Dù mùa xuân đã đến đâyVẫn còn tiếng khóc thầm,Triệu nụ hoa đang thoát thai, Viên đạn vẫn trên nòng... (Xanh lòng phai tàn - Trịnh Công Sơn)Cô gái bị kéo vọt lên. Vạt áo trắng nát nhàu như một lời cầu xin. Người lính ngoại quốc cao lớn nắm tay cô chạy băng qua khu phố ngùn ngụt lửa, băng qua những thân cây đổ, xe cộ đồ đạc ngổn ngang, rồi một xác chết, thêm một, thêm một nữa. Có tiếng rít trên đầu. Người lính đẩy cô ngã xấp xuống mặt đường, nằm đè lên. Cô chưa kịp phản ứng thì, xầm một cái, đất chỗ cô nằm đột nhiên chao đi, chung quanh rừng rực nóng, bụi và khói cay xộc vào mũi. Cô ngạt thở, lật người, vùng vẫy tuyệt vọng, muốn gào thét kêu cứu nhưng miệng chỉ còn đủ sức ngáp tìm chút dưỡng khí như loài cá mắc cạn. Xầm một tiếng nữa, cô thấy mình bay tung, rã ra từng mảnh, nhẹ tênh... Khi tỉnh dậy, bên tai cô gái văng vẳng tiếng còi hú dài. Còi báo động, còi xe cứu thương, còi xe cứu hoả. Chúng hoà vào nhau như một bản đại hợp xướng của loài chó tru trăng. Chúng xoáy vào tai, kéo căng cứng những đầu dây thần kinh, rách toác màng nhĩ, đâm thẳng lên óc. Ðau. Sợ. Cô toan vùng dậy chạy. Chạy đi đâu? Không biết! Chạy đã! Chạy thoát tầm ảnh hưởng của tiếng còi, của lửa, của khói, của những xác chết. Nhưng người cô nặng trì, tay cô như bị giữ rịt lại. Cô dướn người về phía trước lấy đà. Vô ích. Cô vùng vẫy. Vô ích. Cô khuỵu xuống, trong trí óc mù mịt bỗng loé sáng một lằn chớp, thôi hết, mình chết mất, con chết mất, mạ ơi! Nhưng, khi đã định thần, quay lại nhìn, cô bắt gặp một nụ cười. Nụ cười bình yên và đôi mắt trong veo như những viên bi ve. Người lính ngoại quốc vẫn còn giữ chặt cổ tay của cô. Mấy ngón tay thô, to lớn kỳ dị. Bỗng dưng, cô gái cảm thấy yên ổn. Niềm sợ hãi dần chìm xuống giữa im lặng. Những tiếng còi đã dứt. - Tôi tên Jim. Cô có bị thương ở đâu không? - Ông... ông có thể làm ơn bỏ tay tôi ra được không? - Ồ, xin lỗi cô, tôi vô ý quá! Cô gái rút vội cổ tay vẫn còn đỏ ửng vì bị giữ quá chặt. Tê rần. Cô lấy bàn tay còn lại xoa xoa lên đó. - Tôi... tôi xin lỗi cô nhé! Tôi có làm cô đau lắm không? - Không sao đâu! Cảm ơn ông đã cứu tôi. Không có ông, chắc tôi chết lâu rồi! - Thấy cô tỉnh lại, tôi mừng lắm! Thế cô tên gì? - Mai. - Mai? Tháng Năm? - Không, mai là tên một loài hoa ở xứ tôi, nở vào dịp Tết. - À, à, tôi biết rồi. Có năm, sáu cánh, màu vàng, mọc chi chít trên cành to, phải không? - Ðúng đó, ông quả có tài quan sát. - Ồ, không đâu, tại tôi thích hoa, thích cây cỏ, nên hay để ý. Cô gái nhìn người lính. Những vệt khói nám bay dần đi, để lộ khuôn mặt đỏ gay. Vì nóng, chắc vậy! Hàng chân râu lởm chởm, óng ánh phản quang những tia nắng cuối ngày. Và đôi mắt nhạt như màu dòng suối nhỏ cô vẫn hay qua, trong veo, nhìn thẳng như muốn hút tuột cô vào giữa khoảng thuỷ tinh bé xíu ấy. Lần đầu tiên, cô gái nhìn vào tận mặt một người lính Mỹ, nghe thấy hơi thở và ngửi được mùi mồ hôi của anh. Anh còn trẻ quá, chắc chỉ hơn cô đôi ba tuổi là cùng, và đẹp trai như một tài tử xi-nê. Dù biết người đối diện cũng đang nhìn mình chằm chặp, cô gái không hề cảm thấy thẹn thùng, trái lại, một niềm vui thanh bình, êm ả loang dần trong cô. Họ, cô gái Việt và người lính Mỹ, thân ái ngồi nhìn nhau giữa hoang tàn đổ nát. Họ, trước đây có thể đã lướt qua cạnh nhau, vô tình như những cái bóng màu của chiếc đèn kéo quân, nhưng chưa bao giờ thực sự đối mặt, gần gũi nhau như lúc này. Cô gái vén mớ tóc bay loà xoà trước mắt, nói bâng quơ: - Tôi chạy về đây tìm mạ... - Chắc mẹ của cô đã theo người dân tản cư lâu rồi. Chẳng còn ai ở lại trong khu vực này đâu. Cháy tiêu hết cả! Tôi là người lính cuối cùng, thấy bóng áo dài của cô loáng thoáng nên chạy đến... Cô gái nhìn quanh. Quả thật vậy. Khu phố thân yêu từ tấm bé của cô chẳng còn lại gì ngoài những đống hỗn độn đang bốc khói khét đây đó. Phải, chẳng còn gì cả! - Cô đừng quá lo lắng. Sớm muộn gì rồi cũng sẽ gặp lại mẹ cô. Thế... cô bao nhiêu tuổi? Còn đi học không? - Ông buồn cười thật, tại sao lại hỏi tôi những câu như vậy, lúc này? Ðây đâu phải hội quán sinh viên, cũng không phải snack bar, hay party... - Câu hỏi của tôi làm cô khó chịu à? - Không, trái lại. Chúng làm tôi có cảm tưởng mình đang không đứng giữa chiến tranh, và tất cả những đổ nát quanh đây chỉ là ảo ảnh của một cơn mộng dữ. - Thì cô cứ nghĩ là không có chiến tranh đi! - Làm sao tôi lại có thể nghĩ như ông nói được! Mỗi đêm, tôi thấy loằng ngoằng ánh sáng hoả châu, tôi nghe ầm ỳ tiếng vọng đại bác. Mỗi ngày, tôi nhận được tin bạn bè, người thân chết trận, chết pháo kích, chết mìn gài, chết bom rơi. Tất cả, như những điềm gở báo trước ngày hôm nay, ngày tận thế... Không có chiến tranh à? Nếu không có chiến tranh, chắc ông cũng chẳng có mặt ở đây mà làm gì, phải không? Jim cúi mặt, bối rối chớp mắt: - Cô nói đúng, tôi được lệnh động viên, bao nhiêu dự định phải dẹp hết qua một bên, chắc rồi cũng chẳng thực hiện được nữa. Nhưng, cũng nhờ vậy mà tôi khám phá ra được bao nhiêu điều mới lạ ở xứ sở này, tôi tự hiểu tôi hơn, và - anh nhìn cô, cười thật tươi - hôm nay, tôi mới có dịp làm quen với cô. Cô gái đỏ mặt. Anh chàng GI lại còn dám láo lếu tán tỉnh mình lúc này à! Giọng Jim vui hẳn lên: - Mai, cô biết không, tôi coi vậy chứ... nhát lắm! Cô là người con gái Việt Nam đầu tiên tôi bắt chuyện đó, nên nếu có những câu hỏi ngớ ngẩn, không phải phép, cô bỏ quá cho tôi nhé! Tôi con một, mẹ mất sớm, sống thui thủi một mình với cha, nên xưa nay lộc ngà lộc ngộc, vụng về lắm! Cứ như con gà tây vậy! Buồn cười nhỉ, vụng về như một con gà tây! Cô gái nhìn những ngón tay thô tháp của anh lính Mỹ, cười vu vơ, ừ, chính mấy ngón tay vụng về ấy đã kéo cô vượt khỏi những tối ám của chiến tranh, những khoảng cách của định kiến, những xa lạ của ngôn từ. Cô đột ngột hỏi anh, bằng một giọng thật chân tình. Thật thân tình: - Thế... anh chưa có vợ à? - Bạn gái tôi còn chưa có nữa là... Bọn học cùng lớp cứ gọi tôi là Jim chicken die, tôi nhát hít... - Vậy tại sao hồi nãy anh lại liều mạng chạy vào cứu tôi? Jim, anh can đảm lắm đó chứ! - Giữa những hoàn cảnh khác nhau, con người phải có những cách ứng xử khác nhau chứ! Có thể lúc nãy, bản năng của tôi phản ứng trước khi lý trí kịp suy xét. Cũng có thể do thói quen mà cha tôi đã rèn từ bé, phải biết cứu giúp những con vật yếu đuối đang gặp khó khăn, một chú chim non rơi khỏi tổ, một cô mèo bé tòm xuống giếng... - Vậy, tôi giống chú chim non hay cô mèo bé? - Cô giống hoàng hậu Nam Phương. - Anh nói gì? Hoàng hậu Nam Phương? Tôi mà giống hoàng hậu Nam Phương? Chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến điều đó cả! - Thì bắt đầu từ bây giờ, cô cứ tập nghĩ như vậy đi. Nghĩ mãi rồi cũng sẽ có ngày thấy giống. Mai, cô biết không, cô đẹp lắm! Cô gái mỉm cười để đáp lại lời khen. Ừ, tại sao lại không thể là lúc này, ở đây? Giữa những cánh đồng đầy tử thi, bên những vạt rừng già cháy nám, lũ mầm non tươi mởn vẫn gọi nhau lặng lẽ vươn lên kia mà? Cô chợt nhớ bây giờ đang là mùa xuân, là tháng Tết, là lúc mọi người chúc tụng lẫn nhau những điều tốt đẹp nhất. Cô cúi xuống, vuốt vuốt lại tà áo bẩn nhàu. - Anh khéo tài nịnh, thế nào cũng sớm có bạn gái cho mà xem. Ai mà được làm bạn gái hay vợ của anh, tôi nghĩ, chắc chắn thế nào cũng sẽ sống hạnh phúc. Jim định mở miệng nói điều gì, nhưng khựng lại, thay bằng một nụ cười thật tươi, răng trắng đều. - Cảm ơn lời chúc tốt lành của cô. Ngày sắp hết rồi, chúng mình đi thôi, Mai ạ. Anh lính đưa tay. Cô gái tin tưởng, đặt bàn tay bé nhỏ của mình vào đó. Như một điểm tựa. Bàn tay to lớn dềnh dàng ấy nâng cô lên, sẽ dắt cô đi qua những đổ vỡ. Có thể sẽ đi qua chiến tranh, về phía mặt trời lặn, nơi sắp nhô lên những ánh sao, yên bình như một dạ khúc. Mai quay lại nhìn lần cuối khu phố nát, hơi sững người trước đôi mắt trợn trừng của xác cô gái mặc áo dài trắng bết máu nằm ngửa. Vắt ngang thân cô, lệch góc bốn mươi lăm độ, thêm xác một anh GI úp xấp mặt, trên lưng tua tủa những mảnh bom ghim, trông như con nhím khổng lồ, vằn vện. Chợt hiểu, Mai ngước lên. Jim cũng đang nhìn những xác chết, nụ cười bình thản, đôi mắt trong veo. Khi anh chuyển hướng, cúi xuống cô, khi bàn tay anh xiết nhẹ, đất đai bỗng vụt ngập hoa, những đôi cánh to, trắng muốt vụt mọc ra kỳ diệu giữa lưng Jim, giữa lưng cô. Và họ thanh thoát, mắt trong mắt, tay trong tay, bay lên, bay lên cao. Lên cao... ooOoo Ðèn trong rạp đã bật sáng, tôi vẫn ngồi dán lưng giữa ghế, hai tay bấu chặt vào chiếc áo khoác đặt trên đùi. Có cảm giác mọi cặp mắt đang đổ dồn vào mình, mọi lời tán thưởng đang rơi ngập xuống chung quanh. Nhưng không, đó chỉ là ảo tưởng. Chẳng có ai quan tâm đến tôi cả. Mọi người rào rào đứng dậy, lào xào bàn tán khen chê. Không có chấn động. Không phải hiện tượng. Một bộ phim khá trên mức trung bình. Có lẽ sẽ chóng rơi vào lãng quên... Khoác áo bước ra ngoài. Tôi đã chọn đúng tuần lễ hoa đào nở để ghé thăm thủ đô Hoa-Thịnh-Ðốn. Ba ngày qua, tôi dành trọn mỗi ngày một tiếng đồng hồ để quanh quẩn với con đường anh đào, để bước trên thảm hoa, để đắm trong mưa hoa, để ngợp dưới một trời trĩu hoa, để nhìn sắc hồng phơn phớt mà nhớ về màu đỏ rực của đường phượng bay ngày cũ. Hôm nay, tôi quyết định sẽ không đến đấy, vì kỷ niệm tràn về sau khi xem xong bộ phim đã quá thừa thãi cho một ngày. John vẫn còn nhớ tôi nhiều đến như vậy sao? Hơn ba mươi năm rồi còn gì! Cuộc chiến đã tàn. Số phận những con người Việt, Mỹ ít nhiều dính líu đến, phần bị chôn vùi, phần bị đổi dời, thất tán muôn phương. Tôi nay là kẻ thiếu quê hương. John trở thành đạo diễn kiêm biên kịch, đã qua bộ phim mà thổ lộ một phần đời, một phần tình cảm của anh. Ðến riêng tôi, đến chung những khán giả mộ điệu. Nhưng trong đời sống thực, tôi không rực rỡ đẹp như nữ tài tử Mỹ gốc Việt Thảo Hương, đang là trung tâm mọi sự chú ý của Hollywood, John không điển trai cao to như anh chàng Richard Dawson thủ vai Jim. Trong đời sống thực, tôi đã chạy trốn, John phải tống cho một quả gần bất tỉnh trước khi vác tôi lên vai để băng ngang vùng lửa đạn. Trong đời sống thực, đất không rực rỡ hoa ngày Tết, những nhân vật chính không chắp cánh bay lên, Mai và Jim đã không có đủ thì giờ để tìm những phút đồng cảm giữa cơn hãi sợ. Trong đời sống thực, làm sao John biết được, ngày ấy, anh đã lọt trọn vào tầm nhắm của tôi, Phượng, bí danh Út Hường, nữ sinh viên hoạt động nội thành. Nhưng do ngẫu nhiên, khẩu súng kẹt đạn. John thoát chết, và sau đó, có lần, trong đời sống thực, tôi đã thầm nói yêu anh. Cổ Ngư SAINT-QUENTIN-EN-YVELINES 08.1999