1. Hà Nội và quê của mẹ nó chỉ cách nhau chưa đầy một giờ xe chạy mà sự trở về của nó làm mẹ nó luống cuống, lập cập, run rẩy cứ như thể cách xa nửa vòng trái đất. Lẽ vì, chỉ đến dịp hè, nó mới được về với mẹ và các chị. Đó là những ngày nó được ăn cùng với mẹ và các chị, nó được ngủ cùng với mẹ và các chị.
Hàng ngày ba chị em nó được chơi đùa, chạy nhảy thỏa thích. Nó thích nhất là lúc chị hai nó tập xe đạp, chị hai trèo lên xe (kiểu chân chó ấy mà) thả từ trên đầu dốc xuống, không có ai giữ xe, cứ như thế lao thẳng xuống dưới cuối dốc. Ở đó có một bụi dứa dại rất to, chúng lấy làm đích và lao thẳng vào đó cho xe đổ kềnh ra. Nó đứng trên đầu dốc vỗ tay ầm ĩ còn chị nó bị gai dứa cào xước hết cả chân tay. Chị nó đứng lên, dựng cái xe đạp  và lại dắt bộ lên dốc đến lượt chị lớn. Cứ như vậy chúng nó chơi không biết chán, nó xin hai chị cho nó đi với nhưng chân nó làm sao đạp được cái xe kềnh càng thế. Và nó cũng sợ.
Chị nó bảo làm con trai mà nhát như thỏ, nó không hiểu lắm nhưng mà không dám, đành đứng nhìn các chị. Thi thoảng mẹ nó cho cả ba chị em lên chợ huyện chơi, mua bao nhiêu là thứ. Mẹ nó rất nghèo, vì là công nhân về hưu nên chỉ vài bữa dắt con đi ăn quà hay mua vài ba bộ quần áo là hết tiền. Mẹ nó phải làm thêm bằng cách nấu cháo sườn bán cho trẻ em lớp mẫu giáo gần nhà, tùng tiệm cũng đủ sống qua ngày, mặc dù vậy chúng nó cũng chẳng bao giờ hết niềm vui.
Năm đó nó bắt đầu đến tuổi vào lớp một, mẹ nó bảo với bố cho nó học ở quê, "bao giờ nó lớn, biết rồi thì tôi trả ông" nhưng bố nó không nghe.
Vào một buổi chiều cuối hè, bố lái ôtô Uóat về đón nó đi Hà Nội để chuẩn bị vào lớp một. Nghe thấy tiếng ôtô dừng dưới chân đồi, nó hốt hoảng chạy vào buồng trốn. Mẹ nó nước mắt giàn giụa còn hai chị mải đi chơi chưa về. Nó trốn trong buồng nghe thấy tiếng bố nó vừa đi vừa hỏi mẹ nó thằng Tý đâu? Mẹ nó cất tiếng gọi nghèn nghẹn: "Ra đi con ơi, bố về đón này". Thế là nó khóc ầm lên, cuống cuồng gọi hai chị để... cầu cứu. Hai chị nó đang chơi dưới chân đồi thấy xe của bố về đón em, chúng vội vã chạy lên, chào bố và "Xin bố cho em ở nhà cùng chúng con". Bố nó bảo: "Các con thì biết cái gì" rồi hất đầu ra hiệu chị lớn dắt em xuống dưới xe để bố và mẹ nói chuyện.
Chị lớn dắt em đi, thằng bé cứ níu  lại không chịu đi. Trời bắt đầu có hạt mưa. Chị nó dắt nó chạy xuống dốc nhưng không ra xe mà rẽ ngang sang một con đường nhỏ đi ra phía cánh đồng. Hai chị em cứ vừa đi vừa chạy. Trời bắt đầu mưa nặng hạt. Chạy miết chạy miết, chúng nhìn thấy cái lò gạch. Cả hai chị em ướt như chuột lột. Thằng bé vừa chạy vừa ngoái nhìn xem bố có đuổi theo không. Chị nó bảo cố lên, chui vào trong lò gạch trốn chẳng ai tìm thấy chị em mình đâu. Hết mưa chị em mình lại đi tiếp. Nghe chị nói thế, nó buông tay chị lao thẳng lên cái lò gạch, chui vào nép sát bờ tường để mưa khỏi bắn vào người. Chị nó ôm chặt lấy nó vỗ về: "An toàn rồi không sợ ai nhìn thấy nữa".
2. Cuộc trốn chạy thật ra bắt đầu từ những bi kịch cũ, từ năm nó còn là cái bào thai nằm trong bụng mẹ. Thay vì được nghe nhạc cổ điển để thông minh như khoa học đã chứng minh, thì nó lại chỉ được nghe những trận cãi vã thường ngày của bố mẹ nó. Dường như họ đâu có biết rằng cái thai đó cảm nhận được những điều vui buồn mà hàng ngày vẫn diễn ra.
Nó lớn dần lên trong bụng mẹ, rồi nó cất tiếng khóc chào đời trong  ngày đông giá rét. Khỏi phải nói ông bà nội nó mừng đến thế nào khi mẹ nó đã sinh hai lần, rặt con gái. Dẫu vậy, ở một gia đình mà sự yêu thương đã bị thay thế bằng nước mắt của mẹ nó, thì chuyện nó có là con trai hay không cũng chẳng quan trọng. Mọi thứ đã được sắp đặt sẵn theo toan tính của bố nó, có khi, sự ra đời của nó chỉ là sự trào phúng nhất thời trong một vở bi kịch mà thôi.
Những tháng ngày nó được ở cùng bố mẹ chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Sau khi sinh nó ra, bà nội nó chỉ ở với nó được vài ngày rồi bỏ về quê vì không thể chịu nổi cái cảnh bố mẹ nó cãi nhau. Cuộc sống của bố nó cũng buồn tẻ, đến cơ quan làm việc và kết thúc một ngày bằng những cuộc rượu ngập mặt. Khi người đàn ông chếnh choáng hơi men, tàn cuộc vui với bạn bè thì…  nhìn thấy nhà cửa bừa bãi và đàn con nhỏ là lại đá thúng đụng nia. Đã thế, mẹ nó lại có cái tính hay "mát mẻ", và những lời nói của mẹ nó tuôn ra chẳng chóng thì chầy cũng... lãnh đủ!
Rồi những chuyện bất đồng của bố mẹ nó ngày càng lớn dần lên. Cho đến khi nó được ba tuổi thì bố nó gửi đơn ra tòa đòi ly hôn. Thật ra, khi nó chưa được hình thành, bố mẹ nó đã gửi đơn ra tòa rồi. Nhưng rồi mẹ lại thai nghén nó nên bố nó xin rút đơn ly hôn. Tưởng rằng có nó sẽ cứu vãn được tổ ấm gia đình nhưng nó cũng "chẳng là cái gì". "Cuộc chiến" giành con bắt đầu diễn ra, người đàn ông quyết liệt đòi giành phần nuôi nó, còn mẹ nó lẳng lặng ngồi một bên chờ tòa phán quyết. Theo nguyên tắc của tòa thì người bố sẽ nuôi đứa con lớn, còn hai đứa nhỏ mẹ nuôi, nhưng hai đứa con gái không muốn ở với bố. Buộc lòng, trong một phiên hòa giải, tòa án bảo bố mẹ nó đưa hai chị nó ra tòa để họ lấy nguyện vọng của hai chị nó. Họ phát cho hai chị nó mỗi người một cái bút và một tờ giấy, bảo con viết lên đó những gì con suy nghĩ, và hai chị nó đều viết: "Con xin ở với mẹ vì bố con lúc nào cũng say rượu và quát mắng".
Kết thúc phần nghị án, chị lớn về ở với bố nó. Nó được ở lại với mẹ và chị thứ. Hè năm đó chị lớn được về thăm mẹ và hai chị em nó. Khi bố về đón chị để ra Hà Nội học tiếp, chị nó cứ nằng nặc đòi ở nhà với mẹ. Bố nó giọng đanh lại: "Con lớn ở nhà thì đưa thằng bé tôi nuôi, tôi cần thằng bé". Cũng như những lần trước, mẹ nó chỉ biết ngồi lặng im và khóc.
Rồi bố nó đưa bà nội về đón nó đi. Ra tới Hà Nội, những ngày đầu nó còn được bà nội chăm sóc, nhưng rồi bà nó phải về quê để chăm ông nội nó đang đau ốm. Hàng ngày, bố nó vẫn tìm nguồn vui bằng những trận bù khú bên đồng nghiệp. Chẳng còn ai làm bầu bạn với nó nữa. Cuộc sống của nó giờ là những bức tường vôi trắng. Nó chỉ còn biết làm bạn với bốn bức tường và những gói bim bim. Trong gói bim bim ấy, nhà sản xuất đủ khôn ngoan để dỗ con trẻ bằng các hình thù siêu nhân lạnh lùng và kỳ quái. Một trò chơi mới đến với nó, mỗi lần ăn xong nó lại lấy các hình đó dán lên tường. Nó không thể nhớ nổi mình đã ăn bao nhiêu gói bim bim để rồi cả bốn bức tường được dán kín mít toàn siêu nhân. Nó bắt đầu đặt tên cho từng siêu nhân, có khi đó là tên mẹ nó, tên chị nó… cũng có lúc là tên bố nó. Thậm chí, có thể là một cái tên xa lạ nào đó, mà nó vừa nghĩ ra.
Nhà nó ở khu chung cư cũ của một trường đại học. Diện tích nhỏ hẹp cho nên chỗ chơi của nó là cái giường và khoảnh không gian bằng manh chiếu. Khu vệ sinh và bếp chung với một gia đình nữa cho nên lúc nào bố nó đi làm cũng khóa cửa nhốt nó ở trong nhà với một cái bô để nó tự đi vệ sinh. Hàng xóm bảo, sao không gửi nó vào trường mẫu giáo để nó còn đi học lớp một, nhưng bố nó phải đi làm xa, sớm đi, tối mịt mới về, lấy ai đưa đón? Khi nào nó đi học lớp một sẽ cho học bán trú và khi về nó đã biết tự mở cửa vào nhà. Buổi trưa thì có bà hàng xóm nấu cơm đem sang cho nó một bát to, trong đó có đủ thức ăn (bố nó gửi tiền nhờ bà nấu giúp). Tối đến bố nó về thì mua cơm hộp hai bố con cùng ăn.
Mọi thứ diễn ra tẻ nhạt và nặng nề. Bố nó không quan tâm đến sự cô đơn của nó. Mà có mấy người lớn biết được nỗi cô đơn của trẻ con! Bố nó chỉ biết mua về những gói bim bim cho nó ăn thỏa thích những lúc đói và bình nước lọc to tướng để ở cái ghế cho nó tự lấy uống. Còn nó, gắn liền với những siêu nhân là cái cửa sổ trên tầng năm nhìn ra ngoài mênh mông trời đất. Nhiều lúc nó nhớ mẹ và các chị nó vô cùng, nhưng nó không dám đòi về quê với mẹ, vì đã nhiều lần đòi về thì bị bố mắng. Nó ước gì siêu nhân giúp nó hóa thành con chim nhỏ chui qua cửa sổ bay về bên mẹ và chị. Diệu kỳ thay, bốn bức tường dán kín siêu nhân đã đem mẹ nó đến, mẹ như một bà tiên. Mẹ gọi cửa và cả chị nó nữa, nó òa khóc.
Mẹ nó bảo đưa chìa khóa cho mẹ mở cửa. Nó luống cuống mãi không tháo được cái chìa khóa mà hàng ngày bố nó buộc cái dây vẫn treo ở cổ nó. Nó giãy giụa, cuối cùng nó phải chìa cái cổ gầy guộc ra cái lỗ cửa để cho mẹ nó cắt dây đeo, lấy cái chìa mở cửa vào nhà. Bốn mẹ con ôm nhau khóc nức nở.
Việc đầu tiên là mẹ nó đi đổ bô cho nó, sau đó dọn dẹp nhà cửa, còn ba chị em nó chơi với nhau. Mừng quá, nó chỉ biết nhìn hai chị cười, còn hai chị nó sờ mó em xem nó lớn thế nào. Rồi chúng đề nghị mẹ cho đi chơi và bốn mẹ con khóa cửa lại xuống đường. Mẹ nó gọi một cái xích lô cả bốn mẹ con ngồi lên đó đi Bờ Hồ ăn kem. Hà Nội thật lạ, đường phố không được dán kín siêu nhân, nhưng đi bên mẹ, nó vẫn thấy bao nhiêu là phép mầu. Đó là những khoảnh khắc hạnh phúc mà không biết bao lâu rồi nó mới có được. Nó như con chim được xổ lồng, cười nói luôn mồm, ánh mắt buồn thăm thẳm của nó biến đi đâu mất, thay vào đó là niềm vui ngời sáng trên khuôn mặt. Nó ôm chặt lấy mẹ, hít hà hơi thở của mẹ, tay nó luồn sâu vào trong lồng ngực của mẹ nó để tìm lại cái cảm giác thèm khát mà ở bố không bao giờ có. Nó ước ao cứ được như thế này, mãi mãi.
Không phải là giấc mơ, nhưng cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy phải nhanh chóng kết thúc. Nó cần được trả về nơi bốn bức tường dán kín siêu nhân thuộc về nó. Bốn mẹ con về tới nhà thì trời vừa nhá nhem tối, mẹ nó bảo phải cho hai chị về quê không thì nhỡ chuyến ôtô cuối cùng. Nó gào khóc lăn lộn, không cho mẹ và hai chị về. Nó nhìn vào cái nhà, vào cái ổ khóa mà căm thù. Mẹ bảo nó vào nhà để mẹ khóa cửa. Nó cầu xin mẹ nó cho nó về quê cùng. Nhưng mẹ nó nói không được, cả ba chị em nó kêu khóc, kẻ đi người ở. Ông trời cũng chẳng động lòng thương. Mẹ nó vừa đẩy nó vào nhà vừa khóc, còn các chị nó thì cũng lao vào theo "Xin mẹ khóa cửa cả ba chị em con được ở với nhau". Bất chợt bố nó về, nhìn tình cảnh ấy, bố nó quát lớn: "Ai cho mẹ con cô đến đây!". Thế là tất cả lặng im, chết khiếp. Mắt nó mở rõ to, ngạc nhiên nhìn bố nó như người hành tinh khác, còn các chị nó thì lý nhí "Con chào bố". Mẹ nó chỉ dám nói: "Tôi nhớ thằng bé quá và cho chị em nó gặp nhau một lúc rồi về".
3. Trong cái lò gạch cũ, tối thui và ẩm ướt. Trời vẫn mưa như trút nước, nó rét, nó run. Mưa quất vào mặt nó liên hồi, rát rạt. Chị nó ôm chặt nó vào lòng như con gà mẹ xù lông che chở cho con. Khoảng hơn tiếng đồng hồ mưa ngớt dần, yên tâm chắc chẳng ai tìm nữa, hai chị em nó chui ra khỏi lò gạch. Chúng ngây thơ đâu biết rằng, bố mẹ và cả hàng xóm nữa tỏa đi tứ phía tìm hai chị em. Dù hai chị em nó có trốn ở đâu thì họ vẫn tìm ra. Mẹ nó một tay bế nó một tay dắt chị nó chạy về nhà.
Về tới nhà thấy bố đang đứng giữa nhà, nó sợ quá ôm chặt lấy mẹ. Bố nó bình tĩnh hơn hỏi: "Bây giờ con nói đi, con ở với ai?". Khỏi phải nói ở với ai thì bố nó cũng biết. Mẹ nó vừa vội vã lau người, thay quần áo cho chị em nó vừa nói: "Từ nay con không phải đi Hà Nội nữa". Nó nghe xong ngả vào lòng mẹ thiêm thiếp...
Nó ngủ mê mệt cho tới sáng hôm sau, khi tỉnh dậy nó vẫn không biết có phải mơ hay không mà nó vẫn đang ở nhà của mẹ nó. Mẹ nó cho nó ăn sáng, mặc cho bộ quần áo mới và chuẩn bị đưa nó đến trường huyện xin cho vào học lớp một.
Từ đó trở đi nó không còn phải giam mình trong bốn bức tường nữa, và hình như nó cũng quên đi những gói bim bim, bởi vì mẹ nó nghèo, tiền kiếm được chỉ đủ bữa cơm hàng ngày và đóng tiền học cho chị em nó... Trong cơn mơ, nó vẫn thường lui tới với những bức tường kín bưng dán toàn siêu nhân..

Xem Tiếp: ----