Buông màn cho con ngủ xong, Lựu bước ra sân. Đêm. Bầu trời đầy mây. Vầng trăng cuối tháng nhợt nhạt. Tiếng chó sủa dấm dẳng xa xa. Hoa cau rơi nhẹ xuống mặt bể nước, tỏa một mùi thơm ảo não. Những dây tơ hồng quấn quýt lấy đám khúc tận ngoài bờ dậu. Rùng mình vì một cơn gió lạnh, Lựu quay vào đóng chặt cửa lại. Cô có cảm giảm sợ sệt nên khẽ bước lại gần bàn thờ, vặn to ngọn đèn dầu. Châm một nắm nhang và chia ra làm đôi, cô cắm một nửa vào bát nhang lớn chính giữa, nửa còn lại cắm vào một bát nhỏ hơn để khuất sau chiếc lư đồng. Nhìn chăm chú vào tấm ảnh chồng mặc quân phục, cô lạy ba lạy rồi lầm rầm khấn: “Anh Quân ơi! Ở nơi chín suối, mong anh phù hộ và tha thứ cho em. Em đã chờ đợi anh trọn tình. Trả nghĩa anh, em nuôi nấng thằng Hạ, giọt máu duy nhất của anh để lại thành khôn lớn. Hẳn anh không hài lòng khi em chia sẻ tình yêu thương với anh Kiên! Nhưng bây giờ thì tất cả đều mất rồi, chỉ còn lại mình em trên cõi đời này để gánh chịu nỗi đắng cay”.
Rồi cô lại lạy và khấn Kiên: “Anh Kiên ơi! Thế là anh đi đã ba năm rồi đấy. Thương anh, em cũng không dám khóc, phải nuốt nước mắt vào trong ngực. Hôm nay bên nhà anh bốc mộ cho anh, em cũng chẳng dám đến ngó nắm xương anh. Thắp cho anh một nén hương cũng phải giấu giếm. Em hiểu là anh chết oan. Anh ơi, nhiều khi em muốn kêu cho thấu trời nỗi oan khất này nhưng nào ai tin em, tin một đứa điên khùng ".
Lời khấn vỡ ra thành nước mắt. Không gian yên tĩnh của căn nhà đầy tiếng nức nở, rồi lịm dần…
Có tiếng sột soạt trên mái nhà. Một con mèo đen to tướng với đôi mắt xanh lè, nhẩy chập chờn và cất tiếng kêu ghê rợn. Thằng Hạ đang ngủ giật mình choàng dậy. Nó ngơ ngác ú ớ rồi lại đổ kềnh xuống giường ngủ tiếp. Lựu vạch màn chui vào giường đắp tấm chăn mỏng cho con rồi nằm ghé xuống bên cạnh. Tuy ngủ nhưng hình như thằng Hạ cảm thấy hơi ấm của mẹ nên nó quay người sát vào bên mẹ. Tuy mới gần độ trưởng thành nhưng bàn tay thằng bé sớm gân guốc và đầy những vết chai. Lựu vỗ về con nhưng cũng là để tự trấn tĩnh mình. Cô mở to mắt nhìn xuyên lên mái nhà nghe ngóng. Đột nhiên Lựu bật lên tiếng kêu xé lòng: “Có phải anh đó không, anh Kiên?”. Tiếng mèo kêu xa dần. Lựu hỏi tiếp “Anh về anh quở em rồi anh lại đi hả anh? Sao em hỏi anh chẳng trả lời?”
Ngọn đèn dầu leo loét. Mấy gian nhà sực nức mùi hương trầm. Lựu dịch sát vào người con choàng tay ôm diết cu Hạ vào lòng cho đỡ sợ. Cô ngủ thiếp đi trong mệt mỏi và sợ hãi. Văng vẳng bên tai cô tiếng người thì thầm như từ đâu đó xa xôi âm âm vọng về.
Em còn nhớ không em? Hôm anh ấy trở về làng sau bảy năm cầm súng đi biền biệt. Anh khoác chiếc ba lô buộc tòng teng buộc một con búp bê to tướng bọc cẩn thận trong túi ni-lon. Trên vài còn vác thêm một chiếc khung xe đạp. Hẳn lúc ấy trông anh buồn cười lắm. Là nói bây giờ nhìn thấy cảnh ấy, chứ lúc đó anh lại cảm thấy vẻ vang bao nhiêu. Anh bước đi bồi hồi trên con đường liên thôn trồng phi lao rợp mát hai bên là những thửa ruộng lúa đang con gái xanh dịu mắt. Một không khí hòa bình và no đủ. Người làng đầu tiên anh gặp là em. Em đang vơ cỏ lúa. Thằng cu Hạ còn bé tí, đứng trên bờ khóc mũi khóc dãi. Anh sung sướng gọi to tên em. Em ngẩng lên nhìn anh chăm chăm, ánh mắt chuyển từ ngạc nhiên đến vui sướng rồi ầng ặc nước. Em kêu lên sau những giây phút lặng người: “Ơ bà con ơi! Anh Kiên về này! Anh Kiên còn sống!” Nhưng quanh quẩn chẳng có ai ngoài mẹ con em. Anh quẳng ba lô và khung xe xuống vệ cỏ, nhặt lên chiếc gàu giai, bảo em: “Nào thím Lựu, tôi với thím tát nước. Chẳng biết có còn nhớ tát nước nữa không đây, bao năm chỉ quen với súng đạn”. Vừa tát anh vừa trò chuyện với em và bông đùa với cu Hạ. Đến khi biết tin Quân, chồng em đã hy sinh, anh mới cảm thấy là mình vô duyên, hơn thế nữa anh coi việc mình còn sống trở về là có tội với những người đã khuất. Em lại sụt sịt khóc, anh thì ngậm ngùi. Có ai ngờ đây đó là buổi đầu tiên cho mối tình ngang trái của hai ta.
Tối hôm ấy, bà con xóm mạc kéo đến chơi, hỏi thăm người nhà hỏi chuyện giải phóng miền Nam. Anh có ý ngóng chờ nhưng không thấy em đến. Mãi khuya, khi tiễn người khách cuối cùng ra cổng, anh mới thấy em tất tả đến. Hai người đứng ngoài cổng nói chuyện, khi anh gặng hỏi mãi thì em thác là bận việc. Rồi như ân hận vì mình đã nói dối, em bảo là em không muốn đến bởi vào những dịp như thế này, mọi người dễ nhắc đến chồng em.
Điều đó làm em tủi thêm và không khí buổi họp mặt cũng mất vui. Nghe vậy, anh bạo dạn nắm tay em mời em vào nhà song em thoái thác là khuya. Nhìn dáng em quay đi lủi thủi nhòe vào đêm tối mà lòng anh se lại.
Vâng. Em cũng còn nhớ tất cả.
Lần thứ hai anh về làng là ở hẳn nhà, đó là sau khi chiến dịch biên giới Tây Nam. Lần này, người đáng an ủi là anh. Vợ anh mất sau lần sinh nở thứ hai. Thế là anh và em cũng cảnh ngộ, kẻ mất chồng, người chết vợ. Em cũng chẳng dám đến gặp anh, bởi một lẽ em linh cảm rằng giữa anh và em sẽ xảy ra một điều gì đó.
Anh được địa phương bầu làm phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Anh phấn khởi lao vào công việc, song riêng em lại rất lo cho anh, bởi lúc ấy, đời sống bà con nông dân mình khổ quá, còn một số cán bộ xã thì lợi dụng hoàn cảnh để “đục nước béo cò”. Em biết anh có ý định áp dụng một số biện pháp quản lý mới vào sản xuất nông nghiệp của địa phương. Chính vì lẽ đó mà em càng thêm lo. Một mình anh liệu có thể xoay chuyển được tình hình khi mà hầu hết đội ngũ cán bộ xã quá thủ cựu, non kém về năng lực, sa sút về phẩm chất đạo đức, nhưng lại đầy tham vọng về quyền lực. Và anh sẽ thất bại trong cuộc đấu tranh không cân sức đó. Song em lại không nỡ ngăn cản anh, cũng bởi nhiều lý do, em hy vọng rằng dự đoán của mình sẽ sai, em tin yêu anh và em biết có can ngăn thì anh cũng chẳng nghe. Thế rồi em lặng theo dõi anh lao vào cuộc đấu với nỗi lo canh cánh và linh cảm nặng nề là một lần nữa mất đi người thân yêu nhất….
Dù thế nào anh cũng phải cảm ơn em về tất cả những gì em dành cho anh trong quãng thời gian được sống gần em. Thật bất hạnh, chúng ta lại bị ghép vào một quan hệ họ hàng, anh và chồng em là con chú con bác ruột, và như thế việc hai ta yêu nhau là trái với đạo lý tộc mạc, dù chúng ta chẳng hề có quan hệ huyết thống. Anh biết điều đó nên cố tình lảng tránh, bố anh cũng nhận thấy điều đó nên có ý răn đe trước, nhưng làm sao ngăn nổi khi anh và em có chung nhịp đập trái tim, cùng chịu cảnh cô đơn cay đắng và đầy khát khao hạnh phúc đôi lứa!
Hai con người như vậy gặp nhau thì cớ gì lại không hòa nhập vào nhau để sưởi ấm lòng nhau. Mọi người đều chống lại chúng ta, duy có hai đứa trẻ là cu Hạ, con em và bé Quyên, con anh là đồng tình, vui sướng. Cu Hạ quí bác Kiên, bé Quyên quyến luyến thím Lựu, hai đứa thân nhau và chúng mình yêu nhau, những con người như thế hòa quyện vào nhau thì hiếm có gia đình nào hạnh phúc hơn. Song trước mặt mọi người, hai ta vẫn phải vờ như những người họ hàng. Thật chẳng có gì khổ tâm hơn. Nhưng làm sao có thể cầm lòng được.
Hôm ấy là một buổi tối mùa hè. Cu Hạ được nhà trường cho đi dự trại hè học sinh giỏi. Mình em đi tát nước. Em phải đóng một chiếc cọc xuống đất rồi buộc một bên dây gàu vào đó mà tát. Ngẫm đến câu “ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân” em thấy tủi thân và ứa nước mắt. Vừa lúc đó, anh xuất hiện như cơn mưa rào đầu hạ. Anh kêu lên: “Ôi, cô Lựu tát nước một mình sao?”. Em mừng mừng tủi tủi nước mắt thêm chan hòa. Anh gỡ dây gàu tát giùm em. Em mừng vì được ở bên anh, song thâm tâm lại sợ nhỡ ai nhìn thấy thì phiền, nên cứ vừa tát vừa nhớn nhác nhìn quanh quất. Anh vẫn giữ vẻ điềm tĩnh, nhưng em biết, anh cũng hồi hộp không kém. Cả hai đều im lặng như thể đếm từng gàu nước với tâm trạng rối bời. Gàu liên tục vấp vào bờ đất làm nước bắn tung tóe trong ánh trăng. Lúc tát xong, em đi đắp ngòi, run quá xảy chân ngã xuống sông. Anh hốt hoảng nhảy ào xuống kéo em lên. Cả hai cùng ướt đẫm. Sự va chạm thân thể như giọt nước cuối cùng làm tràn cốc nước. Em và anh ông ghì lấy nhau, quấn chặt vào nhau. Rồi từng chiếc quần áo ướt được quẳng bừa ra thảm cỏ mặc cho gió thổi se đi. Chỉ còn hai ta mê đắm bên nhau với vầng trăng thượng tuần đang chìm dần xuống chân trời bàng bạc và những tiếng côn trùng nức nở khắp mặt đồng không…
Một thời gian sau, anh lâm vào tình trạng căng thẳng. Anh nắm được những thủ đoạn tham ô của nhóm Khang, Vinh và Hoàn. Bộ ba chủ tịch xã, chủ nhiệm hợp tác xã và kế toán trưởng này liên kết với nhau bằng những sợi dây quyền lợi. Có một lần, anh tỏ thái độ cho Vinh biết. Lúc đầu Vinh bực tức, ngay sau đó lại tìm cách đấu dịu. Bọn họ âm thầm tìm cách vô hiệu hóa anh. Tuy anh có đề phòng nhưng sự xấu xa của con người cũng thật khôn lường, anh không thể nhằm ngờ được bọn họ lại bỏ qua công việc của anh mà nhằm vào mối quan hệ giữa hai ta. Lúc đầu anh không hề hay biết, song khi nhận ra thì đã quá muộn.
Thực ra, anh cũng mơ hồ cảm thấy điều ấy từ lâu. Có con mắt vô hình nào đó soi vào quan hệ của anh và em. Một hôm, sau giờ làm việc buổi chiều tại văn  phòng hợp tác xã, anh đến dự đám cưới của một cặp thanh niên. Ở đó, anh cảm thấy khó chịu khi phải chứng kiến cảnh xen kẽ giữa những khúc dân ca trữ tình, những bài hát ca ngợi tình yêu đôi lứa là những bản nhạc hổ lốn, mô phỏng theo kiểu nhạc Rốc cuồng loạn và đám nam nữ thanh niên lao vào nhẩy nhót lung tung chẳng theo một điệu nào cả. Anh bỏ về và chợt nhớ ra mình đã quên quyển sổ tay ở bàn làm việc. Bước vào văn phòng, anh chợt sững người khi bắt gặp Vinh và Hoàn đang quấn lấy nhau. Anh vơ vội quyển sổ và quay ngoắt người đi không kịp xem thái độ của họ ra sao. Chuyện này anh không hề hé răng nói với ai, song với họ, việc đó được xem như là một mối thù để nung nấu thêm sự ghen tức, căm giận dẫn đến hành động trả thù anh một cách đê tiện.
Còn em, em cũng linh cảm thấy chúng ta bị theo dõi. Ấy là hôm anh đền nhà em lúc nửa đêm. Đang chừng cuộc ái ân nồng nàn, em nghe rõ tiếng người thở ngoài hàng rào râm bụt, liền đó là tiếng chó nhà bên hực lên. Vì mê đắm nên anh không cảm thấy, song em, với bản năng của người đàn bà nên dễ dàng cảm nhận thấy có kẻ theo dõi mình. Vì quá yêu anh và muốn chiều anh, em lo anh biết chuyện sẽ sợ hãi không dám đến nhà em nữa, nên emócos tình giấu anh chuyện đó. Đến lúc chúng mình lâm vào cảnh ngộ dẫn đến cái chết của anh, em mới ân hận thì sự đã rồi.
Anh không thể trách em vì điều đó. Chỉ có sự trớ trêu của định mệnh mới có thể xui khiến được anh dẫn em đến tình tự với nhau ở nơi gần kề kho thóc giống của hợp tác xã vào đêm hôm ấy.
Nào đâu chỉ có hai ta với bầu trời và vầng trăng hạnh phúc! Khi tình yêu của chúng mình lên đến tột đỉnh thì cũng là lúc âm mưu trả thù của họ tới mức sôi sục nhất. Khi thấy hai dân quân chĩa súng vào người, thoạt đầu anh hoảng sợ thực sự, nhưng phát súng chỉ thiên nổ vang kèm theo tiếng quát “A… bắt được đôi gian phu dâm phụ” thì nỗi sợ hãi chuyển thành cơn giận run người và nỗi uất nghẹn không gì tả nỗi. Một cuộc đối thoại bắt đầu… Hẳn em còn nhớ chẳng em?
“- Anh chị làm gì với nhau ở đây?”
“ - Chúng tôi đi chơi. Ngắm trăng và nói chuyện”.
“ - A… chơi và ngắm trăng? Thơ mộng gớm! Cứ làm như dân tỉnh ấy. Thôi đi. Rõ ràng là các ngươi đang ngủ bờ ngủ bụi với nhau, bị bắt quả tang còn tìm cách chối cãi ”.
“ - Chúng tôi …. Yêu nhau”
“ -  Ôi….. Yêu nhau? Anh yêu cô Lựu?”
“ - Phải! Thì đã sao? ”
“ - Đúng thế chứ? Cô yêu anh ta chứ, cô Lựu?”
“ - Vâng….. À không…. Tôi không biết!”
“ -  Thế là thế nào? Không phải yêu nhau hả? Ừ mà đời nào có chuyện anh chồng đi yêu em dâu… nhỉ? Nhưng mà các ngươi ra đây làm gì? Họa chỉ có đi ăn trộm. Này, cậu thử tìm quanh quất xem, không khéo kho thóc giống của hợp tác xã bị phá khóa, khoét ngạch cũng nên.”
“ - Xem nào… cái gì đấy? A… hai bao thóc bị vùi vội xuống bùn này”.
“ - Thế à? Còn ai vào đây nữa! Rõ là quân ăn trộm! Cán bộ đảng viên gì mà lại đi ăn trộm thóc của hợp tác xã!  Dây đâu, trói chúng nó lại.”
“ - Không phải… Chúng tôi không ăn trộm…. Chúng tôi yêu nhau….”
“ - Không… không… Sao khổ nhục thân tôi thế này.”
“ - Cứ trói lại đã…. A, anh Vinh đến kìa. Anh đi đâu vậy? Xin báo cáo đồng chí chủ nhiệm, chúng tôi bắt được phó chủ nhiệm dắt vợ liệt sĩ đi ăn trộm thóc giống của hợp tác xã. Xin chỉ thị của đồng chí.”
“ - Ai thế? Sao lại là cậu… hả Kiên? Làm gì để đến nông nỗi này? Các đồng chí, cứ nhốt tạm vào kho đã. Mai dẫn về trụ sở ủy ban nhân dân giải quyết. Còn cô này, cho về nhà. Chúng ta không vi phạm chính sách thương binh liệt sĩ của nhà nước”.
Họ giải anh đi. Còn lại mình em ê chề, tủi nhục và căm giận. Em xỉ vả bản thân mình vì đã chối là không yêu anh để bọn họ lấy cớ mà vu anh ăn trộm. Vầng trăng kia biết cả nhưng câm lặng không thể nói điều gì.
Suốt đêm ấy em không hề chợp mắt. Lo cho anh và lo cho em. Ngong ngóng  sợ trời sáng họ sẽ vào bắt em đi. Và như thế điều gì sẽ xảy ra? Em không dám nghĩ nữa. Thật khủng khiếp phải không anh? Gần sáng, em thiếp đi trong sự kinh hãi thì thấy anh về. Anh mờ ảo và nhờ nhạt. Nhìn em chằm chằm, anh bảo: “ Chào em, anh xa em, đi mãi mãi”. Rồi anh khuất dạng… Em không kịp nới gì, giật mình choàng tỉnh, người em bồn chồn không yên…
Mờ sáng, Vinh ra kho thóc. Hắn bảo hai cậu dân quân mở khóa để vào gặp anh. Vinh bảo:
“ - Đẹp mặt nhỉ?”
“ - Không có gì là đáng xấu hổ cả. Tình yêu của chúng tôi là hợp đạo lý và pháp luật”.
“ - Ồ… không đâu. Tôi nào dám đụng đến tình yêu chân chính của anh chị. Là tôi nói đến việc anh lấy trộm thóc của hợp tác xã kia. Mà nhà anh cũng làm gì đến nỗi túng bấn nhỉ? Hừ, còn tình yêu chân chính ư? Mọi người sẽ nhìn anh như một kẻ cưỡng hiếp vợ liệt sĩ mà người đó lại là em dâu họ của anh. Không phải ai khác đâu, mà ngay chính bố đẻ anh, gia đình anh cũng nghĩ thế… Trong chuyện này, tôi nghĩ… anh không có đồng minh đâu. Ha, ha ha…”
“- Chuyện của tôi, lúc đầu có thể người ta hiểu lầm như anh vừa nói, song rồi mọi người sẽ hiểu…. Còn anh, anh cũng chẳng tử tế gì đâu… Chuyện anh với cô Hoàn, tôi chưa thèm nói ra, mà cũng chẳng cần nói ra. Điều đó đủ để hiểu tâm địa của anh thôi.”
“ - Xin cứ việc. Chẳng ai tin anh đâu… vì không có chứng cứ nào hết. Và như thế, anh sẽ can thêm tội vu cáo đấy, đồng chí Phó chủ nhiệm hợp tác xã ạ!”.
“ - Đồ đểu!...".
Uất hận, anh chồm vào người Vinh, nhưng tay anh bị trói chặt, nên khi Vinh né tránh làm anh mất đà, ngã dúi vào tường. Anh nhổ vào mặt hắn. Hắn điên cuồng nắm cổ áo anh lắc mạnh rồi dùng hết sức đẩy anh về phía sau. Anh bật lùi, loạng choạng rồi chợt nhận thấy mình ở trong trạng thái hụt hẫng. Mắt anh hoa lên, tai ù đi, và anh chỉ còn cảm nhận được rằng mình đang rơi, rơi mãi vào khoảng không sẫm đen…..
Với tâm trạng bồn chồn, em thắc thỏm chờ trời sáng. Chợt nghe mấy người đi chợ sớm kháo nhau ngoài bờ giậu là đêm qua phó chủ nhiệm Kiên đi ăn trộm thóc giống của hợp tác xã bị dân quân đi tuần bắt quả tang, nhốt tạm vào kho thóc, nhưng đêm trèo tường trốn, chẳng may trượt chân ngã chết tại chỗ. Hiện xác vẫn để đó, chờ công an huyện về khám nghiệm tử thi.
“Không” – Em chỉ thốt lên có thể rồi hốt hoảng lao ra ngoài đường, cắm đầu chạy về phía kho thóc giống. Lúc ấy, em làm sao mà biết được dân làng nhìn em với con mắt ngạc nhiên như thế nào. Chợt em vấp chân và ngã xấp mặt xuống đống mả bên đường…. Đau đớn và hoảng loạn, em vùng dậy định chạy tiếp nhưng miệng đầy máu. Hai tay em nắm chặt những chân nhanh nhổ từ đống mả. Từ đấy, em chẳng còn hiểu nổi điều gì đã xảy ra với mình…
Cũng như em, lúc ấy anh không ý thức được bản thân mình song anh lại thấy em rất rõ. Hai tay em cứ hua hua những chân nhang lên trời, miệng gọi tên anh, rồi em cười, em khóc. Em đã phát điên, dân làng bảo vậy.
Rồi nữa, nhóm Khang, Vinh, Hoàn xuất hiện, theo sau họ là đám dân quân xã. Dân làng cũng kéo ra rất đông. Họ đuổi theo em, trói em lại, quẳng lên xe công nông chở lên bệnh viện huyện, còn em thì giãy giụa, gào thét, chửi bới lung tung. Chiếc xe chở em khuất dần sau làn bụi đỏ.
Công an về khàm nghiệm tử thi anh. Khang, Hoàn, Vinh và hai dân quân bắt anh đêm trước lăng xăng bên cạnh nói năng khôn khéo. Rồi họ phán: “Đúng là trèo tường trốn bị trượt chân ngã chết. Gọi gia đình ra chôn cất”. Vinh còn đế theo: “ Chết thì chết nhưng cũng phải họp đảng bộ xét kỷ luật khai trừ Đảng”. Hoàn hùa vào “ Đảng ta không thể có những kẻ thoái hóa biến chất như thế”. Riêng Khang chỉ thở dài….
Em dần khỏi bệnh. Cũng không hiểu điều gì đã làm em lành bệnh? Phải chăng vì cu Hạ? Phải chẳng vì vong linh của anh? Khát vọng minh oan cho anh? Hay vì tất cả?
Em đã viết không biết bao nhiêu lá đơn và đi không biết bao nhiêu cửa. Em nói là anh và em yêu nhau, đã ăn nằm với nhau, muốn lấy nhau để bù đắp những mất mát của nhau. Rằng đêm ấy, chúng mình đi chơi trăng chứ không phải là đi ăn trộm thóc giống như họ đã vu khống cho anh. Rằng em đã hèn nhát, chối quẩn để họ lấy cớ mà vu khống. Thế nhưng, có ai tin em đâu. Nơi nào họ hứa hẹn sẽ xem xét kỹ, nhưng sau lưng em, đều bảo “Tin gì con điên khùng”. Và em chỉ còn biết khóc, tự dằn vặt bản thân mình. Nhưng em không chịu đâu. Em chờ đợi…
Anh hiểu tâm trạng em khi đó, tất nhiên em phải xử sự như vậy. Vì thế mà anh đã tha thứ cho em. Có lẽ, anh chết đi còn sung sướng hơn em. Những điều chúng ta nghĩ về nhau, ngày tháng được sống bên nhau và mãi mãi hoài vọng về nhau, không có gì đáng thổ thẹn cả, thậm chí còn rất tốt đẹp nữa, em ạ. Vì chúng mình đã có những phút giây hạnh phúc hơn cả đời người.
Anh vẫn tin rồi có ngày mọi chuyện sẽ rõ ràng, minh bạch hơn. Và con người sẽ nghĩ về nhau, đối xử với nhau cũng tốt đẹp hơn. Em ơi, ngày đó sẽ đến!...
Một tiếng sấm vang vọng. Lựu choàng tỉnh. Cô vùng ngồi dậy, ngơ ngác một lúc, cô mới hiểu điều gì đã đến với mình. Lựu đắp chăn lại cho con rồi chui ra khỏi màn.
Có lẽ gần sáng. Sao đã sang thu mà trời vẫn có sấm? Những giọt mưa chuyển mùa đậm đà rơi. Rồi mây trôi nhanh hơn. Chỉ còn có những giọt nước đọng trên lá cây thánh thót. Chân trời đằng đông ràn rạn.
Lựu rời cửa sổ. Sau phút giây tần ngần ngắm nhìn các bức ảnh trên bàn thờ, cô quả quyết bước lại bàn học của con, lấy giấy bút, tần ngần giây lát, rồi bặm môi viết những lá đơn….
 
  Năm  1991

Xem Tiếp: ----