Ba ơi! Câu này con thấy không ổn, vì vừa rồi xem phim “Rô-bin-xơn”, ông ta sống một mình nơi hoang đảo, nhưng vì kiên nhẩn lao động mà một mình có thể làm được mọi việc. Tôi dừng tay cuốc, quay lại nhìn cậu con trai đang học lớp bảy, ngồi dưới gốc cây đọc sách: Câu gì thế con? Dạ, “nếu sống đơn độc, con người sẽ mãi chỉ là một con vật! Đúng vậy con ạ! Thật ra câu chuyện của anh chàng Rô-bin-xơn đâu có như cuốn sách của Đề-phô kể lại. Nguồn gốc của cuốn sách đó là cuộc đời của một anh thủy thủ vì tội đã lôi kéo các bạn trên tàu nổi loạn, bị đưa ra đày ở một hòn đảo hoang vắng giữa đại dương. Rất nhiều năm về sau, khi có những nhà du lịch đến đảo hoang đó, thì người chủ nhân độc nhất sống ở đảo đã trở thành một người dã man thật sự rồi. Anh ta không nói được nữa và giống một con thú hơn là người. Tôi định tiếp tục xới luống rau thì cu Hải đặt cuốn sách đang xem xuống gốc cây, đến bên tôi: Sao Rô-bin-xơn lại không nói được ba nhỉ? Vì anh ta không có nhu cầu giao tiếp. Sự biến dạng của thanh quản, của xương hàm do quá trình lao động đơn độc khiến anh ta mất dần tiếng nói. Cậu con trai ngồi xuống giũ giũ mấy bụi cỏ sau làn cuốc. Ngước nhìn tôi: Con nhổ cỏ với ba nhá? Con ngoan! Hai cha con ta cùng làm cho vui. Cu Hải vuốt mấy cọng cỏ trên tay, ngần ngừ hỏi: Ba ơi! Ba có biết ngôn ngữ từ đâu mà có không? Ngôn ngữ từ đâu mà có à? Tôi gác cán cuốc trên vồng khoai lang, ngồi xuống nhìn cậu con trai đùa: Khi con ngồi đọc sách một nơi ba xới cỏ một nẻo, khi đó ngôn ngữ chưa xuất hiện. Lúc hai cha con ta cùng làm một công việc thì…ngôn ngữ xuất hiện! Cu Hải phụng phịu: Ba lại đùa con rồi! Tôi hắng giọng: Ba đùa cho vui đấy. Muốn biết được điều này, chúng ta lại bắt đầu trở về với quá khứ xa xưa, con nhé! Cậu con vui hẳn lên, nhích lại ngồi gần tôi: Lại một chuyến du lịch thú vị, ba nhỉ? Năm 1924 những nhà khảo cổ họcLiên Xô cũ đào ở trong hang Kích cô-ban gần Xim-phê-rô-pô-li tại Crưm, tìm được những bộ xương của người thượng cổ. Vì tìm được ở thung lũng Nê-ăng-déc nên các nhà bác học gọi tên người thời đó là người ”Nê-ăng-déc-tan”. Trải qua hàng chục vạn năm tiến hóa, anh ta đã khác xa Người-Vượn trước kia rồi. Vậy đã đứng thẳng hay còn…đi lòm khòm ba nhỉ? Chưa hoàn toàn thẳng như chúng ta nhưng cũng đã đỡ rồi con ạ. Từ chổ đi bằng bốn chân tiến lên dùng hai chân và đứng thảng để di chuyển là cả một quá trình tính bằng chục vạn năm! Thật kinh khủng! Khi trông thấy người Nê-ăng-déc-tan chúng ta không còn hoài nghi “người hay vượn?” Đúng là người nhưng còn nhiều nét giống vượn vì anh ta có cái trán thấp và thụt về phía sau, đôi mắt sâu hóm, răng cửa nhô ra trước. Hàm dưới của người Nê-ăng-déc-tan chưa thích ứng với việc nói thành tiếng. Với cái trán và cái hàm ấy anh ta chưa thể suy nghĩ và nói như chúng ta được… Nhưng anh ta cần phải nói. Lao động tập thể buộc anh ta phải nói. Muốn cùng chung sức lao động với nhau, người ta cần phải thỏa thuận là phải làm gì. Như vậy không thể đợi cằm và hàm phát triển rồi mới tập nói. Mà muốn cằm và hàm phát triển cần thêm cả ngàn năm sau! Cu Hải liếng thoắng: Con đoán là anh ta phải dùng mọi cách để phát biểu ý mình, kể cả toàn thân. Phải không ba? Con thông minh đấy! Đáng lẽ nói: “cho tôi” anh ta đưa hai bàn tay ngửa, về phía trước. Đói? Anh ta há miệng. Gọi người khác anh ta vẫy tay… Thậm chí có lúc còn phát ra âm thanh “é…é…” để buộc người khác chú ý. Đọc sách con còn biết vào thời ấy người tiền sử không những chỉ hái, lượm mà còn săn cả những con thú lớn ba ạ! Thức ăn không phải chỉ hái lượm hoa quả, nhu cầu cần có cả thịt. Bằng chứng là quanh những bộ xương người tiền sử còn có rất nhiều xương những động vật, có cả xương voi Ma mút. Con thấy đấy! Làm thế nào mà người đi săn thời tiền sử với vũ khí thô sơ như vậy đã thắng những con voi Ma mút khổng lồ đó? Họ có thể đào hầm, đặt bẫy Đúng rồi! Họ còn đốt cả cánh rừng để đuổi con voi khổng lồ sa xuống đầm lầy. Nếu họ không dùng ngôn ngữ, dù là ngôn ngữ bằng điệu bộ thì làm sao hàng trăm mũi lao cùng một lúc được phóng thẳng tới con vật, làm sao cả đoàn người nhất tề tiến lên nếu không có sự chỉ huy, những quy ước được quy định trước bằng điệu bộ. Cu Hải gật gật đầu, đưa mắt nhìn về xa xăm. Tôi nói: Ngôn ngữ bằng điệu bộ của loài người bắt đầu từ đó, từ cuộc sống bầy đàn… Ba ơi! Thế tiếng nói đến khi nào mới có? Thực ra tiếng nói không có sẵn để con người lúc đó học. Một tiếng kêu the thé cùng với động tác nhảy cỡn lên để báo hiệu vui mừng. Hoặc một nhóm mười người đang hè nhau kéo tảng thịt đùi của con voi Ma mút. Không thể dùng động tác tay để ra hiệu cùng kéo được, buộc anh ta phải “hự, hự” trong cuống họng để mọi người nhịp nhàng kéo tảng thịt về hang. Giống như mình hô “dô ta”… Nhưng rồi cậu con trai nhíu mày ra vẻ suy nghĩ, dè dặt nói: Nhưng con vật nó cũng kêu như vậy mà ba! Con khỉ nó”khẹc! khẹc” con chó “gâu gâu”… Đúng rồi! Nhưng đó là tiếng kêu. Tuyệt nhiên khỉ chẳng thể nào “gâu gâu” hoặc con chó lại bắt chước “khẹc khẹc”. Con biết đấy, do cấu tạo xương hàm lúc ấy chưa thích ứng nói được thành tiếng, người cổ đại cố phát ra những âm thanh để diễn đạc con vật mà anh ta vừa hạ được – quá trình dài cả hàng nghìn năm con ạ! Điều này, con vật không bao giờ làm được. Hơn thế, trong quá trình lao động, trong quan hệ bầy đàn, giữa rừng rậm hay trong bóng đêm, ngôn ngữ điệu bộ trở nên hạn chế, đôi khi mất tác dụng. Thế nên họ phải bằng mọi cách phát ra những âm thanh quy ước. Đó là tiếng nói sơ khai của loài người! Có phải từng bầy đàn có những âm thanh quy ước khác nhau không ba? Đúng rồi con! Vậy là con hiểu vì sao có tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc… Tôi lườm cậu con trai lém lỉnh, mắng yêu: Thôi, vào nhà tắm rửa cho tôi nhờ! Phạm Tú Uyên