Ngay từ lúc chào đời nó đã không biết mặt cha,nó lớn lên trong tình thương yêu của mẹ, ông,bà và gia đình ngoại. Nghe bà ngoại kể lại,mẹ bị hỏng hai mắt từ năm mẹ lên 3 tuổi,sau một trận thuỷ đậu.Đúng là trời lấy đi đôi mắt của mẹ,nhưng lại bù lại cho mẹ một đôi tay khéo léo,và một giọng hát vô cùng hay.Bà ngoại bảo mẹ đan áo rất giỏi,giặt quần áo,dọn dẹp nhà cửa như người bình thường. Mẹ phụ cho ông bà ngoại nhiều việc nhà,mẹ tham gia vào chi hội người mù ở xà và huyện,thỉnh thoảng đi biểu diễn văn nghệ quần chúng nữa.
Lúc nó lớn, vẫn còn nhìn thấy nhiều giấy khen của mẹ được huyện cấp tặng. Nhưng phong trào cũng chỉ được một thời gian, sau đó mẹ đã bị một người đàn ông lợi dụng, vì mẹ không nhìn thấy nên cũng tin ông ta, nhưng sau khi biết mẹ có thai ông ta đã bỏ đi không bao giờ quay lại gặp mẹ nữa. Hậu quả mẹ phải gánh chịu là nó ra đời, nghe bà ngoại kể lại, rằng cả nhà khuyên mẹ bỏ cái thai đó đi, vì mẹ không nhìn thấy thì sẽ rất khổ nếu sinh con. Nhưng mẹ đã khóc lóc van xin, ông -bà,cho mẹ nuôi giữ cái thai đó,vì đấy là ước nguyện duy nhất của mẹ, mẹ hứa với ông -bà ngoại là mẹ sẽ tự chăm sóc đứa bé, không làm ông -bà phải lo đâu.Nhưng cả nhà ngoại ai cũng thương mẹ,nên lo cho mẹ lắm,cuối cùng ông-bà ngoại thấy mẹ quyết tâm như vậy, nên đành phải đồng ý. 
Và ngày nó chào đời mẹ vui mừng lắm, mẹ đan rất nhiều áo cho nó,rồi mẹ chăm sóc rất cẩn thận,bà ngoại thấy mẹ từ làm mọi việc đều tốt,nên dần bà cũng yên tâm hơn.Thời gian trôi nhanh qua,nó lớn dần,còn mẹ thì cũng mỗi tuổi một kém hơn.Ngày nó bắt đầu đi học lớp 1,mẹ rất hạnh phúc,tối về nó tập đọc chuyện cho mẹ nghe,vì có bao giờ ai đọc cho nghe như này đâu,nên mẹ vui quá,mẹ khóc vì sung sướng,vì có nó,đã làm mẹ quên hết tật nguyền của mẹ. Mẹ yêu nó và chăm sóc cho nó rất tỉ mỉ,Tuy mẹ không nhìn thấy nhưng quần áo của nó lúc nào cũng chỉnh tề và sạch sẽ.
Rồi cuộc sống đang trôi êm đềm như thế,nó bắt đầu học lớp 4, năm đó cả ông và bà ngoại đều mất, chỉ còn nó và mẹ sống đơn độc trong ngôi nhà của ngoại để lại.Bà ngoại cũng để dành được chút tiền tiết kiệm,để lại cho hai mẹ con nó,nhưng không làm cứ rút tiền đó ra ăn chỉ được mấy tháng số tiền đó hết sạch.Mẹ buồn quá, không biết xoay sở ra sao bây giờ?
Nó còn nhỏ nhưng thấy mẹ buồn,cũng biết mẹ lo cho cuộc sống của mình, nhưng không giúp được mẹ gì cả. Ngày hôm sau nó đi học,mẹ chống gậy đi ra các nhà ga,và bến xe cuả thị xã để hát rong, kiếm tiền nuôi nó. Nhưng mẹ vẫn dấu không cho nó biết, vì sợ nó đang học lại bị bạn bè nó cười. Nhưng dấu mãi cũng không được,vì học cùng lớp nó có đứa đã nhìn thấy mẹ hát ở bến xe, hôm sau đến lớp nó bảo với cả lớp.
Các cậu ơi!hôm quá tớ nhìn thấy mẹ thằng An,đi hát ăn xin ở ngoài bến xe đấy.Thế rồi cả lớp nhìn về phía nó, không tin những lời thằng bạn kia nói là thật.Nó vừa tức,vừa ngượng, lấy hết sức lực lao thắng vào người thằng đó,và ra sức đánh nó cho hả cơn tức.Sau đó nó bị nhà trường gọi lên làm bản kiểm điểm.
Về đến nhà,nó đi thẳng tới chỗ mẹ ngồi và quát thật to.
- Tại sao bà lại đi hát rong? để chúng nó cười tôi là mẹ mày đi ăn xin.Tại sao..tại sao..?
Nhưng mẹ vẫn yên lặng ngồi,có lẽ mẹ không nhìn thấy thái độ của nó lúc ấy,và những cử chỉ nó đã làm với mẹ. Chờ nó nói hết,mẹ mới bắt đầu bảo.
- An à, nhà mình bây giờ còn biết trông vào đâu nữa con, ông -bà ngoại không còn,mẹ phải lo cho con,chứ còn ai nữa.Mẹ thì hỏng hai mắt,không làm được việc gì ra tiền, mẹ chỉ biết đi hát thôi con. Đấy cũng là một nghề con ạ,mẹ cũng rất mệt sau những ngày gân cổ lên mà hò,cho thiên hạ nghe,mẹ có sướng gì đâu con,nhưng để sinh nhai mẹ vẫn phải làm và còn phải để con tồn tại nữa chứ.
Nó không nghe mẹ nói hết, bỏ chạy ra ngoài, tìm một nơi khuất ngồi im đó,như để trốn tránh mọi con mắt của những người xung quanh. Và chờ khi trời nhá nhem mới về nhà cho đỡ ngượng. Đến tối không thấy nó về, mẹ sang mấy nhà hàng xóm hỏi, đều không có, rồi mẹ lại lọc cọc khua cái gậy khắp làng để tìm, nhưng vẫn không được,tới đêm khuya nó mới mò về, vì tránh không muốn gặp ai. Vào nhà không thấy mẹ đâu, nó chạy ra đầu ngõ cũng không thấy, lúc này đã muộn quá rồi, nó sợ hàng xóm thức giấc nên không dám hỏi ai cả. Quay trở về nhà ngồi chờ, nó nghĩ mẹ đi sang nhà ai đó chơi thôi, nên vẫn ngồi im chờ mẹ về.Thấy có tiếng người vào sân nó tưởng mẹ về chạy ra,nhưng không phải, mà là chú dân quân xã,vào báo cho nó biết,mẹ bị ngã xuống ao,may mà có người nhìn thấy,đã vớt mẹ lên,nhưng đang nằm ở trạm xá, nó vội chay như bay ra ngoài đó, tới nơi thấy mẹ đang nằm,quần áo mẹ vẫn còn ướt, nó đến bên mẹ khẽ gọi.
- Mẹ-Mẹ ơi! mẹ nghe thấy tiếng nó, vội ngồi dậy,và hỏi.
- Con đi đâu mà để mẹ lo quá? mẹ tìm con cả tối không thấy. Rồi mẹ cứ thế cầm tay nó khóc,nhìn những giọt nước mắt mẹ rơi nó không nhịn được nữa,oà lên khóc theo mẹ,vừa khóc vừa nói.
-Con xin lỗi mẹ,lỗi tại con,từ nay con sẽ không để mẹ phải lo,lắng như thế nữa. Mẹ kéo nó lại, ôm nó vào lòng, rồi lại khóc. Nó hỏi mẹ có mệt không? mẹ bảo mình về nhà đi con,mẹ không sao đâu.Nó ra chào cô y tá và xin phép đưa mẹ về. Hai mẹ con dìu nhau về trong đêm khuya vắng,không một bóng người,chỉ nghe thấy tiếng chó sủa thôi. Nó cũng hơi sợ,nhưng nghĩ có mẹ bên cạnh nên lại yên lòng.
Thế rồi nó bỏ không đi học nữa, vì thương và lo cho mẹ quá, chỉ sợ mẹ đi hát về mà đâm vào xe thì khổ. Nó bảo với mẹ để nó dắt mẹ đi hát, mẹ bảo. Phải cố đi học, nhưng nó xin mẹ đừng bắt nó đi học nữa,vì một mình mẹ đi nó không yên tâm học. Nó kiên quyết không đi, mẹ đành chịu.Từ đó ngày nào nó cũng dắt mẹ đi hát,mới đầu nó còn ngượng,nhưng đi mấy lần thấy mẹ hát hay quá,và ai cũng thương mẹ,nên nó không còn ngượng nữa. Có lẽ mọi người cũng nhìn mẹ con nó với sự cảm thông và thương hại.
Nhà nghèo, nó sống thế tới khi đủ 18 tuổi thì xin đi làm phụ nề,và mẹ lúc này cũng yếu rồi. Nó bảo mẹ ở nhà nó đi làm là đủ, mẹ không phải đi hát nữa. Mẹ nghe nó, không đi nhiều,nhưng thỉnh thoảng vẫn đi.Cho tới khi mẹ thấy khó chịu,đi khám mới biết mẹ vì hát nhiều quá,nên bị ung thư phổi. Nghe bác sỹ nói vậy nó chết lặng người vì thương mẹ.Cả cuộc đời mẹ đã vất vả,đến giờ lại bị bệnh.Tuần sau mẹ phải vào nhập viện,vì bệnh đã nặng rồi,nó đưa mẹ về nhà,rồi thu xếp đồ đạc,chuẩn bị cho mẹ đi nằm viện.Cố gắng thu góp hết chỗ tiền còm cõi,vét được trong ống bơ đựng tiết kiệm. Chẳng có là bao,nhưng cũng đủ để đưa mẹ vào nhập viện.
Còn mấy ngày ở nhà, mẹ dặn nó đủ thứ, hình như mẹ biết bệnh của mẹ đã đến giai đoạn cuối rồi thì phải. Mẹ nói và dặn nó, như những lời trăn trối cuối cùng, nó rùng mình vì nghĩ nếu không có mẹ nó sẽ sao? dù đã lớn, nhưng mẹ là chỗ dựa duy nhất, mẹ cũng là niềm an ủi duy nhất của đời nó. Mẹ bảo nó sáng mai đi mua ít len cho mẹ, về mẹ đan cho nó cái áo len, vì lâu rồi mẹ không đan. Nó chọn mua màu xanh, mà mẹ vẫn thích nó mặc, mẹ đan chưa xong,thì phải vào viện, mẹ mang theo vào để những lúc buồn mẹ đan nốt cho xong. Nhưng mẹ đã không kịp đan nốt chiếc áo len cuối cùng cho nó, mẹ đã lặng lẽ rời xa nó,và ra đi vĩnh viễn, không bao giờ trở lại. Nó vào viện thu dọn đồ của mẹ, chẳng có gì ngoài những cuộn len, và mảnh áo đang đan dở. Nó gói gọn vào, mang về cất vào tủ, giữ lại chút kỷ niệm cuối cùng của mẹ. Mẹ không còn nó mất thăng bằng một thời gian, những lúc nhớ mẹ, nó lại lấy mảnh áo mẹ đan dở ra ôm vào lòng,mà khóc, mà gọi mẹ.
Chủ nhật nào nó cũng ra thăm mộ mẹ. Ngồi hàng giờ đồng hồ, như để tâm sự với mẹ,những niềm vui,cũng như nỗi buồn của nó.
Mẹ ơi!Con cô đơn quá,mỗi tối con vẫn ngồi ngóng cửa đợi mẹ về.Nhưng con chỉ thấy màn đêm tối đen,và những tiếng kêu của mấy con mèo hoang thôi mẹ ạ. Thế rồi nước mắt nó đã rơi bao lần,những giọt nước mắt đau thương cũng dần ngấm vào tim nó. Nhà vẫn nghèo nên nó cũng không có bạn gái. Nó cứ lủi thủi với cái bóng của nó và hình ảnh người mẹ Mù luôn theo nó. Những lúc nó buồn nó lại lẩm bẩm gọi mẹ ú ớ như đứa trẻ mới lên 3 vậy. Rồi lại thắp nén hương xuông lên bàn thờ mẹ, mà nhận lỗi mà ân hận.
Mẹ ơi! bây giờ con đã trưởng thành rồi,con chỉ thương mẹ thôi,mẹ hãy tha lỗi cho con mẹ nhé, những gì trước đây con đã không đúng với mẹ. Con mãi mãi vẫn yêu mẹ.
Jasmin

Xem Tiếp: ----