Cho mùa Vu Lan

Đã gần 50, Mạnh Giao mới có cơ hội cho mẹ được một nơi ấm cúng, an nhàn.  Trong khi mẹ cũng đã quên ngày tháng cứ tiếp tục lo cho con cho hết quãng đời mà không có biết con mình bao nhiêu tuổi.  Bài thơ rất quen thuộc khi tôi còn học ở trung học Hoa ngữ.  Mãi cho đến hôm nay, tôi mới có dịp triễn khai.  Hy vọng nó mang một ý nghĩa cho cuộc đời và thế hệ sau. 
遊子吟孟郊
 
慈母手中缐,
遊子身上衣。
臨行密密缝,
意恐遲遲歸。
誰言寸草心,
報得三春暉。 
Du Tử Ngâm - Mạnh Giao
dịch giả:  Trương Văn Tú
 
Từ mẫu thủ trung tuyến,
Du tử thân thượng y.
Ninh hành mật mật phụng,
Ý khủng trì trì qui.
Thùy ngôn thôn thảo tâm,
Báo đắc tam xuân huy.
 
Tạm dịch:
Mẹ hiền chỉ trong tay,
Du tử áo trên thân.
Ngày đi con lại kề,
Mẹ vội từng mũi kim.
Lòng e con muộn về,
Tâm tư mẹ chôn kín.
Tấc cỏ lòng nhỏ nhoi,
Mong đáp ánh ba xuân.
 
Triển khai:
Mẹ hiền cọng chỉ trên tay,
Con đi áo mặc mẹ may trên mình.
Ngày kề mẹ vội mũi kim,
Lòng trong thấp thỏm ngày con muộn về.
Rằng, một tấc thảo tâm hề!
Mong sao báo đáp ánh ba xuân dầy.
 
A. Tóm Lược Tiểu Sử Tác Giả:
 
Mạnh Giao (751-814), tự Đông Dã, người huyện Võ Khương, tỉnh Hồ Châu, đời nhà Đường, nay thuộc tỉnh Chiết Giang.  Tổ phụ người thuộc Bình Xương (nay thuộc Đông Bắc Ninh Ấp, tỉnh Sơn Đông). Sau cha Mạnh Đình Phân, ngụ tại Lạc Dương, tỉnh Hà Nam.  Nhậm chức Khôn Sơn huyện húy. Mạnh Giao mất cha từ thuở nhỏ.  Sống cùng với mẹ, gia đình nghèo khó.  Cuộc đời lận đận trên quan trường không phải do sự kém tài mà do sự dèm ém của tham quan ô lại.  Cộng vào sự tính tình bộc trực, với thái độ “bất cần” thế sự cho nên sự tiến thân trên quan trường của ông càng khó khăn hơn.  Nguyễn Công Trứ có một câu như thế nầy:
 
“…..
Ngoài vòng cương toả chân cao thấp,
Trong thú yên hà mặc tỉnh say.
…...”
-Thú Tiêu Dao, Nguyễn Công Trứ
 
 Cho đến năm 46 tuổi mới đổ được Tiến Sĩ (Mạnh Giao trượt 2 lần).  Với một niềm vui khôn tả sự đỗ đạt của ông trong trong bài “Hậu Đăng Khoa”
 ……
Xuân phong đắc ý mã đề cấp,
Nhất nhựt khán tận Trường An hoa.
 
Nhưng rồi ông phải đợi đến 4 năm sau, tức năm 50 tuổi (Đường, Trinh Nguyên năm 16), mới được bổ làm huyện úy Lật Dương, tỉnh Giang-Tô.  Điều nầy cũng đủ cho thấy quan trường cũng lắm chông gai, chua chát.  Cũng không quên ngày xưa với quan niệm “nhứt sĩ, nhì nông” cho nên muốn nên danh phận với trời đất phải thì ta phải là kẻ sĩ.  Nhưng làm kẻ sĩ có ai biết lắm sự đắng cay vinh nhục như trong thơ cuả Nguyễn Công Trứ:
 
“…..
Ra trường danh lợi, vinh liền nhục,
Vào cuộc trần ai, khóc trước cười.”
-Con Đường Làm Quan, Nguyễn Công Trứ
 
Mạnh Giao thì thích làm thơ, việc công trì trề nên bị giảm đi nữa lương.  Có lẽ ông ta không chịu luồng lót nên mới ra thể nầy.  Đúng là
 
“…..
Hễ không điều lợi, khôn thành dại,
Đã có đồng tiền, dở cũng hay.
….”
-Thế Thái Nhân Tình, Nguyễn Công Trứ
 
Năm Trinh Nguyên ông phải từ quan cùng mẹ về quê Hồ Châu.  Vào năm Đường Nguyên Hòa, Doãn Trịnh, tỉnh Hà Nam đề cử ông Thủy Lục vận chuyển tòng sự, Thí Hiệp Luật Lang.  Lúc ấy tuổi ông cũng đà 56.  Từ bối cảnh công danh lợi, cho đến những chuyện bất hạnh trong gia đình, ba đứa con trai ông cùng yểu mạng
 
Vô tử thiếu văn tự,
Lão ngâm đa phiêu linh.
-Lão Hận, Mạnh Giao
 
Thơ ông đầy sự phẩn uất, chua chát,  ngạo đời, và châm biếm thế sự bởi sự bất công của những người dân nghèo tay lấm chân bùn như trong Hàn Địa Bá Tánh Ngâm, Chinh Phụ Oán, Vọng Phu Thạch (Hòn Vọng Phu ở Việt Nam).  Mặc dù là vậy, nhưng những bài thơ không kém sự kiêu ngạo, bất khuất của một kẻ sĩ chẳng hạn như Bạch Đôn Bần Cư, Khổ Hàn Ngâm. Thơ của ông có hơn trên dưới 450 bài nhạc phủ (1) và cổ thi.  “Mạnh Đông Dã thư tập” gồm 10 quyển, xuất tự Tống Mẫn, Bắc Tống nhưng đã bị đánh mất bởi Huỳnh Bội Liệt.  Lục Tâm Nguyên thì còn giữ bộ Tống, Cấp Cổ Các, nay ở Nhật Bản.  Ngoài ra các bộ khác như Châu Mặc Các, …..
 
B. Du Tử Ngâm - Giảng Dịch:
 
Du Tử Ngâm thuộc thể Đường, ngũ ngôn cổ thi.
Từ mẫu thủ trung tuyến,
Du tử thân thượng y.
Ninh hành mật mật phụng,
Ý khủng trì trì qui.
 Tác giả khéo léo dùng kim chỉ rồi đến cái áo mặc trên mình để diễn tả tình thân của mẹ, “mẫu tử tương y”.  Nếu không kim chỉ thì sao lại được chiếc áo.  Cũng nên nhớ rằng Mạnh Giao sớm mất cha.  Mẹ lại phải gánh vác cả chức năng của một người cha do đó công ơn dưỡng dục đều qui về mẹ.  Cứ mỗi lần lên Trường An ứng thí biết bao là vật vả và tốn kém.  Có thể cả ba, bốn tháng dài.  Sự trông ngóng, nhớ thương con, mong con sớm về là điều hẳn nhiên. 
Đều này cứ mỗi lần tôi nghĩ đến thì lại nhớ đến mẹ tôi hối hả nào thịt, nào cá chà bong cho khô trên cái lò chấu, lửa cháy vàng hoe, để nhờ người mang cho anh tôi khi còn du học ở Nhật. Mẹ tôi sợ rằng con không đủ ăn rồi không đủ sức khoẻ
 
"
....
Một miếng chà bông mẹ vất vả,
Nước mắt nào đâu cứ tuông dài. 
Keo nào keo nấy đầy vun vút,
Lòng mẹ cho con cũng ngập đầy."
 
-Keo Chà Bông, Trương Văn Tú
Rồi lại một lần cái hình ảnh của mẹ tôi cố bương bả trước hàng đầu mong rằng nhìn thấy mặt con lần cuối (?) trên chiếc ghe cá vượt biển mà quắt tay không ngừng.  Miệng thì cứ kêu tên con ơi ới, Tú ơi! Tú ơi!  Có lẽ mẹ tôi sợ rằng chiếc ghe nầy ra đi bà sẽ không còn hy vọng để nhìn thấy con lần cuối.  Xa xa tôi nhìn thấy bóng dáng của mẹ tôi trong muôn người khác.  Lòng xót xa khôn cùng.
  "Tay kia mẹ vẩy không ngừng,
E rằng chỉ thấy mặt con lần nầy.
Con đau, con xót đêm dài,
Nhưng vì thế cuộc con đây phải lìa.
...."
-Mẹ và Đêm Vượt Biển, Trương Văn Tú
  Cái hình ảnh nầy nó khắc khoải muôn đời trong tiềm thức của con.
  Mạnh Giao thì khi nhìn thấy mẹ cặm cụi trong kim chỉ nhưng lòng lo lắng của bà không tránh được ánh mắt của con.  Sự cảm xúc nầy dẫn cho ông có cảm giác ông chỉ là một cọng cỏ nhỏ nhoi trong muôn ngàn cọng cỏ đang hưởng ánh nắng mùa xuân chan hòa của mẹ.  Mà công ơn nầy không bao giờ trả hết.  Hai câu cuối của bài thơ cho ta thấy tâm trạng của Mạng Giao
 
“Thùy ngôn thôn thảo tâm,
  Báo đắc tam xuân huy.” (2)
 
Dịch:
 
Rằng, một tấc thảo tâm hề!
Mong sao báo đáp ánh ba xuân dầy. 
Nguyễn Du cũng mượn ý hai câu thơ nầy để diễn tả hiếu nữ Thúy Kiều phải bỏ tình riêng với Kim Trọng để mang thân chuộc cha và em như sau: 
  Đau lòng tử biệt ba sinh,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!
Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân. 
  Một mùa xuân được chia làm Thượng xuân, Trung xuân hay Trọng xuân, và Hạ xuân nên gọi là ba xuân (tam xuân). Du Tử Ngâm sau được quảng bá trong tầng lớp thiếu nhi nay trở thành đồng dao.
Chú Thích:
 
triều đình khi có yến tiệc.
(2)  Ba xuân không có nghĩa là ba năm.  Ba xuân có nghĩa là một mùa xuân gồm có Thượng xuân, Trung xuân, Hạ xuân.
  Thơ, dịch giảng thuộc quyền sở hửu tác giả ngoại trừ sự dẫn chứng từng nguồn khác đã được chú thích.
Dịch giả:  Trương Văn Tú (Lãng Nhai)
Vu Lan, August 28, 2009

Xem Tiếp: ----