Đang chăm chú thêu, nghe tiếng cháu nội Ngọc Diệp reo vang trước cửa, thím Thanh ngưng lại, trễ mắt kiếng xuống, dang hai tay đón núm ruột thân yêu duy nhất của mình hun chùn chụt: - Hôm nay con học có giỏi không? Bé chu mỏ: - Giỏi lắm chứ nội! Con trả bài thuộc lòng được 10 điểm nè, toán cũng 10 điểm nữa nè! Nghe con bé trổi giọng đớt đát nhão nhoẹt, thím cưng quá mắng yêu: “Tổ cha mầy!”, đoạn thím mĩm cười cầm cái bánh cam trao cho cháu: - Vậy thì đáng thưởng quá rồi! Thím Thanh lẵng lặng nhìn cháu háo hức ăn mà niềm vui dâng tràn. Rồi bỗng nhiên thím chợt nhớ đến ba nó, đang vui thím biến thành thương cảm, buông tiếng thở dài để che dấu nỗi nghẹn ngào chất chứa trong lòng. Thím thầm than thở, người ta thường kháo với nhau là “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”, nhận định nầy áp dụng cho hoàn cảnh thím chính xác đến nổi càng nhớ nghĩ thím càng lo sợ chẳng hiểu tại sao tai họa cứ tuần tự tới hoài, biết đến bao giờ tai họa mới chịu buông tha thím? Chỉ mới mười năm trước đây, gia đình thím đang lặn ngụp trong cảnh sung túc an lành tại thị xã Rạch Giá. Vợ chồng thím – Hải và Thanh – “đụng” nhau khi cả hai đang là công nhân mạt hạng cho một vựa cá biển tại thị xã Rạch Giá. Vợ chồng tận lực làm việc ngày đêm, tằn tiện, nhặt nhạnh từng đồng góp thành vốn nhỏ khả dĩ tự đứng thu mua cá biển, rồi chuyên chở đến chợ Cầu Ông Lãnh giao hàng. Tiền bạc lại đẻ ra tiền, thương vụ tăng lên dần, chú thím tậu tàu đánh cá để bớt được khâu trung gian, và cứ thế, chỉ trong một thời gian ngắn họ vừa củng cố vị trí chủ vựa cá biển to lớn vừa làm chủ đoàn tàu đánh cá hùng hậu, tiền bạc vô như nước. Đã vậy, Hưng đứa con trai duy nhất ngoan hiền, học giỏi, lại trúng tuyển vào trường đại học công nghệ, khiến cho bà con cô bác ai cũng trầm trồ khen ngợi. Thế rồi, ngay trong tiệc rượu tưng bừng mừng con đỗ đạ̣t, đang cụng ly cười nói vang trời, bỗng nhiên chú ôm bụng kêu đau, Thanh đỡ chồng vào giường thì Hải đã nôn mửa thốc ra, rồi nằm rũ riệt thở không ra hơi. Thím cuống quít lăng xăng, lau mồ hôi, thoa dầu, cạo gió, đắp nước nóng... những tưởng bệnh trạng của chú chỉ là thứ trúng thực nhẹ, cần một đêm nghỉ ngơi cũng bình phục, nào ngờ chú cứ oằn oại rên la mãi. Thím hốt hoảng chở vào bệnh viện tỉnh, sau khi thử nghiệm họ khuyên thím khẩn cấp đưa chồng đi Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ Chợ Rẫy chú được chuyển sang Viện Ung Thư giải phẩu, cắt bỏ một khúc ruột dài vì bệnh ung thư đại tràng. Sau mấy đợt mổ liên tiếp, chưa kịp hoàn hồn thì chú lại phải chịu đựng sáu trận xạ trị liên tiếp, đồng thời, lại phải uống toàn những loại y dược cực độc, thân xác Hải bèo nhèo khô kiệt, tựa hồ như cơ hội sống sót vô cùng mỏng manh. Cuối cùng, sau bảy tháng trị liệu, mầm mống ung thư dường như đã biến dạng, sức khỏe tương đối vãn hồi đôi phần, hi vọng sẽ có ngày hoàn toàn bình phục. Trong thời gian tận lực lo lắng sanh mạng người chồng yêu, Thanh bỏ xụi công việc kinh doanh, ủy thác viên quản lý tín cẩn toàn quyền quyết định. Trái với niềm tin của thím, khi kiểm soát sổ sách, Thanh khám phá ra cả hai cơ sở đều lỗ lã nặng với những khoản thất thu đáng ngờ. Tệ hại nhất là đoàn đánh tàu đánh cá, đã không sanh lợi, mà có chiếc còn bị hư hỏng bỏ phế chỉ vì thiếu chăm sóc. Thời điểm nầy, tuy mạng sống của Hải có thể bảo toàn, nhưng làm sao chàng đủ sức tiếp tay vợ gánh vác bao nhiêu công việc đổ tấp lên đầu như xưa. Một mình thím, cố gắng lắm, may ra thím đủ sức kiểm soát vựa cá, nhưng mải mê kiếm tiền, bỏ bê chồng lây lất với cơn bệnh ngặt nghèo thì thím không nỡ. Vì vậy, thím đành quyết định sang vựa cá và bán đổ bán tháo đoàn tàu cá, mang toàn bộ tài sản lên Saigon sinh sống. Thanh mua ngôi nhà rộng rãi tại mặt tiền đường Sư Vạn Hạnh, xéo xéo chùa Ấn Quang, với giá tương đối rẻ. Thím chọn khu xóm bình dân ở để dấu tông tích giàu sang của mình, địa điểm nầy lại rất thuận tiện để thím đưa chồng tới lui bệnh viện. Thật ra, Thanh dự trù trong tương lai, khi hoàn cảnh cho phép, thím có thể cơi lầu và biến nhà ở thành một cơ sở kinh doanh hoành tráng được. Nếp sống lần lần trở nên ổn định, nhưng Thanh chưa thanh thản bao nhiêu ngày thì lại phải bồn chồn lo lắng tiển đứa con trai cưng lên đường nhập ngũ. Hưng bị bác đơn hoãn dịch vì trợt cả hai kỳ thi cuối năm. Thằng bé vừa lên đại học, bài vở khó khăn, lại mất tinh thần về căn bệnh quái ác của cha, nên hơ hỏng không vượt qua nổi kỳ thi gay go. Ra trường sĩ quan, Hưng liền nhận được lệnh phục vụ tại một đơn vị tác chiến, Thanh phải vận động mãi, tốn hao tài sản khá nhiều mới kéo con về văn phòng, thuộc Ban Quân Huấn tiểu khu Long Khánh. Hưng vừa yên thân, thì Hải liền khuyến khích con lập gia đình, hi vọng sớm có cháu nội ẵm bồng trước khi phải nhắm mắt lìa đời. Thế nhưng Hưng cố tình lảng tránh chuyện nầy, chàng cho rằng mình quá trẻ để bận bịu vợ con, huống chi trong buổi chiến tranh, mạng sống người lính chiến rẻ như bèo, rủi có bề gì thì sao!? Nghe hung tin nầy, Hưng vâng lời mẹ, “khẩn cấp” tổ chức lễ thành hôn với Hạnh, người yêu lâu năm tại tỉnh nhà, và chỉ trong vòng một năm họ đã “khẩn cấp” sản xuất ngay được cô con gái mũm mĩm khiến ông bà nội hỷ hả rộn ràng. Lòng thiết tha mong đợi cháu nội có lẽ đã giúp cho Hải thêm nghị lực phấn đấu với tử thần, nhờ vậy chú sống lây lất mãi cho đến khi ăn thôi nôi cháu nội mới vĩnh viễn ra đi. Thời bôn ba làm giàu, Thanh chỉ biết tôn trọng Thần Tài và cúng kiến cô hồn để cầu mua may bán đắt, tuyệt nhiên thím chẳng màng nghĩ đến việc lễ Phật nói chi đến chuyện tu tập. Do đó, tuy cư ngụ cạnh chùa Ấn Quang đã hơn bốn năm mà Thanh vẫn ngại ngùng chưa hề đặt chân đến cổng chùa. Mãi đến khi lâm vào hoàn cảnh góa bụa, con cháu cách xa, vò võ một mình một bóng trong chuỗi ngày dai dẳng buồn tênh, Thanh mới chịu theo dì Ba bán cơm tấm cạnh nhà đi chùa lễ Phật, nghe Pháp và làm công quả. Nhờ vậy, thím lần lần nếm hương vị đạo: nhận chân được lý vô thường, lý nghiệp báo và sự thật về cái “khổ” lúc nào cũng đang rình rập kiếp sống mong manh của con người. Thím bèn khẩn thiết xin thọ giới quy y và được ban pháp danh là Thanh Liên, dịch nghĩa là đóa sen xanh. Từ đó, thím càng tích cực tham gia mọi sinh hoạt chùa chiền, lấy việc tu học, lễ bái và làm công quả làm niềm vui. Một hôm thím đang chăm chỉ quét dọn sân chùa, bỗng liên tưởng đến giấc mộng kinh hoàng đêm qua, thím rối loạn tâm thần, choáng váng vịn tay vào tường mới đứng vững được. Thầy Minh Phát vô tình đi ngang vội dừng lại ái ngại lên tiếng: - Con mệt lắm phải không? - Con chỉ hơi xây xẩm chút xíu thôi, giờ đã khỏe lại rồi ạ! Thầy nhíu mày trầm tư, đoạn lên tiếng: - Thầy đoán có lẽ con thường cảm thấy hồi hộp bất an, ban đêm còn bị ác mộng hành hạ nữa phải không? Thím ngạc nhiên chẳng hiểu sao thầy biết rõ chuyện nầy, muốn hỏi kỹ nhưng ái ngại, nên ngần ngừ rồi đáp: - Dạ đúng như vậy đó thầy! Thầy lắc đầu, thở dài: - Thầy xem ra nghiệp sát của con nặng nề quá! Tội nghiệp! Thật là tội nghiệp! Từ khi học Phật, biết nhân quả tội phước, thím Thanh vẫn canh cánh trong lòng nỗi lo lắng kinh hoàng về nghiệp sát lớn lao khó ước lường của mình. Lòng dạ thím đâu đến nổi ác độc, vậy mà, tính ra có lẽ thím đã trực tiếp hoặc gián tiếp tàn sát hằng triệu triệu sanh linh các loài thủy tộc, đó là chưa kể các loài thú vật trên bờ, có loại nào ngon bổ mà thím buông tha mạng sống đâu? ngay như những loại hàng khan hiếm, bẫy bắt khó khăn cùng với lối sát hại tàn nhẫn như lộc nai, mật rắn, mật gấu, huyết se sẻ, nai hà nàm, óc khỉ... chỉ vì nghe lời đồn đãi là bổ âm tráng dương thím liền hùa theo, tranh nhau đặt mua về tẩm bổ nữa kìa. Khi thu dọn cơ nghiệp về ẩn thân chốn nầy, thím Thanh chẳng hề thổ lộ bà con lối xóm ngành nghề của mình thuở trước, thành thử mối lo âu dằng dặc về quả báo của nghiệp sát đeo đẳng ngày đêm, thím chỉ âm thầm chịu đựng chẳng thể tâm sự với ai cho vơi nhẹ nỗi lòng. Vì vậy, khi nghe thầy Minh Phát “phán” một câu khơi dậy đúng ngay mối sợ hãi thầm kín của mình, thím Thanh bỗng rờn rợn điếng cả người, rồi bật khóc nức nở: - Con sợ quá thầy ạ! Mà con phải làm sao bây giờ? Thầy có cách gì cứu giúp con giải nghiệp được không thầy? - Nếu con một dạ chí thành tu tập Phật Pháp thì nghiệp nặng nào cũng nhẹ lần con ạ! - Thầy ạ! Mỗi tháng hai ngày mười bốn và ba mươi con đều nghiêm chỉnh tham dự lễ Phật Sám Hối chẳng quên, ngoài ra, con cũng tham gia đạo tràng tịnh độ do thầy Minh Thành hướng dẫn, tụng kinh và niệm Phật A di Đà hàng ngày, liệu như vậy có đỡ chút nào không thầy! - Ơ! thầy nghĩ rằng thành tâm lễ Sám hối và việc vô cùng cần thiết, Niệm Phật lại càng hiệu nghiệm công đức khó ước lường. Chư cổ đức thường dạy “Chí thành xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, sẽ được tiêu tội nặng trong tám mươi ức kiếp sanh tử”, tóm lại, pháp môn Niệm Phật diệu dụng khôn lường, miễn là con cố gắng niệm sao cho có phẩm chất, niệm tinh chuyên không tán loạn thì tội nào chẳng tiêu trừ! Thầy ngập ngừng giây lâu, rồi ôn tồn tiếp lời: - Tổ Ấn Quang từng khuyên nhủ rằng thời mạt pháp hung hiểm khó lường nên người hành giả, ngoài thời khóa Niệm Phật, cũng cần Niệm Bồ Tát Quán Thế Âm cho vạn sự đều được an lành. Từ đó, thím Thanh một mực nương theo lời dạy của thầy, tu tập ngày càng tinh chuyên, điểm đặc biệt là thím rất tha thiết niệm Bồ Tát Quan Âm, có lẽ niềm tin nầy giúp thím yên ổn tâm thần, đỡ nghĩ quẩn, lo âu về hoàn cảnh đứa con trai đang dấn thân trong vòng binh lửa. Tình hình chiến sự đầu năm 1975 ngày càng sôi động ác liệt, miền Trung tan rã, tỉnh Long Khánh trở thành ải địa đầu chống đỡ thủ đô Saigon, tất cả lính văn phòng đều bị phân phối bổ xung cho các đơn vị tác chiến, Hưng bèn hối thúc vợ đưa con di tản về Saigon với mẹ. Chỉ một thời gian ngắn sau, thím Thanh lại hãi hùng nghe tin Long Khánh bị tràn ngập, bạn bè quân ngũ của Hưng, có kẻ tử trận, người chạy thoát thân về Saigon, riêng tin tức về số phận của Hưng vẫn mù mờ và đầy mâu thuẩn. Thế rồi, giờ phút sụp đổ của thủ đô Saigon kề cận. Trong cảnh thành phố bị cô lập rồi bỏ ngỏ, người Hoa Kỳ hấp tấp rút lui mang theo nhóm cộng sự viên thân tín, và Saigon phút chốc trở thành vô chủ, hổn loạn kinh hoàng. Dân chúng hoang mang cùng cực, lăng xăng tuôn ra khắp nẻo đường tìm cách thoát thân ra nước ngoài bằng đủ mọi phương tiện. Gia đình bên vợ của Hưng nhà sát cửa biển Rạch Giá cũng chuẩn bị sẵn sàng vượt biên, nhưng chuyến đi đành đình hoãn vì con cháu chưa tụ về đầy đủ. Trong thời buổi nầy, làm sao Thanh giữ tâm thanh thản tu tập cho được, thím hoang mang thảng thốt, nhưng chẳng có phương cách nào khác hơn là suốt ngày sụt sùi trước tượng Quan Âm lâm râm khẩn cầu Bồ Tát gia hộ cho con. Cô dâu giao con cho mẹ chồng chăm sóc, hàng ngày đôn đáo chạy ngược xuôi trông ngóng dò la tin tức chồng, nàng cũng liều lĩnh lội khắp các trận địa, đến từng nhà tù thuộc phạm vi tỉnh Long Khánh, thăm hỏi tung tích chồng... nhưng chỉ nghe toàn là những tin đồn mù mờ đầy bi thảm, chớ chẳng có gì chính xác cả. Sau bao ngày vất vả vô ích, nàng khổ đau tuyệt vọng gần như điên loạn, đến nổi bà mẹ ruột phải kèo nài với thím Thanh rước con gái về quê tịnh dưỡng. Điều khá bất ngờ, là chỉ mới hai tuần sau, thím Thanh nhận được tin nhắn gởi từ Rạch Giá cho biết, gia đình sui gia dính líu với đường giây tổ chức vượt biên bị đổ bể, nên cả nhà đã vội lên thuyền đi ngay chẳng kịp thông báo và rước đứa cháu ngoại đang ở Saigon. Thím Thanh tạm tin điều đó, nhưng thật ra, chính thím đã linh cảm chuyện nầy khi chứng kiến cảnh cô dâu ôm con khóc ngất trước khi ra đi... Thay đổi chánh trị khiến cho nền kinh tế đất nước trở nên què quặt, người dân bám víu vào Saigon bị chao đảo thảm thương vì mất việc làm và cũng không còn có việc để làm. Như phần đông cư dân, nếp sống của thím Thanh tuy chưa đến mức khẩn trương nhưng cũng chới với vô cùng: Một phần ba tài sản thím cày cục mua công phố phiếu đã “tiêu ra ma”, tiền giao cho bè bạn hùn hạp mua bán hầu như bị “xí huề” mất hết, may mà thím cẩn thận giữ một mớ vàng y chôn dấu kỹ dưới nền gạch. Đây là phần gia tài dành cho con, bằng mọi cách thím bảo vệ giữ gìn, nên dễ dầu gì thím chịu đào lên tiêu pha trong lúc nầy. Thím đành áp dụng phương pháp lần lượt vét đủ loại đồ đạc trong nhà đưa ra chợ Trời đổi gạo; những thứ bán chác được còn tồn trữ nhiều, nên phải lâu lắm thím mới sợ đói, bây giờ, thím chỉ sợ bị lên án là “không lao động sản xuất” là hạng “ăn bám” xã hội để rồi bị khuyến khích phải bỏ nhà bỏ cửa về vùng kinh tế mới tham gia sản xuất mà thôi. Dì Ba cơm tấm, bày vẽ cho thím chịu khó “thổi” một sề xôi đậu phộng, đặt bên cạnh quán cơm tấm của dì Ba buôn bán để lấy điểm lao động tốt. Thời giờ còn lại, thím sang chùa tận lực công quả trong Ban Ẩm Thực. Nguyên chùa chiền cũng lâm nguy vì bị gán cho hai chữ “ăn bám”, Phật tử tránh né không dám đến chùa lễ Phật, thùng “Phước Sương” èo uột không đủ khả năng nuôi chúng, thầy Minh Phát bèn chủ trương nấu cơm chay bày bán tạo hoa lợi cho chùa. Sinh hoạt theo lối kinh tế bao cấp thêm phần gay go, thầy Minh Phát giới thiệu thím vào tổ thêu, lãnh hàng về nhà thêu lấy công đổi gạo. Thời thiếu nữ, thím thêu thùa giỏi giang, giờ nầy đã lớn tuổi tuy mức sản xuất chậm mà nét thêu vẫn sắc sảo như xưa. Trở ngại lớn của thím, là đang thêu mà động tâm nhớ đến con, thì mũi kim cứ lệch lạc phải tháo gỡ hao tốn rất nhiều công sức. Thầy Minh Phát biết được, dạy thím áp dụng nguyên tắc “một câu Niệm Phật, một mũi kim thêu”, cứ bình tâm “niệm thêu tiếp nối nhau không dứt” là được. Thím nhất nhất tuân theo thực hành và tương đối thành công: Niệm Phật không xen tạp niệm, mà thêu thùa cũng chẳng còn bầm giập. Hôm đó, như thường lệ, cơm nước xong xuôi, hai bà cháu rủ nhau quì trước Bàn Phật niệm một chuỗi Quán Âm cầu nguyện Bồ Tát gia hộ cho Hưng, đứa con trai đã mất tích từ ba năm trước, nhưng với niềm tin vô bờ đặt vào đấng “Mẹ Hiền Quan Âm” thím chẳng bao giờ bỏ cuộc. Thình lình có tiếng xô cửa, rồi dì Ba cơm tấm bước vào nhà, ông ổng cất tiếng: - Hì! hì! Chị tạm ngưng thời khóa một chút được không? Tôi nghe được chuyện nầy hay lắm, phải báo cho chị nghe liền mới chịu được! Thím Thanh đang lễ Phật bị kêu réo cảm thấy hơi khác thường, nhưng nể người bạn thân thím đành tươi cười bước ra: - Chà! Chắc phải là chuyện ghê gớm như “Trời sập” mới khiến chị “hăng tiết vịt” phun ra ngay cho hả dạ phải không? Dì ba tỏ vẻ thích thú, cười hớn hở rồi tửng tửng đáp: - Đây là chuyện “Ông Trời ngó lại”, chắc chắn hấp dẫn hơn chuyện “Trời sập” nhiều! Mà vụ nầy, ai muốn nghe tui nói thì phải bình tĩnh mới được nghen! - Lúc nào tôi chẳng bình tĩnh hả chị Ba? Mà hôm nay bỗng nhiên sao chị cứ ỡm ờ làm khó dễ tôi quá vậy? - Hì! hì! Người ta đồn rằng có toán lính Cộng Hòa thuộc tỉnh Long Khánh bị Pathet Lào bắt từ năm 1975, vừa được thả về nước. Chuyện khó tin quá phải không chị? Dù chuyện vô lý khó tin thế nào mà dính dấp đến tù cải tạo thím Thanh cũng quan tâm đặc biệt cả, nên chi vừa nghe ba chữ lính Cộng Hòa tỉnh Long Khánh là thím đã điếng người, khuỵu xuống suýt xĩu. Dì Ba hoảng hốt chụp đỡ bạn ngồi xuống ghế. Thím Thanh hổn hển thở không ra hơi mà vẫn ráng ú ớ hỏi loạn lên: - Thiệt hả chị! Thiệ̣t hả chị! Người nào thuật cho chị chuyện nầy? Họ có kể ra tên ai không chị? - Dĩ nhiên là chuyện thiệt. Tôi mới gặp thằng lính Cộng Hòa đó tức thời đây nè! Nó kể rằng khi rã ngũ bọn nó năm thằng rủ nhau chạy ngược lên Pleiku Kontum dự định theo đường rừng đi Thái Lan, nhưng vừa qua Lào thì bị bắt. Bọn Lào giam giữ mãi mới giải giao về nước... Thím Thanh dợm đứng dậy, líu lưỡi: - Chị..chị...cho...cho... tôi... Tôi hiểu ý chị rồi! Chị muốn hỏi tin tức thằng Hưng phải không? - Phải...! phải!... - Coi kìa! Mình đã giao hẹn là phải bình tĩnh để nghe mà! Đừng run rẩy như vậy tôi không dám kể nữa đâu! Ơ... ơ... Nó cho biết thằng Hưng cũng còn sống... Thím Thanh ràn rụa nước mắt quì xuống chắp tay hướng về tượng Quán Âm tha thiết: “Con cảm tạ̣ Đức Bồ Tát! Con chân thành cảm tạ Bồ Tát đã từ bi gia hộ cho gia đình con!” Có lẽ, nhờ tưởng nhớ đến Bồ Tát mà thím trầm tĩnh lại, thím ngẫm nghĩ giây lâu rồi lên tiếng: - Vậy thì nó vẫn còn bị giam hả chị? Chị có hỏi rõ dùm là trại giam nào không? - Thằng Hưng cũng được trả tự do rồi, nó chưa dám đột ngột về nhà chỉ vì sợ má nó quá xúc động, bệnh tim cũ tái phát nguy hiểm mà thôi! Thím Thanh mĩm cười, mắng yêu con: - Thằng mắc dịch đó nghĩ cũng đúng! Nó mà bước vào nhà thình lình, tôi dám lăn đùng ra chết chớ chẳng chơi! - Như vậy nghĩa là bây giờ chị đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng rồi phải không? - Hà! Hà! tỉnh rụi như vầy nè, được không? Dì Ba bỗng hướng ra cửa trước, réo vang: - Hưng ơi! má mầy coi bộ đã vững vàng rồi đó! Mầy có thể yên tâm vào nhà được rồi! Một gả bụi đời gầy gò nước mắt lưng tròng, phóng vào nhà ôm chầm thím Thanh. Thím mừng rỡ rú lên: “Hưng! Hưng con!” Nước mắt tuôn rơi lả chả, thím mếu máo: “Tội cho con tôi! Mấy năm nay phải gánh chịu bao khổ nhọc bầm giập. Ôi! thương thiệt là thương!” Bé Ngọc Diệp mừng mừng tủi tủi lấm lét nhìn cha, Hưng ngoắt con mấy lần, con bé mới dám rụt rè nhích từng bước, rồi bỗng bé phóng ào tới ôm cha khóc nức nở. Dì Ba nhận thấy sự có mặt của mình đã trở thành thừa thãi, bèn len lén ra về với nụ cười tươi. Sự hiện hữu của Hưng mang thêm sức sống rạng rỡ cho cả nhà. Nhà cửa lâu nay bị bỏ bê u ám, anh dọn dẹp sắp xếp trong ngoài gọn ghẽ, rồi chỉ vài ngày sau anh ra chợ trời gom về mớ dụng cụ sửa xe gắn máy xe đạp về hành nghề ngay cột đèn trước nhà. Anh cũng lãnh phần lo liệu cơm nước cho hai cha con, hầu thím Thanh có thể dành phần lớn thời giờ cho việc tu tập, và làm công quả trong Ban Ẩm thực chùa Ấn Quang. Vốn là sinh viên công nghệ giỏi máy móc, Hưng lại làm việc tận tụy và có lương tâm, nên chỉ sau một thời gian ngắn thiên hạ nườm nượp mang xe đến sửa, cái nghề chơi chơi chỉ nhằm mục đích lấy điểm lao động tốt, vô tình lại biến thành nghề kiếm ăn thiệt, đúng là chuyện lạ lùng. Lấy cớ hoa lợi sửa xe dồi dào, Hưng nài ép mẹ ngưng nghề thêu nhọc nhằn, nhưng thím chủ trương “một câu niệm Phật, một mũi kim thêu nối tiếp không dứt” là một phương pháp tu tập lợi lạc nên thím chẳng đồng ý, mặc dầu, thời gian sau nầy, bệnh tim bẩm sinh của thím thỉnh thoảng nổi cơn hành hạ khiến thím ngột ngạt mệt nhoài. Hưng dự định bán vàng tìm mua mật gấu, mật rắn... cho mẹ uống trị bệnh như ngày xưa, nhưng thím Thanh phản đối quyết liệt: mấy năm nay thím đã ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi, thím đâu nỡ lấy mạng sống chúng sanh để bồi dưỡng mạng sống của mình, huống chi sống chết là sự thường có ai tránh khỏi được đâu? Vào tối ngày 19 tháng 02 âm lịch, sau hai ngày liên tiếp công quả và tham dự lễ “Ngũ bách danh” xướng lạy năm trăm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, vừa trở về nhà bỗng thím Thanh bị choáng váng mặt mày, nhịp tim hổn loạn, thím ngạt thở... và cơ hồ như sắp đứt hơi. Hưng hoảng hốt, gởi tạm con cho dì Ba, tìm được chiếc xích lô chở mẹ, chàng đi xe đạp kèm sát bên, khẩn trương hối thúc bác xích lô gắng sức tiến nhanh đến bệnh viện Chợ Rẫy. Chiếc xích lô trờ tới bệnh viện ngừng lại. Thím Thanh quên là mình đang cơn đau yếu vội vã bước xuống. Bất ngờ thời tiết bỗng thay đổi thình lình, mây đen cuồn cuộn phủ vây, mưa như trút nước ồ ạt, rồi thì sấm sét vang lừng, trời vụt tối vụt sáng ghê rợn... khiến thím kinh hoàng vừa niệm Quan Âm cầu Bồ Tát cứu mạng vừa phóng chạy điên cuồng với dự tính sẽ vào bên trong bệnh viện ẩn nấp. Cảnh tượng bỗng đột ngột biến thành quang đãng, thím phỏng đoán là do thím nhắm mắt chạy bừa nên đã lạc khỏi bệnh viện đến một công viên lạ mà không hay. Công viên êm đềm xinh đẹp, hoa lá xanh tươi, chim hót vang lừng như cảnh thần tiên khiến thím say mê ngắm nhìn mãi không chán. Thím chợt thấy bà cụ phúc hậu ngồi trên bãi cỏ, định dọ hỏi đường về. Bà cụ lem nhem cầm sợi chỉ màu xanh da trời run rẩy xỏ kim, nhưng cứ trật vuột mãi. Thím Thanh thương quá, lên tiếng: “Xin bà để con xỏ kim cho!”. Nhìn tấm khung vải có nét vẽ phơn phớt mẫu thêu một đóa hoa sen linh động, thím bỗng cảm nhận một niềm bình an kỳ diệu tràn ngập cõi lòng. Thím bèn nài nĩ: Thế rồi, như thường lệ thím cứ theo đúng phương pháp “một câu niệm Phật, một mũi kim thêu nối tiếp nhau không dứt”, thím xả bỏ mọi ràng buộc, quên cả thời gian không gian, và trong trạng thái an lạc thanh thản thím hoàn tất đóa sen xanh. Thím cầm đóa sen thêu dâng lên cụ bà, nhưng cụ bà lắc đầu ôn tồn nói: - Đóa sen nầy dành cho con! Con hãy giữ lấy! - Bà ơi! con thương bà quá hà! Con mong mỏi gần gũi bên bà hoài hoài hà! Cụ bà thương yêu vuốt tóc thím, ngọt ngào lên tiếng: - Con ngoan, con xứng đáng ở đây với ta lắm! Nhưng có lẽ con cũng nên về thăm nhà một chút! - Dạ! dạ! - Để ta dẫn đường cho, con hãy theo ta! Thím Thanh bước theo bà mấy bước thì bà dừng lại trỏ tay: - Nhà cũ của con kia kìa! Thím nhìn lại thấy mình đang đứng tại một khu phố tương đối sầm uất, xe cộ tấp nập... khác hơn khu phố đường Sư Vạn Hạnh nhiều lắm. Thím quay tìm cụ bà, chẳng thấy cụ đâu. Định thần lại, nhìn bên kia đường thím thấy rõ ngôi chùa Ấn Quang thân thương của thím, cây cột đèn thằng Hưng hành nghề ngay chỗ nầy, vậy nhà mình đâu rồi, nó phải nằm ngay vị trí căn nhà hai tầng lầu nầy mới phải. “Có lẽ mình nằm chiêm bao chăng?”, thím thầm nghĩ. Thím dụi mắt mấy lần vẫn không thấy có gì thay đổi nên rón rén bước tới căn nhà lầu sang trọng bày bán toàn là xe gắn máy bóng láng lặng lẽ ngắm nhìn. Một cô gái đang xuân xinh đẹp, mà thím cảm thấy nét thân thương quen thuộc, đang ngồi tại quầy hàng nhanh nhẩu lên tiếng: - Thưa bác! Bác cần chi ạ? - Cô ơi! Cô có biết nhà thằng Hưng ở đâu không? - Ba ơi! ba! Có ai tìm ba kìa! Một người đàn ông đứng tuổi, từ quán cà phê bên cạnh hấp tấp bước vào. Thím Thanh và hắn trố mắt nhìn nhau. Thím Thanh chợt hiểu, hiểu rõ và hiểu tất cả. Thím mĩm cười. Hắn bỗng la thất thanh: - Má! Trời ơi! Chính là má đây mà! Cô thiếu nữ cũng ấp úng: - Nội! Nội của con! - Má từ cõi mộng về thăm con cháu phải không? Thím mĩm cười: - Nếu kể đây là cõi thực thì má ở cõi mộng, còn nếu biết chốn nầy là giả tạm mộng ảo thì má từ cõi thực dạo chơi cõi mộng thăm con! Má về để nhắc nhở con cháu một điều là “hàng ngày phải tinh chuyên niệm Phật A Di Đà, khi hoạn nạn hãy nhớ khẩn cầu Quán thế Âm Bồ Tát”. Hãy nhớ lấy! Thôi má đi đây! Thím trịnh trọng mở khăn thêu đóa sen xanh trải xuống đất. Đóa sen lung linh chuyển động thành tòa sen. Thím vừa bước vào, thì tòa sen đã bay vút lên trời... - Hưng! Hưng! Hai cha con đang mải miết phóng tầm mắt theo dõi tòa sen xanh hội nhập cùng vô lượng tòa sen ẩn hiện trên không gian, bất chợt bị tiếng hét “giựt ngược” của dì Ba làm tỉnh lại. - Có chi không dì Ba? - Hai cha con bây làm khùng làm điên, nói năng múa máy như mớ ngủ, mà tại sao tao gọi hoài không chịu lên tiếng? Hưng thầm nghĩ: “Thì ra sự kiện mẹ hiện về chỉ hai cha con chàng do liên hệ nghiệp duyên chiêu cảm mới thấy được, còn dì Ba là người dưng nên mù tịt. Chuyện nầy mình làm sao giải thích cho dì Ba hiểu đây?” Thấy cha cứ ấp úng mãi, cô con gái vội nhanh nhẩu đỡ lời: - Bà Ba ơi! Cha con cháu bàn chuyện chiêm bao đó mà! Con chiêm bao thấy nội. Nội con từ trần tại cổng bệnh viện đã mười sáu năm rồi, bây giờ con mới chiêm bao lần đầu, nên con mừng như khùng điên như vậy đó, bà Ba ạ! Giải thích xong con bé cảm động khóc rấm rứt, như còn muốn tiếp tục kéo dài trò làm khùng thêm chút nữa. - À! Thì ra là như vậy!, dì Ba ha hả cười vang. Tháng 01.2009 Ghi chú cuối truyện: Tác giả chiêm bao thấy lạc bước đến chốn thần tiên quên đường về. Giật mình tỉnh dậy, suy nghĩ rằng nếu như mình giả từ cõi đời thình lình mà không biết mình đã chết thì sẽ ra sao? Mình có thể lâm vào trường hợp thấy cảnh thần tiên thì mê mẩn hoặc gặp cảnh tượng ghê rợn rồi sợ hãi trốn chạy, hoàn toàn quên tuốt Niệm Phật, Niệm Quan Âm thì nguy quá. Vì vậy, tác giả bèn viết truyện ngắn nầy để nhắc nhở mình và cũng để chia sẻ với bạn đọc. Tác giả cũng vắn tắt trích lục hai đoạn ngắn (trong Liểu sanh thoát tử) về cảnh tượng người chết có thể chiêu cảm: Liểu sanh thoát tử: 1.Cảnh tượng rùng rợn do ác nghiệp chiêu cảm:... Và có một thứ nghiệp phong mãnh liệt, thổi đưa nghiệp thức đi vào phương hướng vô định; cũng như mảy lông bị gió cuốn: qua, lại, lên, xuống đều tùy theo chiều gió thổi. Cái thân ấy không do ở ý mình, phải phiêu lưu không nhất định. Bỗng nhiên lại gặp một thứ ánh sáng vô cùng mãnh liệt, vùn vụt chớp lòe, tia sáng chói lòa, không thể mở mắt mà xem được. Ánh sáng ấy chuyển biến giống như áng mây mùa thu, hiện ra những hình thái lạ lùng để hăm dọa người đã chết. Và ở trong những chỗ ánh sáng mạnh mẽ, lớn lao ấy đã xuyên qua, phát ra một thứ tiếng rất dữ dội, không có gì sánh kịp. Nó có thể mạnh gấp ngàn lần sấm sét. Một khi nghe đến càng thêm ghê rợn; có thể tan gan nát mật. 2.Tình hình khi sanh vào ác đạo:... Người chết thường vì nghiệp duyên nên gặp phải rất nhiều cảnh tượng nguy hiểm như: tối tăm, bão táp, sấm sét, sương mù v.v… khi đó khiếp sợ quá đỗi nên phải tìm phương trốn tránh bỏ thân mạng mà tuôn chạy, thì lại thấy ở trước mắt: núi đèo, hang hố, cây cối, bụi rừng. Vì muốn vội vàng tránh thoát cho khỏi nên không rảnh rang để lựa chọn chỗ nào; chỉ biết được núp vào một chỗ nào tức không muốn ra khỏi. Vì sợ rằng nếu ra khỏi tức là bị khổ. Chỉ vì tỵ nạn không muốn ra, nên rốt cuộc không ngờ mình đã trở lại thọ thân hèn hạ và chịu rất nhiều đau khổ.