"Nước mắt của đá" là câu chuyện buồn của gia đình một công dân lương thiện, một người lao động dũng cảm và đầy sáng tạo. Nhưng sự bất công đã giáng xuống gia đình này và kéo dài trong gần 20 năm. Có thể nói cuộc đời ông Lê Cẩn là một bi kịch, lẽ ra không thể có được dưới chế độ ta. Thành quả lao động đang hiện hữu (Hồ cá Trí Nguyên) của gia đình ông Lê Cẩn là không thể phủ nhận. Vì thế, phần tự bạch của nhân vật mà tác giả cố ý đưa vào, đã có sức thuyết phục cao. Phần "tự bạch" này chính là nội dung cốt lõi, mà tác giả muốn chuyển tải đến bạn đọc. Toàn bộ vụ việc, suốt từ đầu đến cuối được diễn tả một cách mộc mạc. Hầu như trang viết nào cũng đặt ra những câu hỏi nhức nhối về sự bất công, về thói vô trách nhiệm và đáng sợ hơn là về sự vô cảm, băng giá, câm điếc trong tâm hồn con người. Việc dồn nén tư liệu để "cài đặt" và "lồng ghép" đúng chỗ của người viết đã tạo hiệu quả khá tốt. Sự xuất hiện hợp lý, khi đến gần, khi ở xa vụ việc, đã đảm bảo được tính chân thực, khách quan của người dẫn chuyện.
Nhà thơ Giang Nam
"Nha Trang, Nha Trang xinh đẹp và thơ mộng, Nha Trang đẹp nhất trong mùa thu này". Sau một tuần nghỉ ở Nha Trang, bạn tôi đã thốt lên như vậy. Vâng! Trân trọng lắm sự rung động chân thành của anh, nhưng anh bạn tôi đã lầm. Bởi Nha Trang mùa thu nào cũng đẹp, và cả bốn mùa, mùa nào cũng đẹp, cũng thướt tha, hiền dịu như một thiếu nữ vừa chớm độ trăng tròn... Thiên nhiên đã cho đất nước mình những "núi bút, non nghiên" để có bao người hiền lưu danh muôn thủa, dẫu cho "trăm năm bia đá cũng mòn". Thiên nhiên còn tạo ra những cảnh quan kỳ vĩ, như một vịnh Hạ Long, một động Phong Nha, một hồ Núi Cốc... để muôn đời phải kinh ngạc về sự sắp đặt của bàn tay tạo hoá. Ở Nha Trang còn có cả Hòn Chồng, Hòn Vợ, đó là hai khối đá nặng đến mấy chục tấn được "ai đó" xếp chồng lên nhau một cách rất tinh nghịch và ngộ nghĩnh, từ lâu đã là một thắng cảnh làm say lòng du khách... Tất cả, tất cả đều là sự sắp đặt của tự nhiên. Vậy mà tự ngàn xưa, cái sức, cái lực vô hình ấy của tạo hoá vẫn được cha ông ta ghi nhận rồi gửi vào cổ tích, để răn dạy con cháu về sự bền chí, đức hy sinh qua câu chuyện về một bà Nữ Oa đội đá, vá trời...
Ở Nha Trang còn có một nơi mà suốt mấy thập kỷ qua đã có hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Đó là hồ cá Trí Nguyên -- một danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Đến Nha Trang mà không qua hồ cá Trí Nguyên, coi như chuyến du lịch của bạn vẫn còn dang dở. Hồ cá nhân tạo này có diện tích khoảng 10 héc-ta, với gần 500 mét kè đá được xếp rất thẩm mỹ, lại đạt trình độ kỹ thuật cao, khiến khách tham quan không thể không trầm trồ thán phục bàn tay khéo léo của ai đó. Mỗi kè đá có chân đáy rộng từ 8 đến 10 mét, bề mặt rộng từ 1,5 đến 2,1 mét; cao từ 3 đến 6 mét, có khoảng 2 mét chìm sâu trong nước. Tất cả đều được xây bằng cách xếp hàng ngàn, hàng vạn hòn đá lớn nhỏ, hình thù đa dạng, dễ làm du khách choáng ngợp, khi so sánh giữa khối lượng khổng lồ của công việc với sức vóc bé nhỏ của con người. Tôi đã từng đến đây, lội xuống nước và thử bê những hòn đá xếp thành đống, tất nhiên là với kỹ thuật hạng bét, nhưng chỉ mới mươi phút mà mồ hôi mồ kê đã tháo ra, mũi mồm tranh nhau thở. Tôi nghĩ, ngày ấy, tháng ấy, cách đây ngót 30 năm, chắc nơi đây phải nhộn nhịp một công trường thủ công với rợp trời khẩu hiệu và trống giong cờ mở... Nhưng tôi đã lầm. Những người dân có tuổi ở vùng này kể rằng, vào cái ngày ấy, tháng ấy, ở cái nơi hoang vu này, chẳng có công trường nhộn nhịp, cũng chẳng có kèn, có trống gì đâu. Đêm đêm chỉ thấy bếp lửa leo lét, đơn côi của một "thằng khùng". Và cái "thằng khùng" -- hậu duệ có lẽ mấy ngàn đời của bà Nữ Oa ấy - mới chính là tác giả sáng tạo ra hồ cá Trí Nguyên này... Vậy mà tôi, một công dân của thành phố Nha Trang, từng nhiều lần đưa các đồng nghiệp ở khắp mọi miền đất nước có dịp đến Nha Trang đi chơi hồ cá Trí Nguyên, lại chưa biết gì về đôi bàn tay ấy và đặc biệt là cái trí, cái gan của con người bị cho là "thằng khùng" ấy. Mà làm sao biết được khi không có một tấm biển, không một lời giải thích về nguồn gốc, lai lịch của công trình? Cũng từng có du khách hỏi: "Hồ cá này do ai làm?" và được một du khách khác trả lời: "Hình như là của một gia đình, bây giờ họ đang sống ở nước ngoài. Mỹ hay Pháp gì đó". Ngay cả khi viết những dòng này, tôi đã thử làm một trắc nghiệm nhỏ là điện hỏi một số nơi, một số chức sắc (cả đương chức lẫn về hưu) là chỗ quen biết, về gốc tích, lai lịch của hồ cá Trí Nguyên. Đa số trả lời là không biết. Còn một số vị thì nói: "Hình như (lại hình như) của một tay nhà giàu nào đó đã di tản theo Mỹ ngụy rồi". Cứ thế, cứ ú ớ như thế, người không biết lại hỏi người không biết. Hoặc giả có người biết, nhưng lại không trả lời cho người muốn biết và tạm bằng lòng với hai tiếng "hình như", để rồi cùng với thời gian, người ấy, việc ấy bị nhạt nhoà, khoả lấp đi bởi sự xô bồ, nhốn nháo của muôn chuyện đời thường...
Cho đến một ngày cuối xuân 1996, trong một chuyến công tác, tôi đã được một đồng nghiệp gửi tặng một tư liệu quý về nguồn gốc hồ cá Trí Nguyên. Đó là bản viết tay gồm 24 trang giấy khổ lớn đã ố vàng của chính người đã sáng tạo nên cảnh quan du lịch độc đáo này: ông Lê Cẩn. Những trang viết chữ to ấy đã làm tôi thật sự xúc động. Xin trân trọng gửi những trang viết mộc mạc này đến du khách bốn phương, để mỗi khi đến Nha Trang có dịp tham quan hồ cá Trí Nguyên, du khách được biết thêm về cái gan, cái chí của một con người.
Ông Lê Cẩn kể: "Tôi sinh năm 1920 ở làng Bích Đầm, huyện Vĩnh Xương (nay là Nha Trang), Khánh Hoà. Cha mẹ tôi đều theo nghề biển, nhưng rất nghèo. Dưới thời Pháp thuộc, chỉ vì không đóng đủ thuế thân, cha mẹ tôi đã phải gán nhà cho lý trưởng, rồi bỏ làng vào Phan Rí -- Ninh Thuận làm thuê cho chủ thuyền. Ròng rã mấy năm trời, đời sống đã không khá lên, lại còn mang món nợ 60 đồng của chủ, 60 đồng ngày ấy to lắm. Tôi cũng được cha mẹ cho đi học đến biết đọc, biết viết, như lớp 3 bây giờ. Giữa lúc đó thì cô ruột tôi tìm vào Phan Rí, nài nỉ cha mẹ tôi trở lại quê hương. Nghĩ ở đâu thì nghèo vẫn là nghèo nên cha mẹ tôi đồng ý trở về. Không có tiền đi xe, cha tôi làm cái mảng chở được 8 người và 2 bó hài cốt của anh và chị tôi do đói kém bệnh tật mà chết. Nhưng cha tôi không nỡ để phần mộ của anh, chị tôi ở nơi đất khách quê người. Chèo chống ròng rã suốt mấy ngày đêm, cuối cùng gia đình tôi cũng về đến làng đảo Bích Đầm. Tôi không còn được đi học nữa, hàng ngày theo cha lên rẫy và đi câu, lúc ấy tôi mới mười một tuổi. Ba năm nữa lại qua đi, cái đói, cái nghèo vẫn bám riết gia đình tôi, lại thêm chủ nợ từ Phan Rí ra tìm. Thế là cha tôi phải đi biển thuê để trả nợ dần. Cha tôi lúc ấy đã 55 tuổi. Suốt 4 năm trời, cha tôi vật lộn với sóng gió mà chỉ trả được nợ 20 đồng cho chủ, còn lại 40 đồng, đến mùa đi biển chủ nợ lại đến đòi. Tôi thấy cha già yếu quá, có còn sức lực đâu, mà suốt ngày bị người ta sai bảo làm những việc nặng nhọc. Không đành lòng, tôi thưa với cha và chủ thuyền rằng: "Con đã 15 tuổi, con xin đi làm thay cho cha để lấy tiền trả nợ". Cuộc đời tôi gắn bó với biển từ đó. Tuy nhỏ người, nhưng tôi làm việc rất chăm chỉ nên được các ngư phủ khác rất thương. Chỉ buồn một nỗi, làm rất vất vả, cực nhọc, mà chủ thuyền cho ăn đói quá nên không ai trụ lại được quá hai năm. Một hôm, chủ thuyền hỏi: "Khổ quá phải không?". Tôi trả lời: "Khổ cũng chịu được, nhưng ăn đói em làm không nổi". Lại hỏi: "Như vậy sang năm, mày không đi làm cho tao nữa phải không?". Tôi bảo: "Em vẫn làm để trả hết nợ cho cha". Đang sức ăn, sức ngủ mà có đêm tôi trằn trọc mãi khi nghĩ đến hoàn cảnh gia đình mình. Ông nội tôi, cha tôi đều chịu thương, chịu khó làm việc cật lực mà vẫn đói khổ, nghèo hèn. Tại sao người này, người kia được làm chủ thuyền? Vì họ có nhiều tiền. Nhưng trước khi có nhiều tiền, chắc chắn họ phải giỏi nghề. Giỏi nghề thì được chủ trả công cao, dành dụm dần mà sắm thuyền riêng... Nghĩ vậy, nên tôi ra sức làm lụng và gần gũi học hỏi những ngư phủ thâm niên, giỏi nghề, có nhiều kinh nghiệm. Vậy mà tôi cũng phải kiên trì chịu đựng trần ai, khổ hạnh, học hỏi trong suốt 35 năm liên tục, mới biết được con cá gặp nước gì, gió gì thì nó đến, nó đi, mùa tháng nào thì sinh đẻ. Loại cá nào ăn mồi gì, mồi sống hay mồi chết. Hoặc áng mây màu gì, xuất hiện lúc nào thì biển động, đoán được luồng cá đi, nơi cá ở mà giăng lưới, tung câu... Và, sau bấy nhiêu năm tích cóp, tôi quyết định mua thuyền làm riêng. Quả nhiên, công việc đánh bắt của tôi thu được nhiều kết quả, hơn hẳn các thuyền bạn. Cuộc sống của tôi khá giả dần, tôi mua được nhà cửa, sắm sửa cho vợ con và mua đầy đủ đồ đạc trong nhà. Thế là từ nay tôi được làm chủ đời tôi, các con tôi không phải đi làm mướn cho ai nữa. Chỉ tiếc lúc này cha mẹ tôi không còn. Nhớ đến câu "bần cư trung thị vô nhân vấn", ôi, nghĩ mà đau. Ngọt bùi rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ đến thủa hàn vi, để ra sức làm việc. Vì lúc nào, lúc nào tôi cũng sợ một lần nữa lại rơi vào cảnh bần hàn...
Trong một lần đi biển, tôi thoáng thấy chân tay rã rời, phải nghỉ một hồi lâu mới trở lại bình thường. Thì ra, quá mê mải mưu sinh, tôi đã quên rằng mình đã 57 tuổi, cái tuổi không còn thích hợp với thứ nghề lênh đênh, sóng gió giữa biển khơi. Hàng ngày, nhìn những thứ cá tôm đánh bắt được dưới khoang, tôi mới nảy ra ý định: hay là kiếm chỗ nuôi chúng. Phải rồi, nuôi chúng để người ta được thấy tận mắt các loại hải sản này bơi lội, sinh sống như thế nào. Suốt một đời sống nhờ biển, làm bạn với cá, tôm, đồi mồi, tráng vít, ba ba, đồn đột... tôi đã hiểu rất kỹ các loài này sinh sống ra sao, ăn mồi gì, chịu ở dòng nước nào. Tỷ như, đồi mồi thì ăn hoa đá non, đồn đột thì ăn bùn đất v.v... Sau rất nhiều ngày suy nghĩ, tính đi tính lại, ý nghĩ làm hồ cá trong đầu tôi đã "chín". Nhưng tôi vẫn chưa nói với ai, chỉ lặng lẽ đi tìm địa điểm. Phải nói, tìm một chỗ vừa ý không dễ chút nào. Tôi đã đến nhiều "eo", nhiều "vịnh" như Bãi Trũ, Sông Lô và nhiều nơi khác ở khu vực biển Nha Trang. Nhưng không nơi nào đảm bảo được yêu cầu về địa hình để có thể làm thành nơi du lịch nhân tạo. Cuối cùng, dân ở làng biển Trí Nguyên chỉ cho tôi một địa điểm mà vừa đến tôi đã ưng ngay. Quả là trời thương mà cho tôi vì địa hình ở đây rất phù hợp với những gì mà lâu nay tôi đã "vẽ" trong đầu. Trong ngực tôi như có trống đập thình thịch. Nơi âm u hoang dã này mấy năm nữa sẽ là hồ cá, sẽ là khu du lịch, thiên hạ sẽ kéo về... Tuổi già của tôi sẽ vẫn có việc làm, đàn con cả chục đứa của tôi cũng sẽ có việc làm. Chúng nó sẽ có vợ, có chồng, sẽ sinh sôi nảy nở từ cái cơ nghiệp này.. Chỉ mới nghĩ đến đó mà lòng dạ tôi đã thấy lâng lâng. Về nhà, tôi đem suy nghĩ của mình ra trao đổi với một số bạn bè, thì người nói vào, người bàn ra, kẻ tin, người không tin. Mặc! Tôi đã quyết chí rồi. Đêm đêm tôi nhẩm tính kỹ lắm về những việc cần làm, việc nào phải làm trước, việc nào làm sau. Và cuối cùng, tôi quyết định khởi công sự nghiệp vào ngày mồng 1 tháng 1 năm 1971.
Vậy mà tới ngày khởi công, tôi vẫn bồn chồn không ngủ được. Tôi thức dậy rất sớm, tần ngần bên mấy chiếc tủ đựng đồ ăn thức uống. Toàn những thứ dễ bắt thèm, quyến rũ, mà lúc nào vợ tôi cũng mua sẵn để đầy các ngăn: rượu ngoại, thuốc lá ngoại, nước ngọt, cà phê, sữa v.v... Nhưng mà thôi, tiếc làm gì, đã quyết rồi thì đừng nghĩ đến ăn sướng, uống sướng nữa. Tôi đóng mạnh các cánh cửa tủ, rút chìa khoá cho vào túi áo. Đến lúc này, tôi vẫn chưa nói hết ý định của mình với vợ con. Tôi đã rủ được đứa cháu mới 8 tuổi, kêu tôi bằng dượng cùng đi với tôi làm bạn. Với 5 ký gạo, một lít nước mắm và mấy thứ cần dùng, 5 giờ sáng, dượng cháu tôi kêu xuồng đưa sang đảo. Tôi ra đi âm thầm vì không muốn vợ con làm nản lòng. Khi ra xa, tôi móc chùm chìa khoá liệng xuống biển và nhủ thầm: "Không làm thành công, không trở về". Từ đất liền sang đảo chỉ gần một tiếng đồng hồ, mà sao hôm nay tôi thấy như xa hơn... Trí Nguyên đây rồi, nào lên bờ! Thấy nơi âm u xa lạ, thằng bé buồn khóc, tôi phải dỗ nó mãi. Sau khi chặt cây trên đảo dựng cái lều để ở, tôi bắt đầu phác họa những tuyến kè sẽ phải làm như dự kiến. Sau khi nấu cơm cho thằng nhỏ ăn và mình cũng ăn chút ít lót dạ, tôi bắt đầu ngay vào việc. Tôi chọn vị trí để đặt viên đá đầu tiên của công trình. Vác đá, xếp đá... lại vác, lại xếp... cứ thế tôi làm không biết mệt. Quá trưa, trời nắng gắt, tôi mới chịu nghỉ một lúc, sau đó lại tiếp tục làm đến sẩm tối. Đêm ở đảo hoang thật heo hút, muỗi nhiều như vãi trấu và lũ chó rừng (do những người đi biển mang từ đất liền ra thả tự do trên đảo lâu ngày) thấy hơi người kéo đến tru tréo ầm ĩ, làm thằng nhỏ sợ không ngủ được, cứ ôm riết lấy tôi. Suốt mấy ngày liền bê đá, xếp đá, phần thì nắng, phần thì dầm nước, tôi bị cảm sốt nằm mê man. Được thằng nhỏ theo thuyền đánh cá về báo tin, vợ con tôi sang khóc lóc, đòi tôi phải về bằng được. Song, tôi bảo với nhà tôi: "Bà có thương tôi thì về mua thuốc mang sang đây, tôi uống là hết bệnh ngay, còn về thì tôi không về đâu". Nài nỉ mãi không được, vợ con tôi đành nghe theo. Ốm nằm xuống, mới thấy sức mình đâu còn như thời trẻ mà gắng gượng, vậy thì phải thuê thêm người. Thế là tôi men theo chân đảo vào làng Trí Nguyên tìm người. Nhưng họ đòi công cao quá, tới bảy, tám trăm đồng một ngày công, trong khi gạo chỉ có hai mươi đồng một ký. Thôi thì đắt cũng phải thuê. Song, do công việc quá nặng nhọc nên không người nào chịu đựng được tới nửa tháng, chỉ năm, mười bữa là họ bỏ việc. Tôi lại phải đi kiếm nhân công khác, nhưng không ai chịu nhận làm cả. Đã vậy, họ còn cho tôi là thằng khùng, ai lại đi vác đá lấp biển. Và cái danh "thằng khùng" của tôi mãi sau này người ta mới hết nói. Tôi đành phải về nhà, giải thích cặn kẽ công việc của mình làm cho vợ con hiểu. Tôi có mười đứa con, đứa lớn mới 17 tuổi, tất cả còn đang đi học. Tôi nói với chúng: "Ba đang làm một công việc hệ trọng, các con phải nghỉ học để cùng làm với ba, chừng nào làm xong các con đi học thoải mái hơn". Chúng nó gạt nước mắt nghe theo. Vậy là cả gia đình tôi sang đảo xây hồ cá. Tôi khoán việc cho các con, đứa nhỏ bê đá nhỏ, đứa lớn bê đá lớn và luôn động viên chúng. Phần tôi, hàng ngày phải liên tục lặn xuống nước để xếp móng kè, đá to đá nhỏ gì cũng một mình phải cố mà lặn, mà vần. Sáu tháng đã trôi qua, bao nhiêu đá ném xuống cũng lọt thỏm dưới nước, tiếng đồn về "thằng khùng xây hồ cá" càng bay xa hơn. Bạn bè thân của tôi nghe được mướn xuồng sang thăm. Nhìn công việc bao la và thấy tôi lặn hụp dưới nước khổ quá, họ khuyên tôi nên trở về với công việc cũ. Dù sao tôi cũng là "ông chủ" của mấy giàn lưới và hàng chục ngư phủ làm mướn kia mà! Tôi cảm ơn lòng tốt của bạn bè và càng quyết chí hơn. Đá ở khu vực xung quanh đã hết, phải vận chuyển từ nơi khác đến, càng ngày công việc càng thu hút công sức, tiền của. Tôi đã bán nốt giàn lưới và những chiếc thuyền cuối cùng, ngư phủ làm mướn cũng cho nghỉ hết. Còn thêm một công việc khó khăn nữa là đá cuội thì hết rồi mà đá hộc thì lại có cạnh sắc, chỉ bê được một chút là hai bàn tay tê xót vì bị đá cứa chảy máu và nước biển mặn ngấm vào. Mặc dù lương tôi trả cao như làm cho sở Mỹ, mới mướn được một số người làm công, nhưng họ lại muốn bỏ việc vì không chịu được. Tôi phải mua bao tay da của Mỹ, giá tới năm trăm đồng một bộ cho họ mang. Nhưng thứ bao da này cũng không chịu nổi nước biển mặn, chỉ làm một buổi là chỉ khâu bung hết, không còn tác dụng gì. Bí quá, cuối cùng tôi nghĩ ra một cách là đi lượm quần áo cũ rách của lính Mỹ bỏ đi, cắt lấy túi làm bao tay, vậy mà vừa bền, vừa tốt, không còn ai kêu ca nữa. Công việc lại tiến triển nhanh, các tuyến kè cao dần từng ngày. Càng lên cao, việc "xây" theo kiểu xếp, không có xi-măng gắn này càng khó, chỉ cần sơ ý một chút, xếp một hòn đá không đúng chỗ thôi, là cả đoạn kè bị sập ngay. Mà để sập thì nguy hiểm lắm, vừa gây thương tích có khi chết người, vừa hao tổn công sức tiền của... Tôi thầm vái Trời Phật, phù hộ cho tôi làm nên cái hồ cá này được "thông đồng bén giọt". Và có lẽ trời đất cũng thấu đến tình cảnh tôi nên đã không nỡ làm xảy ra điều gì. Tôi lặn lội làm việc suốt ngày, thỉnh thoảng lại lên cơn sốt, cứ như vậy ròng rã suốt 3 năm. Nhưng càng làm, càng thấy công việc tiến triển, công trình ra tấm ra món, thì lại càng thấy vui và thấy người như khoẻ ra. Đến ngày 1-1-1974 thì công việc kể như hoàn tất. Tôi xếp nốt viên đá cuối cùng lên kè chính... Trong đời tôi, ít có những ngày thanh thản lắm, nhưng đó là một ngày sung sướng nhất của tôi. Đứng ngắm toàn bộ công trình mà tôi cứ ngỡ là mình đang mơ. Đêm ấy, tôi cứ ra ra vào vào, không sao ngủ được. Tôi vốn ít học, nhưng thấy cũng cần phải có mấy chữ, lưu niệm lại cho con cháu mình ở hồ cá du lịch này, viết rằng:
Trí Nguyên cảnh vật thanh bình
Trời xui, đất định đưa mình vào đây
Lưu danh để tiếng sau này
Họ Lê, tên Cẩn dựng xây hồ này
Gia đình tại Chụt sum vầy
Lánh nơi đông đảo, chốn này an thân
Công lao xây đắp tảo tần
Đắp hồ nuôi cá phá rừng trồng cây
Quyết tâm xây dựng tại đây
Sống thì gửi thịt, thác thì gửi xương...
+
+
Còn một công việc tiếp theo cũng không kém phần nan giải, đó là việc thu gom các loài hải sản về nuôi. Đêm đêm, vợ chồng con cái tôi lại lo dùng đèn, dùng vợt đi đánh bắt, đồng thời lo sưu tầm mua gom mỗi ngày một ít. Dần dần, các giống tôm, cá, hàu, vích... được nuôi trong hồ, có đến hơn 300 loài. Nhìn chúng bơi lội trong hồ thật là hả dạ. Tôi còn phải lo tạo cảnh quan xung quanh cho đẹp mắt. Công việc còn đang bề bộn, thì khách ghé đến mỗi ngày một đông. Nhưng mới được vài tháng, thì một tàu chở dầu bị chìm ở đâu đó, váng dầu dạt vào làm tôm, cá chết gần hết. Thế là công việc đánh bắt, mua gom hải sản để nuôi trồng lại phải làm lại từ đầu. Riêng việc hớt váng dầu cũng tốn biết bao công sức. Sự cố tai hại này đã phải khắc phục từ tháng 3, đến tháng 8 năm 1974 mới xong. Nhưng chắc ông Trời còn muốn thử thách gia đình tôi thêm một lần nữa, tháng 10 năm ấy (1974) một cơn bão lớn đổ vào miền Trung. Các kè đá của tôi vẫn đứng vững, chỉ bị sạt lở một số chỗ. Nhưng sóng lớn tràn vào làm cá, tôm đi sạch. Thế là trắng tay, và bây giờ thì trắng tay thật vì tài sản tôi đã bán hết cả rồi. Tôi đã quyết định vay của Ngân hàng Sài Gòn 1 triệu đồng để tu bổ công trình và khôi phục lại đàn hải sản trong hồ. Phải đến tháng 1 năm 1975, hồ cá mới hoạt động trở lại. Tiếng thơm của điểm du lịch này có lẽ đã được đồn xa nên du khách trong và ngoài nước ghé đến rất đông, bình quân một ngày có đến cả ngàn người. Có cả đại diện một cơ quan của chính phủ Sài Gòn ra, tặng cho tôi cái "Nông nghiệp bội tinh" hạng nhất (như Huân chương Lao động của ta), nói là để tưởng thưởng cho công sức và tiền của mà tôi đã bỏ ra trong mấy năm trời. Họ còn tuyên bố miễn thuế cho tôi từ nay cũng như sau này và cho tôi được quyền thu tiền vé của khách tham quan. Nhưng tôi chưa thu tiền vé của khách bao giờ, gia đình tôi chỉ kinh doanh nhà hàng và phục vụ các loại hải sản tươi sống. Tiếp đến, có đại diện của Toà Đại sứ Mỹ ghé thăm và hứa ngoại viện cho tôi 30 triệu đồng (tiền Sài Gòn cũ), để mở rộng khu du lịch này. Một ngân hàng ở Sài Gòn cũng hứa cho vay 15 triệu đồng trong 7 năm, không tính lãi. Song, như "con chim sợ cành cong", cứ nói đến vay mượn, nợ nần là tôi sợ. Rồi một hãng du lịch ở Sài Gòn ra, muốn mua lại hồ cá này với giá 35 triệu đồng. Nếu bán, tính ra tôi đã lãi được hơn 10 triệu. Song làm sao mà tôi lại bán được vì nó trái với mục đích của đời tôi là dạy cho con cháu nghề nuôi trồng hải sản và kinh doanh ăn uống hải sản tươi sống. Có công ăn việc làm, các con, cháu tôi sẽ sống lương thiện bằng lao động của mình, từ đời này qua đời khác, ở chính nơi mà cha ông chúng đã đổ mồ hôi ra tạo lập. Vả lại, tiền của có nhiều là sinh ăn chơi, hết tiền bạc là lại sa vào vòng cơ khổ, kiếp làm thuê... Suốt ngày, từ sáng đến tối, lúc nào tôi cũng bận rộn tiếp và trả lời những câu hỏi của khách du lịch, tuy có mệt nhưng lại vui và còn thêm cả chút tự hào. Một hôm, có 6 người, gồm hai kỹ sư người Mỹ, ba kỹ sư người Việt và một thông dịch viên đến đảo. Họ nói, nghe ở đây có người xây hồ nuôi cá và tôm hùm nên đến tìm hiểu. Tôi vui vẻ tiếp chuyện họ:
Hỏi: Tại sao bờ hồ chất đá cao, không có gì hàn gắn, gặp bão to sóng lớn làm sao chịu nổi, sập đổ sẽ uổng công vô ích?
Đáp: Vách thưa không cản hết gió. Đá xếp không hàn gắn thì kẽ đá không bị bịt kín nên khi sóng gió ập vào không bị áp lực mạnh.
Hỏi: Nhưng đảm bảo chắc chắn không?
Đáp: Có thể chắc hơn bê-tông cốt thép. Vì bê-tông cốt thép chìm trong nước biển mặn, lâu ngày sẽ bị sét rỉ hỏng hết. Còn đá ngâm dưới nước biển lâu ngày thì con hàu nó bám vào, sinh sôi nảy nở và liên kết những hòn đá lại với nhau, còn chắc hơn cả xi-măng.
Nghe xong, một người Mỹ nói: " Ôi! Cái kỹ thuật này của người Việt Nam, óc kỹ sư của chúng tôi chưa tìm ra điều đó...".
Lại hỏi: Dưới những hồ này, ông nuôi được bao nhiêu loại hải sản?
Đáp: Khoảng 300 giống hải sản các loại, trong đó có 300 ký tôm hùm, con lớn nhất nặng 7 ký, ngoài ra còn có các loại cua, cá và các thứ khác, có thể nấu được rất nhiều món ăn...
Họ bảo: "Thật tuyệt vời!".
Những ngày như vậy cứ êm ả trôi qua. Cho đến một ngày gần cuối tháng 3 năm 1975, người kéo đến đảo rất đông, hớt hải nhếch nhác, không phải du khách, mà là người di tản. Họ ngồi chật nhà, chật cửa, nháo nhác như bày ong vỡ tổ, mọi hoạt động đi lại đều không ai bảo được ai. Phải mất mấy tháng sau tôi mới ổn định được hoạt động bình thường của hồ cá. Khách tham quan lại đông dần, gia đình tôi lại vui, rất vui. Qua năm 1976 thì một niềm vui to lớn và bất ngờ đã đến, gia đình tôi được tiếp đón bác Phạm Văn Đồng, bác Lê Duẩn, bác Võ Nguyên Giáp ghé thăm hồ cá Trí Nguyên. Các bác hỏi tôi nhiều chuyện. Bác Đồng nói: "Chỗ quang cảnh này rất tốt mà người đến lại đông và có thể đông hơn, đông mãi. Sao đồng chí (bác kêu tôi là đồng chí) không mở rộng thêm ra?". Tôi thưa với bác: "Vì nhà cháu nghèo, mấy năm nay chỉ làm được bây nhiêu mà tài chính đã cạn, nên cháu chưa thể mở rộng thêm nữa". Bác lại hỏi: "Bây giờ cần cái gì?". Tôi thưa: "Dạ cần mở rộng thêm hồ để chăn nuôi, và thêm nhà cửa để tiếp khách, mua thêm tàu thuyền để đưa đón khách qua lại và sắm lưới, ngư cụ để đánh bắt hải sản đưa vào nuôi trồng". Bác nói: "Phải tốn mất bao nhiêu vốn?". Tôi thưa: "Nếu hoàn tất để thành khu du lịch quốc tế, thì ít nhất phải tốn đến năm, mười tỷ và công việc xây dựng phải mười năm chưa chắc đã xong". Bác Đồng lại nói: "Số vốn và việc làm nhiều quá, đồng chí nên giao cho Nhà nước, để Nhà nước phát triển nơi này làm khu du lịch vì Nhà nước đang cần. Còn về đời tư của đồng chí thì Nhà nước sẽ có trách nhiệm cất một nhà lầu hai tầng, ở chỗ nào đồng chí muốn để thưởng công, con lớn thì được làm ở đây, con nhỏ thì được vào trường Nhà nước học. Còn đồng chí được là phó giám đốc tại đây". Ngừng một lát, bác Đồng nói tiếp: "Những lời tôi nói có đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Võ Nguyên Giáp và các đồng chí Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch thành phố cùng nghe. Các đồng chí ở tỉnh, ở thành phố có mặt hôm nay nhớ đừng đánh trống bỏ dùi". Trước khi xuống tàu, bác Đồng còn dặn tôi: "Khi nào Nhà nước đến quản lý, nếu gia đình đồng chí có gặp khó khăn gì, thì đồng chí viết thư gửi cho tôi, tôi sẽ đáp ứng ngay. Đồng chí đề bì thư: Kính gửi Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, thủ đô Hà Nội thì tới ngay"...
Mấy ngày sau, gia đình tôi lại vinh dự được tiếp đón các bác ở Trung ương ghé thăm. Đó là bác Nguyễn Duy Trinh, bác Tố Hữu và nhiều bác khác, tôi không biết tên. Các bác Trung ương đều hết lời ca ngợi quang cảnh đẹp và công phu xây dựng của gia đình tôi. Có bác nói: "Thật là một gia đình lao động tốt". Tôi nhớ mãi lời của một bà, được giới thiệu là vợ của Hoàng thân Suphanouvong nói với tôi: "Lao động là vinh quang". Gia đình chúng tôi rất cảm động... Nhưng ngày vui chưa được tày gang, thì nỗi buồn đã ập đến gia đình chúng tôi. Chỉ ít hôm sau đó, có 5 người của tỉnh Phú Khánh (cũ) đến và bảo chúng tôi phải giao ngay hồ cá. Tôi không giao vì nghĩ toàn bộ gia sản của mình bây giờ là hồ cá, giao thì lấy gì sống? Một cán bộ nói: "Có Nhà nước lo". Rồi họ ra về. Mấy hôm sau, họ lại ra nữa, tất cả có 6 người, có cả công an mang súng. Họ bảo gia đình tôi phải giao hồ cá. Tôi cũng không giao. Sắc mặt họ hầm hầm, trước khi ra về họ còn nói lại: "Bọn giặc chúng tao đánh còn ngã, huống chi bọn tư bản chúng bây mà chúng bây đòi chống". Năm ngày sau họ lại ra, tiếp tục buộc tôi phải giao hồ cá. Tôi nói, nếu tôi có giao thì tôi giao tại tỉnh, chứ tôi không giao cho ngành nào ở đây cả. Họ ra về và 2 giờ chiều cùng ngày, họ cho người mang đến một thư hoả tốc mời tôi đến UBND tỉnh để họp. Đến nơi, tôi chẳng thấy ai khác ngoài mấy người đòi giao hồ cá lâu nay. Một người trong số họ nói: "Đây là cơ quan tỉnh, nói cho ông biết, cơ sở của ông mà không có gì là của ông cả. Rong biển, cá tôm... kể cả thanh gỗ ông cất nhà cũng của Nhà nước, không phải trên cung trăng ông đem xuống đâu mà nói là của ông. Nếu không giao hồ cá thì tài sản cũng như tính mạng của ông không còn". Tôi bảo: "Cái gì cũng của Nhà nước, thì Nhà nước cứ lấy, chớ gì đâu mà bảo tôi giao". Họ nói: "Không được, ông phải làm giấy". Lúc này tôi mới trình bày với họ: "Khi bác Đồng, bác Duẩn đến hồ cá, bác Đồng có nói, Nhà nước lo chỗ ở và lo cho con cái tôi, giờ cán bộ bảo tôi giao thì phải thực hiện lời hứa của bác Đồng". Họ nói: "Lãnh tụ chúng tôi có nói mà không có chính sách". Tôi nói: "Nếu không có chính sách thì cũng phải trả tiền công xây dựng cho tôi". Họ bảo: "Ai bảo ông làm mà đòi tiền công...?". Tôi ngồi chết lặng hồi lâu. Lúc sau, họ thúc ép tôi phải làm giấy giao. Khi tôi hứa tạm giao, họ an ủi tôi làm công nhân cho họ... Sáng hôm sau, họ lại đến 6 người, có 2 người mang súng. Họ đưa ra một tờ giấy viết sẵn, bảo tôi ký vào để giao hồ. Vợ và các con tôi la khóc thảm thiết. Tiếp đến là những ngày thật buồn thảm của đời tôi, khi tôi buộc lòng phải giao lại nhà khách giữa hồ, nhà ở ven hồ và toàn bộ hồ cá đang nuôi khoảng 3 tấn cá, 200 kg tôm hùm... Họ yêu cầu chúng tôi phải kiếm chỗ khác ở hoặc phải về đất liền. Thế là hết! Nhìn cái chòi phải dựng ngoài trời cho vợ con tôi ở tạm, tôi quá xót xa. Lẽ nào cấy lúa mà không được gặt? Tôi muốn quyên sinh. Nhưng nhớ đến lời dặn của bác Đồng, tôi lại nguôi đi và đồng ý nhận làm công nhân hợp đồng cho họ (Công ty du lịch). "Lao động là vinh quang", tôi vẫn biết như vậy và gắng sức làm hợp đồng được một thời gian. Nhưng vì lương không đủ ăn nên tôi xin nghỉ việc. Về đất liền, tôi lại cùng vợ con đi bán cà-rem. Trớ trêu thay, ngày ngày chính các con tôi lại sang hồ cá Trí Nguyên rao bán cà-rem cho du khách. Thế là, cuối cùng đời tôi lại rơi vào vòng cơ khổ, bần hàn, hơn thế nữa còn kéo cả vợ con đến chỗ khốn cùng. "Lao động là vinh quang", tôi nhìn xuống hai bàn tay mình, lao động như tôi mà còn nhịn đói thì làm sao thấy được mình là vinh quang? Qua năm 1979, tôi nghe nói có bác Lê Duẩn vào Nha Trang, bác có hỏi gia đình tôi có nhận được đặc ân nào của Nhà nước không, thì hình như họ trả lời là gia đình tôi đã đi vượt biên hết (!). Hết tiền, hết bạc, hết tất cả tài sản, cả nhà phải đi bán cà-rem kiếm sống, vậy mà có được hạt gạo cứu đói nào đâu. Lại nữa, suốt 3 năm (1976-1978) công an không phát hộ khẩu nên lũ con tôi thành ra thất học, chúng bị bọn xấu lôi kéo đi vượt biên. Nhưng tôi đã ngăn chặn, nếu không có khi đã thành mồi cho cá. Cực quá, măn 1979, tôi có viết thư gửi bác Duẩn, bác Đồng, các bác có thư phúc đáp, bảo tôi mang thư đến Ty Thuỷ sản, Ty Du lịch quản lý hồ cá, họ sẽ giải quyết. Nhưng tôi có mang thư đến mà họ vẫn làm ngơ. Họ làm ngơ mãi cho đến gần 10 năm sau. Vào ngày 28/7/1988, bác Đồng đến nghỉ ở Biệt thự Cầu Đá -- Nha Trang, bác đã cho người đi tìm gia đình tôi và cho phép tôi được gặp bác. Lúc này tôi đã yếu lắm, các con tôi phải thay nhau vừa cõng, vừa dìu tôi lên Biệt thự Cầu Đá để gặp bác. Trong buổi gặp còn có ông Bùi Mau, Chủ tịch UBND thành phố và ông Bùi Chạn, giám đốc Công ty du lịch. Gia đình tôi được bác Đồng hỏi thăm ân cần từng người một. Sau đó, bác cho tôi được phép thưa chuyện những gì khó khăn của gia đình và nguyện vọng cần đề đạt cho bác biết. Tôi thưa với bác rằng: "Từ năm 1976, tại hồ cá Trí Nguyên, với tình cảm và đạo đức của bác, cũng như những điều bác nói, Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho gia đình cháu sinh sống, nên cháu hứa sẽ giao hồ cá. Nhưng từ khi giao đến nay, gia đình cháu không nhận được gì của Nhà nước cả, mà còn bị công an địa phương làm khó dễ. Bây giờ gia đình cháu khánh kiệt, không còn trông vào cái gì để sống". Bác Đồng hỏi lại ông Bùi Mau và ông Bùi Chạn lời trình bày của tôi có đúng không. Quý vị này trả lời đúng. Bác Đồng lại nói: "Bây giờ nguyện vọng của gia đình thế nào, tôi nói trước, nếu muốn nhận lại hồ cá thì Nhà nước giao, nhưng phải nộp thuế và phát triển thêm lên chứ không được để thế này". Tôi liền nói: "Thưa bác, mấy năm nay Nhà nước quản lý mà còn phát triển không nổi, gia đình cháu nghèo, cơm không đủ ăn làm sao cháu dám phát triển theo lời bác dạy". Bác Đồng hỏi: "Bây giờ gia đình muốn Nhà nước đáp ứng cái gì?". Tôi thưa: "Cháu xin Nhà nước một trong ba điều, là trả lại cơ sở cho cháu, nếu không thì trả lại tiền công xây dựng cho cháu, hoặc chia lãi doanh thu cho cháu. Nếu các điều trên không được chấp nhận thì cháu xin một giàn lưới với đầy đủ ngư cơ, ngư cụ để gia đình cháu, con cái cháu trở lại nghề ngư phủ". Bác Đồng trả lời: "Tôi sẽ giao việc này cho chính quyền địa phương giải quyết, tôi còn ở lại đây chừng nào giải quyết xong tôi mới về. Việc này phải lựa người có đạo đức cách mạng mới giải quyết được". Ông Bùi Mau nói: "Thưa bác, dù người không có đạo đức thì lẽ phải cũng là lẽ phải". Giám đốc Bùi Chạn nói: "Thấy tình cảnh của chủ nhà, trong khi chờ Nhà nước giải quyết, tôi xin giúp mỗi tháng 25.000 đồng".
Đúng một tháng sau (28/8/1988), tôi nhận được giấy của Chủ tịch tỉnh Võ Hoà mời lên họp giải quyết. Cả nhà tôi đều mừng, sau 10 năm cơ khổ, tưởng khó lòng gượng nổi, nhờ có bác Đồng vào, lại có được niềm hy vọng. Đúng 7 giờ, tôi có mặt tại cuộc họp do ông Võ Hoà, Chủ tịch tỉnh chủ trì. Dự họp còn có bà Bí thư thành uỷ Nguyễn Thị Hồng Vân, ông Chủ tịch thành phố Bùi Mau, ông Bùi Chạn và một số người nữa. Ông Võ Hoà nói trước: "Bác Đồng đã trao đổi với tôi về công việc gia đình ông rồi, bác Đồng có công việc phải đi gấp nên bác Đồng giao lại cho chúng tôi giải quyết. Hôm nay chúng tôi mời ông lên để hỏi rõ nguyện vọng của gia đình". Tôi trình bày: "Hôm trước có bác Đồng vào, tôi đã thưa với bác về nguyện vọng của gia đình tôi, có cả một vài Quý cấp ở đây đều biết. Nếu Nhà nước không trả lại cơ sở, không trả tiền xây dựng hồ cá và cũng không chia tiền lợi nhuận thu được, thì cho gia đình chúng tôi xin một giàn lưới có đủ ngư cơ, ngư cụ để gia đình tôi làm lại nghề cũ mà sinh sống. Từ lâu nay, gia đình tôi đã thất nghiệp, khổ quá rồi, nay Nhà nước có thương mà chiếu cố cho một giàn lưới để làm ăn, thì cũng chẳng thấm tháp gì, so với số vàng và công sức gia đình chúng tôi bỏ ra xây dựng hồ cá trước kia. Muốn có một hồ cá như vậy, bây giờ Nhà nước phải tốn hàng tỷ đồng. Mong Nhà nước đèn giời soi sáng, cứu xét đến công sức và tiền của, mồ hôi nước mắt của chúng tôi". Ông Võ Hoà trả lời: "Tỉnh mời ông lên đây để hỏi ý kiến đề đạt của gia đình, còn việc giải quyết chúng tôi phải họp uỷ ban". Bà Hồng Vân thì nói: "Để chúng tôi viết thư hỏi lại bác Đồng rồi sẽ trả lời cho ông".
Tôi yên tâm ra về và mong đợi từng ngày việc giải quyết của Quý cấp lãnh đạo. Nhưng chờ mãi mà không thấy ai trả lời gì cả. Ba tháng sau, ngày 29/12/1988 tôi lên tỉnh hỏi, thì họ hẹn đến ngày 7/1/1989. Ngày 7/1/1989 tôi lên, thì lại hẹn đến 14/01/1989 tỉnh mới quyết định xong, sẽ mời gia đình lên hoặc cho người cầm quyết định xuống tận nhà. Tôi mừng quá, bấm từng ngày mong sao cho chóng đến ngày 14/01/1989...
Thưa bạn đọc! Đến đây, không hiểu sao những dòng chữ to như con gà mái của ông Lê Cẩn bỗng dừng lại. Thôi thì với vai trò của người dẫn chuyện, tôi phải tìm gặp ông ấy vậy. Biết đâu, sau cái ngày 14/01/1989 ấy, đoạn kết câu chuyện không mấy vui vẻ này về tình cảnh người sáng tạo nên hồ cá Trí Nguyên lại trở nên có hậu như huyền thoại, như cổ tích mà có thời tôi đã mê đắm đến ngớ ngẩn, đến nhiệt cuồng...
Cuối cùng thì tôi cũng tìm được đến ngôi nhà 83/2/12 trong một xóm nghèo ở phường Vĩnh Nguyên (Nha Trang). Căn hộ mười mấy mét vuông tiều tụy, trong một cái hẻm của hẻm này, đang là nơi trú ẩn của gia đình ông Lê Cẩn, với già trẻ, lớn bé, tổng cộng mười mấy con người. Nhưng tôi đến muộn mất rồi. Trong khung kính trên bàn thờ lạnh ngắt khói hương kia là hình ông Lê Cẩn. Người con gái lớn của ông là Lê Thị Thuỷ nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: "Thật tội nghiệp cho cha tôi, mãi đến phút lâm chung, ông mới cảm thấy thất vọng hoàn toàn. Ông không trăng trối điều gì, chỉ nhắc mãi một câu: Vì cha mang hết tài sản vào làm hồ cá nên mới đẩy má các con và các con đến nông nỗi khốn khổ thế này.... Gần hai năm trời nằm liệt giường, cha tôi vẫn không nguôi hy vọng. Ông vẫn đọc cho các con chép hết lá đơn này đến lá đơn khác để đề đạt nguyện vọng lên các cấp. Ngày nào cũng thều thào hỏi các co xem có tin tức gì chưa. Nhưng tội nghiệp cho cha tôi quá, chẳng có một hồi âm nào cả. Và trong sự tuyệt vọng, ông mất ngày 10/5/1992".
- "Nhưng sau ngày 14/01/1989 việc giải quyết đã diễn ra như thế nào?" - Tôi hỏi.
Chị Thuỷ tìm ở đâu đó trong nhà, lấy ra một bao giấy gói rất kỹ và bảo: "Đây là tất cả những giấy tờ liên quan đến hồ cá mà cha tôi bảo phải gói lại cẩn thận, tất cả mọi việc chắc đều có ở trong này. Từ ngày cha tôi mất, trong gia đình có ai biết đến chỗ nào nữa mà kêu đâu".
Tôi bảo giở gói giấy ra giữa nhà. Toàn đơn từ đủ loại, cái đánh máy, cái chép tay và một số giấy báo tin của các cơ quan ở Trung ương và địa phương. Các giấy báo tin hầu như đều có chung một nội dung, đại loại "đã nhận được đơn... đã chuyển về... đề nghị liên hệ với... để được xem xét... vân vân và vân vân...". Đặc biệt, còn có một giấy đi đường của văn phòng giao dịch, thuộc UBND quận Côn Đảo đề ngày 27/2/1987 cấp cho ông Lê Cẩn (?) Gia đình giải thích, hồi đó Côn Đảo, Vũng Tàu có cho người ra mời ông Lê Cẩn vào giúp khảo sát xây dựng hồ cá nhân tạo và người ta đã cấp giấy đi đường này cho ông... Tôi rất chú ý đến tấm họa đồ xây dựng hồ cá Trí Nguyên (có thị thực của chính quyền sở tại chế độ cũ) đã nhàu nát, những tấm ảnh ông Lê Cẩn cho chụp lúc đang thi công xây dựng hồ cá, lúc hoàn thành và ảnh chụp chung của ông cùng gia đình với các quan khách... Mặc dù đã mấy chục năm, nhưng nước ảnh vẫn rất tốt nên quang cảnh những kè đá và nhà nổi cho khách nghỉ ở hồ trung tâm... vẫn rất rõ. Vậy mà nghe đâu, có một "cụ lớn" nhận sổ hưu cách đây cả chục năm, đã phán rằng: "Hồi đó ông Cẩn mới xây dựng được ít xỉn à". Trong gói giấy tờ thập cẩm đó, còn có cả tấm "Nông nghiệp bội tinh" đề ngày 2/9/1974 của chính quyền Sài Gòn cũ tặng cho ông Lê Cẩn. Xem xong, tôi nhìn vợ con ông Lê Cẩn một lượt, rồi nghiêm giọng: "Tại sao đến giờ gia đình vẫn còn giữ cái thứ giấy của ngụy này hả?". Thấy tôi đột ngột thay đổi thái độ, những con người khốn khổ trong gia đình ông Lê Cẩn lặng ngắt nhìn nhau... Mãi lát sau, một người mới khép nép lên tiếng: "Dạ thưa ông quan báo, cha chúng tôi đổ sức lao động, làm việc cật lực trong nhiều năm để xây nên hồ cá là lợi cho xã hội. Vì thế, người ta mới tặng cho cái giấy này, gọi là để được tiếng khen, chứ cha chúng tôi có làm nên tội tình gì đâu mà gia đình không được giữ làm kỷ niệm". Chao ôi! Tuy ít học, nhưng cái lý của người dân lương thiện mới giản đơn và có sức thuyết phục làm sao. Tôi bỗng thấy ngao ngán cho cái đầu bã đậu, u tối của mình và xấu hổ về thái độ hách dịch, đem thân dê chó mà bắt nạt dân lành vừa rồi của mình... Tôi vội viết giấy biên nhận cho gia đình để mượn gói giấy tờ này của ông Lê Cẩn. Thế là cái tủ hồ sơ của tôi lại đầy thêm. Và mỗi tập, mỗi tập giấy tờ của bạn đọc các nơi gửi đến, theo tôi nghĩ, đều là một câu chuyện "ngày nảy ngày nay", mà sự vô lý còn hơn cả huyền thoại, cổ tích...
+
+
Tôi lục trong mớ giấy tờ để tìm những tư liệu tiếp nối câu chuyện đang còn dang dở của ông Lê Cẩn. Ông Lê Cẩn đã chờ mãi, chờ mãi đến ngày 14/01/1989 và cả những ngày 14 của các tháng sau đó nữa mà vẫn chẳng thấy động tĩnh gì. Thế là các con ông lại dìu, lại cõng cái tấm thân bại liệt đã trở nên còm cõi của ông, đi kêu cứu ở "các cửa". Mãi đến ngày 6/10/1989, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Hoà (đã quá cố) mới ký quyết định cho gia đình ông Lê Cẩn chiếc ghe máy 10 mã lực mang số hiệu PK-7549. Vậy chiếc ghe máy này có trở thành cứu tinh, đưa gia đình ông qua khỏi cơn bĩ cực không? Xin bạn đọc hãy tham khảo một đoạn lá đơn đề ngày 28/11/1989 của ông Lê Cẩn gửi Chủ tịch tỉnh Võ Hoà: "... Theo nguyện vọng của gia đình tôi, xin y theo như buổi họp ngày 28/8/1988. Nhưng sau đó gia đình tôi phải chờ đợi hơn một năm rưỡi sau, vào ngày 06/10/1989 tỉnh mới gửi giấy cấp cho một chiếc ghe máy nhỏ 10 sức ngựa, nhưng quá cũ nát và mất mát nhiều bộ phận quan trọng. Theo biên bản nghiệm thu của Hội đồng định giá thì chất lượng chỉ còn 30%. Gia đình tôi nghèo, biết lấy gì để tu sửa hoàn chỉnh để đi sản xuất. Hơn nữa, cho ghe mà không cho giàn lưới thì lấy gì mà hành nghề? Kính xin ông Chủ tịch lấy lòng đạo đức cách mạng, cứu xét cho gia đình tôi xin khoản tiền tu sửa ghe và một giàn lưới để tạo được đời sống cho gia đình. Tôi rất đội ơn ông Chủ tịch...". Lá đơn này có bút phê của ông Chủ tịch Võ Hoà như sau: "Việc này đã giao cho Công ty dịch vụ du lịch thành phố Nha Trang (anh Bùi Chạn) giải quyết. Vậy đề nghị Công ty làm việc cụ thể với ông Lê Cẩn".
Và sau đây là trích đoạn kết trong lá thư tuyệt mệnh của ông Lê Cẩn: "... Nhận được quyết định của Uỷ ban, con tôi dìu tôi đi gọi là nhận ghe, thì chỉ là chiếc ghe phế thải. Ông Bùi Chạn bảo: "Còn thiếu gì, lên tỉnh mà đòi". Vì bức xúc cho cuộc sống của mười mấy nhân khẩu, hầu hết là đàn bà và trẻ nít và cũng tưởng tỉnh sẽ giải quyết nên buộc lòng tôi phải ký nhận chiếc ghe nát đó. Theo ý kiến của ông Võ Hoà, tôi gặp ông Bùi Chạn giải quyết. Ông Bùi Chạn đánh máy sẵn một bản và bắt tôi ký vào, sau đó về đọc lại thấy có câu: "Kể từ đây, tôi không còn đòi hỏi gì thêm nữa". Bởi tôi mắt mờ, không thấy chữ nên sau khi nghe đọc câu đó, tôi ngất xỉu luôn. Dù rằng sau đó, ông Võ Hoà có bảo phải làm cho đúng, nhưng nào có ai sửa. Nhà tôi càng sa xuống hố đau khổ bởi vì nhận cái ghe hư nát cả máy lẫn ghe nên phải đi vay 3 lượng vàng, với lãi suất 15 phân để tu bổ, mua giàn lưới phải vay 3,8 lượng vàng v.v... Cái ghe vốn là đồ phế thải, nhỏ quá, lại không có ngư cụ và lưới nên không thể đi xa đánh cá dài ngày được, vì thế chẳng ai chịu hùn vốn làm ăn. Vả lại, khi đi đánh bắt phải có đủ bộ tới 13 người, trong đó có 3 đứa con và rể của tôi, còn lại là ngư dân nghèo, chỉ khi nào trúng mùa họ mới chịu đi và hưởng chia đôi... Vì cái ghe quá tàn tạ nên càng đi càng nát, mới tu sửa cái này chưa được bao lâu, lại hư đến cái khác, công nợ ngày càng chồng chất... Trước thảm cảnh đó, vợ con tôi cứ nheo nhóc hoài. Tôi sắp chết tới nơi mà còn để lại nợ nần cho chúng, trong khi chẳng có gì để chia cho 10 đứa con như trách nhiệm của một người cha. Càng nghĩ tôi càng đau lòng xót dạ, thấm thía cho tình đời sao lắm cảnh bất công! Ôi! nỗi đau khổ này ai có thấu cho chăng? Thiết tưởng người dân lương thiện đối với nhau cũng chẳng bao giờ thất tín, huống chi đối với các vị, là những người vì con người, vì nhân dân mà hành động. Do đó, tôi thiết tha khẩn cầu quý vị, vì lý do nhân đạo, hãy mở chút từ tâm để cho thân già bệnh hoạn đang nằm chờ chết này được ngậm cười nơi chín suối... Nhược bằng quý vị vẫn làm ngơ, thì tôi đành phải nhờ đến phương tiện thông tin đại chúng, công bố cho dư luận biết nỗi niềm bất hạnh của tôi. Con chim sắp chết kêu lên tiếng ai oán. Con người sắp chết cũng thổ lộ tiếng nói bi thương đau đớn, cho vơi đi nỗi niềm u uất. Mong được quý vị nể tình lượng thứ...". (cha Lê Cẩn nói, con Lê Thị Thuỷ ghi).
Suốt mấy ngày, tôi cứ trăn trở, suy nghĩ mãi, liệu cụ cố vấn Phạm Văn Đồng có được thông tin đầy đủ về toàn bộ quá trình giải quyết quyền lợi cho gia đình ông Lê Cẩn, sau khi Nhà nước quản lý hồ cá Trí Nguyên? Sau khi cân nhắc kỹ và tham khảo ý kiến nhiều người, tôi đã gửi lá thư này ra Hà Nội:
Kính gửi cụ Phạm Văn Đồng, Cố vấn Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thưa Cụ, chắc Cụ còn nhớ gia đình ông Lê Cẩn ở Nha Trang đã bỏ công sức và tài sản ra xây dựng hồ cá Trí Nguyên. Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thắng cảnh này đã vinh dự được đón Cụ ghé thăm và chính Cụ đã chỉ bảo cho những điều cần thiết để mở mang, xây dựng cho hồ cá ngày càng phát triển. Theo gợi ý của Cụ, từ năm 1976 hồ cá Trí Nguyên đã được Nhà nước địa phương trực tiếp quản lý để kinh doanh du lịch. Tuy nhiên từ đó đến nay, 20 năm đã qua, mọi quyền lợi chính đáng của gia đình ông Lê Cẩn lại chưa được địa phương giải quyết thoả đáng trên cơ sở đạo lý tự ngàn đời của dân tộc ta là "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Thưa Cụ, là một công dân, một người làm báo, cháu không thể thờ ơ trước cảnh người đồng bào mình đang gặp cảnh bất công ngang trái. Vì vậy, cháu xin mạn phép kính chuyển đến Cụ những dòng này, kính mong Cụ với uy tín và trách nhiệm cao cả của mình, bớt chút thì giờ vàng ngọc, lưu tâm chỉ thị cho các cấp xem xét lại việc giải quyết của địa phương (tỉnh Khánh Hoà) đối với quyền lợi của gia đình ông Lê Cẩn -- một gia đình lao động chân chính, xứng đáng được hưởng sự công bằng trong chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa tươi đẹp của chúng ta. Xin thành kính chúc Cụ cố vấn mạnh khoẻ, sống lâu.
Kính thư
Công dân Nguyễn Chính
(PV Báo Đại Đoàn Kết)
Thư gửi đi rồi, tôi rất mong nhận được phúc đáp của Cụ Cố vấn. Vẫn biết, việc của gia đình ông Lê Cẩn là nhỏ, thậm chí rất nhỏ so với những "quốc gia đại sự" hàng ngày khác của Cụ. Nhưng tôi vẫn mong vì tin rằng chỉ một cử chỉ của Cụ Cố vấn thôi cũng sẽ làm dịu bớt đi nỗi đau của một con người, dù cho thân phận "cái kiến" của người ấy đã trở về với cát bụi. Nhưng còn vợ con họ? Đáng chú ý là một số quan chức địa phương có tên trong câu chuyện mà ông Lê Cẩn kể lại, ngoài Chủ tịch tỉnh Võ Hoà đã quá cố và giám đốc Công ty dịch vụ du lịch Bùi Chạn, người "có công" biến công ty này trở thành "cỗ máy nghiền ngân sách", với con số thua lỗ, thất thoát tới hàng chục tỷ đồng, nay đã "hạ cánh an toàn", còn những người khác vẫn đang giữ những trọng trách. Những quan chức này đã biết rõ người, rõ việc, chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi khi xem xét lại vụ việc này...
Đến làng đảo Trí Nguyên, tôi còn được nghe câu chuyện dị đoan về ông Lê Cẩn. Chuyện rằng, khi việc xây dựng hồ cá sắp hoàn thành, một buổi trưa ông Lê Cẩn nằm nghỉ, mơ thấy một người, khi là đàn ông, khi lại là đàn bà, nhưng trong bụng không có ruột gan gì cả. Hoảng quá, ông Lê Cẩn tỉnh dậy, kể chuyện với vợ con và buồn mất mấy ngày liền. Người ta khuyên ông mời thầy về coi. Ông thầy này giải mộng: "hồ cá rỗng ruột, tay làm mà miệng nghỉ". Quả nhiên, khi công trình làm xong, tôm cá nuôi đầy hồ, vào một đêm khuya trời nổi giông bão, nước tràn vào chìm cả kè đá. Ông Lê Cẩn dựng vợ con dậy, mò mẫm trong mưa bão, đứng giăng hàng ở kè chính giữ lưới, không cho cá đi. Nhưng làm sao mà giữ nổi? Sáng ra nước rút, tôm cá không còn một mống. Lại nữa, có một lần ông Lê Cẩn đang ốm, thì có một đoạn kè bị sập. Người ta phải mời những tay thợ lành nghề ra xây lại. Nhưng không hiểu sao, cứ xây gần xong là bị sập, làm lại cứ sập, tái đi tái lại đến mấy lần. Cuối cùng, người ta mới về nhà khiêng ông Lê Cẩn sang hồ. Ông Lê Cẩn thắp hương khấn vái một hồi, rồi ngồi xem người ta làm lại. Lạ thay, công việc làm đến đâu tốt đến đó, chỉ một lần là xong... vân vân và vân vân...
Dân ở đây còn kể về một ông tướng đời Trần tên là Lê Đạt. Tương truyền, tướng quân Lê Đạt sau khi dẫn đoàn tháp tùng công chúa Huyền Trân sang Chiêm Thành(?), trên đường về gặp bão lớn, thuyền đã tấp vào những hòn đảo ở Khánh Hoà. Tại đây, tướng quân Lê Đạt đã dựng nên những làng đảo để trấn giữ một vùng biên ải có nhiều sản vật quý là yến sào. Và ông Lê Cẩn chính là hậu duệ đời thứ ba mươi ba của dòng họ Lê Đạt. Chi tiết này, nếu đúng, cũng khá thú vị. "Nhưng mà đời thứ ba mươi ba, xa quá rồi", một đồng nghiệp của tôi thở dài và nói tiếp: "Đến như sự việc vừa mới xảy ra hôm qua, người ta còn đổi trắng thay đen, còn quên nữa là. Đời là the! Nhưng cũng có kẻ chuyên khoác áo mũ của người xưa để loè thiên hạ, mà cầu danh, trục lợi. Còn như hồ cá Trí Nguyên, đã có danh và hơn hai mươi năm qua đã thành danh, nhưng người sáng tạo ra nó, làm nên nó, lại chẳng có danh, lợi gì. Bất công thế, nghịch lý thế, thử hỏi cụ tổ ba mươi ba đời của ông Lê Cẩn dẫu có sống lại cũng phỏng có ích gì?". Thấy ý kiến của đồng nghiệp thẳng quá, cứng quá, tôi chẳng nói được gì, chỉ suy nghĩ vẩn vơ: ông Lê Cẩn sinh năm 1920, tuôỉ Thân -- Canh Thân, thôi thì đã lỡ cầm tinh cái loài gần gũi với tổ tiên con người rồi, làm sao mà thoát khỏi cảnh leo trèo, đánh đu với số phận? Âu đó cũng là định mệnh. Tôi chỉ tiếc là không được gặp mặt, khi ông Lê Cẩn còn sống, để thấy ông trong đội ngũ điệp trùng "những người chân chính sáng tạo ra lịch sử", với đôi bàn tay chai sạn, kết quả một đời lam lũ đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Và để được nghe chính ông nói về bài học thuộc lòng chỉ có mấy chữ mà đến tuổi sáu mươi, ông mới được học sau ngày giải phóng: Lao động là vinh quang...
Vào một ngày đầu hè 1996, tôi lại có dịp dẫn một số đồng nghiệp của mấy tỉnh phía Bắc thăm hồ cá Trí Nguyên. Các anh, các chị đều bảo: "So với ảnh ông Lê Cẩn cho chụp cách đây hơn hai chục năm, quang cảnh hiện tại chẳng khác là mấy". Mấy người dân làng Trí Nguyên thì bảo: "Tôm cá tiêu điều, lèo tèo ít con, không thấm tháp gì so với thời gia đình ông Lê Cẩn nuôi trồng". Tôi bảo: "Một thập kỷ phá gia chi tử dưới "triều đại giám đốc Bùi Chạn" mà hồ cá còn được thế này là may". Một nhân viên có trách nhiệm ở đây cho biết: "Công ty thua lỗ, nhưng hồ cá này không lỗ, vẫn có lương cho hơn hai chục người và mỗi tháng vẫn nộp ngân sách được năm triệu đồng". Ôi! 5 triệu đồng, chưa bằng số thu thuế của mấy quầy hàng xén ở chợ Đầm (Nha Trang) -- tôi chua chát nghĩ thầm. Hiện nay, hồ cá Trí Nguyên được chuyển giao về Công ty du lịch tỉnh Khánh Hoà. Người ta vừa làm xong luận chứng sẽ xây dựng ở đây một khu thuỷ cung, với kinh phí nghe đâu tới ngót chục tỷ. Mai này xây dựng xong, chỉ với vài ba đô (USD) là du khách đã có thể xuống thăm vua Thuỷ tề, cùng đám cận thần chuyên tác oai, tác quái với đủ hình hài kỳ dị, của bọn cá mập, thuồng luồng, bạch tuộc, ba ba... Chưa đủ, người ta còn muốn rước về cả bọn hà mã, hải cẩu (chó biển) để thu hút khách xem. Mải suy nghĩ, tôi không nhớ hôm nay là ngày biển động. Về chiều, sóng biển mỗi lúc một to. Sóng ào ạt xô vào những kè đá, nước bị hút vào những khe hở nghe rào rào. Mấy chục năm rồi, qua bao mùa biển động, mà những kè đá được xếp theo "trường phái kỹ thuật Lê Cẩn" vẫn không hề hấn gì. Dưới chân của kè chính vắt ngang giữa hồ, từng lớp, từng lớp hàu biển đã đóng dày đặc. Đúng như ông Lê Cẩn nói, những thứ hàu biển này chính lá thứ "keo" gắn kết cho công trình xây dựng của ông trở nên vĩnh cửu. Chiều biển động ở hồ cá Trí Nguyên thật buồn, bóng tối như muốn ập xuống thật nhanh. Từng đợt, từng đợt sóng lớn nhỏ vẫn tới tấp xô lên kè đá, nước lại bị hút vào những khe hở nghe rào rào, rào rào. Và mỗi khi sóng rút ra xa, nước biển mặn còn đọng trên kè đá, lại nhỏ xuống, nhỏ xuống như những giọt nước mắt.
Bạn đọc kính mến, khi đang viết những dòng này, tôi nhận được thư trả lời của Văn phòng cố vấn Phạm Văn Đồng từ Hà Nội gửi vào với nội dung:
Hà Nội, ngày 22.6.1996
Kính gửi đồng chí Nguyễn Chính, phóng viên báo Đại Đoàn Kết
Văn phòng Cố vấn Phạm Văn Đồng có nhận được bức thư của đồng chí nói về công trình của gia đình ông Lê Cẩn và báo cáo với Cố vấn. Theo chỉ thị của Cố vấn, chúng tôi đang làm việc với tỉnh Khánh Hoà về những gì có liên quan đến công trình của ông Lê Cẩn, khi nào có kết quả sẽ báo lại đồng chí. Xin kính báo đồng chí như trên, chúc đồng chí mạnh khoẻ.
T.L Cố vấn Phạm Văn Đồng
Thư ký Nguyễn Tiến Năng
Vậy là đã có hồi âm, tôi rất mừng, nhưng không khỏi phân vân khi đọc dòng chữ "khi nào có kết quả sẽ báo lại...". Vâng! "khi nào sẽ..." và "bao giờ sẽ..." trên các loại giấy tờ hành chính một thời, đã từng làm mòn mỏi hy vọng của biết bao số phận...
Mọi việc lại rơi vào vòng chờ đợi. Một tuần, rồi hai tuần, ngày tháng cứ qua đi. Đầu tháng 8/1996, nhân một chuyến công tác ra Thủ đô, tôi tranh thủ tìm đến địa chỉ số 1 Bách Thảo, quận Ba Đình, để xin được gặp thư ký của cụ Cố vấn Phạm Văn Đồng là ông Nguyễn Tiến Năng, mong được trình bày kỹ hơn vụ việc. Sau khi xem thẻ Nhà báo của tôi, người trực ban hôm đó bảo: "Phải có giấy giới thiệu của cơ quan". Hôm sau, tôi mang giấy giới thiệu đến và ngồi chờ. Người trực ban sau nhiều lần gọi điện thoại vào bên trong, đã nói với tôi: "Trong văn phòng không có ai nhấc máy". Tôi lại ra về. Xe máy ôm ở Hà Nội khá đắt. Rút kinh nghiệm, những lần sau tôi gọi điện thoại đến trước. Nhưng lần nào cũng được cô gái trực tổng đài (tôi đoán thế) trả lời rất lịch sự: "Anh thông cảm, chuông reo mà không có ai nhấc máy". Vâng! Tôi đã nghe rõ cả rồi: chuông reo, chuông vẫn reo...
Đã hết thời gian công tác, tôi phải về lại Nha Trang. Sau hơn hai giờ bay, biển Nha Trang lại hiện ra xanh ngắt. Kể cũng lạ, tôi tuy quê ở tỉnh xa, nhưng cũng từng sống ở Hà Nội. Và Hà Nội tự bao giờ đối với tôi đã trở nên thân thiết, có lẽ bắt đầu từ những bài học vỡ lòng thủa ấu thơ. Song, những ngày vừa qua ở Thủ đô, ấn tượng sâu đậm trong tôi lại là những con đường dọc ngang chi chít, mang tên các hiền nhân. Quả là "hùm chết để da, người ta chết để tiếng". Tiếng thơm hay sự bất bình, nguyền rủa? Cũng tuỳ thôi. Cũng những ngày ở Hà Nội, tôi còn nghe được một anh bạn trẻ, nhỏ hơn tôi cả chục tuổi, triết lý về vàng và nền văn hoá: "Không có vàng bạc nào hình thành được nền văn hoá, mà chỉ có ngược lại" và "Khi nền văn hoá mất, sẽ kéo theo sự sụp đổ của những ngai vàng".v.v... và.v.v... Rồi anh hạ giọng: "Anh cho là cũ à? Đúng là cũ! Nhưng thời nào cũng phải học. Học để thấy nó mới, rất mới, mới đến từng câu chữ. Va nền văn hoá vĩ đại của một dân tộc lại được xây nên từ những nét nhỏ đời thường, biết trân trọng cái đẹp, biết tôn vinh người có công".
Câu chuyện về hồ cá Trí Nguyên đã khép lại đoạn kết cuộc đời chìm nổi, nổi chìm của của ông già Lê Cẩn. Một đoạn kết thật buồn. Nhưng thành quả lao động mà ông để lại rất đáng được người đời trân trọng. Trong cuốn sách "Khánh Hoà tự giới thiệu" (NXB Chính trị Quốc Gia, 1996) đoạn về hồ cá Trí Nguyên, tác giả viết: "Hồ cá Trí Nguyên là một sáng kiến độc đáo của một người dân vùng biển yêu thiên nhiên và có đầu óc thẩm mỹ, giàu tâm huyết và lòng tự hào với vùng biển quê hương, lập nên từ năm 1971. Ông tự bỏ vốn xây dựng, ngăn biển làm hồ, đặt mua cá, tôm, cua, đồi mồi và các loài sinh vật biển khác do ngư dân đánh bắt được về nuôi thả trong hồ, có đến hàng trăm loài khác nhau. Công trình này nay được giao lại cho Công ty du lịch quản lý... Đó là một vùng hồ trên biển được ngăn lại bằng hệ thống kè đá. Giữa hồ có nhà thuỷ tạ xinh xắn, thoáng mát được cất lên (từ thời ông Lê Cẩn) làm nơi nghỉ ngơi, giải trí... Dạo quanh hồ hay ngồi đón gió trên nhà thủy tạ, khách vẫn có thể quan sát cảnh rất ngoạn mục ngay dưới chân mình. Dưới làn nước trong xanh như pha lê, một thế giới sinh vật biển hiện lên như một cuốn phim màu: những chú đồi mồi với những chiếc mai to tướng vờn nhau bằng những cái chân như bơi chèo, những chú tôm biển kềnh càng đi giật lùi thế thủ, những nàng sứa dương ô thong dong như đi dự hội, những con cá biển đủ cỡ, đủ màu lượn lờ hoặc phóng đi vun vút như những mũi lao. Con thì mỏng dẹt như lá lúa, con thì đồ sộ dữ dằn, gai góc như một chiếc xe bọc thép nhỏ bé, kỳ dị đang di chuyển, con lại óng ánh sắc màu, lả lướt như đang múa điệu nhạc thần bí nào đó, vọng lên từ thuỷ cung sâu thẳm dưới vùng san hô lung linh. Vui mắt nhất là khi ta ném thức ăn cho chúng. Cả vùng hồ sôi động hẳn lên, nhiều chú cá hiếu động và tham ăn nhảy vọt cả lên mặt nước như chơi trò nhào lộn...". Trong bài "Người đội đá ngăn biển" trên báo Thanh Niên bán nguyệt san số 75 ra ngày 15-4-1996, nhà báo Xuân Hoà cũng nhắc với bạn đọc: "...Hồ cá Trí Nguyên có vẻ đẹp của núi non, trời nước cùng hàng trăm loài sinh vật biển có những hình dạng, màu sắc diệu kỳ. Đó là điểm tham quan du lịch có tiếng ở Nha Trang. Hơn 20 năm qua, nơi đây đã in dấu hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Ai đã lấy hàng triệu viên đá đắp bờ ngăn biển, tạo nên hồ cá trên vùng rộng lớn ấy?". Nhà báo Xuân Hoà còn cho biết: "Hiện nay, con cháu ông Lê Cẩn xin phép chính quyền địa phương dựng bia tưởng nhớ công lao của ông bên hồ cá Trí Nguyên, nhưng chưa được chấp thuận...".
Ngày 2-9-1996, tôi cùng nhà báo Đăng Ngọc (từ Hà Nội vào) và nhà báo Trịnh Phú Hải sang viếng mộ ông Lê Cẩn ở nghĩa trang Bãi Lân, thuộc làng đảo Bích Đầm. Từ đất liền ra, đi thuyền máy mất khoảng 45 phút. Đó là một bãi đất bằng, nơi an nghỉ cuối cùng của những ngư dân. Theo cụ Hồng Sinh, một vị lão thành cách mạng năm nay đã hơn 80 tuổi, được ông Lê Cẩn coi như người anh và là người đang lưu giữ cuốn "Lê gia văn tập" của gia đình họ Lê thì: "Trước khi nhắm mắt, ông Lê Cẩn muốn vợ con mai táng mình cạnh hồ cá Trí Nguyên, nếu không được phép thì đưa ông sang an nghỉ ở làng Bích Đầm này, nơi thuỷ tổ của dòng họ vào khai cơ lập nghiệp và đời đời con cháu về sau hiến cả gia sản, tính mạng góp phần cho sự nghiệp giữ nước. Kể từ An phú sứ Lê Văn Khang đến đô đốc Lê Thị Huyền Trâm...". Nước biển ở đây rất trong, có thể nhìn thấy được cả những rạn san hô đủ màu sắc ở độ sâu đến vài mét. Chúng tôi cùng thắp hương lên mộ người quá cố, ở đó đã có một tấm bia rất đẹp bằng đá hoa cương (một loại đá rất cứng chuyên dùng cho những công trình vĩnh cửu) với dòng chữ: "Tưởng nhớ ông Lê Cẩn, người có công sáng lập và xây dựng công trình hồ cá Trí Nguyên, một thắng cảnh du lịch nổi tiếng". Người lập bia là những Việt kiều ở Phần Lan, Canada, Mỹ...
Vậy là những Việt kiều ở xa Tổ quốc hàng vạn dặm đã biết đến công trình của ông Lê Cẩn và nhớ đến ông, ghi lại công tích của ông cho hậu thế.
Rời Bãi Lân -- Bích Đầm, chúng tôi ngồi thuyền máy khoảng nửa giờ nữa để đến hồ cá Trí Nguyên. Hôm nay là ngày lễ nên người ta ra thăm đảo rất đông. Tôm cá dưới hồ còn rất ít mà vẫn hấp dẫn được du khách. Chúng tôi lẫn vào giữa dòng người đủ mọi lứa tuổi đang vô tư thưởng ngoạn, vô tư nói cười và chụp hình kỷ niệm.
Trời nắng chang chang. Những giọt nước biển mặn còn đọng trên kè đá đã khô lại tự bao giờ, chỉ còn lờ mờ nhìn thấy một vệt trắng dài.
Nha Trang, tháng 9 - 1996
NC

Xem Tiếp: ----