Dịch giả: Giang Tân
Chương XVIII
THỦ PHẠM NGỎ LỜI KHEN NGỢI VỊ PHÁN QUAN

Người đàn ông với đôi vai rộng quay đầu lại, nở nụ cười:
Phán quan Dịch Nhân Tiết! Cuối cùng rồi ngài cũng tìm ra được căn phòng này. Ngài quả thật thông minh. Xin mời ngài ngồi lên chiếc giường này. Ta vừa mới lau giường đó. Hãy thử kể ta nghe là ngài đã làm cách nào để tìm được đến đây. À! Mà coi chừng có máu ở nền nhà!
Dịch Nhân Tiết ngồi cạnh Tuyên Minh, đưa mắt nhìn kỹ căn phòng. Căn phòng chỉ rộng hơn sáu trượng vuông, đồ đạc ngoài chiếc giường không có gì nữa. Ở góc phòng có một bức tượng đàn bà, tượng lớn bằng người thật. Tượng bị cụt tay trái vị gỗ bị mối ăn. Ở phía kia có một lỗ hổng lớn đen khoét vào vách. Phía trước mặt có một lỗ tròn, có lẽ là lỗ thông hơi.
Dịch Nhân Tiết ngỏ lời:
Bản chức vẫn đinh ninh là thế nào cũng có một căn phòng bí mật ở một góc tu viện này. Nhưng cứ đo bề sâu của các khung cửa thì ý nghĩ trên đây quả thật vô lý.
Đạo sĩ Tuyên Minh cười lạt:
Nhưng mà có thật! Bức tường ở hành lang không dành để chứa một căn phòng như thế này, nhưng ở góc kia kìa, ở đó có bức tường đôi, trong đó người ta xây nên chỗ trú ẩn này. Ở bên ngoài người ta không thấy vực sâu bao quanh tu viện, người ta cũng không thấy những cửa sổ ở cánh phía đông.
Những nhà kiến trúc sư xưa hiểu rất rõ nghề nghiệp của họ. Ồ! Mà tại sao ngài lại có ý định đi tìm căn phòng bí mật này làm chi?
Đó chỉ là một sự tình cờ mà thôi! Tối qua, lúc bản chức đến đây, giông bão nổi lên dữ dội làm tung tấm liếp lên, một dịp để bản chức nhìn thấy căn phòng này đúng vào lúc ngài đang mang bưc tượng gỗ.
Bản chức chỉ nhìn thấy ngài ở phía sau lưng nên bản chức lầm lẫn mớ tóc bạc óng ánh của ngài thành ra cái mũ, còn bức tượng lại hoá ra thiếu phụ. Bản chức tự hỏi không rõ bản chức thấy cảnh tượng đó do ảo giác mà có chăng? Bản chức cũng đã đưa thắc mắc ấy kể ra ngài hay.
Đạo sĩ Tuyên Minh cười nghiêng ngả:
Phán quan bày tỏ thắc mắc đó với ta?
Dịch Nhân Tiết không thể nào cùng cười với Tuyên Minh được.
Còn Mặc Đức lúc lên sân khấu đội cái mũ xưa mà bản chức nhận thấy giống cái mũ trên đầu kẻ lạ mặt, do đó làm cho bản chức nghi ngờ, nên đặt vấn đề theo đuổi hắn. Còn một điều này nữa mà bản chức chưa hiểu được là tại sao cánh cửa phía bên mặt ở bên ngoài lại không trông thấy được? Có phải là cánh cửa mà tối qua bản chức đã nhìn thấy, có phải như vậy không?
Lẽ dĩ nhiên. Nhưng đó chỉ là một cánh cửa giả. Ồ! Đừng cho ta đã có sáng kiến cho xây cánh cửa đó. Sự thật cánh cửa ấy đã có từ lâu, từ khi ta khám phá ra căn phòng bí mật này. Tầm màn, như ngài nhìn thấy nằm bên trong, bên ngoài là một miếng giấy dầu treo ngang với bức tường, được tô vẽ bắt chước giống màu gạch. Nói tóm lại, đó là một bức hoạ trong suốt, ban ngày mở màn ra, căn phòng vẫn sáng mà sự thật thì không ai thấy gì ở bên trong cả.
Đạo sĩ Tuyên Minh im lặng một lát, nói tiếp:
Phải. Ta nhớ ra rồi! Tối qua, ta muốn có ít chút không khí lọt vào. Ở phía này, chúng ta có thể tránh được gió mà không sợ bị dòm ngó vì tất cả các màn cửa ở cánh phía đông đều đóng kín để tránh cơn giông.
Đến khi ta nghe giông bão làm rớt một bức màn, thì ta vội tìm cách đóng cửa lại - lẽ dĩ nhiên ta đã không lanh tay - kể ra đó cũng là một sự bất cẩn đáng tiếc.
Nhưng ngài lại còn phạm một lỗi lầm rất lớn khi giải thích cho bản chức hay là dấu hiệu của đạo Lão luôn luôn được chia cắt hai theo chiều hướng thẳng đứng. Còn bản chức thì lại thấy một trong những hình tròn đó lại bị cắt theo đường ngang. Nếu như ngài nói con đường cắt ngang đó có thể vạch ra bất kỳ theo chiều hướng nào thì bản chức đã không thắc mắc về sự trông thấy trên đây.
Đạo sĩ Tuyên Minh đưa tay vỗ lên đùi, vui vẻ:
Phải rồi! Ngài có đặt câu hỏi đó với ta. Nhưng có bao giờ ta nghĩ đến cái ổ khoá của căn phòng bí mật để làm đề tài giải thích cho ngài biết đâu. Tuy nhiên ngài là người quan sát rất giỏi, phán quan Dịch Nhân Tiết ạ! Nhưng làm thế nào mà ngài biết xoay cái vòng tròn đó? Tác động của cái vòng tròn ấy làm cho một cái then ngang nằm dọc thẳng với cánh cửa lên hoặc xuống, mà cái vòng tròn đó không phải xoay trở dễ dàng đâu. Phải có một chìa khoá đặc biệt.
Đạo sĩ Tuyên Minh lấy trong túi áo ra một cái nĩa bằng sắt có hai cái răng ăn đúng vào hai lỗ thủng trên vòng tròn.
Dịch Nhân Tiết tiếp tục giải thích:
Bản chức chỉ dùng đến cái kim cài tóc. Lẽ dĩ nhiên, bản chức phải mất thì giờ nhiều hơn. Nhưng thôi. Hãy trở lại cái việc của chúng ta. Thế là ngài đã phạm vào lầm lỗi thứ ba khi đem Mai Quế đặt vào hành lang kinh hoàng. Mai Quế không thể cử động được. Cũng không nói năng gì được, thân hình của nàng lại được quét lên một lớp bột dày màu đen, nhưng đối với mọi người đến xem hành lang kinh hoàng thì việc làm đó rồi ra cũng sẽ bị khám phá.
Đạo sĩ Tuyên Minh cắt ngang lời của Dịch Nhân Tiết:
Điều ấy, chính ngài đã lầm. Vào mùa này trong năm, tu viện không mở cửa hành lang kinh hoàng. Nhưng dù sao, sáng kiến đó cũng thích thú đó chứ? Ta suy nghĩ chắc chắn rằng là sau một đêm nằm lại đó, cô gái sẽ trở nên dễ dạy hơn. Ta muốn rằng ta sẽ thí nghiệm lại một lần nữa, vào một ngày nào đó, công việc đó cũng chẳng có gì khó nhọc khi phải đắp lên mình cô gái một lớp bột đen. Ngài quả thật thông minh, phán quan Dịch Nhân Tiết ạ! Nhận xét của ngài về hai bức tranh vẽ con mèo - cặp mắt của con vật lúc buổi sáng ra sao, buổi trưa ra sao – đã tỏ ra ngài là người xuất chúng. Chính lúc ta đưa đề nghị cho Chân Hiền phương cách làm thế nào để loại trừ hoà thượng Ngọc Kính, ta đã không nghĩ đến điều đó. Chân Hiền chỉ là một con người tầm thường, tham lam quyền lực và tiền bạc nhưng lại không có những đức tính cần thiết để nắm lấy địa vị đó. Lúc ông ta giữ vai trò trông giữ tu viện này, ông ta đã lấy trộm khá nhiều của cải vàng bạc của tu viện, nếu không có ta can thiệp thì ổng đã bị tống giam từ lâu rồi. Từ đó, Chân Hiền phải chịu qui phục ta. Hoà thượng Ngọc Kính thì lại khác. Khi hoà thượng nhận thấy một vài việc kỳ cục xảy ra, hoà thượng bắt đầu nghi ngờ ở con người thật của Chân Hiền.
Đạo sĩ Tuyên Minh ngưng trong giây lát, đoạn nhíu mày lại, rồi tiếp tục:
Nhưng gần đây, Chân Hiền tỏ ra thiếu can đảm. Những câu thơ của Tùng Lập đã làm cho Chân Hiền run sợ là thế nào nội vụ cũng sẽ bị phát giác. Chân Hiền có cho ta hay có một tu sĩ từ bên ngoài đột nhập tu viện, có lẽ để làm công việc dò thám. Tu sĩ có vẻ mặt buồn buồn, có lẽ hắn chính là người mà ngài đang theo dõi đó. Ồ! Tất cả đều là chuyện phiếm cả! Ngay trước khi ngài đến tu viện này, ta đã gọi Chân Hiền lên phòng riêng, mắng ông ta một trận. Dường như sau đó, Chân Hiền càng mất tinh thần. Có lúc Chân Hiền toan giết ngài đó. Cũng may mà hắn ám sát hụt ngài. Ta mừng lắm đó. Phán quan Dịch Nhân Tiết có tin lời nói của ta không?
Dịch Nhân Tiết không trả lời. Vị phán quan suy nghĩ một lát rồi mới nói.
Sự lo sợ của Chân Hiền đối với tu sĩ có nét mặt buồn buồn đó có lý lắm! Nhưng thưa ngài, thế thì ngài hẳn biết rõ thiếu nữ tên Linh bị chết bệnh héo mòn ở đây đã từ nơi đâu đến không?
Bệnh héo mòn? Phán quan nói vậy sao? Thật là kỳ lạ! Nàng Linh là một cô gái đẹp, mạnh khoẻ và rất hăng hái. Nàng có chân trong một nhóm trộm cướp. Quân lính đã bắt nàng giữa lúc nàng tham dự một vụ bắt trộm gà ở một trại. Còn bà Bảo Mẫu chỉ là một kẻ mối lái.
Có lẽ đúng như vậy. Có người cho bản chức hay rằng vị tu sĩ có nét mặt buồn đó, tên thật là Linh. Hẳn là anh của cô gái chết vì bệnh. Hắn đã đội lốt tu sĩ và không phải là lần đầu tiên hắn đến tu viện này đâu. Hắn tin chắc là em gái hắn đã bị giết ở đây nên hắn lấy tên là Mặc Đức trở lại tu viện này để cố tìm cho ra kẻ sát nhân. Chân Hiền lo sợ là phải. Mặc Đức chơi kiếm rất hay. Những tên nào đã ở trong đảng cướp luôn luôn nghĩ đến việc trả thù cho đồng bọn nếu như có một tên trong bọn chúng bị sát hại.
Đạo sĩ Tuyên Minh cười lạt:
Chân Hiền đã qua bên kia thế giới. Tất cả tội lỗi chúng ta cứ trút lên đầu ông ta. Hẳn tên múa kiếm của ngài sẽ lấy làm thích thú. Nhưng có điều lầm lẫn sau cùng của Chân Hiền là ông ta muốn phản lại ta hầu cứu vớt danh dự cho ông ta.
Dịch Nhân Tiết lưỡng lự:
Phải! Bản chức vẫn nghi ngờ rằng Chân Hiền không dễ dàng gì mà tự tử như vậy. Chính ngài đã xô ông ta vào khoảng không, có phải như vậy chăng?
Đúng vậy!
Nụ cười nở sáng trên mặt Tuyên Minh.
Trong khi đó, ta đã có sáng kiến kịp thời. Nhưng ngài hãy cho phép ta tỏ bầy lời khen ngợi ngài một chút. Ngài lý luận thật vững chắc. Ta chỉ buồn không có trà để dâng ngài uống. Căn phòng này quá hẹp để không có đủ những tiện nghi đó. Mong ngài bỏ qua.
Đồng loã của ngài là Chân Hiền và bà Bảo Mẫu, vậy còn có ai khác nữa không?
Không còn ai nữa. Kinh nghiệm làm phán quan của ngài chắc ngài thừa hiểu rằng nếu cần giữ một điều bí ẩn nào, tốt hơn là không nên nói ra cho nhiều người hay.
Dịch Nhân Tiết nhìn cây dao nhuộm đầy máu, nói:
Giả thử như ngài đã giết chết bà Bảo Mẫu tại đây?
Phải! Khi ta không còn thấy Mai Quế ở trong hành lang kinh hoàng thì ta phải biết đề phòng. Giết bà Bảo Mẫu không khó khăn gì. Nhưng bà ta quá nặng nề… như ngài đã thấy. Ta đã phải nhọc công chặt thây bà ta ra nhiều miếng nhỏ, cứ thế ta liệng xuống theo lỗ thông hơi. Phía dưới kia là vực thẳm. Chưa có một người nào dám xuống nơi đó. Tuy nhiên, ta cũng tiếc là phải để mất bà ta. Y thị giúp ta được khá nhiều việc. Và cũng nhờ ta mà bà ta được nổi danh khắp cả kinh kỳ. Nhưng cuối cùng ta phải loại bà ta vì bà ta là người chứng duy nhất trong vụ Mai Quế.
Nở một nụ cười đầy vẻ thân tình, Tuyên Minh nói thêm.
Còn chuyện cô Mai Quế. Ồ! Đó là chuyện thường tình. Chẳng nên nhắc lại làm chi. Ngài hẳn là tay chơi cờ tướng giỏi? Có thể đến sáng mai, ta sẽ hầu ngài một bàn được chứ? Ngài chơi cờ tướng đấy chứ?
Ít khi lắm. Hay chơi cờ gánh.
Cờ gánh? Mỗi người có một sở thích. Mất bà Bảo Mẫu, xin ngài chớ lo. Ta sẽ tim ra người khác thay thế bà ta.
Dịch Nhân Tiết nhìn Tuyên Minh, vẻ suy nghĩ.
Tại sao đạo sĩ lại đến trú ngụ trong ngôi tu viện này? Trước kia ngài ở kinh kỳ kia mà?
Nghe nhắc đến cuộc đời quá khứ của mình. Tuyên Minh lại nở nụ cười.
Đạo sĩ vuốt mấy sợi tóc bạc óng ánh lên phía sau chiếc đầu tròn rồi chậm rãi:
Khi ta được hân hạnh trình bày lên nhà vua tất cả những gì về đạo Lão, cả triều thần và các mệnh phụ phu nhân tỏ ra nóng lòng muốn tìm biết những buổi lễ bí ẩn. Ái nữ của một đai thần, một tuyệt sắc giai nhân hăm hở tìm ta học đạo. Nhưng rồi cô gái chết giữa lúc ta truyền bá cho cô những bài thuyết giảng. Nội vụ được ém nhẹm, lẽ dĩ nhiên, sau đó ta phải rời kinh đô. Tu viện này có vẻ thích hợp với ta. Ta quyết định ở lại đây tiếp tục cuộc học hỏi với một số thiếu nữ khác do bà Bảo Mẫu dẫn đến cho ta, hầu làm cho cuộc sống bớt nỗi cô liêu. Các cô gái ấy cũng tạo khá nhiều thích thú cho ta, nhưng rất tiếc lần lượt người này đến người nọ thay phiên nhau qua đời.
Một cô trong số đó gặp tai nạn?
Đâu phải như vậy! Đáng lý chẳng cần nói tên cô gái cho ngài biết làm chi. Nhưng… cứ nói ra vậy. Nàng tên là Hoằng. Nàng được hân hạnh ở trong căn phòng đặc biệt của ta. Chắc ngài đã biết đến căn phòng đặc biệt đó chứ? Phải đến xem mới rõ. Căn phòng có treo màn gấm vàng và ta cũng tưởng rằng căn phòng đó sẽ làm cho Mai Quế ưa thích.
Hãy nói đến cô gái tên Hoằng. Nàng đã bước ra khỏi căn phòng này cùng con đường mà bà Bảo Mẫu đã đi qua. Chỉ có một điều này là hơi khác với bà Bảo Mẫu. Bà Bảo Mẫu bị ép buộc đi theo con đường đó, còn nàng Hoằng thì tự ý nàng. Ta đã nhốt nàng tại đây để phạt nàng. Ta cũng không còn nhớ nàng đã phạm lỗi gì. Ta định quên hẳn cuộc sống của nàng trong hai hoặc ba ngày. Nhưng phán quan Dịch Nhân Tiết ạ! Cô gái đã mon men tới cái lỗ thông hơi và luồn mình qua cái lỗ đó. Trông nàng mảnh mai hơn bà Bảo Mẫu nhiều!
Dịch Nhân Tiết nghiêm nghị:
Nếu ngài cứ tiếp tục cung cấp nhiều chuyện trước toà án của bản chức có lẽ công việc của bản chức sẽ bớt đi một phần nhọc mệt.
Tuyên Minh ngước đôi lông mày rậm:
Trước tòa án của ngài? Phán quan định nói cái gì đó?
Ngài đã phạm đến năm vụ giết người, chưa kể đến một vụ hiếp dâm và một vụ bắt cóc. Chắc giờ đây ngài không còn chối tất cả những tội ác đó?
Tuyên Minh la lớn:
Á ông bạn ạ! Ta có cần gì phải chối tội đâu! Những người chứng duy nhất của ngài là hòa thượng Chân Hiền và bà Bảo Mẫu. Rất tiếc cả hai người đó đã không còn ở lại trên cõi đời này. Trong biên bản của ngài, Chân Hiền và bà Bảo Mẫu là những người duy nhất chịu trách nhiệm trong vụ Mai Quế. – Nhìn Dịch Nhân Tiết lắc đầu, Tuyên Minh lại càng nổi giận hơn:
Ta đã cho rằng ngài là con người thông minh. Xin đừng để ta phải thất vọng về sự nhận xét đó. Triều thần sẽ nghĩ như thế nào nếu như ngài tố cáo ta – một vị chân tu có tiếng tăm – một vị quốc sư… mà phạm đến năm tội giết người… nhưng lại không có một mảy may chứng cứ? Lúc đó, có lẽ người ta sẽ nghĩ rằng ngài là kẻ điên khùng chăng, đường quan lộ của ngài do đó mà sụp đổ không cách nào cứu nổi. Còn ta, ta cũng buồn vô hạn vì ta vẫn cảm mến ngài kia mà!
Bản chức sẽ nhắc đến cái chết của ái nữ vị đại thần mà ngài đã kể cho ta nghe lúc nãy.
Đạo sĩ Tuyên Minh cười rũ rượi:
Phán quan Dịch Nhân Tiết ạ! Ngài đâu có biết rằng nhiều tai to mặt lớn đã dính líu vào vụ ấy sao. Chỉ cần ngài nói lên một tiếng thôi là lập tức ngài bị cất chức ngay, hoặc bị đày đi tận biên giới xa xôi… và cũng có thể người ta hạ ngục ngài lập tức.
Dịch Nhân Tiết suy nghĩ một lát, buông một tiếng thở dài:
Ngài nói có lý!
Lẽ dĩ nhiên! Ta thích thú được nói chuyện với ngài, vì ít ra thì ngài cũng là con người thông hiểu nhiều chuyện. Ta chỉ muốn ngài hãy quên hết những gì trong các cuộc đàm đạo giữa chúng ta. Và ngày mai ngài sẽ trở về Hàn Nguyên một cách yên ổn. Còn ta, ta lại tiếp tục cuộc sống êm ả trong tu viện này! Mà ngài cũng chẳng nên tìm cách cản trở công việc riêng của ta làm chi. Chắc chắn là ngài đủ thông minh để biết rằng ta vẫn còn chút ảnh hưởng đối với triều đình đó chứ? Ngài cần hiểu rõ một sự thật căn bản là luật lệ được làm ra để áp dụng cho người dân thường còn lớp người như ta thì lại khác. Ta ở trong nhóm người mà tài năng và sự hiểu biết được đặt lên trên cả luật pháp. Chúng ta đã vượt xa những khái niệm qui điều mà người ta thường gọi là điều thiện, điều ác. Lúc một cơn sét phá tan nhà cửa, giết hại người dân, ngài có đưa cơn sét ra tòa án không? Bài học đó sẽ bổ ích cho ngài về sau này hơn, khi ngài có cơ hội nắm giữ được chức quyền cao trọng ở kinh đô. Rồi ngài hãy nhớ lại cuộc đàm đạo giữa chúng ta, chắc chắn ngài sẽ nhớ ơn ta đã nói hết sự thật ra cho ngài rõ.
Tuyên Minh đứng dậy, đưa tay vỗ vào vai Dịch Nhân Tiết nói nhỏ:
Ta sẽ lau nền nhà đầy máu này sau. Bây giờ hãy đi xuống dưới đó. Các tu sĩ đang sửa soạn bữa ăn sáng và cả hai ta cần phải lấy lại sức. Đêm vừa qua cả hai ta đều phải mệt mỏi quá nhiều rồi!
Vị phán quan cũng đứng dậy. Nhìn thấy Tuyên Minh cầm lấy áo che mưa, Dịch Nhân Tiết lễ phép:
Xin ngài để bản chức cầm hộ. Xem chừng cơn giông đã tạnh rồi!
Tuyên Minh vừa nói cảm ơn vừa trao chiếc áo cho Dịch Nhân Tiết.
Đạo sĩ nói thêm:
Những cơn giông ở núi có những đặc điểm kỳ lạ: bùng nổ một cách đột ngột, phá phách dữ dội, rồi lại lặng yên mau chóng giống như lúc mới bắt đầu. Tuy nhiên ta cũng không buồn phiền gì, vì giông bão chỉ xảy ra trong mùa thu, còn lại cả năm, khí hậu ở đây lại tuyệt vời.
Dịch Nhân Tiết cấm lấy cây đèn. Lúc hai người bước ra khỏi tủ, Tuyên Minh xoay cái vòng tròn và nói:
Ta cũng chẳng buồn thay thế cái ổ khóa này làm chi vì những kẻ có khả năng nhận xét vị trí của nó ở đây cũng hiếm.
Cả hai im lặng bước xuống cầu thang. Bước đến bực cửa, nhìn những tảng đá mà hửng đông đang chiếu lên, những tảng đá đó mang màu xám. Tuyên Minh nói có vẻ thích thú:
Khô tạnh cả rồi! Lại không có gió. Chúng ta có thể bước qua cái sân rộng để đi đến phòng ăn.
Vừa bước đi, Dịch Nhân Tiết vừa hỏi:
Còn cái phòng bí mật kia, ngài sử dụng nó trong công việc gì? Bản chức có nhận thấy một căn phòng nhỏ nằm phía trên phòng chứa vật liệu đó! Đáng lý ra thì bản chức cũng chẳng nên đặt câu hỏi ấy làm chi.
Đạo sĩ Tuyên Minh đứng lại.
Ngài nói thế nào? Một căn phòng bí mật khác nữa sao? Ta không hề biết đến. Các nhà kiến trúc thời xưa thật rắc rối. Dù sao, ngài quả là một kẻ thông minh có thừa. Hãy chỉ ta thấy căn phòng bí mật đó đi!
Dịch Nhân Tiết dẫn Tuyên Minh tới một cái sân nhỏ nằm giữa cánh phía đông phòng chứa vật liệu. Đặt đèn và áo xuống mặt đất, vị phán quan nâng cái then cài nặng nề rồi mở cửa, đoạn ông ta lùi lại để Tuyên Minh bước tới. Tuyên Minh vừa bước vào thì Dịch Nhân Tiết đóng ngay cửa, cài then vào chỗ cũ.
Đạo sĩ Tuyên Minh bất thần bị nhốt kín bên trong, đưa tay đập cửa thình thịch. Bên ngoài, Dịch Nhân Tiết bình tĩnh cầm đèn lên và đưa mắt nhìn qua kẽ hở.
Phía bên trong, Tuyên Minh vẫn la lớn:
Ngài định nhốt ta vào đây sao? Như vậy nghĩa là thế nào?
Như vậy nghĩa là ngài sẽ bị xử ở ngay đây, đạo sĩ Tuyên Minh ạ! Chính ngài đã nói với ta là ngài không thể nào bị xử trước tòa án của ta. Thế thì ta phải đưa ngài ra trước một vị quan tòa lớn hơn ta. Ông Trời sẽ định đoạt vụ xử này. Để xem thủ phạm năm vụ giết người có bị trừng phạt không, hay chính ta sẽ bị hại thay thế cho ngài. Trong hai cách, ít ra ngài có đến được hai cái may mắn để tự giải thoát trong khi các nạn nhân của ngài không có được một may mắn nào cả. Có thể rằng dụng cụ của công lý để ngài yên. Cũng có thể nó sẽ tấn công ngài và ngài sẽ kêu cứu được một người duy nhứt ở đây để cứu ngài.
Tuyên Minh sợ tái mặt.
Vị đạo sĩ hét như điên:
Người duy nhứt? Người đó là ai? Đồ khốn nạn! Chỉ chừng một tiếng đồng hồ nữa là hàng chục tu sĩ sẽ đổ ra sân và họ sẽ tìm cách cứu ta.
Vâng. Nếu như ngài sống đến giờ phút đó! Nhưng ngài nên nhớ dụng cụ công lý đang ở cạnh ngài.
Tuyên Minh quay mình lại. Có tiếng gầm gừ dữ tợn từ trong bóng tối vang ra.
Bám mình lên mấy song cửa, Tuyên Minh la lên với giọng cuống quýt lo sợ:
Việc gì sẽ xảy đến cho ta đây?
Dịch Nhân Tiết ráng trả lời lần cuối:
Rồi ngài sẽ biết ngay mà!
Trong lúc Dịch Nhân Tiết bước qua cánh cửa của ngôi đến thờ thì một tiếng thét kinh sợ vang lên như muốn xé tan bầu không khí êm ả trong buổi hửng đông.