần tấm thân trần của dì chốc chốc nhấp nhô theo cử động bên trong. Có lẽ dì biết thân thể mình đang nửa kín nửa hở mà ra sức dùng tay hay chân trong đó đẩy chiếc khăn phủ kín người hơn. Khuôn mặt nặng nề của dì toát lên nỗi thất vọng khi dì nhận ra người đến gần nơi mình nằm mà sự cố gắng không được hiệu quả. Khi nghe Ngọc nói: “dì Út ơi! Tụi con tới thăm dì nè!” ánh mắt dì thoáng vẻ mừng rỡ trên khuôn mặt đã mất hết vẻ tươi vui thường có. Những thớ thịt trên má, trên môi, trên mí mắt của dì hoàn toàn bị chảy nhão và cái miệng hay cười của dì bị méo lệch về một bên. Cố gắng nhếch môi, dì nói:
“ Mấy đứa đó hả?”
“ Dạ tụi con tới thăm bà đây. Bà khỏe được chút nào không bà ngoại Út?” Danh mau mắn đáp.
 
Nghe tiếng đàn ông, dù đàn ông chỉ là con cháu, chiếc khăn phủ dì Út phập phồng nhấp nhô lên xuống nhiều hơn. Có lẽ do ái ngại nên dì dùng tay hất chiếc khăn lên trên phần hở trần. Khốn thay, dì càng dốc lực bao nhiêu thì chiếc khăn càng lúc càng trệ xuống và vùng ngực trần của dì lộ rõ ra bấy nhiêu. Hiểu ý dì, cả ba người đàn ông, Hoàn, Thi và Danh tảng lờ đi quanh phòng trong lúc Dung, Như và Ngọc kéo các mép chăn ngay ngắn và che lên tận cổ của dì.
 
 Ngọc bàn:
“ Hay là mình khiêng dì Út vào giữa giường đi Dung, Như. Chứ thấy dì nằm xéo kiểu này thấy khó chịu quá. Chắc dì không thấy thoải mái khi nằm như vầy đâu.”
 
Miệng nói, tay làm, nàng lòn hai cánh tay vào trong tấm chăn rồi gọi hai người đàn bà kia cùng làm theo mình. Khi luồn đôi bàn tay dưới đôi chân dì Út để cùng Dung và Như dịch dì Út vào bên trong, nàng nhận ra là dì chỉ mặc mỗi chiếc tả và nằm trên một tấm lót. Hai người đàn bà này cũng nhận ra điều này khi họ cùng cố gắng sức chuyển dịch. Thấy họ loay hoay mãi mà không thể nào suy suyển dì được chút nào nên cả Hòa, Danh và Thi đều phải phụ tay vào. Ba người đàn ông này đã ghì cái giường thật chặt, tém gọn những sợi dây vào trong bàn tay và nắm cả chăn lẫn người để cùng đặt dì nằm ngay ngắn ở chính giữa giường. Trong khi di chuyển dì với vẻ khó nhọc, Ngọc chợt nhớ lời dì Chín. Khi nghe dì Chín tả sức nặng của dì Út sau khi đột quỵ, nàng nghĩ đó chỉ là lối nói phóng đại. Còn hiện tại nàng trải qua thực tế hết sức thật và phủ phàng. Mơ hồ suy đoán những bắp thịt nhũn xụi đã gây cho dì Út một sức nặng kinh hồn và sức nặng này đã tạo sự vất vả và khó khăn cho người chăm sóc dì, Ngọc thấy lòng vô cùng buồn chán và thất vọng.
 “ Tao muốn đi cầu mà nãy giờ xuống giường không được. Mắc cầu lâu rồi mà không dám đi.” Miệng dì Út nhấp từng chữ như đứa trẻ mới tập nói.
“ Trời ơi! Đến nước này mà dì còn ngại gì nữa? Dì muốn tiêu hay tiểu gì cứ việc đi đi! Chứ như vầy làm sao dì xuống giường? Làm sao dì kéo mấy cái dây và cái máy này vào phòng cầu được chớ?” Dung cằn nhằn.
“Y tá ở đây có lương tâm lắm bà à. Họ thông cảm cho người bệnh lắm cho nên bà muốn tiêu tiểu gì thì cứ đi chứ đừng ngại. Với lại bà có tã lót mà ngại gì?” Có mắc thì đi đi, tụi con dọn cho!” Như khuyên
Dì Út không trả lời ai. Im lặng một lúc dì hỏi:
“ Ai ngồi bên đó vậy?”
“ Dạ, anh Hòa đó dì.” Ngọc đáp.
“ Không phải. Tao nói thằng nhỏ nào đang ngồi bên kia vẫy tay đó kìa.”
“Thằng nhỏ nào đâu?” Ngọc hỏi với đôi mắt ngạc nhiên.
“ Thằng đó đó!” Dì Út hất mặt về phía cửa sổ.
“ Dạ đâu có thằng nhỏ nào ỏ đây đâu bà. Mấy đứa nhỏ của con ở nhà với bà n¶i hết rồi.” Như nói
“ Má con muốn đi thăm dì lắm mà phải ở nhà trông mấy đứa nhỏ nên không thăm dì được. Để hôm khác con chở má con vào thăm dì.” Dung tiếp lời.
“ Vậy thằng nhỏ đó có phải là con của con Ngọc thằng Hòa không?” Dì Út hỏi với vẻ ngơ ngác.
“ Dạ đâu có đâu dì. Mấy đứa nhỏ con của con cũng ở nhà cả.” Ngọc đáp.
“ Tụi con đi nhiều người quá, sợ mấy người ở bệnh viện không cho vào nên không đem đứa nhỏ  nào theo hết dì à.” Hòa phụ thêm.
“ Tụi con định luân phiên vào thăm dì mà không ngờ cô y tá cho vào thăm hết đó chớ!” Thi nói.
“ Thôi đừng ở đây lâu. Về lo cho mấy đứa nhỏ đi mấy con!” Dì Út nói với giọng như người máy hết pin. Mắt dì từ từ nhíu lại và dì nói bằng sự cố gắng hết sức:” Về đi mấy con. Về nhà với mấy cháu đi.”
“ Chắc thuốc thấm nên dì Út buồn ngủ rồi. Mình cũng nên về thôi.”
“ Vậy thì con về để Út nghỉ. Hôm nào tụi con vào thăm Út nữa nghe!”
“ Bà Út ráng tĩnh dưỡng để về nhà sớm với tụi con nghe bà Út!”
Mỗi người chào mỗi cách còn Ngọc không nói gì khi ra khỏi phòng. Nỗi thất vọng hoàn toàn chế ngự trong lòng nàng. Đây là lần đầu tiên nàng trông thấy tận mắt người bị chứng tai biến mạch máu não. Với sự chứng kiến của mình, nàng không hề tin là dì Út có thể bình phục và về nhà dễ dàng như lời chúc phúc của mọi người. Hơn thế, nàng còn lo lắng tình trạng nửa mê nửa tỉnh của dì khi dì nói về thằng bé nào đó trong căn phòng.

 

° °

 
Sau lần thăm đầu tiên, Ngọc đã cùng chồng nàng đến bệnh viện S. thăm dì Út thêm hai lần nữa. Trong hai lần thăm này, Ngọc không còn thấy máy đo tim trong phòng nhưng dì Út vẫn còn được truyền nước biển. Dì trông có vẻ linh lợi hơn lần thăm đầu nhưng khuôn mặt vẫn còn nét nặng nề và chiếc miệng vẫn bị méo lệch. Mặc dù nói rất chậm, dì không ngừng kể cho Ngọc những gì xảy ra trong những ngày trong phòng điều trị. Sau khi nói đến sực chăm sóc tận tâm của các y tá, dì buồn rầu  cầm cánh tay trái nâng lên bỏ xuống rồi than:
“ Không hiểu sao mà giờ cánh tay này không thể đưa lên được. Cả cái ống chân trái cũng vậy. Dì cố gắng hoài mà chẳng nhích nó lên được chút nào.”
Ngọc khuyên:
“ Những người bị tai biến mạch máu não đếu bị như vậy hết đó dì. Hoặc là họ bị liệt bên phải, hoặc là họ bị liệt bên trái tùy bán cầu não nào bị hủy hoại. Có người còn bị liệt toàn thân hay bị mất mạng nữa. Dì chỉ bị một bên và được chửa trị cấp thời nên không đến nỗi nào đâu. từ từ bác sĩ cũng giúp dì khôi phục lại sức khỏe mà. Họ đã chữa nhiều chắc có nhiều kinh nghiệm, dì đừng lo.”
Dì Út chép miệng:
“ Bệnh gì chứ bệnh này dì thấy cực cho y tá quá! Thấy tụi nó chăm sóc mình mà mình vừa thấy thương vừa thấy tội làm sao!”
Đăm chiêu một lúc dì nói tiếp:
“ Cực chẳng đã bị như vậy nên phải chịu chứ không biết làm sao đây! Dì định nói Dung đưa dì tiền để dì biếu cho mấy cô y tá vài chục mà không biết họ có chịu nhận cho không. Đưa cho họ thì cũng lo họ bị la vì tội nhận tiền của người bệnh cho nên dì không biết làm sao.”
“ Con có thể cho dì mượn tiền biếu cho mấy cô y tá nhưng con không hiểu là dì có nên làm thế không. Bởi vì cán sự xã hội trong bệnh viện này biết dì có trợ cấp tàn tật và hết lòng giúp dì làm hồ sơ để chuyển dì đi đến bệnh viện dưỡng lão V thì các bác sĩ và y tá ở đây cũng biết hoàn cảnh của dì rồi. Họ làm cho dì vì thương dì và vì lòng nhân đạo chứ không nghĩ đến sự đền đáp ơn đâu. Dì đừng lo lắng nữa mà gây thêm bệnh!”
 
Ngọc đã hết lòng khuyên nhủ dì Út như thế, nhưng nàng suy nghĩ hoài cụm từ “ Cực chẳng đã...” mà dì  đề cập. Trước đây, dì Út thường lập đi lập lại nhiều lần câu” Cực chẳng đã dì mới nhờ hai con như thế này chứ dì chẳng muốn làm phiền hai con đâu. Dì biết hai đứa con bận lắm!” khi dì nhờ chồng nàng hay nàng dịch giấy tờ, làm đơn từ, hay đi đây đó với dì để thông dịch giùm. Ngọc hiểu sự day dứt của dì và những chữ “Vạn bất đắc dĩ” mà dì thường đề cập. Nàng còn hiểu là nếu vì hoàn cảnh mà một cá nhân không có khả năng hay hạn chế trong một lãnh vực nào đó, sẽ lấy làm áy náy khi phải nhờ vả hay hỏi sự giúp đỡ của ai đó nhiều lần. Theo sự suy nghĩ của Ngọc, không biết tiếng Anh có thể coi là một sự bất lực về ngôn ngữ của một người di dân trong việc giao tiếp với người bản xứ. Tuy nhiên, sự không có khả năng sự dụng ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ chỉ là một hạn chế nhỏ trong những hạn chế và bất lực khác của con người. Bất lực đối với việc điều khiển thân thể sẽ khiến cho những người cần trợ giúp vất vả tinh thần nhiều hơn. Một người trước đây từng nhanh nhẹn và tháo vát như dì Út bỗng trở nên bất lực trong việc đi đứng nằm ngồi cầm nắm, thì sự chán nản càng khủng khiếp hơn và to lớn hơn. Qua tâm tình, Ngọc hiểu nỗi khổ tâm của dì do ảnh hưởng quan niệm xưa của người Việt. Trong quan niệm này, cha mẹ giá yếu thường nhờ vả vào con ruột, đặc biệt là con gái ruột. Người già, nếu chẳng may không có con gái hay không có đứa con nào, phải nhờ vào sự giúp đỡ của bà con hàng xóm thì sự phụ thuộc của họ trở thành một nỗi bận tâm và day dứt khôn nguôi. Bởi vì lường trước tình trạng khó khăn của tuổi già ở xứ người, và tình trạng không biết tiếng Anh của mình trong khi chạy vạy vào sự giúp đỡ của người bản xứ, dì Út đã quyết định dùng số tiền mà dì tạo nên từ việc làm khổ nhọc của mình dành cho những ngày cuối đời tại quê hương. Giờ đây, dự định của dì hoàn toàn bất thành và cái dự phòng không làm phiền người lạ trở thành nỗi bận lòng khi hàng ngày dì nhận sự chăm sóc từ những người y tá. Mường tượng mình là dì, một người chỉ bị liệt nửa người và trí óc vẫn còn sáng suốt, đang nhận sự thay tã, rửa ráy, lau chùi hay đút mớm của những người mà đáng ra chỉ làm công việc thuộc về y khoa, Ngọc vừa thông cảm tâm trạng của dì Út, vừa cảm thấy ngao ngán. Tuy nhiên, nàng đã hết lòng an ủi dì để dì không phải bận trí thêm.
 
 

° °

 
Nỗi lo âu của dì Út càng lớn hơn khi dì được chuyển đến viện dưỡng lão V.  Dì nói với Ngọc ngay trong lần thăm đầu tiên tại đây:
“Khi không mắc chứng bệnh này để phải làm phiền mấy đứa y tá. Có chân, có tay mà không đi được, không làm gì được để phải phiền tụi nó dì thiệt không biết phải làm sao.”
Liếc sang người điều dưỡng nam đang dọn những thức ăn thừa, Ngọc hỏi:
“Có phải mấy người điều dưỡng nam trong viện dưỡng lão này cũng chăm sóc chuyện tiểu tiện cho dì phải không?”
“Đúng vậy đó. Thấy nó chăm sóc mình mà dì ngại gì đâu!”
 “Thì dì cứ nghĩ ảnh là con ruột của mình để khỏi áy náy!” Ngọc định an ủi dì bằng lời như thế nhưng khi nghĩ con trai dì không bao giờ chăm sóc dì như những người điều dưỡng tại đây nên nàng nói trớ đi:
“Đó là phận hành của y tá và điều dưỡng mà dì! Họ làm quen rồi không suy nghĩ gì đâu dì ơi! Bác sĩ đỡ đẻ ở đây cũng toàn đàn ông không, có sao đâu! Tại mình quen lối Việt Nam, làm gì  cũng nhất nhất phải là đàn bà làm cho đàn bà nên phải bận tâm thôi.”
Không nghe dì Út trả lời, Ngọc đành gợi chuyện tiếp:
“Nói vậy, anh hồi nãy vừa cho dì ăn đó hả?”
“Ừ! Thằng đó tội lắm. Hôm trước dì cố gắng bò xuống giường để đi tiểu nào ngờ bị té nó phải đỡ dì lên. Nó la dì qua trời. Nó bắt dì bấm chuông khi có việc cần chứ không được xuống giường nữa. Nó mới khuyên dì ráng ăn để khỏi bệnh đó chớ, mà dì không ăn được nên bảo nó đem đi. Mấy thức ăn này mà phải có mấy đứa con của con ở đây chắc tụi nó thích ăn lắm. Còn dì không muốn ăn tí nào.”
“Dù cho dì không muốn ăn cũng ráng ăn chứ nhịn hoài làm sao khỏi bệnh? Mà mấy đứa con của con đang đứng ở đây chứ ở nhà đâu mà dì nói 'phải có mấy đứa con của con ở đây'? Tụi nó vừa chào dì mà dì không nhớ sao?”
 
Dáo dác nhìn quanh một lúc, dì Út nhìn ba đứa con trai của Ngọc đang đứng yên lặng bên cha bên cạnh tấm màn chắn ngang giữa hai chiếc giường, nói với giọng ngạc nhiên: “Ủa? Vậy mấy đứa nhỏ đứng đây nãy giờ đó hả? Vậy mà bà có biết đâu!” Rồi dì nhìn thẳng vào mặt Ngọc: “Hồi nãy thì tao thấy một thằng nhỏ đứng ngoài kia gọi tao ra ngoài đó chơi mà tao có đứng dậy nổi đâu mà đi chơi với nó.”
 
Theo hướng dì Út, Ngọc chỉ thấy rừng cây hiện ra trong khung kính của cửa sổ.  Vì phòng dì ở tầng một và giường của dì được kê gần sát cửa sổ hướng mặt về phía sau  của khu dưỡng lão, Ngọc có thể thấy rõ ràng một rừng cây hun hút vào tận phía trong sâu. Ngơ ngác nhìn sang chồng và ba đứa con trai, Ngọc chưa biết đáp lời ra sao, đã nghe dì Út nói tiếp:
“Còn bữa trước nữa tao thấy một ông cỡ trung trung cũng rủ tao đi chơi.”
Lần này, đôi mắt của Ngọc trố ra, nghi ngại nhìn dì út. Nàng ngờ chứng stroke ảnh hưởng nửa bộ óc của dì đã khiến cho sự nhận biết của dì không được như bình thường. Dù vậy, nàng vẫn hỏi cho có chuyện:
“Vậy thằng nhỏ và ông trung trung đó là người Việt hay người Mỹ hả dì?”
 “Người Mỹ?”
 “Hai người Mỹ đó nói gì mà dì biết là họ mời dì đi chơi?”
 “Họ nói 'Come here' thì dì hiểu tiếng Mỹ chớ! Tụi nó còn ngoắt tay kêu dì đi nữa kìa! Cứ lâu lâu là có người đến gọi dì đi chơi. Có bữa dì còn thấy một bà Mỹ gọi dì nữa. Dì nói dì không đi được mà cứ đứng ngoắt tay chờ dì đi.”
“Ngoài đó toàn cây cối không hà dì. Chắc dì thấy mấy cô điều dưỡng trong này rồi cứ tưởng ai thôi.”
“Không phải điều dưỡng đâu con. Mấy người điều dưỡng mặc đồ màu xanh lá cây dì biết mà. Còn mấy người này mặc đồ thường như mình thôi. Không biết bệnh viện này ở chỗ nào mà người ta thân thiện dữ vậy!”
“Viện dưỡng lão chứ không phải bệnh viện dì à! Con không ngờ trong khu dân cư này có viện dưỡng lão. Từ nhà con đến đây chỉ qua con đường cái lớn G. rồi vào mấy con đường nhỏ thôi. Người ta chọn địa điểm này cho viện dưỡng lão cũng hay. Chỗ này ở cuối đường yên tịnh và thuận lợi”
 “Hình như chỗ này có nhiều người Việt Nam ở lắm phải không con?”
 “Con không nghĩ vậy đâu dì. Viện dưỡng lão này tuy không cách khu dân cư ở bao lăm nhưng cũng tách biệt hẳn trong khu rừng cây này. Mà sao dì nghĩ ở đây có nhiều người Việt Nam ở.”
“Vì dì ngửi có mùi cơm sôi cạn nước. Đó! Con có nghe mùi cơm sôi cạn nước không?” Hít hà dì nói thêm: “Thơm quá! Con ngửi thử coi!”
Trong vô thức Ngọc hít vào như lời yêu cầu, mùi khoai tây nghiền thoang thoảng trong mùi lành lạnh của máy điều hòa. Giờ này chắc những người điều dưỡng vẫn còn cho những người bệnh ăn ở những phòng cạnh bên. Sự bại liệt hình như đã khiến cho khứu giác của dì Út nhạy bén hơn dù nhận định mùi vị hoàn toàn khác với thực tế. Nàng nghĩ có lẽ ước muốn đã gây ra sự sai lệch này. Bất giác Ngọc nhìn những trái cam trên chiếc tủ cạnh giường của dì. Người Việt thường đem theo sữa hay bánh trái biếu người bệnh. Khác với phong tục tặng hoa cho người bệnh của người Mỹ, họ cho rằng bánh trái là những món thiết thực hơn. Có lẽ vẫn còn ảnh hưởng với cảnh bóc cam, gọt táo của những người thăm và chăm người bệnh ở Việt Nam, chính vợ chồng nàng cũng theo tập tục này. Còn giờ đây khi nhìn những túi trái cây Ngọc hiểu rằng chẳng có ai bên cạnh chăm dì Út để chăm từng phút từng giây hay ngồi gọt từng trái táo hay tách từng miếng cam cho. Và chính lúc này Ngọc hiểu món quà gì thiết thực dành cho người bệnh như dì Út. Nàng gợi ý với giọng thương cảm:
“Dì Út có thích ăn cơm không? Nếu thích thì con đem cơm cho dì.”
“Có chớ. Dì muốn nói với con và hai đứa Như, Dung đem cho dì cơm mà thấy đứa nào cũng bận nên không dám. Lần sau có thăm dì thì mang cho dì chút cơm.”
“Ô!Tại con không biết chứ mà biết trước thì hôm nay con đem cho dì rồi. Thôi để lần tới con đem cơm cho dì nghe. Dì nói cho con biết là dì muốn ăn cơm với gì, con sẽ làm ngay. Có phải dì thích ăn cơm với canh chua và cá kho không?”
“Cho dì ăn với món gì cũng được miễn là có cơm thôi.”
 

° °

 
 
Ngọc đã đem cơm cho dì Út trong những lần thăm tiếp đó. Mỗi buổi chiều đi làm về, vừa nấu xong bữa cơm chiều cho gia đình, nàng lo go cơm vào viện dưỡng lão cho dì ngay. Cũng may là nhà của nàng khá gần viện dưỡng lão V. nên sau năm phút lái xe, nàng có thể giữ cho dì thức ăn còn nóng ấm. Hôm đem thức ăn cho dì, Ngọc được cô nhân viên thường trực ở đây báo cho nàng biết là dì Út đã được chuyển lên lầu hai. Có lẽ cô ta cũng thường viếng bệnh nhân tại đây trong những lúc rỗi rảnh nên biết rõ từng người và đã vui vẻ kể cho nàng hay sự tiến triển khả quan của sức khỏe dì khi nàng ký tên vào giờ thăm bệnh nhân. Theo lời hướng dẫn của cô, nàng dùng thang máy lên đến phòng số bảy. Tại đây, nàng ngạc nhiên vui mừng khi thấy dì Út ngồi tươi tỉnh trên chiếc giường nệm trắng trong lúc người nhân viên điều dưỡng đang chuẩn bị cho dì dùng thức ăn chiều. Cũng may là Ngọc đến kịp lúc nên dì Út có dịp thưởng thức các món ăn do nàng làm. Dì Út nói:
“Con để chén cơm trên đùi dì nè. Dì tự múc ăn được, khỏi cần đút.”
Ngọc hỏi với giọng ngạc nhiên:
“Dì tự đút ăn được rồi sao?”
“Mấy ngày nay mấy người y tá tập cho dì tự đút ăn. Mỗi lần đến giờ ăn, họ đỡ dì ngồi lên, chuẩn bị thức ăn trước mặt dì cho dì tự xúc.”
“Vậy thì để con sẻ cá vào chén cơm cho dì. Dì dùng chiếc muỗng này xúc cơm nhé!”
Chỉ trên đùi, dì Út nói:
“Con để đây đi! Dì làm được”
“Để con kê cái khăn này trong lòng dì rồi chèn cái chén này vào giữa đã! Làm như vầy dì múc cơm dễ hơn. Có gì cái khăn này còn hứng thức ăn đổ chứ cơm cá giây trên quần, trên giường thì khổ.”
Thau láu nhìn từng động tác của Ngọc cho đến khi nàng hoàn tất, dì Út run run dùng chiếc muỗng nhựa xúc cơm. Có lẽ do xúc động khi nhìn lại những hạt cơm quen thuộc, khuôn mặt dì toát lên một vẻ hết sức trịnh trọng khi đút vào miệng những muỗng cơm đầu tiên. Nhìn dì nhai cơm như thể đang ăn thức ăn hiếm quý, Ngọc cảm thấy niềm thương cảm dâng trào. Tuy nhiên, nàng đã giấu cảm xúc của mình bằng những câu nói đùa:
 “Dì ăn cơm mà không dùng đũa là mất nửa vị giác ngon rồi chứ không phải con nấu dở đâu nghe dì! Còn cá kho này không ngon như dì kho đâu.”
“Ngon lắm chứ sao không ngon con! Đây mới thực sự là được ăn cơm, chứ mấy ngày trước, mỗi lần ngửi mùi cơm sôi cạn nước là nhớ cơm mà có đâu để ăn. Đồ ăn Mỹ không thiếu thứ gì mà dì ăn không được mới khổ! Mà sao con biết dì thích cá kho keo vậy? Kho kiểu này chắc là mÃt công lắm phải không con?”
“Có tốn công gì đâu dì ơi! Con bắt hai ba lò cùng một lúc rồi làm thật lẹ để chạy vào đây thăm dì thôi. May là con đến đúng lúc chứ con mà chờ nhà ăn xong rồi vào đây thì dì đã ăn xong. Lúc đó, có ngon mấy cũng không còn thấy ngon nữa! Con đâu biết ở trong này họ cho ăn sớm quá vậy!”
“Chắc tại họ phải lo cho nhiều người quá nên phải cho ăn sớm như vậy đó con.”
 “Vậy thì con biết lúc nào đem thức ăn chiều vào cho dì rồi.”
Sau lần đó, Ngọc thường đến vào lúc viện dưỡng lão vào trước buổi bữa ăn chiều của bệnh nhân. Biết lịch của nàng, dì Út hiểu là khi nàng không có mặt trước giờ ăn, có nghĩa là nàng không thể đến và dì phải dùng thức ăn trong viện dưỡng lão. Dù vậy, càng ngày dì Út càng ít ăn chiều trong viện dưỡng lão bởi vì không chỉ có Ngọc mà Như và Dung cũng đem cơm cho dì nữa. Vào những ngày thứ bảy chủ nhật dì có thêm nhiều quà bánh và thức ăn của những người đến thăm viếng. Những người Việt còn cư ngụ tại chung cư Park Road và những người mua nhà ở Virginia đã liên lạc, loan tin, rồi họp nhau đến thăm dì vào cuối tuần luôn. Mỗi lần như thế căn phòng của dì ồn ào tiếng nói, tiếng cười của người Việt đến nỗi người bệnh nằm cùng phòng phải phàn nàn. Ngọc cũng thường đưa con đến thăm dì Út vào những ngày cuối tuần. Mỗi lần như thế, nàng thắc mắc về sự dễ dãi của viện dưỡng lão đối với sự cho phép thăm viếng người bệnh dông đúc cùng một thời gian. Nàng đoán có lẽ những người nhân viên thông cảm sự cô đơn của những người già và người bệnh ở đây cho nên họ không quan tâm đến sự giới hạn của người thăm. Hay, có lẽ họ chưa từng trải nghiệm sự viếng thăm đông đúc như thế.
 
 

° °

 
 
Càng vào thăm dì Út, Ngọc càng thấy các sinh hoạt của dì Út tiến triển tốt lên. Mặc dù căn bệnh không thể chữa trị hoàn toàn dứt hẳn, dì đã từ từ phục hồi những chức năng hoạt động của người bình thường. Dì đã có thể vào phòng vệ sinh với sự dắt dìu của người y tá và chiếc nạng đặc biệt để tự chăm sóc cho mình. Ngoài ra, dì còn tham dự những sinh hoạt của viện dưỡng lão với những người bệnh khác. Lần thăm đó, Ngọc không thấy dì Út và cả người cùng phòng với dì trên giường của họ, nên tìm hỏi, và được biết họ có cuộc họp trên lầu ba. Theo sự chỉ dẫn, Ngọc đi cùng với chồng nàng tìm đến nơi. Tại đây, Ngọc thấy rất nhiều người, hoặc già hoặc bệnh ngồi trên những chiếc xe lăn, quây quần từng nhóm trò chuyện. Ngọc không biết họ đã họp về vấn đề gì, sinh hoạt như thế nào, và tiến trình ra sao; nhưng khi nhìn những đĩa trái cây được xắt nhỏ và những đĩa bánh quy còn thừa trên chiếc bàn vuông Ngọc đoán những người bệnh đã được những người quản lý viện dưỡng lão V. tạo điều kiện cho gặp mặt, ăn uống và trò chuyện với nhau. Khi vợ chồng nàng len lỏi vào trong những chiếc xe lăn để đến bên chiếc xe của dì Út, nàng đã nhận rất nhiều tia nhìn chào đón như thán phục. Những ánh mắt toát lên sự hài lòng đối với việc chứng kiến cảnh người quan tâm đến người, đồng thời tỏ ra sự chia vui với dì Út. Không những họ, ba người nhân viên của viện đang có mặt tại đó cũng niềm nở với vợ chồng nàng. Một người đàn bà có nước da nâu sáng, vẻ như người tổ chức buổi họp, mời cả hai ngồi, bảo dùng thức ăn, rồi nói rằng họ có thể đưa dì Út về phòng để tâm tình riêng tư.
Ngọc cùng chồng đẩy xe lăn đưa dì Út về phòng theo ý muốn của dì. Trên đường, dì hân hoan nói:
“Thấy tụi nó đưa dì lên đây dì sợ các con vào thăm mà dì không gặp được, nhưng dì không biết nói với tụi nó làm sao để dặn tụi nó chỉ các con lên đây.”
Ngọc đáp:
“Dì đừng lo, tụi con không thấy dì trong phòng thì tụi con hỏi tìm thôi. Cho dù họ chuyển dì đi đâu chăng nữa chúng con cũng tìm thăm dì cho bằng được mà!”
Hòa phán:
“Con thấy họ tổ chức cho những người bệnh họp mặt như thế cũng hay! Mỗi tháng một lần, mọi người được gặp gỡ trong những ngày như thế này cũng có ý nghĩa lắm. Nhưng mà, để dời tất cả người bệnh ở đây lên phòng họp trên ấy nhân viên ở đây cũng vất vả lắm.”
 Ngọc chép miệng:
“Cứ thấy họ tận tình giúp đỡ người bệnh mà thương. Người ta cứ đồn bậy là y tá trong viện dưỡng lão thường đánh hay đối xử tệ hại với bệnh nhân; còn chứng kiến tận mắt sự tận tâm giúp người bệnh của họ mới thấy họ như những thiên thần. Qua cung cách làm việc của họ con cảm nhận được tình thương mến và sự thông cảm sâu sắc của họ đối với người già yếu bệnh hoạn như thế nào.Có thể là họ nghĩ chẳng may như thế khi già yếu thì cũng được đối xử tử tế như vậy.”
Dì Út hớn hở khoe:
“Mấy ngày nay, sáng nào dì cũng được một cô y tá đẩy xe lăn đưa ra sân tập. Cổ bắt dì chống nạng để tập đứng lên rồi tập đi. Hôm nào cổ cũng tập dì đi qua lại khoảng nửa giờ đồng hồ. Có hôm cổ thấy dì đi cứng cáp hơn những lần trước, bắt dì gắng đi thêm, dì nói dì mệt quá đi không nổi nữa vậy mà cô nói cố gắng tập thêm cho mau tiến bộ. Thế là dì đành phải nghe lời, nhưng dì mới bước thêm vài bước nửa là xỉu xuống, bất tỉnh không biết trời trăng gì nữa. Lúc dì tỉnh lại, thấy cổ ôm dì khóc quá chừng. Cổ còn hôn dì và nói 'sorry' nhiều lần nữa. Thấy cổ coi mình như mẹ mà dì cũng ứa nước mắt theo. Sau này cổ biết dì có chứng bệnh tim nên không bắt dì tập nhiều. Mỗi lần dì nói mệt là cổ cho ngừng ngay.”
Hòa nói:
“Cách làm việc ở đây là vậy đó dì! Người ta làm gì cũng tiếp tục với những bước kế tiếp cho đến khi hoàn thành chứ không bỏ ngang. Có thể nói quyền lợi của con người ở đây được tôn trọng đến mức tối đa là vậy. Mình may mắn lắm mới được ở trên đất nước này!”
Ngọc trầm ngâm:
“Vậy mà con cứ tưởng họ chuyển người già đến viện dưỡng lão cho ăn, nuôi ở là xong; con đâu ngờ họ còn đưa dì đi tập mỗi ngày như thế. Như vậy cô y tá mà dì nói là therapist đó dì à!”
“Dì không biết nó là ai nhưng tuần nào nó cũng đến đây đưa dì đi tập hai ba lần. Nó nói dì phải tập như vậy mới tự dùng cái nạng được. Dì còn được một con nhỏ y tá khác chở đi cắt tóc làm móng tay chân nữa.”
Ngọc reo lên:
 “Ủa? Hèn chi con thấy dì có mái tóc mới! Con không nghĩ ra người nào ở đây cắt tóc cho dì mà chưa kịp hỏi.”
“Nhờ cô y tá Mỹ đen đó con. Cô này đưa dì đi gội đầu cắt tóc làm móng tay chân. Còn cô y tá đưa dì đi tập là Mỹ trắng.”
“Rồi cô đưa dì đi gội đầu lấy tiền đâu mà trả cho dì?”
“Dì không biết. Chắc viện dưỡng lão đưa cổ tiền trả cho dì.”
Hòa chen vào:
“Không phải đâu dì. Tiền đó từ tiền bệnh của dì đó. Chắc cán sự xã hội trong viện dưỡng lão này đã làm thủ tục trích phần nào tiền bệnh của dì để chi trả cho các dịch vụ này.”
 Ngọc lại reo lên:
“Ô! Tuyệt quá! Họ chăm sóc dì cẩn thận và tử tế như thế này khác gì người nhà tận tình với thân nhân bị bệnh của mình đâu! Còn hơn thế nữa đó! Con thật là mừng khi thấy dì tươm tất như thế này.”
“Tụi y tá ở đây lo cho dì không thiếu thứ gì con ơi! Tụi nó lấy bộ đồ mà con Dung đem vào đây cho dì ghi tên dì kỹ lưỡng chớ sợ lộn với người khác nữa đó. Rồi tụi nó giặt giũ, xếp cất và thay cho dì thường xuyên. Cũng nhờ vậy mà dì mới được sạch sẽ thơm tho như vầy đó chớ!”
 
 

° °

 
 
Mặc dù đồng hương thăm viếng thường xuyên và nhân viên của viện dưỡng lão chăm sóc dì Út tận tình, dì Út không từ bỏ ý định trở về sống ở quê hương trong những ngày cuối đời. Khi gặp Hùng trong lần thăm duy nhất sau bốn tháng trời, dì đã hối thúc anh lo giấy tờ đưa về Việt Nam. Có lẽ vì không gặp con trai của mình suốt thời gian dài trên giường bệnh khiến cho dì lo sợ là anh ta không thể có cơ hội thăm dì lần thứ hai và không còn có cơ hội được anh đưa về Việt Nam nữa. Thế rồi, theo lời khẩn thiết yêu cầu của dì, Hùng đã nhờ người báo cho viện dưỡng lão tiến hành thủ tục xuất viện trong lúc lo mua vé máy bay. Những người quản lý trong viện dưỡng lão đã đưa dì Út đi tái khám rồi tìm xin xe lăn cho dì làm phương tiện di chuyển cho chuyến đi. Sau vài ngày hoàn thành thủ tục xuất viện, và lấy được vé máy bay, dì Út nhờ người báo sở Trợ Cấp An Sinh Xã Hội ngưng nhận trợ cấp tiền bệnh. Bạn bè quen biết gần xa của dì ở vùng Hoa Thịnh Đốn đều sửng sốt khi nghe tin về chuyến đi không bao giờ trở lại của dì. Khi tập trung trong viện dưỡng lão trước ngày dì lên đường, mọi người hỏi thầm với nhau trong hoang mang:
“Sao dỉ lại muốn về Việt Nam đột ngột vậy? Ở đây được chữa trị đầy đủ mà sao  lại bỏ đi?”
“Lại còn bỏ tiền bệnh nữa chớ! Có dễ xin được tiền này đâu! Không biết tiếng Anh, phải nhờ người thông dịch đi tới đi lui làm đơn từ giờ lại bỏ?”
“Trở về Việt Nam thì dễ rồi nhưng có được toại nguyện như mình nghĩ không là chuyện khác. Đi được mà muốn trở lại không được mới khổ đó!”
…....
……
 
 Ngọc đã không bàn luận gì khi nghe những lời xầm xì xung quanh. Nàng nghĩ dì Út kiên định việc về sống ở quê hương vì dì tin tưởng số vốn lẫn lời trong ngân hàng Việt Nam do người cháu đứng tên giùm. Nhớ lại lời tâm sự của dì trước đây, nàng hiểu là dì rất lạc quan với số vốn ngầm mà dì có và giá sinh hoạt thấp ở Việt Nam. Chúng sẽ tạo cho dì có cuộc sống đầy đủ đến cuối đời mà không phải lo lắng gì. Dù biết được nguyên nhân như thế, Ngọc vẫn còn lo lắng.Nàng hỏi:
“Dì Út có suy nghĩ chín chắn trước khi bỏ tất cả ở đây để trở về Việt Nam chưa? Chứ lỡ có gì, dì muốn qua đây làm lại tất cả những gì đang có mà không được thì rất khổ.”
“Dì đã nghĩ kỹ lắm rồi con à! Chẳng lẽ cứ nhờ vả mấy đứa y tá ở viện dưỡng lão này hoài cho đến chết? Để dì về cho con  cháu dì bên đó chăm sóc dì! Tụi nó mà đưa đi châm cứu thì dì đi đứng được bình thường như xưa. Nhược bằng không chữa được bệnh, dì cũng ở Việt Nam luôn. Dù sao, có chết ở quê hương cũng vẫn hơn.”
Hòa gật gù:
“Dì tính vậy cũng phải. Bởi vì hiện tại thì viện dưỡng lão này còn giữ dì chăm sóc nhưng nếu dì khỏe hơn, hoặc lứa tuổi của dì lớn hơn và họ muốn chuyển dì đến chỗ xa hơn, mà 'con cháu' bận rộn với công việc làm không thể đến thăm nom dì thường xuyên được thì rất là khổ.”
 
Lý do của sự quả quyết được giải bày hết sức rõ ràng và xác đáng nên những người đến tiễn không còn to nhỏ, bàn ra bàn vào hay thắc mắc gì nữa. Bùi ngùi nói chia tay, người nào cũng dấm dúi cho dì Út một ít tiền làm quà trên đường về quê. Dung và Như đã mua đầy đủ những thứ mà dì yêu cầu trong hai chiếc va li. Vật dụng mà họ mua cho dì nhiều nhất là những bịch tã. Hôm ấy căn phòng của dì ồn ào hơn bao giờ hết, nhưng người đàn bà Mỹ trắng nằm cùng phòng với dì không phàn nàn một lời nào. Có lẽ bà này cũng đã biết hôm ấy là ngày cuối của dì trong căn phòng của hai người.
 
 

° °

 
 
Tết Dương Lịch năm ấy, vợ chồng Dung Thi mời tất cả đồng hương quen biết ở chung cư Park Road đến nhà dự tiệc Tất Niên. Ngọc rất vui mừng khi được dịp gặp lại những người quen biết cũ và chuyện trò huyên thuyên với họ. Chưa nhập tiệc, dì Chín đã đem ra khoe những cái bánh tét mà bà vừa nấu chín. Trông thấy chúng, Ngọc nhớ cảnh dì Út cùng với dì Chín gói bánh chưng, bánh tét trong những ngày cuối của năm trước nên hỏi ngay:
“Dạo này dì có tin gì của dì Út không dì Chín? Lâu quá con không đến đây được để hỏi thăm dì Út dạo này ra sao?” 
“Bà Út hả? Trời ơi! Nghe bả về đó khổ lắm con ơi! Mấy bà ở Park Road đang bàn chuyện góp tiền gửi về cho bả đó!”
“Sao vậy hả dì? Chớ còn số vốn mà dì Út gửi cho người cháu dì ở ngân hàng Việt Nam thì sao?”
“Ôi chao! Nghe đâu thằng đó đưa bả vào bệnh viện Chợ Rẫy mấy lần rồi nói hết tiền. Dì Công mới kể là giờ bả khổ ghê lắm. Nằm liệt trên giường một mình một chỗ chứ không được chăm sóc chu đáo như ở bên này đâu.”
Ngọc quay sang mẹ của Danh:
“Dì nghe tin dì Út ra sao hả dì Công?”
Dì Công đáp:
“Thì dì mới kể cho dì Chín là dì Út về đó chẳng được như bên này nhưng bả đã quyết về bển để chết thì đành phải chịu thôi.Nghe nói mấy đứa con của dỉ giận mẹ chuyện không tin tưởng mình mà gửi tiền cho cháu nên tỏ ra lơ là, ít lui tới. Còn ông chồng dỉ thì già quá có chăm sóc dỉ được gì đâu. Nghe nói đứa con trai riêng của ổng đem về nhà nuôi rồi. Còn đứa con gái Út của dỉ ở với dỉ nhưng nó thì phải lo việc buôn bán, đồng áng chứ có rảnh được đâu mà cận kề cả ngày. Nghe nói là dỉ nằm liệt một chỗ không được đỡ lên thường xuyên nên bị lở loét cả lưng.Trời thì nóng nực và đầy muỗi nên lúc nào cũng phải bỏ mùng sùm sụp, tối tăm tội nghiệp lắm!” 
Ngọc hỏi:
“Hùng kể cho dì nghe hả?”
Dì Công lắc đầu:
“Không có, thằng Hùng nó đưa dỉ về rồi sang Boston ở luôn ở trển. Con Như gọi về gia đình nó hỏi thăm dỉ hoài nên biết tin tường tận lắm. Hôm nay thứ bảy nên con Như làm nail về trễ lắm. Chặp nữa nó tới, hỏi nó là biết rõ hơn.”
Dì Công vừa dứt lời, vợ chồng Danh Như mở cửa bước vào khiến Thi nói đùa:
“Phải chi hỏi tiền hỏi bạc như thế này thì đỡ biết mấy!”
 Danh vọt miệng trong lúc để dép ngoài cửa để bước vào:
  “Chuyện gì? Chuyện gì mà tiền với bạc?”
  “Chuyện tiền nong gì đâu! Đang nhắc đến vợ ông thì vợ ông tới. Phải chi hỏi tiền đâu mà tiền có ngay như vậy thì đỡ biết mấy!”
  Như hỏi:
“Chuyện gì mà hỏi tui?”
Thi hất hàm sang Ngọc:
“Chị Ngọc đang hỏi Như về dì Út kìa!”
Ngọc nhìn Như lo lắng hỏi:
“Em nghe tin dì Út thể nào?”
Chào mọi người có mặt trong phòng khách xong, Như đến ngồi cạnh Ngọc, nói:
“Bà Út về cũng được con cháu chăm sóc nhưng khổ lắm chị à! Bởi vì chỗ bà ở tận trong miệt vườn sâu trong chợ Cờ Đỏ của huyện Thốt Nốt, Hậu Giang, cho nên mỗi lần đưa bà đi khám bệnh là con cháu bà phải chuyển bà xuống xuồng chạy cả tiếng rồi lên bờ đi qua mấy con hẻm, ra đến lộ cái mới đón xe đưa lên bệnh viện ở thành phố.
“Vậy mấy đứa con cháu của dỉ không sử dụng chiếc xe lăn mà viện dưỡng lão ở đây cho hay sao?”
“Có chớ chị! Nhưng mà, họ chỉ dùng nó ở trong nhà chứ đường hẻm ở xóm nhà bà Út sình lầy lún bánh đâu có đẩy được! Còn khi muốn đem nó theo thì phải khiêng lên xuồng, lên xe đò rồi đến chỗ nào đường bằng phẳng mới đẩy.”
“Chị cũng nghi là dì về đó khổ rồi!”
“Dạ đúng vậy đó chị! Vì bà nằm một chỗ không được ai đưa tập đi như bên này nên chỗ đốt xương cụt của bà bị lở. Với lại, chỗ nhà bà ở nóng nực và nhiều muỗi nên cũng rất bất tiện cho dù con gái Út của bà có sắm cho bà một chiếc quạt máy.”
Dì Tâm chép miệng:
“Đã nói là hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi tính chuyện về mà bả đâu có nghe. Bây giờ mình phải làm sao?”
Dì Anh nói:
“Mình gom tiền về giúp chỉ là thiết thực nhứt chứ biết làm gì hơn! Mấy người trong chung cư Park Road đã góp được chừng này rồi. Ai muốn góp thêm thì góp. Sẵn có con Ngọc đây mình nhờ nó viết thư, ghi tên từng người cụ thể rồi đưa con Như gửi về cho chỉ cho rồi. Chị Chín làm ơn cho tờ giấy với cây viết để con Ngọc viết thơ cho chỉ đi!”
Nhận tập giấy từ tay dì Chín, Ngọc ghi ngày tháng, lời thăm hỏi rồi liệt kê thứ tự tên từng người và số tiền họ gửi tặng cho dì Út theo lời báo của dì Anh. Trong lúc đọc lại bức thư mình vừa viết, nàng nghe dì Hoa nói:
 “Tôi nghe nói bả có viết thơ nhờ thằng Hùng chuyển đến thằng Hòa và con Ngọc hỏi bộ Xã Hội xin sang đây lại được không. Mà tôi không nhớ thằng Hùng gửi lá thơ ấy cho ai ở ngoài chung cư Park Road.”
Ngọc thảng thốt nói cho dì Hoa và mọi người có mặt trong phòng khách lúc ấy biết là vợ chồng nàng chưa nhận được lá thơ nào của dì Út rồi vội vã nhìn sang Như, hỏi:
“Có thực là dì Út muốn sang lại đây không Như?”
“Dạ có. Bà Út có ý định hỏi chị và anh Hòa xin cho bà sang lại đây, nhưng không được thì thôi. Vì bà cũng biết là đã đi về và đã cắt tất cả giấy tờ và trợ cấp rồi, xin trở lại đây rất khó khăn.”
Không hỏi gì thêm, Ngọc cúi mặt xuống, vờ đọc lại bức thư chưa hoàn tất. Lòng đau như cắt, nàng than thầm:
“Dì Út ơi! Làm sao con xin cho dì sang lại đây được nữa? Con biết giờ này dì khổ lắm nhưng con đâu có thể làm gì cho dì được nữa đâu!”
 
 
 
Cung Thị Lan

Xem Tiếp: ----