- II -
Nước Mắt Ba Cô

Tuy chỉ mới ra khỏi thành phố khoảng năm chục cây số, nhưng tự dưng Hiển buồn ngủ đến nhướng mắt không lên. Anh lại là người lái xe, nên cuối cùng đành phải tấp xe vào lề, nói với mấy người đi chung xe:
– Tự dưng buồn ngủ quá, có lẽ kiếm ly cà phê uống rồi mới đi tiếp được.
Một người lên tiếng hỏi:
– Đây về Gò Công còn bao xa nữa?
Hiển đáp:
– Còn khoảng bằng này cây số nữa.
Người vừa hỏi là Thu Nguyệt, cô em họ vừa thi đậu đại học, là người được thưởng chuyến đi nghỉ mát này. Nghe Hiển đáp, cô ngao ngán:
– Còn xa mà trời đang chuyển mưa nữa...
Cô định đề nghị tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng nhìn chung quanh thấy đồng trống nhiều hơn là nhà, nên cô im lặng. Chợt Hiển chỉ tay về phía xa:
– Có mấy căn nhà ngói ở đằng kia, ta tới đó dừng xe nghỉ một lúc và nếu lỡ trời có đổ mưa thì cũng có nơi mà trú tạm.
Ai trên xe cũng tán đồng. Hiển cố căng mắt ra, cho xe chạy tới đó cách khoảng non cây số. Tới nơi, anh nhận ra mấy ngôi nhà ngói mà anh nhìn thấy đằng xa là một cụm ba ngôi biệt thự mới cất, mái ngói còn đỏ mới, nhưng cửa cả ba ngôi nhà đều đóng kín, cả cổng ngoài cũng khóa chặt.
Hơi thất vọng, Hiển bảo:
– Cũng như không. Chắc nhà vắng chủ...
Anh định lùi xe ra lộ lớn thì bất chợt trời đổ mưa!
Cơn mưa lúc đầu tưởng đâu nhỏ, nhưng chỉ chưa đầy năm phút sau thì nặng hạt và mịt mù trời đất! Thu Nguyệt hơi hoảng:
– Người ta nói trời mưa lớn mà ngồi trong xe hơi đậu giữa đồng trống thế này dễ bị.... sét đánh lắm đó.
Hiển cũng hiểu như vậy, nên anh lên tiếng:
– Chạy đi tìm nơi khác thì không còn kịp nữa rồi, mà vào nhà này lại cũng không xong. Bây giờ có ai dám leo vào rào không?
Vinh là anh chàng bám theo Thu Nguyệt chuyến này, cũng muốn chứng tỏ bản chất người hùng của mình nên lên tiếng ngay:
– Chuyện đó mình làm được. Nhưng chỉ ngại nhà có chó dữ...
Tuy nói vậy nhưng anh ta cũng mở cửa xe bước xuống. Nguyệt đưa cho cây dù và dặn:
– Anh che dù cho đỡ ướt, đồng thời dù cũng là phương tiện tự vệ hữu hiệu nữa. Anh nhớ bài học võ Vovinam chứ?
Được người yêu động viên, nên Vinh không chút ngại ngần, anh che dù và đầu tiên bước tới cổng lắc thật mạnh rồi gọi lớn vào trong:
– Nhà có ai không cho hỏi thăm?
Dĩ nhiên là không hề có ai đáp, bởi mưa gió quá lớn, nhà lại thụt xa bên trong, nên tiếng kêu đó dù cho có người trong nhà cũng chẳng ai nghe thấy.
Bỗng thấy Vinh gỡ ống khóa ra cầm trên tay, sau đó anh mở cánh cổng rộng ra, đủ cho Hiển lái xe hơi vào. Khi mọi người vào trong rồi, Vinh mới giải thích:
– Cái ống khóa chỉ móc đó chứ không bấm lại, nên chắc là chủ nhà mới đi đâu đó ra ngoài. Lát nữa có gì mình sẽ giải thích là mạo muội vào khi chưa xin phép...
Thu Nguyệt nói:
– Trú mưa mà, chắc chẳng ai trách cứ mình đâu!
Lúc này Hiển mới đưa mắt quan sát một lượt. Chợt anh ngạc nhiên khi thấy sau cánh cửa kính đóng chặt là một... cỗ quan tài nằm giữa nhà!
– Trời ơi!
Nghe tiếng kêu sửng sốt của Hiển. Nguyệt quay lại nhìn và tới phiên cô cũng gần như líu lưỡi...
– Quan... quan tài...
Cô bám chặt lấy Vinh, khiến anh chàng được dịp chứng tỏ bản chất người hùng của mình:
– Có gì mà sợ dữ vậy?
Anh ta nhìn theo ánh mắt của Hiển và Nguyệt, đến khi thấy cỗ quan tài thì cố chứng tỏ là mình không sợ:
– Thì có gì đâu, chắc nhà mới có người chết...
Anh ta rời hàng hiên, bước tới bên cánh cửa đóng kín, quan sát kỹ hơn.
Quanh quan tài không có nhang đèn hay bất cứ đồ lễ nào như các cuộc quàn xác khác, thêm vào đó là sự vắng vẻ đến kỳ lạ....
– Sao không có ai vậy kìa?
Hiển nhìn kỹ và nói:
– Cũng có thể quan tài không có xác ai. Bởi mấy nhà giàu thường hay mua trước áo quan cho người già chưa chết...
Nguyệt rùng mình:
– Áo quan mua sẵn thì người ta để ngoài, chứ ai để giữa nhà như vậy!
Hiển nhìn sang hai tòa nhà gần đó, anh bàn:
– Hay là ta qua bên kia, đỡ ớn hơn!
Thu Nguyệt ủng hộ ngay. Cô còn nói:
– Phải biết nhà có quan tài như vậy thì thà ở ngoài mưa còn hơn.
Cả ba đội mưa chạy sang ngôi nhà đối diện. Cũng là một biệt thự giống như ngôi nhà kia. Cửa cũng đóng kín...
Lần này thì Vinh là người vào trong trước tiên, và anh cũng la lên trước nhất:
– Bên này cũng có nữa!
Nguyệt không hiểu, hỏi lại:
– Có cái gì?
– Cỗ quan tài!
Hiển nghe nói thì quay lại và nhìn thấy cũng một quan tài giống hệt bên nhà kia! Anh hơi rúng động:
– Sao kỳ lạ vậy?
Nguyệt tái xanh mặt mày, cô ôm cứng lấy Vinh, vừa run giọng nói:
– Mình đi ra đi anh...
Hiển bước gần cửa kính nhìn vào, lần này anh lại nói khác:
– Đúng là trong quan tài có xác!
Anh chỉ tay về phía ngọn đèn dầu đặt dưới quan tài rồi nói:
– Như thế đó là quan tài có chứa xác. Người ta đốt ngọn đèn để cho xác không thành... ma!
Nguyệt nghe nói cô càng quýnh lên:
– Đi mấy ông ơi!
Cô kéo tay Vinh chạy thẳng ra ngoài mưa, nhắm hướng chiếc xe đậu định mở cửa leo lên, nhưng bỗng cô va phải một ai đó rồi cả hai đều ngã nhào!
– Trời ơi!
Vinh không bị ngã, anh đỡ Nguyệt dậy vừa hỏi:
– Em đụng cái gì vậy?
Nguyệt bò dậy, chưa kịp trả lời đã nghe ai đó tên tiếng:
– Mấy người là ai?
Nghe giọng lạ, Vinh hỏi lại:
– Ông là ai vậy?
Giọng kia khó chịu:
– Mấy người là ai, vào nhà người ta mà còn hỏi nữa là sao?
Lúc này Hiển đi sau, anh vừa tới nghe được, điềm tĩnh nói:
– Thưa chú, chúng cháu bị cơn mưa lớn quá không thể đậu xe ngoài kia được, nên mạo muội mở cổng vào. Không ngờ...
Một người đàn ông đứng tuổi đang lò mò đứng dậy sau cú ngã do bị Thu Nguyệt đụng. Ông nhìn không rõ những người trước mặt mình, nên vừa chạy thẳng vào ngôi nhà thứ ba vừa nói với lại:
– Mấy anh vào đây!
Thu Nguyệt đã bị ướt nên nhất quyết không chịu trở vào, cô bảo:
– Mình ra ngoài đi anh Hiển!
Vinh cũng chiều theo ý người yêu:
– Hay là mình đi Hiển ạ!
Hiển thấy đã có người, nên anh yên tâm, vội bước theo ông già. Lúc ấy người anh cũng đã ướt đẫm, nên vừa bước vào nhà thì đã phải dùng tay vuốt vội nước đọng trên tóc, khắp mặt. Vừa vuốt xong, bỗng anh hốt hoảng khi nhìn vào trong cửa kính. Cũng vẫn là một cỗ quan tài, giống hệt như hai cỗ quan tài ở hai ngôi nhà kia!
– Sao... sao lại...
Ông già mở cửa phòng kính và mời:
– Nếu thật sự cậu muốn trú mưa thì vào đây.
Thấy Hiển lưỡng lự, ông ta nói:
– Cậu ngại cỗ quan tài này phải không? Vậy thôi mời cậu sang đây, nơi ở của tôi.
Nói xong, ông ra đóng cửa lại và dẫn Hiển chạy qua một căn nhà nhỏ gần đó. Chẳng hiểu sao, Hiển ngoan ngoãn chạy theo mà quên cả hai người bạn còn ngoài mưa.
Cơn mưa càng lúc càng nặng hạt, lúc bước vào gian nhà nhỏ hơn, chưa kịp ngồt xuống thì chợt Hiển nghe có tiếng hét rất lớn từ bên ngoài. Anh hốt hoảng:
– Tiếng của Thu Nguyệt!
Anh tuôn chạy ra, phía sau là tiếng hỏi lớn của ông già:
– Cậu chạy đi đâu vậy? Coi chừng nguy hiểm!
Hiển chạy trở lại sân, nơi Thu Nguyệt và Vinh còn ở đó. Lờ mờ trong màn mưa, Hiển thấy chiếc xe đậu nhưng không nhìn thấy hai người bạn. Anh lên tiếng gọi lớn:
– Nguyệt ơi! Vinh ơi!
Không có tiếng đáp. Chợt khi ấy lại một tiếng thét lớn của Vinh từ phía sau lưng, Hiển hốt hoảng:
– Họ ở trong đó!
Nơi phát ra tiếng hét là chỗ ngôi nhà thứ ba mà Hiển vừa rời khỏi. Anh không suy nghĩ thêm, vội chạy bay về hướng đó:
– Các bạn ở đâu?
Không có tiếng trả lời và cũng không còn nghe la hét nữa... Lúc này chỉ có tiếng mưa, tiếng gió thổi.
– Bác ơi!
Lần này Hiển gọi ông già lúc nãy. Nhưng cũng không nghe tiếng đáp lại.
Anh phải gọi lớn hơn:
– Bác ơi, giúp cho mấy người bạn cháu với!
Lời anh vừa dứt thì cũng là lúc chân anh giẫm lên một xác người, khiến anh bị ngã nhào. Rồi hầu như Hiển không còn biết gì nữa...
Khi tỉnh lại, Hiển và hai bạn rất đỗi ngạc nhiên khi thấy mình đang nằm trên xe, mà chiếc xe lúc ấy đang đậu ở giữa đoạn đường vắng. Trời đã hết mưa và mặt trời vừa nhô lên sau rặng tre. Hiển ngạc nhiên kêu lên:
– Không lẽ mình đã ở đây suốt đêm?
Nhìn đồng hồ tay, Vinh sững sốt:
– Đúng là qua một đêm rồi!
Thu Nguyệt cảm thấy ê ẩm cả người, cô nhớ lại chuyện hôm qua thì cảm giác sợ hãi vẫn còn, nên giọng hơi run:
– Ngôi nhà đêm qua... Làm sao mình thoát ra được?
Hiển nhìn lại phía sau, anh kêu lên:
– Nó ở kia kìa!
Hai người nhìn theo tay chỉ của Hiển, nhận ra mái ngói của ba ngôi nhà ở cách đó không xa lắm. Thu Nguyệt giục:
– Mình đi đi Hiển!
Vinh cũng mất vẻ tự tin:
– Đúng là không nên ở đây...
Vừa khi ấy có một người đi ngang, Hiển lên tiếng hỏi:
– Phiền chị cho hỏi thăm, ba ngôi nhà ngói đằng kia là của ai vậy?
Chị đàn bà nghe hỏi thì nhìn sững ba người trên xe rồi nhẹ lắc đầu:
– Tôi cũng... không biết.
Chị ta định bỏ đi, nhưng chẳng hiểu sao lại quay lại và hỏi:
– Cậu ở xa đến phải không?
– Dạ phải. Chúng tôi muốn biết...
Chị ta đáp thật gọn:
– Nhà ma!
Hiển ngạc nhiên thì ít, mà Thu Nguyệt lại nghe lạnh cả người, cô líu lưỡi:
– Nhà... nhà có... ma là sao?
Chị nọ lặp lại:
– Thì nhà của ma! Do ma ở...
Chị ta bước đi rất nhanh nên Hiển không kịp hỏi thêm. Hiển thẫn thờ nhìn theo, anh lặp lại như không tin:
– Nhà có ma... phải chăng...
Nhớ lại ba cỗ quan tài trong ba gian nhà, Hiển lẩm bẩm nói:
– Phải chăng... đó là nhà mồ?
Anh thay vì chạy thẳng ra đường lớn, lại rồ ga cho chạy trở lại gần ngôi nhà hơn, Thu Nguyệt la to:
– Anh chạy tới đó tôi nhảy xuống xe bây giờ!
Nhưng lúc ấy chiếc xe đã tới cách ba ngôi nhà khoảng chưa đầy trăm thước, Hiển ngừng lại cạnh một người đàn ông đang xách cần câu từ ruộng bước lên và hỏi:
– Chú ơi cho cháu hỏi thăm...
Anh đưa tay chỉ vào ngôi nhà ngói, chưa kịp hỏi thì người kia đã lên tiếng trước:
– Cậu muốn hỏi ngôi nhà ma hả? Ở đây ai mà không biết nó...
– Nhưng... sao chẳng ai sợ? Hay làm gì để ma không ở...
Nghe Hiển hỏi ngớ ngẩn, ông ta vừa đưa tay quệt mồ hôi trán vừa nói tiếp:
– Ma nhưng chưa thấy phá phách gì ai, nên dân ở đây cũng đã quen...
Tuy ông ta nói thế, nhưng Thu Nguyệt vẫn sợ:
– Đi đi anh Hiển!
Người đàn nọ tỏ ra thích thú kể chuyện ma, nên nói một hồi:
– Ở đây ai mà không biết chuyện hồn ma ba cô! Người ta gọi là tam cô trinh nữ!
Câu chuyện đã hấp dẫn Hiển, một người khoái chuyện lạ, anh hỏi tới:
– Bộ họ chết trẻ lắm sao mà gọi là trinh nữ?
Người nọ nhìn vào xe thấy Thu Nguyệt nên bảo:
– Có lẽ trẻ hơn cô này và cũng đẹp như vậy!
Thu Nguyệt nghe mình bị đem so sánh với ma thì la lên oai oái:
– Tôi không phải là ma! Tôi... tôi...
Cô đưa cả hai tay ôm lấy mặt, nhích sát vào người Vinh. Người nông dân kia bật cười:
– Ma mà nhát thì càng trốn nó càng nhát dữ hơn!
Hiển còn tính hỏi thêm, nhưng cũng như chị lúc nãy, bác nông dân bỏ đi rất nhanh. Hiển rồ ga tới nữa, nhưng lần này Thu Nguyệt quyết liệt hơn:
– Anh mà tới nừa thì em chết liền cho anh coi!
Cô mở cửa xe, Hiển hốt hoảng:
– Thôi thì để anh cho xe quay lại!
Hiển đành phải chạy ra đường lớn, anh vẫn liếc nhìn về phía ba ngôi nhà ngói, tiếc rẻ:
– Phải chi mình có thì giờ tìm hiểu thêm, có lẽ thú vị lắm...
Thu Nguyệt la lên:
– Anh điên rồi sao cứ nhắc chuyện ma quỷ đó hoài vậy! Ma mà thú vị gì!
Cũng may là đêm qua...
Giờ Vinh mới lên tiếng:
– Lúc tụi này bước vào nhà thứ ba, vừa nhìn thấy cỗ quan tài trong đó, chưa kịp lùi ra thì như có ai đó ngáng chân, làm cả hai ngã cùng lúc!
Hiển kể lại:
– Lúc mình vừa chạy tới thì giẫm phải ai đó, mình cũng ngã!
Thu Nguyệt càu nhàu:
– Anh đạp phải em chứ còn ai nữa, người em giờ vẫn còn ê ẩm!
– Anh cứ tưởng cả hai đang bị nguy...
Nguyệt làu bàu:
– Thấy ba cỗ quan tài cùng lúc mà còn gì nữa! Em không tưởng tượng nổi...
Nghe hai bạn phàn nàn, Hiển không nói gì, bởi lúc đó trong đầu anh đang có một ý nghĩ gì đó chưa tiện nói ra...
Họ về tới Gò Công vào trưa hôm đó. Đáng lý ra Hiển phải ở lại cùng vui với cô em họ Thu Nguyệt và bà con ở đó, nhưng hơi bất ngờ, anh nói:
– Anh có một việc rất cần phải về Mỹ Tho. Vậy Nguyệt và Vinh ở lại chơi, ngày mai anh sẽ về đón.
Thu Nguyệt không vui:
– Em ở đây mà thiếu anh thì còn gì là vui nữa! Đầu têu mà vắng mặt...
Hiển đành cười trừ rồi vội vọt xe đi nhanh. Ra ngoài thay vì hướng về Mỹ Tho, Hiển ngược đường về hướng vừa qua. Anh đã quyết định tìm lại ba ngôi nhà... ma!
Nguyên nhân nào khiến Hiển quyết định như vậy, ngay lúc này anh cũng không thể lý giải được, chỉ thấy trong lòng mình như có sự thôi thúc khó hiểu...
Gần hai tiếng sau, anh đã có mặt ở trước cổng ba ngôi nhà. Sau một lúc suy tính, cuối cùng Hiển cho xe hơi tới gởi ở sân một ngôi nhà cách đó vài trăm thước, rồi đi bộ trở lại. Trời lúc ấy vừa mới tối, nên việc xuất hiện của Hiển không gây sự chú ý của những người lân cận. Nhờ vậy, khi Hiển lách qua cánh cổng mở hé thì vào bên trong được trót lọt, ở cả ba ngôi nhà đều có ánh đèn chỉ đủ sáng cho ba phòng khách, nơi mà lần trước Hiển đã nhìn thấy ba cỗ quan tài.
Nép mình vào một bồn hoa, Hiển bỗng giật mình khi nhìn thấy một người đang lom khom trước quan tài.
– Ông già bữa trước!
Ông ta đang cúi xuống làm gì đó trước quan tài, lát sau khi ông ta ngẩng lên thì Hiển nhìn rõ là ông vừa đặt một mâm cơm xuống cúng. Đứng cách hơn chục mét, nhưng Hiển cũng nhìn thấy được trong mâm cơm có khá nhiều thức ăn còn bốc khói, chẳng khác gì mâm dọn cho một người còn sống ăn!
Bất chợt ông già bước ra khỏi phòng, suýt nữa thì Hiển đã bị ông ta nhìn thấy. Anh vội ngồi thụp xuống. Ông già bước qua rất nhanh, hướng về ngôi nhà thứ hai. Hiển tò mò bám sát theo và thật ngạc nhiên, anh thấy ông già ghé lại chỗ một ghế đá, bưng lên một mâm cơm giống như mâm cơm kia.
– Ông ta làm gì?
Trả lời cho thắc mắc của Hiển là việc ông già bưng mâm cơm đi thẳng vào phòng, đặt nó xuống trước quan tài giống y như mâm cơm vừa rồi.
– Ông ta cúng?
Quả là như vậy, Ông già trịnh trọng cúng vái và đốt một nén hương, Mâm cơm cũng đầy thức ăn ngon và bốc khói!
Xong rất nhanh, ông già lại bước ra khỏi phòng và hướng về ngôi nhà còn lại.
– Thì ra ông ta cúng thường nhật!
Cúng xong trước cỗ quan tài cuối cùng thì ông già bước ra, và lần này đi thẳng về phía ngôi nhà nhỏ, tức chỗ ở của ông mà Hiển đã có dịp biết đêm qua.
Vừa định bước theo, chợt Hiển kịp nghĩ, anh lưỡng lự một chút rồi lần bước về phía ngôi nhà đầu tiên. Những gì diễn ta đã khiến Hiển trố mắt kinh ngạc! Mâm cơm với thức ăn đầy lúc nãy, giờ đây hầu như hết sạch!
– Ai ăn?
Hiển kêu lên khẽ, may mà anh kịp kiềm chế chứ không thì ai đó đứng gần có thể nghe được!
Chợt nghĩ tới hai mâm cơm còn lại, Hiển bước len qua các bụi cây và hướng về ngôi nhà thứ hai. Cũng giống như mâm cơm vừa rồi, mâm cơm này cũng không còn! Tim Hiển bắt đầu đập mạnh, anh chạy sang ngôi nhà thứ ba và... sững sờ khi thấy mâm này cũng chỉ còn lại những chén đĩa không!
– Trời ơi!
Lần này không kìm được, Hiển đã buột miệng thành lời và anh suýt đứng tim khi có ai đó vỗ lên vai mình từ phía sau!
– Cậu đừng nhìn như vậy sẽ không hay...
Đó là ông già vừa bưng cơm cúng. Ông ta kéo tay Hiển đi nhanh về phía gian nhà của mình với câu nói:
– Hôm qua các cô cậu đã mạo hiểm vào đây, nếu tôi không kịp thời đưa ra thì... không biết chuyện gì đã xảy ra! Sao hôm nay cậu lại trở vào nữa? Cậu có biết hành động này sẽ không hay lắm không?
Khi vào tới nhà riêng của ông ta rồi, Hiển mới đánh bạo hỏi:
– Những mâm cơm hết sạch vừa rồi có phải do người chết ăn không chú?
Ông già không đáp ngay mà nhìn ra ngoài bầu trời đêm, một lúc sau mới lên tiếng:
– Chứ theo cậu thì ai vào đây ăn?
– Nhưng.. xưa nay cơm cúng cho người chết thì chỉ tượng trưng, chứ làm sao ăn như thật được?
– Vậy mà được...
Ông già trả lời xong thì đứng lên đi vào phía trong. Nửa phút sau ông trở ra, trên tay cầm một đĩa trái cây tươi, ngon, vừa bảo Hiển:
– Cậu cứ ngồi đây chơi chờ tôi một chút, tôi cho các cô tráng miệng xong đã.
Hiển nói:
– Cháu muốn đi theo chú...
Ông già lắc đầu:
– Để cậu vào đây là quá rồi, làm sao cậu có thể vào trong đó được.
Ông đi khoảng năm phút. Khi trở lại thì mang về ba cái mâm với chén đĩa dùng xong như Hiển đá thấy lúc nãy. Lúc này ông già mới nói rõ hơn:
– Ba cô này chẳng khác nào con ruột của tôi. Các cô xem tôi như cha chú, bởi vậy cho nên khi các cô chết thì tôi không nỡ rời xa. Và các cô cũng chỉ để mình tôi gần gũi, chăm sóc...
– Tại sao họ chết vậy chú?
Ông già vừa định trả lời, thì có một tiếng động lớn vang ra từ trong nhà.
Ông thất sắc:
– Cậu đi đi!
Hiển chưa hiểu sao mình bị đuổi ngang, anh hỏi lại:
– Sao vậy chú?
Lời anh vừa dứt thì có mấy vật gì đó từ trong bay ra rơi xuống ngay trước mặt vỡ toang. Ông già hốt hoảng:
– Các cô giận lên rồi, cậu đi nhanh đi kẻo không kịp...
Ông sợ Hiển không đi nên đích thân kéo tay anh dậy và lôi nhanh ra sân, vừa nói trong nỗi sợ hãi:
– Các cô ấy chưa bao giờ giận đến như vậy cả, không xong rồi!
Lúc Hiển ra gần tới cổng rồi mà vẫn nghe tiếng rổn rảng từ trong nhà.
Ông già đẩy anh ra cửa và nói nhanh:
– Lần tới mà cậu vào đây khi chưa được phép thì tôi không chịu trách nhiệm đâu!
Hiển ra rồi ông khóa chặt cổng từ bên trong, chứ không bấm hờ khóa từ bên ngoài như hai lần trước. Ông già biến rất nhanh trong khu vườn vắng...
Hiển hiểu là hôm nay anh chỉ nên chấp nhận những gì ông già khuyên, mặc dù khi trở lại đây anh còn có ý định táo bạo hơn... Khi trở lại xe, vừa mở cửa xe ra anh đã ngạc nhiên khi thấy một nải chuối tươi ngon nằm ở ngay ghế lái xe!
– Mình đã khóa cửa xe rồi mà!
Nhìn vào ngôi nhà nhỏ nơi anh gửi xe thì trong nhà chẳng có ai ngoài vài đứa trẻ đang nằm ngủ, mà bọn chúng thì không thể là thủ phạm để chuối vào xe anh được! Hiển lưỡng lự môt chút rồi để nải chuối sang một bên, cho xe trở ra lộ lớn.
Dừng lại một quán cà phê đang vắng khách, Hiển khéo léo hỏi thăm:
– Cô cho cháu hỏi thăm, ba căn nhà trong kia hiện giờ chủ còn ở không vậy?
Bà chủ quán nhìn Hiển một lượt rồi chợt nói:
– Hình như cậu mới từ trong đó ra phải không? Tìm chủ nhà mà không gặp chứ gì? Cậu quen với gia đình ông bà Phạm gia đó như thế nào?
Vô tình Hiển biết được chủ nhà họ Phạm, nên anh bịa chuyện:
– Dạ.... bác Phạm ngày trước là bạn của ba cháu. Kể từ khi...
Hiển chưa nói hết lời thì chủ quán đã mau miệng:
– Chắc kể từ ngày ông bà đó định cư ở nước ngoài cậu không ghé nhà chứ gì! Nhất là từ lúc nhà xây lại và ba cô con gái...
Hiển làm ra vẻ ngớ ngẩn:
– Ba chị em nhà đó bây giờ chắc lớn lắm rồi?
Bà chủ quán thở dài:
– Tội nghiệp, số kiếp hồng nhan...
Bà ta nói giọng điệu ra vẻ những người xem tuồng kịch cải lương nhiều, nên câu chữ đượm hơi hướm sân khấu lắm:
– Hồng nhan bạc phận mà. Tội nghiệp, mới hai mươi tuổi đời mà đã rủ nhau chết hết!
Hiển làm như sửng sốt lắm:
– Chết cả ba cô?
Bà gật đầu:
– Cả ba chết một lượt!
Rồi hình như thấy chưa đủ, bà chủ quán lại nói thêm chi tiết hơn:
– Cách đây hơn ba năm, trong một dịp đi chơi Nha Trang bằng xe hơi nhà, ba cô Diệp, Thúy, Nga bị tai nạn đụng xe, chết cả ba người. Đau đớn hơn là khi ấy ba cô đều đã có giấy tờ xuất cảnh đoàn tụ gia đình với cha mẹ ở nước ngoài, tính là sau chuyến đi Nha Trang sẽ lên máy bay...
– Trời ơi!
Đó là tiếng kêu xuất phát từ tấm lòng của Hiển. Anh sững sờ thật sự khi nghe kể. Và trong một giây không kiềm chế được, anh thốt lên:
– Chẳng trách các cô ấy thành ma!
Câu nói của Hiển tuy nhỏ, nhưng cũng đủ cho bà chủ quán nghe:
– Cậu cũng biết các cô ấy thành ma?
– Dạ....
Bà không giấu giếm:
– Ông bà Phạm ở nước ngoài về khóc chết lên chết xuống, và sau cùng định thiêu xác các con đem đi đoàn tụ, nhưng hồn các cô không chịu. Hai lần ông bà Phạm tính thiêu xác thì cả hai lần xe chở ba cỗ quan tài đi thiêu đều không thể nổ máy được! Cuối cùng họ phải cầu vong các cô về, và biết được các cô chỉ muốn ở lại trên mảnh đất vườn của ông cha. Do đó mới có chuyện xây ba ngôi nhà rộng cho ba cô...
Hiển đã nhìn thấy ba cỗ quan tài trong ba ngôi nhà, nên anh reo lên:
– Đúng là như vậy!
– Cậu nói đúng cái gì?
Không muốn để bà ta biết mình đã vào nhà và biết nhiều chuyện, nên Hiển nói lảng sang chuyện khác:
– Hai ông bà Phạm gần đây có về không cô?
– Thấy năm nào họ cũng về. Họ thương ba đứa con lắm, nên các cô chết đi thì hầu như bà Phạm chỉ muốn chết theo. Nghe nói năm tới có thể bà ấy sẽ trở về ở luôn đây với các con.
Rồi bà nói thêm:
– Tôi cũng chưa từng thấy người đầy tớ nào trung thành và thương con chủ như ông Tư hiện nay ở giữ nhà mồ.
– Ông ta có bà con gì với gia đình họ không cô?
– Hoàn toàn không, chỉ có điều là ông ấy ở giúp việc trong nhà từ lúc các cô mới sinh, nên có lẽ vì vậy mà khi ông bà chủ nhờ ông ở lại chăm sóc nhà mồ cho con họ thì ông ta nhận lời liền! Nội chuyện chỉ một người sống ở chung với ba người chết như vậy đã thấy là ông già Tư cản đảm cùng mình rồi! Mà nghe nói là vong hồn ba cô còn linh hiển lắm, chẳng khác nào người sống...
Bà hạ thấp giọng, ra điều quan trọng:
– Ông già Tư không kể, nhưng nghe nói bữa nào ông cũng đi chợ nấu ăn thật ngon để cúng vong hồn các cô! Nghe nói họ ăn được thức ăn như khi còn sống vậy! Thiên hạ ở đây đồn đãi dữ lắm, nhưng chưa một ai thấy được tận mắt, bởi đâu có ai lọt được vào trong nhà đó mà an toàn trở ra!
Hiển tò mò:
– Sao vậy cô?
– Ma bắt, ma vặn họng bất cứ ai vào nhìn thấy nhà mồ của họ! Đã có không ít người bị rồi. Chứ nếu không thì làm sao nhà mồ đó yên ổn được với bọn người tham lam gần xa.
Hiển bất chợt rùng mình. Anh lắp bắp hỏi lại:
– Chuyện đó có thật sao cô?
– Sao lại không thật? Bởi vậy cánh cổng sắt tuy có ổ khóa, nhưng không bao giờ bấm ống khóa, vậy mà chẳng một ai lọt vào trong được, ngoại trừ...
– Ngoại trừ sao cô?
– Nghe nói chỉ ai đó mà các cô chờ và cho phép thì mới vào được và an toàn trở ra!
Một lần nữa Hiển rùng mình. Anh cảm thấy lạnh ở sống lưng...
– Nè cậu...
Thấy Hiển cứ thừ người ra, bà chủ quán phải gọi giật:
– Cậu có ý định vào nhà đó không? Nếu có thì thử kêu cửa coi ông già Tư là người quyết định giùm cậu. Nhưng theo tôi nếu chỉ tới thăm thôi thì cậu không nên vào. Tôi ở đây và ngày trước cũng thân thiết với gia đình đó lắm, vậy mà ba năm nay chưa bao giờ tôi bước vào trong ấy!
Hiển giả vờ:
– Dạ, có lẽ vậy...
Anh hỏi thêm vài chi tiết nữa rồi rời nơi ấy. Trong lòng anh còn nhiều hoang mang, nhưng tạm thời anh không muốn quan tâm thêm...
Trời lúc ấy đã quá xế chiều, đường về Gò Công tương đối vắng vẻ, nên Hiển sau khi đậu xe trên phà rồi, anh mở cửa xe bước xuống ngắm sông nước.
Mười lăm phút sau, khi đã nhìn thấy bờ bên kia, Hiển trở lại xe và giật mình khi thấy trên xe, chỗ ghế cạnh tài xế có một cô gái đã ngồi sẵn!
– Cô là...
Cô gái cười rất tươi:
– Thấy xe anh ngừng mà không tắt máy, lại không kéo thắng tay, cho nên tôi phải làm giùm. Bộ anh quên là xuống phà không được để xe như vậy sao?
Hiển ngạc nhiên:
– Ủa, vừa rồi tôi đã tắt máy rồi mà?
Chỉ xâu chìa khóa còn ở ổ công tắc, cô gái lắc đầu:
– Còn trẻ mà mau quên quá. Nếu tắt máy rồi sao chìa khóa còn đây?
Hiển giật mình:
– Tôi xin lỗi. Tôi...
Cô gái bước xuống xe và đi thẳng tới phía sau phà, trước sự ngạc nhiên của Hiển. Anh đinh gọi lại nhưng chỉ nhận được một cái khoát tay và câu nói ngắn của nàng:
– Anh nên ngồi lên xe, coi chừng tai nạn!
Hiển còn chưa hiểu nàng ta nói với ý gì thì chợt chiếc phà lắc lư dữ dội, hình như do va chạm với vật gì đó! Nhiều xe xô vào nhau, người ngã và cảnh hỗn loạn diễn ra. Có tiếng hô lớn của tài công:
– Ai ở đâu ở đó, đừng chạy lung tung, coi chừng phà chìm đó!
Hành khách sau đó hiểu được phà vừa đụng phải một sà lan chở cát, sà lan bị chìm, còn phà thì chao đảo, vài chiếc xe đậu gần mũi đã lao xuống sông.
Cũng may, xe của Hiển không sao, bởi lúc đó anh kịp thời giữ thăng bằng, sẵn ngồi trước tay lái nên đã lách được mũi xe vào cột rào chắn, giữ được xe lại, thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc!
– Cô ta...
Ngầm cám ơn cô gái nên Hiển quay lại tìm, nhưng trong cảnh nhốn nháo của mọi người, anh không tài nào tìm thấy. Mãi đến lúc phà vào tới bến, Hiển tìm lại lần nữa bằng cách đứng ngay thang lên xuống mà cũng chẳng thấy cô nàng đâu!
Cho đến khi có một đứa bé bán bánh dạo tới đưa cho Hiển mảnh giấy nhỏ:
– Có người gửi cho chú.
Hiển cầm và đọc được mấy chữ:
– Xe sắp tuột thắng, sửa lại trước khi đi!
Dưới dòng chữ viết không có ký tên, Hiển định hỏi thằng bé xem cô nàng ở đâu thì thằng bé cũng biến mất rất nhanh. Lúc này Hiển mới cho xe ra khỏi khu vực chờ của bến phà, cũng may cách đó không xa có một ga-ra sửa chữa xe, anh ghé vào đó và kêu cần kiểm tra lại thắng. Người thợ vừa nhấp thử vài lần rồi chui xuống gầm xe và kêu lên:
– Trời ơi! Xe anh chỉ chút xíu nữa thôi là con ốc sắt bộ phận thắng sút ra rồi!
Hiển ngẩn người ra, anh lẩm bẩm:
– Sao nàng ta biết?
Dẫu cô nàng không ký tên dưới dòng chữ, nhưng anh đoán chắc người viết đúng là cô nàng lúc nãy! Anh nhờ sửa lại bộ thắng xong thì vọt xe trở lại bến phà. Cũng kịp lúc anh nhìn thấy dáng một cô gái vừa bước lên chiếc xe đò chạy về hướng Gò Công. Hiển gọi lớn:
– Cô gì ơi!
Nhưng chiếc xe đò chạy quá nhanh nên tiếng kêu của Hiển bay theo gió.
Anh chàng lại nhấn ga, vọt xe theo. Chạy đến hơn chục cây số Hiển mới chặn được chiếc xe lại, tài xế và lơ xe đều bực mình cự nự:
– Anh làm gì mà chặn xe tụi tôi lại?
Hiển xin lỗi rồi nhảy lên xe nhìn dáo dác tìm kiếm... Chẳng hề thấy cô gái mà anh thoáng trông thấy lúc nãy?
– Cô ta...
Lơ xe giục Hiển:
– Yêu cầu anh xuống xe cho, tụi tôi còn chạy cho kịp giờ!
Hiển thẩn thờ bước xuống. Anh quay lại xe mình mà vẫn còn ấm ức...
Nhưng khi vừa mở cửa xe bước lên thì Hiển đã phải trố mắt:
– Cô...
Cô gái chẳng biết ngồi trên xe từ lúc nào rồi!
– Người gì vô tâm, vẫn chứng nào tật náy, xuống xe mà không tắt máy!
Nếu vừa rồi tôi là kẻ gian thì anh còn đâu xe để đi?
Hiển thật sự lúng túng:
– Tôi... tôi...
Giờ cô gái mới nghiêm túc:
– Tôi cần về Mỹ Tho, anh có thể cho quá giang được hay không?
Hiển hơi ngập ngừng:
– Tôi chỉ đi tới Gò Công... Nhưng sao về Mỹ Tho mà cô đi hướng này?
Cô lên xe từ đâu?
Cô gái trả lời rành rọt, chứng tỏ là dân địa phương:
– Ở giữa đường từ Cần Đước đi Mỹ Tho thì ngoài đường này chỉ còn cách quay lại Chợ Lớn rồi đi ngược xuống. Cự ly đường cũng bằng nhau, nên đi thế nào cũng vậy. Nếu anh không tiện thì thôi, tôi chỉ xin quá giang tới Gò Công, rồi từ đó tôi đi xe đò cũng được. Xin cám ơn trước.
– Nãy giờ toàn là cô nói, chưa cho phép tôi...
Cô ta mỉm cười:
– Vậy tới phiên anh nói. Tôi chờ nghe...
– Tên cô là gì?
Cô ta cười xòa:
– Quên, xin lỗi. Em tên Hà, Thu Hà.
– Tôi tên Hiển. Được rồi, nếu cô chịu nói rõ hơn cô về Mỹ Tho làm gì thì tôi xin tình nguyện đưa cô về tới chỗ?
Cô nàng tên Thu Hà vẫn cười rất tươi:
– Về để... lấy chồng! Thế anh có sẵn lòng cho quá giang không?
Hiển nhìn sững cô ta:
– Nhà cô ở đâu?
– Cần Đước!
– Kể cũng lạ. Con gái mà phải thân chinh đi lấy chồng, thay vì phải đợi chồng tới nhà mình để cưới! Cô nói như thế mà nghe được sao?
– Yêu nhau thì sá gì ai tới cưới ai? Xách gói theo trai cũng đâu phải là chuyện lạ!
Thấy cô nàng vui vẻ, biết nói đùa, Hiển thích thú:
– Hôm nay tôi hên nên ra đường gặp cô. Có được một người đồng hành vui vẻ như vậy thì đỡ buồn ngủ biết mấy!
Nàng nghiêm giọng:
– Anh chưa nói cám ơn về lời nhắc cứu mạng!
Hiển giật mình:
– À sao cô biết trước điều mà tưởng chừng như vô phương vậy?
– Nếu em nói là do... nhìn sắc mặt của anh mà đoán được chuyện sắp xảy ra, anh có tin không?
Hiển nhìn cô nàng với ánh mắt hoài nghi:
– Không lẽ cô là thầy bói?
Thật bất ngờ, cô nàng gật đầu:
– Em có thể đoán chuyện tương lai, quá khứ được!
Bằng chứng là vừa rồi, lúc ở trên phà em nhìn thấy anh cứ thẫn thờ khi từ trên xe bước xuống...
Hiển lắc đầu:
– Tôi vẫn chưa tin. Nhưng thôi, chuyện cũng xảy ra rồi và cô đã đoán đúng. Tôi thành thật cám ơn. Nhưng cô thử đoán xem... tôi có vợ chưa?
Nàng không ngạc nhiên chút nào trước câu hỏi của Hiển và trả lời ngay, không cần suy nghĩ:
– Có rồi và cũng mất rồi. Hiện nay coi như không có vợ!
Hiển giật mình:
– Cô... cô là...
Nàng cười:
– Biết tên em rồi mà, sao vẫn là cô này cô nọ?
Hiển lại một phen lúng túng:
– Cô... Thu Hà làm tôi bất ngờ...
– Nhưng anh xác nhận xem em nói có đúng không?
– Ờ thì... đúng. Nhưng mà...
– Không cần nhưng nhị gì cả. Em nói không sai là được rồi. Và anh có muốn nghe chuyện tương lai không?
Hiển trố mắt:
– Cô dám nói... tôi sắp lấy vợ lắm à?
Nàng gật đầu:
– Điều đó không sai.
Hiển cười to:
– Lần này cô sai rồi.
Cô nàng vẫn bình thản:
– Sai hay không thì đợi chuyện đến mới chứng minh!
– Nhưng... riêng chuyện lấy vợ lần nữa thì e khó! Cô có biết là với lần dang dở vừa rồi của tôi đã là một vết thương lòng không thể lành được, vậy làm sao có can đảm để bị thương thêm lần nữa!
Lần này người cười to lại là cô nàng:
– Vậy mà sẽ xảy ra đó!
Hiển vừa định nói, chợt nàng la lớn:
– Tấp vào lề, dừng xe lại!
Hiển kịp làm theo thì chỉ chưa đầy mười giây sau đã có một chiếc xe tải lớn chạy ngược chiều bị đứt thẳng và đâm sầm vào đường lưu thông của Hiển.
Nhờ đã tấp kịp vào sát lề và dừng lại, nên anh đã tránh được cú va chạm mạnh!
Nhiều người đi gần đó hốt hoảng, cứ tưởng xe Hiển đã lãnh đủ. Khi họ chạy tới nhìn thấy thì kêu lên:
– Đúng là được trời Phật che chở!
Người khác thì nói:
– Ông này vừa rồi coi như chết chắc!
Hiển vẫn chưa hoàn hồn, anh gục đầu xuống tay lái mà lồng ngực hầu như không còn không khí để thở. Mãi tới khi có ai đó bên ngoài nói to lên:
– Thoát rồi, chạy đi chứ!
Hiển hoàn hồn ngẩng lên thì lại quá đỗi ngạc nhiên khi tìm không thấy Thu Hà đâu. Anh gọi to:
– Cô Hà ơi!
Không nghe tiếng trả lời, Hiển phải mở cửa xe bước xuống. Đó là quãng đường vắng, chung quanh toàn là đồng lúa. Các xe cộ khác thì sau tai nạn hụt đã chạy đi hết. Hiển vẫn cất tiếng gọi:
– Cô Thu Hà ơi!
Cô ta biến mất cũng giống như lúc đột ngột hiện ra khiến cho Hiển bàng hoàng:
– Không lẽ cô ta là... ma?
Ngoại trừ là ma, chứ người thật thì làm sao ẩn hiện lạ thường như thế?
Hiển trở lại Gò Công vào nửa đêm, cả nhà sửng sốt khi thấy anh bước vào. Bà cô anh trố mắt nhìn, vừa hỏi mà giọng run run:
– Con có bị gì không?
Hiển ngạc nhiên:
– Bị gì là sao?
Thu Nguyệt cung đang sốt ruột, cô nói chen vào:
– Cả nhà đang lo cho anh khi nghe tin anh bị đụng xe!
Hiển ngơ ngác:
– Đụng hồi nào?
Cô Tư của Hiển lại nhìn anh từ đầu đến chân, rồi nói mà giọng vẫn chưa hết run:
– Cô ấy nói con bị đụng xe, không biết sống chết ra sao nên cả nhà lo quá chừng, dượng Tư con đã đi với mấy đứa trong nhà lên trên đó rồi.
Hiển phải gắt lên:
– Cô nào nói?
– Cô... cô gì đó...
Bà quay sang Thu Nguyệt:
– Cô ấy nói tên gì?
Nguyệt đáp:
– Thu Hà!
Hiển kêu lên:
– Thu Hà! Cô ta tới đây sao?
– Tới hồi đầu hôm.
– Đâu rồi?
Cô Tư ngạc nhiên:
– Con hỏi cái gì đâu rồi?
Hiển la lớn:
– Thì cô Thu Hà đó!
Thu Nguyệt phải đáp thay cô:
– Đi rồi. Nhưng có nói là sẽ trở lại vào sáng mai, khi nào anh an toàn trở về!
Hiển muốn điên đầu:
– Cô này... cô này...
Anh định nói cô ta là ma! Nhưng kịp ngừng lại...
– Cô này hơi lạ, em chưa từng gặp. Quen sao với anh vậy anh Hiển, mà lại biết nhà dưới này?
Hiển không đáp mà lại lẩm bẩm đủ nghe:
– Cô ta muốn gì nữa đây?
Nghe không rõ, Thu Nguyệt tò mò:
– Bạn gái của anh hả? Lúc chiều khi ra tiếp cô ta, anh Vinh đã ngẩn ngơ vì sắc đẹp và quả quyết đó là bạn gái của anh, phải không?
– Bậy! Ai dám...
Suýt nữa Hiển đã nói ra ý của mình. Chợt nhớ tới Vinh, anh hỏi:
– Vinh đâu rồi?
– Cô ấy nhờ đưa ra bến xe, nói là cần trở về Mỹ Tho gấp lắm!
Hiển hốt hoảng:
– Nguy rồi!
Thu Nguyệt ngạc nhiên:
– Chuyện gì vậy?
Hiển quýnh lên:
– Vinh đi lâu chưa?
– Khoảng hơn nửa tiếng.
Cô Tư chợt lo:
– Đây ra bến xe đâu có xa, mà sao tới giờ này chưa về? Hồi nãy mày cho nó đưa làm gì. Tao thấy con nhỏ đó đẹp quá tao cũng ngại...
Thu Nguyệt cười:
– Con cũng biết vậy, nhưng con muốn nhân dịp này thử lòng dạ của chàng ta coi sao? Nếu mê nữ sắc đến nỗi theo tán tỉnh cô ấy thì... con chia tay luôn.
Hiển phóng ra xe, nói với lại:
– Em có đi kiếm nó về không, hay là để... lấy xác nó?
Cô Tư hốt hoảng:
– Con nói điên gì vậy Hiển?
Thu Nguyệt nhìn thái độ của Hiển thì đoán biết có chuyện không ổn, cô vọt theo ngay. Khi ngồi trên xe rồi cô hỏi dồn:
– Chuyện gì vậy anh Hiển?
– Cô ấy là ma đó!
Thu Hà tưởng mình nghe lầm:
– Anh nói cái gì?
Hiển lặp lại rõ ràng hơn:
– Anh nói cô Thu Hà đó là hồn ma. Chính anh đã chở cô ấy về, tới chỗ xe suýt bị tai nạn thì cô ấy biến mất! Anh...
Vừa khi ấy có tiếng từ ngay băng sau xe:
– Hai anh em lại nói xấu người vắng mặt rồi! Phải chăng hồn ma biết cứu người thoát chết trong đường tơ kẽ tóc trong tai nạn vừa rồi?
Hiển suýt nữa đã tông xe vào cột đèn đường khi nghe tiếng nói đó! Anh kịp dừng xe lại, quay nhìn ra sau và kêu lên:
– Cô Thu Hà!
Thu Nguyệt há hốc mồm, chưa kịp nói gì thì Thu Hà đã lên tiếng:
– Tôi vội chạy đi ngay lúc chiếc xe tải đâm vào xe anh, rồi leo lên một xe khác là để về nhà báo tin, vậy mà anh lại cho tôi là hồn ma, nghĩ cũng vui!
– Nhưng vừa rồi...
– Tôi thấy anh vào nhà, tôi không tiện vào, ngồi lên xe chờ anh ra. Hai người ra không hề để ý có người ngồi phía sau, và... tôi biến thành hồn ma phải không?
Nghe cô nàng hỏi mắc mỏ, Hiển hơi lúng túng:
– Thật ta tôi... tôi cũng hoang mang... Ai bảo cô khi ẩn khi hiện làm tôi chẳng biết đâu mà lần!
Thu Nguyệt vội hỏi:
– Vậy anh bạn của tôi đâu?
– Anh ta vừa mới về, bước vào nhà thì cô đi ra, cô còn hỏi gì nữa?
Nghe thế, Nguyệt bảo Hiển:
– Anh Hiển cho em trở về nhà, em xem Vinh ra sao!
Hiển vẫn chưa hoàn hồn, anh còn thừ người ra thì Nguyệt đã nhảy xuống xe, cô bảo:
– Em đi xe lôi về đây!
Nguyệt đi một đoạn xa rồi, lúc đó Hiển mới hỏi lại:
– Thật ra cô... cô là...
Thu Hà móc trong túi ra một phong thư:
– Cái này em định đưa cho anh ngay lúc gặp dưới phà, nhưng chưa kịp thì...
Nhìn nét chữ ngoài phong bì, Hiển giật mình:
– Của... Diễm Chi?
Thu Hà cười nhẹ:
– Vẫn còn nhớ người tình cũ sao?
– Cô là gì của Diễm Chi?
– Là em họ. Có lần nào anh nghe chị Chi nói về người em họ học trường mỹ thuật không?
Hiển chợt nhớ ra:
– Cô học vẽ tranh lụa? Người có bức tranh lụa vẽ hình thiếu nữ với hoa sen đoạt giải nhất cuộc thi toàn quốc?
Thu Hà cười thích thú:
– Trí nhớ anh không tồi chút nào! Và anh còn nhớ có lần chị Diễm Chi nói rằng khi nào chị ấy chết, hoặc anh và chị ấy không lấy nhau được thì chị ấy sẽ làm mai đứa em họ cho anh không?
– À... có...
– Và anh cũng đã hứa với chị ấy là suốt đời sẽ yêu thương chẳng những chị ấy, mà còn cả những người thân của chị ấy nữa, đúng không?
– À... chuyện ấy có...
– Vậy anh hãy đọc lá thư này đi.
– Diễm Chi chỉ cho em biết nhà dưới quê của anh?
– Và cả số xe hơi của anh nữa. Chưa gặp anh lần nào, nhưng qua ảnh trong album của chị Diễm Chi, em đã nhớ mặt anh nên khi gặp trên bến phà em nhận ra ngay.
Thấy Hiển có vẻ hiểu ra, cô nàng nheo mắt hỏi:
– Bây giờ còn cho em là... ma nữa thôi?
Hiển hơi ngượng:
– Anh xin lỗi...
Anh bóc thư ra đọc. Trong thư Diễm Chi xin lỗi anh về việc đột ngột bỏ đi mà không nói lý do, cho rằng mình có một lý do đặc biệt khó giải thích, và mong rằng Hiển hãy làm bạn với Thu Hà và coi Hà như là mình. Cô nhấn mạnh đoạn cuối thư:
“Thu Hà rất ngoan và có hoàn cảnh tội nghiệp, nó lâu nay cô đơn, nên em mong rằng anh sẽ làm cho nó vui trở lại. Còn riêng em thì anh hãy coi như em đã... chết. Bởi em...”.
Thư không có đoạn cuối. Hiển ngẩng lên hỏi:
– Diễm Chi đang ở đâu? Cô ấy...
– Chị ấy... bị bệnh nan y, không bao giờ gặp anh nữa. Và anh cũng đừng hy vọng gặp lại, bởi chị ấy thề nếu để cho anh gặp thì thà chết còn hơn!
Hiển hốt hoảng:
– Diễm Chi bệnh gì?
Hà lắc đầu, giọng buồn bã:
– Em đã thề với chị ấy rồi, thà anh giết em chết, chứ không bao giờ em chỉ chỗ. Thôi, nếu anh không có ý gì khác thì em xin kiếu...
Cô mở cửa xe bước xuống, Hiển vội chụp tay lại.
– Khoan đã!
Anh không nói gì thêm, nhưng Thu Hà lại ngả người xuống băng ghế xe, rồi ôm mặt khóc nức nở!
Diễn biến sự việc quá nhanh, khiến cho Hiển chẳng kịp đối phó. Anh lúng túng buông tay cô nàng ra. Cuối cùng, anh đóng hẳn cửa xe lại, nói khẽ:
– Mình đi rồi sẽ tính!
Anh thay vì chạy về nhà lại hướng xe về phía bến phà, nơi cách đó khá xa. Đi được một đoạn, Hiển định quay ra sau hỏi chuyện thì thấy Thu Hà đã ngủ ngon lành. Có lẽ cô nàng đã quá mệt với một ngày vất vả, bao nhiêu chuyện...
Không nở để cô nàng giật mình, nên Hiển lái chậm lại. Một giờ sau thì đến bến phà. Lúc này đã gần sáng nên chuyến phà đầu tiên của ngày rất vắng khách, chỉ có chiếc xe của Hiển và một số khách bộ hành nhưng phà vẫn chạy.
Qua đến bờ bên kia trời mới sáng hẳn, Hiển muốn dừng xe nghỉ và ăn lót dạ, nhưng nhìn thấy Thư Hà vẫn ngủ say, nên anh quyết định đi tiếp. Và chẳng hiểu vô tình hay số phận, mà khi đi ngang qua chỗ rẽ vào nơi có ba ngôi biệt thự.... ma thì xe hết xăng!
Nghĩ là có thể nhờ ai đó đi mua giúp xăng rồi trả họ thù lao. Nhưng mất gần nửa giờ mà Hiển vẫn không nhờ được chuyện đó. Cuối cùng, anh đành phải bảo Thu Hà lúc đó vừa mới thức dậy:
– Cô ngồi tạm trên xe, tôi sẽ xách can đi mua xăng, xong rồi mình sẽ đi tiếp.
Cô nàng uể oải đáp:
– Được rồi, em tranh thủ ngủ thêm một chút.
Hiển đi gần một tiếng đồng hồ mới mua được can xăng. Nhưng khi trở lại xe thì chằng còn thấy cô nàng đâu!
– Lại thế nữa, cô này giỡn mặt với mình chắc?
Phát hiện một mảnh giấy nhỏ trên băng ghế với mấy chữ viết vội:
“Em có bệnh riêng nên phải về nhà gấp mới chữa được. Cám ơn anh đã giúp đở, hẹn gặp lại sớm”.
Hiển càu nhàu rồi châm xăng vào xe. Anh tính sau đó sẽ trở lại Gò Công.
Nhưng xăng đã có rồi mà xe vẫn chưa chịu nổ máy. Hiển đang bực dọc thì một người đi ngang có vẻ rành về máy móc xe đã bảo:
– Xe chạy đến hết sạch xăng có thể bị cặn của xăng làm nghẹt bình xăng con rồi! Cậu phải đi ngược lại khoảng vài cây số nhờ thợ tới súc bình xăng cho thì mới nổ máy được.
Ông ta chạy xe đạp nên Hiển ngỏ ý nhờ gọi thợ giùm, ông gật đầu:
– Tôi cũng biết về máy, chút nữa có thợ tới tôi cũng có thể giúp cậu một tay! Cậu cứ nghỉ tay đi, hoặc đi ăn uống lót dạ, để tôi lo cái xe cho.
Bà chủ quán bữa trước cũng ở ngay đó, bà nhớ ra Hiển liền nói:
– Cậu cứ để xe đó vào trong quán tôi ngồi nghỉ, cần ăn gì tôi làm cho ăn, chú Sáu này là người quen trong xóm, có thể giao xe cho chú được.
Hiển cũng đã quá mệt rồi nên nghe vậy anh bước ngay vào quán, để chìa khóa công tắc lại. Bà chủ quán hỏi:
– Cậu đi một mình sao, còn mấy người hôm trước đâu?
– Cháu đi với một người bạn nữa. Lúc nãy cháu đi mua xăng thì cô ấy còn ở đây, bộ dì không thấy sao?
Bà chủ quán lắc đầu:
– Tôi đâu thấy gì. Nãy giờ tôi ngồi đây, chỉ thấy duy nhất có một cô gái lạ đi vào phía ba ngôi nhà trong kia...
Hiển giật mình:
– Cô gái lạ nào?
– Tôi đâu biết. Mà ở đây thỉnh thoảng cũng có vài cô đi vào trong đó, chẳng biết con cái ai trong xóm này, nên tôi cũng không để ý.
Tự dưng Hiển thoáng có ý nghĩ trở lại ba ngôi nhà ma trong kia. Anh dặn bà chủ quán:
– Tôi có việc vào trong này một lát, nếu mấy người thợ sửa xe có tới dì nói họ cứ làm, lát nữa tôi sẽ ra thanh toán tiền.
Hiển đi rất nhanh vào phía trong trước sự tò mò của bà chủ quán, bởi vậy khi ngang qua cổng ba ngôi nhà, anh tạt vào ngay khi thấy cổng chỉ khép chứ không khóa.
Cũng giống như lần trước, dù giữa ban ngày, nhưng nhà vẫn vắng lặng, không thấy bóng ông già giữ nhà đâu. Thoang thoảng có mùi hương nhang tỏa ra, Hiển đoán chắc là ông già mới vừa đốt nhang xong, đang quanh quẩn đâu đó, nên anh cất tiếng gọi khẽ:
– Chú Tư ơi?
Không có tiếng trả lời nên Hiển đi thẳng về phía căn nhà nhỏ, nơi ở của ông. Vẫn chẳng thấy đâu, mà cửa lại khóa, chứng tỏ là ông ta đã đi ra khỏi nhà.
– À, ông ấy đi chợ mua thức ăn!
Nhớ lại những mâm cơm dọn lên hằng ngày, Hiển hiểu ra sự vắng mặt của ông ta lúc này. Còn đang cân nhắc xem có nên ở lại trong khi không có mặt ông già hay là đi ra, thì chợt anh nghe có tiếng động phía ngôi nhà bên trái.
Tiếng động giống như ai đó mở, đập cánh cửa, đồng thời lại như có tiếng bước chân dồn dập nữa. Hiển kêu khẽ:
– Có thể có kẻ trộm lắm!
Anh quên cảnh giác, phóng thẳng về hướng ấy. Khi đến trước cửa kính thì mới chợt nhớ, anh khựng lại. Thì ra tiếng động phát ra từ cánh cửa kính khép không chặt, bị gió làm va đập. Mùi nhang từ trong bay ra thơm lừng. Chợt Hiển giật mình khi thấy ngọn đèn dầu để phía dưới quan tài đang bừng cháy lên một cách bất thường, như sắp sém vào phần gỗ cổ áo quan!
– Không khéo nó làm cháy quan tài mất!
Không nghĩ ngợi thêm, Hiển tung cửa vào và kịp vặn cái bấc đèn xuống.
Thì ra có lẽ ông già giữ nhà mới châm thêm dầu, dầu nhiều tràn ra, gặp gió làm lửa cháy bùng lên vừa rồi!
– Để đèn này quanh năm nguy hiểm chết!
Hiển vừa càu nhàu vừa định bước lui ra ngay, chợt mắt anh nhìn thấy tấm ảnh bán thân đặt trước đầu quan tài, anh tái mặt!
– Cô ta?
Cô gái trong ảnh thờ kia giống với Thu Hà vừa rồi như khuôn đúc! Mà ngay phía dưới ảnh còn có dòng chữ đề tên:
Đoàn thị Thu Hà.
– Trời ơi...
Hiển kêu lên được mấy tiếng rồi tối tăm mặt mũi, cố quay lưng chạy ra ngoài, nhưng hình như anh chỉ chạy được tới cổng rồi gục ngã...
Buộc lòng Hiển phải tìm đến nhà của Diễm Chi, sau khi anh tỉnh lại từ nhà mồ ba cô gái. Theo lời kể của Thu Hà thì cô ta là em họ của Diễm Chi, nên dù đã chia tay và thề không bao giờ gặp lại, nhưng hôm nay Hiển vẫn phải tìm tới.
Tiếp Hiển là bà mẹ của Diễm Chi, người trước đây từng thương Hiển như con ruột. Bà vừa trông thấy Hiển đã òa lên khóc! Hiển bình tĩnh hỏi:
– Thưa bác, con muốn gặp Diễm Chi.
Bà Hằng nhìn Hiển đầy ngạc nhiên:
– Con thật sự không biết tin gì về con Chi?
Hiển ngơ ngác:
– Tin gì về Diễm Chi? Kể từ khi Diễm Chi rời xa con mà không một lời giải thích, con đã tới đây gần chục lần, mà lần nào cũng bị hết Chi rồi tới bác xua đuổi, thì thử hỏi con còn mặt mũi nào để tới nữa. Do đó làm sao con biết được những gì xảy ra chung quanh Chi?
Bà Hằng thở dài:
– Nó chết rồi!
Câu nói khiến Hiển tưởng như mình từ trên trời rơi xuống đất:
– Bác nói... ai chết?
– Con Diễm Chi mắc chứng bệnh nan y, biết không qua khỏi nên nó chủ động rời xa con. Sau đó về ở trên đất rẫy của ông bà nội trên Lâm Đồng, tuyệt giao luôn với mọi người... Hôm đó, sau một thời gian bị căn bệnh hành hạ, nó biết sắp lìa đời nên nhắn cho bác hay, bác cho mấy đứa em bà con của nó biết tin, chúng tựu về thăm. Nhưng không còn kịp nữa. Diễm chi chết, có viết lại cho con một lá thư, giao cho con nhỏ em nhờ chuyển tới con. Nhưng...
Bà nói tới đó thì do quá xúc động, đã khóc ngất rồi không nói được nữa...
Lát sau Hiển đột ngột hỏi:
– Phải người chuyển lá thư tên là Thu Hà không?
Bà Hằng kinh ngạc:
– Sao con biết?
– Và cô ấy cũng đã chết?
Giọng bà Hằng trở nên bi thảm:
– Chết thật thương tâm! Chúng nó chết cả ba chị em, chỉ vì đi thăm con Diễm Chi! Trời ơi...
Bà gục xuống khóc và không còn sức ngẩng lên nữa. Hiển phải an ủi:
– Bác đừng quá xúc động mà ảnh hưởng đến sức khỏe. Hôm nay con đến đây cũng vì chuyện của Diễm Chi và người tên là Thu Hà này. Nhưng trước tiên, xin bác nhận lời tạ lỗi của con, chỉ vì vô tình mà con không biết nỗi khổ của Diễm Chi, để cho cô ấy chịu đựng nỗi đau một mình.
Chợt nhớ ra, bà Hằng hỏi:
– Con Thu Hà đã chết chung chuyến xe cùng hai em của nó khi lên Lâm Đồng thăm Diễm Chi trở về, vậy con gặp nó lúc nào mà biết có lá thư?
Hiển phải kể lại mọi chuyện. Vừa nghe xong, bà Hằng đã hốt hoảng:
– Như vậy là linh hồn tụi nó hiển linh sao?
– Con không biết, nhưng rõ ràng một trong ba cô gái đó đã gặp con như một người sống. Vậy giữa họ và Diễm Chi có mối liên hệ thế nào vậy bác?
– Bà con gần, mà riêng con Thu Hà với con Diễm Chi còn có mối quan hệ mật thiết bởi tụi nó cùng một sở thích, cùng đi học chung trường một thời gian, cùng tuổi và đặc biệt là cùng hẹn ước có phước cùng hưởng, có họa cùng chia, nhất là trong chuyện tình yêu...
– Thảo nào!
Hiển kêu lên khiến bà Hằng một lần nữa ngạc nhiên:
– Là sao vậy con?
– Trong lá Chi gửi cho con, có dặn con là phải... thương cô Thu Hà!
Bà Hằng hình như hiểu chuyện đó, bà chỉ nhẹ lắc đầu rồi lặng lẽ đi vào trong, lát sau trở ra, bà đưa Hiển một gói vải nhỏ:
– Ở đây còn có những gì con và Diễm Chi có với nhau, thời hai đứa con mặn nồng. Đáng lẽ bác giữ lại, nhưng bây giờ thấy không còn cần nữa, nên tốt nhất là con nên giữ. Và biết đâu nó sẽ tốt cho con hơn khi gặp lại Thu Hà...
Bà nói xong quay vào hẳn trong nhà, không quay ra nữa, Hiển đứng một hồi lâu rồi lẳng lặng rời nơi đó. Khi xe anh chạy đi rồi thì có một đôi mắt nhìn lén qua khe cửa buồng, nhìn theo cho đến khi bóng Hiển khuất hẳn. Lúc này, người có đôi mắt ấy mới bật khóc!
Giọng của bà Hằng đẫm nước mắt:
– Xong rồi con. Từ nay con có thể yên tâm ở đây với mẹ. Mẹ sẽ không bao giờ bỏ con, dù con bây giờ chỉ còn là hồn ma bóng quế thì mẹ vẫn cần con bên mình. Và cũng từ nay con đừng mang ý định giành lại thằng Hiển nữa.
Những gì con thử thách nó, mượn vong hồn của mấy đứa con gái chết oan giữa đường thử nó thì nào có kết quả gì. Nó vẫn là một đứa con trai tốt. Từ khi xa con nó có ai khác đâu. Kể cả cô gái tên Thu Hà mà con nhờ đóng vai em họ, đẹp như vậy mà nào có mê hoặc được nó.
Giọng người con gái cũng đầy nước mắt như mẹ:
– Con cũng đâu có hằn thù gì với anh Hiển. Chỉ vì con giận là khi con nông nổi bỏ đi để mong anh ấy theo cầu cạnh, nào ngờ anh ấy lờ con luôn, con nghĩ chắc lúc đó anh ấy có người khác nên con mới tự tử chết. Chết rồi con mới hối tiếc, mới thấy mình dại. Mà cũng tại mẹ hết, tại sao lúc anh Hiển đi tìm con nhiều lần mà mẹ không cho anh ấy gặp con?
Bà Hằng thở dài não ruột:
– Lúc ấy má tưởng giận dỗi và lời nói của con là thật, nên má quyết liệt không cho nó gặp con. Ai ngờ sau đó mới biết là con giả vờ. Biết thì đã muộn!
Khi ấy con đã tự tử, còn thằng Hiển thì giận luôn, bỏ đi mất tăm! Con thấy không chỉ một chút hờn giận mà hậu quả không thể tưởng tượng nổi!
Ngừng một lát bà lại tiếp, giọng có vẻ bùi ngùi:
– Cho tới bây giờ mẹ vẫn chưa hết hối tiếc, tội nghiệp cho ba đứa con gái vô tội kia. Nó chết oan là phần số của nó, nhưng chuyện mình dựng lên nói nó có bà con với mình, chỉ vì đi thăm mình mà chết, nếu lỡ thằng Hiển nó tin thật, rồi nó bị tai họa gì với những hồn ma ấy thì sao?
– Con cũng đang suy nghĩ là liệu có nên đưa anh Hiển về đây mãi mãi với con không?
Bà Hằng hoảng hốt:
– Con đừng hại người ta! Một mình con lỡ chết rồi thì thôi, nó còn có gia đình, còn có sự nghiệp, đừng gây ra thêm oan nghiệt nữa con! Việc con kéo ba cô gái chết cùng một cái vực ở đường đèo, mẹ đã thấy ăn năn rồi.
– Không! Con đâu muốn anh Hiển chết theo. Con chỉ muốn làm cho anh ấy về xứ này lập nghiệp, ở lại đây. Dù sau này có lấy người khác con cũng chấp nhận, cũng phù hộ cho anh ấy...
Bà Hằng chép miệng:
– Thôi đi con, níu kéo mà làm gì nữa! Âm dương cách trở, có nhớ nhau thì ngầm phù hộ cho nó là đủ rồi. Má vẫn thương thằng đó, nó hiền...
Im lặng hồi lâu, bỗng giọng của Diễm Chi cất lên:
– Thôi được rồi, chuyện anh Hiển có còn nhớ tình con mà về thăm con hay không thì để anh ấy tự nguyện. Nhưng con sẽ tác động để sau này anh ấy thường xuyên về chỗ nhà mồ ba cô thăm và cúng vái thường xuyên! Bởi dẫu sao thì cũng tại con mà ba cô ấy mới chết, nay anh Hiển thay con chuộc lỗi với họ.
Bà Hằng hỏi lại:
– Lâu nay mẹ không nghe con nói chi tiết này, sao lại do con mà ba cô ấy chết?
Giọng Diễm Chi chùng xuống:
– Hôm đó ba cô gái ấy đi xe chung với những người bạn khác, khi đi qua đèo chỗ con tự tử, con đã hiện ra đón xe họ lại, bởi con thoáng thấy có một thanh niên vóc dáng giống y như anh Hiển. Chính vì sự lầm lẫn đó mà tài xế hoảng sợ, mất thăng bằng và để xe lao xuống vực, nên các cô ấy mới chết! Kể từ đó con cứ ân hận hoài, nên tìm cách bù đắp cho họ, mà Hiển là một cách...
Lại im lặng thêm một lúc... Sau đó, giọng của cô nàng lại càng buồn hơn:
– Con sẽ trả ơn sòng phẳng. Thôi, mẹ ra ngoài đi, để con được yên.
Bà Hằng buồn bã bước ra. Đã từ lâu nay bà phải chịu cảnh như vậy. Gần được con chỉ qua tiếng nói với cảnh âm dương cách trở thế này... Mà lần nào Diễm Chi hiện về hầu như cô cũng khóc sướt mướt...
Chẳng hiểu Diễm Chi tác động thế nào mà kể từ sau đó không lâu, cứ nửa tháng, một tuần, đã thấy Hiển đích thân lái xe về chỗ nhà mồ ba cô thăm viếng. Về đó chỉ để thắp hương và cúng hoa trái. Có lẽ do được ông già thông tin, Hiển biết được sở thích của từng cô gái nên vật cúng của Hiển luôn khác nhau cho ba cô. Người thì thích ổi, kẻ thích me chua và riêng Thu Hà thì luôn được cúng xoài tượng.
Ông già Tư cũng chẳng hỏi Hiển tại sao lại làm vậy nhưng hình như ông ngầm chấp nhận việc đó. Và quan trọng là vong hồn các cô gái cũng không phản ứng gì với chàng trai tội nghiệp này. Nên việc Hiển lui tới là việc đương nhiên...
Với Diễm Chi thì ngôi nhà nhỏ của mẹ cô ở Lâm Đồng đã được Hiển cho xây lại khang trang hơn. Ngoài gian nhà lớn dành cho bà mẹ, Hiển còn xây riêng cho mình một gian nhỏ hơn, xinh xắn và riêng biệt cả về màu sắc lẫn kiểu cách. Thì ra, đó là theo ý thích của Diễm Chi lúc cô còn sống. Hầu như Hiển ở đó suốt, chỉ trừ phi có công việc làm ăn mới về Sài Gòn.
Cuộc sống của Hiển cứ tiếp diễn như vậy. Không một ai bên ngoài biết câu chuyện và cuộc sống kỳ lạ đó của anh...
NGƯỜI VỢ HÓA KHỈ Năm 1936...
Thời ấy con đường nhựa từ Rạch Giá về Hà Tiên vừa mới làm xong. Tuy đường mới, nhưng lưu lượng xe cộ rất ít, bởi tuy không còn đi trên đường mòn gập ghềnh nữa, nhưng dân bản xưa làm gì có phương tiện để lưu thông, ngoại trừ những chiếc xe bò lăn bánh như rùa và một ít xe đạp của các công chức chạy cà rịch cà tang... Còn xe hơi thì mỗi ngày chưa quá trăm chiếc đi lại, chủ yếu là của các quan chức ở hai tỉnh Rạch Giá, Hà Tiên.
Bởi vậy hôm đo khi thấy có chiếc xe màu đen bóng loáng dừng lại ở đầu cầu ngã ba Hòn thì cả chục người quanh đó bâu lại xem. Đám con nít thì chỉ trỏ lấy làm thích thú, còn người lớn thì hết trầm trồ xe lại xuýt xoa người ngồi trên xe! Mà họ xuýt xoa cũng phải, bởi ngồi trên xe ở băng sau là một cô gái đẹp đến nỗi mấy chàng trai nông dân đứng xem hỏi nhau:
– Có phải đó là người hay búp bê vậy?
– Người chứ búp bê gì! Không thấy nàng ta ngả đầu vào cái lão bên cạnh rồi cười nói đó sao...
Xe dừng lại do tài xế phát hiện có khói bốc lên từ đầu xe. Anh ta bước xuống coi rồi thưa với chủ:
– Thưa ngài, xe cạn nước. Sáng nay em mới đổ nước mà chẳng hiểu sao...
Người ngồi phía sau là chủ xe, vừa là chủ nhân công việc của tài xế Sang, người ta gọi ông ta là cò mi Thuận, một quan chức có cỡ của Rạch Giá. Bực mình vì xe phải dừng lại giữa đường để thiên hạ dòm ngó, ông ta càu nhàu:
– Dặn mày nhiều lần rồi mà không để ý gì hết, xe cộ mới mà như xe cũ...
Tài xế Sang muốn giải thích thêm, nhưng biết có nói thêm thì càng bị rầy nhiều hơn thôi, nên đành lặng thinh, xách xô đi múc nước. Khi bình nước giải nhiệt được đổ đầy, lúc đó Sang mới phát hiện có một lỗ rò bên hông bình, anh trình với chủ:
– Thưa ngài, bình nước bị thủng một lỗ nên nước mau hết ạ.
Cò mi Thuận cau mày:
– Vậy có chạy được nữa không?
– Dạ được nhưng lâu lâu phải ngừng đề chăm thêm nước.
– Được rồi, đi cho nhanh kẻo trễ giờ.
Xe chạy đi rồi mà mấy thanh niên đứng bên đường còn ngẩn ngơ. Có anh chàng còn chép miệng:
– Có vợ đẹp như vậy có chết cũng sướng...
Một chàng khác lại nói:
– Có con vợ như tiên đó chắc là phải đội nó trên đầu suốt ngày quá! Bởi đặt nó xuống cái chõng tre của mày nó đâu có chịu!
Họ cùng phá ra cười, trong lúc chiếc xe hơi mất dần trong đám bụi đường...
Xe chạy tới gần Vàm Rầy thì lại bốc khói lần nữa. Sang cho xe chạy chậm lại rồi càu nhàu:
– Lại hết nước!
Cò mi Thuận rất bực mình, nhưng biết đây là khuyết tật của xe chứ không phải lỗi ở tài xế, cho nên ông chỉ nhẹ lắc đầu rồi ngồi im, trong lúc Sang chạy đi tìm nước. Lát sau, anh ta trở lại xe vẻ thất vọng:
– Ở đây toàn nước mặn, không làm sao có nước ngọt đổ vào xe, để em đi tìm.
Anh lại xách xô đi xa hơn xóm nhà đó. Phải mất khá lâu, Sang mới xin được nước xách về. Tuy nhiên, sau khi đổ thêm nước thì xe lại giở chứng, không chịu nổ máy. Sang là người có kinh nghiệm về máy móc mà cũng chịu thua, không hiểu được tại sao lại xảy ra trục trặc này. Anh ta loay hoay hơn một tiếng mà vẫn chưa làm cho máy nổ lại được, trời đang tối dần...
Cò mi Thuận đã sốt ruột thấy rõ, anh ta phải tính chuyện quá giang xe về Hà Tiên trước. Nhưng đón hơn một giờ vẫn chẳng có chiếc xe nào chạy qua.
Người phụ nữ ngồi cạnh từ sớm đến giờ vẫn im lặng, nhưng giờ cũng phải lo lắng:
– Như vậy liệu chúng ta có phải ngủ giữa đường không?
Cò mi Thuận phải trấn an:
– Không sao đâu em. Chúng ta sẽ kịp về Hà Tiên để dự buổi tiếp tân của ngài tỉnh trưởng mà. Đừng lo, Mỹ Tiên.
Cô gái tên Mỹ Tiên nhìn đồng hồ tay rồi giãy nảy lên:
– Bây giờ là bảy giờ rồi, tới giờ buổi tiếp tân khai mạc rồi mà ta còn ở đây thì làm sao không lo! Anh nói coi, chúng ta có thể bay về đó không?
Cò mi Thuận chán nản, quay sang tài xế:
– Anh liệu nếu sửa xong ngay thì chạy về Hà Tiên kịp 8 giờ không?
Sang lắc đầu:
– Không sao kịp được.
Mỹ Tiên nghe nói thì từ trên xe đã bước xuống ngay và giậm chân:
– Ba má tôi đã hẹn rồi, phải có mặt để còn đón mấy khách ở Sài Gòn về nữa. Chỉ có tôi mới quen với họ thôi, người khác biết gì mà tiếp!
Cô bước đi từng bước nặng nề, giận dỗi và càng lúc càng đi xa khỏi chiếc xe hư. Cò mi Thuận biết tính tình cô vợ trẻ khá nóng nảy, cô ta đang tính đón xe đi nhờ. Anh ta cũng chỉ biết lững thững đi theo sau...
Tuy nhiên, một lúc sau thì không còn thấy bóng cô nàng đâu nữa trong bóng tối của đoạn đường vắng. Thuận hốt hoảng gọi lớn:
– Mỹ Tiên!
Anh ta gọi đến gần chục tiếng mà chẳng hề nghe tiếng trả lời. Nỗi sợ hãi khiến anh ta phải ba chân bốn cẳng chạy nhanh lên để tìm. Cô nàng vốn đi giày cao gót, nên không thể nào đi nhanh hơn được, mà nãy giờ cũng không hề có chiếc xe nào chạy ngang để còn leo lên xe quá giang đi. Như vậy nàng đi đâu?
Gặp người nào đi ngược chiều Cò mi Thuận cũng hỏi:
– Anh có thấy một cô gái đi bộ qua đây không?
Ai cũng lắc đầu. Thuận càng quýnh lên, anh lại chạy trở về, lát sau khi về đến xe thì Sang đã reo lên:
– Nổ được máy rồi!
Cò mi Thuận không mừng mà lo lắng hỏi:
– Vợ tôi đâu?
Sang lắc đầu:
– Nãy giờ em lo sửa xe, đâu có để ý.
Thuận nhảy lên xe, giục:
– Chạy nhanh lên!
Sang phóng thật nhanh, chạy gần chục cây số mà chẳng hề thấy bóng dáng Mỹ Tiên đâu. Sau đó lại quay xe chạy ngược chiều, cũng đến cả chục cây số. Vẫn bặt vô âm tín!
Đến lúc này thì Thuận đã cuống cuồng lên, anh ta giục tài xế:
– Làm sao kiếm cho ra vợ tôi, nhanh lên!
Sang có là thánh cũng không thể tìm, bởi trời tối và... làm sao biết cô nàng biến đi đâu? Anh chàng chạy quanh quẩn một lúc thì đành chịu thua:
– Thầy nhờ người quanh đây tìm giùm, chứ mình chạy một lát hết xăng thì chẳng biết phải đổ xăng ở đâu nữa!
Cò mi Thuận thật sự tuyệt vọng, anh ta gặp ai cũng hỏi. Chẳng một ai biết. Chỉ duy nhất có một cậu bé khi nghe hỏi đã chỉ tay vào phía rừng tràm:
– Hồi nãy cháu thấy có một cô đẹp lắm đi về hướng này nè!
Sang buột miệng nói:
– Làm sao có chuyện cô đi vào rừng được!
Cò mi Thuận run giọng hỏi:
– Cô ấy đi với ai?
Thằng bé đáp nhanh, vừa chạy đi:
– Đi một mình!
Nó chạy xa rồi mà Thuận vẫn còn đứng ngẩn ngơ đó. Khi chợt tỉnh, anh ta giục Sang:
– Chạy vào rừng!
Sang kêu lên:
– Đường đâu mà chạy!
Thuận như kẻ mất hồn, chẳng còn biết phải làm sao. Sang phải nhắc:
– Thầy mướn người đi tìm cô ấy thử coi!
Sau ba ngày tìm kiếm hầu như khắp khu rừng tràm ở Vàm Rầy, nơi mà cái địa danh Cà Bay Ngộp (theo nghĩa tiếng Cao Miên xưa là Con Trâu Chết) đã nói lên tính chất nguy hiểm của nó:
“Trâu mà lội qua vùng này cũng chết nói chi người”, cũng chẳng có kết quả gì... Kể cả với thân thế của mình, đã nhờ vả cả làng lính cũng đành bó tay. Cò mi Thuận đau khổ trở về Rạch Giá rồi ngã bệnh và nghỉ làm cả tháng trời!
Trong khi đó thì lời đồn đại trong dư luận rất nhiều về chuyện mất tích lạ lùng đó. Có người ác miệng nói rằng cô vợ Cò mi Thuận đã lén trốn theo nhân tình đi biệt! Cũng có người bảo rằng đêm hôm đó có một bọn cướp đã chặn đường và thay vì cướp của, đã bắt cô vợ xinh đẹp đó đi để đòi tiền chuộc!
Về lời đồn thứ hai đó tuy ban đầu Cò mi Thuận không tin, nhưng suy ra có lý, nên anh ta có ý chờ... một cuộc trao đổi của ai đó. Nhưng chờ hoài mà vẫn chẳng thấy ai đòi tiền chuộc hay ra điều kiện gì khác...
Hai tháng sau...
Vào một buổi sáng, theo thói quen Cò mi Thuận thức dậy sớm tập thể dục ngay tại sân ngôi nhà riêng của mình. Khi vừa bước ra sân, anh ta đã ngạc nhiên khi thấy có một vật gì đó đựng trong một cái túi bàng đặt giữa sân. Đúng ra sự cảnh giác cần thiết, Thuận phải gọi người tới mở ra, nhưng chẳng hiểu sao anh ta lại nôn nóng, tự ngồi xuống mở ra xem.
– Đồ của Mỹ Tiên!
Trong giỏ là bộ quần áo Mỹ Tiên mặc hôm mất tích. Bộ đồ còn sạch, không dính một chút bùn đất nào chứng tỏ nàng không hề lạc vào rừng. Thuận vừa sợ vừa mừng, reo lên:
– Nàng còn sống!
Nhưng nghĩ tới việc nàng đang nằm trong tay ai đó thì Thuận điên tiết lên, anh ta định đi báo động để mở cuộc “hành quân” đại quy mô lần nữa. Tuy nhiên, khi lấy hẳn bộ quần áo ra khỏi thì ở tận dưới đáy giỏ lại có thêm một lọn tóc lớn của phụ nữ.
– Tóc của... Mỹ Tiên!
Đúng là mái tóc dài hấp dẫn của cô vợ trẻ mà Thuận từng mê mẩn tâm thần mỗi khi nhìn trước đây. Bây giờ...
– Trời ơi, đã mất mái tóc ấy rồi!
Thuận vừa gào vừa ôm lấy lọn tóc mà khóc rống lên! Vậy là nàng đã xuống tóc quy y rồi chăng?
Nghĩ tới đó Thuận tái mặt! Vài tuần trước trong một lần ghen tuông, chính Mỹ Tiên đã nói là nếu Thuận làm nàng giận lần nữa thì nàng sẽ xuống tóc vào chùa! Phải chăng...
Với tâm trạng đang hoang mang mà nghĩ tới đó, Thuận thốt lên:
– Đúng rồi!
Anh ta một mình lái xe đi tới từng ngôi chùa để tìm. Đi suốt ngày hôm đó đến mệt lả người mà chẳng có chút tin tức gì. Đến chiều quay về nhà thì Thuận lại một phen điên tiết, bởi bộ đồ của Mỹ Tiên anh đem để trong phòng riêng, giờ chẳng còn thấy đâu!
Nghĩ là bị trộm, nhưng xem lại mọi cửa nẻo trong nhà vẫn đóng chặt, không hề có dấu vết bị cạy, bị mở khóa. Mà thời gian này Thuận không hề thuê mướn người làm, vậy có ai vào để lấy?
Sáng hôm sau, Thuận gọi lại tài xế Sang, bảo anh ta lái xe đưa mình đi trở lại Vàm Rầy, bởi đêm hôm qua trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa say, Thuận nghe như có ai gọi tên mình. Khi mở choàng mắt ra thì anh còn nghe văng vẳng ngoài cửa sổ có ai đó nói:
– Muốn tìm vợ thì phải trở lại chỗ bị lạc mất, chứ sao chỉ ở nhà!
Cái giọng nói lạ, hình như của một ông già. Trên xe, Thuận hỏi Sang:
– Ở khu Vàm Rầy có ngôi chùa nào không?
Sang đáp:
– Em cũng không để ý, nhưng chắc là có, bởi chùa hình như có khắp nơi.
– Hễ thấy đâu có chùa là ghé vào!
Từ Rạch Giá lên, xe ghé lại đến chục ngôi chùa lớn nhỏ. Vẫn chẳng tìm ra tung tích gì... Khi tới Vàm Rầy, qua khỏi địa phận xảy ra chuyện hôm trước thì chợt Thuận nhìn thấy một cái am nhỏ, anh ta bảo:
– Ngừng lại đây coi!
Sang nhìn sâu vào cách đường lộ hơn trăm thước, thấy có một ngôi nhà nhỏ cất theo kiểu mái chùa, nhưng nhỏ hơn nhiều. Đúng là cái miếu hay am.
Anh ta nói:
– Nơi này đâu có gì ra vẻ...
Thuận bước xuống xe và dặn:
– Cứ chờ ở đây.
Anh ta đi bộ vào trong đó một cách khó khăn, bởi không có lối đi, mà chỉ là men theo bờ đất cỏ mọc tràn lan, chứng tỏ đây là cái am rất ít người lui tới.
Quả đúng như vậy. Khi Thuận bước vào thì chỉ có con chó mực duy nhất có mặt ở sân am, thay vì sủa vang khi có khách lạ thì trái lại, nó đứng lên và...
ngoắt đuôi mừng rỡ như mừng người thân đi xa mới về!
Chính Thuận cũng ngạc nhiên, anh khựng lại nhìn, cứ sợ con chó sau khi mừng lầm sẽ lại tấn công! Nhưng càng lúc con vật càng mừng dữ hơn, nó gần như chồm lên người Thuận, khiến anh phải lùi lại, suýt nữa đã rớt xuống cái ao bên cạnh am.
– Mực! Không được hỗn!
Tiếng la của một người đàn ông đứng tuổi đã ngăn chặn kịp thời sự vui mừng quá lố của con chó. Một tu sĩ mặc áo nâu xuất hiện khiến con chó đang hăng phải xìu xuống, nằm bẹp y như trước đó! Thuận lúng túng:
– Dạ, cháu chào bác... Dạ không, chào thầy! Con là...
Tu sĩ chắp tay, giọng thân thiện:
– Nơi quanh năm không có khách viếng nay lại hân hạnh đón một quý khách thế này, bảo sao con mực nó không mừng! Mời đạo hữu ngồi tạm lên khúc cây, bởi am không tiếp khách thường xuyên nên không có bàn ghế cho đàng hoàng.
Cò mi Thuận sốt ruột nên hỏi liền:
– Thầy ở đây từ lâu, vậy chẳng hay thầy có từng thấy một cô gái trẻ bị đi lạc trong rừng tràm này không?
Vị tu sĩ không hề ngạc nhiên trước câu hỏi, trái lại ông hết sức sốt sắng, vừa đứng lên vừa hỏi:
– Có phải cô này không?
Ông bước vào trong chỗ bệ thờ, lấy ra một chiếc giỏ đệm, mà vừa nhìn thấy Thuận đã kêu lên:
– Chiếc giỏ có bộ đồ!
Đặt nó xuống đất, vị đạo sĩ hỏi lại:
– Đạo hữu kiếm người này phải không?
Thuận nhanh tay kéo bộ quần áo ra, lôi luôn mớ tóc, anh hỏi:
– Sao nó lại ở đây?
– Sáng hôm nay khi tôi dậy ra tưới cây thì thấy vật này do ai đó đặt ngoài sân. Tôi biết ngay là của một cô gái, mà là cô gái đẹp, sang trọng nữa, bởi nhìn bộ quần áo lụa may theo kiểu thị thành, thêm vào đó là mái tóc dài này, gái thôn quê không có được người trắng da dài tóc như thế...
Ông nhìn lại một lần nữa rồi tiếp:
– Theo tôi thì mái tóc này không phải do cạo hay cắt mà có. Nó... rụng một cách tự nhiên.
– Sao lại rụng được? - Thuận sửng sốt.
Vị tu sĩ đáp một cách tự nhiên:
– Chỉ có chết thì tóc mới rụng như thế này! Đây, đạo hữu coi, chân tóc còn nguyên, không phải dao cạo cắt ngang như những người xuống tóc quy y...
Câu nói của ông chưa dứt thì Cò mi Thuận đã kêu lên thất thanh:
– Trời ơi, Mỹ Tiên!
Anh ta xúc động mạnh, tay chân run rẩy, người lảo đảo, suýt nữa đã ngã xuống đất. Vị tu sĩ phải gọi giật:
– Đạo hữu sao vậy?
– Cô... cô ấy là vợ tôi. - Thuận thều thào.
Tu sĩ nhẹ lắc đầu:
– Sáng nay tôi nhận được vật này, bấm độn tôi đã đoán ngay là sẽ có đạo hữu tới, và càng lo hơn khi biết điều oan nghiệt đang có mặt chốn này...
Thuận hốt hoảng:
– Thầy nói thế là sao? Vợ tôi liệu có còn...
– Nhìn mớ tóc kia thì không thể nào của người còn sống được. Bởi người sống thì không làm sao nhổ ra được từng sợi tóc. Nhưng theo quẻ độn của tôi thì lại có cái vong của một người còn quanh quẩn đâu đây... Lạ lắm, từ ngày theo học đạo, biết bấm độn đến nay thì tôi chưa đoán lầm bao giờ. Vậy mà sao lần này...
Ông trầm ngâm rất lâu rồi mới nói tiếp:
– Có điều gì đó không bình thường ở đây...
Thuận kể chuyện giỏ đồ này từng ở nhà của anh cho vị tu sĩ nghe, ông bảo:
– Ở chỗ đạo hữu, rồi một cách bí mật chuyển tới đây thì không thể do dạo hữu hay do tôi làm được. Mà phải do...
Cò mi Thuận buột miệng:
– Do người của cõi âm!
– Có những điều ta không thể biết chắc được, nhưng nó đã xảy ra...
– Con xin thầy giúp tìm hiểu xem vợ của con có thật sự còn sống không? - Thuận nói gần như van lơn.
Trầm ngâm một lúc, vị tu sĩ nhẹ thở dài:
– Tôi đã nói lúc nãy, vẫn còn có điều tôi đang mơ hồ... Nhưng tôi hứa với đạo hữu, tôi sẽ dốc hết sức mình để tìm hiểu việc này. Nếu có thể, đạo hữu hãy trở lại đây vài hôm nữa, thế nào tôi cũng có cách...
Ông đưa chiếc giỏ cho Thuận:
– Của đạo hữu thì cứ giữ lấy.
Thuận ngập ngừng:
– Nó từng ở bên con rồi bị mất. Liệu lần này...
– Nó tự nhiên hiện ra với đạo hữu, rồi lại bị lấy đi, như vậy ắt có nguyên nhân của nó. Vậy cứ giữ nó lần nữa xem sao...
Cò mi Thuận thật lòng muốn giữ lại vật của vợ mình, nên anh ôm nó vào lòng và lững thững bước trở ra xe. Tài xế Sang đưa cho anh một đôi giày cao gót:
– Em cũng chẳng biết của ai, khi em rời xe đi vệ sinh trở lại thì thấy nó nằm trên băng phía sau. Giống như của cô Mỹ Tiên?
– Của cô ấy chứ ai nữa! - Thuận reo lên.
Đôi giày này hôm đó Mỹ Tiên đã mang. Như thế đã quá đủ để hiểu rằng nàng đã... chết!
Bà Mỹ Dung, mẹ của Mỹ Tiên khóc vì chuyện mất đứa con gái duy nhất của mình suốt một tháng trời vẫn chưa nguôi. Đêm nào bà cũng gặp ác mộng, mà trong đó hầu như bà luôn nhìn thấy con gái hiện về mình mẩy đầy máu, và chỉ đứng trong tư thế chống cả hai tay xuống đất giống như một con vật bốn chân!
Qua nhiều lần mơ thấy như vậy khiến cho bà Dung lo sợ, đem chuyện nói lạt với ông chồng. Nhưng vốn là một viên thẩm phán thấm nhuần nền tây học, nên ông Lợi gạt ngang:
– Bà nhớ nó quá rồi đâm ra mộng mị lung tung thôi!
Nhưng bà Mỹ Dung vẫn cố nói:
– Tôi có linh tính là con Mỹ Tiên chết không bình thường. Tôi muốn nhờ thầy cầu hồn nó về xem sao.
Ông thẩm phán Lợi nổi xung thiên:
– Tôi cấm bà làm chuyện mê tín đó! Không có thầy bà gì hết!
Để ngăn vợ không cho nghĩ ngợi, buồn lo chuyện của Mỹ Tiên, ông ta ngầm bảo tài xế riêng chở vợ về thẳng Rạch Giá, rồi dự tính sẽ đưa bà đi luôn Sài Gòn.
Bà Mỹ Dung không muốn rời nhà người quen ở Hà Tiên, nhưng do tài xế lái xe đưa bà đi Kiên Lương, rồi chạy thẳng về Rạch Giá trong đêm, nên tối đó bà đành phải trở về nhà ở thị xã Rạch Giá.
Người nhà hơn tháng qua không thấy chủ thì tuy có lo, bởi vậy thấy bà Mỹ Dung về họ mừng lắm. Con Thẩm vốn là đứa hầu hạ tâm phúc cho bà chủ, được dịp tâng công:
– Ngày nào con cũng mong bà về. Phòng riêng của bà mỗi ngày con cũng lau dọn và thay hoa bà ưa thích. Bà vào coi, hoa cúc vàng khó mua mấy con cung kiếm cho được! Sáng nay con thay đúng sáu bông, bởi bữa nay là ngày thứ sáu, mà ý của bà con đâu quên, hễ ngày thứ mấy trong tuần là cắm mấy bông hoa.
Dẫu đang sầu lòng, nhưng trước tấm lòng của những người làm, bà Mỹ Dung cũng gật đầu khen nó một câu:
– Được lắm!
Bà vào phòng định sẽ ngủ ngay một giấc, bởi hầu như cả tuần rồi bà luôn bị mất ngủ với những cơn ác mộng triền miên...
Vừa bật đèn điện lên, bà đã kêu thét:
– Bớ!....
Trước mặt bà, nằm trên giường là một... con khỉ trắng to gần bằng người thật! Con khỉ lại giương mắt nhìn bà mà không chút sợ hãi nào!
– Bớ!....
Lần kêu thứ hai của bà Mỹ Dung bị nghẹn lại bởi lúc ấy con vật lạ thường kia đã bật dậy, đôi mắt vẫn nhìn chằm chằm vào bà bằng ánh mắt kỳ lạ.
Những người làm nghe bà la vội chạy vào, nhưng gõ cửa mãi vẫn chẳng nghe bà lên tiếng. Con Thắm phải nói to hơn:
– Bà có chuyện gì để con vào giúp bà với!
Mãi một lúc sau, cánh cửa mới bật mở. Nhưng khi nhìn vào thì bọn người làm hốt hoảng:
– Bà chủ, sao vậy nè?
Họ thấy bà Mỹ Dung nằm ngất dưới sàn nhà. Ngoài ra chẳng hề thấy cái gì khác. Phải mất khá lâu họ mới cứu tỉnh được bà chủ. Vừa choàng mắt ra, bà đã nói trong hoảng sợ:
– Có... có ai làm gì nó không?
Con Thắm ngạc nhiên:
– Bà nói làm gì ai?
– Con... con...
Bà ngừng bặt, chừng như sợ hãi điều gì. Con Thắm tinh ý nên hỏi:
– Bộ bà thấy gì hả?
Không trả lời, mà bà lại hỏi:
– Nó đâu?
Rồi bà thu người lại ngồi vào một góc bảo mấy đứa đầy tớ:
– Hãy đóng hết cửa nẻo lại, kể cả cửa sổ!
Thấy bà quá sợ như vậy nên con Thắm chủ động nói:
– Để con ở lại với bà trong phòng. Con mở đèn sáng lên như vầy thì đâu có gì bà phải sợ.
Nhưng bà Mỹ Dung vẫn như đang nhìn thấy cái gì đó, bà cứ đưa tay chỉ ra ngoài khoảng không và lắp bắp nói:
– Nó... nó ở chỗ đó! Nó...
Phải mất cả buổi bà mới hồi tỉnh hoàn toàn. Tuy nhiên tâm thần bà bất an, cứ thỉnh thoảng lại hỏi:
– Con khỉ nó còn vào đây nữa không?
Hỏi con khỉ nào thì bà không nói, mà chỉ nhẹ thở dài rồi nhìn ra ngoài trời và nói thật khẽ trong miệng, chẳng ai nghe thấy được gì... Ông thẩm phán Lợi được báo tin, ông từ Hà Tiên về và cũng thật bất ngờ, ông nói:
– Tối qua cũng có một con khỉ trắng lớn gần bằng con người, nó từ trong phòng tôi nhảy qua cửa sổ rồi chạy mất dạng! Tôi sợ quá nên cho mấy tay súng nằm rình ngoài vườn, định bắn hạ....
Lời ông chưa dứt thì bà đã gào lên:
– Không được bắn! Mấy người mà bắn nó thì... thì hãy bắn tôi đây nè!
Trước thái độ kỳ lạ của vợ, ông Lợi quá đỗi ngạc nhiên, nhưng cũng chiều lòng bà, ông điện thoại về Hà Tiên dặn mấy tên lính giữ nhà không được sát hại con khỉ trắng, nếu nó có trở lại thì tìm cách bắt giữ thôi!
Bà Mỹ Dung nghe vậy cũng phản đối:
– Cũng không được bắt giữ! Tôi thấy nó hiền và tội nghiệp lắm. Bữa qua tuy tôi sợ phải ngất đi, nhưng lúc đó tôi cũng thấy rõ ràng là đôi mắt nó ươn ướt, như đang khóc! Một con khỉ như vậy sao mình nỡ giết chứ!
Ông thẩm phán cũng bắt đầu hoang mang về sự việc lạ kỳ này. Phải chăng có hai con khỉ giống nhau, vậy nên chúng mới xuất hiện cùng lúc ở hai nơi xa nhau gần trăm cây số? Mà tại sao chúng lại xuất hiện trong phòng riêng?
Có lẽ vì thương nhớ con nhiều và nghĩ ngợi lắm, nên bà Mỹ Dung nhạy cảm hơn, bà buột miệng nói:
– Phải chăng... oan hồn con Mỹ Tiên là... là...
Bà không dám nói hết câu, nhưng ông Lợi cũng hiểu, ông thốt lên:
– Oan hồn!
Đây là lần đầu tiên ông ta thừa nhận có oan hồn! Ông ta còn nói:
– Nhưng... hồn người chết sao là khỉ? Không thể nào...
Bà vợ thì hình như khẳng định được điều gì đó, bà bật dậy và nói nhanh:
– Phải báo cho thằng Thuận biết để đi tìm vợ nó!
Nhưng khi họ tới tìm Thuận thì anh ta đã đi đâu mà người nhà cũng không biết rõ. Tài xế Sang đậu xe đợi ở ngoài cửa như thường lệ, nhưng từ sáng đến giữa trưa vẫn không thấy bóng dáng chủ đâu. Anh ta nói với vợ chồng ông thẩm phán:
– Tối qua con còn đưa cậu đi “nhậu” về. Mấy hôm nay cậu ấy “nhậu” dữ lắm. Cậu ấy vào nhà xong, con cũng là người khóa cửa ngoài và ngủ ở ga-ra, phòng khi cậu có cần gì thì gọi cho dễ. Nhưng chẳng nghe cậu gọi gì cả, sáng sớm ra con tưởng cậu còn ngủ sau cơn say, mà chờ hoài tới giờ cũng không thấy.
Ông bà thẩm phán đã vô tận phòng riêng gọi cửa thì Thuận không có trong đó. Coi lại đồ đạc trong phòng thì họ phát hiện ta trên giường nệm, nhất là trên một cái gối có lưu lại khá nhiều lông màu trắng, mà vừa trông thấy bà Mỹ Dung đã la lên:
– Lông khỉ!
Ông thẩm phán cũng nhận ra điều đó. Ông lẩm bẩm:
– Không lẽ nó cũng... có con khỉ?
Khi họ trở ra hỏi thêm Sang thì anh ta chợt nhớ ra:
– Từ hôm qua, đã nhiều lần cậu Thuận cứ nhắc hoài cái am ở Vàm Rầy...
Tự dưng ông thẩm phán hỏi:
– Cái am ở giữa đồng phải không?
– Dạ phải, cách Vàm Rầy chừng hai trăm thước. Cái am nằm sâu giữa đồng, chẳng có đường vào.
– Trời ơi!
Ông Lợi kêu lên mấy tiếng tồi đứng chết lặng khá lâu Bà Mỹ Dung phải lên tiếng hỏi:
– Ông sao vậy?
Bất chợt, ông quay qua tài xế Sang:
– Mày đưa tao trở lên đó coi!
Bà vợ cũng đòi theo:
– Tôi cũng đi nữa!
Ông Lợi gạt ngang:
– Bà không đi được, để tôi đi tìm... Tìm thằng Thuận!
Bà quyết liệt:
– Tôi tìm con gái tôi!
Bà leo đại lên xe, nên buộc lòng ông phải chấp nhận:
– Đi, nhưng lên đó bà không được để ý chuyện gì chung quanh. Chuyện...
Ông định nói gì đó lại thôi. Từ đó lên Vàm Rầy, hầu như cả hai vợ chồng đều im lặng. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng...
Khi tới nơi, trước sự ngạc nhiên của bà vợ, ông Lợi bước xuống xe lội băng đồng, tiến vào cái am mà lần trước Sang đã dừng xe chờ Cò mi Thuận. Bà Mỹ Dung có muốn đi theo cũng ngại, bởi bà đi hài nhung thì làm sao băng qua ruộng đầy sình lầy kia được!
Rồi đột nhiên bà gợi ý:
– Nè Sang, mày có dám... cõng tao vào trong đó không?
Sang hơi bất ngờ trước đề nghị đó, nhưng trong lòng anh chàng đang rộn lên ý nghĩ thích thú. Tuy gọi là bà chủ, chứ thật ra bà Mỹ Dung chỉ lớn hơn Sang sáu tuổi... Cơ thể một mệnh phụ như bà ta lại được chải chuốt, ăn diện sang trọng, nên trông chẳng cách biệt tuổi với Sang là mấy. Anh chàng nghĩ nhanh:
Cõng thi cõng, như cõng... một nàng nào đó, có sao đâu. Vả lại, suy cho cùng một khi bà chủ lớn mà muốn như vậy thì có cãi cũng không được! Cho nên Sang nói liền:
– Dạ, nếu bà muốn...
Bà Mỹ Dung bá lấy cổ anh chàng tài xế khỏe mạnh ngay và giục:
– Theo ông ấy nhanh lên!
Tuy cõng một người ngót năm chục ký có nặng, nhưng tài xế Sang do thích thú nhiều, nên anh vừa bước nhanh vừa nghĩ:
– Đời tài xế mà kiêm luôn... cõng xế thế này thì mấy ai được như mình!
Khi Sang cõng bà chủ vào tới am thì vừa lúc vị tu sĩ từ trong bước ra, giáp mặt với thẩm phán Lợi. Vừa chợt trông thấy người trước mặt, ông Lợi thảng thốt kêu lên:
– Ông đây là... đây là...
Vị tu sĩ vẫn điềm tĩnh:
– Mời quý đạo hữu ngồi. Dẫu là cố nhân thì cũng ngồi nói chuyện đã chứ!
Thấy giọng điệu bình tĩnh của vị tu sĩ, thẩm phán Lợi càng lúng túng hơn:
– Thì ra... ông ở đây...
Lúc này chủ am mới lên tiếng, mạch lạc hơn:
– Người quân tử trả thù thì mười năm cũng chưa muộn, phải không ngài thẩm phán!
Thẩm phán Lợi tái mặt, giọng run run:
– Anh Lượng... tôi và anh... nên gác qua một bên chuyện cũ...
Vừa trông thấy bà Mỹ Dung vào tới, vị tu sĩ nói lớn:
– Hay quá, có mặt cả người mà tôi tưởng là sẽ không bao giờ gặp lại thì còn gì bằng!
Ông Lợi thấy sự xuất hiện của vợ thì càng quýnh lên:
– Bà... bà không nên... Mà nè anh Lượng, chuyện giữa mình với nhau, đừng để người ngoài...
Vị tu sĩ quay sang phía tài xế Sang:
– Theo cậu thì chuyện lạ về đôi vợ chồng quyền thế mà cậu đang làm công đây có đáng nghe không?
Sang cũng rất tò mò, nhưng đành phải lắc đầu:
– Dạ, để con ra ngoài.
Thẩm phán Lợi lại rất cần có Sang, nên ông cố nói:
– Anh cho nó đưa vợ tôi ra, bà ấy đang bệnh.
Nhưng bà Mỹ Dung lại nói:
– Tôi muốn ở lại!
Bà nói bằng giọng kích động, bởi lúc ấy bà vừa nhận ra người tu sĩ trước mặt mình. Bà không thể bình tĩnh được, nên lại nói:
– Tại sao anh lại...
Bà nhìn chăm chú vào bộ áo nâu sồng của người đàn ông trước mặt. Ông này hướng về phía Sang xua tay:
– Thôi, cậu ra ngoài đi. Hai người này sẽ không hứng thú khi có cậu nghe chuyện của họ lắm đâu. Khi cần tôi sẽ gọi vào.
Sang đi ra rồi thì bà Mỹ Dung lại càng kích động dữ hơn:
– Anh Lượng, xin anh...
Vị tu sĩ mà cả hai người đều gọi là Lượng vẫn bình thản:
– Tôi bây giờ đã khoác áo nâu sồng, vậy hãy gọi tôi là tu sĩ Thành Lượng.
– Anh... à mà thầy Lượng, xin hãy...
– Bà muốn nói tôi hãy bỏ qua chuyện cũ chứ gì? Vậy chuyện cũ đó là gì, bà thử nhắc lại nghe xem, có thể bỏ được không?
Ông thẩm phán lúc này mới lại lên tiếng:
– Xin anh Lượng bỏ qua chuyện cũ, tôi xin chịu tội, tôi sẽ...
Bất chợt vị tu sĩ cất tiếng cười! Giọng cười lúc đầu lớn, sau nhỏ dần và đột nhiên biến thành một tràng tiếng khóc, nghe thê lương lạ thường! Tiếng khóc đó khiến cho cả hai vợ chồng thẩm phán đều rúng động và họ co rúm lại, như biết sắp có chuyện gì đó ghê gớm lắm sẽ xảy ra...
Rồi đột nhiên cả hai vợ chồng ông ta đều quỳ sụp xuống, lạy như tế sao:
– Xin anh Lượng tha tội! Xin lạy anh!
– Tội lỗi! Tội lỗi! Hai người để sức mà lạy người kia kìa, đừng lạy tôi!
Lời ông vừa dứt thì từ nhà sau bước ra một người trùm kín trong chiếc áo tơi, loại áo bằng lá kết thành của những người đi làm nông. Rồi đột nhiên người đó đưa tay gở từng mảng lá trên người ra, để lộ.... một người khỉ lông xám!
Bà Mỹ Dung hét lên trước tiên rồi bò lăn dưới đất, hồn phi phách tán!
Ông thẩm phán Lợi thì bình tĩnh hơn, chỉ hơi né sang bên khi người khỉ đó bước tới gần!
Giọng của vị tu sĩ trở nên gay gắt hơn:
– Ông bà hãy nhìn kỹ xem đây là ai?
Bà Mỹ Dung luôn là người nhạy cảm hơn, bà nhìn vào đôi mắt con khỉ tỏ như người, bất chợt bà kêu lên:
– Lệ! Ngọc Lệ!
Ông Lợi vừa nghe vợ kêu tên Ngọc Lệ thì giật mình:
– Ai... ai là Ngọc Lệ?
Trả lời cho ông là một tiếng rú kinh người phát ra từ con người khỉ kia.
Đồng thời người ấy phóng mình thẳng qua cửa sổ và mất dạng sau cánh rừng tràm. Vị tu sĩ thảng thốt:
– Lệ, em đừng đi, phải ở lại đây đòi món nợ năm xưa!
Nhưng bóng người khỉ đó đã mất hút trong cánh rừng dày đặc. Cũng lúc đó, giọng nói như tiếng khóc của tu sĩ Lượng:
– Nó có thể giết chết hai người để trả thù, nhưng tính nó vốn vậy đó, không thể ra tay tàn ác được!
Ông ta ngừng lại một chút, rồi tiếp với giọng đầy uất hận:
– Đã hơn mười năm rồi, ngày nào nó cũng ra lộ cái mà ngồi, để chờ đợi người mà nó cho là đã gây ra cái chết của nó, hại cả đời con gái của nó. Vậy mà đã trên mấy chục lần rồi, nó đối diện với hai người, để rồi lại âm thầm quay về mà chẳng thể nào hoàn thành được tâm nguyện... Nó đã tha cho hai người bao nhiêu lần rồi và lần này, sau khi tôi giúp nó rửa được một phần mối hận, chỉ một chút nữa thôi là nó làm xong những gì hơn mười năm nay luôn canh cánh bên lòng.
Bà Mỹ Dung vội chen vào:
– Ngọc Lệ chắc là hiểu cho chúng tôi, ngày đó chúng tôi đâu cố ý. Chúng tôi chỉ...
Lợi cũng hùa theo vợ:
– Anh Lượng hiểu cho bọn này, mình đau có ý hại Ngọc Lệ. Chẳng qua...
Bỗng giọng của vị tu sĩ đanh lại:
– Vậy ai đã cưỡng bức Ngọc Lệ với sự tiếp sức của con đàn bà lòng lang dạ sói này! Ai, hai người nói xem?
Cả hai tái mặt:
– Dạ.... dạ....
– Tôi đã xuất gia tu hành sau cái chết tức tưởi của em gái mình. Tôi không muốn mang thù hận lâu dài... Nhưng chính các người đã khơi dậy lòng oán thù khi cho thằng rể phá cái miếu thờ nó, khiến nó không có chỗ nương tựa.
Bà My Dung ngơ ngác:
– Thằng Cò mi Thuận thì dính gì vụ này?
– Về mà hỏi nó coi, có phải nó mua miếng đất xây ngôi biệt thự nghỉ mát ở Kiên Lương rồi trước khi xây đã phá cái miếu âm hồn hay không?
Ông Lợi giật mình:
– Quả là có chuyện đó! Nhưng khi ấy nó đâu có biết là miếu của ai?
– Phá chùa phá miếu là tội tày đình mà lại phá ngay cái miếu mà tôi đã cho xây để tưởng nhớ con Ngọc Lệ. Thử hỏi...
Ông mở tung cánh của sổ, chỉ tay ra phía rừng tràm:
– Hai người có nhìn thấy ai đứng ngoài kia không?
Hai vợ chồng cũng nhìn ra và đều sửng sốt:
– Ngọc Lệ!
Ông ta lắc đầu:
– Ngọc Lệ là con khỉ màu xám, còn ở kia là... con khỉ màu trắng. Hai người không nhớ gì sao?
Bà Mỹ Dung kêu lên:
– Con Mỹ Tiên!
Ông Lợi cũng nói theo:
– Đúng là con khỉ đã về báo cho mình hôm qua!
– Làm ác thì gặp ác thôi! Em gái tôi bởi mấy người mà mạng vong, thì nay tới phiên con gái mấy người phải trả giá!
Bà Mỹ Dung gào lên:
– Con gái tôi! Anh đã làm gì nó hả Lượng? Anh quá tàn ác...
– Tôi không làm, nhưng đó là hậu quả tất yếu của việc mà vợ chồng bà đã gây ra mà thôi! Bà có nhớ cái đêm mưa gió tháng tám năm ấy không? Cũng ở một cánh rừng tràm như thế này...
Ông Lợi nghe tới đó thì bịt tai lại, rên rỉ:
– Đừng nói... xin anh đừng...
Nhưng vị tu sĩ vẫn nói:
– Em gái tôi lúc ấy đang là người hầu cho ngài thẩm phán mới được bổ nhiệm Lê Tấn Lợi. Hôm đó ngài đi săn khỉ cùng với người yêu tại cánh rừng Cà Bay Ngộp này, có con Ngọc Lệ đi theo để hầu nước nôi, và nửa đêm hôm đó thì xảy ra chuyện! Khi ấy ngài thẩm phán Lợi sau khi uống say với mấy tên quan Pháp trên chiếc ca-nô lớn, đã bắt cóc em gái tôi đem xuống chiếc xuồng nhỏ và đưa ra xa, nơi đó có một cái chòi lá và có cả cô tiểu thư Mỹ Dung nữa! Thì ra những con người giàu có ăn no rửng mỡ, họ bày ra cái trò chơi bẩn thỉu, tội lỗi, gọi là đạt được mục tiêu do lời thách đố của mấy tên quan Tây. Họ thách rằng, nếu thẩm phán Lợi mà không cưỡng hiếp được cô hầu gái xinh đẹp Ngọc Lệ thì chính bọn quan Tây kia sẽ hiếp cô vợ trẻ của hắn. Do vậy mà khi tên Lợi bắt cóc được Lệ đem tới chòi lá đó thì chính người yêu của hắn tiếp sức, để cho hắn thực hiện hành vi đồi bại, đốn mạt kia!
Bà Mỹ Dung hoàn toàn suy sụp, bà ngã quỵ xuống đất, thều thào:
– Ngày đó... chẳng qua tôi sợ.... tôi sợ bị hiếp bởi mấy tên Tây say, nên mới...
– Mới trói tay Ngọc Lệ, để cho tên khốn Lợi làm chuyện tội lỗi. Mà phải vậy thôi sao. Sau khi thực hiện xong thú tính, hai người đã đem vứt xác em tôi ở giữa rừng, thay vì thả nó ở ngay chỗ đó thì nó còn có thể bò trở ra ngoài sẽ có người cứu giúp. Chính bởi bị bỏ rơi cho nên nửa đêm hôm đó, lũ khỉ đông đến hàng trăm con đã kéo đến. Bọn khỉ đực sẽ chẳng bao giờ hiếp con người nếu...
người đó không trong tư thế lõa lồ, nhất là người ấy vừa trải qua cơn mây mưa dục tình, cái mùi dục tình sẽ khiến lũ khỉ đực ham muốn, và thế là...
Ngừng lại với tiếng nấc qua màn nước mắt, hồi lâu sau, vị tu sĩ mới nói tiếp được:
– Ngọc Lệ đã chết sau sự cưỡng hiếp tập thể của đàn khỉ, và tôi chỉ hay tin sau bảy ngày vong hồn nó về báo cho biết! Nói thật, lúc ấy tôi quá uất hận, đã cầm dao ra Rạch Giá đôi lần để quyết trả thù cho em gái mình! Tuy nhiên, cũng đôi ba lần, em gái tôi đã tìm cách ngăn cản, khi thì nó khiến cho hai người đi vắng lúc tôi đột nhập vào nhà, khi thì khiến xe đò tôi đi báo thù bị hư dọc đường, để rồi sau đó hai người không đến nơi thường ở. Sau mấy năm, cuối cùng tôi nghiệm ra rằng:
lòng thù hận sẽ dẫn tới cuộc báo oán triền miên, rồi sẽ có thêm cái chết của hai người, và sau đó còn tiếp nối dài dài... Oan nghiệt chất chồng oan nghiệt! Bởi vậy cuối cùng tôi đã quyết định khoác áo nâu sồng và quên hết mọi chuyện...
Ông nói tới đó thì ngừng lại hơn nửa phút, đến khi tiếp lời thì giọng trở nên buồn thảm:
– Nhưng chuyện đời đâu như ý mình muốn! Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng. Bởi vậy khi Cò mi Thuận ủi sập cái miếu thờ thì tôi không còn ngăn cơn thịnh nộ của Ngọc Lệ được nữa!
Bà Mỹ Dung đã đoán ra chuyện ông ta sắp nói:
– Và con gái rôi đã bị hại?
Giọng vị tu sĩ bùi ngùi:
– Đáng tiếc, nhưng không làm sao hơn! Đêm hôm ấy, trời xui khiến cho xe của Cò mi Thuận bị hư ở gần đây, và cô vợ trẻ của anh ta đã bị cái vong của Mỹ Lệ xui khiến bước xuống xe, đi thẳng tới nơi này...
Vừa nghe tới đó, bà Mỹ Dung đã kêu lên:
– Vậy con tôi đâu? Ai đã làm gì nó rồi?
– Rất tiếc... đêm đó tôi đã hết lời khuyên mà Ngọc Lệ không nghe, nó quyết đưa con gái bà đi vào rừng. Và chuyện gì sau đó ắt hai người biết rồi...
Cả hai đều kêu lên một lượt:
– Trời ơi!
Họ gục xuống. Trong khi ở bên ngoài cửa sổ có bóng một con khỉ trắng đứng lặng im...
Sau khi trở về từ Vàm Rảy thì hầu như bà Mỹ Dung đi vào hôn mê luôn. Các bác sĩ tây y đã chẩn đoán và kê toa đủ loại thuốc, nhưng bệnh tình của bà ngày càng tệ đi. Có người nói bà bị tâm bệnh hay một thứ bệnh của cõi âm gì đó, nhưng ông thẩm phán Lợi thì nhất định không tin.
Trong suốt thời gian bà nằm bệnh, thẩm phán Lợi bỗng dưng nổi cơn thèm muốn của đàn ông. Nếu bình tâm suy nghĩ một chút thì chắc ông thẩm phán đã sáu mươi tuổi sẽ không khỏi ngạc nhiên tại sao mình lại như vậy?
Trong khi chuyện ấy giữa ông và vợ đã ngừng từ vài năm rồi. Tuy nhiên, trong lúc này thì như một trai tơ, ông Lợi cứ rạo rực hoài và có nhu cầu như bao nhiêu đàn ông còn sung mãn khác. Ông lại giở chứng như cách đây trên mười năm...
Hôm đó là buổi chiều cuối tuần, thay vì ở nhà chăm sóc vợ, thẩm phán Lợi lại bảo tài xế riêng:
– Mày biết chỗ nào vui vẻ, chở tao tới đó coi!
Tài xế Hai là người lái xe cho ông lâu năm, kín tiếng và trung thành, nghe chủ nói anh ta đáp rất khẽ:
– Có chỗ này kín đáo lắm. Ông có thể tới được.
Nơi mà tài xế Hai nói thật ra anh ta chỉ biết hai hôm nay, do một người mới quen chỉ cho. Số là sáng thứ năm rồi, trong lúc chạy xe về nhà sau khi đưa chủ đi một vòng.
– Anh Hai!
Nghe kêu, tài xế Hai quay lại nhìn thì thấy có một người đàn bà tuổi trên dưới bốn mươi, đang đưa tay vẫy mình bên lề trái. Thấy không quen, Hai định chạy luôn thì chị kia chạy băng qua lộ, tiến sát anh, nói lớn:
– Em kêu anh đó, phải anh Hai Vĩnh không?
Cái tên Hai Vĩnh ít người biết, ngoại trừ thân cận. Nên anh phải tấp xe vào lề, rồi hỏi:
– Chị là ai mà biết tôi?
Người phụ nữ cười rất tươi:
– Mới mấy năm mà đã quên người quen cũ rồi. Phải rồi, bây giờ lái xe cho ông thẩm phán nên đâu thèm nhớ tới con Sáu Tuyết này nữa!
Hai Vĩnh nhìn sững chị ta:
– Phải Tuyết cơm tấm ở bến bắc không?
– Dữ hôn, giờ mới nhớ! Tuyết bắc Vàm Cống mà ngày xưa khi còn chạy xe đò, ngày nào anh cũng ghé ăn và... ghi sổ dài dài đây!
Quả thật Hai Vĩnh có biết một người như vậy, nhưng hình như chị ta thay đổi nhiều, nên anh chàng chỉ biết cười hòa và nói:
– Bận rộn quá đâu có nhớ. Mà sao cô lại ở đây, không ở Long Xuyên sao?
– Đâu có, em bán hàng ở bắc Vàm Cống, nhưng quê quán thì ở xứ này, nên sau khi nghỉ bán em trở về đây, chuyển nghề...
– Chắc lấy chồng giàu, làm bà chủ?
– Chồng con đâu mà lấy! Nhưng làm bà chủ thì có. Bà chủ nhỏ thôi...
Rồi chị ta cười tít mắt:
– Gặp anh, em mừng quá! Dẫu gì cũng là người quen cũ, vậy ghé ủng hộ em đi!
Hai Vĩnh ngạc nhiên:
– Em làm gì mà bắt anh ủng hộ?
Chị ta ghé sát tai Vĩnh nói nhỏ:
– Bán... bia có gái!
Hai Vĩnh giật mình:
– Cái vụ này tôi không hạp à nghen. Có bao giờ tôi ghé mấy cái quán loại đó đâu. Vả lại...
Chị ta nheo mắt rồi móc túi lấy ra tờ danh thiếp:
– Đây là địa chỉ quán của em. Anh không thích đi thì chỉ cho bạn bè hay... ông chủ anh đi. Bảo đảm với anh, ở chỗ em có một con nhỏ trẻ đẹp mà bất cứ đàn ông nào cũng phải mê.
Chị ta còn nói huyên thyyên đủ thứ chuyện, Hai Vĩnh chỉ ậm ừ cho qua rồi tìm cách thoát thân. Anh ta nghĩ bụng sẽ không bao giờ tới chỗ chị ta.
Nhưng mọi việc lại đổi khác khi bữa nay lại nghe chính ông chủ nghiêm khắc đề nghị đi vui vẻ!
Thấy Hai Vĩnh hứa hẹn thẩm phán Lợi hạ giọng:
– Đừng để ai nhìn thấy nghe mày!
Từ bữa được chào mời, bữa nay là lần đầu Hai Vĩnh mới tới. Tuy nhiên, anh không ngờ khi vừa cho xe đậu trước cổng ngôi nhà ngói cũ, anh đã thấy Sáu Tuyết từ trong cổng chạy ra đon đả:
– Em biết thế nào anh Hai cũng tới, mà lại tới với... ông lớn nữa! Vậy mời vào, cho xe vào luôn trong này, có chỗ đậu kín đáo lắm.
Chưa gặp chị ta bao giờ, nhưng tự dưng ông Lợi cảm thấy quen quen...
Ông được mời vào trong một phòng riêng, chỉ mỗi mình ông. Nhưng chờ không lâu, đã thấy xuất hiện một giai nhân, mà vừa thoạt nhìn thấy ông thẩm phán gần như hồn phi phách tán!
– Chào ngài thẩm phán!
Trốn đi chơi lén mà bị người ta phát hiện, gọi đúng chức vụ, đáng lẽ ông Lợi e ngại lắm, nhưng chẳng hiểu sao ông cứ tỉnh như không. Có lẽ tâm trí ông gần như bị hút vào cô gái có nhan sắc lạ lùng này!
– Ngài không vừa lòng em sao mà cứ ngây ra như vậy? Hay là để em nói bà chủ đổi người khác?
– Không, không phải... - Thẩm phán Lợi quýnh lên.
Ông ta như một chàng trai mới lớn, bị cô nàng làm cho ngất ngây, quên cả những lời tán tỉnh mà thường khi ông ta rất nhạy bén. Cô gái phải bẹo vào má ông, nũng nịu:
– Không thèm mời người ta ngồi gì hết hà!
Bây giờ lão mới vụng về kéo tay nàng ta xuống, vô tình khiến nàng ta ngã gọn vào lòng lão!
– Ối, em xin lỗi!
Và khi lão ta vừa cúi xuống thì nàng ta đã bất thần kéo ghì đầu lão, rồi gắn chặt môi mình lên đôi môi đang thèm khát kia. Chỉ cần có thế, thật nhanh chóng để họ trở thành tri kỷ của nhau. Cho đến khi tuần rượu thứ hai đưa lên thì thẩm phán Lợi dõng dạc tuyên bố:
– Từ nay cô nàng tên Bích Liên này đã thuộc về ta!
Bà chủ quán xuất hiện đúng lúc và được vị khách sộp này móc ra một số tiền lớn đưa cho:
– Chị cầm lấy số này, coi như tiền ta chuộc Bích Liên.
Thấy chị ta có vẻ do dự, ông Lợi bồi thêm:
– Đây chỉ là tiền lót tay, rồi ta sẽ đưa thêm gấp đôi!
Dĩ nhiên là lời đề nghị hấp dẫn đó được chấp thuận. Cho đến khi tiệc tàn, thẩm phán Lợi ra lệnh cho Hai Vĩnh:
– Chở luôn nàng ấy về cho ta!
Hai Vĩnh lưỡng lự:
– Nhưng thưa ông...
Hiểu ý, lão ta chỉ tay về hướng ngoại ô thị xã:
– Mày đưa nàng về căn phố tao mới mua chưa ở. Từ nay cho nàng ở luôn nơi đó.
Bích Liên cảm động dựa đầu vào vai anh kép già, kín đáo nhoẻn miệng cười... Riêng Hai Vĩnh thì kêu thầm:
– Khổ tới rồi!
Rồi ngay tối đó, lão thẩm phán đã ở lại luôn với người đẹp tại ngôi nhà mà khi mua, lão từng nói là dành cho bà vợ làm chỗ thờ cúng, tụng kinh gõ mõ!
Hai Vĩnh cũng không ngờ ông chủ mình say mê cô nàng nhanh đến như vậy, cho nên anh ta cũnng chưa tính được cách trả lời nếu bà chủ hạch hỏi.
Cũng may là đêm đó cũng giống như mấy đêm trước, bà Mỹ Dung vẫn còn mê man...
Ở một góc tối ngoài vườn, có một bóng trắng đứng lặng nhìn vào nhà, đôi vai run run theo tiếng nấc... Người ấy đang khóc. Và nếu có ai nhìn kỹ sẽ nhận ra, bóng đó là một con khỉ màu trắng!
Nàng ta khóc và thỉnh thoảng khẽ kêu lên:
– Mẹ ơi!
Bà Mỹ Dung đã trị đủ loại thuốc, đủ loại thầy mà bệnh tình vẫn trơ trơ.
Vậy mà chỉ sau đêm hôm đó, khi tài xế Hai Vĩnh ngủ giữ xe ngoài hàng hiên nhìn thấy một bóng trắng to lớn phóng từ phòng bà ra ngoài, thì sau đó nghe tiếng bà ú ớ kêu vọng ra!
Không tiện vào phòng bà chủ, nên Hai Vĩnh đã báo động để những tôi tớ khác chạy vào. Lúc ấy bà đã tỉnh lại, đang ngồi trên giường và thốt nhiên hỏi:
– Con gái tôi đâu?
Ai nấy ngơ ngác:
– Thưa bà... cô Mỹ Tiên đã...
Bà gắt lên:
– Ai không biết nó đã chết! Nhưng... nó mới về đây, chính nó đã cứu tôi tỉnh lại. Nó đâu rồi?
Bà bảo mọi người cùng tìm khắp nơi. Hai Vĩnh đoán ra, anh nói riêng với bà:
– Con mới thấy một cái bóng trắng thoát ra từ phòng bà!
Bà Mỹ Dung bật ngay dậy, lâu ngày không bước xuống đất nên bà lảo đảo suýt ngã. Cũng may là sau đó bà lấy lại thăng bằng và quát to:
– Đưa tao đi!
Nhìn đồng hồ tay thấy đã hơn hai giờ sáng, Hai Vĩnh vừa chạy ra mở cửa xe vừa lắp bắp nói:
– Thưa bà, giờ này...
Bà ra lệnh:
– Đưa tao tới ngay ngôi nhà ở bên Vĩnh Thanh Vân!
– Thưa bà... dạ thưa bà... - Hai Vĩnh quýnh lên.
Bà lại quát to hơn:
– Sợ tao lột mặt nạ chủ tớ tụi bay ra phải không!
– Dạ.... con đâu dám...
– Con gái tao đã nói hết rồi, đừng giấu nữa!
Không còn cách nào hơn nên Hai Vĩnh đành lái xe về hướng căn phố ở ngoại ô, nơi hắn đã đưa ông chủ tới đó hồi đầu hôm...
Tuy nhiên, vốn có ý bênh ông chủ mình, nên Hai Vĩnh cố tình như quên chỗ, lái xe đi vòng vòng và chạy thật chậm... Nhưng thật bất ngờ, tay lái như bị ai đó điều khiển, ga bị nhấn mạnh và chiếc xe lao tới vun vút! Đến nỗi Vĩnh phải la lên:
– Xe kỳ quá, tôi không điều khiển được nữa rồi!
Cũng may là chỉ một lúc sau thì đến nơi. Xe đã dừng lại trước cửa căn phố rồi mà Hai Vĩnh vẫn còn hoang mang ngồi yên trên xe. Lúc đó, bà Mỹ Dung tự mở cửa xuống và ra lệnh:
– Mày lùi xe lại đằng kia chờ tao! Mày mà báo động cho ông ấy chạy thoát thì mày thế mạng đó!
Bà hùng hổ bước vào trong. Cánh cửa do Hai Vĩnh khóa trái lúc đi ra theo lời dặn của thẩm phán Lợi, giờ đây chẳng hiểu ai đã mở sẵn! Bởi vậy, đến khi bà Mỹ Dung xông vào tận phòng trong rồi mà người trong ấy vẫn không hay biết!
Tiếng quát của bà khiến cho người nằm trên giường hốt hoảng bật dậy.
Đó là... một con khỉ đột to bằng người, bộ lông màu xám!
– Trời ơi!
Bà Mỹ Dung vừa kêu vừa cố bước lùi... Tuy nhiên, đôi chân của bà hầu như không cất lên được, trái lại như còn bị đẩy đi tới. Trước mắt bà, rõ ràng người đang nằm cạnh con khỉ là ông chồng thẩm phán! Ông ta còn ngủ say, chẳng hề hay biết gì. Trong lúc con khỉ bước xuống giường, tiến về phía bà Mỹ Dung. Miệng nó nhe ra, hai chiếc răng nanh nhô dài như chực cắn cổ người trước mặt! Bà Mỹ Dung thét lên một tiếng rồi đổ người xuống chờ chết...
Vừa lúc ấy, cái bóng trắng quen thuộc lao nhanh vào, rồi bằng một động tác dứt khoát, người ấy cắp hai bên hai người, một là bà My Dung, còn bên kia là ông thẩm phán, nhảy vút ra ngoài và mất dạng!
Còn lại trong phòng, con khỉ xám điên tiết lồng lên! Nó đập phá đồ đạc chung quanh và hình như chưa hả giận, nó xé nát cái nệm giường, vừa ngửa cổ hú lên những tràng dài, kinh động cả một vùng!
Hai Vĩnh đậu xe cách hơn trăm thước, nghe được tiếng hú, anh ta hốt hoảng lùi xe lại nghe ngóng... Bất chợt anh ta nhìn thấy ngọn lửa bùng lên từ ngôi nhà, lửa càng lúc càng dữ dội mà không nhìn thấy ai trong đó chạy ra. Hai Vĩnh hốt hoảng kêu to:
– Ông bà chủ ơi!
Nghe tiếng anh ta la, nhiều người quanh đó bâu lại, họ hỏi dồn:
– Chuyện gì vậy?
Vĩnh đưa tay chỉ vào trong, quýnh lên:
– Cứu! Cứu giùm với... Có người kẹt trong đó!
Lửa cháy quá lớn, nên có người muốn vào cứu cũng không vào được.
Phải đợi hơn mười phút sau, khi có lính cứu hỏa tới thì họ mới phá cửa xông vào.
Cuối cùng, họ chỉ cứu ra được đúng một người. Nhưng khi mọi người nhìn thấy người đó thì thảy đều kinh hãi. Bởi đó là một người mà nửa phần trên là mặt và thân thể của một cô gái, còn nửa phần dưới là một con khỉ đột thật lớn!
– Trời ơi!
Ai nấy kêu lên và trố mắt nhìn. Tuy nhiên, chỉ hơn một phút sau thì thân thể ấy từ từ biến dạng... Cuối cùng chỉ còn lại một bộ xương trắng!
Mấy người lính cứu hỏa cũng không còn bình tĩnh, họ đặt hài cốt đó xuống sân rồi lo đi cứu lửa. Mọi người cũng tạm quên bộ xương, để tiếp tay lo dập lửa đang bắt đầu lan sang mấy căn nhà bên cạnh.
Đến khi họ chợt nhớ, quay lại thì chẳng còn thấy bộ xương đâu? Một người nói:
– Tôi mới thấy đây mà!
– Có ai dời đi đâu không? - Người khác hỏi.
Chẳng một ai biết. Hai Vĩnh cũng có mặt ở đó, anh cố chen mọi người vào trong nhìn. Khi thấy ngôi nhà của chủ tàn lụi theo ngọn lửa, anh ngao ngán lắc đầu rồi quay ra ngoài, giọng đẫm nước mắt:
– Cả hai ông bà đều ở trong đó!
Anh ta vừa mở cửa xe leo lên thì bất chợt nghe một giọng nói từ băng sau:
– Họ không chết đâu, đừng lo!
Hai Vĩnh giật mình quay lại thì bắt gặp vị tu sĩ mặc áo nâu, đang ngồi bên cạnh một bộ hài cốt. Quá đỗi ngạc nhiên, Vĩnh định hỏi thì vị đạo sĩ đã nói như ra lệnh:
– Đi đi, ắt gặp họ.
Vĩnh không hỏi là đi đâu, nhưng khi anh lái về hướng trước mặt, con đường dẫn về Hà Tiên thì người ngồi sau vẫn im lặng, có nghĩa là xe đi đúng hướng!
Cứ như thế, xe chạy với tốc độ nhanh, mất gần hai tiếng thì tới nơi. Đó là lần đầu tới đây, nên Vĩnh phải lên tiếng hỏi:
– Đây là đâu?
– Vàm Rầy. Anh không biết, chứ những người thân trong nhà chủ anh đều biết. Anh có muốn ngồi đây đợi hay vào trong đó giúp đưa chủ anh về?
Nghe nói thế, Hai Vĩnh mừng và reo lên:
– Chủ tôi còn sống sao?
Vị tu sĩ ôm bộ hài cốt trên tay, vừa đi vào phía am vừa đáp:
– Họ ở trong kia!
Hai Vĩnh chạy theo định giúp một tay, nhưng vị tu sĩ đã lắc đầu:
– Đây là hài cốt của một vong hồn, người trần đụng vào là không toàn mạng!
Câu nói đó làm cho Vĩnh sợ hãi, lùi lại phía sau. Đến khi anh ta theo vào được trong am thì vô cùng kinh ngạc, bởi trước mắt là ông bà chủ của anh đang ngồi ủ rũ trông rất thảm hại!
– Kìa, ông bà!
Anh ta lo cho họ, nhưng cũng mừng, bởi như vậy là họ không chết trong biển lửa như anh lo từ nãy giờ. Tuy nhiên, khi nhìn sắc diện của hai người thì Vĩnh không khỏi ái ngại, bởi da mặt họ vàng như nghệ, mà cặp mắt thì lờ đờ, không còn chút thần khí.
Vị tu sĩ đặt bộ hài cốt xuống trước mặt họ, giọng nhẹ nhàng:
– Lại một lần nữa nó thất bại.
Bà Mỹ Dung đang gục mặt đã vội ngẩng lên, ngơ ngác nhìn bộ xương, rồi giọng run run hầu như không thành tiếng:
– Tôi... tôi xin...
Vị tu sĩ nghiêm giọng tiếp:
– Em gái tôi dẫu thành ma nhưng vẫn không thể hại người! Nếu không thì ông chồng bà đã chết ngay từ đêm qua rồi!
Ông thẩm phán mới giương cặp mắt lờ đờ lên nhìn và hốt hoảng khi nhìn thấy bộ hài cốt, ông ta cố lùi lại, nhưng không cách nào nhấc người lên. Chỉ biết lắp bắp:
– Tôi... xin chịu tội...
Vị tu sĩ nhẹ thở dài:
– Em tôi giờ đây chỉ còn lại bộ hài cốt đó, thân xác trong lốt khỉ không còn, mà hồn phách cũng tiêu tan. Nó trả lại cuộc sống cho hai người đó...
Ông ta nói xong bước nhanh vào trong. Lát sau trở ra, ông đưa một cái quách nhỏ cho vợ chồng thẩm phán Lợi:
– Tôi biết sẽ có ngày này nên đã chuẩn bị. Vậy bây giờ hai người hãy chở hài cốt em tôi về nơi có cái miếu thờ chôn cất nó ở đó, tiện thì cất cho nó một cái am. Nó sẽ không đòi hỏi gì nhiều hơn đâu...
Vợ chồng thẩm phán Lợi riu ríu làm theo. Vừa làm mà trong lòng không yên, cứ lo chuyện chẳng lành sẽ xảy ra sau đó... Tuy nhiên, khi họ đặt bộ hài cốt vào quách xong thì nhìn lên chẳng còn thấy vị tu sĩ đâu. Bà Mỹ cất tiếng gọi thử:
– Thầy Lượng ơi!
Chẳng có ai trả lời. Sau nửa giờ chờ đợi, cuối cùng hai người cùng nhau khiêng cái quách ra xe. Hai Vĩnh chờ ở đó, anh bảo:
– Ông đạo sĩ vừa ra đây, ông dặn là không được chôn chỗ nào khác ngoài chỗ ông đã dặn.
Họ lẳng lặng khiêng cái quách lên xe và chỉ hướng cho Vĩnh:
– Về Kiên Lương, chỗ cậu Thuận xây cái biệt thự mới.
Đó là một ngôi nhà mát mới vừa hoàn thành, gần Hòn Chông. Dừng xe, nhìn thấy cổng không khóa, Hai Vĩnh ngạc nhiên:
– Sao cậu Thuận không khóa cổng lại, chưa ai ở mà để ngỏ như vậy tụi nó vào phá phách hết đồ đạc!
Nhưng khi họ bước vào trong rồi mới phát hiện là có người! Ở sân sau có một người đang quỳ gối trước một bãi đất đầy cỏ. Người ấy là Cò mi Thuận!
Ông thẩm phán kêu lên:
– Sao con về đây?
Thuận không ngẩng lên, mà lại hỏi:
– Sao tới giờ này ba má mới về tới? Vợ con nó chờ không được nên vào trong ngủ rồi...
Bà Mỹ Dung kinh ngạc:
– Vợ con... thế nào?
– Cô ấy ngủ trong kia.
Vừa buông cái quách xuống, bà mỹ Dung đã chạy bay vào trong, ở căn phòng mở hé cửa, khi nhìn vào bà đã há hốc mồm, kêu lên:
– Con... con...
Bà không biết phải gọi là gì. Bởi trước mắt bà, đang nằm trên giường là một con khỉ trắng cực to!
– Mỹ... Mỹ Tiên!
Bà thu hết can đảm gọi khẽ, con khỉ cựa mình rồi bật ngồi dậy. Giương đôi mắt nhìn. Bà Mỹ Dung không còn nghi ngờ gì nữa, bà gọi lớn:
– Mỹ Tiên, con của mẹ!
Đôi mắt ấy bà làm sao nhầm lẫn được, nó là đôi mắt của con gái bà! Và nó đang... chảy nước mắt!
– Con ơi...
Bà tính lao tới, nhưng vừa lúc đó có giọng của Thuận ở phía sau:
– Cô ấy đã là người cõi âm rồi, mẹ đụng vào là vĩnh viễn cô ấy sẽ không hiện diện với chúng ta được nữa!
– Con ơi!
Bà gào lên, Thuận phải giải thích thêm:
– Mỹ Tiên đã cố sức cứu cha mẹ khỏi đám lửa hận thù của Ngọc Lệ, đưa ba mẹ về cái am của tu sĩ Thành Lượng, để ba mẹ có dịp thể hiện lòng thành của mình trước hài cốt của cô Lệ. Riêng Mỹ Tiên thì may mắn, không tiêu hồn phách tán như Ngọc Lệ, nhưng cô ấy không đủ sức nữa... Hãy để cho cô ấy nghĩ ngơi, hy vọng cô ấy còn ở lại với chúng ta.
Con khỉ trắng cứ ngồi khóc trên giường mãi, không nói được lời nào.
Thuận phải kéo cha mẹ vợ ra ngoài, rồi bảo:
– Con đã phạm tội khi san bằng ngôi miếu trên mảnh đất này nên mới gây ra chuyện, chứ thật ra oan hồn của cô Ngọc Lệ không ác. Tuy vợ con đã thay mặt ba má và con để chịu chết, hóa thành khỉ, nhưng dẫu sao ta cũng phải cám ơn cô Ngọc Lệ đã còn nương tay...
Anh dẫn cha mẹ vợ trở ra chỗ mảnh đất hồi nãy, định chỉ chỗ để cất lại ngôi miếu thì quá đỗi ngạc nhiên khi chẳng thấy cái quách đâu?
– Lúc nãy để đây cơ mà? Mà nãy giờ cũng đâu có ai vào nhà? – Ông Lợi kinh ngạc.
Nhìn thấy một mô đất gò lên, Thuận hiểu, anh nói:
– Cô ấy muốn thân xác được chôn ở đây, thay vì mình tính chôn chỗ bên kia.
Bà Mỹ Dung có ý:
– Tôi muốn lập một lúc hai cái miếu, một cái cho cô Ngọc Lệ, còn cái kia cho Mỹ Tiên...
– Chỉ một cái cho cô Lệ thôi, còn Mỹ Tiên thì đã có ngôi nhà này rồi... - Cò mi Thuận nói ngay.
Anh quay sang cha mẹ vợ nói nghiêm túc:
– Để chuộc lỗi, con sẽ xây lại cái miếu cho cô Ngọc Lệ thật khang trang.
Còn Mỹ Tiên thì sẽ ở với con trong ngôi nhà này. Con cũng xin thông báo với cha mẹ, ngày hôm nay con đã xin nghỉ việc, để về đây sống vĩnh viễn với Mỹ Tiên.
Ông Lợi kêu lên:
– Con đã suy nghĩ kỹ chưa? Tuổi con còn trẻ, lại mới lên chức Cò mi, mai mốt còn lên cao nữa, dễ gì có được!
Nhưng Thuận đã dứt khoát:
– Nghĩa lý gì đâu khi không còn có vợ bên cạnh. Con quyết sẽ ở đây, cùng sống kiếp âm dương giao hòa với vợ con...
Thuận đã thực hiện được ước nguyện của mình. Từ đó, anh sống hẳn ở ngôi nhà mát gần Hòn Chông, hầu như quên hết chuyện thế tục chung quanh.
Riêng vợ chồng thẩm phán Lợi dù chẳng đau bệnh gì, nhưng vài tháng sau bỗng nằm ngủ rồi không dậy nữa.
Thuận chôn cất cha mẹ vợ chu đáo. Khi anh trở về nhà mình thì thấy trên giường ngủ có một mảnh giấy của ai đó, chữ rất lạ, viết:
“Vợ anh chưa phải là một hồn ma. Cô ấy bị truyền máu ma khỉ từ cô Ngọc Lệ nên hóa khỉ. Tuy nhiên, hy vọng đến một ngày nào đó do gần được người, nhận được tình yêu nơi chồng thì cô ấy có thể hoàn lại kiếp người! Anh hy vọng đi...”.
Thuận mừng hơn bắt được vàng! Anh ngóng trông từng giây từng phút cho đêm đến và Mỹ Tiên trở về để báo cái tin này...
Có đôi mắt khỉ nhìn anh âu yếm từ trong bóng tối...

Xem Tiếp: ----