Tôi đã đuổi theo em, và đuổi theo những dòng nước mắt đang nức nở trong em. Em đã không dừng bước nếu không vì tiếng bước chân tôi dừng lại, và tiếng loạt xoạt rơi của những tờ tài liệu khỏi tay tôi. Em đã cùng tôi gom những tờ tài liệu rơi rãi, và tờ tài liệu cuối cùng nhặt lên cũng là lúc tôi giữ được bàn tay em trong tay, dẫu em vẫn quay đi giấu đôi mắt còn ươn ướt. Chiếc hành lang quen thuộc của khu phòng khám từ thiện dành cho bệnh truyền nhiễm luôn chờ bước chân tôi mỗi trưa thứ bảy. Song cánh cửa im ỉm đóng của phòng bác sĩ Hoài không còn phải chờ tôi, bác sĩ Hoài, đến mở; mà từ ba tuần nay, nó luôn được mở rất sớm, và hàng ghế bệnh nhân ngồi chờ cũng được nối dài thêm để đủ chỗ cho bệnh nhân, từ khi có cô điều dưỡng mới. Tôi biết em tên Trang qua dòng chữ trên ngực chiếc blouse trắng, song vẫn chưa thể hiểu đôi mắt pha trộn nhiều cảm xúc bên trên chiếc khẩu trang, mà em chưa một lần kéo xuống. Tuy là phòng khám bệnh nhiễm, song những người bệnh đến đây đa số là nhiễm HIV và AIDS. Như để thuyết phục em cất đi chiếc khẩu trang, dù chỉ một lúc, sau buổi khám bệnh tuần trước, tôi đã nói với em:“Tôi thấy Trang đâu có ngại tiếp xúc với bệnh nhiễm vì chỉ khi rửa các loét, Trang mới đi găng, nhưng sao Trang không rời chiếc khẩu trang? Những người bệnh HIV luôn nhạy cảm với mọi biểu hiện của những chiếc áo blouse trắng chúng mình.” Em vẫn trả lời tôi bằng một sự im lặng và loay hoay với công việc dọn dẹp y cụ. Và hình ảnh ấy vẫn hiện ra trước mắt tôi hôm nay. Vẫn mang chiếc khẩu trang, em đang khẽ khàng cắt lọc phần mô hoại tử trên vết loét của người bệnh. Chỉ có khác là hôm nay em đưa ánh mắt tươi tắn hơn nhìn tôi khi tôi bước vào phòng. “Bệnh nhân nói tuần rồi họ thấy khỏe hơn và bớt tiêu chảy hơn. Họ nói bác sĩ Hoài cho thuốc mát tay quá.” Giọng em tràn ngập niềm vui. “Khi bệnh nhân không còn thấy bệnh tật là dấu chấm hết của đời người, thì họ sẽ để lại bệnh tật đằng sau. Giá như…” Ánh mắt tôi trôi vào khoảng không. “Giá như gì anh?” Tôi đang tần ngần chưa muốn nói là “Giá như những dấu ba chấm của bệnh tật không vương trên cuộc đời người bệnh” thì câu hỏi của em và ánh mắt chợt xa xôi trôi theo câu hỏi đó, chợt khuấy động lại trong tôi một cái gì rất quen thuộc, của mấy năm về trước … … Phòng cấp cứu nội nhi vừa chuyển một ca bệnh nhi thấp tim; tôi và người bạn cùng ca trực đêm ấy vừa trở về từ khoa nội tim mạch, thì cánh cửa phòng cấp cứu nội nhi bật mở với một chiếc băng ca đưa vào một cô bé tím tái với một chút bọt hồng còn vương bên mép môi, bên cạnh là một cô gái giọng hớt hải, đứt đoạn: “Trang ơi, đừng mê em nhé … đã có các bác sĩ đây rồi. Các bác sĩ ơi, cứu em cháu với.” Cô bé được đưa sang giường cấp cứu, ôxy được đưa đến, cùng với những liều thuốc đầu tiên được bắt đầu truyền qua tĩnh mạch đã gần chìm đi của em. Ánh mắt của người chị vẫn dán qua cửa kính, đầy âu lo. Mắt của người em chưa mở, song trái tim nhỏ bé bị chứng thông liên thất của em đã bắt đầu những nhịp đập đều hơn. Tôi quay lại với ánh mắt chị em ngoài ô cửa kính, và những bước chân tôi dịch chuyển về phía ánh mắt ấy, cùng với một nụ cười. “Em Trinh đã tỉnh chưa, bác sĩ, em sẽ qua cơn bệnh chứ?” “Cô bé chưa tỉnh, nhưng đã qua cơn phù phổi.” “Dạ, em cảm ơn, bác sĩ.” Giọng em như an tâm hơn. “Đừng gọi tôi là bác sĩ, tôi chưa là bác sĩ, chỉ là sinh viên y khoa năm cuối. Tôi là Hoài.” “Dạ …” Em khẽ cuối đầu, thấp giọng. Những ngày sau đó, tôi không còn được nhìn thấy ánh mắt em dán vào ô cửa kính phòng cấp cứu nữa, vì Trinh đã qua cơn phù phổi cấp và được chuyển lên khoa nội tim mạch. Chỉ thoảng lúc tôi gặp em trên hành lang bệnh viện, và em vẫn chưa quen gọi tên tôi, vẫn gọi tôi là bác sĩ. “Trinh đã bớt khó thở chưa em?” “Dạ, Trinh đã bớt phải nằm cao đầu, bác sĩ. À không … anh Hoài.” Đã mấy lần tôi hỏi em đang làm việc gì, hay đang đi học, nhưng em đều tránh ánh mắt và câu trả lời của tôi. Chút gì ngượng ngập trong ánh mắt em đã dừng câu chuyện giữa chúng tôi, để ánh mắt tôi chỉ biết vương theo những bước chân em khuất dần cuối hành lang bệnh viện. Tay mang xấp tài liệu còn lại sau buổi thuyết trình chuyên đề bệnh tim mạch ở trẻ em tôi phụ thầy tôi thực hiện ở Cung văn hóa lao động, tôi thả bước trên vỉa hè của công viên Tao Đàn, nghe cái êm dịu của đêm thoáng chốc xôn xao bởi những tàng cây khua lá, và những tiếng rao hàng. Muốn thưởng thức thêm dư vị một ngày của đêm, tôi đi ngược hướng Bệnh viện Nhi đồng. Song những bước chân tôi bắt đầu hụt hẫng, khi đêm như đang bị xáo trộn bởi những lời rao mời phấn hương. Bước chân tôi toan quay trở lại, thì một cô gái bước nhanh đến tôi, níu gọi: “Đi chơi, anh nhé! Một dù thôi.” Chút ngập ngừng quen thuộc trong giọng nói đã giữ chân tôi, và ánh mắt ngước lên, nài nỉ ấy là của em. “Trang …” “Bác sĩ … anh Hoài.” Tôi đã đuổi theo em, và đuổi theo những dòng nước mắt đang nức nở trong em. Em đã không dừng bước nếu không vì tiếng bước chân tôi dừng lại, và tiếng loạt xoạt rơi của những tờ tài liệu khỏi tay tôi. Em đã cùng tôi gom những tờ tài liệu rơi rãi, và tờ tài liệu cuối cùng nhặt lên cũng là lúc tôi giữ được bàn tay em trong tay, dẫu em vẫn quay đi giấu đôi mắt còn ươn ướt. “Anh có khinh em không?” Một chút xót xa len trong giọng nói em. “Em làm thế vì em gái phải không?”Chúng tôi thả bước bên nhau. Hai em không còn bố đã lâu, và không còn mẹ khoảng vài tuần trước. Những ngày mẹ còn sống, em chỉ biết có bạn bè và những cuộc vui. Chỉ có Trinh theo mẹ ngày ngày, phụ mẹ bên gánh hàng rong. Một cơn sốt cao sau một ngày rong ruổi gánh bún trong mưa đã đẩy dáng mẹ hao gầy vào cơn hôn mê nhiều tuần lễ. Em cũng để mỗi Trinh bên mẹ. Cho đến một tối khi cùng đám bạn dừng ở công viên Tao Đàn, thì cũng là lúc em chợt thấy dáng nhỏ của Trinh leo lên xe một người đàn ông băng đi. Em đã bỏ đám bạn về nhà bên mẹ, và ôm đứa em nức nở khi dáng gầy gò của Trinh thẩn thờ bước qua bậc cửa. Trinh đã lén mẹ, lén chị mỗi đêm vài tiếng ở Tao Đàn để có chút tiền lo cho bệnh mẹ. Mẹ mất, Trinh cũng kiệt sức theo, và căn bệnh tim bẩm sinh đã đẩy em vào cơn phù phổi. Những hạt mưa lất phất trên tóc Trang. Chúng tôi vừa kịp nép vào dưới mái che nhà chờ xe buýt thì cả con đường đã chìm dưới màn mưa. Một cô bé độ 12, 13 tuổi cũng vào theo. “Anh chị mua giúp em một chiếc áo mưa nhé?” Cô bé rụt rè hỏi, người run rẩy. “Ừ, em cho anh ba chiếc!” Tôi đọc thấy nổi ngạc nhiên trong mắt Trang và cô bé khi tôi hỏi mua ba chiếc. “Chiếc này cho em, cô bé à.” Em bán áo mưa mà không được mặc chiếc nào. Em chạy xuyên qua màn mưa khi chiếc áo mưa tôi tặng đã khoát lên người em và số phận đời em. “Còn mưa mà đi sao? Em sẽ bị bệnh đấy.” “Cám ơn anh chị. Chồng áo mưa còn nhiều, em phải đi bán đây, phải bán lúc trời còn mưa. Em đi nhé!” Giọng em vọng lại. Hai chúng tôi nhìn theo cho đến khi dáng em khuất hẳn trong màn mưa. Ánh mắt chúng tôi chợt quay về nhau. Trang cúi đi, bối rối. Em đưa tay phủi nhẹ những hạt mưa vương trên những trang tài liệu của tôi. “Để anh phủi mưa trên tóc em nhé!” Tôi tinh nghịch nói. “Những hạt mưa đâu có lỗi, anh Hoài nhỉ!” Những hạt mưa đâu có lỗi. Hình như em đang trách mình, vì em mà mẹ phải ra đi không phải vì cơn mưa ngày nào. Vì em, mà em gái phải âm thầm trong cơn mưa cuộc đời. Mắt em lại nhòa lệ. “Giá như em không để mẹ nhọc nhằn. Giá như em còn mẹ.” Em đâu biết rằng hai từ “giá như” của em vẫn đọng mãi trong tôi những năm tháng sau này không gặp lại em. Đã bao lần tôi trở lại nhà chờ xe buýt đêm ấy, ngồi hàng giờ mà không lên một chuyến xe nào, chỉ để chờ một cơn mưa và một bóng hình trở lại. “Giá như đừng có con phố ấy ngày xưaTôi đâu gặp nàngVà tình tôi đâu lang thang …” “Em có muốn cùng anh đi dưới mưa?” Từ “dạ” khẽ khàng trôi khỏi đôi môi nàng. Chúng tôi đội chung chiếc áo mưa, còn một chiếc em bọc xấp tài liệu của tôi. Dường như tôi nghe thấy tim nàng đập nhanh như nhịp tim tôi. Mắt nàng như đang đếm những bong bóng mưa trên đường, còn tôi đang đếm những phút giây hạnh phúc bên nàng. Tôi cùng em đang rảo bước bên nhau, chợt thấy bóng cô bé bán áo mưa trong bóng tối bức tường đang vùng vẫy tuyệt vọng dưới những ngón tay xâm lấn của một thằng bé cao to. “Dừng lại, dừng những ngón tay dơ bẩn ấy!” Gã trai rút những ngón tay ra khỏi người em và thản nhiên đi. Chúng tôi chạy đến bên em, cũng là lúc em khuỵu xuống trong vòng tay tôi, buông những lời mê sảng: “Tha cho em đi dại ca!” Cõng cô bé trên lưng, tôi và Trang chạy về hướng bệnh viện. Vài ngày sau, Trinh rời thế giới này và Trang cũng lặng lẽ xa tôi. Đêm hôm đó, khi Trang ngồi thiếp đi trước phòng bệnh của Trinh, thì chợt bị đánh thức bởi một giọng đàn ông: “Cưng ra góc tối kia cùng với anh nhé!” Trang nhận ra là người đàn ông đã có lần mua vui với em. “Không, không” Em bật không thành tiếng, và bị gã đàn ông lôi đi. “Trả gấp đôi lần trước, chịu không?” Tay gã đàn ông vẫn xách em đi. “Buông chị tôi ra!” Trinh lảo đảo bước theo chị, rồi em ngã quị. “Trinh, Trinh ơi!” Trang vuột khỏi tay gã đàn ông và chạy đến bên em. Tiếng bước chân của bác sĩ và điều dưỡng hối hả. Nhưng trái tim Trinh đã không đập lại. … Tôi quay nhìn đôi mắt luôn pha lẫn ưu tư trên chiếc khẩu trang của cô điều dưỡng. Tôi bước đến bên nàng, kéo phăng chiếc khẩu trang. Trước mặt tôi là em, cô gái ngày nào khi phủi mưa trên tóc nàng tôi đã đặt một nụ hôn vụng trộm. Tôi đã tìm em, đã chọn chuyên khoa truyền nhiễm, để len lỏi cùng những cộng sự đồng đẳng, tìm em giữa những số phận về đêm. “Trang, sao em chạy trốn anh?” Em quay đi, lau vội dòng nước mắt. “Em không trốn anh. Em luôn dõi theo anh. Em đã học điều dưỡng và thực tập trong cùng bệnh viện anh công tác. Và em đã tình nguyện về phòng khám từ thiện này để được làm việc bên anh.” Tôi đã tìm được em và tìm được câu kết cho bài thơ tôi viết dỡ. Cô điều dưỡng bên tôi không còn đeo khư khư chiếc khẩu trang nữa. Em không còn phải đeo chiếc mặt nạ của cuộc đời. LUU TRONG TUAN