1. Mẹ nó lấy chồng năm mười sáu tuổi khi cặp vú thiếu nữ của mẹ nó chỉ mới hơi đội áo lên. Nó sắp ra đời thì đài truyền hình khởi chiếu bộ phim dài hơn 100 tập của Mêxicô. Mẹ nó mê phim đó đến nỗi đã lẩm nhẩm đau bụng mà vẫn cố ngồi xem hết một tập phim rồi mới xách túi tã lót lên trạm xá. Nó mới được 9 ngày tuổi mẹ nó đã bế nó chạy thốc qua con ngõ dài để tới với những nhân vật mà mẹ nó mê mẩn.
Mẹ nó ngồi xem phim, lúc bĩu môi, lúc chép miệng, lúc cười khúc khích, lúc cười rũ rượi, lúc khóc sụt sịt còn nó thì cứ ngủ khì trong tấm chăn len chẳng í ới gì.
Khi nó biết ăn bột, trong phim nổi lên một tình huống mới: một nhân vật chen vào giữa một "đôi lứa xứng đôi". Chiều chiều mẹ nó bế nó đi ăn rong, vừa đút bột cho nó vừa sốt sắng lượm lặt những lời chê bai, nguyền rủa mà các bà các chị trong xóm hắt vào cái nhân vật thứ ba đáng ghét kia. Có lúc vì mẹ nó mải nói chuyện quá mà thìa bột chưa chạm môi nó đã dừng lại khiến nó cứ thè cái lưỡi nhỏ xíu ra liếm hụt mũi thìa như một con mèo con tội nghiệp. Bộ phim kết thúc. Mẹ nó ngơ ngẩn như vừa trải qua một đoạn đời tươi đẹp của mình, ngơ ngẩn đến nỗi quên không khoe với chúng tôi những bước đi đầu tiên của nó và cũng chẳng để ý mình đã chậm kinh đến hai mươi ngày.
Mẹ nó sinh em trai. Nó chưa biết nói từ thích nhưng qua cách nó xán lăn vào em nó chúng tôi có thể biết nó thích em nó đến nhường nào. Nó cứ quanh quẩn bên giường em nó cả ngày, hết leo lên lại tụt xuống, leo lên lại tụt xuống. Tã lót, khăn lớn khăn bé mắc vào ngón chân nó rơi rong khắp nhà. Em nó thỉnh thoảng lại bật lên những tiếng oe oe vì bị nó thơm quá dữ dội. Mẹ nó trợn mắt nạt nộ, dậm chân, chỉ tay bắt nó tránh xa giường em nó. Lúc sợ mẹ nó đứng nép vào góc nhà giương mắt nhìn, rồi khi cơn sợ qua đi nó lại men men theo tường tìm cách leo lên giường với em.
Ngày nào nó cũng bị mẹ nó phát đôm đốp vào mông mấy lượt vì tội làm vướng chân mẹ, làm em giật mình, tội bày thêm việc cho mẹ nó. Hễ bị đánh là nó lăn ra hờn. Nó hờn rất dai, hờn dai đến nỗi môi nó run bần bật, người nó tím tái đi, hờn đến nỗi hàng xóm cũng phát ghét nó. Em nó càng lớn càng biết chơi với nó, nó lại càng bị đòn nhiều và càng hờn dai.
Thế nhưng nó chỉ hờn cho đến hết tuổi lên bốn, từ đó trở đi nó hầu như không khóc thành tiếng. Dường như nó hiểu nó có hờn cũng chẳng ích gì. Dường như nó biết em nó đáng được yêu hơn nó. Nó chấp nhận điều đó. Mỗi khi chơi với em, bị em giành giật đồ chơi, bị em rứt tóc, đấm đá, nó im lặng chịu đựng không hề hé răng mách bố mẹ.
Không phải vì nó đã khôn đến nỗi tự nguyện bỏ qua tất cả thói đành hanh của thằng em, mà vì nó đủ khôn để sống với kinh nghiệm của chính mình, cái kinh nghiệm dạy nó rằng nếu nó mách bố mẹ về xung đột giữa hai chị em nó thì thế nào bố mẹ cũng đổ tất cả tội lên đầu nó, thế nào cũng đe nẹt nó lần sau phải nhường em hơn.
Ðã khôn như vậy rồi mà thỉnh thoảng nó vẫn bị mắng, bị đòn. Mỗi lần bị mắng nó lại tìm ra một chỗ đứng một mình. Nó cứ đứng mãi chỗ ấy nhìn xuống những ngón chân di di trên mặt đất của mình. Chẳng biết đứng như thế một lúc nó có khóc hay không.
Sinh cùng năm với nó ở Anh, Mỹ, Ấn Ðộ, Canada có những thần đồng nổi tiếng thế giới.Trong một cuốn sách người ta định nghĩa thần đồng là những trẻ em có thể làm những việc được coi là chỉ người lớn mới có khả năng thực hiện.
Theo định nghĩa đó, nó cũng là một thần đồng. Mới 6 tuổi nó đã đảm đương gần như toàn bộ công việc chăm sóc em. Nó biết nấu cơm, biết xới cơm cho em ăn. Biết tắm, biết gội đầu, biết chùi đít, biết đổ bô cho em nó. Nó biết hôm nào nên cho em nó mặc áo dày, hôm nào nên cho em nó mặc quần đùi. Hàng xóm chúng tôi có ai cất lời khen nó thì mẹ nó lập tức cướp lời người ta ngay.
Mẹ nó bảo: "Khôn gì mà khôn, chỉ vì nhà bí người thôi". Cũng chẳng có nhiều cơ hội để mẹ nó giải thích cho cái việc bố mẹ nó mua cái máy xay xát di động để rồi suốt ngày người kéo người đẩy đi hết làng này đến làng khác xay xát thuê, bỏ hai đứa con nhỏ ở nhà tự trông nhau.
2. Nó lớn từ từ, càng lớn càng rõ ra là một đứa con gái cục mịch. Học hết lớp chín nó muốn học lên cấp III nhưng không biết bố mẹ nó có cho phép hay không. Nó đợi sự cho phép của bố mẹ nó. Bố mẹ nó mải làm quên béng mất việc ấy. Sự kiên nhẫn của nó lên đến cao trào liền nhường chỗ cho lòng tự ái. Nó không hé răng nhắc họ một câu. Cho đến khi đài truyền thanh thông báo ngày tập trung ở trường cấp III bố nó mới "ấy chết" và hỏi: "Mày đỗ hay trượt hả con?". Nó im lặng không đáp. Mẹ nó cười khanh khách rồi nói: "Trông đần mặt ra thế kia là trượt rồi. Trượt thì trượt cần đếch gì. Con gái không cần phải học nhiều, học nhiều chỉ tổ khó chống lầy". Nó thì không cần phải học còn em trai nó thì kiểu gì cũng phải học, cho học đến hết đường học thì thôi, bố nó bảo thế.
Quả là em trai nó được cho học đến mức ấy thật. Em nó được gửi đi học thêm từ lớp 3. Hè lại hè, em nó cùng thằng con út ông chủ tịch xã và thằng con ông trạm trưởng trạm y tế tập hợp thành bộ ba theo suốt một lượt những ông thầy có tiếng trong huyện. Ba ông bố cắt cử nhau đưa đón ba cậu ấm đi học thêm. Các dịp lễ tết có thêm các bà mẹ cặp đôi đến nhà thầy thăm hỏi chúc tụng. Thầy nào cũng bảo em trai nó thông minh không kém gì hai con nhà cán bộ kia.
Tất nhiên họ cũng không quên nhắc bố mẹ nó phải tiếp tục đầu tư, đầu tư bền bỉ, đầu tư lâu dài. Bố mẹ nó trông ra khối con nhà chỉ vác cặp đến lớp giữ chỗ ngồi mà lấy làm hãnh diện vì được làm nhà đầu tư cho giáo dục. Tuần nào mẹ nó cũng lên thị tứ mua một túi bột đậu, một hộp sữa. Mẹ nó vừa đi vừa vung vẩy hai cái túi đồ ăn được coi là xa xỉ đối với con nhà làm ruộng, gặp ai mẹ nó cũng lần lượt giơ hai túi ấy lên khoe: "Cái này để thằng cu ăn sáng, cái này để bồi dưỡng cho thằng cu học khuya".
Em nó vào cấp III còn nó bắt đầu công việc nhặt chỉ ở một công ty may gia công trên thị trấn. Nó làm việc mười ba tiếng một ngày. Nó thở trong xưởng may đầy bụi, ăn trong khoảng thời gian quy định ngắn ngủi và ngủ trong nỗi lo chiếc đồng hồ báo thức bị kẹt chuông. Bạn cùng làm gọi nó là con kiến. Và nhờ làm siêng như một con kiến nên sau ba tháng nhặt chỉ nó đã được chuyển sang tổ đóng gói. Nó ngẩng lên cúi xuống, nó xếp, nó bê, nó gỡ băng dính, nó vác kiện, nó đẩy xe.
Lương tháng của nó tăng từ năm trăm nghìn lên tám trăm nghìn đồng. Nó đưa cho mẹ nó sáu trăm nghìn, giữ lại hai trăm nghìn. Mẹ nó không hài lòng, phàn nàn với hàng xóm rằng nó có ý giữ vốn riêng. Chẳng ai biết mà thanh minh hộ nó rằng tuần nào em nó cũng đến cổng xí nghiệp xin nó cấp tiền phôtô sách, tiền mua bộ đề, tiền đi sinh nhật bạn, tiền may đồng phục... Em nó thà để chị mình chịu thiệt một tí chứ nhất định không khai ra những khoản đầu tư ngoài luồng, còn nó thì chẳng muốn bố mẹ phải phát sốt lên vì tiền.
Em nó thi đỗ đại học giao thông. Bố mẹ nó làm hẳn mười lăm mâm cơm khao, họ hàng, bè bạn. Tàn cuộc khao, bố mẹ nó ngồi bó gối giữa đám bát đĩa đi thuê bàn kế hoạch cân đối thu chi trong giai đoạn cậu ấm học đại học. Bố nó nói với mẹ nó về những chiếc máy: máy đóng gạch, máy khoan giếng, máy bơm nước, máy tuốt lúa. Máy nào cũng cần một người kéo một người đẩy. Mẹ nó có vẻ ưng tất cả những chiếc máy đó. Nó thì thấy cái máy nào cũng không ổn. Lần đầu tiên nó dám cất tiếng góp bàn. "Mày định đi Ðài Loan làm ôsin thật à? Hỏi kỹ người ta chưa? Chi phí đi bao nhiêu? Tháng được bao nhiêu đô?". Bố nó hỏi một tua.
Nó nói lại những gì nó đã tìm hiểu được ở trung tâm xúc tiến xuất khẩu lao động. Nó đang nói thì bị mẹ nó ngắt lời: "Chốt lại là mỗi tháng bao nhiêu đô?". "Năm trăm", nó đáp. Bố nó lẩm bẩm làm phép tính nhân rồi gật gù: "Ðược đấy, nếu đi được thì hay đấy. Thôi, mày chịu khó vài năm con ạ, hi sinh đời chị chuẩn bị cho đời em". Nó rất xúc động trước cách dùng từ của bố nó. Nó nghĩ được hi sinh cho người khác cũng là một hạnh phúc. Sau này sang bên nước người dù có khó khổ thế nào nó cũng sẽ nghĩ đến điều ấy mà cố gắng vượt qua.
Cuối tháng chín em nó lên Hà Nội nhập học thì đầu tháng mười một nó bay sang Ðài Loan. Mới đi được hai tháng nó đã gọi điện cho em nó bảo mở một tài khoản để nó gửi tiền về. Nó gửi đều đặn, gửi luôn cả những món tiền thưởng mà nó nhận từ chủ nhà với lòng hàm ơn.
Mỗi người nhà nó khoe tin tiền về theo cách riêng của mình. Mẹ nó khoe bằng một đôi bông tai. Bố nó khoe bằng một chiếc tivi màn hình phẳng cùng đầu video và bộ loa vi tính. Em nó khoe bằng một chiếc Suzuki mới đập hộp, bằng điện thoại di động, quần bò, áo phông xịn. Một người vất vả ba người sung sướng. Phép tính hi sinh của nó ra được kết quả như vậy kể cũng thỏa mãn.
Theo hợp đồng nó làm cho người Ðài Loan hai năm, được gia hạn thêm một năm là ba. Trông thấy nó sau ba năm hàng xóm chúng tôi ngỡ ngàng lắm. Chúng tôi ngỡ ngàng không phải vì nó đã thành nửa người Việt nửa người Ðài Loan mà vì nó chẳng thay đổi tí tẹo nào, cứ như thể nó vừa đi ra khỏi cái ngõ sâu nhà nó một lát rồi lại đi vào. Mấy chị thợ may khéo mồm xui nó có hàng trăm triệu đấy nên trích ra một ít mà cải mã.
Bọn con gái mới lớn bảo rằng nó mà đi ép tóc, mặc quần ống vẩy, mặc áo sát eo thì trông sẽ "ngon" hơn. Mẹ nó không xui nó đi cải mã nhưng cứ thúc nó đi sắm bông tai, dây chuyền vàng để đeo. Theo kinh nghiệm của mẹ nó, con gái có của dù xấu cũng dễ lấy chồng. Mẹ nó luôn nói rằng bố nó lấy mẹ nó vì cái dây chuyền vàng năm chỉ của bà ngoại nó cho mẹ nó chứ chẳng vì cái gì hết.
3. Vào một ngày giáp tết nó bắt xe đi Hà Nội. Nó đi hai ngày thì trở về cùng thằng em. Chúng tôi không thấy nó ép tóc, không thấy nó mặc quần áo mới cũng chẳng thấy nó đeo dây chuyền, bông tai gì hết. Mọi con mắt trong ngõ đổ dồn vào chiếc túi du lịch nó khoác trên vai. Ai cũng tò mò về câu chuyện sau bữa cơm tối ở nhà nó. Thế rồi sự tò mò ấy mau chóng được thỏa mãn.
Chị em nó về nhà được chừng nửa tiếng thì từ nhà nó liên tục vọng ra những tiếng đổ vỡ, tiếng quát tháo của bố nó. Chúng tôi biết nhà nó có chuyện liền đổ đến để xem, để can. Chẳng ai đánh ai mà can. Nhà nó như một sân khấu, trong đó mỗi diễn viên đều độc diễn theo lượt. Lượt của bố nó xong rồi. Màn hình tivi, đầu video, loa, cốc chén, phích nước, bàn ghế đều bị hất đổ chỏng chơ hoặc bị đập vỡ tanh bành. Chẳng còn gì để mà đập nữa.
Ðến lượt nó. Nó đến trước mặt thằng em đang ngồi như thằng chết lả ở cuối giường giật tung từng chiếc cúc trên chiếc áo nó đang mặc. Áo nó tuột xuống đến đâu da thịt nó lộ ra đến đó, mỏng mảnh, sứt sẹo, đau cho từng cái nhìn.
Nó nói giọng như lưỡi lửa rờn rợn: "Mày nghĩ tao sang bên kia làm gì cho người ta? Tao nói cho mày biết, tao sang bên ấy hầu hạ một bà già bị bệnh tâm thần phân liệt. Mày học cao thế chắc là biết bệnh đó là bệnh gì rồi. Nhưng mày không thể biết sống cùng với một người bị căn bệnh đó là như thế nào đâu. Mày có biết tao khốn khổ với bà già ấy như thế nào không? Ban ngày tao không được rời bà ấy nửa bước. Ban đêm tao và bà ấy phải ngủ chung với một cái xích. Tao phải xích tay tao vào tay bà ấy để bà ấy khỏi đi lang thang, mày hiểu không? Bà già ấy bạ đâu cũng đái, bạ đâu cũng ỉa, gặp cái gì cũng ăn. Tao phải giải quyết tất cả chuyện vệ sinh cho bà ấy. Ðã thế ngày nào bà ấy cũng kêu gào, cào cấu tao, ném đồ vào người tao. Mà tao lại không thể giận con người đã hành hạ tao, không thể giận một ai vì tao tình nguyện phục vụ người ta để kiếm tiền. Thế mà mày đã dùng đồng tiền ấy hủy hoại thân xác mày, hủy hoại cuộc đời mày, giống như giết sống tao vậy".
Thì ra nó đang xét lại phép tính hi sinh. Tại sao nó phải làm vậy chúng tôi không hiểu, song trong thâm tâm chúng tôi thấy mừng vì chúng tôi ngỡ nó đã quyết định đứng lên tháo bỏ cái gông vô hình đã gông vào nó từ nhiều năm chỉ vì nó sinh ra làm phận gái trong nhà. Cái gông vô hình đó đã bắt nó nhường nhịn, nín nhịn, chịu thiệt thòi, chịu hi sinh quá nhiều. Chúng tôi cứ ngỡ là như vậy cho tới khi nó xốc áo lên, vừa cài từng chiếc cúc vừa đi ra chỗ bố mẹ nó, lặng lẽ quỳ xuống.
Nó nói giọng không rờn rợn chỉ đượm chua xót: "Con xin bố mẹ tha lỗi cho con. Nếu không vì con gửi tiền về chỗ em Nhất thì nó chẳng lấy đâu ra tiền mà ăn chơi đua đòi rồi sa vào hút chích. Con xin bố mẹ cho con chuộc tội. Con sẽ đi làm kiếm tiền cứu em. Nhất định con sẽ cứu em ấy". Mọi chuyện đã rõ. Em nó nghiện ma túy, còn cái gông vô hình kia không những không được tháo bỏ mà đã gông nó ở một mức mới, chặt hơn, nặng nề hơn.
Nó đi Ðài Loan làm ôsin lần nữa để lấy tiền giúp em nó cai nghiện. Nó gửi tiền về dè dè mỗi lần vài triệu. Lần thứ nhất bố nó dùng tiền ấy cai cho em nó tại nhà. Sau hai tháng em nó cai được. Bố nó giữ em nó ở nhà trông coi sát sao hơn nửa năm trời mới thả cho lên Hà Nội học tiếp. Em nó nghiện lại sau hai tuần tái ngộ với bạn nghiện ở thủ đô. Bố nó đưa em nó lên Bắc Giang cai tại nhà một ông lang. Em nó lại cai được.
Bố nó không cho em nó lên Hà Nội nữa nhưng bọn nghiện quanh thị trấn tìm đến với em nó rất mau. Em nó nghiện lại lần nữa, lần nữa, rồi lần nữa. Khi cái sự cai được và tái nghiện lặp đi lặp lại đến sáu lần thì bố mẹ nó tuyệt vọng hẳn, bỏ buông như thể đã mất người. Một đêm nghe thấy em nó bàn với một con nghiện khác trèo tường vào ăn trộm máy vi tính của một trường trung học, bố nó liền báo công an. Công an bắt em nó vào một trại cải tạo ở miền trung. Tiền của nó gửi về được dùng vào việc thăm nuôi phạm nhân.
Rồi một hôm trại cải tạo gửi điện mời bố mẹ nó vào trại gấp nhìn mặt em nó lần cuối. Sau chuyến đi bố nó gọi điện cho nó nói em nó cai được rồi, được hẳn, không bao giờ tái nghiện nữa. Chúng tôi ngờ rằng biết được tin đó nó sẽ không bao giờ còn có thể tháo bỏ nổi cái gông vô hình kia nữa.

*

Có lẽ linh cảm của chúng tôi đúng bởi nó cứ đi mãi không về. Cũng có thể hết hạn lao động nó về lang thang ở đâu đó một thời gian rồi lại làm thủ tục đi tiếp. Mãi cho tới tháng trước bố mẹ nó mới biết được chút tình hình của nó. Nó gửi về một lá thư thông báo rằng nó đã lấy chồng người Ðài Loan và có ý định ở hẳn bên đó không về nữa. Nó gửi qua bưu điện cho bố mẹ nó một trăm triệu nói là bố mẹ nó muốn tiêu gì thì tùy. Không biết vì không muốn làm cặp vợ chồng giàu có cô đơn hay vì muốn tháo bỏ cái gông vô hình cho nó mà bố mẹ nó quyết định dùng số tiền đó để sinh em cho nó.
Nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm mà mẹ nó ở tuổi bốn mươi ba lại vượt cạn. Lần này mẹ nó đẻ sinh đôi một trai một gái. Bây giờ nhà nó lại có tiếng trẻ con. Bố mẹ nó làm cha mẹ lại từ đầu.
Thái Bình, tháng 5-2005 
NGUYỄN BÍCH LAN

Xem Tiếp: ----