Tôi sinh ra đời vào một sáng mùa xuân. Cùng lúc với ngọn nắng vàng ấm áp chiếu vào bụi cây lan tím ở góc vườn của ngôi chùa to lớn này.
Cái gì đối với tôi cũng mới, cũng lạ và đẹp rực rỡ, kể cả mái chùa Quan Âm đồ sộ ngói đỏ, lớn như cái đình làng với những cánh cửa sổ, cửa vô ra vừa rộng vừa cao.
Hàng ngày chùa vắng heo vắng hắt, cửa đóng then cài, mà đến thứ bảy, chủ nhật thì người ra vô như đi trẩy hội. Đặc biệt hôm nay là ngày đản sanh Phật Thích Ca nên khách thập hương đến dâng hương lễ Phật nhiều không kể xiết. Các bác trong ban trị sự làm việc phờ râu để lo tổ chức đại lễ. Cả tuần nay chiều nào cũng có khóa tụng A Di Đà và tối có những buổi thuyết giảng của quí thầy đến dạy Phật tử.
Ban đêm, dù đã đầu tháng năm, bên ngoài vẫn quá lạnh, tôi quyết định dọn vào ở hẵn trong nhà bếp của chùa. Ở đây vừa ấm lại vừa thơm, nhất là vào dịp này, chùa đang có hội lớn, nấu nướng liên miên.
Công việc hàng ngày của tôi là bay vòng vòng để nhìn thiên hạ. Nhũng ngày chùa im vắng, không đón khách thập phương, tôi lân la vào tàng kinh các, đậu trên từng quyển sách bày ngay ngắn trên tủ, miệt mài tìm hiểu lời kinh. Kinh có đến hàng ngàn quyển, đọc hoài không hết. Mà lạ thiệt! Ngay cả những ngày chùa rất đông Phật tử, trên dưới, người là người ra vô mà góc tàng kinh các này vẫn vắng khách vãng lai. Ít có ai đến tìm kinh sách học Phật. Phần tôi đọc mệt nghĩ, tha hồ mà đọc, dù hiểu hay không. Đọc chán, tôi đập cánh vòng vòng bay về phía cầu thang leo lên chánh điện. Không khí ở đây nghiêm trang và thoáng mát nhờ hai cửa sổ lớn mở ra thấy lộ trời xanh với những ngọn cây phong lá nhỏ li ti. Mỗi khi làn gió xuân lướt qua, lá rung lên nhè nhẹ
Tôi thích nhứt đậu lưng chừng cành dương liễu trên tay Phật Bà Quan Âm, từ đây tôi có thể nhìn ra bốn phía của chánh điện. Phật tử lên lễ Phật là tôi thấy hết, đôi lúc giữa không gian yên tĩnh, tôi còn nghe được những lời tâm sự của khách thập phương đến dâng hương lễ Phật.
Bữa nọ có một người trẻ tuổi đến chùa xin cầu siêu cho bà mẹ vừa mất ở Việt Nam. Anh thưa với bác Tám xin đặt hình mẹ thờ luôn ở chùa và xin chùa cứ tự tiện cúng vong. Khi đã đóng tiền xong xuôi, anh ôm bóng bà cụ lên lễ Phật. Anh quí thẳng, nghiêm chỉnh nhìn lên Phật, không vái không lạy, anh khấn một hơi:
- Lạy Phật, đây là lần đầu tiên con đến gặp Phật. Con không phải là Phật tử nhưng mẹ con lúc còn sống hay đi chùa, bà cụ vẫn tâm nguyện là khi lo xong cho con cái nên người, bà sẽ về nương tựa Phật. Nay mẹ con chết đi mà nguyện vọng chưa thành, vì bà lo cho con xong lại phải lo cho cháu, lo hoài không hết nên chưa đi tu được. Nay con đem mẹ con gửi cho Phật, xin Phật bảo bọc phần hồn cho mẹ con.
Anh ngần ngừ một chút rồi khấn thêm:
Tuy con là con trai nhưng không thể hương khói cho mẹ được vì con lấy vợ canadienne, nói sợ nó không nghe, giải thích sợ nó chẳng hiểu...mình lại ở xứ sở người ta...con lại thương nó quá nên chẳng biết tính làm sao, may quá con mới được biết đây có chùa, có Phật, con xin gửi mẹ con cho Phật.
Khấn xong, anh lạy lấy lạy để năm sáu cái rồi đứng dậy ra về. Từ đó chưa bao giờ thấy anh trở lại chùa.
Tôi mừng cho bà cụ có chổ nương tâm thanh tịnh, chứ hồn bà vượt biển qua tới Montreal để đoàn tụ cùng con mà vợ chồng con cái chúng nó nói xí xô xí xa tiếng tây với nhau thì bà sẽ rầu mà chết thêm lần nữa...mà lần này thì xứ lạ quê người, ba nẻo sáu đường chẳng biết về đâu.
Cô Phật tử kia lại thân thiết với Phật hơn. Suốt cả mùa hè, mỗi thứ tư, biết chùa có mở cửa, cô lại xách áo lên chùa lễ Phật rất lâu và thưa cùng Phật như sau:
- Đời con gặp nhiều nỗi buồn đau, nhưng được ngồi bên chân Phật, lòng con thấy thanh tịnh, nhẹ nhàng và êm mát quá...may mắn cho con là mỗi thứ tư con được nghỉ việc mà chùa lại mở cửa nên con được về ngồi bên Phật.
Hôm đầu tháng cô lại lên bạch Phật:
-Lạy Phật, hôm nay con buồn quá, người yêu của con vừa được tin vợ của ánh sắp sắp được giấy xuất cảnh qua Canada đoàn tụ với gia đình. Con đọc sách Phật đã mấy năm cũng biết tình là giây oan là nợ khó cởi, mà oan trái hơn nữa con lại có tình yêu với một kẻ có vợ rồi...Cho nên con khổ quá, xin Phật nhủ lòng từ bi gia hộ cho con tìm thấy đường thoát khổ.
Lần sau, cô lại đến tâm sự với Phật:
-Lạy Phật, gia đình người yêu con đã được đoàn tụ, con cũng khổ mà anh ấy cũng khổ! Nhưng mà chúng con quyết định xa nhau để cứu lấy gia đình ảnh. Chị ấy rất hiền, tuần nào cũng đi chùa, còn con anh ấy thật dễ thương, cả bốn đứa đều sinh hoạt trong gia đình Phật Tử Sen Trắng. Thôi xin Phật đừng lo cho con nữa, con sẽ cố gắng quên mà vui sống.
Từ đó cô đi luôn, chả thấy trở về.
Bà cụ ở xóm Côte Des Neiges đã hơn 60 tuổi, mấy năm nay nhờ thuận duyên được ở gần chùa, bà đến làm công quả cho chùa luôn luôn. Mọi người gọi bà là bác Mười Một vì bác là con thứ mười trong gia đình...Tánh bác vui vẻ săn dòn và dễ chịu, ai cũng quí cũng thương. Thường thường bác lo việc nấu dọn cỗ bàn xong lại xoay qua dọn dẹp quét tước, chẳng hề để tâm đến việc tụng kinh, nghe giảng, học Phật. Khi làm việc, bác cười nói huyên thuyên...miệng bằng tay, tay bằng miệng, việc gì đến tay bác là xong ngay..chờ khi tan lễ, khách thập phương về hết, chùa trở lại quang cảnh lặng vắng nghiêm trang, bác mới mặc áo thu xếp ra về...Trước khi ra về, bác không quên bỏ dép, rón rén lên chánh điện lạy Phật rất cung kính thành tâm. Đặc biệt bác luôn luôn nguyện cầu một ân sủng gì đó ví dụ xin cho đứa cháu nội của bác tai qua nạn khỏi:
-Cháu nó mới sanh bốn tháng mà bị sưng phổi, bác sĩ cho uống trụ sinh mười ngày mà chưa hết bịnh, tội nghiệp lắm Phật ạ. Lạy Phật, thấy cha mẹ nó khổ vì con  quá con cũng thấy khổ theo luôn, ngủ không được, ăn chẳng thấy ngon, đắng cả mồm cả miệng...Xin Phật phù hộ cho cháu và cho con luôn thể.
Bữa khác bác xin cho cô em gái bên nhà nhận được quà của bác gửi về sơm sớm một chút cho kịp bán lấy tiền trang trải nợ nần hoặc đứa cháu họ của bác vượt biển đến được đảo bình an...Mỗi lần thỉnh nguyện điều gì, cụ lại khấn thêm:
-Con sẽ nguyện ăn chay một tháng để tạ ơn...
Có bà bạo hơn, lên thưa với Phật như sau:
-Xin Phật cho con trúng lô tô (xổ số quốc gia). Kỳ này tiền trúng độc đắc lên đến mười triệu đôla Nếu con trúng số, con sẽ xin cúng chùa một triệu để xây cất chùa to hơn, đẹp hơn, rộng gấp năm lần hơn và con sẽ thỉnh một tượng Phật lớn hơn có dát vàng đúc tận bên Đài Loan đem về...Nghe bà hứa hẹn tương lai lên dần, hơn dần, cao dần, đẹp dần...tôi mơ màng muốn ngủ gục luôn suýt tí nữa thì rớt cái bịch xuống đất.
Hai tuần sau bà lại lên thưa với Phật:
-Lạy Phật con trúng số được 1000$.Đáng lẽ con phải cúng Phật 100, tức mười phần trăm số tiền trúng nhưng hôm qua con vừa được điện tín bên nhà đánh qua báo tin em con đau nặng phải vào nhà thương nên con phải gửi gấp về Việt Nam 500. Số tiền 500 còn lại con còn phải mua quà, mua áo đi dự mấy cái đám cưới. Bạn bè con ở đây rất đông, mà năm nay sao họ lại đám hỏi đám cưới cho con cháu nhiều quá, không đi không được...mà đi thì phải tốn kém...Thôi, con xin cúng Phật 20$.
Rồi bà bỏ vào thùng phước sương bốn tờ 5$. Trước khi bỏ tiền, cụ cẩn thận đếm đi đếm lại, đếm tới đếm lui và xin Phật xá tội cho vì cái lỗi hứa mà không làm...Bà còn trách Phật phải chi Phật cho con trúng một triệu thì cũng đỡ khổ, đằng này...Phật chỉ cho có một ngàn...
Đại khái...Trong ngôi chùa to lớn này, kẻ vào người ra ào ào, mỗi người một tâm niệm, một suy tư. Ai đến chùa cũng đem theo một tâm sự hoặc ước nguyện gì đó, rõ rệt hay mơ hồ. Họ đi chùa với mỗi mục đích riêng. Cái gì đó nếu tốt cho mình cho người thì kinh đặt tên là nguyện hạnh, còn ích kỷ vụ lợi thì gọi là ý đồ.
Những người trẻ tuổi phần đông chỉ đến chùa khi hữu sự, nghĩa là trong những dịp quan hôn tang tế của gia đình mình hay bạn hữu của mình chứ còn họ thì họ chỉ thích lui tới nơi phòng trà, phố xá  hay rạp xi nê, hoặc lành mạnh hơn, nơi các hội quán thể thao, thể dục...Có một ít người như cô gái nọ, đến chùa để chạy trốn khổ đau, tìm đường thoát khổ. Bởi vậy thầy dạy, mái chùa như cái nhà thương, khi đau thì tìm đến, khi lành mạnh thì bỏ đi, quên mất thầy, quên mất chùa, đúng thiệt!
Trái lại, mấy bác lớn tuổi xem chùa như nơi họp bạn già hàn huyên trút bầu tâm sự mà quên mất ý nghĩa cao cả của chùa chiền là nơi Phật tử đến kính lễ Phật. Thay vì học lấy lời kinh tiếng kệ để  tu sửa đời mình theo con đường thanh lọc tâm, hướng đến phần thanh cao giải thoát như Phật ngày xưa, thì họ lại đem hết những vui buồn thế nhân vào đặt hết nơi cửa bồ đề.
Những ngày sống nơi đây không phải tôi chỉ nghe chỉ thấy những thiên hạ sự khó bề phân giải như trên. Những hôm đẹp trời, nắng ấm, ăn uống xong xuôi, tôi ra vườn thực tập “thiền bay”. Tôi vừa bay vừa thở, đập cánh rất nhẹ rất đều, không quá chậm mà không quá nhanh...Thỉnh thoảng tôi đậu lại trên cánh hoa hồng hay thược dược, thảnh thơi nhìn ngắm cảnh vật  êm đềm chung quanh. Trời tốt thì tôi ở lại trong vườn lâu hơn. Ngọn nắng chiều vẫn rực rỡ và ấm áp.
Chiều thứ sáu, ngoài đường im vắng, nhưng tôi biết chốc lát nữa đây, độ 6-7 giờ chiều sẽ có một chiếc  xe nhỏ Toyota màu xanh đậu trước cổng chùa và một ông tóc muối tiêu mặc đồ “jean” bạc màu bước xuống. Ông không vào chùa lễ Phật như mọi người. Ông chỉ lặng lẽ mở nắp thùng xe, ì ạch kéo chiếc máy cắt cỏ chạy bằng xăng rồi bắt đầu rà rà cắt xén những bãi cỏ lớn nhỏ trong sân chùa. Tôi biết ông ta là một kỹ sư điện Hydro Quebec, có vợ đầm và con đã lớn sắp vào đại học, là do bữa nọ bác Tám chở mấy bao gạo đến cho chùa, họ gặp nhau ngoài sân và nói chuyện rất lâu.
Nhân duyên gì khiến cho một người phát nguyện làm công quả cho chùa lặng lẽ như cái ông nọ, đối với tôi quả là một đại bí mật. Cái đầu muỗi bé tí ti của tôi chịu thua.
Tôi cũng tự thắc mắc là nhân duyên gì khiến cho tôi lần này sanh vào cửa Phật và gặp duyên học hỏi Phật pháp. Có lẽ rằng trong một kiếp nào đó, tôi cũng như ông kỹ sư kia, có lần đã phát nguyện làm một điều gì cho nên hôm nay mới ghé lại tá  túc ở chùa Quan Âm, với đủ loại chúng sanh cùng đủ thứ tâm niệm...
Đời một con muỗi thì có gì lạ? Thân tôi chỉ dài bằng móng tay út của một người thấp bé nhất trong cõi người. Còn mạng sống tôi ư? Ngồi mà đếm từng ngày cho kỹ thì cũng chỉ bằng một phần trăm ngàn tuổi thọ của đời người nơi đây.
So vậy mới thấy rõ là mạng người quí hóa và dài lâu biết bao! Có lần trong kinh dạy rằng Thân người khó được, Phật pháp khó gặp, nay thế nhân có được thân người, lại gặp khi Phật pháp trùng hưng, đâu đâu cũng có chùa có thầy mà ít người học Phật. Góc tàng kinh các vẫn là chốn cung cấm, ít người héo lánh lân la...Thật uổng cho thế nhân!
Mà không phải mình tôi tiếc đâu nhé, cặp vợ chồng ruồi bên kia đường cũng đồng ý với tôi như vậy.
Mỗi tuần khi mùi hương hoa xào nấu ở bên chùa tỏa lên thì họ hàng nhà ruồi cũng kéo đến chùa nhập hội và nhờ đó chúng tôi quen nhau.  Khi có giờ rổi rãi chúng tôi bàn chuyện học Phật và chuyện thế nhân. Bàn đến chuyện nhân duyên, chúng tôi nhận ra rằng, mình (họ hàng nhà ruồi nhà muỗi chúng tôi) đang được nếm mùi Phật pháp. Nói như lời các thầy hay giảng trên chùa thì Phật pháp cao siêu huyền diệu, ngàn đời không dễ gặp đâu, giờ đây có duyên trì tụng, nguyện xin đạt ý nhiệm mầu. Học đến đây chắc cũng thấm ý nhiệm mầu, vợ chồng anh chị ruồi đem nhau đến trước Phật cùng phát nguyện:
-Đời chúng con quá ngắn ngủi, kiếp này đã chọn nhà ông Ấn Độ bên kia cổng chùa để tá túc cùng với họ hàng nhà ruồi của chúng con. Nhưng nay con nguyện để lại bọc trứng bên chùa để đến mùa xuân sang năm mấy đứa con ruồi của chúng con được theo dấu chân Phật, được hưởng hương vị giải thoát, ít nhất cũng xin được thảnh thơi nhàn hạ cận kề bên Phật như anh muỗi, bạn chúng con hiện nay.
Những ngày tháng lui tới chùa, nghe dự vào thiên hạ sự, anh chị ruồi lại càng vở lẽ câu “khó nhất tu chùa dễ nhất tu nhà”...vì hỉ nộ ái ố ở chùa cũng nhiêu khê rắc rối không kém gì ngoài chợ, ngoài đời. Anh chị ruồi lại phát nguyện:
-Nguyện cho tất cả chúng sanh, đừng oan trái lẫn nhau, xin cho được mọi sự an vui.
Tôi thấy đại nguyện này cao xa quá, gì mà cho tất cả chúng sinh! Loài người đã nhiều mà lại cọng thêm loài muỗi loài ruồi chúng tôi nữa làm sao mà lo cho xuể.
Chị ruồi cười:
-Còn nữa, còn nữa, chúng sanh đây là loài vô sắc và hữu sắc, loài vô tưởng và hữu tưởng(có tư tưởng), loài lóa sinh, loài thấp sinh, loài thai sinh, noãn sinh..v.v..và v.v...
Thấy tôi há hốc mồm hốt hoảng ngẩn ngơ, anh ruồi giảng tiếp:
-Nguyện đó gọi là bi nguyện đó chú ạ. Không có lòng từ bi là không làm chi nên chuyện trên cõi đời này đâu...
Tôi lắc lắc cái đầu.. Hai anh chị ruồi này ôm đồm quá...
Rồi thời gian qua đi, tôi cảm thấy tuổi già kéo đến..Lưng bắt đầu đau, cánh cũng mỏi, và rêm mình...Có nhiều hôm tôi nằm lỳ trên tàng kinh các, không buồn động đậy. Tôi chỉ cần uống chút nước trong và nếm ít mật hoa là đủ sống qua ngày. Tôi dùng những ngày cuối cùng của đời mình để chiêm nghiệm về thuyết nhân duyên, thật là trùng trùng điệp điệp mà cũng thật là giản dị. Cái này có nên cái kia mới có.Cái này sinh ra nên cái kia phải sinh ra. Ví dụ ngôi chùa Quan Âm đã được xây cất lên, vì có chùa nên có Phật tử lui tới. Có Phật tử nên có gia đình Phật tử sinh hoạt...và vì có đủ như vậy nên phải có thầy trụ trì điều khiển chăm lo Phật sự... Cứ vậy mà mọi người đều hoan hỉ vì nguyện ước viên thành...
Duyệt lại các lời nguyện lớn nhỏ, từ lời nguyện của toàn Phật tử chùa Quan Âm đến lời nguyện của mấy thầy, qua lời nguyện của vợ chồng anh chị ruồi cùng học Phật với tôi qua đến trong văn chương kinh kệ, những lời nguyện của chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ, chư vị cổ đức cho đến lời nguyện rất cảm động của thầy Thích Quảng Đức để lại cho đời khi dâng mạng sống của mình cho Phật pháp...tôi ngẫm ra được một điều là lời nguyện càng thấm lời từ bi thương xót hướng về kẻ khác càng có nhiều hiệu quả, dễ đi thẳng vào tâm và càng mau thành tựu.
Suy đi nghĩ lại, tôi sống sắp hết kiếp muỗi mà cũng chưa  có lấy một cái nguyện gì cho nên thân...so với vợ chồng anh ruồi tôi còn thua mấy bậc, vậy mà khi anh chị ấy phát nguyện tôi đứng một bên chê cao chê thấp, chê nhỏ chê to, chê ham hố ôm đồm...nghĩ lại thấy quê ơi là quê, nhưng bây giờ biết anh chị ruồi ở đâu mà tạ lỗi nhỉ. Đường qua nhà ông Ấn Độ thì xa, mà tôi già yếu quá rồi, mắt mờ, cánh mỏi, chân run...
Tôi nhớ lại cái lý nhân quả, quả thật là hay, dù  đọc xuôi theo chiều luân chuyển hay đọc ngược theo chiều hoàn diệt: vì cái này có nên cái kia có,vì cái này sinh ra nên cái kia sinh ra, vì cái này không sinh ra nên cái kia cũng chẳng có. Mà không có sinh thì làm sao có chết đi cho được. Chẳng qua từ đời này trôi qua đời khác, bập bềnh, lang thang, vô định, gặp đâu tấp đó như đám lục bình, đảo đảo điên điên quay quay lộn lộn như mảnh lá rơi giữa cơn gió nghiệp, như người mù mất gậy, như kẻ không biết lội, rớt giữa sông...Chứ cứ thẳng đường nghiêm chỉnh chí tâm chí thiết mà đi theo đường đã định thì sẽ tới chổ muốn tới ví như mấy bác theo khóa tịnh độ muốn về với Phật A Di Đà thì Phật A Di Đà sẽ đến rước tận nơi.
Còn tôi, tôi đã nguyện là kẻ suốt đời đi tìm học Phật pháp thì đi đâu rồi cũng sẽ gặp Phật pháp...
Tôi tự soạn cho mình một bài nguyện và dùng để tụng mỗi ngày...Cho đến một hôm bác Tám cầm phất trần lên chánh điện phủi bụi, bác sẽ tìm thấy xác một con muỗi chết khô tự thuở nào theo hơi gió bay xuống chân Phật đài và bác sẽ thản nhiên hốt vào thùng rác cùng với bao nhiêu thứ sạch dơ khác của cuộc đời.
Riêng tôi, chỉ trong một chập tư tưởng, một cái chớp lòe của phần triệu sát na, tôi đã về bên núi đá năm xưa, nơi đó thầy tôi vẫn ngồi dung dị trên bồ đoàn, bên cây hương chưa tàn. Thầy nhìn tôi, trách nhẹ:
-Con thắp hương lên đó, hương còn cháy mà con đã lang thang cả một kiếp đời. Cũng may con chỉ làm thân con muỗi và loanh quanh nơi chùa Quan Âm. Thôi con hãy ngồi xuống bên ta để cùng thở, chờ hương tàn và tiếp tục tuần trà buổi sáng.
Buổi sáng nhẹ như mơ.....

Hết

Xem Tiếp: ----