Tôi vốn định sau Tết mới ra Hà Nội làm một chuyến dối già chứ đâu có đi bây giờ! Chẳng qua chỉ vì đọc mấy bài báo về chuyện mua vé tàu Tết nên tôi muốn nếm thử xem nó thế nào và quả là trần ai, sau ngày xếp hàng từ 1 giờ sáng tới chiều cũng đến lượt tôi. Trước mặt cô bán vé son phấn đỏm dáng, tôi thều thào: - Xin cô cho 1 vé đi Hà Nội. - Ngày nào? - Ngày nào cũng được, vé loại nào cũng được. - Giường 1, mềm, ngày 27 - Hết bao nhiêu? Tôi vừa hỏi vừa xem cuốn lịch túi: 27/1/2005 tức ngày 18 tháng 12 âm lịch Cô cắm cúi trên bàn phím không trả lời. Tôi đưa cọc tiền - Đây, 1 triệu đấy, thiếu đưa thêm! Phải mất 3 phút sau, cô bán vé xinh xắn mà chẳng dễ thương chút nào mới đưa vé cho tôi kèm xếp tiền thừa. Ra ngoài kiểm lại và đối chiếu giá tiền ghi trên vé, tôi thấy không thừa, không thiếu. À! Tốt thôi, cũng chưa đến nỗi nào. Chỉ tiếc một điều…. Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, nhiều lần tôi mua vé tàu, dù tàu đi Bắc Ninh hay vào Thanh Hóa, dù khách đông đến đâu, các cô bán vé ở ga Hàng Cỏ chưa bao giờ thiếu nụ cười. Vé bằng các tông cứng, lại phải đóng lỗ, không hề có máy tính, kể cả bàn tính gảy, thế mà mỗi vé bán ra không lâu quá nửa phút. Lên tàu lại có thùng nước trà nóng tự giác và hộp tiền gỗ bên cạnh, khách đi tàu tự mở vòi, lấy 1 ca nước và tự giác bỏ 2 xu vào thùng gỗ! Cái thời hoàng kim ấy bây giờ đâu rồi nhỉ? Hơn 6 giờ chiều tôi đã ở trên toa tầu ra Bắc. Hành lý vẻn vẹn chỉ có một túi du lịch đựng mấy bộ quần áo rét. Bây giờ cái túi căng phồng nhưng từ Huế trở ra là cái túi sẽ vơi dần và tới Hà Nội thì xẹp lép. - U ơi, buồng này này! Tôi giật mình vì tiếng xưng hô đã lâu lắm rồi mới lại nghe thấy mà lại nghe ngay tại Thành phố Sài Gòn này. Anh con trai khoảng bốn mươi, vai đeo túi du lịch to tướng, tay phải ôm một chùm 4 bịch căng đầy trái cây, bánh, mứt, tay trái một bịch to nữa mà vẫn vòng ra sau đỡ lưng một bà lão. Tôi đứng dậy: - Anh đỡ bà ngồi tạm xuống đây rồi xếp gọn đồ vào. À mà bà và anh nằm giường nào? - Chỉ mình U cháu đi thôi, mà nằm tầng hai. Đó là giường ngay phía trên giường tôi. Tôi nâng giường tôi nằm lên để anh ta xếp đồ. Xếp xong, anh đậy lại ngay ngắn rồi nói với bà cụ: - Không biết nhà con sao giờ vẫn chưa thấy đến. U cứ ngồi tạm đây, con sang các buồng bên xem có anh nào trẻ nằm giường một con thương lượng đổi vé để U khỏi phải leo trèo lên xuống. Bác cho U cháu ngồi tạm … - Thôi, anh khỏi phải đi đâu, tôi đổi cho đấy. - Nhưng bác có tuổi, cháu sợ bác lên xuống khó khăn! - Anh yên tâm, tất nhiên tôi lên xuống được mới đổi chứ. - Thế bác cho cháu trả thêm tiền.. vừa nói anh vừa cho tay vào túi - Không cần. Tôi đổi cho bà cụ không phải vì tiền. Tôi xua tay và cười Bà cụ bảo anh con: - Bác nói thế thì anh cảm ơn bác đi. - Nhưng.. - Không nhưng gì cả. Bà quay sang tôi: Mẹ con tôi xin cảm ơn Bác. Anh con trai cũng ngượng ngùng: - Cháu cảm ơn Bác! - Không có gì. Đúng lúc đó dưới sân ga có tiếng gọi: - Anh Hùng ơi, Anh Hùng! - Nhà con đến đấy, U ạ. Anh con trai vội chạy ra đón. Tôi hỏi bà cụ: - Cháu thứ mấy đấy bà? - Con rể lớn của tôi đấy. Tôi có 5 cháu, 2 trai đầu 3 gái cuối. Cháu trai lơn hy sinh, giờ còn một. Vợ chồng đứa con gái lớn vào trong này từ năm 98. Khi cháu sinh con tôi vào đây trông con cho chúng. Rồi thằng con trai ở Hà Nội lấy vợ, sinh con tôi lại ra Hà Nội trông con cho chúng. Mấy năm rồi tôi yếu luôn, vợ chồng đứa con gái lớn đón tôi vào chăm sóc đã một năm nay. Giờ muốn ra ăn Tết với vợ chồng hai đứa gái nhỏ vẫn ở quê. Cô gái lớn cũng tay xách nách mang mới vào đến cửa đã than vãn: - Trời ạ, kẹt xe khiếp quá, cả tiếng đồng hồ cứ lết từng bước một. Đến cửa nhà con Thúy, con đưa xe vào nhà nó gửi, lách qua ngõ ra phố sau rồi đi xe ôm đến đây. Đến khổ, con chỉ sợ nhỡ tàu! - Chồng mày nó chờ lâu quá nên đưa U ra ga và tranh thủ mua quà dọc đường rồi. - Anh ấy có biết gì mà mua, khéo lại toàn đồ ôi. - Thôi, mua rồi đừng nói nữa, xếp đồ vào đi. - Nhưng anh đã đổi vé cho U chưa? - Bác này nhường cho, nhưng Bác ấy không lấy tiền.. - Dạ.. Bác, Bác cũng ra Hà Nội ạ? Cô con gái ngỡ ngàng nhìn tôi Đến lúc này tôi mới nhìn rõ mặt cô gái. Có một vẻ gì quen thuộc từ xa xưa mà tôi nghĩ mãi không ra. Anh chồng thì thào bên tai vợ rồi xoa xoa tay. - Thưa bác, chúng cháu thấy bác ra Bắc trong dịp Tết mà lại không có quà gì. Chúng cháu thì lại hai xuất quà. Chúng cháu muốn biếu bác một xuất chỉ sợ bác từ chối... Bà cụ thủng thẳng nói với tôi - Đấy là lòng thành của 2 cháu, mong bác nhận cho chúng yên lòng. Các con tôi chúng thật thà lắm, ăn nói vụng về, chắc Bác không nỡ từ chối. - Bác cảm ơn các cháu. Tôi cũng cười và đã lâu lắm mới lại có cảm giác êm ấm như vậy.Hai vợ chồng người con còn quấn quít bên mẹ, dặn dò đủ thứ. Nào là nhớ xoa dầu vào gan bàn chân, tàu đến Nha Trang thì mặc thêm áo len cộc tay, đến Huế mặc thêm áo len dài tay, từ Nghê An trở ra phải mặc thêm áo len cổ lọ và cả áo bông nữa. Nào là con đã gọi điện cho anh con rồi, đến ga U cứ ngồi yên trên toa chờ anh con vào tận nơi đón. Hình như chúng chưa yên tâm lại quay sang tôi - Chúng cháu nhờ Bác để ý giúp. U cháu hồi này yếu lắm, cháu không muốn để U cháu đi một mình nhưng U cháu nhất định không nghe.. - Các cháu cứ yên tâm. Trên tàu này không phải chỉ có mình Bác, còn nhiều người nữa mà. - Gia đình Bác ở Hà Nội ạ? - Bác vào trong này từ năm 80, nghỉ hưu ở trong này. Các con bác cũng ở trong này cả. Ngoài Hà nội chỉ còn họ hàng bác và bác gái. Bác gái ra ngoài đó đã 2 tuần rồi, năm nay bác ấy về quê ăn Tết và ra giêng bốc mộ cho Mẹ. Bây giờ bác mới ra. - Thế sao bác không đi cùng bác gái mà lại người trước người sau? Bà cụ hỏi - À, mới đầu định năm nay tôi ăn tết với các cháu rồi ra đón bà ấy vào, bà ấy xa quê đã mấy mươi năm nay muốn ra ngoài ấy lần cuối. Sau này yếu rồi khó mà đi lại. - Chắc bác nhớ bác gái nên không yên tâm ở lại? - Cũng đúng vậy. Hai giường còn lại của khoang cũng đã đủ khách. Họ là 1 đôi vợ chồng tuổi trên dưới 40. Anh chồng mặt cau có: - Hừ! thế mà xoen xoét là phục vụ. Bóc lột thì có. Đời thuở nhà ai giá vé tầu hỏa bây giờ lại bằng giá vé máy bay mấy năm trước. Hai triệu đồng 1 cặp vé! Hết nói nổi. - Làm gì đến? - Tôi ngạc nhiên hỏi lại. - Vé của cò cụ ạ. Nhà cháu không có sức nửa đêm dậy xếp hàng. Tiếng còi trên sân ga đã vang lên. Hai vợ chồng người con bịn rịn chia tay mẹ Đoàn tàu chạy đã hơn một tiếng. Tầu vẫn đang đi trên đất Đồng Nai. Những đốm sáng đèn khi gần khi xa nối nhau chạy lùi về phía sau. Tựa bên cửa sổ nhìn ra ngoài, tôi vẫn không sao quên được khuôn mặt quen thuộc của cô con gái con bà cụ. Điểm lại gần 40 năm làm nghề dạy học từ trung cấp đến đại học, chắc chắn không có một em học sinh nào có khuôn mặt như vậy. Khuôn mặt này nó thân thương mà xa vắng một cách lạ lùng! Tôi với chai nước trà đặc mang theo định cắm ống hút vào, nhưng sực nhớ ra, tôi lấy một cốc giấy trong túi xách và hỏi bà cụ: - Bà uống nước nhé, tôi có nước trà mang theo đây - Cảm ơn, tôi cũng có nước lọc mang theo, cả mấy lon nước ngọt nữa. Bà cụ ngập ngừng rồi hỏi tiếp. Tôi hỏi khí không phải, thế bác người vùng nào. - Tôi Hà nội chính gốc bà ạ. Nhà thờ tổ của tôi ở Chèm. - Thế còn bác gái? - Người Bắc Ninh. Dân làng quan họ đấy bà ạ Ngay chân núi Lim. Bà lão thở một hơi dài rất nhẹ - Chắc bác chưa đi quá Đáp Cầu.! Tôi mỉm cười - Theo đường 1 tôi đã đến Mục Nam Quan. Còn về phía Tây tôi đã đến Cao Bằng, Hà Giang. Đất Hòa Bình cũng đã ở rồi. Chuyến này ra sau Tết tôi định đi thăm Điện Biên đấy bà ạ. - Đấy chỉ là những nơi bác đi qua, hoặc dừng chân một thời gian ngắn. - Xin lỗi, thế bà ở vùng nào? Tự nhiên tôi hồi hộp, chăm chú nhìn bà và hỏi lại. - Nói ra thì chưa chắc ông đã biết. - Bà cụ đột ngột thay đổi cách xưng hô không gọi tôi là bác nữa - Tôi ở Bắc Giang. - Tôi cũng sinh ra ở Bắc Giang đây. Người Hà Nội, nhưng sinh ở Bắc Giang, tỉnh lỵ Phủ Lạng Thương! Còn bà, bà ở phố nào? - Tôi là gái quê, ông ạ. Ở Yên Thế. - Làng Yên Lễ phải không? Tôi nhớ ra rồi. Bà Đạo! Đúng là bà Đạo. Trời đất, con gái bà giống bà như đúc. Thế mà nghĩ mãi không ra. - Không phải bà đâu... Anh! Anh tệ thật! Giọng nói của Đạo như từ xa xăm vọng lại... Giữa năm 1947 gia đình tôi tản cư theo cơ quan về làng Yên Lễ thuộc huyện Yên Thế. Thôn tôi ở chỉ có chưa đày 40 hộ, ngay sát bìa rừng. Nhà tôi ở cổng sau thông với rừng dẻ. Phía trước thôn là con máng dẫn nước, theo bờ máng này đi về phía trái chỉ chừng năm sáu cây số là đến Nhã Nam, huyện lỵ huyện Yên Thế. Lần đầu tiên tôi được biết thế nào là rừng. Mợ tôi luôn luôn nhắc chúng tôi không được vào rừng vì sợ hổ, nhưng ông chủ nhà lại bảo vùng này không có, phải vào rừng lim cách đây hơn 10 cây số mới có. Chủ nhà tôi ít tuổi hơn ba tôi nhưng có 5 người con. Con trai lớn 20 tuổi và đã có vợ, con gái út ít hơn tôi 1 tuổi tên là Lành. Vợ chồng ông hàng xóm chỉ có hai người con, cô gái lớn tên là Đạo hơn tôi 2 tuổi và cậu em tên là Dậu vừa bằng tuổi tôi. Chúng tôi rất nhanh chóng quen nhau và chỉ ngày hôm sau là đã cùng nhau vào rừng nhặt hạt dẻ rụng, hết mùa dẻ lại đi nhặt trám, rồi đi kiếm củi, bắt cua… Hơn 10 gia đình thuộc cơ quan ba tôi về ở chừng 2 tuần thì Chi đòan Thanh Niên của thôn tập hợp các thiếu niên và chia làm 2 đội. Đội thiếu niên nhi đồng địa phương có 19 người cả nam lẫn nữ, còn đội thiếu niên nhi đồng tản cư có 15. Cuộc họp đầu tiên chỉ có 2 nội dung: giúp đỡ các gia đình tản cư ổn định cuộc sống và học hát. Người dạy hát là những anh bộ đội Vệ Quốc Đòan thuộc đơn vị đóng rải rác ở các thôn xung quanh thay phiên nhau đến dạy.. Bài hát đầu tiên anh dạy là bài Nhớ Chiến Khu. Bài này thì chúng tôi thuộc lòng từ những ngày còn ở thị xã. Thế là chúng tôi được chỉ định làm nòng cốt, hát thật to để các bạn địa phương hát theo. Cứ như vậy, mỗi tuần 2 tối đều đặn, sau hơn 2 tháng chúng tôi đã thuộc hơn 10 bài. Sau đó các anh dạy chúng tôi đóng kịch. Đầu tiên là vở hài kịch ngắn gọi là vở " Mũ 3 vành " Nội dung là 1 anh bị tòa phạt tịch thu gia sản nhưng anh lại nghèo kiết xác, cả nhà chỉ có 4 bộ quần áo, 1 đôi giày rách và 3 cái mũ phớt. Theo luật thì những thứ mang trên người không phải tịch thu. Thế là anh đóng cả 4 bộ quần áo và chụp cả 3 cái mũ lên đầu. Quan tòa bảo anh phải bỏ bớt 3 bộ quần áo và 2 cái mũ ra nhưng anh cãi lại đó là bộ quần áo tứ thân và cái mũ ba vành!. Chuyện chỉ có thế nhưng chúng tôi khóai lắm, cười như nắc nẻ. Vở thứ hai thì khá dài, phải viết ra giấy cho chúng tôi xem trước rồi chọn người đóng, nhưng chưa chọn xong người thì các anh chuyển quân. Bây giờ đã bước sang tháng 10 năm 1947. Cuộc tiến công Thu Đông của Pháp ngày càng khốc liệt. Các anh thông tin của thôn ngày nào cũng thông báo tin chiến sự bằng cái loa gò bằng tôn. Các anh bộ đội đi khỏi, thế là hết cả tập hát lẫn tập kịch, nhưng trước khi đi các anh đã kịp bàn giao lại cho địa phương việc tổ chức dạy bình dân học vụ cho bà con trong thôn. Chi đòan phân công chủ yếu là các nhi đồng tản cư chia nhau cứ 3 người phụ trách 1 lớp luân phiên nhau dạy, cả thôn có 4 lớp, lớp ít nhất là 10 học viên, nhiều nhất là 12 học viên, phần lớn là các bà, có cả cụ già nữa. Ròng rã gần 5 tháng trời, cả thôn đều biết đọc, biết viết và biết 3 phép tính cộng, trừ và nhân, còn chia thì quá kém, có lẽ do chúng tôi không biết cách dạy. Khỏang tháng 3 năm 1948 thì các anh bộ đội cũ lại về đóng quân. Được tin chúng tôi mừng quá, kéo cả đội sang thăm, mang theo 4, 5 thúng quà là khoai lang luộc, khoai sọ luộc và sắn nướng, việc luộc khoai, nướng sắn do các bạn gái làm, còn bọn nam chúng tôi thay nhau khiêng vác. Buổi hàn huyên mới vui làm sao, các anh hỏi đủ thứ, còn chúng tôi kể đủ chuyện, từ chuyện hái sim, kiếm củi, kéo tôm bắt cá cho tới những buổi sinh họat, làm vệ sinh công cộng, thăm viếng các cụ cô đơn và sôi nổi nhất là khoe khoang thành tích dạy bình dân học vụ. Các anh hỏi " thế tất cả thôn đều biết chữ chứ?". Hầu như chúng tôi đều đồng thanh hét lên " tất tần tật ". Một anh hỏi lại " có chắc khộng?, cụ Sùng cũng đọc được rồi à? ". Chúng tôi ngớ ra, cụ này già lắm rồi ( chỉ ngòai 50 thôi ). Vả lại cụ phải ở nhà trông cháu cho bố mẹ chúng đi học chứ. Và rồi chúng tôi phát hiện ra có tới 7 cụ như vậy. Thế là chúng tôi im thin thít. Các anh nhẹ nhàng bảo: " Toàn thôn các em những hơn ba chục đội viên, lại chỉ có 12 bạn tham gia. Lẽ ra các em phải phân công nốt số em còn lại trông trẻ cho các cụ đi học chứ? hoặc là cử một số em tới tận nhà dạy thế có phải tốt không, Thôi bây giờ chúng ta sẽ tiến hành đợt 2 cho những người chưa học đợt 1. Để các anh bàn với chi đòan đứng ra tổ chức! Đội thiếu nhi lại tiếp tục sinh họat đều đặn mỗi tuần 3 tối, và 5 buổi sáng hàng ngày dạy bình dân học vụ cho 7 cụ còn lại. Lần này chúng tôi được học thêm các bài hát Sông Lô, bài Bông Lau. Lại còn đọc truyện cho nhau nghe nữa. Những buổi tối đọc truyện không bao giờ vắng mặt 1 bạn nào. Truyện của các anh mang đến như truyện Kim Đồng, Cây đuốc sống v.v… và có 1 lần các anh tổ chức cho chúng tôi đi chơi ở Cầu Vồng, 1 địa danh cách thôn chúng tôi ở chỉ có hơn 4 cây số. Tại đây các anh kể cho chúng tôi nghe truyện Khởi nghĩa của Ông Đề Thám và cũng là lần đầu tiên tôi được nghe câu: "Trai Cầu Vồng Yên Thế, Gái Nội Duệ Cầu Lim ". Vở kịch chép tay của các anh đưa cho lần trước chúng tôi vần còn giữ nguyên vẹn, bây giờ được mang ra xem lại. Vở kịch có tựa đề " Trai thời lọan ", nội dung viết về 1 anh thanh niên nhà con một, bố anh đã hy sinh trước Cách mạng tháng 8. Anh đã có vợ nhiều năm mà chưa có con, song trước tình hình xâm lược của thực dân Pháp, anh kiên quyết xin đi bộ đội. Sau 3 lần bị từ chối, mẹ anh phải đích thân đưa anh lên huyện trao anh cho huyện đội với tâm nguyện để anh tiếp bước người cha đã hy sinh vì Tổ quốc. Đọan cuối vở kịch là cảnh chia tay giữa 2 vợ chồng có nhiều đối thọai mà yêu cầu người diễn là phải vừa lâm ly vừa cứng cỏi lột tả được tính cách anh hùng của cả 2 vợ chồng. Cuộc diễn tập kéo dài hàng tháng trời, thay 4 lần diễn viên chính, cuối cùng người được chọn là tôi và Đạo. Chúng tôi rất phấn khởi, ngòai buổi tập chính mỗi tuần 1 tối ra, ngày nào tôi và Đạo cũng rủ nhau vào rừng, kiếm xong được gánh củi chúng tôi lại tranh thủ ngồi dưới gốc dẻ quen thuộc ôn tập lại vai diễn, người nọ sửa cho người kia từng động tác đến nỗi chúng tôi thuộc lòng lời thọai từng câu từng chữ.. Tập chán rồi lại kể chuyện của mình cho nhau nghe, chuyện riêng chán rồi lại sang chuyện của những người khác. Có lần tôi kể hai vợ chồng người anh của Lành cả ngày chẳng rời nhau nửa bước, đi làm đồng cùng đi, về nhà nấu cơm cùng nấu, thậm chí cho lợn ăn cũng phải cả hai, lúc nào cũng cười cười đến là thích. Đạo nói hai vợ chồng ấy tốt số nhất làng đấy, chị ấy nhiều hơn anh ấy 2 tuổi mà. Gái hơn hai trai hơn một là những cặp tuổi rất hợp! Lần đầu tiên tôi được nghe câu này. Tôi cứ ngẫm nghĩ sao lại thế nhỉ. Tự dưng tôi nhìn Đạo chằm chằm. Mặt Đạo bỗng đỏ ửng lên, cúi đầu không nói gì. Tôi lại nhớ mỗi lần tôi cảm sốt mợ tôi thường nói: con lại sốt rồi, mặt con đỏ gay lên kìa. Tôi đặt tay lên trán Đạo, mồm nói: khéo chị sốt rồi, ta về thôi. Trên đường về nhà, Đạo không nói 1 lời nào nữa. Kể từ hôm đó Đạo ít nói hẳn đi, tôi cũng chả biết tại sao. Đêm 19 tháng 5 năm ấy, Đội thiếu niên tổ chức biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày sinh nhật Bác. Từ sáng sớm cả trung đội Vệ quốc đòan đã kéo nhau sang dọn bãi, dựng rạp cùng với Chi đòan Thanh niên. Cả đội chúng tôi các anh bắt tập hợp trong rừng dẻ để ôn tập cho thành thục, chỉ cần 1 bạn nổi máu tếu lên pha trò 1 câu là các anh bắt dừng và làm lại từ đầu. Buổi sáng tập đến 11 giờ nghỉ về nhà ăn cơm. Buổi chiều 1 giờ rưỡi đã phải tập hợp để tiếp tục ôn luyện, đặc biệt chiều hôm đó các chị thanh niên trong thôn đã mượn đâu được đầy đủ quần áo hóa trang. Đóng bộ vào chúng tôi cảm thấy không khí khác hẳn những buổi tập trước, ai nấy đều nghiêm túc, trịnh trọng không còn cái cảnh vừa tập vừa đùa như trước. Khỏang 4 giờ chúng tôi được về tắm rửa nghỉ ngơi. Tuy rằng các anh bảo 7 giờ mới phải tập trung nhưng mới hơn 6 giờ chúng tôi đã đủ mặt. Trên sân khấu chính giữa là 1 cái bàn gỗ gụ, trên đặt lọ lộc bình cắm 1 bó hoa rừng to tướng, treo cao nhất ở trên là ảnh Bác, phía dưới là ảnh của 3 chú Phạm Văn Đồng, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp. Nhìn cái rạp đồ sộ đủ cả phông màn và một đống những ngọn đuốc tẩm nhựa trám xếp ở 1 góc, chúng tôi ai nấy đều trầm trồ và cảm thấy tự hào mình là nhân vật chủ chốt trong đêm nay. Đến 7 giờ hơn thì dân làng và cả những người ở làng lân cận cũng kéo đến đông đặc. Gần 8 giờ thì Ông chủ tịch Ủy Ban Kháng Chiến Hành chính đọc diễn văn khai mạc cuộc mít tinh. Ông tóm tắt hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Bác và công lao lãnh đạo kháng chiến chống ngọai xâm, Cuối bài diễn văn là lời hứa tòan dân làng cùng đồng bào tản cư quyết tâm đòan kết cùng đồng bào cả nước để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hòan tòan. Tiếp đến là phát biểu ý kiến của Ban chỉ huy Vệ quốc đòan đóng tại làng, của hội phụ nử, Chi đòan Thanh niên…mãi 8 giở rưỡi cuộc biểu diễn văn nghệ mới bắt đầu. Mở đầu buổi biểu diễn là cả đội đồng ca bài " Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em Nhi đồng " Tiếp đó là bài Bao chiến sĩ anh hùng và bài Sông Lô. Sau mỗi tiết mục các anh lại kịp thời cho ý kiến rất ngắn gọn. Bài Ai yêu Bác hồ được đánh giá là hay nhất, bài Sông Lô dở nhất. Vở kịch chúng tôi hằng mong đợi được bố trí sau cùng, Mọi việc diễn ra đều suôn sẻ, thỉnh thỏang lại được 1 tràng vỗ tay khen ngợi, riêng cảnh bà mẹ thuyết phục đơn vị nhận cho con mình nhập ngũ được vỗ tay dài nhất. Rồi tới cảnh hai vợ chồng tiễn nhau tại gốc đa đầu làng. Từ giọng nói, điệu bộ nhất nhất tôi đều theo đúng bài bản đã học. Đạo cũng thành thục không kém gì. Khán giả im phăng phắc theo dõi từng động tác, lời nói… cuối cùng tôi rút mùi xoa trong túi lau mắt cho Đạo và nhẹ nhàng nói: Thôi em đừng khóc, cố gắng vui lên cho mẹ đỡ nhớ … chăm sóc mẹ già thay anh … Anh đi! Lẽ ra thì màn phải buông xuống, nhưng một cảnh ngòai kịch bản bất ngờ bộc phát: Mắt Đạo lóe lên như một tia chớp khiến tôi như bị thôi miên rồi Đạo đột ngột ôm chặt lấy tôi, ghì rất chặt, hơi ắm từ người Đạo truyền sang tôi như một luồng điện, Đạo áp mặt đẫm nước mắt vào má tôi, nức nở: Anh nhớ về với em! Dứt lời như bừng tỉnh, Đạo lại thêm một câu nữa nhưng lần này Đạo cao giọng cho khán giả cùng nghe " Em đợi anh sau ngày chiến thắng! Trời đất, tiếng vỗ tay sao mà dữ dội. Cả đơn vị quân đội ngồi phía phải cánh gà đồng lọat đứng lên. Anh chỉ huy hô liền 2 câu khẩu hiệu: Hồ chủ tịch muôn năm! Đả đảo thực dân Pháp xâm lược! Thế là tất cả khán giả đứng bật dậy hô theo, tiếng hô vang vọng trong đêm khuya giữa vùng đồi núi tưởng như đến tận nơi Bác ở! Ông chủ tịch lật đật trèo lên sàn diễn, quyệt mắt rồi ôm gọn cả hai chúng tôi vào lòng, miệng nói những gì mà vì ồn ào quá tôi nghe không rõ. Rồi hai bà cụ trong thôn cũng trèo lên tay cầm mấy quả chuối. Các cụ kéo chúng tôi ra khỏi lòng ông chủ tịch, ấn chuối vào tay chúng tôi: ăn đi, các bạn con có cả thúng kia kìa, tội nghiệp các cháu của tôi! Từ hôm ấy tôi cảm thấy Đạo là người bạn thân nhất của tôi. Ngày nào tôi cũng sang nhà Đạo rủ đi kiếm củi, bắt cua, bắt ốc. Nhưng những ngày vui này quá ngắn ngủi, Chỉ hơn 1 tuần lễ sau cơ quan ba tôi lại di chuyển, lần này chuyển về Sàn Rãnh. Ba tôi báo tin này vào tối hôm trước và cả nhà cùng chuẩn bị để gà gáy sáng hôm sau lên đường. Sáng hôm sau, trời còn tối, mợ tôi đã đánh thức anh em chúng tôi dậy, ăn cơm xong thì người gánh đồ thuê cũng đã tới. Tôi được phân công đeo cái bị cói, trong có mấy bộ quần áo của đứa em út mới 4 tuổi, mấy cái khăn mặt, một hộp trầu cau, cái lược, cái gương bầu dục bé tí tẹo của mẹ. Trong khi mọi người xếp đồ vào quang gánh thì tôi đeo bị ra cổng trước đứng đợi. Bỗng nhiên có tiếng gọi Anh Phong, anh Phong! Tôi giật mình nhìn ra, trong bóng tối mờ mờ dưới gốc cây trước cửa tôi thấy Đạo đang vẫy vẫy, tôi vội chạy tới - Anh sắp đi phải không? - Ừ Đạo không nói thêm gì nữa. Chúng tôi cứ đứng im lặng cạnh nhau. Một lát sau, phía xa đã thấy có gia đỉnh tản cư ra chỗ tập trung, Đạo vội rút trong túi ra cái khăn tay trắng dúi vào tay tôi - Anh đừng quên em… Em đợi. Rồi Đạo quay ngoắt bỏ đi. Tôi vội giữ lại: - Đợi tí đã! rồi thọc tay vào bị vớ ngay được cái gương của mẹ, tôi rút ra ấn vào tay Đạo. Tiện thể thấy mấy giọt nước mắt đang còn đọng trên má Đạo, sẵn khăn tay Đạo đưa, tôi lau vội cả má cả mắt y như hôm nào diễn kịch. Chiều hôm đó chúng tôi tới Sàn Rãnh, nhưng chỉ hai hôm lại chuyển sang Sàn Ruồng cách đó 4, 5 cây số vì Sàn Rãnh ở ngay mé đường nhựa liên tỉnh nối với quốc lộ 1 Tại đây có nhiều bạn mới, nhưng không được tổ chức như ở Yên Lễ thành thử chúng tôi cả ngày chỉ đi mò cua bắt cá. Rồi chuyện ở Yên Lễ cũng dần dần quên đi. Cái khăn Đạo tặng cũng đi đằng nào mất. Vả lại khi chúng tôi đã thân thiết với nhau, mặc dù Đạo gọi tôi là anh, xưng em, nhưng tôi trước sau vẫn gọi Đạo là chị, xưng tôi vì thực lòng tôi đã biết yêu là gì đâu, thế mới khổ! Đến bây giờ sau gần 60 năm xa cách, được gặp lại Đạo một cách bất ngờ thế này… Tôi nhìn vào mắt Đạo bồi hồi xúc động và chờ đợi nhưng không thấy Đạo nói gì thêm. Tôi ngập ngừng hỏi, giọng thì thầm - Đạo lập gia đình từ bao giờ - Anh còn nhớ anh Trung không? Đạo hỏi lại. - Có, anh ấy đã dạy chúng mình tập kịch. Hai vợ chồng nằm giường bên đã ngủ. Đạo ngồi tựa vào góc trong, tôi với cái chăn đưa cho Đạo quàng vì trời hơi lạnh. Giọng Đạo bây giờ buồn buồn - Sau khi gia đình anh đi được vài tháng thì anh Trung, đã được biệt phái về huyện đội, kể với em là Tây nó càn ở Sàn Rãnh, nó bắn chết nhiều người lắm. Có gia đình tản cư bị giết hết không còn một ai. Rồi sau đó nhiều người cũng nói như vậy. Em khóc thầm mà không dám thổ lộ với ai. Mỗi khi qua rừng dẻ em lại nhớ tới anh. Năm 50 anh Trung ngỏ lời với em. Em trả lời đã có người yêu rồi. Anh ấy hỏi em đã yêu ai. Em trả lời Tây giết mất người yêu em rồi. Ít lậu sau anh ấy lại đặt vấn đề lần nữa. Em trả lời em để tang chồng em đủ 3 năm rồi mới tính chuyện. Cuối năm 51 chúng em cưới nhau. Ở với nhau chỉ được 10 ngày thì anh trở về đơn vị cũ và lên Tây Bắc rồi sang Lào. Em ở nhà mang thai và sinh cháu trai đầu tiên Cuối năm 60 anh mới về công tác ở HàNội. Cuối năm 61 em sinh cháu trai thứ hai. Năm 63 thì anh đi B. Sau Tết Mậu Thân anh trở về điều trị ở Thanh Hóa. Em ra thăm và cuối năm ấy đón anh về quê. Năm 70 em sinh cháu gái mà anh đã gặp. Cũng năm này cháu lớn học xong phổ thông thì nhập ngũ Năm 73 em sinh đôi được 2 cháu gái nữa Cuối năm cháu lớn có về thăm nhà được 10 ngày rồi đi B. Cháu hy sinh ở Buôn Mê Thuột…. Bỗng nhiên Đạo đổi giọng có vẻ như trách móc. - Còn anh, anh có biết rằng em mong anh đằng đẵng suốt 3 năm trời. Lúc thì tin anh đã chết, lúc lại hy vọng anh vẫn còn sống. Sao lại thế hả anh. Cái gương anh cho em vẫn còn giữ đến tận bây giờ. Lúc nào em cũng mang theo mình. Nó đây này… anh có biết rằng em yêu anh vô cùng không? Anh nói cho em biết đi! Tôi biết nói thế nào bây giờ đây? Năm 48 ấy tôi đã 15 tuổi rồi. Nói rằng tôi chưa biết yêu đương là gì thì có ai tin cho tôi không nhỉ? Sao tôi lại nhận khăn của Đạo, lại tặng gương cho Đạo? Nhưng sự thực nó như vậy. Có rất ít những người con trai phát dục rất chậm. Đến tận năm 17 tuổi tôi mới có cái cảm giác ngượng ngùng khi đứng trước người con gái…Tôi không thể im lặng trước tình cảm chân thực của Đạo, thôi thì cứ nói, nói thật còn tin hay không thì tùy! - Cơ quan ba anh chỉ ở Sàn Rãnh có 2 ngày lại chuyển đến Sàn Ruồng. Gần 1 tháng sau Tây càn Sàn Ruồng và có nhiều người chết. Sau trận càn đó ba mợ anh có cho anh đi xa bao giờ đâu, anh vẫn còn nhỏ mà. Còn với em, anh cảm thấy … rất thân thôi … Lúc đó anh có biết yêu là gì đâu? Anh còn nhớ có lần em nói câu " gái hơn 2. trai hơn 1 " anh chẳng hiểu câu đó nghĩa là gì, hỏi em lại sợ em cười, hỏi mợ anh thì mợ anh nói đấy là hai vợ chồng, hoặc người chồng lớn hơn vợ 1 tuổi, hoặc người vợ lớn hơn chồng 2 tuổi còn tại sao lại tốt thì anh không biết Em có biết rằng mãi khi anh 24 tuổi rồi anh mới gặp và đặt vấn đề với người mình yêu. Cũng phúc cho anh là mối tình đầu ấy đã đơm hoa kết trái mặc dù cũng trày da tróc vảy, và anh đã chung thủy trọn đời… Còn em, em có chấp nhận cho anh được tiếp tục là người bạn tốt của em không? - Anh ra Hà nội có ở lâu không? - Khỏang 1, 2 tháng gì đó. - Vậy sau Tết anh đến nhà em chứ? Em không mời anh vào ngày Tết vì còn chị ấy, còn họ hàng nhà anh. - Vậy là em chấp nhận rồi chứ? - Nếu anh thật lòng thì anh sẽ tìm được tới nhà em. Em chỉ cho anh biết làng Yên Lễ xưa đổi thay nhiều lắm, rừng dẻ cũng không còn, thay vào đó là vườn vải thiều của vợ chồng đứa con gái thứ ba của em, tên làng cũng đổi từ hồi cải cách, con máng cũ bây giờ rộng gấp đôi. Chỗ dựng rạp ngày xưa bây giờ là nhà Văn hóa. Nhà cũ anh ở bây giờ vợ chồng Lành ở. Cây đa trước cổng nhà nó vẫn còn. Cho anh biết như vậy là có thể tìm được nhà em rồi. Trước khi đến nhớ gọi điện cho em biết, về đến HàNội em sẽ ghi số điện thọai cho anh. Mùng 6 Tết tôi mượn xe máy lên nhà Đạo. Trước khi đi tôi gọi điện cho Đạo biết giờ khởi hành Từ Hà Nội tôi đi thẳng đến Nhã Nam. Mặc dù Nhã Nam bây giờ to và đẹp rất nhiều nhưng tôi vẫn tìm được con sông máng. Tuy Đạo nói nó rộng gấp đôi nhưng khi xưa còn bé tí tôi thấy nó rất rộng, còn bây giờ nó vẫn hẹp. Tôi cũng không khó khăn lắm để tìm được nhà Văn hóa, rồi lần ra cây đa. Cái cổng nhà Lành bây giờ là cổng sắt, vừa to vừa rộng, xe con ra vào thoải mái. Còn nhà Đạo đây rồi. Chắc chắn là đây không thể sai được. Tôi dừng xe trước cổng, không vào, không gọi nhưng cứ đứng đợi …xem ai gan hơn ai, thế nào Đạo cũng thỉnh thỏang ra cổng ngóng cho mà co! Nhưng hơn 10 phút sau thì tôi phát hoảng vì cả 2 vợ chồng Đạo cùng ra đón tôi. Thú thật tôi chỉ nghĩ đến Đạo mà không hề nghĩ gì đến anh ấy cả Đạo hỏi ngay: - Sao anh không bấm chuông, hay anh không nhận ra nhà của em? Trước mặt anh Trung tôi không dám thú nhận rằng mình định thử xem thế nào, chỉ còn cách im lặng cười cười Anh Trung đã già lắm rồi nhưng vẫn hồng hào và không để râu mặc dù vết tích của hàm râu quai nón vẫn rất rõ trên mặt. Anh gạt đi, giọng nói vẫn còn mạnh - Để chú ấy vào nhà nghỉ ngơi đã, Chú ấy cũng cao tuổi rồi, lại đi xa tới gần trăm cây số. Em bảo chúng nó pha chậu nước nóng cho chú ấy rửa mặt Nhà Đạo bây giờ khang trang hơn xưa rất nhiều. Tuy nhà 1 tầng nhưng cao và rộng, cửa đi, cửa sổ đều theo lối mới cả nhưng đều là gỗ tốt, thẫm màu, bóng lộn. Giữa nhà vẫn là bộ kỷ gỗ gụ ngày xưa. Nhưng gian trái là bộ salon kiểu mới. Vào trong nhà, như thói quen ngày xưa, tôi tự động tiến đến bộ tràng kỷ. Anh Trung tủm tỉm cười không nói gì, đến bộ salon mang ấm chén đã đặt trước ở đó sang. Thế là tôi lại thêm một lần hố nữa. Ngượng thật. Già rồi mà vẫn còn dại. Anh Trung tiếp tôi thật là thân mật, chu đáo. Anh vẫn gọi tôi bằng em và xưng anh. Anh tự kể về mình từ lúc về huyện đội làm những gì, trở lại đơn vị cũ và đi chiến trường ra sao. Các con của Đạo đến mời chúng tôi ăn cơm. Con gái thứ hai của Đạo chỉ giống mẹ có đôi mắt, cô thứ 3 chắc cũng thế vì sinh đôi mà. Nhưng còn chàng rể tôi thấy quen quen. Thấy tôi cứ nhìn nó mãi, Đạo cười hỏi: - Anh thấy nó giống ai nào? Con bà Nụ đấy, bà mẹ anh đã đưa anh đến huyện đội ấy mà! Thật là bất ngờ. Vở kịch năm xưa lại quay lại. Nụ chỉ bằng tuổi tôi nhưng nhập vai bà mẹ lại rất đĩnh đạc. Cái lưng còng còng, lại chống gậy, vừa lụ khụ, vừa thân thương, lại nghiêm khắc đến nỗi tôi thưa gửi như thưa gửi với mẹ ruột của mình. - Anh Trung, cơm xong anh đưa em sang thăm Nụ. - Cứ thư thả, mộ bà ấy cách đây hơi xa! Tôi như người bị nghẹn, mặt đờ ra - Bà ấy mất lâu chưa? - Hơn 5 năm rồi. Không khí bữa cơm tự nhiên chùng lại. Trung phá tan cái không khí im lìm đó bằng câu hỏi - Anh cứ nghĩ là cả hai vợ chồng em cùng đến cơ đấy, sao lại chỉ có 1 mình em? - Nhà em cũng muốn đi lắm nhưng em đã ngòai 70 rồi, đâu dám kèm ai kể cả vợ con Đạo nói luôn - Thôi để khi vợ chồng mình vào Sài gòn sẽ đến thăm vợ chồng anh ấy vậy. - Biết thế nào mà hẹn. Chúng mình bây giờ như những người đã xếp hàng lấy vé tầu suốt rồi. Nhỡ nay mai đến lượt tôi thì sao? Tối hôm đó tôi ngủ chung với anh Trung. Lúc này anh Trung mới hỏi về tôi. Tôi cứ thành thực kể lại tất cả những tình cảm của mình. Nghe xong anh mới nói: - Anh chỉ biết Đạo đã yêu 1 người trước khi anh đặt vấn đề và người ấy mới chết. Còn tên thì Đạo không nói. Anh cũng rất tôn trọng Đạo nên không bao giờ hỏi nữa. Vừa rồi ở Sài gòn ra Đạo mới nói tất cả. Chuyện của các em cũng thật ly kỳ. Tình của em đối với Đạo chỉ là tình bạn chứ không phải tình yêu, còn tình của Đạo đối với em lại là tình yêu chứ không phải tình bạn. Hay thật - Còn em, em quí tình bạn này lắm. Em không hề muốn mất nó. May mắn làm sao Đạo cũng chấp nhận tình bạn này. Chúng mình ở cái tuổi gần đất xa trời rồi. Hạnh phúc gia đình thì Đạo đã có với anh. Còn với em thì em vẫn suốt đời chung thủy với người mà em đã chọn… - Anh hiểu, anh hiểu, thôi chúng mình đi ngủ, mai anh sẽ đưa em đi thăm các đồng đội tí hon cũ của em, chẳng còn nhiều nữa đâu, trừ Đạo ra chỉ còn 6 mống nữa thôi.Tháng 04 năm 2006 Huy Phụng Trần Huy Phụng Giáo viên nghỉ hưu 902 Tổ 11 Khu phố 5 Phường Linh Trung Thủ Đức 23/ 08/2006 Đã đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay số đầu năm 2007