Hàng trăm triệu dân trên hành tinh đặc biệt là những người dân thuộc các nước đang phát triển ở các khu vực Nam Mỹ, Châu Á và châu Phi tồn tại được là nhờ cây ngô. Hàng triệu gia đình đã sử dụng hạt ngô như loại lương thực chính trong bữa ăn hàng ngày từ đời này qua đời khác. Nhiều triệu trẻ em ở độ tuổi cai sữa được nuôi dưỡng bằng các chế phẩm từ ngô hạt. Nhiều trang trại sử dụng hạt ngô để duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm. Tuy có ưu điểm là loại lương thực rẻ, giàu calo và dễ chế biến các giống ngô được phát triển từ nửa đầu thế kỷ XX lại không có lượng protein cần thiết cho cơ thể. Chính vì vậy mà sức khoẻ của những người sử dụng hạt ngô làm thức ăn chủ yếu thường không được đảm bảo. Một giống ngô giàu hàm lượng protein là mơ ước của hàng triệu người dân và là điều trăn trở của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Năm 1962 các nhà khoa học tại trường đại học Purdue ở Mỹ nghiên cứu được giống ngô mới mang tên opeque 2 có hàm lượng protein cao hơn các giống ngô đã tồn tại từ trước đó, song giống ngô này không được cả nông dân lẫn người tiêu thụ hoan nghênh. Ngoài nhược điểm dễ bị nhiễm bệnh trong thời gian sinh trưởng và cho sản lượng thấp, giống ngô này còn có một nhược điểm khác là hạt mềm dễ bị mọt. Theo đuổi ưu điểm về chất lượng protein của loại ngô opeque 2, năm 1970 tiến sĩ Evangelina và đồng nghiệp của bà là tiến sĩ Surinder K. Vasal tại trung tâm phát triển lúa và ngô quốc tế ở Mexico đã bắt tay vào nghiên cứu giống ngô mới. Sử dụng các kĩ thuật phân tích hoá học và kĩ thuật gây giống thực vật họ đã tiến hành lai tạo các loại ngô với nhau, khi thì giữa các loại ngô cùng dòng, khi thì giữa các loại ngô khác dòng để xác định những cấu trúc gien có ưu thế hơn. Họ sử dụng gần như tất cả các mẫu ngô có trên thế giới và tiến hành lựa chọn hết sức tỉ mỉ và công phu. Họ làm việc với cường độ cao đến mức một năm họ tạo và phân tích tới 2500 mẫu lai. Trong khi tiến sĩ Evangelina tập trung nghiên cứu chất lượng protein thì đồng nghiệp của bà đảm trách phần gây giống. Công việc nghiên cứu kéo dài đến giữa những năm 80 cho tới khi họ cho ra đời giống ngô mang tên QPM (viết tắt của High-Quality Protein Meize- có nghĩa là giống ngô có hàm lượng protein cao). QPM được đưa ra trồng ở Ghana và một số nước châu Phi từ đầu những năm 90. Trước năm 2000 ở Mexico đã có 300 000 hecta ngô QPM, ở Brazil có 50000 hecta. QPM cũng đã nhanh chóng có mặt trên các cánh đồng ở các nước Burkina Faso, Mali, Nam Phi, Ethiopia, và nhiều nước châu Á. Kết quả thực tế thu được từ những vụ ngô tại những vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau cho thấy giống ngô mới này luôn cho sản lượng cao hơn các giống ngô khác từ 10% trở lên, thêm vào đó lại có hạt chắc, vị ngon và đặc biệt là có hàm lượng protein cao hơn các giống ngô cũ từ 70 đến 100%. Cho đến nay giống ngô QPM đã có mặt ở hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới với diện tích 9 triệu hecta. Khó mà tính hết được lợi ích to lớn mà giống ngô QPM mang đến cho thế giới. Bên cạnh việc góp phần ổn định an ninh lương thực một cách hiệu quả, nó còn giúp giải quyết các vấn đề về dinh dưỡng cho người dân của thế giới thứ ba. Những người dân nghèo không có điều kiện sử dụng protein bằng các nguồn lương thực đắt tiền thì có thể sử dụng ngô QPM làm thức ăn hàng ngày để đảm bảo sức khoẻ. Vì có thể cung cấp 99% giá trị dinh dưỡng của sữa không kem, ngô QPM đã góp phần làm giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên thế giới. Với giống ngô QPM tiến sĩ Evangelina và đồng nghiệp của bà đã đóng góp cho nền kinh tế của các nước đang phát triển hơn một tỉ đô la mỗi năm. Giống ngô QPM đã khiến tên tuổi của Evangelina Villegas trở nên nổi tiếng trên thế giới. Sinh năm 1924 tại thành phố Mexico, thuộc Mexico, Evangelina đã từng theo học ngành hoá học và sinh học tại đại học Bách khoa Mexico. Vào những năm 50 bà bắt đầu sự nghiệp của một nhà nghiên cứu tại Viện dinh dưỡng quốc gia. Mặc dù hoàn thành chương trình đào tạo sau đại học ở các trường đại học danh tiếng của Mỹ, sau khi giành học vị tiến sĩ bà quyết định quay trở về quê hương Mexico của mình và tại trung tâm Nghiên cứu các giống lúa và ngô quốc tế bà đã cống hiến tất cả công sức và tài năng của mình để nghiên cứu các giống cây lương thực mới giúp cải thiện đời sống không chỉ cho người dân Mexico mà cho cả hành tinh. Năm 2000, Evangelina cùng tiến sĩ Vasal đã vượt qua hơn 4000 ứng cử viên thuộc các nhóm nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu trên toàn thế giới giành Giải thưởng World Food Prize, giải thưởng của tổ chức lương thực thế giới. Được hỏi về việc giải quyết nạn đói trên thế giới trong hai thập kỉ tới, tiến sĩ Evangelina nói: “Chúng ta cần sản xuất ra nhiều loại lương thực giá rẻ, bởi mỗi ngày dân số thế giới lại tăng lên, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề về dinh dưỡng hơn. Các nhà khoa học cần phải rút ngắn thời gian nghiên cứu hơn nữa”. Những gì người phụ nữ Mexico này nói và làm đã khiến cả thế giới lạc quan hơn về tương lai phía trước.