(Tặng những người bạn ấu thơ của tôi)- Em thích gì?- Em không trả lời được đâu!- Hỏi câu đơn giản vậy mà em không trả lời được ư?.- Tại vì sẽ rất dài đó – Nhiên cười - hồi nhỏ em thích lớn lên sẽ đi bán kem, vì nếu bán kem em sẽ được ăn kem thoải mái. Khoảng 16 tuổi em thích làm diễn viên vì diễn viên lúc nào cũng đẹp. Học xong đại học em thích trở thành người nổi tiếng.- Giờ em thích gì?Nhiên đùa:- Em thích lấy chồng.Bạn Nhiên cười to, rất to và cho rằng ước mơ của Nhiên thật bé nhỏ. Mà Nhiên cũng tức cười lắm, lấy chồng có được gọi là sở thích không nhỉ.Những lúc trái tim lạnh lẽo Nhiên thường nhớ về hình ảnh của năm nào. Cô bé ngồi trên nền đất lạnh trong căn nhà cũ ngước đôi mắt đen láy nhìn trời cao. Bức ảnh lúc Nhiên còn bé mà mẹ đã giữ rất cẩn thận. Đó là hình ảnh đẹp nhất mà Nhiên lưu giữ cho đến ngày hôm nay. Và thật kỳ lạ, sau khi Thuận bỏ đi, phải đối mặt với nhiều nỗi cam go của cuộc sống, Nhiên lại tràn ngập một cảm giác hình như là bình yên.Việt Nam nhỏ, Quảng Nam lại là một tỉnh nhỏ bé nằm nép bên dãy Trường Sơn, giữa cái eo của đất nước. Bạn bè Nhiên ở xa thậm chí họ chưa một lần nghe về Quảng Nam. Lại còn đùa nhau sao giống Quảng Đông, Quảng Tây thế. Mà Duy Xuyên lại càng bé nhỏ hơn nữa. Duy Xuyên của Nhiên - Nhiên vẫn thích gọi vậy, giống như ngày xưa mỗi lần tranh với anh Nhiên vẫn gọi “mẹ của Nhiên” - ừ Duy Xuyên của Nhiên lặng lẽ, nếu có gợi nhớ gợi thương người phuơng xa chắc cũng không quá lâu. Và Nhiên ngay khi nhớ về Duy Xuyên cũng không biết mình nhớ cụ thể điều gì. Nhiên tự hỏi, ngoài ngôi nhà, ngoài người thân, ngoài mười tám năm, Nhiên nhớ gì về Duy Xuyên? Bất chợt, Nhiên nghĩ mình sẽ nhớ Cầu Chìm.Cầu Chìm bây giờ đã hết chìm vì đã được nâng lên cao hơn mặt đường. Ngày xưa bọn Nhiên thích nhất mỗi khi nước lũ lên cao, Cầu Chìm luôn ngập trước và vì thế bọn Nhiên được “giải phóng” khỏi buổi học. Và tất nhiên bọn Nhiên không về ngay, Nhiên phải lội qua cầu rồi lội ngược lại rồi hí hửng đo xem nước khi này cao hơn khi nãy mấy phân. Nghĩ lại thật buồn cười. Và Cầu Chìm còn gợi Nhiên nhớ đến hình ảnh người phụ nữ ấy. Cầu Chìm ngày nắng nhạt. Người phụ nữ mặt một chiếc váy hoa, kiểu tay phồng hơi cổ điển đang là mốt của năm 90. Vẻ đẹp của chiếc cổ hở có phần nào khêu gợi trí tưởng tượng của người khác. Phụ nữ nông thôn những năm 90 không bao giờ mặc áo hở cổ. Chiếc áo kín như một tín hiệu cho một sự trang nghiêm, đoan chính của mỗi người đàn bà. Không hiểu sao trong dáng đi lặng lẽ đầy kiêu sa của cô toát lên cái gì đó như là cô đơn tịch mịch. Sự tịch mịch trong tâm hồn không dễ khiến người khác thấy được bộc lộ ra bên ngoài như những trầm tích của quá khứ đã để dấu ấn lại trong đôi mắt hờ hững, dáng đi hờ hững và cả đôi tay dường như cũng hờ hững không cần thiết quàng nhẹ lên chiếc túi xách. Sự cô độc và kiêu kỳ thật khó lý giải ở thập niên 90. Tâm hồn cô bé Nhiên mười lăm tuổi ngày ấy không hiểu sao lại lưu giữ mãi dáng vẻ tịch mịch đầy kiêu sa đó.Nhỏ Uyên đã lấy chồng rồi. Uyên, Nhiên và Thảo, ba đứa thân nhau lắm. Mà Nhiên thân Uyên bởi một xích mích rất buồn cười. Nhiên có cây bút chì, bây giờ Nhiên biết đó là cây bút cũ thôi, nhưng vì Nhiên đòi mua bút mới nên mẹ bảo đó là bút chì Mỹ. Và Nhiên hí hửng khoe với Uyên. Không ngờ nhỏ bạn thử nghiệm bẻ đôi bút, xem thử phải thật Mỹ không. Bọn trẻ thôn quê như Nhiên những năm 90 lúc nào cũng tin tưởng một điều rằng cái gì của Mỹ là tốt hơn của Việt Nam. Cả cây kẹo cao su bọn Nhiên cũng cho rằng nếu của Mỹ thì nuốt vào bụng sẽ không bị xoắn ruột như của Việt Nam. Chiều đó, khi học xong nhỏ Uyên cùng Thảo và Nhiên ăn kẹo cao su màu vàng – Nhiên cho rằng kẹo cao su bọc giấy vàng là của Mỹ - nhưng chẳng đưa nào dám nuốt vào bụng xem thử rằng nó quả thực có không dính ruột không. Bọn Nhiên sợ chết lắm. Nhỏ Uyên thì thào:- Người chết rồi sẽ thành con ma.Thảo rất tin điều đó còn Nhiên thì vặn vẹo. Tối nào Nhiên cũng ngồi hóng chuyện ma của các chị, cứ vừa nghe vừa run, càng run càng thích nghe. Nhiên nghĩ tất nhiên ma có nhiều quyền lực. Mà nếu Nhiên mà là một con ma việc đầu tiên Nhiên sẽ làm là đi xem kết quả xổ số của ngày hôm sau và đêm đó hiện về báo tin cho mẹ. Nhỏ Uyên phản đối Nhiên. Nó nói chắc như đinh đóng cột:- Ma không tham tiền. Nhiên cắc cớ hỏi lại:- Vậy người ta đốt giấy tiền để làm gì?Rất may là con đường về nhà đã đến ngã rẽ, nhỏ Uyên và Thảo quẹo trái còn Nhiên đi thẳng. Và Nhiên quên ngay chuyện con ma có tham tiền hay không vì Nhiên tự dưng thấy sợ khi phải đi một mình. Các câu chuyện ma tự dưng hiện lên hàng loạt và Nhiên chạy thật nhanh về nhà không dám quay lưng lại mà vẫn có cảm giác có bước chân chạy theo mình.Vậy mà lâu lâu khi Nhiên từ các con phố của Sài Gòn đi về nhà trọ vẫn còn nhớ câu chuyện con ma và vẫn còn thắc mắc nếu có ma nó có tham tiền không, mà nếu có tiền ma sẽ làm gì?- Chị làm nghề gì?- Nghề ở nhà. Mười bảy tuổi, tình cờ Nhiên gặp lại chị, không phải Nhiên đi tìm người đẹp mặc áo hở cổ (Nhiên đã cãi một buổi chiều với Uyên thế nào là người đẹp và rút ra kết luận như thế) mà là khi Nhiên đi quyên tiền cho trẻ em nghèo theo kế hoạch nhỏ của nhà trường. Nhiên được giới thiệu đến nhà ông thầu Năm. Bất ngờ khi Nhiên gặp chị đang vuốt ve con chó trước sân. Thực ra lúc đó Nhiên chú ý con chó nhiều hơn. Quê Nhiên chỉ nuôi chó để làm “vệ sinh” cho em bé hay nuôi để giữ nhà khỏi ăn trộm. Tự dưng có một con chó xù được ăn sữa và được vuốt ve, Nhiên cảm thấy như mình bị xúc phạm ghê gớm. Nhiên thắc mắc:- Sao chị không làm gì mà phải ở nhà?Chị cười và nhìn Nhiên thật khó hiểu. Lần sau Nhiên gặp chị khi Nhiên đang cắt cỏ cho trâu giữa đồng. Nghe tiếng sột soạt trong đám bắp Nhiên nghĩ là có trộm. Mùa bắp non trẻ con hay bẻ trộm để nướng ngoài đồng lắm. Nhiên rón rén đi vào hòng bắt quả tang kẻ nào to gan dám ăn trộm bắp nhà Nhiên. Từ đằng xa Nhiên sững người khi thấy chị và thầy giáo Thiện đang làm chuyện ấy. Nhiên biết đó là chuyện vợ chồng. Nhiên tự dưng cảm giác mình là kẻ trộm chứ không phải hai kẻ kia.Chỉ có điều Nhiên vẫn không thể hiểu. Thầy Thiện là người được trọng vọng trong làng lắm. Và chị như thế là ngoại tình, và Nhiên ghê tởm chị vô cùng. Và Nhiên cũng đau khổ vô cùng – Nhiên nghĩ bằng đầu óc của một đứa trẻ mới lớn rằng hơn cả đau khổ nữa- vì đó là “thầy Thiện của Nhiên” – nói như cách Nhiên vẫn giành vậy.Hôm sau, chị tìm gặp Nhiên. Nhiên và chị cùng im lặng. Và trong ánh nhìn im lặng ấy Nhiên và chị cùng hiểu cả hai đang nghĩ đến điều gì. Chị thở dài, nói với Nhiên:- Em đừng nói gì nhé.Nhiên im lặng không biết là đồng ý hay không đồng ý. Nhưng quả thực chưa bao giờ Nhiên nói với ai về buổi chiều đó.Nhỏ Uyên lấy chồng Việt kiều. Hàng xóm tấm tắc khen mãi nhà nhỏ có phước. Nhiên gặp Tom Crusso một lần trước đám cưới khi Uyên dẫn chàng ta về giới thiệu. Câu đầu tiên mà Nhiên hỏi hết sức ngớ ngẩn:- Anh có họ với ông Robinson, không biết sau này nhỏ Uyên có cho anh ở đảo hoang tại nhà không?Cũng may là Robinson này hiền, hoặc đã được nhỏ Uyên cảnh báo trước là Nhiên hay cà rững vậy nên chỉ cười. Nhỏ Thảo cũng lấy chồng. Nhưng nhỏ Thảo đã nghỉ chơi với Nhiên và Uyên khi nhỏ có người yêu. Bọn Nhiên giận lắm và cũng không thèm chơi với nó nữa. Giận đến độ ngày nhỏ lấy chồng hai đứa chỉ gửi quà chứ không đi dự. Nghe nói nhỏ có bầu trước nên bỏ học để cưới. Khi đó bọn Nhiên đang lao đầu vào ôn thi đại học. Nhớ về nhỏ bọn Nhiên chẳng biết nói gì. Có lần Nhiên gặp Thảo giữa chợ. Nhiên về quê ăn Tết, nhìn nhỏ già hơn bọn Nhiên nhiều. Tự nhiên Nhiên nghĩ tốt nhất là không gặp Thảo, Nhiên sợ bạn chạnh lòng. Vậy mà không gặp nhau thật. Cho đến hôm qua, Uyên gọi điện thoại báo tin nó đang ở Anh, trời lạnh quá. Tháng giáp Tết mình mà. Nó lại nói:- Tháng nào cũng thế.Rồi lại nói thêm, như chữa lại:- Chắc tại tao không quen. Uyên hỏi về Thảo, rồi phát biểu như mình rành lắm:- Tao nghĩ Thảo hạnh phúc.Rồi Uyên lại nói như với chính nó chứ không phải với Nhiên:- Nhiên này, tao nghĩ người đẹp là người có hơi thở nhẹ.Nhiên im lặng vì Nhiên biết Uyên không nói với mình mà đang đối diện với chính nó. Vài trao đổi rời rạc nhưng Nhiên hiểu Uyên đang buồn. Nhưng Nhiên chỉ im lặng thôi, chỉ bảo bạn:- Về Duy Xuyên đi, tao làm bánh xèo cho mi ăn.Câu nói chẳng ăn nhập gì với lời “triết lý” của bạn. Nhiên đã cố quên tai nạn lúc còn bé. Nhiên không khóc và cũng không hé răng cho ai biết, kể cả mẹ. Nhiên nuốt nó vào lòng và Nhiên cứ bám vu vơ vào một điều rằng, mình vẫn còn vì khi đó rất bé. Cho đến khi hai mươi tuổi, Nhiên bị chậm kinh, Nhiên đi khám phụ khoa, câu đầu tiên mà bà y tá thốt lên làm Nhiên rùng mình:- Mất rồi! Con gái bây giờ hoang sớm quá.Như một mũi dao đâm thẳng vào tim vậy. Nhiên về nhà và khóc như mưa. Mười ba năm trước, tại cánh đồng ấy Nhiên không khóc. Mười ba năm trước lúc đau thấu tim ấy Nhiên không khóc…Bây giờ Nhiên khóc đẫm cả gối khóc bằng mười ba năm cộng lại. Khi Thuận ân ái với Nhiên, lần nào cũng vậy, Nhiên vẫn cảm thấy hoảng sợ. Không phải anh không khéo léo, nhưng trong cơn say, trong cơn ghen, Thuận vẫn bóng gió xa xôi. Những cuộc ái ân chiếm hữu khiến Nhiên tê dại. Nhiên cũng không hiểu nữa. Thuận nói Thuận yêu Nhiên rất nhiều, nhưng khi anh ôm Nhiên, lắng nghe hơi thở của anh Nhiên không thấy ấm áp. - Đó là vì Thuận không thương em. Chỉ yêu và sở hữu.Chị nói với Nhiên thế vào ngày Nhiên về thăm chị khi nghe chị ốm rất nặng. Nhiên hiểu chị nói đúng vào điều mà Nhiên trốn tránh mãi. Nhiên vuốt ve chị, nhìn vào đôi mắt đã già của chị - tuổi - ba - sáu. Nhiên nói:- Ngày xưa em yêu thầy Thiện. Nhưng chị đẹp hơn em phải không?Chị nên biết, Nhiên nghĩ vậy, vì chị sắp đi rồi. Thật lạ, Nhiên tưởng mình ghét chị lắm vì cả thời gian dài Nhiên nghĩ chị đã “cướp” người mình yêu. Đó cũng là lý do mà Nhiên hay về thăm chị. Đằng sau mục đích thăm chị, Nhiên không hiểu mình có ghen không, có dò hỏi không, có nghe ngóng không? Nhưng nói xong Nhiên cảm thấy hối hận. Chị cũng nói:- Chị biết.Thế thôi. Chị thở dài như ngày chị xin Nhiên im lặng.Hai người đàn bà nhìn ra song cửa. Nắng mùa thu nhàn nhạt. Nhiên nhớ Cầu Chìm, nhớ ngày nắng nhạt khi lần đầu gặp chị. Chị bỗng nói với Nhiên (sao mà giống như Uyên vậy):- Em à, người đàn bà đẹp là người có hơi thở nhẹ.Nhiên nhớ Uyên, Thảo và Thuận và nhớ cả tai nạn quá khứ nữa.Hôm sau chị mất. Ông Năm nghe nói không về vì chị chỉ là vợ bé (điều này chưa bao giờ chị nói với Nhiên), cả thầy Thiện cũng không đến. Nhiên mặc cho chị chiếc áo hở cổ năm nào và nói với chị như tiếp nối câu chuyện đêm qua:- Sau khi thở dài chị à.Cô bé ngồi trên nền đất lạnh trong căn nhà cũ ngước đôi mắt đen láy nhìn trời cao. Một vì sao mọc sớm trên nền trời còn mờ sáng. Bây giờ nó đang rất nổi trội vì nó đang duy nhất. Nhưng chỉ một lát nữa thôi nó sẽ mờ nhạt giữa muôn nghìn ngôi sao khác. Nhiên nghĩ về Uyên, Thảo, về chị và Thuận. Và cả về hắn nữa – sau rất nhiều năm Nhiên cố không nhớ tới. Bỗng Nhiên thấy mình đã quên, quên thật sự chứ không phải chôn giấu. Cái gì khiến Nhiên bao dung thế, Nhiên như tha thứ cho hắn, như hiểu Thuận, như yêu thương chị… Nhiên cũng không biết nữa. Nhiên cố tìm “ngôi sao của Nhiên”, ngôi sao đã mọc sớm nhất bây giờ đã là ngôi sao bình thường. Thế hay hơn, Nhiên nghĩ.