Nước Địa Trung Hải xanh biếc, bờ biển chìm trong những vườn cam, vườn cây lô hội cây xương rồng, cây thông. Không khí Địa Trung Hải trong lành. Nơi đây, trên bờ biển này, ở vùng nước này, với khí hậu tốt nhất thế giới này, con người có thêm sức mạnh mới. Nhưng dù Địa Trung Hải đẹp đến đâu, tôi cũng chỉ nhìn biển nước rộng hai triệu ki-lô-mét vuông một cách thoáng qua. Thậm chí tôi không thể hỏi han gì thuyền trưởng Nê-mô vì suốt chặng đường vượt Địa Trung Hải chớp nhoáng ấy, Nê-mô không xuất hiện lần nào. Tôi đoán rằng tàu Nau-ti-lúx đã chạy ngầm dưới biển đó chừng sáu trăm dặm trong hai ngày hai đêm. Chúng tôi rời bờ biển Hy Lạp ngày 16 tháng 2 thì rạng sáng 18 tháng 2 đã qua eo Gi-bran-ta. Tôi biết thuyền trưởng Nê-mô chẳng thích gì Địa Trung Hải bốn bề là những vùng đất mà Nê-mô đã từ bỏ. Sóng nước Địa Trung Hải trong xanh, những làn gió biển thổi nhẹ đã gợi lên trong lòng Nê-mô quá nhiều kỷ niệm, nếu không phải là quá nhiều thương tiếc. Nơi đây chẳng có cái tự do lựa chọn đường đi, cái độc lập hoàn toàn mà Nê-mô đã có ngoài đại dương. Giống như tàu Nau-ti-lúx, Nê-mô cảm thấy tù túng trong khoảng không gian hạn chế giữa bờ biển châu Phi và châu Âu. Tàu chạy hai mươi lăm hải lý một giờ. Nét Len tuy rất chán ngán nhưng cũng phải từ bỏ ý định bỏ trốn lúc này. Tàu chạy nhanh từ mười hai đến mười ba mét giây, không cho phép sử dụng xuồng. Trong điều kiện đó mà chạy trốn thì cũng liều lĩnh như nhảy ra khỏi xe lửa đang phóng nhanh. Hơn nữa, tàu chỉ nổi lên mặt biển ban đêm để dự trữ không khí, thời gian còn lại thì chạy ngầm theo địa bàn. Thế là Địa Trung Hải đã lướt qua mắt tôi như phong cảnh bên đường lướt qua mắt hành khách tàu nhanh. Tôi chỉ nhìn thấy những chân trời xa, còn tất cả những vật gần hơn thì chẳng rõ lắm. Tuy vậy, tôi và Công-xây cũng quan sát được một số cá Địa Trung Hải có vây rất khỏe giúp chúng có thể bơi kịp tàu Nau-ti-lúx trong một thời gian ngắn. Chúng tôi ngồi bên ô cửa sổ phòng khách hồi lâu. Những nhận xét sơ bộ cho phép chúng tôi có cái nhìn tổng quát về động vật và thực vật của Địa Trung Hải. Đêm 16 rạng ngày 17 tháng 2 tàu vào bồn thứ hai của Địa Trung Hải, nơi sâu nhất là ba ngàn mét. Tàu ngoan ngoãn tuân theo sự điều khiển và xuống tới những lớp nước sâu nhất. Dưới đó, thay thế những kỳ quan của thiên nhiên, trước mắt tôi hiện ra những cảnh tượng thương tâm và khủng khiếp. Chúng tôi đang ở khu vực đã xảy ra bao nạn đắm tàu! Biết bao thuyền bè đã biệt tăm giữa bờ biển An-giê-ri và Prô-văng-xơ! So với Thái Bình Dương bao la, thì Địa Trung Hải chỉ là một cái hồ, nhưng đỏng đảnh khó tính và hay đánh lừa con người. Trong cuộc dạo chơi chớp nhoáng ở các lớp nước sâu này, tôi đã thấy biết bao khung tàu bị đắm nằm dưới đáy biển. Tất cả những tàu thuyền đó đã bị đắm khi va phải đá ngầm. Một số chìm xuống theo chiều thẳng đứng, còn nguyên cả cột và dây buồm, tựa như đã hóa đá trong nước biển mặn. Khi tàu Nau-ti-lúx rọi đèn pha vào chúng thì trên cột buồm hình như có một lá cờ sắp được kéo lên và chúng sắp bắn súng chào! Nhưng ở khu vực đầy tai ương này thì chỉ có sự im lặng và chết chóc! Tôi nhận thấy tàu Nau-ti-lúx càng tiến gần eo Gi-bran-ta thì càng gặp nhiều xác tàu đắm. Bờ biển châu Phi và bờ biển châu Âu càng gần lại nhau thì tàu bè càng hay đâm vào nhau. Cảnh tượng thật khủng khiếp! Biết bao người đã thiệt mạng trong những vụ đắm tàu này! Sóng nước đã cuốn đi biết bao sinh mệnh! Chẳng biết có một thủy thủ nào sống sót để kể lại những trường hợp rủi ro này không, hay biển cả tới nay vẫn giữ kín trong lòng những bí mật đáng sợ? Tàu Nau-ti-lúx vẫn lạnh lùng lướt qua cảnh hoang tàn, và khoảng 3 giờ sáng ngày 18 tháng 2, chúng tôi tới cửa eo Gi-bran-ta. Lợi dụng dòng nước thuận, tàu lướt nhanh qua eo biển hẹp đó. Mấy phút sau, chúng tôi đã cưỡi trên những lớp sóng Đại Tây Dương.