Lời nói mà không đi đôi với việc làm
của các quan chức cấp càng cao
càng làm xói mòn lòng tin của người dân.
[1]
(TS. Nguyễn Quang A)
 
Nói phải đi đôi với làm là một đòi hỏi mang tính xã hội. Không phải riêng thời nay, mà xưa đã thế và sau này vẫn thế. Từ thần dân đến vua quan, từ kẻ bị lãnh đạo đến người lãnh đạo... đều phải luôn luôn ghi nhớ: Nói phải đi đôi với làm! Bởi, mười lần nói không bằng một lần làm; bởi nói hay không bằng cày giỏi; bởi nói và làm gắn chặt với chữ tín: một lần bất tín, vạn sự bất tin - một lần nói không đúng, nói không đi với làm; vạn lần mất lòng tin ở người nghe! Khi tổng bí thư Nguyễn Văn Linh quyết định kí tên NVL dưới loạt bài báo Những việc cần làm ngay, ông đã không chỉ viết tắt họ tên mình, mà còn có ý gửi gắm một phương châm sống, một phương châm lãnh đạo: Nói và làm.[2]
Nhưng tại sao nói lại không đi đôi với làm? Điều dễ hiểu này ai cũng biết, đó là vì bao giờ nói cũng dễ hơn làm. Nói dễ vì nói do cái lưỡi phụ trách (mà cái lưỡi vốn “không xương”, nên “nhiều đường lắt léo”); còn làm khó, vì làm thuộc thẩm quyền đôi tay và cơ bắp! Nói dễ, vì lời nói gió bay, vì nói trước quên sau, vì nói đâu bỏ đấy và vì lời nói không mất tiền mua... Nhưng, hãy cảnh giác! Lão Tử đã từng dạy: Lời nói có thể tin được thì nghe không hay; lời nói nghe hay thì không thể tin được! Nhưng sợ nhất có lẽ là người biết – không nói và người nói – không biết!
Như vậy, chúng ta không chỉ cần biết sợ và đừng cả tin vào mọi lời nói, mà còn phải ghi nhớ: Chính vì nói dễ nên đôi khi nó rất nguy hiểm. Cha ông ta đã từng căn dặn: Lời nói đọi máu đấy sao!
Vậy là, lời nói tuy là việc đơn giản – trẻ con, người lớn... nếu không bị khuyết tật bộ phận thanh quản, đều có thể nói những gì muốn nói. Nhưng tác dụng trong cuộc sống xã hội của lời nói thì không hề đơn giản chút nào. Lời nói như dao chém đá, không dễ phủi phui được đâu! Đến đây, ta lại rút ra một điều: nói dễ thật, nhưng không phải lúc nào cũng dễ. Cho nên chớ có nói bừa, nói ẩu, nói ngon, nói ngọt, nói cho xong chuyện, và nhất là chớ có... nói lời lại nuốt lời, trừ phi anh không còn là người tự trọng!
Làm khó, vì làm phải tốn sức, tốn công, thậm chí phải quên mình, phải hy sinh... Tốn sức, tốn công thì nhiều người có thể làm được. Nhưng hy sinh, quên mình, mới là thử thách khó vượt qua! Mà ở đời, những việc quan trọng nhất, lại thường đòi hỏi người thực hiện phải hy sinh, phải quên mình! Dám hy sinh thì việc khó trở thành dễ. Đó là chân lý vậy! Chiến đấu chống ngoại xâm, phải cầm chắc có thể hy sinh xương máu. Chấp nhận rồi, thì cái chết nhẹ tựa lông hồng; gian nan, nguy hiểm đến mấy cũng dễ dàng vượt qua! Cuộc chiến đấu với nội xâm (nạn tham nhũng), khó hơn nhiều, đòi hỏi sự hy sinh lớn lao hơn nhiều. Vì đó là cuộc chiến với người sống bên ta, với đồng đội, đồng chí... thậm chí với chính bản thân ta – nhằm loại trừ nạn sâu mọt đục khoét, đang làm băng hoại giá trị đạo đức, lối sống; làm mục ruỗng xã hội! Lên án tham nhũng thì dễ, ai ai cũng lên án được; chống tham nhũng mới là chuyện cực kỳ khó, là vì vậy! Bởi lên án là hành vi nói, còn chống là hành vi làm.
Vâng! Nói phải đi đôi với làm, điều ấy ai cũng thường nghe, ai cũng hiểu và ai... cũng nói được – mà làm thì mới khó làm sao!
 
Chú thích:
[1] Báo Lao động cuối tuần số 23, ngày 08-06-2008 
[2] Theo nhà báo Hữu Thọ- vietnamnet. 29/06/2005