Tào Can mỉm cười. Sau khi gật đầu, Tào Can thưa với Dịch Nhân Tiết: - Bẩm quan lớn, vị tăng sĩ lo việc nghi lễ có cho biết là rất nhiều người nổi loạn bị sát hại tại thiền viện này cách đây lõi một trăm năm. Bẩm quan lớn, và bây giờ tôi đã hiểu tại sao chú tiểu đã lắng tai nghe khi đứng ở ngoài hành lang. Mỗi lúc một con ma trong số nạn nhân đó xuất hiện, hễ nó gọi đến tên ai, và người nào nghe đến tên mình là người đó phải chết. Dịch Nhân Tiết đưa tay quẹt sang bộ râu mép, lớn tiếng: - Dị đoan kỳ cục! Thôi hãy dẫn ta đến nơi các diễn viên trú ngụ. Khi hai người bước đến tầng lầu thứ nhất, Dịch Nhân Tiết nhìn vào hành lang nhỏ hẹp ở phía tay mặt. Một bóng người dáng mảnh mai đang tìm cách bước thật nhanh như có ý muốn lẩn tránh. Dịch Nhân Tiết la lớn: - Dường như thiếu nữ đã chiến đấu với con gấu, có phải không? Ta cần nói với y thị vài lời. À! Y thị tên là gì nhỉ? - Bẩm quan lớn. Nàng Ngẫu Dương đó! Dịch Nhân Tiết bước vội. Lúc vị phán quan đến gần thiếu nữ, ông lẩm bẩm: - Nàng Ngẫu Dương. Hãy đợi ta một chút! Ngẫu Dương quay lại la lên một tiếng nho nhỏ. Nét mặt nàng tái xanh. Sự sợ hãi làm cho đôi mắt nàng lớn lên một chút. Quái lạ! Vì sao Ngẫu Dương lại có nét mặt giống con gái bà Bảo Mẫu quá vậy! Dịch Nhân Tiết càng để ý. Vị phán quan, với giọng âu yếm: - Đừng sợ hãi gì cả. Ta chỉ muốn ngỏ lời khen ngợi nàng đây. Nàng vũ thật xuất sắc… Ngẫu Dương giọng nhỏ nhẹ: - Quan lớn quá khen. Xin lỗi quan lớn, con không thể đứng lâu ở đây được. Đưa mắt lo lắng nhìn vào hành lang chạy dài, Ngẫu Dương toan bước đi. Dịch Nhân Tiết ra lệnh: - Nàng phải đứng lại. Ta là phán quan Dịch Nhân Tiết đây! Ta cần ngỏ vài lời với nàng. Vì sao nàng lại tỏ ý lo ngại? Có phải vì diễn viên Mặc Đức? Ngẫu Dương lắc đầu: - Con gấu của con đang đợi con về. Bây giờ đã đến giờ nó đòi ăn rồi. Nhìn thấy Ngẫu Dương nép cánh tay trái sát hông. Dịch Nhân Tiết hỏi dồn: - Cánh tay nàng sao vậy? Có phải lưỡi kiếm của Mặc Đức làm cho nàng bị thương? - Dạ không phải! Chính con gấu đã cào phải, làm cho bị thương, nhưng đã khá lâu rồi. Lúc này là lúc con phải đi ngay. Một giọng ngạo nghễ nổi lên: - Tôi ngại rằng những vần thơ tôi đọc lên làm cho quan lớn không được vừa ý. Dịch Nhân Tiết quay lại và bắt gặp thi sĩ Tùng Lập đang gập mình cúi chào ông. - À! Té ra nhà ngươi! Nếu ta là hoà thượng trụ trì ta đã tống cổ nhà ngươi ra khỏi phòng hội từ lúc nãy rồi! Dịch Nhân Tiết quay lại Ngẫu Dương thì thiếu nữ này đã biến mất. Thi sĩ Tùng Lập đáp lời: - Hoà thượng trụ trì chẳng bao giờ dám dùng đến biện pháp đó. Chính thân phụ của tôi, tiến sĩ Tùng Thiện đã góp công của rất nhiều vào ngôi tu viện này… Đến nay gia đình tôi vẫn còn tiếp tục đổ vào đó những món tiền khá lớn. Dịch Nhân Tiết ngắm Tùng Lập từ đầu đến chân: - Thế ra nhà ngươi là con của nguyên Tổng đốc Tùng Thiện. Ông ấy là một nhà trí thức nổi tiếng. Ta từng đọc nhiều tác phẩm của ngài. Nhưng chắc chắn là nguyên Tổng Đốc Tùng Thiện không thể nào ca tụng được những vần thơ của nhà ngươi. Tùng Lập mỉm cười: - Chính tôi muốn chọc tức hoà thượng trụ trì. Ông ta cố làm ra người quá quan trọng. Thân phụ của tôi không hề cảm phục ông ta. - Nhưng đó không phải là lý do để nhà ngươi đọc lên một bài thơ dở tệ như vậy! Mà sự đùa dỡn đó có ý nghĩa gì khác nữa không? - Bẩm quan lớn, vậy quan lớn không rõ những chuyện đã xảy ra cách đây hai năm. Vâng, cách đây hai năm, hoà thượng trụ trì nơi đây là hoà thượng Ngọc Kính đã viên tịch. Người ta đã ướp xác ngài. Xác đó hiện được đặt ở dưới chân điện chánh, trên điện có dựng bàn thờ nhân vật sáng lập. Hoà thượng Ngọc Kính là vị tu hành tâm đức được hết cả tín đồ khâm phục. Dịch Nhân Tiết không có thì giờ nghe thi sĩ Tùng Lập kể lại dài giòng tiểu sử các vị hoà thượng quá cố nên cắt ngang câu nói của Tùng Lập: - Ta không có thì giờ tiếp chuyện nhà ngươi lâu ở đây được vì ta cần gặp các diễn viên gánh hát Quan Lai. Lúc này, Tùng Lập tỏ ra kính cẩn hơn: - Chính tôi cũng muốn đến nơi đó. Bẩm quan lớn, xin cho phép để tôi dẫn đường. Cả ba người bước vào một đường hành lang dài hun hút, hai bên có hai hàng dãy cửa. Dịch Nhân Tiết: - Nàng Ngẫu Dương cũng có căn phòng riêng tại đây? - Bẩm quan lớn, có! Nhưng nằm xa hơn một chút. Nhưng tốt hơn là quan lớn không nên mạo hiểm đến đó khi không có mặt của Ngẫu Dương. Con gấu đó quả thật nguy hiểm. Dịch Nhân Tiết quả quyết: - Không. Giờ này có mặt nàng ở trong căn phòng đó. Lúc nãy, nhà ngươi không nhìn thấy nàng sao? Tùng Lập trả lời: - Bẩm quan lớn. Làm thế nào mà tôi có thể thấy được nàng ở hành lang này trong khi nàng còn ở phòng hội? Dịch Nhân Tiết hết sức sửng sốt. Vị phán quan liếc nhìn Tào Can. Ông này cũng tỏ ra lưỡng lự. Không để ý đến nét mặt đầy vẻ nghi kỵ của Dịch Nhân Tiết và Tào Can, thi sĩ Tùng Lập gõ cửa căn phòng ở cuối hành lang, đoạn ba người bước vào. Căn phòng hết sức bề bộn. Quan Lai cùng hai người đàn bà đang ngồi chung quanh một chiếc bàn tròn, thấy Dịch Nhân Tiết vội vàng đứng dậy. Quan Lai liền giới thiệu: - Đây là cô Đinh. Cô Đinh là nữ diễn viên đẹp nhất trong gánh hát. Lúc nãy, trong vở tuồng, cô đã đóng vai nàng tiên Hoàng Môn. Nàng có tài tung và hứng, nổi tiếng về vũ diễn võ. Quay sang nữ diễn viên thứ hai nhiều tuổi hơn, nhan sắc kém thua, Quan Lai nói tiếp: - Đây là vợ tôi. Dịch Nhân Tiết ngỏ vài lời khen ngợi diễn xuất của các diễn viên. Quan Lai tỏ ra hài lòng vì một nhân vật quan trọng như Dịch Nhân Tiết đã đến ghé thăm gánh hát của ông. Quan Lai chưa kịp mời Dịch Nhân Tiết ngồi thì vị phán quan đã tự kéo ghế ngồi xuống. Thi sĩ Tùng Lập đứng trước một bình rượu. Tào Can đứng sau lưng Dịch Nhân Tiết. - Nàng Ngẫu Dương và diễn viên Mặc Đức đi đâu? Tôi cũng ngỏ lời khen cả hai. Mặc Đức múa kiếm có nghệ thuật và trong màn đấu với gấu, nàng Ngẫu Dương có lúc đã làm cho tôi phải dựng tóc gáy. Nhưng những lời khen ngợi đó cũng không làm cho Quan Lai thư thái trong lòng nên khi Quan Lai rót rượu cho Dịch Nhân Tiết, không hiểu sao chàng lại rót một nửa ra ngoài bàn. Quan Lai ngồi phịch xuống ghế vừa đưa tay chỉ những mảnh giấy vụn thấm đỏ nằm rải rác trên mặt bàn trang điểm. - Mặc Đức vừa tháo gỡ mặt nạ xong. Có lẽ hắn ta đi lên phòng chứa vật dụng. Còn nàng Ngẫu Dương dường như đang lo săn sóc con gấu của nàng, chắc chắn nàng sẽ trở lại đây trong chốc lát. Dịch Nhân Tiết đứng dậy. Lấy cớ soi gương để sửa lại chiếc mão, vị phán quan đưa mắt nhìn những mảnh giấy vụn thấm đỏ và cả những lon chứa phấn. Dịch Nhân Tiết nghĩ thầm: - Biết đâu màu đỏ kia là máu. Lúc trở về ngồi lại trên chiếc ghế, Dịch Nhân Tiết để ý đến thái độ bồn chồn của người vợ Quan Lai. Dịch Nhân Tiết nhấp một ngụm rượu và hỏi Quan Lai vài thắc mắc trong việc xây dựng những vở tuồng lịch sử. Quan Lai giải thích dài giòng. Dịch Nhân Tiết nghe những lời của Quan Lai với đôi tai nghễnh ngãng. Thâm tâm, vị phán quan còn muốn tìm hiểu tiểu sử từng diễn viên một. Bỗng thi sĩ Tùng Lập hỏi nữ diễn viên Đinh: - Vì sao cô Đinh không giúp nàng Ngẫu Dương chăm sóc con gấu của nàng ấy? Tôi chắc Ngẫu Dương sẽ vui thích lắm nếu có tay cô giúp vào. Nàng Đinh trả lời thi sĩ Tùng Lập: - Xin thi sĩ chớ xen vào việc làm của kẻ khác. Tùng Lập không chút ngượng ngùng, quay sang tấn công cô Mai Quế, ái nữ bà Bảo Mẫu: - Cô Mai Quế tuyệt đẹp! Cớ sao ta lại không có thơ tặng nàng? Không. Ta có sáng tác một bài dành riêng cho nàng. Hãy nghe đây: Những mối tình chân thật Những mối tình giả dối Mối tình ngày qua Hay mối tình vĩnh viễn Có thêm hay bớt đi Cũng là toàn hảo Dịch Nhân Tiết quay nhìn mọi người, dò xét thái độ họ. Mai Quế tươi vui thấy rõ. Vợ Quan Lai nói: - Hãy có chút ý tứ trong lời nói một chút, ông thi sĩ Tùng Lập! Tùng Lập đáp: - Vậy quý vị có biết đến một bài hát đang làm cho cả kinh đô kinh hoàng trong lúc này không? Nói xong thi sĩ cất giọng, vừa đưa tay đánh nhịp: Hai lần mười vẫn không có chồng Ngày mai hắn còn tới nữa Nhưng ba lần tám và một mình trên giường Tương lai của nàng buồn tới làm sao! Giận dữ, nàng Đinh toan lớn tiếng nhưng Dịch Nhân Tiết đã kịp can thiệp: - Khả năng thưởng thức khôi hài của ta có hạn, ông Tùng Lập ạ! Xin ông hãy đọc những bài thơ đó trước một cử toạ dễ dãi hơn. Rồi với giọng dịu dàng. Dịch Nhân Tiết nói với Quan Lai: - Bây giờ, ta cần phải thay y phục để dự tiệc. Nhà ngươi chịu khó dẫn ta ra ngoài được không? Dịch Nhân Tiết ra dấu cho Tào Can bước theo mình. Khi hai người bước vào hành lang. Dịch Nhân Tiết nói với Tào Can: - Ta còn muốn biết rõ về tung tích của Mặc Đức. Nhà ngươi hãy ráng ở lại, uống vài chén với họ. Ta có cảm tưởng là ở đây còn lắm chuyện kỳ lạ nữa. Cố gắng làm sao cho tất cả những người có mặt bày tỏ tâm sự của họ thật nhiều. Nhà ngươi có rõ vì sao thi sĩ Tùng Lập nhắc nhiều đến hai tiếng “thêm” và “bớt” không? Tào Can có vẻ bối rối: - Dường như đó là những tiếng lóng mà giới hạ lưu thường hay dùng đến. “Thêm” có ý nghĩa chỉ người đàn ông, “bớt” chỉ người đàn bà. - À! Ta hiểu rồi! Vậy lúc nào nàng Ngẫu Dương xuất hiện, nhà ngươi hãy cố tìm biết thời gian của nàng ở lại trong phòng hội. Vì không thể nào nàng lại có mặt cùng hai nơi trong một lúc được. Tào Can đáp: - Có lẽ thi sĩ Tùng Lập đã không nói đúng điều đó khi thi sĩ nói gặp Ngẫu Dương ở phòng hội. Hành lang thì nhỏ hẹp. Chúng ta đứng đó với Ngẫu Dương. Dù thế nào đi nữa thì Tùng Lập cũng bắt gặp nàng Ngẫu Dương kia mà! - Nếu như thi sĩ Tùng Lập có nói thật đi nữa thì chắc rằng Tùng Lập đã lầm Mai Quế với Ngẫu Dương. Hay có lẽ ta lầm chăng? Thiếu nữ mà chúng ta bắt gặp, xếp cánh tay trái vào thân mình, còn Mai Quế đã từng đưa hai bàn tay níu chặt lấy lan can khi nhìn thấy Ngẫu Dương chiến đấu một cách nguy nan với con gấu ở trên sân khấu. Thật ra ta không hiểu biết gì hết. Hãy gắng khám phá cho ra sự thật rồi quay trở lại phòng riêng của ta. Dịch Nhân Tiết cầm đèn bước đi còn Tào Can trở lại phòng dành riêng cho các diễn viên. Vị phán quan nghĩ rằng mình có thể dễ dàng tìm đường đi về căn phòng chứa vật dụng. Khi bước lên những bậc tam cấp cao, Dịch Nhân Tiết cảm thấy lưng và đôi chân mỏi nhừ và đau nhức. Phải chăng vị phán quan bị cảm và lại không quen bước lên, đi xuống các bậc tam cấp. Dịch Nhân Tiết nghĩ nhiều về hai nhân vật Tùng Lập và Quan Lai. Quan Lai có vẻ dễ thương nhưng không hiểu sao thi sĩ Tùng Lập lại có thái độ ngạo nghễ và lời nói hỗn xược đến như thế? Quan Lai xứng đáng là người điều khiển một gánh hát. Cô Mai Quế vào thiền viện để tu vì sao lại hiện diện bên cạnh gánh hát? Nàng Đinh và nàng Ngẫu Dương có một mối tình thân thiết! Nhưng thôi! Ta không cần phải để ý nhiều đến mấy nữ diễn viên nữa. Nhân vật Mặc Đức hãy còn lắm bí ẩn. Dịch Nhân Tiết buông một tiếng thở dài. Lúc vị phán quan bước đến một khoảng trống thì ông ta bỗng nghe một giọng hát thì thầm từ lòng giếng sâu văng vẳng vang lên. Vị phán quan cho rằng đó là tiếng kinh buổi tối. Hành lang ở phía mặt không được soi sáng. Ngạc nhiên, Dịch Nhân Tiết đưa cao chiếc đèn lên. Ở bức tường, không có một cái cửa sổ nào. Lối đi đã nhỏ hẹp lại thấp. Trên trần bám đầy váng nhện. Dịch Nhân Tiết biết là mình đã lạc đường. Vị phán quan định quay lại thì đâu đấy nổi lên những tiếng thì thầm kỳ lạ. Dịch Nhân Tiết lắng tai nghe. Hành lang vắng vẻ dẫn tới một cánh cửa sắt. Đến đây vị phán quan nghe rõ tiếng tụng kinh của các tu sĩ. Tiếng rì rầm dễ nhận ra nhưng không ai hiểu ý nghĩa những tiếng đó. Nhưng bỗng nhiên, vị phán quan nghe rõ có ai nhắc đến tên… Dịch Nhân Tiết rồi tự nhiên im lặng đè nặng khắp nơi.