Tôi tên là Kiều Lan, tôi về giảng dạy môn văn chương Pháp tại Đại Học Sherbrooke, Québec từ hơn 15 năm nay. Cách đây 10 năm, tôi gặp phải tiếng sét ái tình và yêu mê đắm một người đàn ông đã có vợ. Tên ông ta là Hoàng.
Với mối tình ngang trái như vậy, chúng tôi cố gắng giữ bí mật càng lâu càng tốt. Nhưng rồi với thời gian, mà thành phố thì quá nhỏ bé, thỉnh thoảng chúng tôi lại đụng đầu nhau trên đường phố. Các bạn hãy tưởng tượng mà xem, ông chồng, bà vợ và người tình của chồng trong một góc phố Việt Nam!!! Cũng dễ đối phó thôi! Chúng tôi là đồng nghiệp trong trường, sự chào hỏi vui vẻ, huyên thuyên vài ba câu chuyện thân thiết giữa bạn bè là một chuyện tất nhiên! Và bà vợ của người yêu tôi cũng có vẻ tin tưởng như vậy... Nhưng khi bà ta và tôi đối mặt  với nhau mà không có người đàn ông bên cạnh thì chúng tôi nhìn nhau như hai con chó sói, miệng không hé một lời!
Vào mùa hè năm đó, Hoàng đổ bệnh phải vào nhà thương cấp cứu. Các Bác sĩ quyết định cắt đi một phần tư lá phổi bên trái và  Hoàng phải nằm lại một thời gian ở phòng hồi sinh vì quá nhiều biến chứng sau khi giải phẩu.
Cái chuyện phải ngồi ở trường, chờ tin tức của người yêu do các bạn đồng nghiệp đưa về làm tôi mất hết kiên nhẫn và cảm thấy khổ sở quá. Tôi nóng lòng đến nổi có một lần gặp vợ Hoàng ở ngoài chợ, tôi dám cả gan tiến đến gần bà và mở miệng hỏi thăm về sức khỏe của Hoàng.
Với nét mật sắc lạnh, bà ta trả lời một cách cộc lốc “không khá gì mấy!”
Trong thâm tâm, tôi có cảm tưởng bà muốn mắng thẳng vào mặt tôi như sau:
- Cô chẳng tốt đẹp gì đóng vai một đồng nghiệp lo lắng cho bạn! Đồ thứ đàn bà  giả dối!! Bộ ta không biết cô là ai sao???
Tôi cảm thấy quả thật tôi quá giả dối! Tôi là người đàn bà chẳng ra gì, thật là vô tích sự, giá trị đức hạnh không đáng một đồng xu!!
Có lúc tôi nghĩ rằng Hoàng không thuộc về tôi, chỉ có bà Diễm mới là của chàng, lúc khác tôi lại muốn Hoàng chỉ là của tôi thôi, tôi là người đàn bà độc nhất của Hoàng... vì chúng tôi yêu nhau...
Tình thế thật là rối rắm...Tôi vùng vẫy trong tuyệt vọng.
Vào tháng 8, tin tức do các bạn đem về càng lúc càng tệ, Hoàng  vẫn chưa được ra khỏi phòng hồi sinh. Tôi quá nóng ruột, cầm điện thoại lên, tôi liên lạc thẳng với bệnh viện. Họ hỏi tôi có phải là thân nhân của Hoàng không?
Câu hỏi như một nhát dao đâm ngập vào tim tôi, rướm máu, đớn đau... Cuối cùng cô Y tá cho tôi biết giờ giấc được phép thăm viếng của gia đình, hai tiếng đồng hồ mỗi ngày. Lẽ tất nhiên, thời gian eo hẹp như thế, nếu tôi đi thăm Hoàng, tôi sẽ chạm mặt với bà vợ và gia đình của người yêu. Do vậy, tôi cố gắng điện thoại rất thường để hỏi thăm tin tức của Hoàng, đến nổi tôi làm quen được với cô Y tá trực đêm ở phòng hồi sinh. Cô ta cho tôi biết tên và  giờ giấc làm việc của cô. Thế là tôi điện thoại đến để nói chuyện trực tiếp với cô. Cô cho biết Hoàng vẫn tỉnh táo nhưng về thể chất thì càng ngày càng tệ hơn. Tôi thú thật với cô rằng Hoàng là người yêu của tôi. Có lẽ cô cũng cảm động cho sự bền chí và tình yêu của tôi đối với người bịnh cho nên mặc dù không được phép vào thăm như luật lệ nhà thương, cô cũng thu xếp cho tôi gặp thăm Hoàng một lần, một lần đặc biệt, tôi thật là vui mừng!
Tối hôm đó, tôi đến bệnh viện với một tâm trạng rối bời, tôi cảm thấy xấu hổ đã lẻn vào nhà thương trong đêm tối, vào giờ đã đóng cửa thăm viếng, đi rón rén như một con bé ăn trộm sợ bị bắt quả tang.
Sáng hôm sau, không còn chịu đựng được tình trạng rối rắm này nữa, trời đất xui khiến, tôi lấy hết can đảm, cầm điện thoại lên, gọi đến cho vợ Hoàng, và nói rằng:
- Tôi là Kiều Lan!
Tôi chỉ nói được thế rồi im bặt, nhưng tôi nghĩ, như vậy là đủ, như vậy là đã rõ ràng lắm rồi, quá rõ ràng!
Bà Diễm im lặng rất lâu trong điện thoại và rồi câu hỏi vang lên, mơ hồ, vô cảm.
- Hình như...cô muốn gặp Hoàng??
Tôi như ở trong mơ, căn phòng xoay chầm chậm và bập bềnh như trôi trên sóng nước...
Tôi trả lời lờ lửng, ngập ngừng...
- Thành phố Sherbrooke là một thành phố nhỏ...
Và bổng nhiên lúc đó, miệng tôi đầy nước, tôi nuốt ực xuống, đôi môi tôi tự nhiên mở ra, và rồi những chữ, những câu bắt đầu tuôn ra như suối, tôi thú tội không chút ngượng ngập:
- Chị Diễm (đây là lần đầu tiên tôi kêu tên vợ Hoàng), quả vậy, tôi điện thoại đến bệnh viện mỗi đêm để hỏi thăm về bệnh tình của Hoàng nhưng tôi không dám đến thăm Hoàng vì tôi nghĩ đó là một hành động không đẹp đối với chị, và cả đối với Hoàng nữa. Tôi chỉ có thể đến thăm Hoàng với sự đồng ý của chị...
Tôi còn muốn nói nhiều nữa, nhiều nữa, thố lộ hết nổi niềm đầy ứ trong tim tôi, ngập tràn trong óc não tôi... Ví dụ tôi rất yêu Hoàng, nhưng tôi cũng rất lo sợ vì biết rằng cũng chẳng đến đâu...
Diễm yên lặng rất lâu, rồi bên kia đường giây có tiếng nói.
- Ngày mai mình gặp nhau trước cửa nhà thương vào lúc 2 giờ chiều.
Chỉ có vậy, Diễm gác máy, và tôi cũng thở ra, cả hai chúng tôi không ai muốn đảo sâu thêm nữa.
Ngày mai lại, khi tôi đến, Diễm đã có mặt, dáng vẻ lạnh lùng xa cách, nhưng dầu sao cũng bớt đi vẻ cao ngạo.
Khi vào đến cửa phòng hồi sinh, chúng tôi phải khoác vào bộ áo quần khử trùng. Diễm cẩn thận chỉ cách cho tôi gài nút, đóng fermeture, giúp tôi đội mũ và nói rằng: - Thật là đau lòng và khổ tâm khi mỗi ngày nhìn thấy bao nhiêu là bệnh nhân nằm sau cánh cửa cách ly mà không làm gì được. Và rồi Diễm tiến đến gần một cánh cửa, nói vói lại,
- Tôi đi đây!!
Tôi đứng một mình, bơ vơ, ngỡ ngàng, tôi nghĩ rằng Diễm muốn nói với tôi:
- Tôi đi thăm chồng tôi đây!! Còn cô, cô về đi!!
Nhưng mà không phải vậy!! Vì chỉ một lúc sau, tôi thấy mình đang ngồi ở chân giường bịnh của Hoàng.
Hoàng nằm đó, ôi, Hoàng đã ốm đi nhiều lắm! Không những ốm gầy đi mà còn già đi nữa!! Mới chỉ vài tháng qua đi kể từ lần cuối chúng tôi gặp nhau, tôi nghẹn ngào...
Hoàng đang thức, khi anh nhìn thấy tôi, căn phòng bổng dưng như rung động, ánh sáng thay đổi, những máy móc chung quanh Hoáng bắt đầu chuyển động, nhịp điện đồ trên màn ảnh đập rất mau, phát ra ánh sáng xanh nhấp nháy và mơ hồ, tôi nghe tiếng nói phát ra xa xăm như từ vực sâu đưa đến:
- Em xem, anh vẫn còn sống đây!!
Tôi cầm lấy tay anh,
- Chị Diễm, vợ anh, đưa em vào thăm anh đây!
Và như vậy, tôi đến thăm anh!
Hòang không nói được gì nhiều vì anh rất yếu, và xung quanh anh gắn đủ thứ dây nhợ máy móc...Tôi kể cho anh nghe tin tức ở trường, và các bạn, các đồng nghiệp. Anh đặt một bàn tay lên mặt của tôi, đó là một cử chỉ thân ái, nữa như muốn chở che, an ủi, nữa như một lời xin lỗi, ân hận  rã rời...
Khi tôi đứng dậy ra về, anh vẫn lập lại: Anh vẫn còn sống đây!!
Tôi gật đầu, lòng nghẹn ngào cố ngăn dòng nước mắt đầy ứ bờ mi, khi ra đến cửa phòng hồi sinh thì không cầm giữ được nữa, tôi kín đáo chùi nhanh dòng lệ vì chung quanh tôi còn có nhiều người trong tình trạng khó khăn.
Tôi cảm thấy  có người đang nhìn tôi, đó là Diễm, Diễm đặt tay lên vai tôi rồi im lặng vào thăm chồng, còn tôi ra ngồi một băng đá bên ngoài chờ Diễm.
Mười phút sau, Diễm ra đến nơi và chúng tôi quyết định trở về bằng đường bộ. Về đâu?? Không ai nói một lời. Chúng tôi đi chầm chậm bên nhau cho đến phố chính, tìm một quán cà phê ngoài trời, ngồi xuống và bắt đầu trò chuyện.
Diễm thố lộ rằng Diễm đang sống trong một sự chờ đợi, không biết chờ đợi điều gì, một sự thay đổi...một sự phục hồi...có thể là một sự phục hồi thể xác của người thân, có thể là sự phục hồi của tình cảm...
Hai năm trước, lúc Hoàng chưa ngã bệnh, Diễm đã cố gắng phục hồi tình cảm trong đời sống vợ chồng nhưng vô hiệu. Hạnh phúc đã cất cánh bay xa...Nhưng hiện tại, niềm mong muốn độc nhất trước mắt là sức khỏe, bình an vô sự của Hoàng, rồi Diễm nói thêm: trong tình thế như vậy, chỉ có một điều đáng hy vọng, trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn Diễm, là sự giúp đỡ của Kiều Lan!!
Diễm bắt đầu gọi tôi bằng tên một cách thân mật, không đề cập gì đến mối tình yêu giữa tôi và Hoàng...làm như Diễm không muốn đặt thêm những rắc rối khó xử lên đầu lên cổ người chồng yếu đau bệnh hoạn, và điều đó làm cho tôi rất lấy làm cảm kích.
Diễm tiếp tục nói về các con. Họ có với nhau ba con, hai trai, một gái. Đứa đầu đã vào đại học hai năm. Diễm kể cho tôi về những dự tính tương lai của các con…
Trong câu chuyện, có một lần độc nhất, Diễm đề cập đến sự dính líu tình cảm của bộ ba chúng tôi ( Diễm, tôi và Hoàng), là sự mong mỏi của Diễm rằng Hoàng có một chút tình cảm, yêu thương với vợ, người vợ cùng chung sống trong rất nhiều tháng năm.
Kể từ hôm đó, chúng tôi thay phiên nhau mỗi ngày vào thăm và chăm sóc Hoàng. Hoàng cũng không bao giờ đề cập đến, hỏi đến hay nói gì về vợ mình. Hoàng đang nổ lực chiến đấu khốc liệt với bệnh tình để dành lấy sự sống và hình như, từ từ với thời gian Hoàng đang dành được.
Tôi thường gặp Diễm ở nhà thương và chúng tôi rủ nhau đi uống cà phê ở Cafeteria của bệnh viện. Chúng tôi có cảm tưởng đang chia nhau chăm sóc cho một em bé, hai người chị lớn săn sóc cho em! Điều đó nói ra thật buồn cười và có vẻ rất đàn bà.
Tình trạng sức khỏe của Hoàng bổng nhiên thấy khá hơn vào cuối tháng 10. Sau những tháng đắm chìm trong địa ngục phòng hồi sinh, Hoàng được di chuyển lên lầu tư để dưỡng bệnh. Hoàng đã nói chuyện được một cách dễ dàng và câu hỏi đầu tiên Hoàng hỏi tôi là sự cố gì đã xảy ra giữa hai người đàn bà chúng tôi??
Quả vậy, lúc đầu tiên, tuy không nói được, Hoàng cảm thấy lo lắng lắm, và tôi đã kể hết cho Hoàng nghe. Hoàng nằm im lặng trong khi tôi nói, nước mắt chảy dài  trên hai má anh.
Cơn bệnh khắc nghiệt và  thời gian nằm bất động trong nhà thương đã giúp Hoàng sống qua những nét thăng trầm của bản đàn tình cảm.
Anh tuyên bố : - Chuyện này không thể có được giữa hai người đàn ông! Thật vậy, không bao giờ!!
Mồng 10 tháng 12 năm đó, Hoàng được phép rời bệnh viện. Ở nhà, Diễm và các con đã bắt đầu trang hoàng nhà cửa mừng lễ Giáng sinh và chờ đón Hoàng về.
Ngay tối hôm đó, Hoàng điện thoại cám ơn tôi. Câu hỏi của anh đặt ra là bây giờ chúng ta phải làm gì?
Diễm đã tìm lại được người chồng yêu quí. Hoàng đã bị chinh phục bởi cách đối xử, cung cách, tình cảm của Diễm, cái cung cách đối xử với người yêu của chồng mình. Cuối cùng rồi họ cũng có thể sống lại với nhau, bên nhau, với một chút gì tình cảm dính líu đến tình yêu!
Còn tôi, Kiều Lan, tôi mất đi một người tình rất dấu yêu nhưng tôi tự nghĩ rằng, giữa chúng tôi, có một thứ tình cảm lớn hơn, mạnh hơn, đẹp hơn, quí giá hơn, đó là sự tìm ra được một câu trả lời, một giải pháp!! Tôi cảm thấy vui mừng, tự tin và hảnh diện đã có được một tình bạn đơn sơ, bền vững cho mãi đến bây giờ.
Tôi xem Hoàng như một người chồng cũ, đã làm lại cuộc đời với một người đàn bà tên Diễm.
Còn tôi, chỉ một năm sau đó, tôi đã gặp người bạn tình khác. Chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc cho mãi đến bây giờ.
Tôi lấy làm sung sướng đã được nếm và hiểu biết thế nào là tình yêu, đã đủ sức đối mặt với tình yêu mặc dù tình yêu thật không giống gì trong tưởng tượng.
Hết

Xem Tiếp: ----