Helen Keller
(1880- 1968)

TÂM HỒN TỎA SÁNG

 
Anna Sullivan biết nhiều về cuộc đấu tranh tự tìm ánh sáng cho mình trong một thế giới đầy bóng tối bởi trước khi trở thành một giáo viên cô đã từng có thời là học viên của trường mù Perkin ở Boston, Massachusetts. Chưa bao giờ cô cho rằng cuộc đấu tranh đó dễ dàng đối với bất cứ ai, nhưng cô tin bất cứ ai cũng có thể chiến thắng nếu có đủ quyết tâm. Tuy nhiên khi ông già Arthur H. Keller and Kate Adam Keller đề nghị cô giúp đứa con gái sáu tuổi của họ, Sullivan thực sự không biết phải bắt đầu với cô bé như thế nào.
Không giống như những đứa trẻ Sullivan tiếp xúc ở trường, Helen là một cô bé vừa bị mù vừa bị điếc. Mới hai mươi tháng tuổi Helen đã bị mắc một căn bệnh mà bác sĩ thời bấy giờ giải thích là “Tắc dạ dày và não”. Khi cơn sốt cao qua đi, bố mẹ của Helen phát hiện ra con gái họ không còn nhìn được, cũng không còn nghe được nữa. Kể từ đó trở đi Helen phải sống với bóng tối và sự im lặng hoàn toàn.
Một đứa bé học giao tiếp bằng cách nào khi nó không thể người khác nói để bắt chước, không thể nhìn để đoán biết ý nghĩa của lời nói qua nét mặt, cử chỉ và điệu bộ của người khác? Làm thế nào để một đứa bé không thể nghe, không thể nhìn có thể biết được những khái niệm, có thể hình dung được thế giới xung quanh nó? Cô giáo Sullivan không nghĩ ra được cách truyền đạt thông tin nào khác ngoài việc dùng các ngón tay. Rồi một lần trong lúc Helen rửa tay dưới vòi nước cô bé đã hiểu được nước là gì khi cô Sullivan dùng ngón tay tác động lên lòng bay tay của Helen để biểu tượng hóa từ “nước”. Lần đầu tiên Helen biết tên thứ cô bé vẫn uống hàng ngày khi khát, thứ mà cô dùng để tắm rửa, thứ thỉnh thoảng rơi từ trên cao xuống đầu cô. Helen cảm thấy một nguồn sáng ở đâu đó thôi thúc cô bé kiếm tìm. Một lần khác cô Sullivan đưa cho Helen một con búp bê do những trẻ em trường mù Perkin làm. Trong khi Helen chơi với con búp bê cô Sullivan đánh vần từ doll (búp bê) lên lòng bàn tay của Helen. Helen thich trò chơi dùng ngón tay này ngay lập tức và đã bắt chước cô giáo rất nhanh. Cô bé đi tìm mẹ và khoe với mẹ từ mới mà cô học được bằng ngôn ngữ của riêng mình. Mấy ngày sau, cô bé học được một loạt tên của những đồ vật quen thuộc như cái trâm, cái mũ, cái chén và biết được những động từ thông dụng như đi bộ, đứng, ngồi,v.v…
Năm 1890 khi Helen mười tuổi, cô giáo Sullivan đã dạy cho cô biết cách trao đổi thông tin qua bàn tay. Họ không những thực hiện dược những giao tiếp thông thường với nhau mà cô Sullivan còn có thể truyền đạt nội dung của những mẩu chuyện trong những cuốn sách cho Helen. Sau khi cô Sullivan cho Helen biết câu chuyện về Ragnhild Kaata, một cô gái người Na Uy vừa mù vừa điếc dã học nói thành công, Helen bày tỏ với cô giáo của mình khao khát được học nói như cô gái ấy.
Cô Sullivan cùng với một cô giáo khác tên là Flutter đã bắt đầu dạy Helen học nói. Họ kết hợp phương pháp giao tiếp qua ngón tay và phương pháp Tadoma. Theo phương pháp này, Helen đặt tay lên mặt cô giáo cảm nhận vị trí của lưỡi và môi của cô giáo khi cô giáo phát âm sau đó bắt chước các cử động ấy để phát âm theo. Háo hức nhưng kiên trì, Helen ngồi hàng giờ luyện phát âm theo cô giáo. Sau một thời gian ngắn Helen đã thuộc được các yếu tố của tiếng nói. Lúc đầu Helen phát âm chưa thoát nên chỉ các cô giáo của cô mới có thể hiểu được những gì cô nói. Nhưng mỗi ngày qua đi, khả năng của Helen lại được cải thiện rõ rệt.
Nếu học phát âm được một từ chẳng phải là việc đơn giản, thì việc học được cả câu trọn vẹn là cả một sự gian khổ và mệt nhọc đối với Helen. Sau khi Helen phát âm được những từ cơ bản, cô giáo của cô đưa cho Helen bộ chữ nổi in trên những mảnh giấy cứng như một bộ bài. Helen sắp xếp các mảnh giấy theo các cấu trúc để tạo thành những câu nói đơn giản. Để sắp xếp được câu: “Con búp bê ở trên giường”, Helen đã để con búp bê của mình ở trên giường và sắp xếp các từ “búp bê”, “ở”, “trên”, “giường” để cô dễ hình dung và dễ ghi nhớ câu hơn. Từ học ghép câu, Helen học đọc, học viết bằng chữ nổi. Khả năng tiếp thu và sự siêng năng của Helen đã đưa cô tiến xa hơn những gì cô giáo của cô mong đợi. Không chỉ đọc thành thạo tiếng Anh, Helen còn học đọc được cả tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hi Lạp, tiếng La tinh bằng hệ thống chữ nổi Braille.
Sau khi theo học ở trường mù Perkin sáu năm, năm 1894 Helen đến New York vào học trường Wright-Humason dành cho người điếc. Năm 1898 Helen trở về Massachusetts theo học trường Cambridge dành cho nữ sinh. Năm 1900 Helen bắt đầu theo học trường đại học Radcliffe, trở thành người mù và điếc đầu tiên tốt nghiệp đại học.
Với kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm phong phú của bản thân, Helen Keller trở thành một nhà hoạt động xã hội tích cực vì người mù. Năm 1915, Helen Keller thành lập tổ chức chống mù lòa mang tên mình. Tổ chức của Helen tập trung vào hai chương trình chính là sức khỏe của mắt và dinh dưỡng cho mắt. Các chương trình này cung cấp các thông tin nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về các nguyên nhân dẫn đến mù lòa, đồng thời triển khai cac hoạt động bổ sung vitamin A, sắt, và các vi chất dinh dưỡng trong cộng đồng đặc biệt là trong các trường học.
Helen Keller đã đi đến 39 nước trên thế giới, thực hiện các bài diễn thuyết đầy thuyết phục. Đi đến đâu người phụ nữ đặc biệt này cũng được mọi người hoan nghênh và ngưỡng mộ. Bà đã gặp gỡ rất nhiều nhân vật nổi tiếng và làm bạn với nhiều danh nhân như Alexander Graham Bell, Charlie Chaplin, Mark Twain. Bà đã từng là thành viên của Đảng Xã hội, từng tham gia Liên đoàn lao động của công nhân thế giới viết tắt là IWW.
Thế giới không chỉ biết đến Helen Keller là một người phụ nữ có nghị lực phi thường, một nhà hoạt động xã hội tích cực vì người mù mà còn biết đến bà như một tác gia nổi tiếng. Cho tới khi qua đời vào năm 1968 ở tuổi tám mươi bảy bà đã có mười một cuốn sách và rất nhiều bài báo được xuất bản ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới, trong đó phải kể đến cuốn tự truyện vô cùng xúc động mang tên Chuyện đời tôi. Trong cuốn tự truyện này Helen Keller đã kể với độc giá một cách trọn vẹn và sinh động hành trình tự giải thoát mình khỏi bóng tối và sự im lặng để đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống mà bà đã trải nghiệm.
Cuộc đời của Helen Keller đặc biệt là quá trình học giao tiếp đáng kinh ngạc và cảm động của bà là nguồn cảm hứng của những nhà làm điện ảnh Mĩ. Nhiều bộ phim về Helen Keller đã ra mắt khán giả như bộ phim câm Giải thoát (Deliverance), hay các bộ phim nổi tiếng phóng tác từ vở kịch Người lao động phi thường (Miracle Worker), bộ phim Màu đen (Black), và gần đây nhất là bộ phim tài liệu Tâm hồn tỏa sáng (Shinning soul) mới được công chiếu năm 2005 đã thu hút được nhiều sự quan tâm của khán giả ở Mĩ và trên thế giới.
Trước khi thực hiện bài viết này tôi đã nhiều lần kể về cuộc đời Helen Keller cho người khác nghe. Tôi nhận thấy tất cả những người nghe xong câu chuyện đều bộc lộ một sự kinh ngạc lớn đến nỗi khiến tôi tin rằng, hình ảnh Helen Keller sẽ mãi mãi sống trong tâm trí của họ như một nguồn sáng thôi thúc họ nỗ lực vươn lên trong những lúc cuộc đời họ lâm vào cảnh tăm tối. Tôi cũng tin rằng, điều đó sẽ đến với tất cả những ai biết về bà qua cuốn sách này.