Chủ doanh nghiệp đồ mỹ nghệ Phong Hải sau khi làm ăn phát đạt và nhận thấy trên thị trường xuất hiện nhiều người kinh doanh loại hàng này nên quyết định mở rộng, chuyển hướng kinh doanh sang dịch vụ du lịch tắm biển. Phong Hải không chủ trương nhắm vào các bãi biển nổi tiếng, bởi anh biết, mình chưa đủ vốn liếng và kinh nghiệm để chen chân vào đó, mà anh tìm đến các bãi biển nhà quê, vừa phù hợp với vốn liếng, vừa thỏa mãn được nhu cầu vui chơi của tầng lớp bình dân. Gọi là tìm kiếm, nhưng thực ra, Phong Hải đã có chủ định từ trước. Anh về vùng biển gần quê mình. Hôm anh đi khảo sát thực địa, bãi biển Điền Dương sóng lớn và đục ngầu, bởi con sông Ninh đang mùa mưa lũ, đổ nước phù sa ra cửa biển. Cậu trợ lý của anh gàn: “Biền đục thế này, mà lại ở nơi hẻo lánh, đường sá khó khăn… Em nghĩ, ta không nên đầu tư khai thác nơi đây, anh ạ!...”. Phong Hải cười: “Thế cậu tưởng là tôi không biết điều đó hay sao? Nhưng cậu mới chỉ biết có một. xu thế của du lịch lữ hành thế giới bây giờ là người ta nhắm vào những nơi hoang sơ, nơi thiên nhiên là thiên nhiên thực, ít có sự can thiệp của bàn tay con người. Đấy là nhìn ra xa, còn nhìn gần, chỉ cần thỏa mãn nhu cầu vui chơi tắm biển của nhân dân cái tỉnh gần hai triệu người này cũng là đủ rồi. Rồi cậu xem. Tôi quyết làm!”. Thực ra, nói như đinh đóng cột, song Phong Hải cũng hơi lo. Đầu tư hàng tỉ đồng chứ đâu phải ít. Thâm tâm, ngoài việc nắm bắt kịp xu thế thời cuộc, thấy bãi biển đẹp với cảnh sắc thiên nhiên hài hòa, anh quyết định còn có thêm lý do khác mà ngoài anh ra, không một ai đoán biết nổi. Đó là ký ức của một thời trai trẻ, về một mối tình chớp nhoáng kiểu “bãi biển, đời người” ở chình nơi đây hơn hai mươi năm trước!... Mọi thủ tục giấy tờ về đất đai, vốn đầu tư, phân chia lợi nhuận với địa phương được thảo ra nhanh chóng và được quyết định để thực hiện cũng nhanh chóng không kém. Và rồi vật tư, trang thiết bị xây dựng khu nhà nghỉ được ùn ùn chở đến. Khu nhà nghỉ dần hình thành. Vấn đề còn lại là khai thác như thế nào thôi. Trong bản hợp đồng với địa phương, phần tuyển dụng lao động phục vụ khu nhà nghỉ được ghi ưu tiên cho người địa phương. Và như vậy, Phong Hải bắt đầu cuộc tuyển dụng. Trừ một vài nam giới làm công tác bảo vệ và những việc nặng nhọc, còn lại, các nữ tiếp viên, anh chủ trương chọn một số cô gái trẻ ở ngay trong làng, đào tạo cấp tốc các kiến thức sơ đẳng về 4b ( buồng-bàn-bar-bếp ) như người ta thường làm. Cậu phụ tá của Phong Hải ghé tai anh nhăn nhở: “Về việc tuyển dụng thì Sếp cứ để em… Em sơ tuyển, rồi Sếp chung khảo… Cứ là phải có sắc một chút, để còn phục vụ cho nhu cầu tươi mát của khách nữa chứ!... Thiếu cái khoản này thì cứ là… Hì hì…” Anh nói trắng: “Sập tiệm chứ gì!”. Cậu ta cười phá lên: “Sếp thật là thoáng. Thời kinh tế mới nó phải vậy chứ!”. Anh tưng tửng: “Nhưng chưa hẳn tôi đã bằng lòng. Cậu cứ xúc tiến việc tuyển mộ cho tôi. Còn sử dụng thế nào thì sau hẵng hay…”. Chưa đầy nửa tháng sau, cậu ta đã mời Phong Hải “duyệt đội danh dự”. Trước mặt anh là ngót chục cô gái quê. Nhìn lướt qua một lượt, anh nhận ra ngay vẻ e dè, sợ sệt, nhưng lại pha chút hân hoan, hi vọng ở họ. Chắc là các cô mơ đến một cuộc sống kiểu cách theo lối đô thị chờ đón, mặc dù vẫn chỉ là thân phận bồi bàn, làm thuê, và dường như, các cô đã chán ngấy cái cuộc sống lao động nặng nhọc, chân lấm tay bùn từng đè nặng nhiều kiếp người ở chốn quê mùa rồi. Về hình thức, quả là cậu trợ lý có con mắt tinh, các cô đều kha khá cả. Con gái vùng biển, tuy hơi thô vì công việc và quen ăn sóng nói gió, nhưng bù lại cô nào ngực cũng nở, bụng thon do chèo thuyền nhiều, nước da ngăm ngăm và có gương mặt, cái nhìn gợi cảm. Trong số đó, Phong Hải chú ý đến một cô gái có dáng vẻ buồn buồn, khá xinh và tuổi cũng cứng hơn so với chúng bạn. Gương mặt ấy gây lên trong anh một xúc cảm là lạ. Anh hỏi: “Cô tên gì, bao nhiêu tuổi rồi?”. Cô ta rụt rè: “Cháu tên là Nghĩa…. Cháu… đã hai… mấy rồi ạ!”. Anh hơi đùa: “Cô đừng sợ tôi chê già… Yên tâm đi, tôi sẽ tuyển cô”. Cô vẫn không vui lên được bao nhiêu: “Thế ạ! Cháu xin cảm ơn chú…”. Thực ra, ký ức về một mối tình chớp nhoáng trong vòng tuần lễ từ hơn hai mươi năm trước chỉ là giọt nước cuối cúng làm tràn cốc nước, khiến Phong Hải quyết định xây nhà nghỉ ở bãi biển nhà quê này. Làm ăn kinh tế, phải biết tính toán chi li sau khi đã nắm bắt được xu thế, và cũng phải biết táo bạo, nói nôm na là phải có máu liều. Phong Hải đã nghĩ đến cái việc như cậu trợ lý nói, là đáp ứng nhu cầu tươi mát của khách du lịch, song cứ nhìn và nghĩ đến cô gái tên Nghĩa kia, một ngày nào đó, theo yêu cầu của việc kinh doanh, sẽ phải lả lơi, ngả ngốn với khách, và thậm chí phải hiến thân xác cho khách, thì anh thấy bất nhã làm sao! Phong Hải không đang tâm. Đối với cô gái đó, anh vừa muốn gặp lại vừa ngại gặp. Nói đúng ra, anh không dám nhìn lâu vào gương mặt u hoài và ánh mắt đau đáu của cô ta. Không phải một lần, Phong Hải tự nhủ mình, tại sao cái cô gái nhà quê ấy khiến mình phải quan tâm, băn khoăn? Một hôm anh bảo cậu trợ lý: “Này, cậu tìm hiểu cho tôi xem cái cô gái tên Nghĩa ấy gia thế như thế nào?”. Cậu ta nhìn anh, hấp háy mắt, toét miệng: “Cô Nghĩa ý à. Bây giờ là không có Nghĩa nào hết, cô ta mang tên mới Nguyệt, Như Nguyệt… Này nhé, em mạn phép anh đổi tên hết thảy các cô bé, nào Minh Nga, Kiều Loan, Thu Ánh… Thế mới xứng dàn tiếp viên trẻ đẹp chứ anh! Mà này, Sếp có ý đồ gì mà điều tra lai lịch con bé ấy kỹ thế? Chắc là… nó lọt vào mắt xanh của Sếp rồi phỏng? Em cứ nói thật nhé, cái con bé ấy trông xinh xinh đấy nhưng mà cứ đơ đơ thế nào ấy… rõ quê một cục. Em gọi là Như Nguyệt, thì cãi lại rằng "em tên là Nghĩa, cha sinh mẹ đẻ đặt cho thế, xin cứ gọi đúng tên, không Như Nguyệt gì hết, gọi khác đi em không thưa thì đừng có trách…". Thế thì anh bảo có chán không chứ. Nếu anh cần… thì cứ để em…em sẽ lựa chọn cho một đứa khác, ngon lành hơn…”. Phong Hải không nén được bực, dằn giọng: “Cậu có thôi đi không. Cậu cứ làm như tôi bảo, càng sớm càng tốt. Còn như cậu lải nhải về cái chuyện kia thì không chừng, người tôi sa thải đầu tiên chính là cậu đấy! ". Cậu ta cụt hứng, cáo lui. Vài ngày sau, cậu trợ lý đã làm xong việc anh giao. Khi gặp Phong Hải, không cần giấy tờ, cậu ta liến thoắng về lai lịch cô gái tên Nghĩa với cái giọng hài hước, trớt nhả: “Thưa Sếp! Lý lịch trích ngang của tiếp viên Như Nguyệt cụ thể như sau: Họ tên khai sinh, Lê Thị Nghĩa, sinh năm bảy tư, cầm tinh con Hổ, loại này ghê gớm và khó lấy chồng lắm đây. Bố là Lê Văn Tèo, có dị tật chấm phẩy, nát rượu, cờ bạc, đúng là loại bỏ đi. Mẹ là Phạm Thị Nụ, đã chết cách đây hai năm vì bệnh ung thư, nghe nói ngày xưa xuân sắc lắm… chắc là quá đa tình nên chết sớm. Một em trai tên là…”. Phong Hải rít lên: “Thôi đi!...”. Anh choáng váng ngây mặt. Cậu trợ lý ngừng bặt, nhưng rồi lại mấp máy: “Có nột điều này, em xin nói nốt, dư luận ở làng nói rằng, cô ta chỉ là đứa con tráng men của ông bố thọt mà thôi… Chẳng hiểu bố cô ta là ai, chắc là một gã mất mảnh!”. Phong Hải lẩm bẩm: “Có lẽ vậy”. Cậu trợ lý tưởng anh đồng tình với gã, lại cao hứng: “Một lý lịch nhọ nhem như vậy thật thích hợp với nghề tươi mát, thế mà lại sĩ nữa cơ chứ, làm như cao quý lắm. Rõ đồ cứt nát có chóp!....”. Phong Hải không còn đủ sức để thốt ra điều gì nữa… Ngay ngày hôm sau, Phong Hải về Hà Nội. Cả một tuần, đêm nào anh cũng mất ngủ, ra phòng khách đốt thuốc lá và bật video xem, những nhân vật trai tài gái sắc trong các bộ phim võ hiệp phong tình nhảy nhót, uốn éo trước mặt anh. Còn ban ngày, anh ra vẩn vào vơ, rồi lại phóng xe đến đám bạn bè và đi bia bọt với họ. Vợ anh, cô giáo dạy sử ở một trường cấp ba, con gái người thủ trưởng liệt sĩ của anh hồi quân ngũ, mấy lần gặng hỏi vì thấy anh khác thường. Anh thoái thác, nói dối là cảm thấy mệt mỏi, biểu hiện của tuổi già. Vợ anh thì cứ lo là chuyện làm ăn có gì đó trắc trở. Khi quyết định kinh doanh du lịch ở Điền Dương, Phong Hải đã có thêm dũng khí nhờ ký ức về một mối tình thời trai trẻ, song anh không bao giờ ngờ đến, khi công việc mới khởi công, anh đã gặp ngay một sự thực, khiến anh sụp đổ không còn thiết gì làm ăn nữa… Hơn hai chục năm trước, khi ấy anh vừa đôi mươi, đang học đại học thì anh có lệnh nhập ngũ. Anh về quê chuẩn bị để lên đường. Mẹ anh bảo sang thăm bà ngoại, chào các cậu dì bên ngoại. Mang tiếng quê ngoại ở huyện khác, nhưng chỉ cách quê nội anh hơn chục cây số đường chim bay và một con sông. Anh sang Điền Dương là để chào người dì ruột lấy chồng ở đấy. Làng nằm kề ngay biển, cách nhà bà ngoại anh một cánh đồng. Từ ngày nhỏ, hễ có dịp đến chơi nhà dì là anh lao ngay ta biển. Anh mê biển từ thơ bé. Trong trí óc non nớt của anh hồi đó, những đám mây xốp lổn nhổn như ngồi trên mặt nước, những con sóng ngầu bọt ầm ào không hề biết mệt mỏi, những cánh buồm rách nát cũ bươm vá chằng vá đụp, những người dân chài đen đúa cần mẫn làm lụng, những con còng gió nhoằng nhịt trên bãi cát… và tất thẩy những gì thuộc về biển, đều có sức lay động, cuốn hút mạnh mẽ. Buổi chiều ấy, anh đã ra biển. Một mình anh chạy nhảy, bơi lội, gào thét thỏa thuê. Có lẽ những người dân chài ở đấy nhìn anh buồn cười lắm, thậm chí, họ còn nghĩ anh là một kẻ dở hơi, rồ dại. Mặc kệ, anh cứ nhảy, cứ hét, bởi chỉ đầy tuần nữa thôi, anh đã ra trận rồi, và nói dại dột, biết đâu đấy, anh chẳng bao giờ còn được trở về làng quê, trở về sân trường đại học, và trở về vùng biển quê xinh đẹp này. Nghĩ vậy, anh rợn người, rồi như người không xương, anh sụn xuống bãi cát. Anh đưa tay sờ đầu, sờ tóc, vuốt mặt, xoa xoa nhẹ lên vồng ngực đầy căng, khẽ nắn bắp chân bắp tay rắn chắc của mình và thẫn thờ…chao ôi, nếu một ngày nào đó mình không may trúng đạn, chết đi, tất cả sẽ thối rữa ra tan vào bụi đất ư? Anh không theo tôn giáo nào cả, nhưng tự nhiên lúc đó, đầu anh căng lên bởi suy nghĩ về một câu Kinh Thánh rằng “thân cát bụi lại trở về với cát bụi”. Và anh xục đôi tay xuống cát, vốc lên một vốc cát, đưa lên cao trên đầu, mắt nhắm lại, buông từ từ cho cát chảy xuống đầu, không nghĩ ngợi gì… Vốc cát đã hết từ bao giờ, anh không biết nữa!... Một ý nghĩ tia loáng trong đầu anh, chết chắc là cũng đến vậy thôi, thế thì có gì mà phải sợ. Anh mở bừng mắt, và bắt gặp ngay trước mắt mình đôi chân trần và đôi ống quần thâm đất. Thoạt đầu anh ngạc nhiên, ngước mắt nhìn lên, thì đó là một cô gái. Cô trạc mười bảy, mười tám là cùng. Gương mặt dễ thương, mắt to đen láy, da ngăm đen, trừ bàn chân đi đất hơi khô, còn lại khá thon thả. Bộ quần áo cô đang mặc trên người, có lẽ do mồ hôi, do sóng biển bắn vào mà bị ướt từng đám. Cái nhìn của anh dừng lại hơi lâu nơi bầu ngực gọn và nâng cao của cô gái. Chợt anh nghĩ đến một câu ca mà mẹ anh hay nói “những người thắt đáy lưng ong vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”, anh bật cười thành tiếng. Cô vẫn đứng vậy, hỏi: “Anh cười cái gì? Có phải cười tôi không đấy?”. Anh nhìn cô bặm môi có vẻ hơi tức và đấu dịu: “Không đâu. Tôi cười là bởi tôi nghĩ đến cái việc vừa ban nãy cô thấy tôi làm trò hề thì hẳn cô phải nghĩ rằng tôi là một thằng điên”. Đến lúc ấy thì người cười lại là cô, cô hồn nhiên: “Trông anh giống phù thủy đang phù phép ấy”. Anh nảy ra ý định trêu cô vì anh thấy mên mến cô rồi: “Đúng đấy. Tôi đang phù phép và tôi khấn trời đất cho tôi…”. Anh bỏ lửng câu nói vì biết thế nào cô cũng tò mò. Quả nhiên, cô gặng: “Anh cầu trời cái gì vậy? Có phải…”. Anh tinh nghịch:”À,tôi cầu trời ban cho tôi người con gái của thần biển”.Cô bâng khuâng:”Thế à!”.Anh nhìn cô dò xét và quyết định:”Cô hãy xem nhé… giờ tôi nhắm mắt lại và tiếp tục khấn,khi tôi mở mắt ra thì tiên nữ con gái thần biển sẽ xuất hiện ngay…Nào…”. Anh quỳ đầu gối xuống cát, chắp hai tay để ngực, nhắm mắt và lầm rầm. Anh mở mắt ra, từ từ đứng dậy, giang hai tay, tiến gần đến cô, miệng nói như lên đồng: ”Ôi… tiên nữ của lòng tôi. Con xin cảm tạ thần biển nhân hậu đã sáng tạo nàng tiên tuyệt mỹ này. Xin cảm tạ trời đất đã ban tặng nàng cho con”. Anh từ từ đặt tay lên vai cô gái và chợt nghĩ là mình đang diễn kịch, hệt như tập kịch ở đội văn nghệ nhà trường. Cô gái tròn mắt, ngạc nhiên, và khi bàn tay anh chạm đến bờ vai cô thì cô lùi lại, bảo: “Cái nhà anh này… buồn cười nhỉ? Tự dưng lại … chẳng đứng đắn chút nào. Người ta không đùa đâu đấy!...”. Anh nghĩ nhanh, xưng người ta à, thế thì tiếp tục trêu cho biết tay nhau, và cất giọng đầy trai lơ: “Cô nói phải, à không, nàng phải lắm. Ta làm sao đứng được nữa, mà đang xiêu như điếu đổ bởi sắc đẹp của nàng!...”. Cô gái kêu lên khe khẽ:” Ơ ơ…Cái nhà anh này, càng nói càng trơ…Đúng là điên…Thôi trời tối rồi, tôi phải về đây kẻo cá ươn hết rồi. Tôi làm gì có thì giờ mà đứng đây để anh bêu giếu tôi mãi”. Cô gái nói và dứt khoát bước đi, cắp thúng cá để cách đó một đoạn, quây quả về làng. Anh chạy theo gọi: “Cô gì ơi! Tôi đùa một tí mà … là vì… thấy cô dễ mến. Đừng hiểu sai về tôi nhé…”. Cô dừng bước: “Anh sẽ không đùa nữa chứ?”. Anh nói nhanh: “Không, không…Nếu cô muốn, tối nay trăng sáng, cô ra chỗ này… tôi sẽ đợi và cô sẽ kể cho tôi nghe về chuyện nữ thần Sắc Đẹp được sinh ra từ bọt biển như thế nào…?”.Cô khẽ cười: “Tối nay thì không được rồi. Tôi có hẹn…à, tôi bận ”. Anh ỉu xìu: “ Hẹn với người yêu à?”. Cô hoảng hốt: “Ồ, không… nếu quả tình anh không đùa, thì có thể tối mai… ở đây… mà này…tôi đoán anh là người nơi khác đến… và chắc là sinh viên?”. Cô cười rúc rích và đi thật nhanh, khiến anh đờ người nhìn theo. Chiều hôm sau, anh lại ra chỗ đó tắm, có ý chờ. Sâm sẩm tối thì cô về ngang qua chỗ anh, anh hỏi: “Hôm qua cô không giận tôi chứ?”. Cô vẫn cầm chừng: “Ồ không đâu… Tôi làm lụng suốt ngày đâu có thời giờ mà giận với chả dỗi. À, anh tên là gì nhỉ”. Anh không dám đùa nữa, nói thật: “Tên Hải…Tối qua không được… thì tối nay ra nhé? Thế nào… tôi cũng chờ ở đây…Thế còn tên cô?”. Cô khẽ ngúng nguẩy: “Tên xấu lắm, nói ra anh lại cười. Có thể tôi sẽ ra, nhưng hễ anh còn trêu, tôi bỏ về ngay đấy”. Tối ấy, cơm nước xong xuôi, anh nói với dì là đi chơi hóng gió, ra nơi hẹn. Đợi sốt ruột, anh định bỏ về thì cô tới. Cô có vẻ hồi hộp và sợ sệt như có ai vừa đuổi theo. Cô nắm lấy tay anh, hổn hển: “Tôi…tôi sợ quá!”. Anh hỏi: “Cô sợ cái gì? Sợ ma à? Hay là …Bố cô không cho đi à?”. Cô ấp úng: “Vâng…ờ…không phải thế!”. Anh bảo cô bình tĩnh lại và khi đã yên vị bên cạnh nhau, cô rụt rè: “Anh Hải này… mới quen anh mà tôi… tôi đã đi chơi với anh như thế này thì tôi có phải là người xấu không?... Anh có khinh tôi không?”. Anh mạnh bạo: “Em… em nói gì mà lạ thế! Anh mến… anh rất quý em mà!”. Cô cười khe khẽ trong bóng tối: “Tôi, à… em chỉ sợ anh nghĩ thế… Anh nói khéo lắm, người như anh khó mà tin được… mà em lại ra đây với anh…Như thế… tức là em tin anh rồi đấy!”. Cô lại cười: “Em chịu không cãi lý với anh nữa, bởi thế nào anh cũng nói được… Bây giờ anh kể cho em nghe về anh đi đã”. Thế là anh đành phải kể sơ qua về mình, lẽ dĩ nhiên, anh có thêm bớt đôi chút cho thêm phần ly kỳ. Anh giấu không dám nói mấy hôm nữa anh sẽ ra trận. Và cũng cho đến lúc ấy, anh mới biết tên cô là Nụ, mồ côi mẹ, là chị cả của hai em, nhà nghèo. Anh nịnh và khen tên cô: “Nụ tức là nụ hoa”. Cô cãi: “Bố em là dân đi biển, ông đặt tên con toàn là tên cái loài cá, em là Nụ, tức là cá nụ ấy…em gái dưới là Thu, thằng em trai út là Kình”. Anh cười trêu, rồi liên thuyên đủ các thứ chuyện trên trời dưới bể. Chợt cô nhớ ra: “A… anh hứa là kể cho em nghe chuyện về nữ thần Sắc Đẹp cơ mà. Vì muốn nghe chuyện…nên em mới ra đây đó”. Và thế là anh cười, không thể từ chối, kể: “Từ thuở trời đất còn hỗn mang, có một người đàn bà tên gọi là Aphrodite, nàng được các chư thần bầu là Thần Sắc Đẹp, nàng được kết tinh từ bọt biển…” Đã gần đến ngày phải về trường tập trung để nhập ngũ mà anh cứ ở líp Điền Dương, mẹ anh sốt ruột bắt chị gái sang tìm. Anh bảo chị về trước, sáng hôm sau anh sẽ về. Và tối ấy, anh đã gặp Nụ. Anh vẫn giấu chuyện nhập ngũ, chỉ nói rằng sớm mai anh phải về. Tự nhiên, anh thấy Nụ thân mật hơn, quyến rũ hơn.Và trong khung cảnh ấy, anh đã nói với Nụ những lời có cánh, đó cũng là tâm trạng thật của lòng anh. Anh đã gọi Nụ là “nàng Aphrodite của tôi”. Anh nói nhiều, nhiều lắm và khi ngôn từ bất lực thì đôi bàn tay anh trở nên mẫn cảm, nồng nàn…Nụ gục vào ngực anh, tay cô tìm bàn tay anh và dẫn dắt nó. Khi bàn tay anh trườn qua bầu vú cô thì anh rùng mình và ngay khoảnh khoắc ấy, anh nghĩ mình không được phép vượt quá giới hạn, bởi biết đâu mình sẽ không trở về, và như vậy, cô ấy sẽ tủi nhục nếu như... Còn Nụ, như đọc được sự lưỡng lự trong anh, cô dấn tới, quyết liệt hơn và khi đó thì anh không còn đủ sức để dứt ra, buông thả mình vào cơn lốc của dục tình… Khi hai người rời nhau ra, anh vẫn chưa hết ngạc nhiên, bàng hoàng bởi hương vị của trái cấm đầu đời. Trong khi anh vẫn cứ trần người tự hỏi mình sao sự việc lại diễn ra như vậy, thì Nụ vơ áo quần trên cát luống cuống mặc vào, hình như cô xỏ nhầm ống nên cứ lúng túng mãi… Và cho đến lúc đó, anh mới cảm thấy sức nặng của bản năng và trách nhiệm đè trĩu người mình. Anh lúng búng: “Em… Nụ… Em có hối hận không? … anh sẽ lấy em, cưới em… Nhưng mà… vài hôm nữa anh đã phải nhập ngũ rồi!... Hay là sớm mai anh về ngay nhà nói với thầy mẹ anh đem cơi trầu sang nhà em… coi như chúng mình đã thành vợ chồng”… Anh gấp gáp một hồi rồi tắc nghẹn. Rồi người gây gấy như lên cơn sốt, mụ đi, không biết mình đã nói gì và Nụ đã trả lời ra sao. Cô khóc và đã tháo ở tay đưa anh chiếc nhẫn đồng làm từ một đồng trinh cổ, còn anh thì trao lại cho cô chiếc nhẫn của anh được tạo ra từ cát-tút đạn…Nụ bảo anh, rằng cô sẽ gắng đợi anh đến chừng nào có thể… rằng cô coi anh như người chồng đầu… và anh cũng không phải ràng buộc gì với cô cả… tự thân, cô lo liệu cho mình. Anh cảm động và đã khóc với cả sự chân thành, biết ơn… Phong Hải đang bù đầu với đồng giấy tờ thì anh nghe thấy như có tiếng bước chân, ngẩng đầu nhìn lên, có một người đàn bà đi thẳng trước mặt anh. Ánh sáng lờ mờ làm anh không thấy rõ gương mặt người đó. Người đàn bà nói ngay: “Chào anh, anh Hải. Hồ chừng…hơn hai mươi năm cách mặt nay mới gặp lại nhau đây, nhỉ!?”. Anh gỡ kính, đáp lại: “Bà… chị là… xin lỗi, tôi không quen!”. Người đán bà: “Anh đeo kính vào đi thì sẽ rõ. Anh đâu còn trẻ trung tinh tường như hơn hai chục năm về trước”… Anh làm theo, ngạc nhiên: “Ơ kìa, Nụ… Đúng Nụ rồi, em đó phải không?”. Người đan bà: “Rốt cuộc thì anh cũng đã nhận ra”. Anh nghi ngờ: “Em còn sống thật sao? Anh không nghĩ là em vẫn còn trẻ đến thế!” Người đàn bà: “Người không sống nữa thì có quyền trẻ”. Anh hỏi: “Thế bây giờ em ra sao?”. Người đàn bà: “Anh muốn biết từ khi ta xa nhau?”. Anh vội vàng: “Đúng vậy. Anh muốn biết tất”. Người đàn bà: “Đơn giản là sau khi anh đi, tôi đã mò tìm sang bên quê anh và biết anh đã thật sự nhập ngũ. Tôi lấy chồng sau đó nửa tháng và cũng chỉ già bảy tháng sau ngày cưới, tôi sinh một đứa con gái, một ca đẻ non con so bình thường… Chồng tôi là một người bị dị tật từ bé, tính tình lầm lì và cục cằn. Trước khi gặp anh, tôi đã bị gia đình buộc phải lấy anh ta vì một lời hứa gả con cho nhau của hai người cha. Với anh ta, tôi vừa ghét vừa sợ, bởi người trong làng đồn rằng, xưa ông nội anh ta bị hủi mà rụng cả chân tay… Tôi biết thế nào cũng phải lấy anh ta và sợ con cái mình sau này bị lây bệnh tổ tiên, nên khi gặp anh, tôi nảy ra ý định có một đứa con với anh. Khi gặp anh, tôi thấy anh thông minh, đáng yêu nên ý định ấy càng quyết liệt, và tôi đã chủ động xin anh một đứa con… Thật không may cho tôi nó lại là con gái. Song cũng chính vì con gái mà tôi thương nó hơn. Sau này, chồng tôi đã hiểu được, đứa bé không phải là con của anh ta nên anh ta hắt hủi con bé, và thô bạo với tôi. Tôi thường xuyên bị anh ta đánh đòn vô cớ. Tôi cắn răng chịu đựng bởi tôi đáng bị như thế, vì tôi đã đang tâm lừa gạt anh ta, vì tôi đã có nó với anh…nhưng con bé thì có tội tình gì. Và rồi tôi cũng có hai đứa con với anh ta. Nhiều lần anh ta bảo tôi: " May mà mày sinh cho ông đứa con trai, vì thế ông tha chết cho mày… Rốt cuộc thì tôi cũng được giải thoát!”. Anh nói như cầu xin: “Tôi không tệ bạc. Tôi đâu biết con bé là con tôi. Khi tôi từ quân ngũ trở về, tôi có dò hỏi thì được biết là em đã lấy chồng, có con… Tôi cũng rằn vặt lắm chứ…song tôi nghĩ là em hạnh phúc và quên chuyện cũ rồi, vì thế tôi chẳng nên xen vào”. Người đàn bà vẫn lạnh băng: “Tôi không trách gì anh. Tình nghĩa hai ta có thế thôi… Tôi trả lại anh chiếc nhẫn xưa, và cũng không đòi lại anh chiếc nhẫn tôi trao anh đâu… Vì tôi biết chắc chắn là …anh không còn giữ nó nữa… Hẳn nhẫn anh đeo bây giờ là nhẫn vàng mười, nhẫn mặt kim cương…Mà thôi…Tôi giao con bé cho anh, cư xử thế nào là tùy ở anh. Anh hãy tỉnh ngộ đi… vì chính anh đang đẩy con bé vào vòng tội lỗi đấy… Dù sao …Tôi vẫn phải đánh anh một cái tát … là để cảnh cáo trước!...”. Phong Hải giật bắn mình vì cú tát vào má. Anh chồm người dậy, mở choàng mắt, miệng kêu “Nụ! Nụ!...”. Vợ anh đang sững trước mặt anh: “Nói mãi rồi, cứ nốc cho lắm vào rồi ngủ mê lảm nhảm… Xem lại mình đang ngủ ở đâu? Nụ gì? Nụ nào, hả? Nụ hoa hay là nhũ hoa…? Lại con bé mắt xanh mỏ đỏ nào ở nhà hàng nó hút mất hồn rồi, phải không? ”. Phong Hải bần thần, thì ra anh tựa vào sa lông phòng khách mà ngủ quên. Điếu thuốc lá cháy ngún hết cả điếu trên gạt tàn. Anh nặng nề đứng lên, lê người định vào phòng ngủ. Vợ anh chặn lại. Dọn dẹp cốc ly và lon bia trên bàn, cô ta lẩm bẩm: “ Còn ở đâu ra… cái nhẫn bằng đồng gỉ xanh thế này? Ah…Lại bày cái trò tặng …? Vớ vẩn!”. Lúc ấy, anh mới chú ý đến chiếc nhẫn đồng gỉ xanh trên tay vợ. Ngẩn người ngạc nhiên, miệng há ra không thành tiếng…Sao thế nhỉ? Chiếc nhẫn ấy ở đâu ra? Rõ ràng là… trước đấy, trên mặt bàn làm gì có nó? Hay là…? Chẳng nhẽ là cô ấy…? Anh bàng hoàng…! Đầy vẻ bực tức, vợ anh tiện tay trút nó vào sọt rác cùng với đám vỏ lon bia. Hôm sau, Phong Hải đâm bổ ngay xuống Điền Dương với tâm trạng day dứt và lo lắng. Cậu trợ lý đón anh, toe toét: “Gớm, Sếp líp đến cả tuần ở Hà Nội. Nhưng Sếp cứ yên tâm đi, mọi việc trôi tuồn tuột”. Anh hấp tấp: “Có chuyện gì không?”. Cậu trợ lý vẫn hồn nhiên: “Không… À có cái cô Như Nguyệt ấy bỏ về làng rồi ạ”. Anh hốt hoảng: “Sao? Mày đã làm gì con bé rồi? Nói ngay!”. Cậu trợ lý sợ: “Đâu có…em có làm gì nó đâu… Em đã đoán là Sếp cảm con bé rồi nên không dám bén mảng…Ai đời… lại dám đi săn trên đất của nhà vua…Là hôm qua, nó dọn phòng khách thì bị khách gạ gẫm, cưỡng ép gì đó và nó đã đẩy ông khách ngã bổ ngửa, chảy cả máu đầu. Còn nó có làm sao không thì em không biết. Là em nghe mấy cô tiếp viên nói lại như thế…”. Anh gầm lên trong cổ: “Thôi đi. Đủ rồi! Cấm đứa nào được đụng đến con bé. Mày có biết nó là gì không?...”. Anh đã kịp ngừng lại. Lặng trân. Chiều ấy, Phong Hải lang thang ngoài bãi biển. Anh đi như người mất hồn. Bóng chiều xuống. Thuyền chài về. Những khách tắm hò hét nhộn nhạo. Anh thấy tất mà lại như không thấy gi. Đầu óc anh quay trở về hơn hai mươi năm trước, nơi có một chàng sinh viên sắp nhập ngũ và một cô gái dân chài đã trao nhau những chiếc nhẫn đồng tự tạo sau khi hòa nhập vào nhau… Một ngày nên ngãi!... Phải rồi, cô ấy đặt tên con là Nghĩa, chính để nói điều ấy… Còn con. Con gái của ta ơi…Ta có lỗi với con…Chút nữa ta đẩy con vào vũng nhơ bẩn… Liệu con có tha thứ cho ta? Anh kêu lên thành tiếng, và cảm thấy người nhẹ bẫng, chơi vơi … Ngoài kia… biển có giông. Gió đang nổi ven bờ sóng!... Hạ 1997