Em biết không, dòng máu thứ nhất bảo tôi là người da trắng. Nó chứng tỏ điều đó bằng cách ban cho tôi mớ tóc nâu nhạt, chiều cao một mét tám, xương to, vai ngang, mũi lộ, mắt sâu. Nó chứng tỏ điều đó khi ban cho tôi cái họ mà nhiều người Pháp có nhất và một làn da mỏng, chỉ chực ửng đỏ lên khi nắng gắt. Nhưng, dòng máu thứ nhất này cũng cho biết, ở đâu đó trên cơ thể, có lẽ tôi có một ngón chân thô Bồ Ðào Nha ở thuê làm mướn, một nửa lá gan Ba Lan-Do Thái lưu vong hoặc một vành tai Nga bảo hoàng quý phái. Nó kể cho tôi nghe về những mối liên hệ dây mơ rễ má trong phả hệ, về những nhánh ghép, cành cụt, những tổ tiên chết non hay mất tích. Nó cũng ám ảnh nhiều giấc mơ của tôi bằng nỗi kinh hãi nạn dịch tả, niềm hận thù dân tộc, nỗi thống khổ của mấy cuộc thánh chiến, châu chiến, thế chiến những thế kỷ đã qua. Dòng máu da trắng chỉ cho tôi xem ông nội thiếu tướng, bà ngoại gíao sư, tóc nhạt mắt trong, kiêu hãnh tự tin giữa những bức ảnh gia đình, vẻ vang danh phận trên các bực thang xã hội. Nó rần rật luân lưu trong từng bắp thịt căng hồng, bơm phồng mỗi động mạch, tĩnh mạch, cả những mao mạch vi ti. Dòng máu thứ nhất ngập tràn dưỡng khí. Có lẽ qua dòng máu thứ nhất, tôi thừa hưởng được từ ông nội tính mê phiêu lưu. Tốt nghiệp trường võ bị Saint-Cyr °, ông cống hiến cả đời cho binh nghiệp. Vài ba bức hình vàng ố, mấy tấm bưu ảnh với dấu triện đen nhoè, như chút chứng tích còn sót lại, cho tôi biết được đôi điều về những nơi ông đã qua, đã sống, đã hít thở, chiến đấu, đổ máu, mang thương tích. Thủng phổi trong trận Ðiện Biên Phủ, mất nửa bàn tay trái ở chiến cuộc Bắc Phi, nhưng ông lại chết vì tai nạn máy bay dân sự. Ðối với tôi, đó là cái tang lớn đầu tiên, và là một mất mát khủng khiếp. Ngày bé, cứ mỗi ba tháng, tôi lại được về sống một tuần với ông bà nội. Mùa hè, đong đưa trên chiếc xích đu lơ lửng treo dưới gốc anh đào gìa cỗi, ông mở rộng quyển bản đồ thế giới, gieo vào lòng tôi giấc mộng hải hồ, kể bằng giọng trầm đầy sôi nổi những điều mắt thấy tai nghe. Mỗi xứ sở chi chít số, chữ, nằm ép thân trên trang giấy mỏng bỗng thoắt cựa mình căng dài, trải rộng, dựng lên trăm ngàn phong cảnh kỳ diệu, với người dân địa phương trang phục lạ lùng, tập tục ngộ nghĩnh, để tôi, cùng với những chuyện kể có cánh kia, bay vào trời đất mới. Mùa đông, tôi ngồi hàng giờ nhìn ông, tay phải cầm lơi chiếc nhíp, những ngón còn lại của bàn tay trái nắm chặt kính lúp, săm soi từng răng tem. Trong năm quyển album của ông, tem xếp tăm tắp như hàng lính ngày duyệt binh. Tôi thuộc lòng lai lịch của nhiều con tem, khi vì sự quý hiếm, khi vì hình ảnh, biến cố mà nó ghi lại trên bề mặt. Nhưng trăm lần như một, ông đều dừng lại ở một con tem Ðông Dương, có hình người đàn bà búi tóc, xếp bên cạnh sáu con tem cùng bộ, chỉ khác màu và gía tiền. Con tem không có dấu triện bưu điện mà loang lổ một bệt bầm. Vệt máu khô, của bạn ông, trên một lá thư chưa kịp gửi, ông lầm thầm kể như vậy. Từ đó, tôi hiểu thêm, đôi khi những con tem tầm thường lại có một gía trị tầng sâu không gì đổi chác được. Sau khi ông mất, bố thu dọn những thứ ông tích cóp trong các chuyến đi mà bố nghĩ là linh tinh, lẩm cẩm, đem cho, đem vứt. Riêng năm quyển album, bố bán được với gía hời cho một người chuyên sưu tầm tem cựu thuộc địa. Tôi mất hết mọi dấu vết của ông, chỉ giữ lại mãi cảm gíac rờn rợn mỗi lần bất chợt gặp ngoài phố những người mang trên mặt một bớt đỏ. Vệt còn tươi.Dòng máu thứ hai lại bảo tôi là người da vàng, em ạ. Nó lẩn trong tiếng ru của bà nội ngày tôi còn bé. Nó dạy tôi thói quen cầm đũa lùa cơm, chan canh, nhẩn nha nhai nuốt miếng thịt heo kho mặn khô cong và để lại đôi gò má nhô trên gương mặt, như một bằng chứng. Dòng máu thứ hai âm thầm như cái bóng nhỏ thó của người đàn bà Việt, hình như suốt đời dấu bao nỗi muộn phiền vào trong đôi mắt. Tròng mắt tôi vì vậy đen thẫm, như đêm, như tóc của bà, như nỗi buồn trải dài trên những dòng chữ li ti bà để lại mà mãi sau này tôi mới có dịp khám phá và tìm hiểu. Dòng máu này còn chỉ cho tôi, vào một ngày hè nóng bức thời thơ ấu, tuột săng-đan, quắp cây bút chì lăn lóc dưới đất bằng những ngón chân linh động, điều mà không một đứa bạn nào trong lớp làm được. Nó tẩm vào tôi tình hoài hương, cứ ngong ngóng một ngày được trở về xứ cổ tích, nơi bà nội tôi đã từ đó, bỏ đi.… Làm ăn đương suông sẻ, bỗng đâu xẩy ra thiên tai vào khoảng giữa năm Bính Thìn. Một buổi sáng, anh Trúc đi mượn đâu được tờ báo, về đọc cho cả nhà nghe tin vua Duy Tân trốn khỏi Huế, đã bị tây bắt lại, truất phế và đày sang đảo Réunion bên Phi Châu, còn ông hoàng Bửu Ðảo lên ngôi thay thế, lấy danh hiệu Khải Ðịnh Hoàng đế. Em Ðàn hỏi: thế vua Duy Tân đi đày, có phải kéo hồ lô làm đường không? Anh Trúc gỉa nhời: vua còn trẻ, mới mười mấy tuổi, nay sang đảo Réunion lại còn được đi học và tập cưỡi ngựa gỉai trí nữa, vua tù sướng chán vạn chứ đâu như dân tù đi kéo hồ lô! Em Ðàn chúa tò mò, mở bản đồ Phi Châu xem đảo Réunion ở nơi nào. Ðang tìm thì ngoài phố xôn xao, một đám đông rùng rùng chạy qua, hốt hoảng kêu rống " Vỡ đê! Vỡ đê! ». Nhìn xuống cuối phố thì thấy nước đương chẩy qua ngã tư, đổ dốc xuống những phố dưới thấp hơn. Cuống cuồng, ba anh em vứt cả báo, bản đồ, cả vua Duy Tân, vua Khải Ðịnh, rồi cùng mẹ, chị Vân, chị Tiểu khuân vác, dọn đồ đạc, hàng hoá lên gác xép, lên nóc tủ, lên bàn, lên giuờng, được cái gì hay cái ấy. Nhưng còn cót thóc mới cân, đành chịu để nước tràn vào, sau đó ít lâu mọc mầm, thối nát. Mẹ bần thần, cứ thở dài sườn sượt, chị Vân thút thít khóc suốt, còn chị Tiểu lâu lâu lại rú lên khi thấy một con chuột cống ngoi ngóp bơi đến gần chiếc chõng tre, chỗ chị ngồi. Hãi vì tiếng kêu buốt óc của chị, con chuột lúng túng quay đầu bơi đi nơi khác, sau khi suýt chết đuối vì đã bì bọp uống mất mấy ngụm nước sông. Anh Trúc, quần xắn tận bẹn, thỉnh thoảng chạy ra chạy vào nghe ngóng tình hình, còn em Ðàn tìm được ở đâu sợi cước, quấn vào đầu chổi phất trần, hỉ hả bắt chước Lã Vọng đi câu. Khoảng hơn mười hôm, nước mới rút khỏi nhà. May mà phố Châu Cầu cao, nước chỉ xấp xỉ mặt giường, chứ ở các phố khác, nước ngập đến mái, nhà cửa đổ nát và vô số người chết đuối. Thiệt hại thật ghê gớm, làm ăn cũng thua lỗ vì các vùng lân cận bị tàn phá hết, đâu ai còn tâm trí để nghĩ đến việc mua bán sắm sửa nữa! Mẹ lại lâm vào cảnh túng thiếu công nợ. Trước kia, tây An Hưng dọa bỏ tù, nay, tàu Bảo Hoà dọa bắt bớ. Nhận thấy Phủ Lý bị lụt nặng, không làm ăn gì được nữa, mẹ đưa cả gia đình lánh về làng Sen trốn nợ. Ðược ít lâu, ăn uống không đủ, thuốc thang chẳng có, anh Trúc ngày càng xanh xao, bị hen suyễn trầm trọng. Sau một đêm cong người để niú kéo từng hơi thở, anh Trúc mất, lúc hai giờ sáng ngày mười chín tháng giêng năm Ðinh Tỵ. Mẹ bảo trông thấy con lạc tinh chớp nhoáng bay ra khỏi buồng, còn em Ðàn nằm trên chõng tre gần cửa nghe rõ con cú vọ đậu trên cây soan cất tiếng rúc đúng ba lần. Mộ anh Trúc để ngay ở bãi đồng sau nhà, ba năm sau mới được cải táng về làng Mọc, gần mộ bố… Tôi dần quen với những dòng chữ nhỏ nhít đùn đẩy của bà, với cách sắp xếp từ ngữ theo mẫu tự và dấu thanh của quyển tự điển Việt-Pháp đã bắt đầu long gáy. Phủ Lý, phố Châu Cầu, làng Sen, làng Mọc bây giờ còn không? Mẹ và các anh chị em của bà nội, người nào đã chết, người nào còn sống, họ ở đâu, gia đình, con cái của họ ra sao… Thời gian và những biến động liên tục của vùng đất xa xôi ấy hẳn đã ném bao tàn phá khủng khiếp lên người, lên cảnh. Bà tôi, bị rứt khỏi cội rễ, thui thủi trong ngôi nhà thênh thang miền trung nước Pháp, bao nhiêu năm không tìm ra một người đồng chủng sống gần. Không được nói, không được nghe tiếng mẹ, bà đành viết, như một cách chống đối thụ động với thực tại, với lũ ngày tháng cứ lẳng lặng bào mòn dần trí nhớ, xoá vết bao hình ảnh, và những âm, những từ lâu ngày không dùng đến dần tan biến trong các nếp gấp của bộ óc gìa nua. Ðiều lạ, là tôi không tìm ra bóng dáng của ông nội trong những dòng chữ chi chít gần trăm trang giấy học trò kia. Tôi biết, bà đã bỏ cả gia đình, xứ sở để theo ông, sống tạm bợ nhiều năm trong các trại gia binh thuộc đị trước khi định cư ở Pháp. Tôi biết, ông đã cắt đứt gần hết những mối quan hệ với anh em, họ hàng, chỉ vì muốn bảo vệ cho mối tình dị chủng của mình. Tôi biết, cử chỉ, ánh mắt của họ vẫn còn quyến luyến nhau lắm, cho tận đến ngày ông đột ngột ra đi. Nhưng "con nai bé bỏng" của ông đã quyết định dừng những dòng hồi ức lại ở một đêm rằm xa xưa, thời còn con gái.… Bác Nhỡ là một người đàn bà goá ở cạnh nhà, làm nghề đổ nước với hai con, Ðĩ Nhớn và Cu Con. Ðứa út, Cái Hĩm, còn bé tẹo, Ðĩ Nhớn vẫn phải chúc cho ăn. Nghe kể, chồng bác Nhỡ làm ăn buôn bán xa, mãi tận xứ Sài Gòn, bệnh, rồi mất ở trong ấy năm kia... Xế chiều, sau khi dọn hàng, mẹ và chị Tiểu loay hoay thổi cơm, còn chị Vân đợi đến lúc tối lọ mặt người mới thắp lên đĩa đèn dầu thẩu tù mù, với một sợi bấc chìa ra miệng đĩa, chỉ chực tắt khi có gió to. Chẳng những cả nhà xúm quanh ngọn đèn này mà cả Ðĩ Nhớn và Cu Con cũng kéo vào lê la ngồi dưới đất tập đánh vần. Suýt soát tuổi em Ðàn, lại chịu khó, nên chỉ trong khoảng hai tháng, Ðĩ Nhớn và Cu Con đã biết đọc, biết viết, mượn truyện Kiều, truyện Liêu Trai về đọc cho u Nhỡ của chúng nghe. Bù lại, hai chị em phụ dọn dẹp, quét tước, nhất là sẵn nước trong xe, chiều nào cũng đổ đầy cho một vại. Em Ðàn chỉ việc bỏ vài mẩu phèn chua vào cái ống nứa rỗng, khuấy tròn dăm phút là bùn đọng hết xuống đáy, nước trong veo, tha hồ nấu nướng, tắm rửa, giặt giũ. Ngoài những việc vặt, Ðĩ Nhớn và Cu Con còn giữ bổn phận phải làm ngựa cho em Ðàn cưỡi, mỗi khi mưa lớn. Nước ao cạnh nhà dâng, tràn lên sân, đem theo hàng đàn đỉa đói. Em Ðàn sợ đỉa lắm, bị bám vào chân là hét váng cả nhà, nên buổi chiều đi học về, đứng ở đầu ngõ, thấy chị em Ðĩ Nhớn Cu Con, vội ơi ới gọi ngay, bắt cõng qua sân. Ðĩ Nhớn thốc em Ðàn lên lưng, nhắm mắt nhắm mũi chạy qua sân thật nhanh, vì chính Ðĩ Nhớn cũng sợ đỉa. Nhưng gặp Cu Con thì thật lắm chuyện, nó lấy chân khua tung nước lên, bắt chước tàu Phi Long, Phi Phượng của ông Bạch Thái Bưởi, chạy chữ chi khắp sân, còn cố ý phóng qua những bụi cỏ đầy đỉa. Cười đuà chán chê, Cu Con mới hạ em Ðàn xuống hiên, lấy chìa vôi ăn trầu bôi vào dăm con đỉa bám trên chân, đỉa say vôi, rơi ra tức khắc. Ðêm ấy trăng tròn vành vạnh, trời khô và trong, sông Ngân vắt ngang một dải. Không cần đến ngọn đèn dầu ta, em Ðàn và Cu Con cũng có thừa ánh sáng để tập viết trên trang báo cũ. Cu Con bắt đầu học tiếng Pháp với "thầy gíao tí hon » Ðàn, la maison cái nhà, la cour cái sân, la sangsue con đỉa, manger du riz ăn cơm, boire de l'eau uống nước… Học chán, hai anh em chạy ra sân đuổi nhau, cười như nắc nẻ. Trông lên trăng. Trăng đẹp thế mà lại không có người sống trên ấy, tiếc nhỉ! Em Ðàn đọc sách, kể rằng trên mặt trăng chỉ có đất và đá, không có dưỡng khí, không có nước, nên chẳng loài nào sống được cả. Thế còn Hằng Nga, chú Cuội, thiềm thừ, ngọc thố, đâu cả rồ? Chẳng lẽ chỉ có trong truyện cổ tích và những giấc mơ thôi sao? Mẹ tôi là dâu ngoan của bà nội bao nhiêu thì lại hờ hững lạnh lùng với bà ngoại bấy nhiêu. Mẹ xa cách bà ngoại, có lẽ vì lối gíao dục mô phạm, đôi khi khắt khe đến mức nghiệt ngã của bà. Nỗi lo lắng, sự thiếu thốn trong cuộc sống hàng ngày thời Ðức chiếm đóng đã để lại một vết hằn không gì bôi xoá được trong tâm trí cũng như cách ứng xử của bà với người chung quanh. Mẹ kể, thuở bé, đã nghe bà lập đi lập lại hàng trăm ngàn lần chuyện một ngày năm 1942, bụng chửa vượt mặt, một thân một mình đạp xe chở bác Jacques lúc ấy chưa đầy hai tuổi, đi về hơn bốn mươi cây số, chỉ để đem vài ký bột mì đổi lấy nửa tá trứng gà và phó-mát. Tuổi thơ của mẹ đầy những lằn roi ngang dọc và bạt tai bầm má vì tội dám dấu một xu tiền thối bánh mì để lén mua kẹo mút. Tuổi thơ của mẹ nhiều ngày xấu hổ trốn trong góc khuất sân chơi vì phải mặc quần áo cũ của bác Jacques đi học. Không có búp-bê và gấu bông, quà Gíang Sinh chỉ là một qủa cam bọc giấy thắt nơ lủng lẳng treo trên cành thông mua rẻ buổi chợ chiều. Ông ngoại đi biệt dạng, bà trút mãi hằn thù bực dọc xuống đầu các con. Bác Jacques bỏ học ngang, trốn đi Clermont-Ferrand xin làm thợ cơ khí. Mẹ cắn răng lấy xong tú tài, thi đậu trường y tá, vừa học vừa ăn lương, và xin ngay vào nội trú. Thoát ly. Bà ngoại sống một mình, tiếp tục độc đoán với học sinh cho đến ngày về hưu, cho đến ngày vào viện dưỡng lão vì không còn khả năng tự xoay sở. Tôi thỉnh thoảng theo mẹ vào thăm bà. Bà ngồi thẳng người trên xe lăn, tóc trắng bạc nhuộm ánh tím, hai tay khoanh chặt trên lớp chăn mỏng đặt trước bụng, môi mỏng, miệng mím, đợi cho hết buổi lễ trực tiếp truyền hình sáng chủ nhật mới cho phép con cháu vào thăm. Mẹ con, bà cháu gượng gạo chào hỏi, xã giao còn hơn đối với hàng xóm. Bao giờ bà cũng ngồi im, đợi mẹ lên tiếng trước: -Mẹ khoẻ chứ ạ? -Cảm ơn. Nhờ ơn Chuá, tôi vẫn sống. Gia đình anh chị thế nào? -Chúng con vẫn thường. Các cháu ngoan và học giỏi. Ở đây, họ trông nom mẹ có tốt không ạ? Bà ném tia nhìn soi bói về phía tôi, như đánh giá lời nói của mẹ, trước khi trả lời. -Ở đâu quen đấy, chị ạ. Tôi già rồi, đâu còn đòi hỏi gì nhiều. Ăn uống, vệ sinh, áo xống, chỉ cần tối thiểu. Tự làm được gì, tôi làm, bất đắc dĩ lắm mới phải gọi y tá. Còn phiền đến chị và thằng Jacques thì chẳng bao giờ tôi dám nghĩ đến cả! Ðến lượt mẹ im lặng. Cuộc đối thoại đi vào ngõ cụt. Bà với lấy quyển sách đặt trên chiếc bàn thấp cạnh bên, sột soạt giở, hình như cảm thấy hứng thú hơn với những dòng chữ. Chúng tôi đứng dậy. Bà chỉ nhướng mắt, gật gật đầu rồi lại cúi ngay vào trang giấy. Tôi nhìn bà và so sánh với tấm ảnh nhỏ mẹ vẫn đặt trên gờ lò sưởi, để thấy sự tàn phá của thời gian, và có thể, cộng thêm cả nỗi cô đơn, thật khủng khiếp. Người đàn bà teo tóp, khô quắt, cứng đờ người khắc khổ kia may ra chỉ còn bằng phân nửa hình hài nàng thiếu nữ miệng tươi, ngực đầy giữa hè phố Paris một ngày ngập nắng, váy dài lấm tấm hoa, vớ ngắn trắng, tay găng, tóc nón thời tiền chiến. Con gái thủ đô, lại đang yêu, bà ngoại tôi trong ảnh thuở ấy phơi phới kiều diễm. Thảo nào ông ngoại không mê. Thảo nào mẹ tôi, dù lạnh nhạt, sợ, ghét bà, vẫn đều đặn phủi bụi cho khung hình, như lưu luyến một tình thương chưa bao giờ được dịp thụ hưởng. Bà ngoại đã thế, những thông tin lượm lặt được về ông ngoại lại còn mù mờ, vụn vặt hơn. Thuộc thế hệ "chân đ" °° thứ ba, đúng hai mươi tuổi, ông rời Algérie sang Paris du học. Yêu và lấy cô sinh viên Sorbonne đầu năm 1940. Lập gia đình chưa được bao lâu, chiến tranh lan tràn, chiến lũy Maginot sụp đổ, nước Pháp bị chiếm đóng. Cuối năm 1941, ông bỏ vợ con, tìm đường trốn sang Anh theo lời kêu gọi của tướng de Gaulle và mất liên lạc từ đó. Về sau, có người thấy ông trong đoàn quân từ Algérie vượt Ðịa Trung Hải vào giải phóng Marseille. Có người nói được nhìn tận mắt tên ông trong danh sách nhóm khủng bố OAS °°°. Kẻ khác thề sống thề chết đã chứng kiến cảnh, ông, từ chiếc tàu Kairouan chất chồng người tị nạn, lao xuống biển tự tử. Mới đây, lại có người đoan chắc với mẹ, ông đang sống đế vương ở Maroc, giữa một vườn cam bạt ngàn ven dãy Atlas. Nhưng chẳng ai cho được số điện thoại hay địa chỉ liên lạc, tất cả đều là những thoáng qua để lại tiếp tục mất dấu. Ông ngoại, đối với tôi, đã trở thành huyền thoại. Những mẩu tin nghe được về ông ám ảnh tôi nhiều đêm dài. Từ hình ảnh bác Jacques, tôi dựng nên một mẫu tráng niên dong dỏng, có khuôn mặt xương, tóc dợn sóng, nước da ngăm. Hắn có cả thời thơ ấu hồn nhiên ở trang trại trồng toàn ô-liu, cùng bầy dê lang và lũ bạn nhỏ Ả-rập. Hắn có cả thời đôi mươi yêu điên mê đắm giữa thủ đô ánh sáng, hạnh phúc với vợ với con. Tiếp theo, là bi kịch. Tôi tưởng tượng ra con người ấy, trăn trở trong sự lựa chọn giữa hai quê hương, hai dân tộc, và bị phản bội, từ cả hai phía. Có phải chính tên bạn nhỏ Ả-rập ngày xưa, sau khi cùng hắn nằm gai nếm mật diệt phát-xít, nay nửa đêm xông vào nhà cắt cổ phanh bụng cha mẹ hắn? Có phải mấy anh em, để trả thù, đã nổi lửa đốt rụi ngôi làng trù phú sát cạnh trang trại ô-liu, ngôi làng mà từ đó, mỗi ngày, đàn ông, đàn bà rời nhà đến trang trại cần cù vừa làm việc vừa trò chuyện, trẻ con ý ới gọi nhau đuổi theo bọn dê choai, chỉ chực tót lên vắt vẻo vặt lá trên những cành cao chót vót? Có phải tất cả những điều đó đã biến hắn thành một gã điên, một tên khủng bố, chống cả người Ả-rập đòi độc lập lẫn chính quyền thực dân hèn yếu, chỉ muốn phủi tay rảnh nợ, quay lưng làm ngơ trước số phận bấp bênh của gần một triệu dân "chân đen »? Hắn, cũng như gần một triệu con người kia, từ thế hệ này sang thế hệ khác, sinh sôi phát triển giữa đất, nước, không khí và mặt trời Algérie, nay đòi đoạn bỏ đi, sao đành? Từng đoàn, từng đoàn, họ kéo nhau về Alger, về Oran, chen chúc trên bến cảng, đợi nhận một tấm thẻ xanh để xuống tàu ra đi. Những đồ đạc cồng kềnh không mang theo được, những chiếc xe mang bảng 9A, 9G bị đốt bỏ, nổ tung, văng mảnh, tàn tứ tán, khói đen che mờ mảnh đất để lại sau lưng, đất chôn nhau cắt rốn, đất hằn thù, đất cháy. Có phải từ những con tàu lúc nhúc người, gắng gượng chở gấp đôi, gấp ba lần trọng tải cho phép ấy, hắn, bất lực, hoảng loạn, đã lao vào sóng, đã được cứu sống, đã tiếp tục phẫn nộ khi đến bến Marseille? Không còn là thành phố mẫu quốc phóng khoáng, mở rộng vòng tay đón chào người sinh viên trẻ nhiều mơ mộng. Không còn là thành phố tang thương vụt hồi sinh, hân hoan choàng hoa vẫy cờ theo nhịp chân rầm rập của đoàn quân chiến thắng. Mười tám năm sau, Marseille ngày ấy hững hờ, bĩu môi dè bỉu, nghi kỵ, hắt hủi hắn và lũ người hồi hương đồng cảnh ngộ. Ðất nước bên kia biển đóng xầm cửa lại sau lưng. Ðất nước bên này biển dằn lòng mở ra nẻo sống, dửng dưng, lạnh nhạt. Hắn, chối bỏ cả hai, một lần nữa, biến mất. Tôi tự hỏi, có phải để trở thành huyền thoại, trong trí tưởng tượng của tôi, ông ngoại đã phải sống quá nhiều kiếp người trong một kiếp người? Tôi tự hỏi, nơi tôi, giờ đây còn giữ lại được chút nào không hơi hướm Algérie, mảnh đất mà mỗi lần chỉ mới nghe đến tên, bà ngoại đã lắc đầu khinh bỉ, mảnh đất mà một thời, ở đó, bà nội đã được trìu mến gọi là "nàng Trung Hoa xinh đẹp", cũng là nơi ông nội mất một phần thân thể, ông ngoại mất cả niềm tin, gia đình, sự sản? Bây giờ, đứng bên em từ đảo Corse, mảnh đất đó chỉ cách tôi có một tầm tay với, gần gũi quá mà sao chừng xa xôi quá! Tôi cứ đăm đăm nhìn về hướng ấy, và kìa, giữa nhấp nhô sóng muà hè Ðịa Trung Hải trong biếc, vụt trồi lên đôi tình nhân, cô thiếu nữ miệng tươi, ngực đầy và người đàn ông đang loay hoay với chiếc máy ảnh. Thiếu nữ hân hoan bước tới, mắt ánh niềm yêu, váy hoa phần phật, còn người đàn ông đứng sau ống kính, người đàn ông sẽ mãi mãi không bao giờ tôi được trông thấy mặt, ngón tay khẽ bấm xuống. Clic! Mặt trời loà chói. Ảo ảnh phút giây, hay dấu vết của cả một thời?Tôi còn nhớ, lúc đã bắt đầu hiểu biết, có lần tôi hỏi: -Mẹ có thương ông ngoại không? Mẹ đáp ngay, không do dự: -Mẹ có biết ông là ai đâu mà thương, hở con! Ngay cả hình ảnh, thư từ, giấy tờ ông để lại, bà ngoại cũng nói, đã xé bỏ hết cả rồi! Và tiếp thêm: -Thuở bé, mẹ cứ nghĩ sẽ suốt đời sống bất hạnh. Nhưng nhờ ơn Chuá, từ khi lấy bố, mẹ được đền bù. Không những mẹ bơi lội trong niềm hạnh phúc bố đem đến, mà còn hưởng cả tình yêu của ông bà nội nữa, con ơi! -Nhưng, dù sao ông ngoại… Mà mẹ không định truy tìm tung tích ông ngoại sao? -Ðể làm gì hở con? Ðiều đó có giúp ích gì hơn cho cuộc sống của mỗi người trong gia đình mình không, hay trái lại, mẹ sợ nó còn khơi gợi nỗi uất hận nơi bà ngoại con, còn làm nảy sinh thêm hàng trăm, hàng ngàn câu hỏi không lời giải đáp trong đầu mẹ và bác Jacques nữa! Quyển sách đã sang trang từ lâu rồi, con ạ! -Nhưng con vẫn muốn biết… -Mẹ không ngăn con thay mẹ làm việc đó. Sách vở ở thư viện, hồ sơ trong bộ Ngoại giao, báo chí, phim tài liệu… Mà thật, con có ý định phung phí thời giờ hiếm hoi của con vào việc tìm lại dấu tích của một người lúc nào cũng tìm cách bôi xoá vết chân mình, hay sao? Tôi không trả lời. Im lặng của tôi, là bày tỏ thái độ phản đối. Cũng im lặng, nước mắt rưng rưng, mẹ chậm rãi bóc một chiếc kẹo cam, cho vào miệng. Từ khi khôn lớn, tôi thấy bao giờ mẹ cũng ăn mặc đẹp, hợp thời trang, sang trọng. Bao giờ mẹ cũng sẵn có trong túi áo, xách tay viên kẹo ngọt hay thỏi sô-cô-la the. Bây giờ, tôi hiểu, mẹ cần sự bình an, để được yên thân sống.Trong phòng làm việc của bố, có lần tôi khoe: -Con đã dịch được gần một nửa quyển hồi ký của bà nội rồi, bố có muốn đọc không? Bố lắc đầu: -Bận lắm con! Con không thấy đêm nào bố cũng thức đến một giờ sáng mà mãi công việc không ngơi sao? Bị cụt hứng, tôi hỏi, giọng khiêu khích: -Bố thật không muốn biết về những điều bà viết à? -Xưa rồi! Với lại, bố chẳng cảm thấy gắn bó chút nào với những con người ở cái xứ sở xa lắc xa lơ đó, đến ngay nước mình… Bố ngưng ngang câu chuyện, nhấc điện thoại, bấm số, to tiếng với đầu dây bên kia. Có vấn đề. Hàng đến trễ, lại bị hư hại nặng. Tôi nhìn bức tường treo đầy huân chương và bằng tưởng lục của ông nội lồng trong dãy khung kính mạ vàng trước khi bỏ ra ngoài. Bao nhiêu năm nay, hình như bố chưa bước chân quá khỏi biên giới nước Pháp, không kể các chuyến đi giao dịch với khách hàng, gấp gáp gặp gỡ, bận rộn thương lượng, ký giao kèo, mời mọc ăn uống. Bố thoả mãn với cuộc sống hiện tại, giữa ngôi nhà rộng, những đồi nho hương hoả và hầm rượu mà nhãn hiệu nổi tiếng tận Nhật Bản. Ở nơi bố, có hay không dòng máu phiêu lưu của ông nội, dòng máu ẩn nhẫn của bà nội, những dòng máu mà tôi cảm nhận được không chút khó khăn, và ngầm kiêu hãnh vì được thừa hưởng? Ðến lượt mình, đôi khi ngẫm nghĩ, tôi cũng không rõ, ở nơi bố, tôi đã nhận được gì, như những dấu chỉ di truyền đặc biệt?Sáng nay, khi thức dậy, ngắm mái tóc xoăn từng sợi bồng bềnh nghiêng bên gối, tôi biết sẽ nói gì với em, chút nữa đây, giữa tiếng sóng biển rì rào. Tôi muốn, ít nhất một trong những đứa con của chúng ta sẽ có mái tóc như em, sống mũi như tôi, chứng tích cho niềm hạnh phúc của sự kết hợp vẹn toàn. Những dòng máu của em, của tôi, từ nhiều thế hệ, từ nhiều nguồn, sẽ nhập vào nhau, hoà trộn thành một dòng duy nhất. Dòng máu người. Ðỏ thắm.PARIS 04.2003 Chú thích:° Saint-Cyr: trường đào tạo sĩ quan của quân đội Pháp từ 1808 đến 1940, toạ lạc gần Versailles, phía tây-nam thủ đô Paris. Sau khi bị oanh tạc trong Ðệ nhị Thế chiến, trường được chuyển về Coëtquidan (tỉnh Morbihan, vùng Bretagne) từ 1946.°° Chân đen: người Pháp gốc Âu, sinh sống tại các nước Bắc Phi (nhất làAlgérie) từ nửa sau thế kỷ 19 cho đến khi các nước này tuyên bố độc lập, trong thập niên 60 của thế kỷ 20. °°° OAS (Organisation Armée Secrète, 1961-1963): tổ chức cực hữu, hoạt động ngoài vòng pháp luật kể từ sau thất bại của cuộc đảo chánh quân sự ngày 22.04.1961 tại thủ đô Alger. OAS dùng hình thức khủng bố để chống lại việc Pháp trao trả độc lập cho Algérie, nhắm vào việc ám sát các viên chức cao cấp của chính quyền mẫu quốc cũng như chính quyền thuộc địa, cả những người Ả-rập đòi độc lập lẫn những người "chân đen" thoả hiệp.