Bọn nữ kê tác quái của tụi tôi gồm 10 mạng, học cùng lớp từ đệ thất lên đến đệ nhất suốt mấy năm trung học. Danh từ nữ kê chẳng phải tụi tôi dại dột tự phong cho mà nó hiện hình theo với thời gian rồi được tuyên bố và công nhận bởi cô thầy giám học, hồi đó là cô Chính, rồi sau là thầy Duận.
Nghe thì dữ dằn vậy chớ hoạt động gì ở trường mà thiếu mặt bọn nữ kê chúng tôi là mất vui ngay. Đảng chúng tôi rất được các thầy cô cưng vì đứa nào cũng có bảng danh dự không nhiều thì ít, còn những mục linh tinh như tổ chức tất niên, đi biểu tình, đi thăm chiến binh và nhất là mục thể thao bóng rổ, bóng chuyền, chạy tiếp sức...tụi tôi đều có mặt, mỗi đứa phụ trách một môn. Nhớ hồi đó thiếu lính cho đội banh nữ đi đấu bóng rổ giao hữu với trường Tàu Thọ Nhơn, trường  Phan Thanh Giản nhân dịp mừng Quốc Khánh, chúng tôi phải đi tuyển quân ở các lớp dưới và tập dượt quên đêm quên ngày để đem “cúp”về cho trường...Duy chỉ có mục văn nghệ hát hò thì chịu thua. Cô tôi bảo “bọn nữ tặc tụi bây kéo lên sân khấu thì sân khấu bể tan tành vì tiếng Hét chứ không phải tiếng Hát!!!”
Học, hoạt động nhiều, mà chơi cũng lắm. Chúng tôi chơi không biết mệt. Những ngày nghỉ học, chúng tôi lập ngay chương trình đi du ngoạn thành phố. Mấy năm đầu còn loanh quanh trong phố, mấy năm cuối trung học, chúng tôi tổ chức đi xa, sáng đi chiều về, cơm nắm bánh mì mẹ lo sẵn, đèo thêm mấy đứa em sau xe đạp, một đoàn lâu la gần 20 đứa trực chỉ đạp xe về núi Non Nước. Ai ở Đà Nẵng, Quảng Nam mà không biết đến Ngũ Hành Sơn hay chùa Non Nước??? Đó là một danh lam thắng cảnh ở miền trung không thua gì thành nội Huế. Du khách trong Nam về Huế chơi thế nào cũng phải đi xe đò vào thăm núi Non Nước. Đó là thắng cảnh của du khách mà cũng là thắng địa và thánh địa của bọn tôi. Mỗi năm tôi lên xuống Ngũ Hành Sơn năm bảy lần là ít, khi thì với bạn, khi thì với gia đình, có lúc ba mẹ tôi cho tôi làm hướng dẫn viên du lịch mỗi khi có khách quí hay bà con xa về chơi.
Núi Non Nước còn gọi là Ngũ Hành Sơn hay Ngũ Chỉ Sơn (núi bàn tay năm ngón) nằm cách thành phố Đà Nẵng độ 9 cây số bên kia cây cầu lịch sử Trịnh Minh Thế.
Núi Ngũ Hành gồm có năm ngọn Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tượng trưng cho ngũ hành của kinh Dịch mà cũng giống như một bàn tay đặt nằm ngửa trên sa mạc cát trắng, năm đầu ngón tay là năm ngọn núi  nằm năm hướng, ở giữa là thung lũng cát gồm độ 30 căn nhà lá xác xơ vì gió, cát.Ở đó, những gia đình cha truyền con nối sống về nghề đẽo đá tạc tượng.Nghệ thuật tạc tượng của họ rất tinh vi, nét khắc sắt sảo và những khối đá ngọc thạch rút từ chân năm ngọn núi đá bảo đảm cho phẩm chất của ngành mỹ nghệ này.
Chúng tôi tìm một căn nhà gần đường cái, khóa xe đạp lại với nhau, gửi cho chủ nhà và bắt đầu đi dạo phố. Dạo phố tức là đi vòng vòng vào những căn nhà nằm dựa hai bên con lộ dẫn vào chân núi để lựa mua những tượng đá nhỏ đem về chưng trên bàn học.
Nhà nào như nhà nấy, trên một phản gỗ lớn đặt giữa nhà, chưng bày đủ những tác phẩm và tượng điêu khắc lớn nhỏ  đủ màu.Tôi vẫn thích nhất những bức tượng Quan Thế Âm bằng đá hồng hay trắng nổi gân xanh. Phật Bà ngự trên đài sen cao, dáng thanh thoát, nếp khăn phủ trên đầu rũ nhẹ xuống vai gấp thành những nếp nhỏ uốn lượn dịu dàng thật đẹp. Hồi đó tuyệt nhiên không có ý nghĩ thỉnh về một tượng cho mình, có lẽ vì quá nặng, mà tôi cũng chả có đủ tiền để mua. Mấy cô bạn tôi thì mê man với những chiếc vòng ngọc thạch nhuộm đủ màu rất đẹp, thứ này đeo vào tay độ vài ngày một tháng là bể tan nát, vậy mà cô nào cũng thích, cũng mua. Mấy đứa trẻ con em bạn tôi thì mê tơi mấy con voi với cặp ngà nho nhỏ và cái vòi cong cong chỉ lên trời, hoặc trầm trồ ngắm nghía con cóc màu xanh có đốm trắng trên lưng đang há miệng kêu hoặc mấy cá chép, cá vàng sống động nằm trên cái đế xinh xinh...
Sau mục mua sắm là mục giải khát nước cam vàng, nước đá chanh, xá xị con cọp…vừa uống nước vừa cà kê dê ngỗng với các điêu khắc gia, tò mò hỏi về các thứ đá, làm sao biết là đá non hay đá già, về kỹ thuật tạc tượng, cắt đá, lăn đá từ núi về nhà…Ở đây tôi đã gặp những cụ gìa tóc bạc phơ đang để hết tâm hồn vào tượng Phật A Di Đà, bên đứa cháu nội năm tuổi đang chăm chú kỳ cọ mảnh đá nhỏ tượng hình đài sen. Họ ngồi cả ngày, im lặng làm việc và chỉ nghĩ đến hình ảnh Phật. Cần gì phải làm thiền sư để được đi vào cõi phi phiền não, cần gì phải cầu cứu đến Phật Bà dắt về cõi tịnh độ với Phật A Di Đà... Họ là những kẻ sống yên bình trong cõi tịnh ở những giờ phút đó...Ở đây tôi đã được nghe chuyện xưa, vào những năm 30,nhân một dịp lễ lớn,một bà thí chủ nhà giàu trong nam ra viếng cảnh chùa, lạy Phật Quan Thế Âm và đã đạt được ước nguyện. Khi trở về bà phát tâm đặt tạc một tượng Phật Bà cao bằng người thường, chở vào Nam cúng dường cho ngôi chùa nọ. Ông cụ điêu khắc vô danh đã làm việc ròng rã trên sáu tháng để hoàn thành tác phẩm. Trong thời gian này mỗi ngày cụ lên chùa lạy Phật và ăn chay trường.
Nắng đã lên cao, du khách đã bắt đầu lên núi. Chúng tôi cũng nôn nao từ giã chủ nhà, gởi đồ vật vừa mua sắm, và xách những giỏ thức ăn để vào núi.
Con đường lên núi là một hành lang gồm mấy trăm bực thang bằng đá rộng ba thước bề ngang. Chúng tôi dăng hàng ngang đủ 20 đứa, cột chặt hai vạt áo dài lên cho gọn, tay cầm guốc, tay xách túi đồ ăn, hò nhau chạy đua lên núi, bỏ lại sau lưng những du khách hành hương đang đủng đĩnh vừa leo từng bậc đá, vừa thưởng cảnh trời mây non nước của núi Ngũ Hành. Lâu lâu họ dừng lại, chia nhau ngồi lên những lan can đá nhìn xuống núi. Cảnh trí nhìn từ lưng chừng núi đã thấy đẹp. Một bên là vách núi đứng dựng cao vút đủ màu, từ những khe núi, nhiều bụi cây mọc ra ngoài, chìa lá rũ xuống như điểm hoa xanh trên nền gấm đá hồng. Những bực thang dưới chân do nhiều tảng đá lớn nhỏ xếp lên nhau một cách thứ tự, ngay hàng thẳng lối với hàng lan can bằng xi măng và đá từ hơn 300 năm nay vẫn không một vết hư nát theo thời gian. Nhìn lại bên ngoài,sẽ thấy từ trên cao, những chiếc ô tô, nhà cửa, đường sá đều nhỏ lại, tượng hình như những vỏ cau, những mảnh lá khô úp xuống nền cát mênh mông và con đường nhỏ dẫn vào chân núi teo lại như sợi dây thừng…
Bọn tôi trái lại, cắm đầu cắm cổ chạy một hơi lên đến nữa đường thì thở hết nổi, hơi nóng lùng bùng thoát ra bằng lổ tai, người như bốc thành khói, đành phải ngừng lại, há miệng thở, ngồi bệt xuống nền đá, ngửa mặt đón gió mai.. Gió thổi mát rượi hong khô mồ hôi dính bết vào tóc tai và trán.
Mặt trời lên cao, màu nắng gắt dần và du khách kéo về chùa du ngoạn càng đông. Vào những năm thanh bình, Phật pháp được phục hưng, phong trào chấn hưng phát triển chùa hội lên cao, mỗi ngày có đến hàng ngàn người về chơi núi  Ngũ Hành. Mùa hè, du khách càng tấp nập, xung quanh mái nhà bát giác cạnh đường cái lúc nào cũng đầy người. Các chiếc xe hàng hay ô tô nhà đậu đầy hai bên đường nhựa dẫn vào chân núi.
Mấy năm sau này có kinh nghiệm, chúng tôi chọn ngày thứ hai hoặc thứ sáu để du ngoạn núi Non Nước, du khách bớt đông đúc,để được tự do tác yêu tác quái. Bọn nữ kê chúng tôi tác quái những gì rồi thì bạn sẽ biết.
Núi chính của Ngũ Hành Sơn chỉ có một con đường độc đạo dẫn từ chùa Tam Thai qua đến chùa Linh Ứng. Hai bên đường là những thắng cảnh. Trước hết chúng tôi ghé Vọng Giang Đài để ngồi nghỉ và ngắm nhìn giang sơn gấm vóc. Tương truyền rằng khi Quốc Sư Hương Liên bên tàu qua Việt Nam, được giao sứ mạng lập thắng cảnh và tạo dựng chùa Non Nước xong xuôi. Người đã thỉnh chúa Nguyễn Phúc vào khánh thành. Ngày nay tại đây vẫn còn một bia đá dựng trên một bệ cao kể lại sự tích chùa. Lần nào chúng tôi cũng thay phiên nhau ngự lên bệ đá, ngồi một lát và để tưởng tượng như mình là một vị vua hay hoàng hậu đang nhìn xuống giải sơn hà gấm vóc. Giang sơn cẩm tú của đất nước ta quá đẹp và hùng vĩ biết bao!
Ngồi từ đây có thể dõi mắt nhìn ra đến thành phố Đà Nẵng mờ ảo bên kia nhịp cầu Trịnh Minh Thế. Trước hết là sông Đà Giang chảy ra từ phố Hội để biến thành sông Hàn đi qua thành phố trước khi đổ ra biển. Hai bên dòng sông là những đồi dương liễu xanh um hay ruộng đất bát ngát, vào mùa gặt, lúa chín vàng rực rỡ. Trước mặt Vọng Giang đài, bên kia đường là cái ngọn núi thứ hai của Ngũ Hành Sơn, trong đó có một ngôi chùa lớn tráng lệ huy hoàng được xây cất độ hơn một trăm năm nay. Chùa xây mặt ra dòng sông rộng với những hàng cột gỗ đen bóng cao lớn nối những đà ngang chạm trỗ công phu. Tôi thường bỏ dép ngồi đây hàng giờ, dựa lưng vào cột nhìn xuống dòng sông lấp lánh ánh bạc, lòng thơ thới an vui, trong khi các em tôi chạy lăng xăng tìm thầy trụ trì xin mấy cây đèn cầy cầm tay, đi sâu vào những hang động âm u ngay sau chùa để thám hiểm đường ra biển cả…đường về địa ngục…Vào những năm chiến tranh bắt đầu lan rộng,chúng tôi không được quyền qua chơi bên đó nữa,ngọn núi đã được quân đội Việt nam Cộng Hòa trấn giữ vì lý do an ninh.
Làm vua chúa, ngồi đây trên bệ cao với cỏ cây hoa lá u nhàn thanh nhã vây quanh cũng vui sướng. Nhưng chúng tôi là đám trẻ hiếu động, còn biết bao nhiêu thắng cảnh niềm vui khác đang đón chờ trước mặt. Đến đây rồi mà không vào động Huyền Không thì kể như không đi núi Non Nước. Đây là động đẹp nhất, to nhất, sáng nhất, nhiều tượng đá thiên nhiên nhất cũng như các di tích lịch sử. Ở đó có những hình con voi thả vòi xuống từ nóc động. Đứng giữa động nhìn lên thấy rõ trời xanh. Tuy vậy, dù trời mưa vẫn không bao giờ ướt áo vì động quá cao, mưa không xuống đến đất. Không khí ở đây mát lạnh. Trong động có một ngôi chùa nhỏ và một tượng Phật Bà Quan Thế Âm đứng cao mấy chục thước, có nguồn suối chảy với nhiều truyền thuyết hoang đường bí ẩn và lời đồn đãi rằng dòng nước thiêng có khả năng chữa lành hết mọi bịnh nhất là bịnh khổ não của người đời. Thế nhân vào đây, kính bái Phật Bà, uống vào bụng ngụm nước thiêng, nguyện lời “nguyện cho trăm ngàn phiền não sạch không” và tự nhiên lời nguyền ứng nghiệm. Phải chăng vì thế mà người đời đặt tên là động Huyền Không?
Bên phải và bên trái của động Huyền Không là hai ngôi chùa chính của núi Non Nước. Thật ra hai ngôi chùa có một tên là chùa Tam Thai, nhưng chúng tôi gọi là chùa ngoài và chùa trong. Chùa trong rất rộng và đẹp, chưng bày lộng lẫy,có đủ chính điện, hậu điện, khách thập phương rất ưa đến đây lễ Phật, kính bái sư trụ trì và ngoạn cảnh chùa. Ở đây có nhiều loại hoa, cây ăn trái và có cả hòn non bộ. Hồi đó tăng chúng ở chùa rất đông và chùa luôn tấp nập khách đến viếng.
Chùa ngoài nhỏ hơn và đơn sơ hơn, gồm một căn nhà ba gian thờ Phật. Chánh điện trông ra một sân gạch vuông vắn và bên sau có một liêu nhỏ, trong đó có một chiếc giường tre, có bếp nước và một lu đựng nước.Nhưng hình như vắng vẻ. Chúng tôi rủ nhau vào chùa, thắp hương lễ Phật, lễ xong là chia nhau đi thám hiểm ngôi chùa. Chúng  tôi tự do đi từ trước ra sau như nhà của mình.Tôi còn nhớ rất rõ từng bụi chuối sau hè và hàng tường vi trồng xung quanh sân chùa.
Mùa xuân hoa tường vi nở rộ từng chùm, cánh hoa trong vắt và phơn phớt hồng, nhẹ như những mãnh giấy đong đưa theo gió. Vào những dịp Tết, trên hàng cửa bước vào chánh điện, có đặt thêm mấy chậu vạn thọ màu vàng rực rỡ, tỏa hương thơm ngào ngạt.
Những ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, khách đến đây lễ Phật cũng đông và có thầy ra thỉnh chuông. Nhiều người đem giấy tiền vàng bạc lên đốt ở góc sân chùa và cắm hương đầy lên thành đá.
Kiến bò bụng, bắt buộc chúng tôi tạm dừng chương trình du ngoạn. Bây giờ là gần một giờ trưa, chúng tôi đang ở trên ngọn Kim Mộc, từ đây qua ngọn Thủy Sơn chỉ có một con đường độc đạo đầy gió mát thổi qua. Đường đi xuyên núi bắt đầu bằng một cổng chào lớn với nhiều bậc đá rộng, hai bên đầy những bụi hoa rừng, mùa này chuối nước đang nở hoa, nằm chen chúc dưới mấy tàng cổ thụ già hàng trăm năm tỏa bóng xanh êm mát.
Chúng tôi chia nhau ngồi hai bên đường, chổ nhiều gió mát nhất, chừa lại một khoảng nhỏ đủ cho du khách bước qua, và bắt đầu giở cơm nắm, bánh mì ra gặm. Vừa ăn vừa nói chuyện trên trời dưới đất, chọc phá nhau ầm ỉ, ồn ào như đám quỉ cái. Hèn gì bị đặt tên là đám nữ kê cũng chả oan ức gì. Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò, là bọn tôi đây. Đối với chúng tôi, bất cứ chuyện gì cũng có thể là đề tài để cười giỡn.
Từ sau chùa, một chú tiểu cầm chổi ra quét lá gom lại từng đống hai bên đường, Đến gần bọn tôi, chú hơi ngần ngại rồi cất tiếng nhỏ nhẹ :
- Mấy chị ngồi đầy ra đường làm sao tôi quét lá được?
Biết là bị đuổi khéo, con bạn rắn mắt nhất của tôi cong cớn trả lời :
- Chú không quét chổ này thì quét chỗ khác, tụi tui ngồi đây cứ ngồi, chú làm gì nào??
Cả bọn khúc khích cười vì thấy chú tiểu đỏ mặt. Chú đứng cầm chổi, ngẩn người không biết trả lời ra làm sao. Con Tâm áy náy :
- Mấy bà thiệt kỳ! Chọc ai không chọc, chọc luôn cả người tu. Thôi, mình đi tiếp, để cho người ta làm việc.
Vẫn giọng con Liên the thé :
- Bà muốn đi cứ đi, ta ngồi đây, cứ ngồi lì cho đến tối. Coi ai làm gì được nào. Còn bà, có giỏi, thì đi giúp người ta quét lá đi...
Đứng trước một bọn nữ kê, nghe mấy câu ngược tai,chắc chú tiểu chảo thua, cầm chổi quay đi một nước, chẳng thèm quét lá chùa nữa.
Tụi tôi cũng đứng lên tiếp tục chương trình du ngoạn. Trước khi đi, con Liên còn móc thêm một câu:
- Ta xem con Tâm có căn tu, biết chừng đâu sau này nó vào núi Non Nước cạo đầu thí phát, ít chục năm sau gặp nó mình phải thưa một ni cô, hai ni cô đó tụi bay...
Đến cửa hang lên trời thì chúng tôi quên luôn chú tiểu, quên luôn con Tâm mặt xụ một đống chẳng nói chẳng rằng...Đứa nào cũng ham lên cho được tới Trời, thôi thì bò lên, trượt xuống, đất bụi trong hang dính bết vào áo quần...
Đường lên trời thì nhỏ, chui qua khó lọt mà lòng người thì háo hức, ló mặt được ra khỏi hang động tưởng đâu mình biến thành tiên nữ để vào chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế, nhìn lại nhau, bổng rũ ra cười, đau cả bụng...Trên đầu, trời xanh vẫn xa lắc xa lơ, những đám mây trắng vẫn thản nhiên, lững thững bay qua như xem thường thế sự. Còn bọn chúng tôi, mặt mày đỏ ké, hơi thở phì phò, mồ hôi nhễ nhãi, áo quần xốc xếch, đất cát dính tùm lum, nhìn nhau nữa mếu nữa cười! Ai đặt ra con đường lên trời để dụ khị thiên hạ cũng có ý lắm chứ! Chỉ cần hô một tiếng “Thăng thiên” là đủ làm cho mọi người chỉ vì lòng tham cầu mà đành chịu cong người, cúi đầu, bò lê bò càng, trầy da sứt trán,mặt mũi đổi thay và biến thành ác quỉ tức khắc. Vậy mà người đời chẳng mở mắt ra.
Mấy lần du ngoạn về sau đã có kinh nghiệm lên trời, chúng tôi vẫn leo lên để mà cười và lần theo con đường mòn trở xuống tìm hái mấy bụi sim mọc chen trong kẻ đá. Gai góc dính rách áo và đứt khuy là chuyện thường.
Từ đường lên trời qua đến chùa Linh Ứng là một con đường rộng, bằng phẳng với hai hàng cây sứ hoa nở bốn mùa. Hoa sứ là một loài hoa rất thơm, màu trắng nhụy vàng, đẹp thanh thoát, nở từng chùm lớn trên những cành khẳn khiu hình kỷ hà. Đi thật chậm trên con đường này, chúng tôi lượm những cánh hoa sứ rơi đầy trên lối, hít thở hương thơm và giắt lên mái tóc. Hai bên đường, vách đá dựng đứng cao vút đến trời xanh, chim rừng kêu ríu rít vui tai. Chúng tôi thường chia nhau leo lên những tảng đá lớn rải rác trên đường đi, vói tìm những cành hoa sứ để khắc tên mình và ngày tháng thăm chùa lên cành sứ. Mấy năm sau trở lại, thấy vết khắc lớn dần theo thân cây và thời gian ghi dấu những kỷ niệm đẹp.
Con đường này dẫn đến hang Gió và hang Dơi. Hang Gió vì có nhiều gió lộng vào, luồn qua cửa động tiếng nghe u u. Đứng giữa hang, nói lớn tiếng, sẽ nghe âm thanh vang dội vào vách động.
Hang Dơi vì có nhiều dơi. Ở đây, mùi ẩm mốc xông lên nồng nặc. Những con dơi ngủ ngày,đầu chúc đầu xuống đất, thấy người vào, xào xạc bay lộn lung tung.Những bức tượng người Chàm tạc vào vách động đá mờ phai, và đóng phủ rong rêu theo năm tháng. Có một ngõ nhỏ dẫn qua động Ngũ Cốc. Ở đây những hình đá chạm nổi tượng hình ngũ cốc do thiên nhiên tạo dựng. Tương truyền rằng đó cũng là nơi cất dấu lương thực của kháng chiến quân trong những năm nhân dân Việt Nam chống Pháp.
Gần động Gió là ngôi chùa Linh Ứng mặt quay ra hướng biển. Chùa đã bị tàn phá gần hết, còn chăng một hậu liêu không có người ở, trông rất điêu tàn.
Trời đã về chiều, và chúng tôi đi cả ngày cũng thấm mệt, nói cười ít lại và rủ nhau cả đám ra ngồi thật lâu ngoài Vọng Hải Đài.
Vọng  Hải Đài tọa lạc trên một ngọn núi nhỏ chìa ra khỏi ngọn Thủy Sơn và nhìn thẳng ra biển cả.
Mặt biển êm lặng và sáng rực rỡ hiện rõ những cánh buồm trắng ngoài khơi. Mặt trời chưa tắt,  còn ẩn sâu vào mây khói. Nước màu xanh biếc và bãi cát trắng phau chẳng có dấu người trải ngút ngàn đến chân mây.
Trên bờ sóng vỗ lăn tăn, tiếng rì rào từ xa đưa lại, nhìn xa, nước như bất động, chỉ in trên cát một viền trắng bọt sóng mỏng manh. Ở đây mọi thứ đều có vẻ xa xôi, cái gì cũng êm đềm chậm chạp. Thời gian và không gian như đông đặc lại, trở thành sâu thẳm, kể cả tiếng sóng rì rào bất tận và làn gió nhẹ mơn man trên mặt.
Ngồi ở Vọng Giang Đài, ta là một vị vua trị vì giang sơn trăm họ. Nhưng ở đây, trên Vọng Hải Đài, đối mặt với cái vô cùng của trời mây, của biển rộng, ta là một thiền giả, xa tất cả, rời bỏ tất cả, để nhập vào tất cả.
Ai đã từng ngồi ở Vọng Hải Đài,ai đã từng thấy cái vô cùng của trời đất,ai đã từng mở rộng cái tâm thức mình để thấy mình như sẳn sàng tan biến vào hư ảo của đất trời và có cảm giác mình và đất trời, hạt cát vàng, làn mây trắng mặt biển xanh, tất cả giữa cái êm lặng vô cùng...chỉ là một.
Mấy chục năm trôi đi như giấc mộng. Thỉnh thoảng ngồi đây nhớ lại chuyện xưa, nhớ ngày thơ cũ, những cảm giác thanh thoát trên vẫn thường trở lại trong tôi và càng ngày càng rõ rệt.
Hôm nay đối diện với bài kinh xưa, ngâm lại vần thơ năm cũ mà tâm hồn rung động.
Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm
Sương khuya, gió sớm, trăng rằm
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi
Bây giờ tôi bỏ quê tôi
Bỏ trăng, bỏ gió, chao ơi bỏ chùa
(Nguyễn Bính)
Bây giờ tôi bỏ quê tôi,dòng đời vẫn trôi như giấc mộng, mọi vật chung quanh tôi đều chuyển biến đổi thay.Tôi như một người sống qua một cuộc đời khác, bước qua một hành tinh khác...tôi còn sống, tôi còn thở, còn ăn cơm, còn uống nước mà tôi đã đổi thay...Không cứ gì một mình tôi, chung quanh tôi người người thay đổi, vật vật chuyển dời. Nói gì xa xôi, bọn nữ kê tác quái chúng tôi, đứa bỏ quê nhà ra đi hết một nữa, có đứa chết trên biển cả, những đứa khác mất biệt tin tức...Hơn ba mươi năm nhìn lại, một đứa lạc vào Úc châu, một đứa Mỹ Châu, hai đứa ở Canada, tưởng là cùng xứ cùng nước thì gần mà thật ra xa nhau hơn mấy ngàn cây số, thăm nhau thì chỉ biết gọi điện thoại viễn liên.Thôi thì điểm mặt những kẻ sống còn, đứa nào cũng đã lên chức bác, chức bà...cũng đi đủ các nấc thang thăng trầm của cuộc sống. Mà có đứa nào giống đứa nào??
Con bé rắn mắt nhất là cô Liên, đang hốt tiền ở Mỹ Quốc bằng nghề nhổ răng thiên hạ.
Con Hải làm superviser cho một hãng thầu, suốt ngày bù đầu với tiền với bạc và những con số. Gặp nó là chỉ nghe chuyện đầu tư, giá nhà, giá vàng lên xuống, và thị trường chứng khoán...
Con Ngọc, cựu luật sư hồi 75 nay bỏ nghề xưa về làm nội trợ, chí thú nuôi đủ năm con với một chồng, suốt ngày than thở không đủ thì giờ, bù đầu bù cổ, thở chẳng ra hơi.
Còn tôi, nhờ một thuận duyên gì đó không rõ, tôi sống tỉnh queo theo những thăng trầm của cuộc sống...và học Phật.
Hôm qua bạn tôi từ Mỹ điện thoại qua 12 giờ dđêm:
- Nga ơi, ngủ chưa? Ta đang cần đến bà.
- Gì đó nói đi, Nga đây.
- Mỗi đứa gửi tiền về để thầy ăn Tết, tôi vừa tìm được địa chỉ của thầy, thầy Duận hồi xưa kêu tụi mình là bọn nữ kê đó. Thầy nhắc và hỏi thăm tụi mình đó bà.
- Ô kê! Còn cô Chính thì sao? Có tin tức gì không?
- Chả có tin tức gì. Còn sống, chắc cô nay đã 90, ta sợ cô mất rồi...
- Này Liên, bên đó bà có đi chùa không?
- Thì giờ đâu mà đi chùa, thứ bảy ta còn làm việc nữa mà. Mà tại sao bà hỏi lãng nhách vậy? Đang nói chuyện thầy, tự nhiên bà nhảy qua chuyện chùa chiền...
- Ờ ờ...tại ta đang nghĩ tới chùa Non Nước.
- Ừ, nhớ thiệt! Này, có tin tức gì về nhỏ Tâm không?( nhỏ Tâm nay đã gần 50). Hồi đó mình chọc quê nó ở chùa ngoài...
- Có, hồi Hè đi họp có gặp chị cô Phùng Thăng mới hay con nhỏ đi tu rồi, đang ở Nha Trang.Lâu lâu nó về Sài Gòn thăm nuôi cô Trí Hải. Cô Trí Hải là cô Phùng Khánh ngày xưa dạy Anh văn tụi mình ở Phan Chu Trinh, nhớ không? Thôi, chuyện dài lắm, khuya rồi, ngủ đi, mai mốt nói tiếp. Cứ vậy mà làm ô kê, bye!
Tôi gác máy, lòng thẩn thờ...Sự sự, mang mang mờ mờ ảo ảo như đồi núi chập chờn nhấp nhô ẩn hiện trong sương đêm. Nhưng lạ thay trong cõi im lặng vô cùng, bỗng tôi nhìn ra một chuyện: Nhìn xem, con đường trải dài ra 30 năm, nhiều kẻ cùng đi mà không cùng đến. Nói về chuyện đời, lũ bạn mười đứa chúng tôi, cùng học cùng chơi, cùng thi, cùng đậu,cùng lớp, cùng thầy, cùng sống cả đời niên thiếu bên nhau, mà bây giờ, mỗi người mỗi phận. Nói về duyên Phật pháp, 10 đứa cùng đi chùa, cùng phá phách đùa giỡn vui chơi, cùng sắp một hàng dâng hương lạy Phật, cùng lâm râm khấn nguyện trước Phật Bà Quan Âm ngày nào...mà nay ai có giống ai??? Duyên Phật pháp có đó, nhưng mỏng dày không giống, cao độ không đều...
Tôi lại cầm điện thoại lên...
- Liên à, ngủ chưa?
- Chưa, gì đó bà?
- Gửi quà Tết cho thầy, gửi luôn cho nhỏ Tâm.
- Ô kê, còn gì nữa không?
- Tết này nhớ đi chùa!
- Nhất định rồi. Tết thì vợ chồng con cái dẫn nhau đi chùa. Chuyện đó là lẽ tự nhiên, khỏi nói!
- Gặp chú tiểu nào quét lá thì nhớ sám hối. Nay mình có ni cô Tâm rồi đó. 30 năm nữa gặp nó mình sẽ gọi bằng Sư Bà.
Tiếng bạn tôi cười vang trong điện thoại.
- Ô kê, ngủ đi bà. Bây giờ ta bỏ quê ta, bỏ trăng, bỏ gió, ta đâu bỏ chùa. Nhất là chùa bây giờ lại có Thích Nữ Liên Tâm...À Nga ạ, mỗi lần ta đi qua công viên, nhìn đám trẻ mải mê chơi cầu tuột ta lại nhớ chuyện tụi mình lên chơi chùa Non Nước và hạ sơn bằng thang máy. Mỗi đứa ngồi trên một cái nón lá, tuột từ đỉnh núi xuống theo đồi cát, giống y chang như mấy Phakir ngồi trên lá sen vượt qua sông trong phim Ấn Độ. Thiệt bọn nữ kê nhà mình chẳng giống ai! Bye!
Chiều nay tôi để lòng mình trôi theo thời gian trở về chùa cũ. Đất nước chúng ta đẹp đẽ và đáng yêu mến biết bao nhiêu.Thời gian trôi qua, núi đồi Non Nước với mái chùa xưa lùi dần theo dỉ vãng, con người cũng lần lần biến mất khỏi thế gian. Quả thật mọi chuyện biến chuyển vô thường, tất cả đều tan biến, mờ khuất...
Cho đến hôm nay, tôi chưa một lần có ý định trở về thăm quê, vì những lý do riêng tư, nhưng tình hoài hương vẫn còn in đậm nét như thuở nào...
Dù rằng thời gian qua đi, dù rằng mọi vật chuyển biến, sự sự đổi thay...dù rằng thế hệ xưa đã đi vào cát bụi, dù rằng... dù rằng...

Hết

Xem Tiếp: ----